Home » » trí thức và cái bánh vẽ

trí thức và cái bánh vẽ

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 23:03

Cái bánh vẽ
Năm 2009, Salman Khan bỏ không làm nhà phân tích tài chính ở một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Wall Street. Anh về nhà xuống hầm giảng bài, thu băng, và upload lên Youtube. Các bài giảng của anh đều về các đề tài sơ cấp: lượng giác, lịch sử, đại số, … Vài nghìn clips (và chục nghìn giờ lao động) sau đó, và Khan Academy hiện nay đã có tài trợ từ nhiều tổ chức: Google, quỹ Gates, vân vân. Các video clips của tổ chức phi lợi nhuận này đang len lỏi hàng đêm vào tầng hầm của nhiều triệu trẻ em các nước — phát triển hay thế giới thứ ba.
Sebastian Thrun là một giáo sư Khoa Học Máy Tính cực kỳ nổi tiếng của đại học Stanford, chuyên về Robotics. Năm 2005, cái xe không người lái của nhóm nghiên cứu của anh thắng giải “Thách thức lớn của DARPA“. Năm 2010, anh dẫn đầu nhóm của Google cho xe không người lái chạy trong thành phố. Năm ngoái Sebastian đồng giảng dạy lớp Trí Tuệ Nhân Tạo mở của Stanford (với Peter Norvig, giám đốc nghiên cứu của Google), hoàn toàn miễn phí trên mạng cho … 160 nghìn học viên trên toàn thế giới. Ai muốn đăng ký cũng được. Trải nghiệm này đã thay đổi Sebastian. Số học viên từ Lithuania nhiều hơn số sinh viên Stanford lấy lớp này. Có những học viên từ Afganistan, phải đi qua vùng đạn lửa để có vài giờ kết nối Internet để làm và nộp bài tập. Khi hoàn tất, có 248 học viên được điểm tuyệt đối. Không có bất kỳ ai trong 248 học viên này là … sinh viên Stanford, trường đại học số 1 thế giới! Sebastian vừa bỏ tenure ở Stanford, thành lập Udacity, một trường đại học miễn phí trên mạng. Mục tiêu của anh là lớp đầu tiên sẽ có nửa triệu học viên. Tôi không biết nên mô tả cho bạn đọc việc lấy tenure ngành Khoa Học Máy Tính ở Stanford khó như thế nào. Khoa máy tính ở đó là một phần khối óc của thung lũng Silicon.
Bill Gates là một cái tên không cần giới thiệu. Từ năm 2007 đến nay ông đã hiến ít nhất 25 tỉ đô la làm từ thiện, theo một nguồn thống kê đã cứu được gần 6 triệu mạng người, khỏi viêm gan siêu vi B, sốt xuất huyết, SIDA, v.v.
Vài trăm ngàn học viên của Salman và Sebastian, và vài triệu sinh linh mà Bill giúp cứu mạng chắc hẳn là hoàn toàn đếch quan tâm xem Salman, Sebastian, và Bill có phải là trí thức chính hiệu hay không. Ngược lại, Salman, Sebastian, Bill cũng tuyệt đối không có thì giờ tranh luận xem chữ trí thức nên viết hoa hay viết thường, là phải trung thành hay đối lập. Họ còn bận nướng cái bánh thật, cho những người đói thật.
Con đường đi đến cái bánh thật không cần đi qua tranh luận về cái bánh vẽ.
Tôi rất ngưỡng mộ và biết ơn Talawas thời kỳ đầu mà chị Phạm Thị Hoài và các cộng sự mất bao công gầy dựng. Talawas thời kỳ đầu, như Khan Academy với tôi là một thằng bé trong tầng hầm của mình. Đến giai đoạn Talawas chuyển thành blog thời kỳ 2 thì tôi có cảm giác toàn bộ năng lượng được chuyển thành năng lượng “âm”. Vẫn còn ở trong tầng hầm, nhưng cá nhân tôi thấy không còn học được gì ở đó nữa. Nêu ví dụ này để nói rằng, vấn đề không nằm ở chỗ “đối lập” hay không “đối lập”. Talawas chắc có thể gọi là “đối lập”. Còn Bill, Sebastian, và Salman đều không đối lập (như Chomsky hay Moore). Nếu đã không xắn tay áo làm bánh, thì tầm ảnh hưởng của một tiếng nói đến cái bánh thật chỉ còn phụ thuộc vào hàm lượng tri thức nằm trong tiếng nói.
Chém gió trong một cái võ đài rỗng về hàm lượng tri thức là một sự phí phạm cuộc sống đáng tiếc.
“Trí Thức” — bất kể viết hoa hay viết thường — đều là Cái Bánh Vẽ — viết hoa.
http://www.procul.org/blog/2012/01/24/cai-banh-v%E1%BA%BD/

Ý kiến về bài viết “Cái bánh vẽ”:

1/ Phạm Việt Hưng, http://viethungpham.wordpress.com/
Định lý Bất toàn của Kurt Godel chỉ ra rằng không có một hệ logic khép kín nào là đầy đủ, là hoàn hảo. Thực tiễn ở đời cũng cho thấy chẳng có cái gì là hoàn hảo. Nhưng than ôi, khát vọng của nhân loại luôn luôn hướng tới sự hoàn hảo. Đó là một nghịch lý lớn giữa hiện thực và khát vọng của con người.
Có hai cách chấp nhận nghịch lý đó:
Một,gone with the wind”, buông xuôi, chấp nhận mọi sự xuống cấp, “sống chung với lũ”, với cái xấu, với cái phản nhân văn.
Hai, sống theo lời dạy bảo của cha ông: cố gắng hoàn thiện mình, tham gia vào công việc xã hội, dù nhiều hoặc ít, sao cho môi trường sống của mình càng ngày càng tốt đẹp hơn, đỡ hôi tành mùi bùn hơn, giống y như dọn rác và làm vệ sinh môi trường vậy.
Lựa chọn một dễ hơn. Phải chăng đó là cái hiện thực đáng buồn làm cho xã hội phải đặt dấu hỏi “trí thức là gì?” (vì trí thức vốn được xã hội kỳ vọng)? Nếu đúng như vậy thì câu hỏi “trí thức là gì?” không phải là một cái bánh vẽ, mà là một thứ thuốc đắng. “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, âu cũng là lẽ thường.
Lựa chọn hai khó hơn. Có hàng đống sự thật cảm động cho thấy những con người đích thực thường có lựa chọn hai. Con gái tôi vừa nhắc tôi nên xem lại cuốn phim bất hủ “Schindler List” để nghe lại một câu nói của Oskar Schindler, đại ý là “Save a person, save the world”, nghe từa tựa như câu của Nhà Phật: “Cứu được một người phúc đẳng hà sa”, hoặc câu của Mother Theresa: “Nếu bạn không giúp được nhiều người, hãy giúp một người”. Tôi coi Bill Gates là một bậc thánh vì đã làm từ thiện tới 28tỷ USD và sẽ còn làm tiếp. Có thể ông không bận tâm tới câu hỏi “trí thức là gì?”, nhưng tôi đoan chắc ông bận tâm với nhiều câu hỏi dằn vặt khác của nhân thế, thậm chí còn mang tính triết lý sâu sắc hơn câu hỏi “trí thức là gì?” rất nhiều. Chỉ những người biết đau nỗi đau của nhân thế thì mới biết làm những việc cứu nhân độ thế, chứ không phải những trí thức trùm chăn có thể làm được việc ấy. Kể cả những tấm gương trong câu chuyện mà anh [...] cung cấp, chắc chắn họ cũng có những suy nghĩ sâu sắc về lương tri để rồi làm những việc đó, thay vì cứ trùm chăn mà làm anh hùng!
Trùm chăn cũng không thể đặt ra câu hỏi “trí thức là gì?”. Câu hỏi đó chẳng qua là một kiểu đánh thức: ẩn đằng sau câu hỏi “trí thức là gì?” thực ra là một nỗi đau nhân thế, một nỗi dằn vặt về thời đại. Câu hỏi ấy không có ý nghĩa academic để chúng ta phung phí thì giờ tìm kiếm một định nghĩa trong từ điển, để rồi rơi vào tình trạng “suspended in language” (Niels Bohr).
Câu hỏi ấy, như tôi hiểu, chỉ là một gợi ý để chúng ta cùng suy ngẫm xem tại sao xã hội bây giờ lại như thế, con người bây giờ lại như thế, và mỗi chúng ta (trí thức?!) đã làm hết bổn phận của mình chưa? Câu hỏi đó không phải là “I ask you”, mà là “I ask myself”, “we ask ourselves”. Vậy chẳng nên biến câu hỏi đó thành chuyện debate hơn thua, mà nên coi nó như một discussion để làm sáng tỏ một vấn đề thuộc về nhân tình thế thái – một vấn đề có thể không liên quan trực tiếp đến bản thân ai đó, nhưng chắc chắn sẽ có hệ lụy không nhỏ đến con, cháu chúng ta.
Xuất phát từ thái độ trân trọng những lo âu dằn vặt của người khác, đặc biệt của những tấm gương khả kính, tôi xin bầy tỏ thái độ trân trọng đối với những vị đã gợi ý câu hỏi “trí thức là gì?”.
***
2/ Nguyễn Đức Hiệp, Hiep.Duc@environment.nsw.gov.au
“Tôi nghĩ bài “Cái bánh vẽ” này cũng cường điệu và không bổ ích chi lắm.
Bàn về tri thức hay trí thức cũng có cái lợi là vạch rõ ra nhiều điều nhiều người thường nhầm lẫn. Tranh luận và nói chuyện về trí thức không có nghĩa là suốt ngày tháng chỉ bàn về vấn đề này thôi. Mọi người còn có chuyện khác và công việc của mình vẫn làm. Nhưng nếu có bạn có thì giờ đôi chút bàn cãi thì tốt và vì thế có lúc tôi có thì giờ xem thì tôi cũng học hỏi đôi chút. Có bạn không có thì giờ thì không tham gia vào.
Nhưng gạt bỏ để khuyên người khác là nên chuyên tâm vào những việc khác (như những việc đại sự của các nhà có tầm vóc đã làm) và cho là các người làm chuyện “bánh vẽ” thì tôi cho là trẻ con (nhẹ) hay khinh người, fascist học thuật (nặng).”
3/ GS. Phạm Quang Tuấn, http://www.ceic.unsw.edu.au/staff/Tuan_Pham/
“Tôi cũng thấy nó (bài “Cái bánh vẽ” – NV) chẳng bổ ích gì cả mà còn có hại vì nó tiêu biểu về cách “đánh trống lảng” của người Việt. Kiểu đánh trống lảng này khiến ít khi bàn chuyện gì tới nơi tới chốn.
Đang bàn chuyện trí thức có cần phản biện hay không, trí thức có phải là chỉ cần làm việc chuyên môn hay không, bỗng chạy sang chuyện Bill Gates cống hiến mấy chục tỷ cho từ thiện… rồi chêm thêm tí mỉa mai về “cái bánh vẽ” (tương tự với giọng điệu mỉa mai của X về “thi đua được phong hàm trí thức”). Chán thật!
Biết bao giờ người Việt (ít ra là người Việt có học thức) mới biết tranh luận cho ra hồn.”
Vậy thì xin không bàn về trí thức nữa mà bàn về opposite của nó: người ngu xuẩn :)
Người ngu xuẩn tiếng Anh, Pháp gọi là idiot. Chữ này gốc Hy lạp cổ, xuất hiện từ thời chế độ dân chủ đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại Athens cách đây 25 thế kỷ. Chữ democracy (dêmokratia) chính là do người Hy lạp cổ sáng chế ra. Trong một chế độ dân chủ, công dân có bổn phận tích cực tham gia vào việc công, từ bầu cử tới đóng góp ý kiến, tranh luận chính trị xã hội. Những người có tư cách để làm (tức là công dân) mà không làm những việc đó, thì được gọi – một cách khinh khi – là “idiot”, tức là người vị kỷ, chỉ lo việc mình mà không biết lo lắng việc công. Mọi công dân sinh ra đều là “idiot”, phải được giáo dục để trở thành công dân xứng đáng, tức là có tham gia việc công. Triết gia Aristotle đã từng nói: “kẻ nào không tham gia vào việc công thì phải là súc vật hay thần thánh!”. Lâu dần, chữ idiot được dùng để chỉ những kẻ ngu xuẩn nói chung”
===============

4. GS X ‘tự mâu thuẫn’?


Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã tham gia phản biện nhiều vấn đề xã hội trong nước.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đồng chủ trì một trang mạng phản biện của giới trí thức Việt Nam, trang Bấm Bauxite Việt Nam, nói với BBC rằng Giáo sư X đã “tự mâu thuẫn” khi bàn về vai trò phản biện của trí thức trong một phỏng vấn đăng ở Việt Nam gần đây.
Trước đó, phát biểu trên Bấm Tuổi trẻ Online hôm 20/01, nhà toán học được trao trải thưởng Fields của Việt Nam nói ông “không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’ và cho hay, theo quan niệm của ông “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”
Bình luận về quan điểm này của Giáo sư X, Giáo sư Huệ Chi cho BBC hay hôm 23/01:
“Nếu anh cặm cụi với chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải là trí thức, hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội.”
Theo Giáo sư Huệ Chi, đã nói tới trí thức là phải nói tới những ai có “tầm nhìn” vào xã hội và “lương tri” của trí thức phải có một “ánh sáng” để hướng dẫn xã hội.
“Muốn thế, trước những vấn đề lớn của đất nước và của cộng đồng, anh phải có ý kiến. Mà ý kiến này là một ý kiến độc lập, tự anh, chứ không phải lệ thuộc bởi một thế lực nào hết, thì đó mới là trí thức. Còn nếu không, anh chỉ là người làm chuyên nghiệp thôi.”
Chuyên gia về văn học, văn hóa Việt Nam cổ, cận đại cho rằng cách nghĩ của các trí thức “trùm chăn” hay tự giới hạn mình ở trong “tháp ngà” trong quá khứ nay không còn phù hợp nữa. Ông nói:
“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết”
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
“Ngày xưa người ta gọi là trí thức trùm chăn. Tức là chỉ nằm trong tháp ngà, rồi nói những điều cao đạo, hoặc là chỉ làm những việc chuyên môn của mình để kiếm đồng tiền, kiếm lương. Tôi nghĩ cách nghĩ như thế không toàn diện về trí thức.”
Người từng nắm cương vị Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Văn học Việt Nam khẳng định: “Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết.”
Không ‘sống lơ lửng’
Giáo sư X (phải) nhấn mạnh trước hết tới yếu tố “chuyên môn” trong công việc của người “trí thức.”
Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn với truyền thông trong nước hôm thứ Sáu, Giáo sư X cũng thừa nhận tầm quan trọng của phản biện xã hội, cũng như sự trân quý đối với trí thức và những ai phản biện xã hội. Ông nói với tờ Tiền Phong:
“Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.”
Song chính tại điểm này, một lần nữa, Giáo sư văn học Nguyễn Huệ Chi tiếp tục “phản biện” nhà toán học năm nay ở tuổi 40, và cho rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu “mâu thuẫn”.
Ông nói với BBC: “Giáo sư X cũng đã nói đến cái phần sau là nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai?”
“Cho nên tôi nghĩ chính Giáo sư Ngô Bảo Châu mâu thuẫn, bị rơi vào mâu thuẫn, chứ thực ra thì anh ấy nói cũng không sai.”
“Giáo sư X cũng đã nói đến cái phần sau là nếu không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai”
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
Người chủ trì trang mạng Bauxite Việt Nam tỏ ra tán thành với Giáo sư X rằng trí thức phải làm rất tốt phần chuyên môn “chuyên sâu rất chuyên biệt của anh mà người khác không thể làm được.”
Thế nhưng ông nhấn mạnh thêm một đặc điểm nhận thức luận mà ông gọi là “nghĩa vụ xã hội” và “nghĩa vụ cộng đồng” được xem là quan trọng để xác định căn cước, tư cách và vai trò trí thức trong xã hội.
“Nhưng đồng thời anh vừa là lương tri, vừa là ánh sáng của lương tri, mà vừa là nghĩa vụ mà do quá trình hình thành trí thức của anh, anh ý thức được – tức là nghĩa vụ đối với xã hội, nghĩa vụ đối với cộng đồng, thì anh phải làm việc hướng dẫn cộng đồng.
“Mà hướng dẫn cộng đồng, tất nhiên là anh phản biện. Mà phản biện thì anh phải phản biện trên tinh thần độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào khác, thì đó mới là trí thức.”
Chuyên gia văn học Việt Nam còn lưu ý rằng “trí thức sống ở trong một cộng đồng, chứ không phải là anh ta tách rời và sống lơ lửng ở trên không trung.”
Giáo sư Huệ Chi, ngoài ra cũng đưa ra một số nhận xét đáng chú ý liên quan tới các động thái, hoạt động có liên quan tới Việt Nam trong thời gian vừa qua của ông X, cũng như bình luận về quan điểm của một số Bấm trí thức, Bấm nhân sỹ được BBC đăng tải gần đây trên bbcvietnamese.com xung quanh Bấm chủ đề trí thức và Đảng lãnh đạo.
Nguồn:
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved