Giai thoại về bốn nàng Kiều từng vào thơ Quang Dũng
Bốn chị em nhan sắc nức tiếng Hà thành một thời được cho là nguồn cảm hứng cho câu thơ "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" trong "Tây Tiến". Giai thoại được kể trong lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Quang Dũng, hôm 11/11 ở Hà Nội.
Tại buổi lễ, nhà thơ Vân Long tiết lộ, câu chuyện về Quang Dũng do người bạn thân thời trẻ Chiêu Dương, tức Nguyễn Ngọc Chương, kể lại.
Đó là lúc hai cậu học trò Quang Dũng và Ngọc Chương sắp sửa bước vào kỳ thi “đíp-lôm” (lấy bằng Thành chung) ở Hà Nội. Chương rủ bạn đến chơi nhà mấy chị em cô Kiều nổi tiếng xinh đẹp, con một ông chủ thầu khoán, ở số 68 Hàng Bông. Gọi là bốn cô Kiều vì các cô đều có tên đệm Kiều, gồm: Kiều Vinh, Kiều Dinh, Kiều Hinh và Kiều Hương. Riêng ông Chương đã chấm cô Kiều Dinh, định giới thiệu cho anh bạn một trong ba cô còn lại.
Trích đoạn bài thơ "Tây Tiến" được treo trong lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Quang Dũng do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức. |
Thời trẻ, Quang Dũng và Ngọc Chương là hai chàng trai cao ráo tuấn tú, như nhà thơ Vân Long chú thích thêm: “Quang Dũng về già còn đẹp, huống chi lúc tuổi đương xuân. Còn Ngọc Chương từng tặng tôi bức ảnh ông thi lực sĩ thể hình”. Nhờ thế, ông bố chủ thầu của các cô Kiều cũng khá ưng ý, như lại ra điều kiện: “Phi đíp-lôm bất thành phu phụ” (không đậu Thành chung thì không gả con gái cho). Sau đó, cả hai chàng trai đi thi đều “trượt vỏ chuối”, khiến mối nhân duyên với các cô Kiều bất thành. Nguyễn Ngọc Chương còn chán nản đến nỗi bỏ vào miền Nam một thời gian.
Năm 1948, Quang Dũng, lúc này đã là một người lính, đi dự đại hội toàn quân ở Phù Lưu Chanh (Hà Nam) sau chiến dịch Tây Tiến. Ông làm bài thơ “Tây Tiến” đọc trước đại hội, được anh em ngợi khen. Bài thơ sau đó còn đăng báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Bộ Đội, được độc giả truyền nhau chép tay.
Một buổi chiều cuối năm 1948, Quang Dũng tìm đến xưởng công binh Liên khu 3 vùng kháng chiến, nơi Ngọc Chương làm việc, để tặng bạn bài thơ “Tây Tiến”, trong đó có câu “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”, với chữ “Kiều” viết hoa trịnh trọng. Hai người bạn ngồi đọc thơ và nhâm nhi kỷ niệm thời đi học. Với Nguyễn Ngọc Chương, chữ “Kiều” viết hoa hay không đều đúng, vì đó là một từ vừa riêng lại vừa chung, một kỷ niệm ấm áp về Hà Nội.
Trong lễ kỷ niệm, chị Bùi Phương Thảo, con gái út của nhà thơ, đọc bài thơ "Tây Tiến" bằng chất giọng truyền cảm khiến người nghe xúc động. |
Có một thời gian, “Tây Tiến” bị quy chụp là ủy mị, tiểu tư sản, câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” cũng bị đưa ra làm dẫn chứng. Dịch giả Thúy Toàn nhớ lại chuyện này: “Có lúc Quang Dũng không dám nhắc đến đứa con tinh thần của mình, có người đả động đến ông cũng làm ngơ. Nhưng rồi bài thơ vẫn sống được, vẫn được lưu truyền”. Còn câu chuyện về bốn nàng Kiều ở Hà thành, nhà văn Vũ Bão cũng từng đề cập đến trong một bài báo.
Hành trang thơ của Quang Dũng không dày dặn gì. Theo tổng kết của nhà thơ Vân Long, tất cả vào khoảng 65 bài, trong đó có 42 bài đã in sách, phần lớn nằm trong tập thơ riêng duy nhất “Mây đầu ô” và 23 bài chưa in sách.
Tập hợp tác phẩm của Quang Dũng là điều khó khăn. Theo lời kể của bạn bè, ông hầu như không có sổ chép thơ, ghi rõ ngày tháng sáng tác mà gặp đâu viết đó, có khi viết vào một tờ giấy rời, có khi viết vào sổ của bạn bè. Thơ văn ông rất dễ thất lạc là vì thế. May mắn là, “Chiêu Quân”, bài thơ đầu tay của Quang Dũng do ông viết năm 1937, lúc mới 16 tuổi, vẫn được lưu giữ. Bài thơ được Trần Lê Vân, người bạn chí cốt của ông, đưa vào trang đầu của “Tuyển tập Quang Dũng” năm 1999.
Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm), sinh năm 1921, mất năm 1988. Quê ông ở làng Phượng Trì, tổng Phùng, huyện Đan Phượng, nay thuộc Hà Nội. Theo nhận định của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, hai bài thơ rất nổi tiếng “Tây Tiến” (1948) và “Mắt người Sơn Tây” (1949) là “hai đỉnh Ba Vì trong thơ Quang Dũng”.