Home » » PHẠM XUÂN NGUYÊN – NGÒI BÚT KHÔNG HÈN

PHẠM XUÂN NGUYÊN – NGÒI BÚT KHÔNG HÈN

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011 | 01:23

PHẠM XUÂN NGUYÊN – NGÒI BÚT KHÔNG HÈN


Người thường có những phát ngôn thẳng thắn ấy dong dỏng cao, tuổi hơn 40 mà tóc đã bạc như cước, không học trường ngoại ngữ nào mà giỏi 4 thứ tiếng, làm ở viện nghiên cứu nhưng bằng cấp chỉ cử nhân. Đó là con người lạ.

Những nhận xét… nổi da gà
Nhắc đến Phạm Xuân Nguyên, người ta không thể không nhắc tới những tuyên ngôn của anh. Chúng khiến người ta phải suy nghĩ, phải động não, phải phản ứng. Anh rất biết kích hoạt cho con người hoạt động. Sau đây là một số câu tiêu biểu:
- Tôi vẫn hay nói là nhà văn của mình nhiều người không dám nói những điều mình nghĩ và không dám nghĩ những điều mình nói.
- Hội (nhà văn) kết nạp dễ dãi, chủ yếu là kết nạp người viết chứ đâu có phải là tác giả, những người này mới có sách in chứ đâu phải là tác phẩm.
- Một cuốn sách phải dịch trong 3 tháng thì biên tập cũng phải mất 3 tháng.
- Vì nhà văn ta tự thân đã hèn, rồi lại bị cái áp lực bên ngoài làm cho hèn nữa, thế là hèn cộng hèn bằng đại hèn.
- Có thể có người coi Thuận (tác giả tiểu thuyết T. mất tích) là “cũ người mới ta”, chịu ảnh hưởng người này người khác, nhưng viết văn mà đưa lại được cái mới cho nơi chưa có nó đã là một điều tốt.
- Cái tôi thèm nhất là một môi trường cho những người viết trẻ xuất hiện và khẳng định.
- Ông Marx có dạy một câu thế này: Người đi giáo dục cũng cần phải được giáo dục.
- Nhà phê bình cần tri thức và bản lĩnh. Tôi thấy mình có cả hai.
Có người nói Phạm Xuân Nguyên làm nhiều, viết nhiều, nhưng chưa định hình được cái gì lớn. Có thể ý người ta muốn nói đấy là một tác phẩm đồ sộ gì đó, hay một cái luận án tiến sĩ xếp trong kho chăng?
Phạm Xuân Nguyên dường như không quan tâm đến những cái danh hão nên dù làm việc ở Viện Văn học, nhưng anh chỉ có bằng cử nhân mà không có nhu cầu lấy bằng cao hơn.
Phạm Xuân Nguyên thực ra rất nhất quán, anh luôn ủng hộ và nâng niu cái mới, những sáng tạo của hiện tại và có lẽ là tương lai nữa.
Đó chính là công việc đem lại nhiều thử thách cho anh, nhưng cũng chính là cơ sở cho những thành công của anh, trong lòng bạn đọc và trong giới bạn bè văn chương Việt Nam. Dù là một nhà dịch thuật, phê bình hay blogger thì gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên vẫn là một hình ảnh rất thân thiện trong mắt nhiều người.
Che chắn cho cái mới
Phạm Xuân Nguyên thường phù cho những cái mới manh nha, còn yếu ớt, những cái bị chê nhiều hơn khen.
Ở Hà Nội, cuối năm nhiều báo lại đặt Phạm Xuân Nguyên viết bài tổng hợp tình hình văn chương trẻ Việt Nam. Một số tờ báo đặt anh chuyên mục giới thiệu tác giả tác phẩm mới.
Đi đâu Phạm Xuân Nguyên cũng đem theo một cái USB trong đó có hầu hết sáng tác của các tác giả trẻ, đủ mọi trường phái, dư luận, dù tác giả đó anh có thích hay không.
Anh là bạn bè thân của những cây viết mới một thời như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Phương Vinh, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Võ Thị Xuân Hà và anh cũng là bạn bè bia rượu với anh em thơ trẻ Sài Gòn, với những Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh ở Hà Nội.
Anh cũng rất nhiệt tình với các cây bút gốc Việt, những tác giả có nguy cơ bị lãng quên.
Người ta thường phù thịnh nhưng anh lại không thích như vậy, anh thường phù suy – phù cho những cái mới manh nha, còn yếu ớt, những cái bị chê nhiều hơn khen. Phạm Xuân Nguyên thường cân nhắc và chỉ viết về những tác giả mà anh cảm thấy có cái gì đó mới mẻ, những giá trị có thể bị sao nhãng.
Có người nói Nguyên gàn, kiểu gàn của ông đồ Nghệ. Anh thì vẫn vậy. Mỗi lần lên tiếng là y như rằng khiến người ta phải chú ý. Bởi thế mà không chỉ sách dịch, sách phê bình mà cả blog của anh cũng được quan tâm nồng nhiệt.
Bơi trong… ao làng
Cái người ta nể ở Phạm Xuân Nguyên là khả năng đọc nhà văn, cảm thông được với những tư tưởng lớn.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Phạm Xuân Nguyên nói: Tôi rất trân trọng lao động sáng tạo của các nhà văn ta nhưng công bằng và nghiêm khắc nhìn nhận thì văn học ta vẫn tầm tầm quá, vẫn nằm trong vũng ao làng.
Nói như vậy là bức xúc lắm. Một người làm phê bình, bám sát vào các giá trị văn chương đương thời, mà cứ phải bơi trong một cái ao làng tác phẩm, thực chẳng dễ chịu chút nào.
Cái thực trạng văn chương Việt Nam, nhập nhiều hơn xuất, người ta nói đến đã nhiều. Nhưng đến khi một nhà phê bình phải ngửa mặt lên trời mà than hai tiếng ao làng! thì người ta cảm thấy buồn thấu tận xương.
Tốt nghiệp Khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngoại ngữ của Phạm Xuân Nguyên là tự học. Nguyên dùng tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, vừa nhìn bản gốc vừa nhìn vi tính, lâu lâu mới ngó đến từ điển. Đó là cái trời cho, bởi vì Nguyên không phải là người học gạo cắm cổ mà học. Có giai thoại nói rằng Phạm Xuân Nguyên nhớ số điện thọai vanh vách.
Phạm Xuân Nguyên dịch bám sát câu chữ, tinh tế về ngôn từ nhưng cái người ta nể là khả năng đọc nhà văn, cảm thông được với những tư tưởng lớn. Nhờ vậy mà bản dịch mới có được cái tươi tắn của hồn cốt tác phẩm.
Nhưng cái riêng của Phạm Xuân Nguyên là anh ưu tiên dịch những tác phẩm hiện đại, đôi khi rất khó dịch. Milan Kundera là một trong những tác giả hậu hiện đại tiêu biểu của châu Âu. Những giá trị tinh thần của ông có thể nói là mới đối với châu Âu chứ không chỉ Việt Nam.
Trong dịch thuật các bài phê bình, Phạm Xuân Nguyên cũng rất chú trọng các tác phẩm lý thuyết về hậu hiện đại. Cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean-François Lyotard là một ví dụ.
Những cuốn sách nhập môn này quan trọng không chỉ với giới sáng tác phê bình mà còn cần thiết với người đọc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nguyên Anh
Nguồn: TuanVietNam (VNN)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved