Home » » Sự khác nhau giữa thiên văn học và chiêm tinh

Sự khác nhau giữa thiên văn học và chiêm tinh

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013 | 06:16


Nhiều người trong chúng ta vẫn hay nhầm lẫn hoặc đánh đồng hai khái niệm, hoặc có chăng có biết rằng chúng có sự khác nhau thì cũng vẫn thường nhầm tưởng rằng Thiên văn học và Chiêm tinh học là hai lĩnh vực có sự liên đới mật thiết. Sự thật đây là hai lĩnh vực hết sức độc lập.


Trước tiên, bạn hãy để ý rằng có thể là bạn hoặc những người xung quanh mà chắc chắn bạn đã gặp nhiều hơn một lần thường coi rằng Thiên văn học (astronomy) và Chiêm tinh học (astrology) nếu không phải là một thì cũng có những liên hệ mật thiết, đó là sự quan sát các ngôi sao và chòm sao trên bầu trời. Tuy nhiên trước khi đọc tiếp phần dưới xin bạn hãy từ nay nhớ một điều: hai sự việc có cùng nguồn gốc không có nghĩa là giống nhau hoặc anh em thân thiết gì với nhau cả, ví dụ như loài mèo và loài chó có cùng cấu tạo cơ bản về các cơ quan trong cơ thể như hệ hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn ... thậm chí nhu cầu thức ăn cũng khá giống nhau, nhưng hiển nhiên hai loài vật này chẳng có họ hàng gì với nhau hay là với con người chúng ta. Vậy thì Thiên văn học và Chiêm tinh học cũng vậy.

Chiêm tinh học xuất phát đầu tiên từ nền văn minh Lưỡng Hà cổ từ khoảng năm 3500 - 3000 trước CN, các linh mục một phần để phục vụ mục đích truyền giáo của mình đã quan sát chuyển động của các ngôi sao và đưa ra các dự đoán về tương lai, số phận của con người hay một vùng đất. Tất nhiên, họ phải ghi lại khá tỉ mỉ chuyển động của các ngôi sao và các pha của Mặt Trăng để lập ra hệ thống dự đoán của mình. Vì thế có thể coi vào thời gian ban đầu này, các hoạt động này có thể coi là vừa là chiêm tinh vừa là thiên văn.
Khi các nhà thiên văn sau này lần lượt phân định và đặt tên các chòm sao, ghi lại chuyển động chi tiết của các thiên thể trên bầu trời theo chu kì hàng năm, các thông tin đó tiếp tục được sử dụng cho chiêm tinh, và trong một khoảng thời gian khá dài các nhà thiên văn và các nhà chiêm tinh thường được coi là một. Thực tế là đến khi thiên văn học bắt đầu được nghiên cứu theo hướng thực nghiệm mà như chúng ta biết người dẫn đường là Galileo Galilei thì khi đó nó mới thật sự tách biệt hoàn toàn với chiêm tinh học.
Sự khác biệt cơ bản của hai lĩnh vực này có thể thấy ở một số điểm.
Mục đích: Chiêm tinh học có mục đích phán đoán tương lai, quá khứ, số phận hay tính cách của con người (hoặc các thực thể liên quan mật thiết tới con người). Trong khi đó Thiên văn học tập trung giải thích cấu trúc của các thiên thể, không gian và các hiện tượng xảy ra phía ngoài khí quyển Trái Đất.
Đối tượng: Chiêm tinh học có đối tượng trực tiếp là các thiên thể biểu kiến trên bầu trời. Đối với các nhà chiêm tinh thì sao, hành tinh hay thiên hà ... đều không có ý nghĩa gì đặc biệt, với họ chỉ có các đốm sáng gọi chung là sao trên thiên cầu, và họ sử dụng một số kiến thức về chu kì chuyển động, độ sáng của chúng để lập ra các mô hình của mình.
Thiên văn học không giống với chiêm tinh, thiên văn nghiên cứu trực tiếp trên từng đối tượng để tìm ra các tính chất của chúng. Thuật ngữ "thiên văn học" ngày nay thực ra là một từ chung được dùng cho cả "thiên văn học" (nghiên cứu các qui luật chuyển động của bầu trời, cấu tạo của Hệ Mặt Trời và các hành tinh ...) và "Vật lý thiên văn" (gồm có các chuyển động quĩ đạo chi tiết của các thiên thể từ vệ tinh, hành tinh đến các sao và thiên hà (Celestial Mechanics) và hình học của không-thời gian (Cosmology)). Nói ngắn gọn, thiên văn học đi theo hướng của vật lý và toán học, với các con số thực nghiệm chi tiết và nghiên cứu sâu vào bản chất của các đối tượng thay vì chỉ quan sát hình chiếu của các thiên thể trên thiên cầu.
Cơ sở: Chiêm tinh học dùng cơ sở là các phán đoán kết hợp với quá trình tích lũy kinh nghiệm sau hàng nghìn năm, các cơ sở của lĩnh vực này không mang tính cố định, chắc chắn mà có thể thay đổi, về cơ bản chiêm tinh của phương Tây và tử vi của phương Đông có cùng cách lập luận này, chỉ khác nhau về nội dung chi tiết và cách lí giải. Còn thiên văn học dùng cơ sở là các quan sát thực tế kết hợp với các mô hình toán học. Có thể thấy một điều, các phán quyết của chiêm tinh có thể đúng trong một số trường hợp chứ không bao giờ là đúng trong mọi trường hợp, còn các lý thuyết của thiên văn, vật lý thì luôn đúng trong mọi trường hợp trong những phạm vi nhất định, chúng chỉ bị thay đổi khi có các thực nghiệm chi tiết hơn ở các qui mô lớn hơn hoặc nhỏ hơn chỉ ra được điểm chưa hoàn chỉnh của lý thuyết ban đầu.

Trong quan điểm hiện đại, Thiên văn học được coi là một môn khoa học với hệ thống cơ sở chắc chắn, nhiều lý thuyết và mô hình được kiểm chứng không ngừng bằng thực nghiệm. Còn Chiêm tinh học không phải một khoa học, mà chỉ là một phần của văn hóa và tín ngưỡng.
Tất nhiên, một hệ thống chỉ cho ra kết quả đúng trong một số trường hợp không có nghĩa là chúng ta có quyền nói rằng nó sai. Và cũng tất nhiên, mỗi người đều có thể lựa chọn cho mình một hướng suy nghĩ độc lập, tin tưởng vào chiêm tinh hay tử vi không có gì là sai. Nhưng sau cùng, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau này.
Về phía tôi, tác giả của bài viết này, xin được chia sẻ một câu với độc giả: tôi chưa bao giờ đi xem tử vi hay chiêm tinh, và chẳng bao giờ tôi quan tâm xem tôi tương ứng với ngôi sao chiếu mệnh nào cả.. Phần vì không tin, phần vì nếu số phận con người là có thể biết trước thì cuộc sống của chúng ta sẽ chẳng còn chút ý nghĩa nào.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved