Home » » những lá cờ

những lá cờ

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012 | 01:14


BÁ TÂN
Treo cờ tổ quốc là cử chỉ thể hiện lòng yêu nước của dân ta. Những ngày đại lễ, cờ tổ quốc rợp trời ở khắp nơi. Riêng gia đình tôi, treo cờ tổ quốc thường xuyên vượt chỉ tiêu kế hoạch. Khi tôi ngồi viết bài này, phía ngoài cửa sổ gác 3, cờ tổ quốc phần phật trong khí trời rét buốt. Thời tiết năm nay dữ dằn quá. Thiếu ăn thiếu ấm, người nghèo càng trở nên tê tái trong các đợt rét dài, rét đậm. Ăn ngon, ở ấm là giấc mơ đi suốt cuộc đời. Cái đích ấy đang ở phía chân trời với hàng triệu người dân. Thế mà có những người cứ ra rả nói về ăn ngon,  mặc đẹp cho dân. Họ cứ tưởng vẽ ra hôm nay, ngày mai sẽ có. Chính khách mà lại lập ngôn theo kiểu nhà văn viễn tưởng. Nghe họ huyên thuyên trên diễn đàn,  cái lạnh trong lòng dân càng thêm tê tái.
 Lại có cuộc vui, Xuân Ba gọi điện triệu tập đột xuất. Tôi từ chối, khiến hắn bớt vui. Đồ nhắm ngon không thay được bạn hiền. Thiếu bạn, niềm vui bị vơi nhưng không méo mó. Giữa đêm khuya lạnh giá, trái tim Xuân Ba thổn thức nồng ấm khi biết bạn bè đồng nghiệp có thêm những đứa con tinh thần sống được trong lòng dân.
           
Nhà nhà có cờ tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị có thể thu nhập thấp, thậm chí nợ tiền lương của người lao động nhưng không thể thiếu cờ tổ quốc. Cả nước có hàng chục triệu lá quốc kỳ. Kết cấu và màu sắc dĩ nhiên không thể khác nhau. Theo tôi, về ý nghĩa, từ 1954 đến nay có ba lá cờ tổ quốc để lại dấu ấn đặc biệt.
1954, cờ đỏ sao vàng chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries . Chiến dịch Điện Biên Phủ là bản trường ca bất hủ. Lá cờ đỏ chiến thắng trên đỉnh hầm của tướng bại trận. Mốc son ấy mãi mãi sáng người cùng lịch sử dân tộc. Quân ta chiến thắng với lá cờ đỏ thắm như dòng máu của triệu triệu người con đất Việt. Phía bại trận dương cờ trắng, màu trang phục y tế. Đầu hàng để được sống. Nghề thầy thuốc là giành lại sự sống từ tay thần chết. Màu trắng ấy đem lại sự sống. Thế giới chưa mất, sự sống vẫn còn. Giương cờ trắng để được sống. Đó là màu trắng trung thực, tránh cái chết, giành lấy sự sống. Làm tướng, ai cũng muốn đứng ở hàng đầu dưới cờ chiến thắng. Để bảo vệ tính mạng vô tội của ngàn vạn quân lính, lúc cần, tướng phải biết sử dụng cờ trắng. Bên cạnh cái mất là cái được. Thua một lúc, thậm chí thua nặng nề, nhưng giữ được cái mầm cho sự sống lâu dài. Làm người không chỉ có phận dương mà còn phải nghĩ tới phận âm- cái cho mình sau khi đã chết, cho cả con cháu mai sau. Thánh thần không phải của giới quan chức và nhà giàu. Thánh thần là (và phải là) của người tốt.
Ngày 30.4.1975, cờ đỏ chiến thắng lần đầu tiên ngự trên đỉnh cao nhất của dinh Độc lập Sài Gòn. Chế độ cũ sụp đổ. Nước nhà thống nhất. Giàu và giỏi đứng đầu thế giới, Mỹ chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa lại tung bay trên trời Sài Gòn. Cờ tổ quốc cắm lên dinh Độc lập cũng là thời điểm kết thúc cuộc chiến. Miền Nam không còn là chiến trường. Con em hai miền Nam – Bắc không còn nã đạn vào nhau. Đã gần 40 năm, ngày cũng như đêm, cờ tổ quốc luôn tung bay trên dinh Thống nhất( tên gọi mới của dinh Độc lập) Để có ngày chiến thắng, phải trả giá quá đắt. Hàng vạn người trở thành mồi của bom đạn. Chiến tranh đã lùi xa, nhiều di họa đau thương vẫn còn hiện hữu. Âm vang chiến thắng giảm dần, trong khi tiếng rên vết đau vẫn kéo dài.
Năm 2012 lại xuất hiện lá cờ rất đặc biệt. Nó tung bay trên khu đầm Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng, địa danh đi vào lịch sử hiện đại Việt Nam. Một sự trùng lặp mang tính quy luật: cờ đỏ tung bay báo hiệu cuộc chiến kết thúc. Hai lần trước, có ta và địch. Lần này, ở Tiên Lãng, không có địch, chỉ có dân với “đầy tớ của dân”. Không có địch nhưng vẫn có kẻ thua người thắng. Kẻ thua, không phải địch, chịu cái mất lớn hơn cái thua của địch. Mất chức. Mất quyền. Mất bổng lộc. Mất danh dự. Mất lòng dân… Làm tướng lúc cần phải biết thua. Làm đầy tớ của dân càng phải nhưng vậy. Biết thua dân để cho xã hội được yên lành, chế độ không bị bôi bẩn. Nếu quan huyện Tiên Lãng biết thua dân, làm gì xảy ra chuyện Đoàn Văn Vươn. Dân ta cực kì độ lượng. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Đó là đạo làm người muôn đời của dân ta. Đã ngu dốt cộng với tham lam, lại còn trâng tráo chổng lưng thách đố dân, thứ quan ấy phải trị cho tiệt nòi. Biết thắng biết thua. Biết tiến biết lùi. Biết đủ biết thừa. Con người hơn con vật là vì những cái biết như vậy. Nhìn vào những cái biết ấy, phân biệt được người với vật. Chức to, quyền lớn nhưng thiếu những cái biết đấy thì chưa phải là người. Không cần các nhà triết học trợ giúp. Chỉ cần biết làm người là có được những cái cần biết không thể thiếu.
Cuộc chiến của người dân Tiên Lãng kết thúc gắn liền cờ đỏ sao vàng tung bay trên đầm Vươn. Xảy ra ở Tiên Lãng nhưng hậu phương là mọi miền quê trong cả nước. Đoàn Văn Vươn không có lời hiệu triệu nhưng làn sóng ủng hộ được khơi nguồn từ hàng triệu trái tim. Chỉ có kẻ thù của nhân dân mới vu oan cho những người là đồng minh với người hùng Đoàn Văn Vươn.
 Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như sự kiện 30.4.1975 đã lùi vào quá khứ. Sự kiện Đoàn Văn Vươn rồi cũng đi qua nhưng bài học cho thời hiện đại sẽ còn mãi mãi. Ba sự kiện, ba thời điểm, kết thúc gắn liền cờ tổ quốc. Quốc ca định thay nhưng bất thành. Quốc kỳ, gắn liền với những sự kiện đặc biệt như thế, cho dù xảy ra “dịch bệnh loạn dự án” cũng không thể có loại dự án thay cờ tổ quốc.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved