Home » » Khái niệm về mốc thời gian - Lịch

Khái niệm về mốc thời gian - Lịch

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012 | 07:11


1. Khái niệm về mốc thời gian - Lịch 
Trước hết, người viết không muốn giải thích từ Lịch có nghĩa gì xuất phát từ đâu hay ngôn ngữ nào mà người viết muốn nói đến khái niệm "lịch". "Lịch" là phép quy định những khoảng thời gian, mà hiện nay ta thường biết đến là các từ: năm, tháng, ngày, giờ, thế kỉ, ... Mọi dân tộc trên thế giới đều có khái niệm "lịch" riêng của họ, những khái niệm thời gian liên quan đến sự lặp lại của mặt trăng, mặt trời, vì sao trên bầu trời, chu kỳ sinh trưởng của vạn vận trên mặt đất. Dân tộc nào cũng có những từ, ngữ liên quan đến việc đo lường thời gian cả. Tựu chung, có những khái niệm cơ bản là:

a. Ngày: 
Khái niệm ngày có lẽ có sớm nhất. Từ thuở hoang sơ, muôn loài đều biết chu kỳ ngày và đêm. Có động vật hoạt động ban ngày, động vật hoạt động ban đêm. Vậy ngày là khoảng thời gian liên quan đến chu kỳ quay riêng của trái đất. Ban đầu, người ta không hiểu là trái đất tự quay quanh nó, mà chỉ thấy mặt trời hàng sáng xuất hiện ở một phương, buổi chiều biến mất ở phương đối diện. Ban ngày từ khi mặt trời xuất hiện đến khi mặt trời lặn xuống. Ban đêm là thời gian còn lại đến khi mặt trời lại xuất hiện. Một ngày bao gồm ngày và đêm, như vậy khái niệm một ngày đầy đủ phải là một ngày đêm. Ngày là khái niệm cơ bản nhất của Lịch.
Để đánh dấu thời gian một ngày, mỗi dân tộc có một cách đánh dấu mốc ban đầu của ngày khác nhau. Thông thường người ta lấy mốc là khi mặt trời lặn. Nhưng theo quá trình sinh sống, loài người hiểu ra rằng, có những thời điểm ngày dài hơn đêm, có thời điểm đêm dài hơn ngày. Nếu lấy mốc là buổi sáng thì sẽ không chính xác vì thế đa số các dân tộc đều quy ước thời điểm bắt đầu của ngày là giữa đêm. Vì thế khoảng thời gian của ngày sẽ là khá đồng đều trong năm. Thời điểm mặt trời đứng bóng sẽ là thời điểm giữa của ngày. Dần dần, người ta dùng các công cụ đo thời gian của ngày như: dùng thùng nước đục lỗ, đùng đồng hồ cát, dùng đốt khúc cây, dùng đống trấu đốt, mồi rơm .... Và đến ngày hôm nay, chúng ta dùng đồng hồ quả lắc, đồng hồ điện tử.
Để tính các ngày khác nhau, người ta dùng nhiều cách: khắc vào thân cây, cột nhà, dùng hệ biểu tượng con vật (hệ can chi), dùng thắt nút dây, dùng hoa văn trên trống Đồng ... 
Nếu phải nhớ một tập hợp dài các ngày thì rất khó, vì thế người ta sẽ nhớ một bội số của ngày để thuận tiện. Một số dân tộc dùng tuần, riêng khu vực Á Đông có khái niệm Can Chi, một hoa giáp can chi là 60 ngày.

b. Tháng: 
Khái niệm tháng có lẽ xuất hiện sau khái niệm ngày. Trên bầu trời, thiên thể lớn thứ 2 người ta nhìn thấy bằng mắt chính là mặt trăng, ngoài chu kỳ mọc lặn theo sự tự quay của trái đất, mặt trăng còn quay quanh trái đất theo chu kỳ. Người xưa cũng đã nhận ra rằng chu kỳ này hơn 29 ngày (29.53). Chính vì vậy, khoảng thời gian từ hôm hoàn toàn không trăng (ngày sóc) này đến ngày không trăng tiếp theo được gọi là tháng. Người Trung Hoa gọi là Nguyệt trùng với nghĩa là mặt trăng. Còn người Việt dùng từ Tháng biến âm từ âm cổ là tlăng, tlăng sau này biến âm thành trăng và tháng. Như vây, tháng được hiểu theo nghĩa là tuần trăng. Cũng giống nhưa quy ước ngày, thời điểm trăng tròn nhất là thời điểm giữa tháng, thời điểm đầu tháng được tính từ thời điểm ngày hoàn toàn không có trăng (ngày Sóc - sẽ nói rõ hơn ở phần sau).

c. Năm: 
Khái niệm Ngày dễ thấy, nhưng có điều khó hiểu là tại sao lại có ngày ngắn, ngày dài, ngày nóng, ngày lạnh? Tại sao lúc chính trưa, mặt trời có ngày đứng cao, có ngày đứng thấp? Tại sao ở chỗ trân trời, chỗ mặt trời mọc lặn mỗi ngày khác nhau? Hiện tượng thời tiết cũng thay đổi mang tính chu kỳ. Chu kỳ này lặp đi lặp lại sau một khoảng 365 ngày ở cùng một địa điểm quan sát. Nếu lấy bầu trời chứa các vì sao làm mốc quan sát (so với góc nhìn từ mặt đất) thì rõ ràng mặt trời "đang chuyển động" trên tinh trường (bầu trời chứa các vì sao). Thời cổ đại, người ta chưa biết được sự chuyển động tương đối này, chính là do trái đất quay quanh mặt trời gây tạo nên. Quay lại chu kỳ lặp lại của vị trí mặt trời, thời tiết, chu kỳ đó được gọi là năm. Khái niệm năm lại có nhiều khái niệm khác nhau.
Năm thời tiết: 
Người ta theo dõi và nhận ra rằng: cùng một thời điểm giả định, khi hết khoảng thời gian mặt trời vẽ lên tinh trường một đường tròn tưởng tượng, đường tròn đó gọi là đường Hoàng Đạo (đường đi của mặt trời). Có một điểm trên tinh trường không hề thay đổi vị trí (so với góc nhìn của trái đất), vị trí đó gọi là thiên cực. Vị trí Thiên Cực được đánh dấu bởi một ngôi sao trong chòm sao Bắc Cực, đường giả tưởng kéo dài Thiên Trục, tưởng tượng toàn bộ tinh cầu quay quanh thiên trục này. Đường tròn vuông góc với Thiên Trục là Xích Đạo. Mặt phẳng đường tròn Hoàng Đạo lệch với Thiên Trục một góc 23030'.

Hình ảnh

Hình 1: Lược đồ chu kỳ của mặt trời theo Thiên văn Á Đông.

Lưu ý: Lược đồ và cách giải thích trong phần này là trên quan điểm thiên văn cổ Á Đông, lấy điểm quan sát là mặt đất: mặt đất tĩnh, thiên cầu quay, mặt trăng mặt trời quay.Phần nói về Lịch Pháp hiện đại, sẽ xét trên quan điểm tổng thể vũ trụ.
Khi mặt trời đi đến vị trí H trong tinh cầu, đường đi của mặt trời có phần trên (ban ngày) nhiều hơn phần dưới (ban đêm) như vậy ngày dài hơn đêm. Người ta gọi thời điểm này là ngày Hạ chí. Khi mặt trời đi đến điểm H (trong tinh cầu) thì đêm dài hơn ngày, người ta gọi là ngày Đông chí. Hai điểm X và T thì ngày đêm bằng nhau, gọi là Xuân Phân và Thu Phân. Vòng tròn của quỹ đạo mặt trời lúc đó gọi là Xích Đạo.

Ta hãy theo dõi mặt trời di chuyển trên đường Hoàng Đạo. Ngày 23 tháng 3, nó vượt qua điểm Xuân Phân đi từ Tây sang Đông, từ phía nam xích đạo lên phía bắc xích đạo. Đêm ngày cân nhau, khí trời bắt đầu ấm dần. Rồi mặt trời dần chuyển đến điểm Hạ chí. Ngày dài dần, mặt trời vượt kinh tuyến lên cao dần (điểm đứng bóng cao dần theo kinh tuyến). Đến khoảng ngày 21 tháng 6 mặt trời đến điểm Hạ chí rồi dần chuyển đến điểm Thu Phân. Ngày vẫn dài hơn đêm, nhưng ngắn dần, thời tiết cũng mát dần. Đến ngày 23 tháng 9 thì đến điểm Thu Phân, ngày và đêm bằng nhau. Rồi sau đó, mặt trời tiến dần xuống phía nam đường xích đạo. Ngày bắt đầu ngắn hơn đêm, mặt trời thấp dần, thời tiết bắt đầu lạnh dần. Ngày 22 tháng 12, mặt trời qua điểm Đông chí. Ngày ngắn nhất và mặt trời cũng ở điểm thấp nhất, Khí hậu lạnh. Mặt trời lại tiếp tục hành trình đến điểm Xuân Phân, ngày lại dài dần, thời tiết bớt lạnh dần. Đến khi mặt trời đến được điểm Xuân phân thì hoàn thành một chu kỳ, người ta gọi đó là Năm thời tiết hay là Tuế Chu, người phương Tây còn gọi là Năm Xuân Phân. Chu kỳ của Năm Xuân Phân dài 365,242200 ngày. 
Nhưng thực ra thì điểm Xuân Phân cũng bị dịch chuyển (vẫn là so với tinh cầu - lý do sẽ được giải thích kỹ ở phần sau). Một năm điểm Xuân phân chỉ dịch chuyển vị trí có 50,256 giây mà thôi (kết quả này là do trắc đạc sau này). Độ dịch của điểm Xuân Phân gọi là Tuế sai.

Năm vũ trụ: 
Thời gian mặt trời đi trọn một vòng Hoàng Đạo được gọi là năm vũ trụ, nó lệch với năm thời tiết hơn 20 phút.

Năm thực tiễn - Năm dương lịch: 
Mục đích chính của Lịch là để báo tin, tính thời điểm cho hoạt động nông nghiệp. Vậy đơn vị đo năm phải hợp với thời tiết và phải đảm bảo chứa được một số nguyên của ngày. Ban đầu, người phương Tây sử dụng 365 ngày là 1 năm, 4 năm nhuận 1 lần là năm có 366 ngày. Như vậy, năm trung bình là 365,25 ngày dài hơn năm thời tiết nên sau này, dương lịch cải tiến thành 400 năm bỏ 1 năm nhuận. Khi đó năm trung bình dài 365,2425 ngày, dài hơn năm thời tiết 0,0003 ngày. Như thế 3333 năm sau sẽ phải bỏ tiếp 1 ngày nhuận thì năm thời tiết và năm thực tiễn mới bằng nhau.

Tóm lại: 
Năm là đơn vị thời gian bao gồm một số chẵn của ngày và phù hợp với chu kỳ thời tiết. Mỗi khu vực, dân tộc có một định nghĩa năm (chu kỳ, mốc năm) khác nhau nhưng đều xấp xỉ bằng 1 năm thời tiết. Chỉ có Năm dương lịch là hoàn toàn theo năm thời tiết và không liên quan đến mặt trăng, còn các loại lịch khác liên quan đến mặt trăng thì năm thường so le, lệch pha với năm thời tiết
Tên gọi của năm: 
Tên gọi năm phụ thuộc văn hóa, tôn giáo, dân tộc áp dụng loại lịch nào. Người Cơ đốc lấy năm Chúa giáng sinh là năm 1 gọi là Công nguyên, năm trước đó là năm 1 Trước công nguyên (1 BC = 1 TrCN). Người theo đạo Phật lấy ngày Phật đản sinh làm năm 1, năm 1 Phật lịch là năm 544 tr.CN. Người Hồi giáo lấy năm 622 (sau CN) làm năm đầu. Các dân Việt Nam - Trung Hoa - Nhật - Hàn ... lấy năm 1 là năm vua lên ngôi cộng với Niên hiệu của vua đó, đồng thời dùng song song với hệ thống năm Can Chi có chu kỳ 60 năm lặp lại.

Tại sao 1 năm lại có 12 tháng, cơ số 12 được sử dụng trong nhiều trường hợp. 
Như đã nói: khái niệm tháng do mặt trăng, có chu kỳ khoảng 29.53 ngày. Trong một chu kỳ năm thời tiết ta có được số tháng là 12, số nguyên lớn nhất. Do đó một năm được chia thành 12 tháng.

d. Giờ
Khái niệm giờ có được sau khái niệm ngày, tên giờ ăn theo ngày, tên tháng ăn theo năm. Người ta chia khoảng thời gian trong ngày thành những phần bằng nhau gọi là giờ, rồi chia tiếp giờ thành khắc, người phương Tây chia thành giờ và phút, giây... Người phương Đông lấy lúc mặt trời đứng bóng là mốc tính giữa ngày và chia ngày làm 12 phần bằng nhau, tương tự cách chia tháng. Như vậy giờ đầu tiên của người Á Đông sẽ vào giữa đêm, giữa giờ Tý là giữa đêm (tương đương 0h00 của phương Tây), mặt trời đứng bóng là chính Ngọ, sau đó chia thành các giờ tính theo 12 Chi (tý, sửu, dần, mão ....). Người phương Tây thì chia thành 24 giờ, con số 24 có lẽ cũng xuất phát từ hệ số tháng trong năm và chu kỳ 24 tiết khí của năm thời tiết.
Như vậy, ta đã đi qua các khái niệm cơ bản của các đơn vị đo thời gian. Và các khái niệm này liên quan nhiều đến thiên văn cổ đại, khi đó điểm quan sát là mặt đất. Bầu trời được coi là chuyển động trong một vòm hình cầu gọi là tinh cầu, mặt trời, mặt trăng vừa xoay cùng tinh cầu vừa dịch chuyển trên tinh cầu.

_________________
Tìm cái LÝ của SỐ
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved