Home » » Tại sao thế giới có màu sắc

Tại sao thế giới có màu sắc

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013 | 18:05

Sáu viên đá quý trên có nguyên nhân gây ra màu sắc khác nhau:
Theo chiều kim đồng hồ, từ trái sang:
  1. Beryl kiểu Maxixe, tâm màu bức xạ cảm ứng (dải năng lượng).
  2. Spinel tròn lam, tạp chất kim loại chuyển tiếp (màu sắc trường ligand từ tạp chất cobalt).
  3. Spinel “kép”, spinel không màu chứa một lớp chất nhuộm hữu cơ – màu sắc gây ra bởi các hợp chất hữu cơ (quỹ đạo phân tử).
  4. Lapis Lazili hình oval, cho nhận điện tích S3- anion-anion (quỹ đạo phân tử).
  5. Sapphire lam, cho nhận điện tích cộng hóa trị Fe-Ti (quỹ đạo phân tử).
  6. Shattuckite hình oval, hợp chất đồng, hợp chất kim loại chuyển tiếp (màu trường ligand idiochromatic).
Kích cỡ: viên lớn nhất có bề ngang 2 cm.
Tại sao bầu trời có màu xanh? Tại sao ngọn lửa có màu vàng? Cái gì gây ra màu sắc sặc sỡ ở sapphire hoặc ngọc lục bảo? Kim cương và cầu vồng có đặc điểm gì chung ? Có mối liên hệ nào giữa sắc màu mùa thu và chim hồng hạc hay không?
Người ta đề xuất rằng tất cả màu sắc trong vũ trụ phát sinh từ chỉ mười lăm nguyên nhân vật lí cơ bản. Những nguyên nhân này xuất hiện lặp đi lặp lại, mang lại màu sắc cho thế giới xung quanh chúng ta. Một số nguyên nhân phổ biến có vẻ thật hợp lí – thí dụ, ánh sáng bóng đèn điện và ánh sáng ngọn nến đều có màu do sự nóng sáng – còn những nguyên nhân khác thì thật bất ngờ - bạn có biết rằng màu sắc của lông công và bong bong xà phòng đều có nguyên nhân là sự giao thoa? Việc bổ sung một lượng rất nhỏ tạp chất có thể biến corundum trong suốt thành thỏi ruby đỏ rực rỡ. Nguyên nhân tương tự làm cho ngọc lục bảo có màu lục, và mang lại màu săc ở một số hàng men gốm.

Ánh sáng từ dòng điện, phản ứng hóa học và bức xạ nhiệt
TẠO RA ÁNH SÁNG
Ánh sáng được tạo ra khi những dạng năng lượng khác bị biến đổi thành năng lượng điện từ trong vùng phổ nhìn thấy.
Có nhiều nguồn năng lượng đa dạng phát ra ánh sáng. Chúng ta khai thác điện năng để tạo ra ánh sáng trong sự vắng mặt của ánh sáng tự nhiên, làm nóng dây tóc của bóng đèn điện, sử dụng các electron để kích thích ống phủ lót bột huỳnh quang và sử dụng dòng điện để bật sáng LED.


Ngọn lửa sinh ra qua phản ứng cháy, tạo ra ánh sáng ở dạng ánh sáng đèn nến, ánh sáng ngọn lửa và ánh sáng nhiều màu sắc của những màn trình diễn pháo hoa.


Những vật nóng, từ dung nham nóng chảy đến sắt nóng đỏ trong lò của người thợ rèn, cho đến bản thân mặt trời, phát ra nhiều màu sắc liên quan đến nhiệt độ của chúng.

Cực quang là kì quan tráng lệ của ánh sáng sinh ra khi gió mặt trời va chạm với các đường sức của từ trường trái đất, làm mê mệt và hoang mang bao con người trong hàng thiên niên kỉ qua.

Màu sắc của ánh sáng mặt trời, những vật nóng, ngọn lửa, tia sét, cực quang và bóng đèn điện tiêu biểu cho một ngưỡng rộng những cách thức trong đó năng lượng bị biến đổi thành ánh sáng nhìn thấy để nhuộm màu cho thế giới của chúng ta, và vì thế tạo ra ánh sáng.Tại sao những vật nóng có màu? (sự nóng sáng)
NHÌN THẤY NHIỆT

Núi lửa là một thí dụ rực rỡ của đá tan chảy nóng sáng.
Về mặt ngôn ngữ, chúng ta hiểu “nóng trắng” là nóng hơn “nóng đỏ”, còn “xanh” thường đi cùng với mức độ lạnh nào đó, như trong từ “xanh mát” hay “xanh băng”. Theo nhiệt độ thực sự thì “nóng xanh” là nóng hơn “nóng đỏ”.
Nóng sáng là gì?
Sự nóng sáng là sự phát xạ ánh sáng bởi vật rắn bị làm nóng đến khi nó tỏa sáng, hay bức xạ ra ánh sáng. Khi một thanh sắt bị nung đến một nhiệt độ rất cao, ban đầu nó tỏa sáng màu đỏ, sau đó nhiệt độ của nó chuyển dần sang màu trắng. Sự nóng sáng là nhiệt tạo ra sự trông thấy – quá trình biến năng lượng nhiệt thành năng lượng ánh sáng.
Thường ngày, chúng ta sử dụng từ “nóng đỏ”, “nóng trắng”, và vân vân, là một phần của chuỗi màu đen, đỏ, cam, vàng, trắng, và trắng xanh, nhìn thấy khi một vật bị nung nóng đến nhiệt độ mỗi lúc một cao hơn. Ánh sáng sinh ra gồm những photon phát ra khi các nguyên tử và phân tử giải phóng một phần năng lượng dao động nhiệt của chúng.
Ánh sáng nóng sáng được tạo ra khi vật chất nóng giải phóng những phần năng lượng dao động nhiệt của chúng dưới dạng photon. Nhiệt giai Kelvin đo nhiệt độ tuyệt đối (độ biến thiên 1K tương đương với độ biến thiên 1oC), với 273K tương đương với điểm đông đặc của nước. Ở nhiệt độ trung bình, thí dụ 1073K (800oC), năng lượng bức xạ bởi một vật đạt cực đại trong vùng hồng ngoại, với cường độ thấp tại đầu đỏ của quang phổ nhìn thấy. Khi nhiệt độ tăng lên, cực đại đó dịch chuyển dần và cuối cùng rơi vào vùng nhìn thấy. Ngưỡng nhiệt độ chúng ta gặp trên trái đất, thường từ 100K đến 2000K, tạo ra năng lượng điện từ chủ yếu trong vùng hồng ngoại và ánh sáng nhìn thấy, mang lại cho chúng ta thang nhiệt độ màu tiện dụng.
Nhiệt độ màu là gì?
Người ta nói ánh sáng có thể có một nhiệt độ màu. Nhiệt độ màu là một thang đo liên hệ màu sắc của ánh sáng phát ra bởi một vật với nhiệt độ của nó. Khi nhiệt độ màu tăng lên, thì ánh sáng phát ra bị dịch chuyển về phía đầu màu xanh. Trên thực tế, nhiệt độ thực sự không bằng nhiệt độ màu, đó là lí do người ta sử dụng thêm hệ số hiệu chỉnh.
Thang đo trên sử dụng màu sắc của một vật trừu tượng gọi là vật đen bức xạ, nó hấp thụ và sau đó bức xạ ra toàn bộ năng lượng đi tới nó. Thang đo này có thể áp dụng cho đèn nhiếp ảnh hoặc thậm chí cho mặt trời, nhưng nó còn có thể áp dụng cho mọi nguồn sáng khác, sử dụng các hệ số hiệu chỉnh cho phép những bề mặt thực tế không phải là những vật đen bức xạ hoàn hảo.
Đối với những nguồn sáng không hoạt động trên sự nóng sáng, thí dụ như đèn huỳnh quang, chúng ta sử dụng nhiệt độ màu tương quan (CCT). Những nguồn sáng này sẽ không tạo ra ánh sáng theo kiểu phổ bức xạ vật đen. Thay vào đó, chúng được gán cho một nhiệt độ màu tương quan, dựa trên sự phù hợp giữa sự cảm nhận của con người đối với màu sắc của ánh sáng mà chúng tạo ra và nhiệt độ màu vật đen bức xạ gần nhất.
Dưới đây là nhiệt độ màu của một số nguồn sáng thông dụng:
xấp xỉ
20.000 K
6.500 K
5.400 K
3.780 K
3.400 K
2.865 K
1.930 K
Bầu trời mở
Bầu trời mây phủ
Ánh sáng mặt trời trực tiếp
Ánh sáng hồ quang carbon
Bóng đèn thác photon
Đèn volfram 100 Watt
Lửa ngọn nến

Khi chúng ta nói ánh sáng xanh là lạnh và ánh sáng đỏ là ấm, chúng ta đang nói tới cái rất khác với nhiệt độ màu. Chúng ta sử dụng những màu này để mô tả sự cảm thụ của chúng ta hoặc để truyền đạt tâm trạng. Thật ra, nóng-xanh là nóng hơn nóng-đỏ.
Bức xạ vật đen
Tại sao người ta sử dụng một vật đen bức xạ làm chuẩn, trong khi một vật như thế hoàn toàn không tồn tại?
Hóa ra thì bức xạ vật đen mang lại cho chúng ta một hệ phát triển rất chính xác liên hệ nhiệt độ của một vật với ánh sáng mà nó phát ra. Xét trên phương diện lí tưởng và sử dụng định luật Planck, chúng ta có thể dự đoán sự phân bố năng lượng trong quang phổ đối với một nhiệt độ cho trước. Công suất phát toàn phần được tính bằng định luật Stefan-Boltzmann. Bước sóng của cực đại phát xạ, và do đó màu sắc lấn át đối với nhiệt độ này, được cho bởi định luật dịch chuyển Wien. Biết được trường hợp lí tưởng cho phép chúng ta dự đoán hoặc tính ra giá trị thực tế bằng cách hiệu chỉnh những khiếm khuyết của những vật nóng thực tế.
Khi nhiệt độ tăng dần, dải màu bức xạ như sau: đen, đỏ, cam, trắng-vàng, trắng-xanh.

Đường cong bức xạ Planck khi nhiệt độ tăng dần. Nghiên cứu của Planck suy ra từ phương trình này đã đưa ông đến với một đột phá trong việc tìm hiểu bản chất lượng tử của vật chất. Những đường cong này còn thể hiện xu hướng dịch chuyển cực đại bước sóng khi nhiệt độ tăng dần, như Wien dự đoán.

Định nghĩa “màu trắng” của chúng ta được suy ra từ sự phát xạ từ nhiệt độ 5800 K ở gần bề mặt mặt trời. Cực đại của nó ở gần 550 nm (2,25 eV) tương ứng với độ nhạy cực đại của mắt chúng ta ở trong vùng này. Người ta thường gán cho đây là sự tiến hóa của chúng ta trong vùng phụ cận của mặt trời. Cho dù nhiệt độ tăng lên bao nhiêu đi nữa, thì màu trắng-xanh là màu nóng nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được.Sự nóng sáng từ mặt trời
Chúng ta có thể sử dụng màu sắc của những vật nóng để ước tính nhiệt độ của chúng từ khoảng 1000 K trở lên, khi cực đại bước sóng di chuyển sang vùng phổ nhìn thấy. Bóng đèn dây tóc volfram, nguồn ánh sáng nhân tạo phổ biến nhất trên trái đất, tỏa sáng ở nhiệt độ khoảng 2854 K. Mặt trời là một nguồn nóng sáng tự nhiên có bề mặt, quang quyển, khoảng 5800 K.
Sự phát xạ từ bề mặt của mặt trời, với nhiệt độ trung bình của nó chừng 5800 K, cho chúng ta sự định nghĩa màu trắng; cực đại bước sóng của nó ở gần 550 nm (2,25 eV) phù hợp với độ nhạy cực đại của mắt chúng ta trong vùng phổ đó, phản ánh sự tiến hóa vượt bậc của chúng ta khi sinh sống dưới ánh sáng của mặt trời.
Năng lượng của mặt trời có nguồn gốc từ những phản ứng nhiệt hạt nhân tại nhân của nó, tâm của mặt trời có nhiệt độ ước tính chừng 15.000.000 K. Khi năng lượng này truyền tỏa lên bề mặt của mặt trời, năng lượng trước tiên được truyền bằng bức xạ (qua một lớp gọi là lớp bức xạ), bị hấp thụ và tái bức xạ ở những nhiệt độ giảm dần. Càng gần đến bề mặt, qua lớp đối lưu, sự đối lưu trở thành cơ chế truyền năng lượng át trội vì plasma ở đó kém nóng và kém đặc hơn, và không thể duy trì sự truyền nhiệt bằng bức xạ.
Lúc đi tới bề mặt của mặt trời, quang quyển, nó đạt tới nhiệt độ 5800 K mà chúng ta cảm nhận là ánh sáng trắng nhìn thấy.
Ngoài nhiệt và ánh sáng, mặt trời còn phát ra một dòng hạt tích điện mật độ thấp (chủ yếu là electron và proton) gọi là gió mặt trời, chúng truyền đi trong hệ mặt trời ở tốc độ chừng 450 km/s. Gió mặt trời và những hạt năng lượng cao hơn nhiều do các tai lửa mặt trời phát ra có thể có những tác động kịch tính đối với trái đất, từ sự hỏng hóc đường dây tải điện và gây nhiễu sự truyền tín hiệu vô tuyến cho đến sự xuất hiện lộng lẫy của cực quang.

Màu trắng rực rỡ của pháo hoa là thí dụ của sự nóng sáng. Các kim loại, như magnesium, bị nung nóng đến nhiệt độ trắng-sáng trong lò. Những màu sắc khác xuất hiện trong những màn trình diễn phát hóa là sử dụng sự phát quang, chứ không phải sự nóng sáng.
Những thí dụ khác của sự nóng sáng và công dụng của nó
Màu sắc của sự nóng sáng được dùng để đo nhiệt độ trong bức xạ kế. Các nguồn sáng, từ ngọn nến đơn giản đến đèn chiếu sân khấu, đèn hồ quang, và bóng đèn dây tóc nóng sáng hiện đại và bóng đèn flash, tất cả đều sử dụng sự nóng sáng; thường mục tiêu là tránh màu sắc và tạo ra ánh sáng càng trắng đều càng tốt.
Sự chế tác kim loại phụ thuộc nhiều vào sự nóng sáng để nhận ra những sự thay đổi rạch ròi bằng màu sắc. Người thợ rèn tôi sắt ở nhiệt độ nóng-đỏ, còn người thợ kim hoàn cần biết nhiệt độ màu của một kim loại nhất định để tôi luyện nó một cách chính xác, đưa nó vào hoạt động mà không làm nó bị quá nhiệt.

Người thợ rèn lấy một thỏi sắt nóng-đỏ ra khỏi lò nung.

Nhiệt độ tôi luyện lí tưởng cho bạc (trái) và vàng: màu hồng xỉn đối với bạc, và màu đỏ đối với vàng.
Tại sao bóng đèn và đèn ống có màu trắng? (sự nóng sáng)
Bật đèn lên lúc trời nhá nhem tối, chúng ta trông đợi thứ ánh sáng ấm áp của những bòng đèn nóng sáng. Những lo ngại ngày càng tăng thêm trước những vấn đề môi trường đang khiến một số người chuyển sang sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact, và công nghệ đang đặt nền tảng cho những bóng đèn LED còn hiệu quả kinh tế hơn nữa.
Mặc dù bóng đèn huỳnh quang compact đang phát triển về số lượng, nhưng bóng đèn nóng sáng vẫn tạo ra nhiều ánh sáng trong nhà của chúng ta. Bóng đèn Edison đã thay thế cho đèn hồ quang carbon, loại nguồn sáng được sử dụng rộng rãi ở nước Mĩ và thế giới từ cuối thập niên 1870. Đèn hồ quang tạo ra ánh sáng cường độ rất mạnh, nên nó không thích hợp cho việc chiếu sáng những không gian nội thất nhỏ hẹp. Tuy nhiên, ngay cả sau sự xuất hiện của bóng đèn nóng sáng, đèn hồ quang vẫn tiếp tục tồn tại trong hàng thập kỉ dưới dạng đèn đường và đèn chiếu sáng những không gian nội thất rộng lớn, thí dụ như nhà máy, công xưởng. Các bóng đèn nóng sáng thật sự không có nổi độ sáng của đèn hồ quang. Ngày nay, đèn hồ quang carbon vẫn được sử dụng trong một số loại đèn pha và máy chiếu lớn.

Chiếu sáng Broadway bằng đèn Brush, năm 1881, thành phố New York

Đèn hồ quang có gốc gác từ công ti General Electric Corp, (GE), khoảng năm 1911. Hai thanh carbon nối với một nguồn điện được mang lại với nhau rồi sau đó tách nhau ra. Khi hai thanh carbon tách ra, một đường ion hóa nóng, hồ quang, được tạo ra giữa chúng. Hồ quang tiếp tục dẫn điện sau khi hai thanh carbon tách nhau ra. Cung hồ quang này cháy ở hàng nghìn độ và cấp nhiệt cho hai đầu nhọn carbon đến nóng sáng. Phần lớn ánh sáng phát ra từ hai đầu nhọn carbon, chứ không phải bản thân hồ quang. Khi carbon cháy lụi, chúng cần phải được điều chỉnh để duy trì khoảng cách thích hợp sao cho hồ quang không tắt đi. “Đèn hồ quang Brush” của công ti GE giải quyết được vấn đề “khoảng cách” này, và đã thành công trên thị trường vào cuối thập niên 1870, mang lại kỉ nguyên mới của ánh sáng đèn điện.
Bóng đèn nóng sáng
Bóng đèn nóng sáng có nhiều tên gọi như đèn điện, đèn tròn, đèn dây tóc. Sự nóng sáng là sự giải phóng bức xạ điện từ, thường là bức xạ nhìn thấy, từ một vật nóng đang bức xạ. Đèn nóng sáng tạo ra ánh sáng bằng cách sử dụng dòng điện để làm nóng một sợi vật liệu mỏng gọi là dây tóc. Dây tóc kháng lại sự chảy của các electron và điện trở này làm nóng dây tóc cho đến khi nó phát sáng. Màu sắc của ánh sáng phát ra này phụ thuộc vào nhiệt độ, vì dây tóc trở thành một vật bức xạ vật đen. Bóng thủy tinh hàn kín giữ sợi dây tóc ở trong chân không hoặc trong một chất khí trơ, vì oxygen sẽ cho phép dây tóc bùng cháy và nhanh chóng bị lụi mát bởi sự oxy hóa. Ngày nay, dây tóc của bóng đèn được chế tạo bằng volfram – một kim loại đặc biệt có khả năng duy trì một nhiệt độ cao trong hàng trăm giờ đồng hồ liền mà không bị đốt cháy.
Đèn điện có màu gì?
Dây tóc đang phát sáng có màu trắng, và chúng ta mô tả ánh sáng nóng sáng của nó là màu trắng. Tuy nhiên, thành phần bước sóng thật sự của những nguồn sáng điện khác nhau thì khác nhau, vì thế chúng ta cảm nhận màu trắng hơi phớt xanh là “lạnh”, còn màu trắng hơi phớt hồng là “ấm”. Vì những tên gọi này là mơ hồ, cho nên người ta đã phát triển những công cụ như chỉ số phân loại màu (CRI) và nhiệt độ màu.
Những chỉ số này có một số ứng dụng quan trọng, thí dụ như xác lập các tiêu chuẩn cho nhiếp ảnh, và nhận dạng những loại đèn huỳnh quang khác nhau. Ảnh chụp thường để lộ ánh sáng xung quanh hơi cam hoặc hơi xanh, và thợ nhiếp ảnh phải bù trừ để tạo ra một sự cân bằng màu sắc hài hòa. Tất nhiên, ngày nay, nhiếp ảnh kĩ thuật số cho phép các hiệu chỉnh được thực hiện sau khi ảnh đã được chụp.

Bản vẽ sáng chế của bóng đèn điện Edison, 27/1/1880.
Sự phát triển của bóng đèn nóng sáng
Vào ngày 31 tháng 12 năm 1879, Thomas Edison đã trình diễn phát minh nổi tiếng nhất của ông: chiếc đèn điện nóng sáng thực tế đầu tiên. Tuy nhiên, ông không phải là nhà phát minh đầu tiên làm thí nghiệm với đèn điện. Khi Edison bắt đầu kiểm tra khả năng chế tạo đèn điện, thì đèn hồ quang đã trở nên thông dụng trong việc thắp sáng đường phố, nhà máy, và những khu vực rộng lớn khác.
Nhiều nhà phát minh đã cố gắng hoàn thiện bóng đèn nóng sáng để “chia nhỏ” đèn điện hoặc chế tạo nó nhỏ hơn và yếu hơn. Edison thì đi tìm một chất liệu trở nên nóng sáng và không bị tan chảy khi bị dòng điện làm cho nóng lên. Trong một thời gian dài, ông đã làm thí nghiệm với platinum, nhưng cuối cùng ông đã chế tạo dây tóc của mình bằng cách carbon hóa một loại giấy bìa cứng gọi là giấy bìa Bristol. Trong những chiếc đèn điện lúc mới đầu, có quá nhiều oxygen nên làm cho dây tóc bùng cháy. Edison đã có được những bơm chân không tốt nhất nên ông có thể làm rỗng bóng đèn của ông càng chứa ít không khí càng tốt. Vì thế, dây tóc carbon của ông không bốc cháy nữa.
Edison còn phát triển cả một hệ thống sản xuất điện năng và phân phối nó đến nhiều nơi cùng một lúc. Hệ thống của Edison bao gồm các máy phát, công tắc, điện kế, cầu chì, đường dây phân phối và máy điều tiết. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của đèn điện và hệ thống điện của Edison là ổ cắm đơn giản, hiện đại, tương tự với hệ thống chúng ta sử dụng ngày nay.

Đèn điện, 1880, phát minh của Thomas Edison (1847-1931)Công dụng của bóng đèn nóng sáng
Các bóng đèn nóng sáng được sử dụng rộng rãi trong nhà cửa, công nghiệp, và thương mại, nhưng chúng đa dạng về kích cỡ, hình dạng, và công suất. Tuy nhiên, chúng đều rẻ tiền và có thể hoạt động từ nguồn điện một chiều (thí dụ như pin) hoặc dòng điện xoay chiều do mạng lưới điện cung cấp. Đặc điểm này khiến bóng đèn nóng sáng thật lí tưởng cho sự chiếu sáng di động (thí dụ như đèn trong nhà, đèn pha xe hơi, đèn flash), chiếu sáng trang trí, và chiếu sáng các bảng quảng cáo ngoài trời.
Vì bóng đèn nóng sáng vừa tạo ra nhiệt vừa tạo ra ánh sáng, nên nó được sử dụng rộng rãi ở những khu vực khép kín như lò ấp trứng và chuồng động vật, hoặc thậm chí để làm nóng thực phẩm. Loại nhiệt bức xạ này hữu ích ở những nơi khí hậu lạnh lẽo, nhưng nó lại gây lãng phí ở những nơi khí hậu nóng bức, nơi mà nhiệt phát ra phải được loại bỏ lần nữa, thí dụ gây thêm tiêu hao năng lượng của máy điều hòa không khí.
Tương lai của bóng đèn nóng sáng
Bóng đèn nóng sáng là một nguồn sáng không hiệu quả, theo nghĩa là đa phần năng lượng cấp vào được sử dụng để nung nóng dây tóc, và chỉ một phần nhỏ năng lượng đó được phát ra dưới dạng ánh sáng nhìn thấy. Khi có áp lực ngày một tăng đối với nhiên liệu và các nguồn năng lượng của chúng ta, người ta ngày một quan tâm hơn đến những dụng cụ sản sinh lượng ánh sáng nhìn thấy ngang như vậy, nhưng đòi hỏi ít năng lượng điện hơn. Thí dụ, bóng đèn nóng sáng trong nhà và công sở hiện đang được thay thế bởi bóng đèn huỳnh quang, đặc biệt là đèn huỳnh quang compact. Các công thức phosphor đã cải tiến màu sắc của ánh sáng phát ra bởi đèn huỳnh quang compact cho phù hợp với tông màu quen thuộc của bóng đèn nóng sáng. Không giống như bóng đèn nóng sáng, những bóng đèn này không bị nóng lên.

Bóng đèn LED là thế hệ tiếp theo cho bóng đèn nóng sáng. LED thích hợp cho nhiều ứng dụng ngày càng đa dạng, như dùng làm đèn tín hiệu giao thông, đèn trang trí, các thiết bị điện tử và đèn xe đạp. Khi công nghệ LED phát triển, ngưỡng màu sắc đã mở rộng từ đỏ, lục, và vàng đến lam, và trắng-lam. Cuối cùng, LEC sẽ có thể tạo ra ánh sáng trắng-vàng, ấm áp mà chúng ta đã quen thuộc với bóng đèn nóng sáng, và sẽ có khả năng trở thành nguồn sáng được ưa chuộng.

Đèn huỳnh quang compact
Đèn huỳnh quang dựa trên sự kích thích chất khí để tạo ra ánh sáng. Một chất khí ion hóa bên trong bóng đèn huỳnh quang compact bị kích thích do sự phóng điện. Khi điện trường này làm gia tốc các electron tự do, chúng va chạm với các chất khí và nguyên tử kim loại, kích thích các electron của chúng nhảy lên trạng thái năng lượng cao hơn. Khi những electron bị kích thích này rơi xuống trạng thái năng lượng thấp hơn, chúng phát ra các photon ánh sáng. Những photon này có bước sóng nằm trong vùng nhìn thấy và vùng tử ngoại. Bức xạ tử ngoại đập tới lớp tráng huỳnh quang ở mặt trong của ống, làm phát ra ánh sáng nhìn thấy.
Các khái niệm như nhiệt độ màu không áp dụng cho những nguồn sáng hiệu quả năng lượng hơn, mặc dù thỉnh thoảng chúng có thể được dịch thành những khái niệm tương đương, thí dụ như nhiệt độ màu tương quan. Các ánh sáng đó không trắng đều như nhau, và như với bóng đèn nóng sáng, một “độ trắng” có thể đo được của ánh sáng là rất quan trọng trong những lĩnh vực như nhiếp ảnh và trong thiết kế chiếu sáng nội thất tiên tiến.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved