Home » » Ứng xử thế nào với những kỳ quan mộ cổ khổng lồ?

Ứng xử thế nào với những kỳ quan mộ cổ khổng lồ?

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012 | 21:02

Ứng xử thế nào với những kỳ quan mộ cổ khổng lồ?

Theo ông Hoành, trong những ngôi mộ Hán thời Bắc thuộc, đều có nguyên một phòng chứa đồ vật chia cho người chết, thậm chí là kho báu.
Tin liên quan
» Đi tìm nguồn gốc những ngôi mộ khổng lồ ở Hải Dương
Đứng bên sông Cầu Vàng, nhìn theo hướng chỉ tay của ông Phí Quang Đoán, tôi thấy bên kia sông, cách mấy thửa ruộng, có một nghĩa địa với mồ mả đỏ choe choét. Cái nghĩa địa đó rộng mênh mông và đúng là cao vượt ngọn tre. Điều đó có nghĩa là, những ngôi mộ mới đã nằm trên nghĩa địa mộ Hán, tức nghĩa địa mộ cổ khổng lồ của họ Phí.


Mặc dù chỉ cách con sông nhỏ xíu và vài thửa ruộng, song tôi và ông Đoán phải đi vòng 3km mới tới khu nghĩa địa của tổ tiên họ Phí. Qua nhiều lần chia tách hành chính, Phí Gia Trang rộng nhiều ngàn mẫu, giờ đã biến mất, chỉ còn lại ngôi làng mang tên Phí Xá (phần lớn cư dân làng Phí Xá mang họ Phí) nơi ông Đoán ở, còn nghĩa địa của tổ tiên họ phí đã “nhảy” sang xã Đồng Gia.
Ung xu the nao voi nhung ky quan mo co khong lo?
Cánh đồng này từng là nghĩa địa mộ cổ của họ Phí. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Đứng giữa “ngọn núi”, chỉ tay vào những ngôi mộ xanh đỏ xây kiên cố, ông Đoán buồn rầu nói: “Từ hàng ngàn năm nay, họ Phí cả nước và nhất là chi nhánh họ Phí trong làng Phí Xá vẫn hương khói trên khu mộ của tổ tiên. Thế nhưng, từ khi khu mộ tổ bị chia về xã khác, rồi chiến tranh loạn lạc, con cháu họ Phí phải ra chiến trường, nên khu mộ tổ tiên bị bỏ hoang. Khu mộ mênh mông bị san phẳng phần lớn để làm ruộng, rồi người dân chôn người chết, cải táng người chết trên nóc mộ tổ tiên nhà mình, mà không làm gì được”.

Đứng giữa trung tâm một gò đất cao nhất, ông Đoán bảo, cách đây hơn 10 năm, ông Tăng Bá Hoành (khi đó đương vị Giám đốc Bảo tàng Hải Dương) khi về xã Liên Hòa đọc bia đá thời Lý khai quật được ở một ngôi chùa, đã bất ngờ phát hiện một “ngọn đồi” giữa cánh đồng, bao bọc bốn bề bởi tre pheo. Ông Hoành đã tìm gặp ông Đoán để đề xuất được khảo sát những đống đất khổng lồ đó.
Ung xu the nao voi nhung ky quan mo co khong lo?
Dưới đống đất khổng lồ này là một kỳ quan mộ cổ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Sau khi đào một hố thám sát, ông Hoành cho biết, dưới lòng đất là hàng loạt những ngôi mộ Hán khổng lồ. Những ngôi mộ lớn như những “cung điện” dưới lòng đất, có 3-4 vòm cuốn, rộng cả sào đất, được xếp bằng hàng chục vạn viên gạch cổ, ngôi nhỏ cũng rộng cả trăm mét vuông.

Những ngôi mộ Hán này còn được gọi là mộ gạch, hay mộ vòm cuốn. Khi một vị quan lớn chết đi, sẽ có hàng ngàn người được huy động, đào một vùng đất rộng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét vuông, sâu chừng 0,5 đến 1m. Họ sẽ lắp ghép những viên gạch hình múi bưởi, được phết chất kết dính đặc biệt, thành những vòm cuốn dài dằng dặc, sâu hun hút, như những đường hầm.

Các vòm cuốn thường cao gần 3m, người ngựa có thể đi lại thoải mái bên trong. Các vòm cuốn chạy song song với nhau, được nối với nhau bằng các con đường nhỏ. Trong những ngôi mộ này thường có nhiều phòng. Phòng chứa thức ăn, phòng chứa vật dụng, phòng chứa báu vật và phòng lớn nhất là nơi đặt xác người chết.
Ung xu the nao voi nhung ky quan mo co khong lo?
Đã có hàng trăm mồ mả của nhân dân mọc lên trên nóc ngôi mộ Hán cổ của tổ họ Phí. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Khi ngôi mộ hoàn thành, các cửa sẽ được xây bịt kín và hàng ngàn nhân công sẽ thực hiện công việc dời non lấp bể: đào đất lấp ngôi mộ. Với phương pháp thủ công, chỉ gồm cuốc, xẻng, để đắp ngôi mộ cao như ngọn núi, rộng hàng ngàn mét vuông, với hàng vạn khối đất, đủ biết tốn kém và cầu kỳ như thế nào.

Tôi đã gặp ông Tăng Bá Hoành, hỏi về nghĩa địa mộ Hán khổng lồ có tuổi 15 thế kỷ của họ Phí. Ông Hoành đánh giá đây là một khu mộ cổ cực kỳ quý giá, khá rõ chủ nhân và nguyên vẹn. Hiện tại, khu mộ vẫn được bảo quản khá tốt bởi dòng họ Phí ở làng Phí Xá. Tôi hỏi về biện pháp bảo vệ khu di chỉ khảo cổ quý giá này, theo ông Hoành, tốt nhất là cứ để họ Phí trông nom. Vài chục, hoặc vài trăm năm sau, khoa học phát triển, có điều kiện nghiên cứu, phục dựng, bảo quản thì mới nên khai quật.
Ung xu the nao voi nhung ky quan mo co khong lo?
Ngôi mộ này đã bị bọn trộm xâm phạm mới đây. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Ung xu the nao voi nhung ky quan mo co khong lo?
Bọn trộm đã làm phát lộ gạch thời Bắc thuộc. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Ông Phí Quang Đoán cho biết, theo đề xuất của dòng họ Phí từ 2 năm trước, UBND tỉnh Hải Dương đã đồng ý về chủ trương cho khai quật khu mộ Hán cổ có tuổi 15 thế kỷ này. Tuy nhiên, với diện tích lên đến vài chục ngàn mét vuông, khối lượng đất khổng lồ, cả chục vạn mét khối, lại có cả trăm ngôi mộ xây kiên cố của nhân dân nằm trên nóc khu nghĩa địa mộ Hán này, nên việc khai quật không phải đơn giản, chi phí lại cực kỳ tốn kém. Chính vì thế, họ Phí chưa thể thực hiện việc khai quật. Để tiến hành trùng tu, bảo quản, tiến tới khai quật, họ Phí cả nước còn phải họp bàn chán chê.

Ông Phí Quang Đoán dẫn tôi đến một gò đất nằm tách biệt hẳn khu mộ, rồi ông chỉ vào những hố sâu hun hút trên nóc ngôi mộ đã bị cỏ dại phủ kín. Theo ông Đoán, 2 năm trước, ngôi mộ cổ này đã bị trộm đào tung tóe. Con cháu ông Đoán đã thu được nhiều gạch cổ thời Hán do chúng đào bới hất lên.

Việc bọn trộm có thu hoạch được gì hay không từ vụ đào bới đó thì không ai biết, vì chúng đào vào ban đêm. Người dân trong vùng đồn đại ghê lắm: nào là bọn trộm đã đào được mấy đấu vàng, rồi thì có người nhìn thấy bọn trộm khiêng những bao tải báu vật mấy chuyến liền, rồi thì dưới những ngôi “mộ Tàu” này còn rất nhiều vàng bạc, châu báu… Những lời đồn như thế, khiến ông Đoán như ngồi trên đống lửa. Ngày nào ông cũng phải dạo qua khu mả rộng mênh mông, cao như quả đồi của tổ tiên mình vài lượt. Hôm nào mệt, ông đều không quên nhắc con cháu đi tuần một vài vòng.
Ung xu the nao voi nhung ky quan mo co khong lo?
Làm thế nào để bảo tồn được những kỳ quan mộ cổ quý hiếm như thế này? Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Ung xu the nao voi nhung ky quan mo co khong lo?
Làm thế nào để những ngôi mộ còn lại không chịu số phận bị con đường dẫn ra bãi rác leo qua như ngôi mộ này? Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Theo ông Hoành, trong những ngôi mộ Hán thời Bắc thuộc, đều có nguyên một phòng chứa đồ vật chia cho người chết, thậm chí là kho báu. Tuy nhiên, hầu như những kho báu trong những ngôi mộ này đã bị trộm đào bới, ăn cắp từ cả ngàn năm trước rồi. Những ngôi mộ đều đã trải mười mấy thế kỷ, qua nhiều thời kỳ loạn lạc, nên không thể thoát khỏi sự dòm ngó của “mộ tặc”.

Tôi chợt nhớ đến lời than thở của ông Tăng Bá Hoành: “Lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể nước ta gần như trống hoác giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc. Chỉ có duy nhất những ngôi mộ Hán là còn nguyên vẹn, lưu giữ đầy đủ nhất những thông tin về thời đoạn đó. Tiếc rằng, chúng ta không biết bảo vệ, chúng ta vẫn thi nhau phá”.

Mong rằng, số phận khu nghĩa địa mộ Hán cổ khổng lồ này, không đen đủi như ngôi mộ Hán lớn nhất Việt Nam từng tồn tại hàng ngàn năm giữa cánh đồng, ngay trước UBND xã Liên Hòa.
Tin liên quan
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved