Home » » Vĩnh biệt Giáo Sư Nguyễn Hải Kế

Vĩnh biệt Giáo Sư Nguyễn Hải Kế

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013 | 12:58


VHNA: PGS, TSKH, NGUT Nguyễn Hải Kế sinh ngày 10.3.1954 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là sinh viên khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội và từ 1975 là giảng viên của khoa. Ông là Chủ nhiệm khoa nhiệm kì 2009 - 2014. Ông mất ngày 19.3.2013 tại Hà Nội vì đột quỵ. Tang lễ PGS -TS - NGUT Nguyễn Hải Kế sẽ được tiến hành vào hồi 10h - 11h ngày 25.3.2013 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng [số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội].
PGS - TS- NGUT Nguyễn Hải Kế ra đi là một mất mát lớn của giới sử học, của Khoa lịch sử [Đại học Tổng Hợp Hà Nội/Đại học KHXH &NV HN], các thế hệ sinh viên và gia đình. VHNA xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và Khoa Lịch sử [Đại học Tổng Hợp/KHXH&NV Hà Nội].  Chúng tôi đăng bài thơ KHÓC BÁC NGUYỄN HẢI KẾ  của Nguyễn Hùng Vĩ để cùng tác giả thương tiếc và tiễn biệt ông.

   Cứ cho là “tử bất kì”
Trời xanh kia chẳng  ra gì, bác ơi!
   Không thương người tốt ở đời
Thì đem xé quách cho rồi…trời xanh!

   Bác đi em ở sao đành
Đồng vàng thì mất đồng chinh thì còn…
  
   Đâu rồi cái thủa còn son
Câu thơ viết vội nước non tràn trề
   Mễ Trì mấy đứa nhà quê
Kẹo dồi chén nước cũng kề cà vui…

   Lối xưa điền dã đâu rồi
Chân trần áo xếch tơi bời đó đây
   Đâu rồi góc núi chân mây
Liêu xiêu bóng bác hao gầy lội ra...

   Đêm về cùng ngẫm ngọt ca
Du du thế sự nại hà lão lai…

   Đâu rồi cho đến ngày mai
Còn non còn nước còn dài…còn đâu!

   Mà thương mà tiếc mà đau
Trời xanh ta đội trên đầu thế ư?...

                                  Hà Nội đêm 19-3-2013

Là một giảng viên giỏi và được nhiều sinh viên kính trọng, sự ra đi của thầy Kế khiến nhiều SV, cựu SV đã từng học thầy cũng như những SV từng biết đến thầy không khỏi đau buồn, thương tiếc.
Những dòng chia sẻ trên Facebook của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tràn đầy những xúc cảm, lời sẻ chia, thương tiếc vì sự ra đi của một người thầy đáng kính.
“Thật buồn! Thầy còn quá trẻ, đời người vô thường đến thế là cùng! Xin thành kính phân ưu với cô giáo của em và các anh chị em là đồng nghiệp và học trò của thầy!”
Bạn Hương Hoàng Lan cũng ngậm ngùi dòng chữ “Vĩnh biệt Thầy. Một nén hương mong thầy yên giấc, Nhân Văn luôn nhớ ơn thầy. Vĩnh biệt và cảm ơn Thầy.”
Tiếc thương những cũng không khỏi tự hào về tấm gương nhà giáo đáng kính. Bạn Lê Anh Duy cũng xúc động nhớ đến kỷ niệm về thầy “Thầy Kế là 1 trong những người được đánh giá cao tại Viện Hàn lâm khoa học Matxcơva. Những thanh niên đã từng học tại Nga đều thần tượng thầy và thầy cũng được coi là 1 trong số ít người có thể hiểu biết cái tinh hoa trong Triết học !”
 Trên trang báo điện tử Dân Trí cũng đăng tải bài phát biểu của thầy Kế trong lễ khai giảng của Trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn - Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 2012. Chúng tôi xin được trích dẫn một đoạn trong bài phát biểu của thầy để tưởng nhớ đến thầy trong sự kính trọng và thương tiếc: “42 năm qua, từ sinh viên, rồi trở thành giảng viên khoa Lịch sử, nhìn từ các thày, cô, đến thực tế công tác của bản thân, tôi tự nhận ra đôi điều nhắc mình và tâm sự với đồng nghiệp:
“Thày” trong “Không có thày, đố mày làm nên”, trong“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày” đâu phải là sứ mạng, là suy tôn, vinh dự, mà xã hội dành chỉ riêng nghề dạy học. Còn nhiều từ “Thày”, như : Thày thuốc, Thày cúng,… vốn và vẫn là danh xưng mà đời sống xã hội Việt Nam từ xưa đến nay dành gọi những người chăm lo, bảo hiểm cho sự bình an, hài hoà về thể xác, tâm hồn; phát triển tiền đồ… của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng….”



                                    

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved