Home » » Sự hình thành lịch của các nước

Sự hình thành lịch của các nước

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012 | 07:12


2. Sự hình thành lịch của các nước 
Như trên đã nói, mỗi dân tộc, vùng quốc gia đều có cách tính lịch riêng phù hợp với văn hóa, tôn giáo của họ. Sự hình thành lịch bắt đầu từ sự quan sát mặt trời, mặt trăng và sau đó tính chu kỳ ngày tháng năm và chia theo giờ. Quá trình hình thành lịch là một quá trình lâu dài, gắn liền với thiên văn cũng như khoa học vũ trụ. Về cơ bản, các khái niệm về lịch của các nước là giống nhau, chỉ khác nhau về cách lấy mốc (lịch nguyên), chu kỳ (năm), tên gọi. Xin được lược qua một vài loại Lịch.

a. Công lịch: Dương lịch
Dương lịch của phương Tây có lẽ là phổ biến nhất, vì ảnh hưởng của nền khoa học phương Tây tới toàn thế giới là rất rõ rệt. Lịch được hình thành do người Cơ đốc giáo, gốc lịch là lịch thành Roma lập nên từ khoảng 750 tr.CN. Lịch có tính âm dương, nhưng còn rất sơ sài: Năm gồm 10 tháng: 6 tháng 30 ngày và 4 tháng 31 ngày (1, 3, 5, 10). Tên của 4 tháng đầu có tính tôn giáo: 1. Martius (Vũ thần), 2. Aprilis (Nảy mầm), 3. Maius (phồn vinh), 4. Junius (Mẫu thần). Tên của 6 tháng sau chỉ thứ bậc: 5. Quintilis, 6. Sextilis, 7. September, 8. October, 9. November, 10. December. Ngày bắt đầu từ khi "chập tối". Mỗi tháng có 3 ngày lễ: 1. Calendae ("Sóc" - Đầu tháng), 2. Idus ("Rằm" - giữa tháng), 3. Nonae ("Chín" - ngày thứ 9 tính từ ngày rằm). Vào ngày lễ thì ngày mang tên lễ đó, còn các ngày khác mang số thứ tự đếm ngược tới ngày lễ sau đó. Ví dụ: ngày thứ 15 là ngày "giữa tháng" thì ngày thứ 13 là ngày 2 trước "giữa tháng".

Năm chỉ có 304 ngày, ngắn hơn năm thời tiết khoảng 2 tháng, cho nên 3 năm sau, tháng "Nảy mầm" đã gặp mùa thu ! Đến thời Numa có sự cải cách làm thêm 2 tháng vào cuối năm: 11. Januarius (Môn thần), 12. Februarius (tẩy uế). Tháng 11 chỉ có 29 ngày, cũng như những tháng 2, 4, 6, 7, 8, 9 (ngày trước vốn có 30 ngày, giờ cũng bị bớt đi). Còn tháng 12 là tháng của hung thần nên chỉ được tính 28 ngày, một con số xấu theo quan niệm của Roma thời bấy giờ (số chẵn là xấu). Như vậy, sau khi cải tiến, năm mới chỉ có 355 ngày, vẫn ngắn hơn năm thời tiết 10 ngày. Vì vậy, cứ 2 năm lại cho thêm một tháng nhuận 22 ngày để trung bình năm có 366 ngày. Điều kỳ cục là tháng nhuận được chêm vào trong tháng cuối cùng, vào giữa 2 ngày 23 và 24 thường. Nếu theo cách gọi ngày thời đó thì nó rơi vào ngày 7 và 6 trước "Sóc" của tháng Martius. Chính vì sự phiền hà của loại lịch này mà gây ra rất nhiều khó khăn cho việc lễ bái về nông nghiệp cũng như các nghi lễ hành chính.
Năm 46 tr.CN (tức năm 708 - lịch Roma) , hoàng đế Julius Caesar mời nhà bác học Sisogene từ Ai Cập đến để cải cách lịch. Sisogene giữ nguyên tên 12 tháng nhưng đổi 2 tháng cuối lên đầu. Như vậy từ tháng Martius bị đổi thành tháng thứ 3, và các tháng còn lại đều tăng thêm 2 bậc. Như thế các tháng mang số thứ tự không còn đúng với tên của nó nữa. Số các ngày trong tháng được tăng lên, lần lượt là 31 rồi 30 ngày, riêng tháng 2 (mới) Februarius vẫn để 28 ngày. Sau này để kỷ niệm 2 hoàng đế Roma, tháng 7 được đặt tên là Julius, tháng 8 là Augustus và đều là 31 ngày, do đó thứ tự các tháng 31, 30 ngày từ tháng 8 trở đi được đổi lại như ngày nay. Như vậy, năm theo lịch mới có 365 ngày, ngắn mất 0,2422 ngày so với năm thời tiết. Vì thế 4 năm lại cho thêm 1 ngày vào ngày thứ 7 và 6 trước "sóc" Marius như trước (tức là rơi vào tháng 2 Februarius). Ngày được thêm đó được gọi là ngày thứ 6 thứ 2 : "bis - sextus", nó trở thành thuật ngữ châu Âu có nghĩa là nhuận (ví dụ tiếng Pháp là bissextil, tiếng Anh là bissextile).

Lịch Julius: 
Đạo Cơ đốc giáo được hình thành dưới chính quyền hành chính Roma nên Lịch Roma này vẫn được dùng sau khi các cơ quan tôn giáo được thành lập. Chỉ thay đổi cách gọi ngày theo thứ tự từ ngày sóc là 1, 2, 3, ... 31, ngày nhuận là ngày 29 của tháng 2 như ngày nay vẫn dùng. Năm tính mốc lịch được tính là năm Chúa giáng sinh (gọi là Công nguyên), năm trước đó là năm 1 trước Công Nguyên (tr.CN). Lịch này người ta gọi là Lịch Julius.

Lịch Gregory: 
Theo lịch Julius thì năm dương lịch khá gần với năm thời tiết, số ngày trung bình trong năm là 365.25. Như vậy vẫn bị dài hơn năm thời tiết 0,0078 ngày. Cứ 400 năm, thì thời điểm xuân phân bị đến sơm hơn lịch là 3,12 ngày. Sự sai lệch này là khá nhỏ, nhưng sau nhiều năm, tiết xuân phân bị thay đổi khá rõ rệt. Đối với đạo Cơ đốc, điều này khá quan trọng, vì ngày lễ Phục sinh liên hệ với tiết xuân phân. Đến năm 1582 thì lịch đã chậm gần mất 10 ngày. Nếu không sửa chữa thì thời điểm xuân phân theo lịch (21/3) sẽ ở sau thời điểm xuân phân thực gần 10 ngày. Vì vậy, năm 1582, giáo hoàng Gregoire 13 đã bỏ đi 10 ngày trong lịch và đưa thêm việc bỏ ngày nhuận sau mỗi 400 năm. Quy định đó như sau:
1. Sau ngày 4/10/1582 là ngày 15/10/1982
2. Giữ nguyên lệ: năm nào chia hết cho 4 thì là năm nhuận
3. Những năm đầu thế kỷ, chia hết cho 4 thì năm đó bỏ nhuận.

Ví dụ năm 1900 có nhuận, 2000 không nhuận, 2004, 2008 lại có nhuận...
Lịch như vậy gọi là Lịch Gregory và được áp dụng đến ngày nay. Lịch Gregory còn được gọi với tên là Tân Cơ Đốc và lịch Julius được gọi là Cựu Cơ Đốc. Lệnh ban ra, nhưng các nước châu Âu không phải đồng loạt áp dụng: các nước thân cận Giáo hoàng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp đều thay lịch năm 1582. Các nước khác thì theo chậm hơn: Anh (1752), Đông Âu (1919-1923), Nhật Bản (1873), Trung Quốc (1912). Chính sự thay đổi muộn của các nước này mà có ngày "cá tháng tư" và Cách mạng tháng Mười Nga hiện nay là tháng 11. Sự cải tiến lịch còn tính mốc ngày là nửa đêm, tức 0 giờ. Toàn cầu chia thành 24 múi giờ và lấy mốc 0 là kinh tuyến 0, gọi là giờ GMT.

Ngoài ra còn một số loại Lịch theo Dương lịch nữa như: Lịch Bahá'íLịch AlexandriaLịch Iran (lịch Jalāli), Lịch MalayalamLịch TamilDương lịch Thái... nhưng để không loãng chủ đề, tôi chỉ xin giới thiệu những loại Lịch phổ biến và có ít nhiều ảnh hưởng tới Lịch Việt Nam (bao gồm cả những tôn giáo có mặt ở VN).

b. Lịch Hồi giáo: Âm lịch
Lịch của dân tọc A Rập và các tín đồ Hồi giáo chỉ chú ý đến tuần trăng tức là thuần túy theo Âm lịch, có lẽ đây là lịch duy nhất theo thuần âm lịch. Mỗi năm cũng có 12 tháng nhưng không còn liên quan đến năm thời tiết nữa. Ngày bắt đầu tính từ lúc mặt trời lặn, tháng bắt đầu khi chập tối mà thấy trăng lặn liền kề sau mặt trời. Số ngày trong tháng lần lượt là 30 và 29 ngày. Làm như vậy thì cứ gần 33 tháng thì tháng cuối này sẽ hết trước tuần trăng 1 ngày. Cứ 30 năm thì lịch ngắn hơn tuần trăng 11 ngày. Như vậy để Lịch hợp với tuần trăng thì cứ 30 năm đặt thêm 11 ngày nhuận, cho thêm 1 ngày vào các tháng cuối năm của các năm 2, 5, , 7, 10, 12, 16, 18, 21, 24, 26, 29. Sửa như vậy thì 3000 năm mới sai có 1 ngày, như vậy cũng là khá chính xác. Nhưng năm trung bình tính theo lịch Hồi giáo chỉ có 354,3667 ngày, kém năm thời tiết 10,8754 ngày. Tháng quan trọng nhất với người Hồi giáo là tháng 9 theo lịch của họ, gọi là tháng RAMADAN. Tháng này dịch chuyển dần trong năm, và phải 33 năm Hồi lịch mới trùng lại cùng thời điểm so với Dương lịch. Thời điểm mốc tính lịch, gọi là Hegire, là ngày 16 tháng 7 năm 622 theo Công lịch.

Sự hình thành một số lịch của các nước theo Âm dương lịch, xin được trình bày ở phần Âm Dương Lịch

_________________
Tìm cái LÝ của SỐ
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved