Home » » Cảnh cáo Học Phiệt trả lời của Phạm Quỳnh

Cảnh cáo Học Phiệt trả lời của Phạm Quỳnh

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013 | 16:59

TRẢ LỜI BÀI “CẢNH CÁO HỌC PHIỆT” CỦA PHAN KHÔI TIÊN SINH
PHẠM QUỲNH (1892–1945)

Phan-Khôi tiên-sinh với tôi là chỗ quen biết cũ.
Từ khi tiên sinh dời Hà-nội vô Nam-Kỳ, không có dịp gặp nhau. Nhưng về phần tiên sinh; coi chừng vẫn nhớ tới tôi luôn. Khi viết báo Thần-Chung, khi viết báo Phụ-nữ, tiên sinh thường nhắc đến tên tôi. Thậm chí có khi không sẵn đầu bài, tiên sinh lấy tôi làm đầu bài. Như mới đây, nhân tiên-sinh soạn chưa xong « bài trả lời » ông Trần-Trọng-Kim về Nho-giáo, tiên sinh lại sực nhớ đến tôi mà liền tặng cho cái huy hiệu làm lãnh tụ một đảng, tiên sinh đặt tên là đảng « Học-phiệt », rồi nhân đó viết một bài đại-luận để cảnh-cáo cho những người trong đảng ấy.
Nếu về cảm-tình người cũ mà Phan tiên-sinh ân cần đến tôi như thế, tôi xin cám ơn.
Từ trước đến nay tôi không trả lời tiên sinh, là vì tiên sinh mới thỉnh thoảng tặng cho năm ba câu mát mẻ xa xôi mà thôi, xét ra cũng không có quan hệ gì.
Nhưng nay tiên sinh công nhiên làm án một phái cho là có tội với học thuật nước nhà, mà lại phân minh chỉ tên tuổi tôi là thủ lãnh, tức là thủ phạm trong phái, thì tôi dầu có muốn lên mặt kiêu căng cũng không thể sao làm thinh cho được.
Vả việc là việc quan hệ lớn, không phải chỉ thiết đến một cá nhân tôi thôi, mà thiết đến cả học giới trong nước, tất tôi phải cùng tiên sinh phân trần mấy lời, không thể cho độc giả ngộ nhận được.
Vậy Phan tiên sinh kết án phái « học phiệt » về những tội gì?
Trước hết chữ « học phiệt » đó của tiên sinh tự đặt ra nghĩa là gì?
Tiên-sinh cho nước ta có một bọn « học-phiệt » tức cũng như nước Tàu có bọn « quân phiệt », là một hạng người cũng sao có học vấn, có tư-tưởng, nhưng phải cái tánh tự-cao, tự phụ quá, dường như muốn chuyên chế dư-luận chỉ lên mặt làm thầy người ta, chớ không chịu người ta chỉ trích đến mình.
Tiên-sinh buộc cho bọn đó hai cái tội: một là phàm ai nghị-luận, chỉ-trích, công-kích, phẩm-bình gì đến mình là cứ làm thinh hết thảy, người ta gọi đến tên mà « chửi » cũng không trả lời, đó là một cái thái độ rất khả ố, vì tỏ ra khinh người mà lại hèn nhát nữa; hai là chính vì cái thái độ khả-ố đó mà cõi học nước nhà thành ra vắng vẻ lạnh lẽo, không ai còn muốn cãi cọ bàn bạc gì đến nữa, rõ ra cái cảnh tro tàn khói tỏa, quạnh-quẽ đìu-hiu là cái cảnh chết.
Tiên sinh vì tiền đồ học thuật, hăm hở mạnh bạo đứng lên kết án phái « học phiệt » đó, lời lẽ nghiêm nghị như quan chưởng lý kết án đảng Cộng-sản vậy.
Vậy những bị cáo nhơn là ai?
Tiên sinh chỉ nói phái « học phiệt » không có bao lăm người, mà không kể rõ có những ai, song kêu đích danh tôi là thủ phạm. Vậy có lẽ tiên sinh chỉ có ý muốn « gây sự » – Xin miễn cho tiếng nôm ra – riêng với tôi chăng?
Tiên sinh buộc tội cho tôi có cái dã tâm muốn chuyên chế dư luận, dường như muốn làm một tên Mussolini trong cõi học nước Nam này. Vậy ra tôi có oai quyền, có thế lực đến thế dư? Thế thì danh-giá cho tôi quá! Dầu tiên sinh có đem cả đại đội đến mà công kích tôi, tôi cũng cam tâm mà lấy làm tự khoái.
Song phàm xử án công bằng, phải có chứng cớ hẳn hoi, chớ vì tình nghi, vì ác cảm với người nào mà kiếm cớ buộc tội cho người ta, thì cái án ấy không có giá trị gì nữa.
Tỉ như việc Cộng-sản. Ví Chính-phủ vì không ưa người nào, sẵn lòng nghi, cho khám xét nhà, không thấy gì cả, chỉ bắt được mấy quyển sách Karl Marx (Mã-Khắc-Tư) hay Lénine (Lý-Ninh), cũng buộc tội cho là muốn làm cộng sản, mưu nhiễu loạn cuộc trị-an, như thế thì có phải là công bằng không?
Nay Phan tiên-sinh đối với tôi mà khởi ra cái án « học-phiệt » đó, có phải là chứng cớ rõ ràng không, hay là chỉ vì « tình nghi » mà bỗng dưng kết cấu ra? Có phải có sự thực hẳn hoi không, hay là chỉ là một cái « án về thái độ », một cái « án về khuynh-hướng » (Procès de tendance), nghĩa là đoán phỏng chừng cái ý-hướng của người ta mà đem lòng yêu ghét, buộc cho những tội không đâu?
Không biết chủ ý tiên sanh thế nào, nhưng trong bài đại luận của tiên sinh chỉ có thấy dẫn một việc làm chứng, là việc mấy năm trước ông nghè Ngô-Đức-Kế công kích tôi về truyện Kiều, mà tôi cứ thủy chung làm thinh không trả lời; thế là phạm hai cái tội đã kể trên kia.
Ông Nghè Ngô nay là người thiên cổ rồi[1]. Kẻ khuất người còn, chuyện bao năm cũ kể ra làm gì? Nhưng Phan tiên sinh đã giở giói ra, thì tôi cũng phải nối lời phân trần cho rõ lẽ, xin vong linh ông Ngô chứng giám!
Họ Ngô với tôi vốn không hiềm khích gì. Ông là người quốc sự phạm cũ, vì việc nước mà long đong chìm nổi trong bao năm, dẫu người không đồng tư tưởng, đồng chánh kiến với ông, cũng phải kính trọng cái thân thế của ông. Tôi cũng vậy, thủy chung vẫn coi ông như bậc đàn anh. Bấy giờ ông làm chủ bút báo « Hữu-Thanh » mới lập. Báo Hữu-Thanh là một cái tạp chí; báo Nam-Phong của tôi cũng là một cái tạp-chí. Báo Hữu-Thanh ra sau, báo Nam-Phong của tôi có từ trước. « Hàng thịt nguýt hàng cá », là cái thói thường của bọn con buôn. Trong làng văn làng báo có khi cũng mắc phải cái thói đó. Xem chừng ra ngay từ đầu, báo Hữu-Thanh đã không có ý thân thiện với chúng tôi rồi. Tôi đoán thế nào cũng có một cuộc phản đối. Nhân khi ấy hội Khai-trí Tiến-đức mới đặt ra lễ kỷ niệm cụ Tiên-Điền là tác giả truyện Kiều. Việc này tự tôi khởi xướng, mà ông Trần-Trọng-Kim cũng là một tay chủ động. Bữa ông Trần và tôi diễn-thuyết ở hội Khai-trí có tới hai ngàn người đến nghe, coi ra hoan nghinh cổ võ lắm. Ông chủ bút Hữu Thanh có ý căm tức, liền viết bài phản đối Truyện Kiều và nhân thể mỉa sát tôi. Tôi giận lắm, hăng hái muốn ra quyết chiến với họ Ngô một phen. Vì tôi ôn-hòa thì ôn-hòa thật, nhưng không đến nỗi nhu nhược mà bị người công kích không biết đối phó lại. Nhưng tôi nghĩ kỹ, rồi quyết hẳn làm thinh không trả lời. Ai cũng biết rằng họ Ngô không phải vì truyện Kiều mà bình phẩm truyện Kiều, chỉ là kiếm cớ để gây cuộc « cãi lộn » với tôi, trước là làm một cách quảng cáo cho báo « Hữu-Thanh », sau cũng để thỏa một cái lòng ác cảm riêng chăng. Truyện Kiều là một nền văn chương kiệt tác, xét truyện Kiều phải đứng về phương diện văn chương mà xét, nay họ Ngô lại đứng về phương diện đạo đức – mà là cái đạo đức rất hẹp hòi của phái hương nguyện – thì rõ là chủ ý lập luận thiên đi, để có chỗ mà công kích người ta, như vậy không phải là một vấn đề văn chương học vấn gì nữa, chỉ là một vấn đề cá nhân mà thôi. Tôi bèn định cứ làm thinh, không bắt lời tựu trung có hai lẽ như sau:
1) – Đã là một vấn đề cá nhơn, thì việc chỉ can thiệp đến hai người đối thủ với nhau mà thôi. Bất luận tài học ông Nghè Ngô thế nào, ông có một điều hơn đứt hẳn tôi: là ông là người đã vì nước mà phải tù tội. Trên cái cân dư-luận của quốc-dân, ông đã có sẵn 10 năm Côn-Lôn ở đó rồi. Như vậy thì cuộc tranh luận không được ngang sức nhau nữa. Vả lại tự ý tôi cũng không muốn tranh luận với ông, ví dầu thế nào mặc lòng, tôi cũng vẫn kính trọng cái thân thể của ông; nếu đã thành ra cuộc cãi lộn thì tất phải dùng những lời nặng tiếng nhẹ, ông cho tôi là « văn sĩ lóp lép », thì tôi nể gì ông mà không tặng cho ông những tên nọ tên kia, thành ra một cuộc đấu khẫu hàng rau hàng cá, còn có sự thể gì nữa!
2) – Lẽ nữa, – mà lẽ này Phan-Khôi tiên-sinh đoán trúng lắm – là ông chủ bút Hữu-Thanh đã lập tâm « gây sự«  với tôi để làm quảng cáo cho báo ấy, thì tôi là chủ báo Nam-Phong, khi nào tôi chịu mắc mưu đó! Tôi làm thinh không trả lời, chính là một cách phá cái dã tâm của họ vậy.
Ấy đầu đuôi câu chuyện như vậy. Rút lại là một câu chuyện cá nhơn, câu chuyện quyền lợi cả, không có quan hệ gì đến học vấn tư tưởng hết.
Bởi thế nên tôi cứ làm thinh, không hề đả động đến nửa lời. Làm thinh là không muốn cãi lộn vô ích, chớ không phải là khinh hay là sợ gì dư luận.
Ôi! dư luận! dư luận vẫn đáng kính trọng lắm. Nhưng Phan tiên sinh còn lạ gì, dư luận ở nước ta từ trước đến giờ hãy còn ấu trỉ lắm. Nhiều người không biết phân biệt chuyện nghĩa lý với chuyện cá nhơn, không biết rằng người thức giả thảo luận với nhau là để tỏ bày chân lý, chớ không phải là cốt để thắng lẫn nhau, như trong cuộc đấu võ vậy.
Tôi chắc rằng có người đọc bài « cảnh cáo » của Phan tiên sinh; nghĩ bụng rằng: « ông này tất có bụng ghen ghét gì Phạm-Quỳnh mới kiếm chuyện cãi lộn như vậy ». Lại chắc có người không ưa tôi mà nghĩ rằng: « Đáng kiếp! Đã bị ông Nghè Ngô trị cho một lần, lại bị ông Tú Khôi trị cho một lần nữa! » Như vậy chẳng là oan cả cho hai bên dư? Câu chuyện nghĩa lý mà biến thành câu chuyện cá-nhơn đó.
Đối với một cái dư-luận còn bỡ ngỡ như vậy, tưởng cũng không nên câu nệ cho lắm. Không nên coi thường dư-luận, nhưng cũng không nên làm nô-lệ cho dư luận. Có nhiều điều dư luận nhao nhao lên đó, mà người thức giả nên làm thinh.
Sau cuộc phản đối của ông Nghè Ngô, trong nước liền nổi lên cái phong-trào chính-trị mới. Có người nối gót ông Ngô, cũng đem lời nọ tiếng kia mà phẩm bình tôi. Tôi đều nhứt thiết làm thinh cả. Là vì những lời bình phẩm đó là toàn về cái thái-độ chính-trị của tôi, mà tôi vốn không phải là nhà chính-trị. Chẳng biết từ nay về sau vì thời thế bắt buộc có phải thực lực ra làm chính trị hay không đó là một cái nghĩa vụ, nếu phải làm thì cũng không dám từ – chớ từ trước đến nay sở chí sở sự của tôi không phải chuyên chủ về mặt chính trị; dầu có tham dự vào chút đỉnh, cũng chỉ là tham dự một cách gián tiếp, đứng về địa vị khách quan, để làm một món khảo cứu mà thôi.
Tôi vốn là nhà làm văn, nhà học vấn. Cái chủ nghĩa tôi phụng sự bấy lâu nay – kể có trên dưới mười lăm năm trời thật là dốc một lòng, chuyên một giạ – chính là chủ nghĩa quốc gia, nhưng chỉ mới phụng sự về phương diện văn hóa, chưa hề chuyển di sang phương diện chính trị.
Tôi thiết nghĩ rằng muốn cho nước nhà được độc lập, thì phải gây lấy cái hồn độc lập cho quốc dân. Muốn gây lấy cái hồn độc lập cho quốc dân thì phải có khí cụ để tuyên truyền giáo dục. Cái khí cụ để tuyên truyền giáo dục là ngữ ngôn văn tự trong nước. Bởi thế nên 15 năm nay, tôi không làm một việc gì khác cả: chỉ cúc cung tận tụy về một việc, là cổ động cho quốc văn, tài bồi cho quốc văn, gây dựng cho quốc văn thành một nền văn chương đích đáng, có thể dùng làm cái lợi khí để truyền bá văn minh trong nước. Các bạn đồng chí trong Nam ngoài Bắc cũng đã công nhận cho cái công phu ấy không phải là vô ích.
Vì tôi chỉ chuyên chủ về một việc tài bồi quốc văn như vậy, cho nên thật không để chí vào việc chính trị. Ai bình phẩm tôi về chính trị là bình phẩm sai cả. Tôi cho là bất túc kinh trọng, nên không hề đối đáp, không hề cải chính bao giờ.
Nhưng đến việc văn chương học vấn thì tôi rất vui lòng thảo luận. Bởi vậy Phan tiên sinh khởi ra cái án ly kỳ là cái án « học phiệt » này, tôi liền cầm bút để cùng tiên sinh phân trần các lẽ. Tôi thật không dám khinh dư luận, nếu dư luận ấy là ở những người thức giả như tiên sinh.
Tiên-sinh thấy cái cảnh tiêu-điều trong học giới nước nhà, lấy làm buồn, buồn sanh bực, bực bèn muốn qui-cửu cho người nào, liền qui-cửu cho tôi. Thế là tiên-sinh phán đoán vội-vàng: nếu trong cõi học nước nhà, có kẻ nào là tội nhân, thì tôi đây không dám tự cao, cũng có thể cho là một kẻ nhẹ tội hơn cả.
Nhưng học-giới nước ta không phải ngày nay mới tiêu-điều. Đương lúc khoa-cử còn thịnh đã có cái cảnh tiêu điều đó rồi. Vì cái học khoa-cử, chỉ là cái học để thi đổ mà thôi, không phải là học-thuật chân chính. Nói đến học thuật chân chính thì cổ lai nước ta có gì? Không dám bội bạc tiền nhân, nhưng thật không có người nào vậy. Tương truyền lý-học thâm-thúy có cụ Chu An, cụ Trạng-Trình. Nhưng các cụ phát minh được những điều gì, trứ thuật được những sách gì có giá trị? Nào đâu là những phái Vương-học, phái Thiên-Tôn như ở Nhật-Bản, cũng học chữ Tàu mà khám phá được nhiều điều người Tàu không nghĩ đến? Nước mình tịnh không có gì cả. Đó chẳng qua là bởi cái tinh thần học vấn của mình nó bạc nhược quá. Lại bởi cái mô phỏng của người mình nữa. Xưa kia động nói là dương danh ông Khổng, ông ông Mạnh, ông Chu, ông Trình; ngày nay động nói là giở ra khoa học với lý luận, dân chủ với dân quyền! Nghe người ta nói mình cũng nói, chớ vị tất đã thấu hiểu đến chỗ tinh vi.
Ấy là cái hiển tượng của học giới ta ở đó, ở cái tính nô lệ của người mình đó, chớ không phải là lỗi tại người này hay người nọ.
Nay muốn cho cõi học được vui vẻ sầm-uất, không cần phải dùng đến những cách dương đông, kích tây, nay công kích người này mai phản đối người nọ, để làm một trò chơi cho khách bàng quan.
Phải nên cùng nhau hiệp lực, cố gây dựng cho nước nhà một nền « quốc học » đích đáng, không Tây mà cũng không Nho, có cái tính cách đặc biệt, tiêu biểu được cho cái tinh thần cố-hữu của nòi giống. Cái ý-tưởng đó ngày nay Phan tiên sinh mới đề xướng, mà về phần tôi chủ trương đã lâu năm rồi.
Vậy ngày nay chúng ta có nên cổ động lập một hội « Chấn hưng quốc-học », họp tập những người có chí học vấn trong Nam ngoài Bắc, mỗi năm hội nghị một lần để bàn các kế-hoạch nên thi hành cho nước nhà có một nền quốc-học xứng đáng không?
Thiết tưởng thế còn hơn là cãi vã nhau vô ích.
Phan tiên sinh nghĩ sao?


Nguồn: Phụ nữ tân văn số 67, 28-3-1930.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved