Home » » 5 câu chuyện hoang đường về mặt trăng

5 câu chuyện hoang đường về mặt trăng

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013 | 17:47

Chúng ta biết có trăng rằm, trăng xanh, siêu trăng, và một số tên gọi gợi mở văn hóa khác nữa của mặt trăng. Trên thế giới có nhiều câu chuyện được lan truyền từ đời này sang đời khác về mặt trăng. Một số câu chuyện đã trở thành thần thoại, một số thì bị hiểu sai. Dưới đây chúng ta hãy làm rõ 5 câu chuyện hoang đường về mặt trăng.
1. Mặt trăng có một phía tối vĩnh viễn
Đa số học sinh đều biết rằng mặt trăng chỉ hướng một mặt hay một bán cầu về phía Trái đất. Điều này (đại khái) là đúng và đưa đến quan điểm cho rằng có một phía tối vĩnh viễn trên mặt trăng, một quan điểm đã được làm cho bất tử trong âm nhạc của Pink Flyod và nhiều tác phẩm khác trên thế giới.
Thật ra, phía bề mặt mặt trăng hướng ra xa Trái đất không tối hơn phía mà chúng ta nhìn thấy. Có lúc nó được mặt trời rọi sáng (ban ngày mặt trăng), và có lúc nó nằm bị che khuất (ban đêm mặt trăng).
Phía nhìn về Trái đất của mặt trăng đưa đến một hiểu lầm nữa mà nhiều người chia sẻ, đó là từ Trái đất chúng ta chỉ nhìn thấy 50% của mặt trăng mà thôi. Thật ra, chỉ khoảng 41% phía bên kia của mặt trăng (một cái tên gọi chính xác và thích hợp hơn nhiều so với phía tối) bị che khuất vĩnh viễn trước tầm mắt của con người đứng trên Trái đất. Một người siêng năng trên Trái đất, theo thời gian, có thể nhìn thấy khoảng 59% bề mặt của mặt trăng. Đây là do một hiện tượng gọi là dao động biểu kiến làm cho góc nhìn mặt trăng, so với Trái đất, thay đổi chút ít trên quỹ đạo của nó.
Dao động biểu kiến của mặt trăng là do thực tế quỹ đạo của mặt trăng xung quanh Trái đất không phải là một vòng tròn hoàn hảo. Thay vậy, nó là một vòng tròn hơi dẹt gọi là elip. Hãy tưởng tượng một chiếc xe đua đang chạy trên một đường đua elip. Tại mỗi đầu elip của đường đua, chiếc xe hơi bị nhào một chút do sự thay đổi góc. Nó giống như là rẽ cua vậy. Kết quả là mặt trăng thỉnh thoảng hơi lộ mặt nhiều hơn một chút ở phía cực đông hoặc cực tây (tùy thuộc vào vị trí trên quỹ đạo). Đó là nguyên nhân vì sao khi nhìn từ Trái đất, khoảng 59% bề mặt mặt trăng lộ ra trên hành trình quỹ đạo (đại khái) một tháng xung quanh Trái đất.
Mặt trăng
Đây không phải là ảnh thật. Nó là ảnh trích từ quảng cáo của hãng giày Nike trên truyền hình. Quan điểm cho rằng trên mặt trăng không có trọng lượng chỉ là chuyện tưởng tượng mà thôi.
2. Mặt trăng tròn hoàn hảo
Nhìn bằng mắt, mặt trăng trông có vẻ tròn trịa, và thật tự nhiên để người ta giả định rằng nó có dạng cầu – với mỗi điểm trên bề mặt của nó cách đều tâm của nó – giống như một quả bóng to. Không phải thế. Hình dạng của mặt trăng là một phỏng cầu dẹt, nghĩa là nó có dạng một quả bóng bị dẹt một tí. Nhìn ảnh chụp của Mộc tinh bạn sẽ thấy một ví dụ của hình dạng này. Mặt trăng biểu hiện độ dẹt rất nhỏ, nhưng cái quan trọng hơn là thực tế “phía” mặt trăng quay mặt về Trái đất lớn hơn một chút so với phía hướng ra xa chúng ta. Tức là có thể ví von nó như một cái trứng chim tiêu biểu với một “đầu” to hơn đầu kia. Mặt trăng không có dạng cầu chính xác. Độ sai lệch là nhỏ, nhưng có thật.
Mặt trăng
Phía quay mặt về Trái đất của mặt trăng, nhìn qua kính thiên văn.
3. Mặt trăng có màu trắng sáng
Những ai từng ngắm trăng tròn ở cao trên bầu trời trong đêm muộn có quyền tin vào điều này. Tuy nhiên, nói tương đối thì mặt trăng không sáng gì đặc biệt và thật ra không có màu trắng. Nó dường như rất sáng so với bầu trời đêm, và bình thường mắt ta trông nó có màu trắng. Bạn còn nhớ tới bóng đèn nóng sáng ngày trước chứ? Bây giờ hãy tưởng tượng có một bóng đèn 100 watt đặt ở xa 50 m, và tỏa sáng trong một khu vực nếu không có nó thì hoàn toàn tối đen như mực. Đây là một ví dụ gần đúng cho độ sáng của mặt trăng rằm.
Còn màu sắc ư? Vâng, giống như với độ sáng, màu sắc là một cái chủ quan. Mặt trăng không phát ra ánh sáng của riêng nó, mà nó tỏa sáng nhờ ánh sáng mặt trời phản xạ. Ánh sáng mặt trời gồm đủ loại màu sắc, nhưng có cực đại trong vùng vàng-lục của quang phổ. Mặt trời trông sáng trắng khi ở cao trên bầu trời, giống như mặt trăng, bởi do cách kết nối mắt-não của chúng ta hòa trộn các màu với nhau. Màu sắc của mặt trăng thay đổi chút ít theo pha của nó và vị trí của nó trên bầu trời, mặc dù sự biến thiên màu này thường quá nhỏ để mắt trần phân biệt được. Tuy nhiên, mặt trăng thật ra hơi xám hơn màu trắng thuần khiết, đại khái giống với màu nhựa đường cũ trên đa số các tuyến xa lộ.
4. Không có trọng lực trên mặt trăng
Tất nhiên, mặt trăng thật sự có trọng lực. Nói thẳng ra thì quan điểm cho rằng mặt trăng không có trọng lực là quá sức buồn cười nên tôi thậm chí chẳng muốn nhắc tới ở đây. Đem ảnh của các nhà du hành Apollo nhảy cao hoặc có vẻ bồng bềnh trên bề mặt mặt trăng cho học sinh của tôi xem, thì một số em sẽ đáp rằng đó là bởi vì trên mặt trăng không có trọng lực. Thật ra, lực hấp dẫn trên mặt trăng chỉ bằng 1/6 trên Trái đất, nhưng mà vẫn có.
Tôi nghĩ câu chuyện hoang đường này, mặc dù nó được lan truyền rộng rãi, là do người ta hiểu sai khái niệm trọng lực trong vật lí. Mỗi vật thể, cho dù nó là mặt trời, Trái đất, mặt trăng, cơ thể con người hay một hạt hạ nguyên tử - nói chung là mọi thứ có khối lượng – có một lực hút hấp dẫn. Trong khi tính khả thi của việc đo trọng lực của bạn (lực hút hấp dẫn của bạn) lên những vật thể nhỏ, ví dụ như một hạt cát, có thể là chuyện gây tranh cãi, nhưng lực đó tồn tại và có thể tính được. Ngay cả các photon ánh sáng và những dạng năng lượng khác cũng biểu hiện lực hấp dẫn. Lực hấp dẫn giữ các đám thiên hà, các thiên hà, các sao, các hành tinh và các vệ tinh lại với nhau và/hoặc quay quanh nhau. Nếu mỗi vật thể không biểu hiện lực hấp dẫn, thì vũ trụ mà chúng ta biết đã chẳng thể tồn tại.
5. Mặt trăng làm dâng thủy triều đáng kể ở con người
Chẳng nghi ngờ chuyện mặt trăng, hoặc lực hấp dẫn của nó, là nguyên nhân chính của thủy triều đại dương trên Trái đất. Lực hấp dẫn của mặt trời cũng gây thủy triều, nhưng tác động của nó nhỏ hơn. Một số nhân vật khai thác thực tế không thể chối cãi của tác dụng của mặt trăng đối với thủy triều để cho rằng mặt trăng làm dâng thủy triều trong cơ thể con người. Tuy nhiên, chuyện người ta tin rằng thủy triều đại dương và thủy triều con người đều do mặt trăng gây ra là vì một sự hiểu sai về cách lực hấp dẫn tác dụng để tạo ra thủy triều đại dương.
Nói ngắn gọn, lực hấp dẫn phụ thuộc vào hai yếu tố: khối lượng và khoảng cách. Thủy triều chỉ được tạo ra khi hai vật thể có liên quan (nói ví dụ, Trái đất và mặt trăng) đều có kích cỡ thiên văn học (lớn hơn nhiều so với một người!), và đồng thời ở gần nhau (theo kích cỡ thiên văn). Mặt trăng ở cách chúng ta chừng 30 lần đường kính Trái đất, và bằng khoảng 1/80 khối lượng của Trái đất. Biết rằng, tính trung bình, mặt trăng làm dâng thủy triều lên cao chừng một hai mét trên các đại dương.
Nếu tác dụng thủy triều có thể đo được trên cơ thể người (thật ra là không thể), chúng sẽ vào cỡ 10 phần triệu của một mét, hay khoảng một phần nghìn của bề dày của một tờ giấy. Như vậy là vẫn có thủy triều, chắc bạn sẽ hỏi thế. Có lẽ. Nhưng chúng là thủy triều nhỏ hơn nhiều, nhiều lần so với thủy triều trong cơ thể bạn khi một chiếc xe tải qua mặt bạn trên xa lộ... hoặc thậm chí khi một người đi ngang qua mặt bạn trên đường phố.
Lực hấp dẫn của mặt trăng có thể làm thủy triều dậy sóng trên hành tinh chúng ta, nhưng nói nó có tác động lên cơ thể con người là một chuyện quá không hợp lí.
Theo Larry Sessions – EarthSky.org
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved