Home » » Những chân trời thời gian

Những chân trời thời gian

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 02:14

Những chân trời thời gian
Lý Lan

Trong hơn một thập niên qua, mỗi năm một câu hỏi đã được đặt ra cho những trí thức dẫn đường trên thế giới thảo luận. Tổ chức đặt ra câu hỏi đó là Edge Foundation, những ý kiến tranh luận sau đó được tập hợp biên soạn thành sách.


Câu hỏi của năm 2011 được đưa ra vào tháng giêng, đến nay đã có 164 ý kiến đóng góp của 164 học giả thuộc nhiều ngành học thuật khác nhau. Câu hỏi là Khái niệm khoa học nào sẽ phát triển bộ công cụ nhận thức của mọi người? (What scientific concept would improve everybody’s cognitive toolkit?). Có thể đọc tất cả những ý kiến đó trên website của Edge (edge.org). Nhiều ý kiến khác nhau, không phải tất cả đều mới mẻ độc đáo hay xuất chúng, nhưng có thể từng người đọc sẽ bắt gặp những ý tưởng gợi nên cảm hứng mạnh mẽ đối với riêng mình. Chẳng hạn với tôi là khái niệm “Thời gian sâu” của Martin Rees.

“Chúng ta cần mở rộng những chân trời thời gian của chúng ta”, Martin Rees bắt đầu sau cái tựa “Thời gian sâu” và tương lai xa.

Martin Rees là giáo sư môn Vũ trụ học và Vật lý học thiên thể, hiệu trưởng Trinity College thuộc Đại học Cambridge, một người Anh quí tộc, được phong Nam tước Rees xứ Ludlow, chủ tịch danh dự Hội Hoàng gia, nhà thiên văn của triều đình Anh, được trao rất nhiều danh vị cùng giải thưởng sáng giá, và được mượn tên đặt cho một hành tinh: ngôi sao 4587Rees. Một trong những quyển sách nổi tiếng của ông, xuất bản năm 2003, có tựa Giờ cuối cùng của chúng ta: Một cảnh cáo của nhà khoa học: Tai họa môi trường, sai lầm và khủng bố đe dọa tương lai nhân loại như thế nào trong thế kỷ này – trên và ngoài mặt đất. Câu hỏi lớn Rees đặt ra vào thời điểm đó là liệu nhân loại có tồn tại đến hết thế kỷ 21?

Quyển sách mới nhất của ông hiện đang được quảng bá nhưng chưa phát hành có tựa Điều chúng ta còn chưa biết, dựa trên một bộ phim ba phần mà ông đã thực hiện từ năm 2004, đặt ra những câu hỏi: Chúng ta có thực không? Tại sao chúng ta hiện hữu nơi đây? Và ngoài chúng ta còn ai khác nữa?

Với máy tính cầm tay, thậm chí cái điện thoại di động thông minh, chúng ta tưởng như mình có thể biết tất cả nếu sục vào lượng thông tin khổng lồ mà nhân loại đã tạo ra. Chúng ta cũng dễ tự hào và tin tưởng thành tựu khoa học kỹ thuật căn cứ vào những gì chúng ta đang thụ hưởng với một cái giá tương đối phải chăng. Quả thực khoa học ở thế kỷ 21 đã đạt những thành tựu diệu kỳ. Thế nhưng theo Martin Rees thì 95% của vũ trụ là những “vật chất tối” không thể nhận ra. Có phải đó chính là “cái” đang vận hành vũ trụ, cái đó vĩnh cửu hay hữu hạn? Mà vũ trụ của chúng ta là vũ trụ duy nhất, hay còn vô số vũ trụ khác nữa? Chúng vận hành cùng qui luật vật lý như chúng ta biết hay khác hẳn. Và trong vũ trụ hay những hệ thống tinh tú khác có sự sống phức tạp không, nếu có thì họ khôn dại hơn ta cỡ nào? Có hình thái sống nào đủ tiên tiến để sáng tạo ra những vũ trụ mới theo thiết kế của mình?

Một trong những quyển sách nổi tiếng của Martin Rees, xuất bản năm 2003, có tựa Giờ cuối cùng của chúng ta: Một cảnh cáo của nhà khoa học: Tai họa môi trường, sai lầm và khủng bố đe dọa tương lai nhân loại như thế nào trong thế kỷ này – trên và ngoài mặt đất. Câu hỏi lớn Rees đặt ra vào thời điểm đó là liệu nhân loại có tồn tại đến hết thế kỷ 21?

Chúng ta cần mở rộng những chân trời thời gian của chúng ta. Đặc biệt, chúng ta cần ý thức rộng hơn và sâu hơn rằng còn rất nhiều thời gian ở phía trước so với thời gian đã trôi qua từ trước đến giờ.” Martin Rees giải thích: “Sinh quyển hiện nay của chúng ta là kết quả của hơn bốn tỷ năm tiến hóa; và chúng ta có thể lần theo dấu lịch sử vũ trụ đến “vụ nổ lớn” xảy ra khoảng 13,7 tỷ năm trước. Những khoảng thời gian dằng dặc của quá khứ tiến hóa giờ đây là bộ phận của tri thức và văn hóa chung.” Chúng ta nói “xưa như trái đất”, “sầu vạn cổ”, “từ thuở khai thiên lập địa”, “ngày xửa ngày xưa ấy”… và có thể hình dung quá khứ mười mấy tỷ năm.

Còn tương lai? Chúng ta tính đời người đến trăm năm, vận nước đến muôn năm, tham vọng quyền lực đến “vạn vạn tuế” là cùng. Martin Rees viết “những chân trời thời gian mênh mông trải ra phía trước chúng ta chưa ngấm vào văn hóa chúng ta ở mức độ tương đương ý thức về thời gian quá khứ. Mặt trời của chúng ta còn chưa trải hết một nửa đời nó. Mặt trời được hình thành cách đây 4 tỷ rưỡi năm, và nó còn đủ năng lượng để tự đốt mình trong hơn 6 tỷ năm nữa.” Khoảng vài ngàn năm nay chúng ta đã hình dung về ngày “tận thế”, và tiên đoán bằng những khoảng thời gian ngắn hơn tuổi thọ của Mặt trời. Nhưng có “tận thế” không sau khi Mặt trời không còn nữa? Theo Martin Rees thì vũ trụ vẫn tiếp tục phồng ra, lạnh hơn và trống trải hơn, nhưng cứ phồng ra mãi, có thể mãi mãi. Ít nhất thì đó cũng là khả năng nhìn xa nhất về tương lai của những nhà vũ trụ học hiện nay, mặc dù một số chỉ ước đoán vũ trụ tồn tại thêm vài chục tỷ năm nữa thôi.

Rees cho là ý thức về “thời gian sâu” ở phía trước vẫn còn chưa sâu trong văn hóa con người. Chúng ta tưởng con người đã là đỉnh cao của tiến hóa. Nhưng các nhà vũ trụ học nghĩ hoàn toàn ngược lại. Họ tin là con người vẫn chưa đạt tới bậc giữa của thang tiến hóa. Theo Rees, “Còn rất nhiều thời gian cho tiến hóa sau-người, ở đây trên mặt đất, hay ở ngoài Trái đất, có hệ thống hay phi hệ thống, để tăng sự đa dạng hơn nữa, thậm chí có những thay đổi về chất lượng lớn lao hơn, so với những thay đổi từ những sinh vật đơn bào đến nhân loại.” Những nhà thiên văn như Martin Rees biết là trong vũ trụ, nơi sự sống lan tỏa, rất rộng lớn và đa dạng, “loài người chắc chắn không phải là nhánh tận cùng của cái cây tiến hoá, mà chỉ là một loài xuất hiện sớm trong lịch sử vũ trụ, với triển vọng đặc biệt đối với sự tiến hóa phong phú đa dạng.”

Thử vô sở thú quan sát con khỉ dã nhân với ý thức đó là loài ở dưới loài người một bậc thang tiến hóa. Rồi tưởng tượng sẽ có (hay đã, đang có?) một loài gì đó tiến hóa hơn loài người một bậc. Có lẽ loài ấy nhìn loài người như cách chúng ta đang nhìn loài khỉ. Nhưng Martin Rees an ủi: “điều này không làm sút giảm thân phận loài người. Con người chúng ta có quyền cảm thấy vô cùng quan trọng với tư cách là loài đầu tiên được ghi nhận với năng lực tạo hình di sản tiến hóa của mình.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved