Home » » BẨY ĐẠI TRIẾT GIA TRUNG QUỐC THỜI TIÊN TẦN- Hàn Phi Tử

BẨY ĐẠI TRIẾT GIA TRUNG QUỐC THỜI TIÊN TẦN- Hàn Phi Tử

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012 | 03:36

Hàn Phi Tử

280 – 233 trước Công Nguyên

1. SƠ YẾU CUỘC ĐỜI .

Hàn Phi, phỏng chừng sinh vào năm 280 trước CN. vốn thuộc dòng dõi quý tộc nước Hàn, tuy có theo hợc đạo Nho dưới môn Tuân Tử cùng Lý Tư, nhưng lại có tư tưởng khác biệt với thầy. Tuân Tử chú trọng về việc giáo hóa Lễ Nghĩa, còn Hàn Phi cùng Lý Tư thì nặng về pháp chế và quyền thuật, đi theo con đường hoàn toàn trái ngược với đạo Nho. Hàn Phi từng bảo: "Ngô ái ngô sư, ngô bưu ái chân lý". (Ta mến thầy ta, nhưng ta càng chuộng chân lý hơn). Hàn Phi viết rất nhiều sách, và đã nhiều lần dâng kiến nghị lên vua Hàn, nhưng chẳng được trọng dụng. Khi tác phẩm của Hàn Phi truyền sang nước Tần, lúc vua Tần đọc tới hai thiên "Cô phẩn" và "Ngũ xuẩn", thấy rất hạp với ý tưởng của mình, đã thán phục rằng: "Chao ôi, nếu trẫm mà có duyên gặp được người này, thì có chết cũng chẳng còn ân hận ".

Theo Sử ký ghi nhận, suốt đời Hàn Phi chỉ được có một dịp duy nhất, để thi thố tài nghệ, là đi sứ sang Tần. Nguyên do là vì Tần vây đánh nước Hàn, vua Hàn cả kinh, liền cử Hàn Phi làm sứ giả, sang gặp vua Tần xin hòa giải. Kịp đến Tần, Hàn Phi đệ quốc thư lên Tần Thủy Hoàng, đại ý nói rằng: "Nước bất kính phục vua Tần là Triệu, vậy Tần chớ nên đánh Hàn, đáng lý nên liên minh với Hàn, cùng nhau phạt Triệu mới đúng". Đương thời, Lý Tư, bạn học của Hàn Phi là tể tướng của nước Tần, không đồng ý với quan điểm đó, cho rằng mục đích chân chính của Phi, chẳng qua là nhằm bảo tồn nước Hàn đó thôi, nào có chủ ý làm lợi cho Tần. Chẳng hiểu vì lẽ nào, đã không thuyết phục được vua Tân thì thôi, Hàn Phi lại cứ nấn ná mãi bên Tần, không về nước ngay. Có lẽ bởi cử chỉ quái gở đó, khiến cho Lý Tư nghi, e Hàn Phi ở lâu, rồi sẽ được vua Tần trọng dụng, thay cho địa vị của mình, nên đã bất chấp tín nghĩa bạn học với nhau, ngầm thông đồng với Diêu Giả hãm hại Hàn Phi, kết thúc cuộc đời bi thống vào năm 233 tr. CN. chưa đầy năm mươi tuổi. Trớ trêu thay, những bậc tiền bối của Pháp gia, là Ngô Khởi và Thương Quân, đều có công lớn với triều đình, thế mà cũng chết bất đác kỳ tử. Ngô Khởi bị phân thây, Thương Quân bị xe cán xác, Hàn Phi thì bị bạn học bức tử nơi xứ người.

Trên lịch sử Trung Quốc, Hàn Phi là một triết gia bị ngộ nhận nhiều nhất, bởi tư tưởng của Người, chỗ nào cũng trái ngược với đạo Nho, một học phái đã giành được địa vị chính thống, kể từ đời Đường, Tống trở đi. Do đó, học thuyết của Hàn Phi, thậm chí bị coi như tà thuyết, dị đoan.

Tư Tưởng Của Hàn Phi Tử

Như đã nói ở đoạn trên, Hàn Phi tuy là học trò của Tuân Tử, nhưng đã bỏ đạo Nho theo đạo Pháp. Hàn Phi phủ định đức tính Nhân nghĩa của nhà Nho, tự sáng lập ra triết lý chính trị riêng, có giá trị rất đáng kể. Triết lý chính trị của Hàn Phi, bắt nguồn từ tư tưởng "Phú quốc cường binh" của Ngô Khởi cùng Thương Quân, hình thành một hệ thống gồm ba chủ điểm là: Pháp, Thuật và Thế.

- Pháp: Hàn Phi định nghĩa cho "Pháp" có ba điểm chính:

(1) Là pháp lệnh do cửa quan ban ra, mọi người đều phải tuân theo.

(2) Nội dung chính yếu của pháp lệnh là Thưởng và Phạt.

(3) Pháp ví như tấm gương sáng có thể soi thấu tà gian; pháp ví như cán cân, tiêu biểu cho lẽ công bằng. Nếu xét theo quan niệm hiện đại, thì hàm nghĩa của "Pháp" gồm có hai mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tiêu cực là có tính cách phòng ngừa, pháp đã quy định sẵn, trường hợp phạm vào lệnh cấm nào, thì phải chịu theo hình phạt ấy; về mặt tích cực thì, có những điều khoản bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Nhìn lại cái gọi là "Pháp" mà Hàn Phi luôn luôn nhấn mạnh, thì chỉ có mặt tiêu cực thôi. Nói cách khác là, Pháp của Hàn Phi, chỉ có những điều do kẻ thống trị đòi hỏi ở nhân dân thôi, ngược lại, nhân dân chẳng có quyền đòi hỏi điều gì cả ở kẻ thống trị. Đọc sách "Hàn Phi Tử", người ta thấy chữ "Pháp" hay gắn liền với chữ "Cấm". Vậy cái gọi là Pháp. tức là lệnh cấm, là những gì mà kẻ thống trị đòi hỏi một chiều ở người dân, ai làm đúng với lệnh đó thì được thưởng, trái với lệnh đó là phải thọ phạt. Thưởng và Phạt là hai cái cán, giúp cho kẻ thống trị kiểm soát, thậm chí nô dịch nhân dân. Để pháp lệnh được thi hành hữu hiệu, đòi hỏi kẻ hành pháp phải công bằng vô tư. Hàn Phi đã viết trong thiên "Ngũ xuẩn" rằng: "Phù thùy khấp bất dục hình giả, nhân giã; nhiên nhi bất khả bất hình giả, pháp giã. Tiên vương thắng kỳ pháp, bất thính kỳ khấp". (Phàm là người rơi lệ, không đành lòng gia hình cho kẻ khác, là Nhân; nhưng buộc không thể không gia hình cho kẻ khác là Pháp. Tiên vương sở dĩ đã thắng lợi thành công, là nhờ vào Pháp, chẳng màng đến tiếng khóc than). Theo quan niệm của Hàn Phi như vậy, thì Pháp chẳng những có ý nghĩa pháp lệnh quốc gia về mặt chính trị, đồng thời còn là tiêu chuẩn tối cao về giá trị xã hội nữa. Do đó, Hàn Phi đã đả kích hầu hết các học thuyết khác, kể cả Khổng - Mạnh, Lão – Trang và Mặc Tử nữa.

Theo Hàn Phi, nội dung chính yếu của Pháp là thưởng và phạt. Sở dĩ phải nhấn mạnh vấn đề thưởng phạt, là vì có ba nguyên nhân sau đây:

1/ Người ta có tâm lý ham thưởng sợ phạt, nên áp dụng luật thưởng phạt, là phương pháp cai trị hữu hiệu nhất.

2/ Nếu vua chúa để mắt nhìn, để tai nghe và dùng đầu óc suy tư thì rất dễ bị thần thuộc a dua lừa bịp. Một khi đã áp dụng luật lệ thưởng phạt, thì sẽ tránh được tệ hại đó bởi điều thưởng phạt là phán xét theo sự kiện khách quan, việc gì đáng thưởng, điều nào đáng phạt, đều được định sẵn bằng luật lệ minh bạch, khỏi bị ảnh hưởng bởi tình cảm chủ quan

3/ Thưởng phạt là lợi khí sắc bén, để vua chúa kiểm soát thần thuộc.

Bá Di, Thúc Tề vì tưởng niệm cố quốc, bất mãn chính trị mà chịu chết đói trên núi hoang, được Khổng Tử tôn là hiền sĩ, nhưng với Hàn Phi thì cho rằng, những người chẳng ham thưởng, không sợ phạt như vậy, là "hạng thần dân vô ích", theo tiêu chuẩn giá trị chữ "Pháp".

- Thuật: Là một quan niệm rất quan trọng, trong tư tưởng của Hàn Phi, luôn luôn gắn liền với "Pháp", chỉ có khác ở chỗ, Pháp để trị dân, còn Thuật thì để nhà vua kiểm soát thần thuộc. Vậy Thuật của vua là thuật gì? Một là, "Cách tắc nhi bất thông, chu mật nhi bất hiện". (Ngăn cách đừng thông nhau, kín đáo đừng lộ liễu); hai là, giấu kỹ tình cảm ghét thương. Về điểm một là bảo, kẻ làm vua nên sống cách biệt với quần thần, đừng để họ thấy cử chỉ của mình, mà đoán biết ý định chân chính của mình; điểm hai là bảo, người làm vua phải tập làm sao cho tình cảm ai lạc hỷ nộ của mình, chẳng bao giờ biểu lộ ra ngoài, có vậy thì đám thần thuộc sẽ không cách nào khai thác, lợi dụng cảm tình của mình. Xem đó thì ai muốn có "Thuật" làm vua, cũng chẳng dễ gì, cần phải học hỏi thêm công phu tu thân, dưỡng tính vừa Hư và Tĩnh của cả nhà Nho lẫn nhà Đạo, mới mong thành công được. Để giữ gìn quyền lực tuyệt đối của nhà vua, Hàn Phi khuyên các vua chúa không nên tín nhiệm kẻ khác. Đã không nên tín nhiệm mà thật tế lại đòi hỏi, không thể không dùng người làm việc cho mình, cho nên cần phải có thuật khống chế người, bằng những pháp lệnh khắt khe, khiến cho người ta khiếp sợ, phải cúi đầu khuất phục.

Thời Chiến Quốc, xu hướng chính trị chung là mưu cầu quốc gia phú cường (giàu mạnh), để đi tới mục tiêu cuối cùng là đại thống nhất, cho nên đòi hỏi phải có nhà lãnh đạo chí tôn chí cường, thì Hàn Phi quan niệm Pháp và Thuật là điều kiện tất yếu, khả dĩ đem lại quyền lực tuyệt đối, cho nhà lãnh đạo chí tôn chí cường.

- Thế: Với Hàn Phi, "Quyền lực tối thượng" có một danh từ riêng, gọi là "Thế”.

Nguyên quan niệm về Thế, là do Thân Đáo khởi xướng, kịp đến tay Hàn Phi, thì càng coi đó là điều kiện căn bản nhất của nhà lãnh đạo. Nếu chúa mà thiếu cái Thế mạnh. thì Pháp không thể hành, và sở dĩ chúa phải dùng đến Thuật, là nhằm bảo vệ cái Thế. Tóm lại, Pháp, Thuật, Thế là ba mặt của quyền lực tối thượng, tuy có khác nhau, nhưng liên đới vô cùng chặt chẽ với nhau.

Trong tư tưởng của Hàn Phi, quyền lực là tất cả, như đã viết trong thiên "Hiển học": "Thị cố lực đa tắc nhân triều, lực quả tắc triều ư nhân, cố minh quân vụ lực". (Bởi vậy cho nên, quyền lực nhiều thì người ta đến chầu mình, quyền lực kém thì phải đi chầu người ta. Do đó, minh chúa phải nắm lấy quyền lực) và "Quyền thế bất khả dĩ tá nhân, thượng thất kỳ nhất, hạ dĩ vi bách". (Quyền thế chớ có chia sẻ cho người ta, khi bề trên chia mất một quyền, thì kẻ dưới sẽ lạm dụng thành trăm). Hàn Phi không những coi trọng quyền lực, còn là kẻ sùng bái quyền lực. Đó là ý nghĩ chung của kẻ chủ trương độc tài, chuyên chế từ cổ chí kim, từ đông chí tây, họ coi quyền lực như là chân lý, có quyền lực là có tất cả.
Ảnh Hưởng Của Pháp Gia
Pháp gia coi trọng quyền lực của nhà lãnh đạo. Là một bước tiến lớn, trong tư tưởng chính trị thời cổ Trung Hoa. Mục đích chính của quyền lực là để giúp cho nhà lãnh đạo có đủ phương tiện, mưu cầu quốc gia phú cường, bằng chính sách "Canh chiến" do Hàn Phi đề xướng. Tuy rằng Khổng Tử đã từng chủ trương "Tiên phú hậu giáo", nhưng thật sự thì chữ "Phú” đó, chỉ chiếm một tỉ số rất nhỏ, trong nấc thang giá trị của nhà Nho. Đến Mạnh Tử thì lại càng coi trọng nhân nghĩa hơn phú cường, rõ ràng có khuynh hướng đi ngược lại với đòi hỏi của chính trị thời đại, nên không được vua chúa các nước hoan nghênh. Mãi cho đến thời Tuân Tử, nhà Nho mới bắt đầu để ý tới vấn đề làm sao cho quốc gia giàu mạnh, là bởi chịu ảnh hưởng về tư tưởng và thành quả cụ thể của Pháp gia cùng thời.

Hàn Phi coi phú cường là mục tiêu tối cao của quốc gia. Để đạt tới mục tiêu phú cường đó, Hàn Phi chủ trương áp dụng chính sách "Canh chiến", đưa hết trăm họ vào hệ thống tổ chức "Canh chiến". Được như vậy thì vào thời bình, nhân dân sẽ nỗ lực canh tác, làm cho nước giàu, nhờ có pháp lệnh khuyến khích; một khi xây ra chiến tranh, thì khối nông dân đã được tổ chức sẵn trong thời bình, đều trở thành lính chiến, có thể đưa ngay ra chiến trường chống giặc, như Hàn Phi đã nói: vô sự tắc quốc phú, hữu sự tắc binh cường". (Ngày thường vô sự, thì làm cho nước giàu, khi biến cố hữu sự, thì có sẵn quân mạnh) và "Hữu nạn tắc dụng kỳ tử, an bình tắc dụng kỳ lực". (Khi hoạn nạn thì họ bỏ mình vì nước, lúc an bình thì họ ra sức xây dựng quốc gia).

Nếu chng ta nhìn bằng con mất thời đại, thì thấy chính sách "Canh chiến" thời xưa của Hàn Phi, chẳng khác gì cho lắm, so với chế độ "Công xã nhân dân" thời nay của Mao Trạch Đông, coi nhân dân như l công cụ, nô lệ của tập đoàn thống trị. Trên lịch sử Trung Hoa, tư tưởng của Pháp gia đã gây nên ảnh hưởng chính trị, tạo cho Tần Thủy Hoàng thành tên bạo chúa.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved