Home » » Lý học Tầu và Minh triết Việt

Lý học Tầu và Minh triết Việt

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013 | 00:54

Ngẩn ngơ, vơ vẩn Lý học Tàu.
Hàng ngàn năm trôi qua, nền văn minh Đông phương đã lưu truyền những bản văn chữ Hán nói về thuyết Âm Dương Ngũ hành, một cách mơ hồ và bí ẩn. Cho đến ngày nay, khi xu thế hội nhập toàn cầu đã hội nhập hầu hết những nền văn minh nhân loại thì có thể nói rằng cả thế giới này đã mặc định thuyết Âm Dương Ngũ hành – cốt lõi của nền Lý học Đông phương – thuộc về nền văn hóa Hán. Mặc dù cho đến ngày nay, học thuyết này vẫn chỉ để lại những dấu ấn mơ hồ và sừng sững thách đố trí tuệ của nhân loại.
Và có lẽ mọi người cũng quá quen thuộc với một biểu tượng của học thuyết này với đồ hình dưới đây:

Posted Image
Những người tìm hiểu ứng dụng và nghiên cứu Lý học Đông phương cũng nghiễm nhiên thừa nhận tính hợp lý của đồ hình này, như một biểu tương cô đọng nhất cho tính minh triết cho thuyết Âm Dương ngũ hành với những lý luận của các nhà Hán Nho. Cũng đã trải hàng ngàn năm qua – kể từ đời Hán – các nhà lý học phương Đông thuộc văn hóa Hán đã có rất nhiều cố gắng lý giải ý nghĩa của câu “Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái”. Có người cho rằng: Thái cực là Thái nhất, là thái Hư. Có người cho rằng: Thái cực có nguồn gốc từ Vô cực, Thái cực động sinh Dương, Dương tịnh sinh Âm, Âm Dương sinh ra Ngũ hành (Chu Hy – Dịch học khởi mông). Có người cho rằng: Tứ tượng tức là Thái Âm, Thái Dương, thiếu Âm, thiếu Dương… Nhưng tất cả các cách giải thích của họ đều mơ hồ và mâu thuẫn. Khiến cho đến nay nền văn hóa cổ Đông phương vẫn là một sự huyền bí, khó hiểu ngay từ nguyên lý khởi nguyên của nó (*).
Bây giờ, chúng ta xem xét câu trong Hệ từ được các nhà Lý học Trung Hoa phát biểu như sau:
“Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái”
Câu này người viết chia làm hai vế là: “Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng” và ”Bát quái”.
Ở vế đầu chúng ta thấy rằng: Thái cực là một khái niệm miêu tả trạng thái khởi nguyên của vũ trụ; sinh “Lưỡng nghi” cũng là khái niệm miêu tả sự phát triển giai đoạn tiếp theo của vũ trụ sau Thái cực. Tương tự như vậy, khái niệm Tứ tượng cũng là sự miêu tả trạng thái tiếp theo của vũ trụ sau “Lưỡng Nghi”. Nhưng đến về thứ hai thì khái niệm “Bát quái ” lại là khái niệm miêu tả những ký hiệu quy ước trong Dịch học. Như vậy đây là một câu không thống nhất về tính đồng đẳng trong nội dung của chuỗi khái niệm trong Lý học Trung Hoa. Nói nôm na và hình ảnh thì nó tương tự với một nội dung như sau: “Ông bà sinh ra cha mẹ; Cha mẹ sinh ra con cái; con cái đẻ ra con vịt”.
Vậy mà cả thế giới vỗ tay ầm ầm khen hay.
Hay thật!

Thâm sâu, thần sầu minh triết Việt. 
Cái câu “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng” của Lý học Việt có câu kết không giống Tàu. Nhưng nền văn minh Việt ghi nó ở đâu để Lão Sư Thiến gàn này dám phát biểu như vậy?
Nó ghi trong “Truyện cười dân gian Việt” do Nxb Nguyễn Du in năm 1956 (Hoặc 1958). Câu chuyện kể lại thế này:
Có một thày đồ dạy chữ trong làng. Một hôm thày được gia đình học trò cho một đĩa bánh rán tẩm mật. Ăn hết bánh, thấy mật còn nhiều trên đĩa thầy thấy thèm. Nhưng trước mặt học trò không lẽ cứ liếm mật thì còn gì là thể thống người thày nữa. Thày bèn nghĩ ra một mẹo. Thày nói:
- Này các con. Sau này các con lớn lên thành lương đống của triều đình, sẽ phải qua thi cử ngặt nghèo. Những sĩ tử đi thi qua nhiều bài khó và những câu hỏi mẹo khắt khe để thử trí thông minh. Nay thầy tập cho các con và thử trí thông minh của các con để các con sau này quen với nhưng câu hỏi khó.
Đám học trò chú ý nhìn thày. Thày lè lưỡi liếm vòng quanh đĩa mật và giơ lên hỏi:
- Cái gì đây?
Đám học trò ngơ ngác.
- Hic! Thế mà cũng không biết! Đây chính là ngôi Thái Cực.
Nói xong thầy lại lè lưỡi liếm ngang chiếc đĩa và giơ lên:
- Cái gì đây?
Đám học trò ngơ ngác.
- Thái cực sinh lưỡng nghi. Thày dõng dạc bảo. Xong thày lại lè lưỡi liếm dọc chiếc đĩa.
- Cái gì đây? Biết học trò mình có thể có thằng biết, nên thày nói ngay:
- Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Thày gằn giọng nói tiếp:
- Còn đây là “Tứ tượng biến hóa vô cùng”Nói xong thày lè lưỡi liếm sạch cái đĩa.
*
Như vậy, so sánh với cậu trên trong Hệ từ của Chu Dịch thì chúng khắc hẳn về tính miêu tả nội dung:
- Việt:
Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng.Tứ tượng biến hóa vô cùng.
- Tàu: 
Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh Bát quái.

Thưa quí vị! Đấy là cách hiểu của tôi về nội dung câu chuyện cười dân gian Việt, miêu tả hoàn toàn khác với sách hàn lâm về Dịch của các trí giả mũ cao áo rộng, cân đai nghiêm chỉnh của bao thế hệ Nho học Tàu, qua các triều đại Hán Đường Tống Nguyên….. Tất nhiên trong đó không thiếu những học giả sừng sỏ làm nên những thứ triết lý kiểu “Mồm bò, chẳng phải mồm bò. Nhưng lại là mồm bò”. Hàng ngàn năm đô hộ Bắc phương, nền văn hiến Việt tộc phải chìm đắm và ngụy trang để tồn tại. Đến khi nước Việt hưng quốc, những giá trị văn hiến Việt bị Hán hóa trong hàng ngàn năm đó trở ngược lại trong văn hiến Việt và nghiễm nhiên bị ngộ nhận có nguồn gốc Tàu. Nhưng những giá trị minh triết Việt vẫn lưu truyền rải rác trong dân gian cho các thế hệ mai sau tìm về nguồn cội và phục hồi lại chính gốc của một lý thuyết cổ xưa đầy huyền bí. Mà những giá trị của nó thì những tri thức của nền khoa học hiện đại chưa đủ để thẩm thấu. Bởi vì nó chính là Lý thuyết thống nhất vũ trụ – “Một lý thuyết cổ xưa sẽ quay trở lại với nhân loại”.
=============================
* Chú thích: Xin xem “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved