Home » » KỲ NA GIÁO

KỲ NA GIÁO

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012 | 21:41

KỲ NA GIÁO
(JAINISM)
Tác giả ANNIE BESANT
Bản Dịch Chơn Như - 2011
KỲ NA GIÁO
Li Ta
Nói về tdo, tdo tưtưởng có thnói là dphn quan trng trong stiến hóa ca nhân loi và s đau khca nhân loi tlnghch vi stiến hóa. Khi mt cá nhân sinh ra và ln lên trong mt gia đình nào đó thì hu nhưhthường theo tôn giáo mà cha mh đang theo. Hít có dp kho sát tôn giáo y cn kvà mc nhiên, mi quan nim vnhân sinh quan, vcuc đi, cũng như những nhận định của hthường được nhìn qua màu sc tôn giáo ca h. Nói cách khác là theo đnh kiến tôn giáo ca h.
Mi tôn giáo đu có màu sc óng ánh ca nó toát ra tmt Thc Ti Nht Như. Thếgii mà nhân loi đang sng là thếgii vt cht hng trn, thuc tính ca nó là gii hn, là thếgii ca nhnguyên. Do đó tôn giáo cũng không ngoi l, cũng phi mang tính gii hn này, nên mi tôn giáo chthhin được mt sc thái nào đó mà thôi hay nói mt cách khác đi, bnhng gii hn riêng ca nó.
Hơn na, qua thi gian, mi tôn giáo đu có nhiu sbiến đi làm che khut đi chân lý khi thy. Vì thếchúng ta cn có mt skho sát klưỡng tôn giáo mà mình theo đui. Qua nhng bài phát biu ca bà Annie Besant, chúng ta có dp kho sát các tôn giáo đtìm thy nhng ánh sáng linh diu ca các tôn giáo và nhn ra được chân lý đích thc n trong tng màu sc ca mi tôn giáo. Tuy nhiên, skho sát này phi da trên tinh thn khoa hc và chúng ta hãy nghe Ali, mt bc trưởng lão trong Hi giáo đnh nghĩa vKhoa hc: "Tinh hoa ca khoa hc là vic soi sáng cho tâm hn, mc tiêu chính ca khoa hc là stht, điu dn dt ca khoa hc là cm hng, khoa hc chchp nhn lý trí. Đng mang li linh hng cho khoa hc là Thượng Đếvà li lca con người giúp xin dương khoa hc." (Hi giáo, Annie Besant) Trong tinh thn khoa hc y, chúng ta bước vào Tuyn Tp Tôn Giáo này.
Như Hải
----------------------------------------------------
KỲ NA GIÁO
(Một bài thuyết trình trước Đại hội)
Thưa các Huynh đệ,
Sáng nay chúng ta sẽ ở trong một bầu hào quang khác hẳn bầu hào quang ngày hôm qua cũng như bầu hào quang ngày mai. Giờ đây ta không còn có bầu hào quang lãng mạn, hào hiệp mà ta thấy trong các tín ngưỡng Hồi giáo lẫn trong các tín ngưỡng Đạo Sikh. Ngược lại ta sẽ ở trong bầu hào quang yên tịnh, bình thản mang tính triết học. Ta sẽ thấy mình xem xét những vấn đề của kiếp nhân sinh theo quan điểm của một triết gia, một nhà siêu hình học, và mặt khác tư tưởng ta phần lớn sẽ xét đến vấn đề hạnh kiểm; con người nên sống như thế nào; mối quan hệ của y với các tạo vật thấp kém hơn xung quanh mình sẽ ra sao; y nên chỉ đạo sinh hoạt, hành động của mình ra sao để không gây tổn hại, không tiêu diệt. Người ta hầu như có thể tổng kết tiêu ngữ của Kỳ Na giáo qua một cụm từ mà ta thấy có trong kinh Kritānga (II. 20), theo đó nhờ không gây tổn hại cho bất kỳ chúng sinh nào, con người ắt đạt tới Niết Bàn vốn là sự an bình. Đây là một cụm từ dường như bao hàm trọn cả tư tưởng của Kỳ Na giáo: hòa bình, hòa bình giữa người và người, hòa bình giữa người và thú, hòa bình ở bất cứ nơi đâu và trong vạn vật, một tình huynh đệ toàn bích của chúng sinh. Đây là lý tưởng của Kỳ Na giáo, là tư tưởng mà người ta cố gắng hiện thực hóa trên trần thế.
Thế mà Kỳ Na giáo là một đoàn thể tương đối nhỏ bé; họ chỉ bao gồm từ một tới hai triệu người; đây là một cộng đồng đầy quyền lực không bởi số đông mà bởi cuộc sống thanh khiết và cũng mạnh về phương diện tài sản của các thành viên vì đa số là thương gia và doanh nhân. Kỳ Na giáo vẫn công nhận bốn giai cấp của Ấn giáo, nhưng trong số tín đồ Kỳ Na giáo ta chỉ thấy có một ít người thuộc giai cấp Bà la môn; ta cũng ít thấy người thuộc giai cấp Sát đế lị, cái giai cấp dường như hoàn toàn tương kỵ với những ý tưởng hiện hữu trong Kỳ Na giáo, mặc dù giới chức sắc đều thuộc giai cấp Sát đế lị. Đại đa số tín đồ thuộc giai cấp Vaishya – thương gia, tiểu thương và nhà công nghiệp – ta thấy họ hầu hết tụ tập ở Rajputana, ở Gujarat, ở Kathiawar; thật ra họ cũng ở rải rác những nơi khác nhưng có thể nói đại đa số cộng đồng Kỳ Na giáo đều được giới hạn nơi các vùng này ở Ấn Độ. Quả thật trong quá khứ không như vậy, bởi vì hiện nay ta ắt thấy họ rải rác khắp cả miền Nam Ấn Độ nhất là vào thời Công nguyên cũng như trước Công nguyên và sau Công nguyên, nhưng nếu ta xét cộng đồng Kỳ Na giáo ngày nay thì ta có thể nói những tỉnh mà tôi đề cập tới hầu như bao hàm đại khối tín đồ Kỳ Na giáo.
Có một điều liên quan tới những giai cấp phân biệt họ với Ấn giáo. Bậc ẩn sĩ Samnyasi của Kỳ Na giáo có thể thoát thai từ bất kỳ giai cấp nào. Ngài không bị hạn chế trong giai cấp Bà la môn như trong Ấn giáo chính thống bình thường. Bậc Yati có thể thoát thai từ bất kỳ giai cấp nào và dĩ nhiên theo thông lệ bắt nguồn từ giai cấp Vaishya, vốn là giai cấp chiếm tuyệt đại đa số trong Kỳ Na giáo.
Và bây giờ ta hãy xét tới vũ trụ quan của họ trong chốc lát; rồi sau đó ta xét tới Đấng Cao Cả được khoa Đông phương học của người phương Tây coi là Giáo chủ Kỳ Na chứ bản thân tín đồ thì không coi như vậy.
Họ cũng có những chu kỳ thời gian bao la mà chúng ta quen thuộc trong Ấn Độ giáo; phải nhớ rằng cả tín đồ Kỳ Na lẫn Phật tử đều căn bản là hậu duệ của Ấn Độ giáo cổ truyền; tốt hơn là người ta đừng có khuynh hướng chia rẽ và nhấn mạnh tới những sự khác nhau hơn là những sự giống nhau – nếu cả hai hậu duệ lớn này đều vẫn còn là các trường phái của Ấn Độ giáo hơn là ly khai thành các tín ngưỡng khác nhau và có thể nói là cạnh tranh với nhau. Trong một thời kỳ dài thuộc các học giả Tây phương, Kỳ Na giáo được coi là bắt nguồn từ Phật giáo. Giờ đây người ta công nhận rằng đó là một nhầm lẫn và cả hai đều bắt nguồn từ Ấn giáo xưa cũ hơn; thật vậy giữa tín đồ Kỳ Na và Phật tử có giáo huấn khác nhau nhiều mặc dù cũng có những điều tương tự về giáo huấn. Tuy nhiên nếu được phép tuyên bố khẳng định thì tôi xin chắc chắn bảo rằng Kỳ Na giáo ở Ấn Độ xưa cũ hơn hẳn Phật giáo. Bậc đại Đạo sư cuối cùng của Kỳ Na giáo vốn đồng thời với Đức Phật Thích Ca mâu ni, nhưng ngài là người cuối cùng trong một sự truyền thừa lớn lao và chỉ mang lại cho Kỳ Na giáo hình thức mới nhất của nó. Tôi có nói cả tín đồ Kỳ Na lẫn tín đồ Ấn giáo đều tin vào các chu kỳ lớn về thời gian và chúng ta thấy rằng mỗi chu kỳ lớn – giống như ngày và đêm của Brahmā – hai mươi bốn vị đại Đạo sư đã đến với thế gian khá giống nhưng mặc dù không hoàn toàn giống bản chất của các Đấng Hóa thân. Họ luôn luôn vươn lên từ mức con người trong khi có một số trường hợp tín đồ Ấn giáo không thích công nhận rằng một Hóa thân là một người toàn bích. Tín đồ Kỳ Na tuyệt nhiên không nghi ngờ về điều này. Hai mươi bốn vị đại Đạo sư mà họ gọi là Tirthamkaras đều là những người toàn bích. Họ gọi các ngài bằng nhiều danh xưng mà bạn ắt thấy khi áp dụng vào Phật giáo có nhiều nghĩa hơi khác nhau. Họ gọi các ngài là La Hán, là Phật, là Như Lai v.v. . . nhưng trước hết là các đấng Jinas; đấng Jina là đấng chinh phục, là con người đã được toàn bích, đã chinh phục được bản chất thấp hèn của mình, đã đạt được thiên tính để cho Điểm Linh Quang Jiva khẳng định quyền năng tối cao và toàn bích của mình; ngài là đấng Ishvara theo quan điểm Kỳ Na giáo.
Hai mươi bốn đấng này xuất hiện theo mỗi chu kỳ lớn và nếu ta xét tới kinh Thiên Kiếp (Kalpa Sūtra) của Kỳ Na giáo thì ta ắt thấy trong đó có cuộc đời của các đấng Jinas. Cuộc đời của đấng duy nhất được trình bày đầy đủ trong đó – đầy đủ thì cũng chỉ mô tả được rất hạn chế thôi – đó là cuộc đời của đấng cuối cùng thứ hai mươi bốn – Ngài được gọi là Mahāvīra, tức bậc Anh hùng dũng mãnh. Đối với Kỳ Na giáo, Ngài là đại biểu cuối cùng của các bậc Đạo sư trên thế gian; như tôi có nói Ngài đồng thời với Đức Thích Ca mâu ni và xét theo một số người thì Ngài là thân bằng quyến thuộc của Đức Phật. Cuộc đời của Ngài thật êm đềm, xét theo biểu kiến chẳng có bao nhiêu diễn biến xảy ra mà chỉ có những giáo huấn cao cả. Ngài giáng lâm từ vùng cao tột trong kiếp vừa qua, kiếp mà Ngài đạt được sự giác ngộ; thoạt tiên Ngài được đưa đẩy nhập vào một gia đình Bà la môn, nơi dường như chuyện kể rằng Ngài có ý định đầu thai vào đấy; nhưng Indra là vua của chư Thiên khi thấy đức Jina giáng lâm bèn bảo rằng Ngài không nên sinh ra trong dòng dõi Bà la môn vì một đấng Jina bao giờ cũng thuộc giai cấp Sát đế lị và Ngài phải sinh ra trong vương tộc. Thế là Indra biệt phái một trong các chư Thiên tiếp dẫn đấng Jina sinh ra trong gia đình vua Tất đạt đa và Ngài cuối cùng hạ sinh nơi đấy. Xung quanh sự giáng sinh của ngài có những dấu hiệu vui vẻ và hoan hỉ báo điềm cho sự quang lâm của một trong các bậc đại Đạo sư nhân loại - những bài hát của chư Thiên, âm nhạc của thần Khẩn na la (Gandharvas), hoa được rắc xuống từ trên trời – đây bao giờ cũng là một điềm tốt đi kèm theo sự giáng lâm của một trong các Đấng Cứu Thế. Thế là đứa trẻ sinh ra giữa những điềm lành ấy và vì sau khi nó đầu thai vào gia đình này thì gia tộc lại càng thêm có nhiều của cải, quyền lực, thịnh vượng, cho nên họ gọi ngài là Vardhamāna tức là kẻ làm cho gia tộc sung túc. Ngài lớn lên thành một đứa trẻ, rồi một thiếu niên, yêu thương và làm tròn bổn phận đối với cha mẹ; nhưng trong tâm hồn ngài vẫn ấp ủ lời thệ nguyện mà ngài đã từng thốt ra trước đó nhiều kiếp là ngài sẽ xả bỏ tất cả để đạt được sự giác ngộ, để trở thành một Đấng Cứu Thế. Ngài chờ đợi cho đến khi phụ vương và mẫu thân đã qua đời để ngài không làm cho những vị ấy tan nát tâm hồn khi phải sinh ly mà chỉ phải tử biệt; thế rồi được phép của bậc huynh trưởng và các vị cố vấn cho hoàng tộc, ngài lên đường, xung quanh là đám đông đưa tiễn ngài bước vào cuộc sống ẩn tu khổ hạnh. Ngài vào tận rừng sâu, cởi bỏ vương phục và những đồ trang sức quí báu; ngài cắt tóc rồi mặc bộ y phục của tu sĩ khổ hạnh; ngài từ biệt đám rước của hoàng tộc đi theo ngài, tiễn họ về cung điện rồi dấn thân vào rừng thẳm côi cút một mình. Ở đó trong vòng 12 năm, ngài thực hành những phép khổ hạnh ghê gớm, phấn đấu để thực chứng Chơn ngã và thực chứng được vạn vật chẳng phải là gì khác hơn Chơn ngã; vào năm thứ 13, ngài giác ngộ, ánh sáng Chơn ngã chiếu sáng cho ngài để ngài đạt được tri thức về Đấng Tối Cao. Ngài rũ bỏ xiềng xích Vô minh và trở thành đấng toàn tri, biết hết mọi thứ; thế rồi ngài xuất hiện làm bậc Đạo sư của thế gian, dạy đạo trong 42 năm trời.
Ở đây ta hầu như không biết chút gì về giáo huấn của ngài; chỉ có tên gọi của một vài môn đồ; còn cuộc đời ngài và các diễn biến đều bị bỏ sót. Điều này dường như thể tạo cho ta cảm tưởng mọi thứ đều hão huyền chẳng có gì hết được ghi vào trong sử liệu của bậc Đạo sư sao cho giáo huấn ngoại môn chẳng có gì và chính bậc Đạo sư cũng chẳng là gì. Thế rồi ngài tịch diệt sau 42 năm lao động vất vả ở Pāpā năm 526 trước Công nguyên. Ta thấy không có nhiều điều mô tả về đấng Mahāvīra, nhưng cuộc đời và công trình của ngài, thân thế và sự nghiệp của ngài được biểu thị qua triết lý mà ngài để lại, qua điều mà ngài truyền thừa cho thế gian, mặc dù ta hầu như chẳng biết gì về nhân cách của ngài.
Trước ngài 1.200 năm, ta được biết có đấng Tirthamkaras đời thứ 23, thế rồi 84.000 năm trước khi có ngài lại có đấng đời thứ 22, thế rồi cứ truy nguyên mãi theo dòng thời gian dài dằng dặc thì rốt cuộc ta tới đấng Tirthamkaras đời thứ nhất là Risabhadeva, phụ thân của vua Bharata, vốn còn để lại tên tuổi của mình cho nước Ấn Độ. Đến đây thì hai tín ngưỡng Kỳ Na giáo và Ấn Độ giáo hiệp nhất lại; tín đồ Ấn giáo và Kỳ Na cùng nhau tôn thờ Đấng Cao Cả khai sinh ra dòng dõi thánh vương để trở thành bậc Rishi và bậc Đạo sư.
Khi ta xét tới giáo huấn bên ngoài – bây giờ tôi sẽ xét tới từ bên trong – thì ta thấy có thể nói là có vài Kinh điển theo luật tắc tương tự như các Kinh Tạng của Phật tử; có cả thảy 45 kinh điển được gọi là Siddhānta do Bhadrabāka kết tập rồi viết thành giấy trắng mực đen giữa thế kỷ thứ 3 và thứ tư trước Công nguyên. Trước đó cũng theo thông lệ ở Ấn Độ, chúng được truyền khẩu với sự thuộc lòng kỳ diệu vốn là đặc trưng của việc truyền thừa kinh điển Ấn Độ. Ba bốn năm trước Công nguyên, chúng được viết thành kinh sách mà thế giới Tây phương bảo rằng được san định thành ra một hình thức cố định. Nhưng ta thừa biết rằng nó cũng chẳng cố định nhiều hơn trí nhớ trung thực của các môn đồ được sư phụ truyền khẩu; và ngay bây giờ theo Max Muller cho biết nếu mọi kinh Phệ đà đều thất truyền thì chúng có thể được mô phỏng lại thành văn bản bởi những kẻ đã học thuộc lòng kinh điển. Vậy là kinh Siddhānta vẫn còn trên giấy trắng mực đen đã được Bhadrabāka kết tập vào thời kỳ này trước Công nguyên. Năm 54 sau Công nguyên có tổ chức một công đồng tức công đồng Valabhi để san định lại các kinh điển này dưới sự chủ trì của Devarddigāmin, một loại Buddhaghosa của Kỳ Na giáo. Như tôi nói, có 55 bộ kinh: 11 Angas, 22 Upāngas, 10 Pakinnakas, 6 Chedas, 4 Mūla-sūtras và 2 bộ kinh khác. Những thứ này hợp thành pháp điển của Kỳ Na giáo, là kinh điển đầy thẩm quyền của tín ngưỡng này. Dường như cũng có những tác phẩm xưa hơn các kinh ấy đã hoàn toàn thất truyền được gọi là Pūrvas, nhưng nghe đâu ta chẳng biết gì về những thứ ấy. Tôi không nghĩ rằng điều này nhất thiết là đúng. Kỳ Na giáo đặc biệt kín đáo về thánh thư của mình và có những kiệt tác trong giáo phái Digambaras vốn hoàn toàn không được xuất bản; và tôi ắt chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu trong những năm sắp tới nhiều kinh sách được giả định là đã hoàn toàn thất truyền lại được xuất bản khi phái Digambaras hiểu ra được rằng ngoại trừ trong những trường hợp đặc biệt thì nên phổ truyền chân lý để cho thiên hạ ai cũng đều biết. Tính kín đáo có thể đẩy lên mức cực đoan thành ra một thói xấu vượt ngoài giới hạn của sự kín miệng và giới hạn của sự minh triết.
Thế rồi, ngoài các pháp điển ra còn có một kho tài liệu đồ sộ các kinh Purānas và Itihāsas rất giống như các kinh Purānas và Itihāsas của tín đồ Ấn giáo. Nghe đâu (tôi cũng chẳng biết có đúng hay không) kinh của Kỳ Na giáo được hệ thống hóa hơn kinh điển của phiên bản Ấn giáo; có một điều rõ rệt là các chuyện kể này biến thiên rất nhiều và nhiệm vụ thật thú vị khi ta đối chiếu các kinh điển với nhau để truy nguyên ra các sự biến thiên ấy, cố gắng tìm ra lý do tại sao chúng lại biến thiên.
Chúng ta đã nói khá nhiều về cái có thể gọi là kho tài liệu đặc biệt của Kỳ Na giáo, nhưng sau khi đã khảo sát hết ta thấy rằng mình vẫn còn phải đương đầu với một khối lượng kinh sách khổng lồ mà mặc dù nguyên thủy thuộc cộng đồng Kỳ Na, nhưng đã trở thành tài sản chung của cả nước Ấn Độ - ngữ pháp, từ vựng, sách về tu từ học và y học – ta thấy có vô số những thứ này đã được chọn dùng toàn khối ở Ấn Độ. Chẳng hạn như tác phẩm Amarakosa, là một tác phẩm Kỳ Na giáo mà mọi học viên tiếng Bắc phạn đều phải học từ đầu chí cuối.
Tôi có nói tín đồ Kỳ Na đã tới miền Nam Ấn Độ, đã tràn xuống qua hết cả vùng phía Nam của bán đảo Ấn Độ; ta thấy Kỳ Na giáo mang lại những vị vua cho Madura, Trichinopoli và nhiều đô thị khác nữa ở miền Nam Ấn độ. Ta thấy chẳng những họ mang lại những nhà cai trị mà còn sáng lập ra kho tài liệu tiếng Tamil. Ngữ pháp tiếng Tamil nghe đâu là ngữ pháp khoa học nhất đã từng tồn tại, chính là một sản phẩm của Kỳ Na giáo. Ngữ pháp bình dân Nāmal của Pavanandi thuộc về Kỳ Na giáo, cũng giống như Nāladiyār. Thi sĩ nổi tiếng Tiruvalluvar với tác phẩm Kural mà tôi giả sử mọi người miền Nam Ấn độ đều biết; nghe đâu tác phẩm này là một công trình của Kỳ Na giáo, vì các lý do ấy các thuật ngữ mà thi sĩ sử dụng đều là thuật ngữ của Kỳ Na giáo. Thi sĩ nói tới chư La Hán; ông dùng những thuật ngữ chuyên môn của Kỳ Na giáo và như vậy ông được coi là thuộc về tín ngưỡng của Kỳ Na giáo.
Điều này cũng đúng với kho tài liệu Canara, nghe đâu từ thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên, Kỳ Na giáo đã khống chế trọn cả kho tài liệu Canara. Vậy là vào thời ấy Kỳ Na giáo đã hùng mạnh xiết bao.
Thế rồi tới một phong trào lớn lao trải khắp miền Nam Ấn Độ trong đó những tín đồ Mahādeva, tức Siva, đến thuyết pháp và ca ngâm trong khắp xứ sở, hiệu triệu cái xúc động ẩn sâu trong tâm hồn con người, tức Bhakti mà tín đồ Kỳ Na đã bỏ sót quá nhiều. Họ đến ca ngâm để xưng tụng đấng Mahādeva, nhất là chữa bệnh nhân danh ngài, trước khi có sự chữa bệnh bằng phép lạ này và việc đổ xô sùng tín do sự ca ngâm và thuyết pháp kích động thì nhiều tín đồ Kỳ Na đã được tự mình cải giáo; những người còn lại bị trục xuất sao cho họ hầu như không còn tồn tại ở miền Nam Ấn độ nữa. Đó là chuyện kể về họ ở miền Nam; họ đã biến mất bằng cách nào.
Tuy nhiên họ vẫn còn ở Rajputana và họ được kính trọng rất nhiều đến nổi Akbar là một hoàng đế Hồi giáo rất độ lượng đã ban hành một sắc lệnh cấm giết thú vật ở gần đền thờ Kỳ Na giáo.
Ta có thể nói thêm rằng Kỳ Na giáo được phân chia thành hai giáo phái lớn – Digambaras được biết tới vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên và được một trong các lệnh của vua A Dục nhắc tới; phái Svetāmbaras xét theo biểu kiến thì hiện đại hơn. Ngày nay phái Svetāmbaras có đông tín đồ hơn, nhưng nghe đâu phái Digambaras có những thư viện tài liệu cổ truyền phong phú hơn phái cạnh tranh với mình.
Dẹp qua một bên khía cạnh lịch sử ấy; bây giờ ta hãy quay sang giáo huấn triết lý của họ. Họ khẳng định có hai sự tồn tại căn bản mà cội rễ, nguồn gốc của vạn hữu, của Luân hồi vốn không phải là thụ tạo và vĩnh hằng. Một sự tồn tại là Jiva tức Ātmā, tâm thức thuần khiết, tri thức thuần túy, Chủ thể tri kiến (Năng tri), khi Jiva đã siêu việt được vô minh thì nó ngộ ra được mình là tri thức thuần túy xét theo bản thể và biểu lộ thành Năng tri của vạn vật. Mặt khác, Dravya tức chất liệu là điều có thể biết được (Sở tri); Năng tri Jiva đối cực với Sở tri Dravya. Nhưng người ta nghĩ rằng Dravya luôn luôn liên kết với phẩm tính Guna. Dĩ nhiên mọi ý tưởng này đều quen thuộc với các bạn nhưng ta phải theo dõi chúng lần lượt từng cái một. Dravya chẳng những có phẩm tính Guna mà còn có biến thái Paryāya.
“Chất liệu là nền tảng của phẩm tính, phẩm tính vốn cố hữu trong chất liệu nhất như; nhưng đặc trưng của sự phát triển là sự phát triển không cố hữu nơi chất liệu hoặc phẩm tính.
“Dharma (Pháp), Adharma (Phi pháp), không gian, thời gian, vật chất và linh hồn (đều là sáu loại chất liệu), chúng tạo thành thế giới này mà các đấng Jinas đã giảng dạy vì các ngài có tri thức tốt nhất”. (Uttarādhyayana, XXVIII. 6,7. Bản dịch từ tiếng Prākrit do Hermann Jacobi dịch thuật).
Ở đây ta có nền tảng của mọi sự Luân hồi; Năng tri Jiva và Sở tri Dravya với các phẩm tính và biến thái. Điều này tạo thành tất cả. Có nhiều điều suy ra từ những nguyên lý này mà chúng ta không có thời giờ đi sâu vào đấy; có lẽ tôi có thể cung cấp cho các bạn một điều suy diễn rút ra từ một Gāthā của Kundācārya, nó sẽ cho bạn thấy một đường lối tư tưởng quen thuộc với tín đồ Ấn giáo. Họ bảo rằng bạn có thể tuyên bố về mọi sự việc là nó hiện hữu, không hiện hữu, hữu và phi hữu. Tôi xin xét một ví dụ của chính họ là cái bình quen thuộc. Nếu bạn nghĩ cái bình là Paryāya tức sự biến thái, thì trước khi cái bình ấy được sản xuất ra thì bạn ắt bảo rằng nó không hiện hữu, “Syānnāsti”. Nhưng nếu bạn nghĩ đó là chất liệu, Dravya, thì nó luôn luôn tồn tại và bạn ắt bảo rằng nó hiện hữu; nhưng bạn có thể bảo nó là Dravya và Paryāya, phi hữu và hữu; và tổng kết toàn bộ điều này chỉ nội trong câu: “Syādasti nāsti”; hữu và vô. (Phúc trình về việc Khảo cứu tiếng Bắc phạn, bản thảo củaTiến sĩ Bhandarkar, trang 95). Đường lối lý luận này cũng quen thuộc rồi. Chúng ta có thể thấy hàng chục, hàng vài chục và hàng trăm ví dụ minh họa về vũ trụ quan này, có lẽ nó gây buồn chán cho kẻ phàm phu nhưng cần thiết và mang lại sự giác ngộ cho nhà siêu hình và triết gia.
Thế rồi ta đạt tới sự tăng trưởng hoặc nói cho đúng hơn là sự bộc lộ của Jiva. Theo giáo lý thì Jiva tiến hóa qua sự Tái sinh Luân hồi và Nghiệp báo. Ta ắt vẫn còn thấy rằng mình đang ở trong một địa hạt rất quen thuộc: “Vũ trụ có nhiều tạo vật trong vòng Luân hồi này, sinh ra trong những gia đình và giai cấp khác nhau vì đã có nhiều tạo tác khác nhau. Ba hồi họ luân hồi trong thế giới chư Thiên, ba hồi họ đọa địa ngục, ba hồi họ trở thành thần A tu la theo Nghiệp báo của mình. Vậy là chúng sinh đầy ác nghiệp cứ tái sinh đi tái sinh lại vì chưa nhàm chán Luân hồi”. (Uttarādhyayana, III. 2,3,5) Và nó dạy giống hệt như bạn đọc thấy trong Chí Tôn Ca, theo đó con người trầm luân do ác nghiệp. Nếu nghiệp báo trộn lẫn giữa thiện và ác (vô ký) thì y tái sinh thành người; nếu đã được thanh khiết thì y tái sinh thành chư Thiên. Kỳ Na giáo dạy giống hệt về các đường lối này. Chính nhờ nhiều kiếp tái sinh trải qua vô số kinh nghiệm thì Jiva mới bắt đầu giải thoát khỏi những ràng buộc của nghiệp báo (nghiệp chướng). Ta được cho biết rằng có ba điều quí báu giống như tam bảo mà ta thường nghe nói tới trong các Phật tử; ba điều quí báu này là Chánh Kiến, Chánh Tín và Chánh Nghiệp; còn có một điều thứ tư thêm cho các tu sĩ khổ hạnh đầu đà: “Học con đường chân chính đưa tới sự giải thoát tối hậu mà các bậc Jinas đã dạy; điều này còn tùy thuộc vào bốn nguyên nhân được đặc trưng bởi chánh kiến và chánh tín. I- Chánh kiến, II- Chánh tín, III- Đức hạnh, IV- Khổ hạnh. Đây là con đường mà các bậc Jinas hiểu biết nhiều nhất đã giảng dạy như trên.” (XXVIII. 1,2). Nhờ Chánh kiến, Chánh tín và Đức hạnh trong những giai đoạn sau này, Jiva còn tiến hóa tới mức có thêm khổ hạnh, nhờ đó rốt cuộc y giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Chánh kiến được định nghĩa là điều mà tôi vừa nói với các bạn về Sinh tử Luân hồi; cùng với sự khác nhau của Jiva và Dravya với sáu loại chất liệu: Pháp, Phi pháp, không gian, thời gian, vật chất, linh hồn; y cũng phải biết chín sự thật: Jiva là linh hồn, Ajiva là chúng vô tình, Bandha là sự trói buộc linh hồn do nghiệp báo, Punya là công, Pāpa là tội, Asrāva là điều khiến cho linh hồn mắc tội, Samvara là việc ngăn ngừa Asrāva bằng cách tỉnh thức; tiêu diệt Nghiệp báo; cuối cùng là giải thoát; đây là chín sự thật. [[1]]
Thế rồi ta thấy có một định nghĩa về đức hạnh. Đức hạnh vốn là Sarāga với lòng ham muốn đưa tới Svarga, tức là nó đưa tới việc trở thành một vị Thiên thần hoặc đưa tới chủ quyền đối với chư Thiên, A tu la (Asuras) và loài người, nhưng không đưa tới sự giải thoát. Nhưng đức hạnh vốn là Vitarāga thì vô dục và chỉ có nó mới đưa tới sự giải thoát tối hậu. Vì ta vẫn còn đi theo lộ trình của Jiva cho nên ta thấy nó dẹp qua một bên Tham, Sân và Si. Dĩ nhiên cũng có các đối cực của tam độc vì ta không thể dẹp bỏ thứ này mà không dẹp bỏ đối cực của nó; cho đến khi rốt cuộc con người trở thành Jiva hoàn chỉnh và toàn bích, được tẩy trược mọi điều gian tà, toàn tri, toàn năng và toàn hiện, trọn cả vũ trụ phản chiếu nơi bản thân y thành ra một tấm gương tâm thức thuần túy “với các quyền năng của giác quan mặc dù không có giác quan”; tâm thức thuần túy là chủ thể tri thức, là Đấng Tối Cao.
Vậy thì đây là phác họa ngắn gọn về những quan điểm, quan niệm triết học của Kỳ Na giáo mà mọi tín đồ Ấn giáo đều chắc chắn là chấp nhận được, vì xét về hầu hết mọi mặt ta đều thấy gần như ta cùng một ý niệm, mặc dù đôi khi được trình bày dưới dạng hơi khác một chút.
Ta hãy xem xét kỹ lưỡng hơn về đức hạnh vì ở đây phép thực hành của Kỳ Na giáo trở nên đặc biệt thú vị; và những phương thức của nó có nhiều điều minh triết khi đặc biệt xét tới sinh hoạt của kẻ thế tục tức cư sĩ. Kỳ Na giáo được chia thành hai đoàn thể lớn, giới cư sĩ được gọi là Thanh văn (Srāvaka), còn giới tu sĩ khổ hạnh được gọi là Yati. Hai giới này chỉ có những qui tắc hành xử khác nhau theo ý nghĩa bậc Yati thực hành tới mức hoàn tất điều mà vị cư sĩ chỉ đang chuẩn bị cho các kiếp vị lai. Năm điều thệ nguyện của bậc Yati mà chút nữa tôi sẽ bàn tới cũng ràng buộc vị cư sĩ trong một chừng mực giới hạn. Xét một ví dụ đơn thuần: lời thệ nguyện Brahmacarya, dĩ nhiên áp đặt việc sống độc thân tuyệt đối cho vị Yati, nhưng đối với vị cư sĩ chỉ có nghĩa là tiết dục và giữ trinh khiết đúng mức trong sinh hoạt của một Grhastha. Bằng cách này ta có thể nói song hành với lời thệ nguyện Ahimsa (vô hại), Sūnriti (trung thực), Asteya (không trộm cắp, ngay thẳng, thẳng thắn), Brahmacarya và cuối cùng là Aparigraha (không bám víu vào bất cứ thứ gì, không tham đắm), trong trường hợp cư sĩ thì có nghĩa là y không tham lam thèm muốn; trong trường hợp vị Yati nó dĩ nhiên có nghĩa là ngài xả bỏ mọi thứ, không hề biết cái gì là “của mình”. Vậy là năm lời thệ nguyện này chi phối sinh hoạt tín đồ Kỳ Na. Y dịch từ ngữ Ahimsa (vô hại) một cách rất đặc biệt là “không sát sinh”. Trong chừng mực thực hành qua sinh hoạt tới mức cực đoan thì đôi khi nó vượt khỏi ranh giới của đức hạnh mà một kẻ phê bình hà khắc có thể bảo rằng nó đi tới mức phi lý; nhưng tôi không chịu bảo như vậy mà nói cho đúng hơn tôi thấy đó là lời phản đối chống lại việc chểnh mảng đối với sự sống của động vật và sự đau đớn của con thú rất phổ biến trong nhân loại; tôi công nhận lời phản đối này là quá quắt khi đã đánh mất đi mọi ý thức tỉ lệ vì có khi sự sống của loài côn trùng muỗi mòng lại còn dường như thể cao hơn sinh mạng của con người. Nhưng có lẽ ta vẫn có thể tha thứ khi ta nghĩ tới những điều cực kỳ ác độc mà biết bao nhiêu người tự cho phép mình thực hiện; và mặc dù đôi khi ta phải mỉm cười khi nghe nói tới bậc Yati chỉ thở qua khẩu trang vì ông thở liên tục mà không hé môi sao cho bất cứ sinh linh nào cũng không thể lọt vào phổi ông được; ông lọc nước rồi đun sôi nó một cách phản khoa học nhất – điều này thật sự giết chết sinh linh nếu nước chưa đun sôi có vi sinh vật trong ấy – nụ cười mỉm này ắt là nụ cười thương yêu vì tình âu yếm ấy thật là đẹp xiết bao. Ta hãy lắng nghe một lúc điều mà bậc Jina tuyên bố theo đó mọi người chấp nhận nó là một qui tắc sống đối với Thượng Đế: “Đấng Chí Tôn đã tuyên bố . . . Về phần nỗi đau của tôi khi bị đánh, đấm bằng một cây gậy, nắm đấm, nắm tay, cục đất hoặc mảnh sành hoặc khi bị đe dọa, đánh đập, đốt cháy, hành hạ hoặc cướp lấy sinh mệnh; và khi tôi cảm thấy mọi nỗi đau quằn quại từ việc bị chết xuống tới việc vặt lông; cũng giống như vậy chắc chắn mọi loại chúng sinh cũng đều cảm thấy nỗi đau quằn quại ấy giống như tôi khi bị bạc đãi giống như vậy trong lúc còn sống. Vì lẽ ấy, ta không nên đánh đập hoặc đối xử bằng bạo lực hoặc hà hiếp, hành hạ hay cướp đoạt sinh mạng mọi sinh linh. Tôi xin nói các bậc La Hán và Bhagavats trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều bảo như vậy, dạy như vậy, tuyên bố như vậy, giải thích như vậy: không nên giết chết, đối xử bằng bạo lực, hà hiếp, hành hạ hoặc tiêu diệt mọi loại sinh linh. Những người minh triết thông hiểu vạn vật đều đã từng dạy dỗ định luật chân thực, vĩnh hằng, thường trụ và bất di bất dịch này”. [[2]]
Nếu đó là qui tắc dành cho mọi người thì Ấn Độ sẽ khác biệt dường nào; không còn con thú nào bị đánh đập và hà hiếp, không còn tạo vật nào phải phấn đấu hoặc đau khổ; về phần mình tôi hầu như chỉ có thể bày tỏ sự đồng cảm ngay cả với điều quá quắt ấy của Kỳ Na giáo, nó vốn có một nền tảng cao quí và từ bi xiết bao; tôi mong sao cái tình thương ấy mặc dù không phải là quá quắt sẽ ngự trị trong tâm hồn của mọi người Ấn Độ thuộc mọi tín ngưỡng thời nay.
Thế rồi ta có qui tắc nghiêm ngặt là không tự đầu độc mình, không được nghiện ma túy hoặc nghiện rượu, chẳng hạn như bồ đà, thuốc phiện, rượu mạnh; dĩ nhiên không được phép nghiện bất cứ thứ gì thuộc loại ấy, thậm chí luật cũng cấm cả việc dùng mật ong và bơ bởi vì người ta muốn lấy mật ong thì người ta thường phải hi sinh mạng sống của loài ong v.v. . . Thế rồi ta thấy trong sinh hoạt hằng ngày của Kỳ Na giáo có nêu ra các qui tắc dành cho mỗi cư sĩ khi y bắt đầu và chấm dứt mỗi ngày sinh hoạt.
“Y phải thức dậy từ sáng tinh mơ rồi phải im lặng mật niệm chú, dùng ngón tay để đếm các biến của chú, thế rồi y phải tự nhủ: Tôi là ai, Istadeva của tôi là ai, Gurudeva của tôi là ai, tôi theo tôn giáo nào, tôi nên làm gì và không nên làm gì!” Đây là sự bắt đầu mỗi ngày sinh hoạt, có thể nói là kiểm điểm cuộc sống của mình một cách kỹ lưỡng và nhìn nhận cuộc sống một cách có ý thức về bản thân. Thế rồi y phải nghĩ tới Tirthamkaras và rồi phát nguyện một cách chắc chắn. Thế mà những phát nguyện này thật đặc thù theo như tôi biết, đặc thù đối với Kỳ Na giáo và chúng có một mục tiêu đáng khen và rất hữu ích. Một người tự nhủ và phát nguyện một điều nho nhỏ về chuyện hoàn toàn không quan trọng. Cứ sáng ra y lại tự nhủ: “Trong ngày này – tôi sẽ lợi dụng trường hợp cực đoan mà một tín đồ Kỳ Na giáo dành cho tôi – trong bữa nay tôi sẽ không ngồi xuống nhiều hơn một số lần nào đấy” hoặc y sẽ tự nhủ: “Trong vòng một tuần, 10 ngày hoặc một tháng, mỗi ngày tôi sẽ tịnh khẩu một tiếng đồng hồ”. Bạn ắt thắc mắc làm như vậy để làm gì? Để cho người ta luôn luôn có ý thức về bản thân và chẳng bao giờ mất quyền kiểm soát cơ thể. Đây là lý do mà người bạn Kỳ Na giáo của tôi đã trình bày và tôi thiết tưởng nó hết sức có ý nghĩa. Ngay từ khi tấm bé trẻ con đã được dạy dỗ, hứa hẹn như vậy và kết quả là nó kiểm soát được sự vô ý tứ, kiểm soát được sự kích động, kiểm soát được việc triền miên lơ đễnh vốn là một trong những đại họa của kiếp người. Một đứa trẻ được giáo dục như vậy ắt không lơ đễnh. Nó luôn luôn suy nghĩ trước khi mở miệng ra nói hoặc hành động; người ta dạy cho đứa trẻ giữ cho thể xác theo sau cái trí chứ không đi trước cái trí vốn quá thường xuyên xảy ra. Biết bao nhiêu lần thiên hạ tự nhủ: “Nếu tôi có suy nghĩ thì tôi ắt không không làm như vậy; nếu tôi có cân nhắc kỹ thì tôi chẳng bao giờ hành động như thế; nếu tôi chỉ suy nghĩ một lúc thôi thì cái lời lẽ điên khùng ấy chẳng bao giờ được thốt ra và cái ngôn ngữ cộc cằn ấy chẳng bao giờ được phát ra, cái hành động khiếm nhã ấy chẳng bao giờ được thực hiện”. Nếu ngay từ tấm bé bạn đã tự rèn luyện mình chẳng bao giờ nói mà không suy nghĩ, chẳng bao giờ làm mà không suy nghĩ, dè chừng cơ thể không cho nó vô ý thức mà phải học cách đi theo cái trí một cách không phấn đấu, không cố gắng thì bạn ắt không còn lơ đễnh sơ suất nữa. Dĩ nhiên có nhiều lời thệ nguyện nghiêm túc hơn những lời thệ nguyện của cư sĩ về việc kiên khem một cách nghiêm chỉnh và khắc khe, mọi chi tiết đều được trình bày kỹ lưỡng qua các qui tắc trong kinh sách. Nhưng tôi đang nói với các bạn một điều không dễ gì tìm thấy trong sách vở, theo chỗ tôi biết và tôi thấy điều này dường như mang tính đặc trưng và hữu dụng. Tôi xin nói thêm rằng khi các bạn gặp tín đồ Kỳ Na thì các bạn ắt thấy theo thông lệ họ có những đức tính đáng mong đợi do sự rèn luyện này: tịch lặng, tự chủ, đàng hoàng, khá kín miệng, khá dè dặt [[3]].
Bây giờ ta chuyển từ bậc cư sĩ sang bậc tu sĩ khổ hạnh Yati. Giới luật của họ rất nghiêm. Nhiều phép kiên khem được thực hiện đến mức phi thường cũng giống như việc kiên khem của các tu sĩ khổ hạnh cao cả trong Ấn giáo. Trong giáo phái Svetāmbaras có cả nam và nữ tu sĩ khổ hạnh; còn trong giáo phái Digambaras không có nữ tu sĩ khổ hạnh và quan niệm của họ về phụ nữ xét chung có lẽ cũng chẳng đáng khen lắm. Tuy nhiên trong giáo phái Svetāmbaras có cả nam lẫn nữ tu sĩ khổ hạnh với những giới luật nghiêm mật về khất thực và xả bỏ tài sản; nhưng có một qui tắc rất minh triết là tu sĩ khổ hạnh không được xả bỏ điều gì nếu điều ấy không gây cản trở cho sự tiến bộ. Vì vậy, y không được xả bỏ thân xác, y phải khất thực đủ để nuôi thân bởi vì y chỉ có thể được giải thoát trong thân xác con người. Y không được xả bỏ Sư phụ vì không có giáo huấn của Sư phụ thì y không thể bước trên trung đạo mỏng như lưỡi dao cạo vậy; y cũng không được xả bỏ giới luật vì nếu xả bỏ giới luật thì y không tiến bộ được; y cũng không được xả bỏ nghiên cứu Kinh điển vì điều ấy cũng cần thiết cho sự tiến hóa của y. Nhưng ngoài bốn điều ấy ra: cơ thể, Sư phụ, giới luật, nghiên cứu Kinh điển – chẳng có điều gì mà y có thể bảo rằng: “Nó là của tôi”. Một bậc đạo sư có dạy: “Nếu không ai yêu cầu thì y không nên thuyết pháp, còn nếu người ta thắc mắc thì y không được nói dối, y không được buông thả, giận dữ mà phải nhẫn nhục, thanh thản trong mọi hoàn cảnh dễ chịu và khó chịu. Y phải chế ngự bản ngã rồi thì y sẽ được hạnh phúc trên đời này và bên kia cửa tử” [[4]].
Bậc nữ tu khổ hạnh cũng tuân theo giới luật nghiêm mật ấy còn có một bổn phận mà tôi thấy dường như đã được dự phòng minh triết nhất; người nữ tu khổ hạnh có bổn phận phải đến thăm viếng mọi người nội trợ theo Kỳ Na giáo để xem các phụ nữ Kỳ Na là những người vợ và con gái có được giáo dục dạy dỗ đúng đắn không. Người ta rất chú trọng tới việc giáo dục phụ nữ và một công trình vĩ đại của bậc nữ tu khổ hạnh là giáo dục và giám sát việc giáo dục. Đây là một điều mà tôi thiết tưởng tín đồ Ấn giáo rất nên vay mượn của Kỳ Na giáo để cho phụ nữ Ấn giáo có thể được dạy dỗ mà vẫn không đánh mất tín ngưỡng theo tục truyền của mình hoặc phải bị sự can thiệp khó chịu vào tôn giáo của chính mình nhờ được các vị tu sĩ khổ hạnh theo tín ngưỡng của chính mình dạy dỗ. Chắc chắn là không có thiên chức nào cao quí hơn thế và chắc chắn điều này sẽ thuận lợi cho Ấn giáo.
Thế rồi bậc tu sĩ khổ hạnh sẽ chết ra sao? Chết bằng cách tuyệt thực. Y không đợi cho tới khi thần chết rớ tới mình mà khi y đạt tới mức không tiến bộ thêm nữa trong thể xác này, khi y đã tới giới hạn ấy của thể xác thì y bèn dẹp nó sang một bên, tự nguyện tuyệt thực để sang bên kia cửa tử.
Đây là một bài tường trình ngắn gọn và bất toàn xiết bao về một tôn giáo cao cả, về một tín ngưỡng vĩ đại mà ta có thể nói hầu như đồng nhất với Ấn giáo về mọi mặt; nhất là trong trường hợp ở Bắc Ấn Độ thì tín đồ Kỳ Na giáo và giai cấp Vaishya trong Ấn giáo kết hôn lẫn nhau và cùng ăn uống với nhau. Họ không coi nhau là thuộc các tôn giáo khác và trong các trường Ấn giáo ta thấy học sinh Kỳ Na, học sinh nội trú Kỳ Na sống với huynh đệ Ấn giáo; vậy là từ khi còn tấm bé, điều này góp phần kết chặt tình thân của tình thương và tình huynh đệ. Hôm qua tôi có nói với các bạn về việc kiến thiết quốc gia và ở đây xin nhắc lại với các bạn Ấn Độ rằng ta phải kiến thiết quốc gia với những người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau. Đối với tín đồ Kỳ Na thì không có khó khăn gì ngoại trừ sự ngu tín mà ta thấy có trong đám người thất học nhất thuộc mọi tín ngưỡng; bổn phận của những người minh triết hơn, biết suy nghĩ hơn, xứng danh tôn giáo hơn, có tính linh nhiều hơn là phải dần dần bớt đi sự ngu tín. Mong sao mọi người thuộc mọi tín ngưỡng đều dạy cho kẻ vô minh biết thương yêu chứ đừng thù ghét. Mong sao y hãy nhấn mạnh tới những điều đoàn kết chúng ta lại chứ không chú trọng tới những điều chia rẽ chúng ta. Mong sao mọi người trong sinh hoạt thường nhật đừng bao giờ nói ra những lời cộc cằn đối với bất kỳ tín ngưỡng nào khác, mà nói lên những lời yêu thương đối với mọi tín ngưỡng. Đó là vì khi làm như vậy, ta chẳng những phụng sự Thượng Đế mà còn phục vụ con người; ta chẳng những phục vụ tôn giáo mà còn phục vụ Ấn Độ, là quê hương chung của mọi người; tất cả đều là người Ấn, đều là con của Ấn Độ, tất cả đều phải có chỗ đứng trong nước Ấn Độ tương lai. Vậy thì hỡi các huynh đệ, ta hãy phấn đấu làm tròn phần việc của mình trong sự kiến thiết cho dẫu chỉ là góp một viên gạch nhỏ yêu thương vào tòa nhà đồ sộ là Tình Huynh Đệ; mong sao không người nào mệnh danh là Thông Thiên Học giả (kẻ yêu chân lý Minh triết Thiêng liêng) lại dám thốt ra một lời cộc cằn đối với một tín ngưỡng mà Thượng Đế đã dành cho con người, vì chúng ta đều từ Ngài mà ra và tất cả chúng ta lại trở về với Ngài thì hơi đâu mà chúng ta cãi cọ với nhau một cách tình cờ?
------------------------


[[1]] Uttarādhyayana, XXVIII.14
[[2]] Uttarādhyayana, II. I. 48, 49
[[3]] Các chi tiết được trình bày ở đây hầu hết được trích ra từ Jainatattvādarsa của Muni Atmārāmji và do bạn tôi là Govinda Dasa dịch ra từ tiếng Prākrit.
[[4]] Uttarādhyayana, I. 14, 15
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved