Theo Churl Firbeck, thì toàn thể tư tưởng của Marx có thể được gói gọn trong đoạn văn sau:

Trong quá trình sản xuất xã hội của cuộc sống, con người không tài nào tránh khỏi việc tham gia vào các quan hệ nhất định, hoàn toàn độc lập với ý chí của họ, nghĩa là các hoạt động sản xuất tương thích với một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của các lực lượng sản xuất của họ. Toàn thể các quan hệ sản xuất này cấu thành cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội, nền tảng thật sự, trên ấy nổi lên kiến trúc thượng tầng pháp lý và các hình thái ý thức xã hội tương ứng. Phương thức sản xuất của đời sống vật chất quyết định tiến trình tổng quát của đời sống xã hội chính trị, và trí thức. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ, mà là sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Ở một giai đoạn nào đó trong quá trình phát triển, lực lượng sản xuất vật chất của xã hội đấu tranh chống lại các quan hệ sản xuất đang hiện hữu, hay là – cũng chỉ là cùng một thứ nhưng trong thuật ngữ pháp lý – với các quan hệ sở hữu bên trong cơ cấu tổ chức [lực lượng sản xuất] đã hoạt động từ trước đến giờ. Từ các hình thái phát triển của lực lượng sản xuất các quan hệ sản xuất trở thành xiềng xích kiềm chế. Thế rồi một thời đại cách mạng bắt đầu. Thay đổi trong nền tảng kinh tế sớm muộn gì cũng dẫn đến biến chuyển trong toàn thể kiến trúc thượng tầng đồ sộ. Khi xem xét các biến chuyển như thế cần phải luôn luôn phân định biến chuyển về mặt vật chất của những điều kiện sản xuất kinh tế, có thể được quyết định với sự chính xác của khoa học tự nhiên, và những hình thái pháp lý, chính trị, nghệ thuật, hay triết học, nói ngắn gọn, ý thức hệ trong ấy con người ý thức được mâu thuẫn ấy và đấu tranh giải quyết nó. Giống như là không ai có thể phán xét một cá nhân dựa theo người đó nghĩ về chính mình thế nào, vì thế người ta cũng không thể phán xét một thời kì biến chuyển bởi ý thức của nó, nhưng mà, ngược lại, ý thức này phải được giải thích từ nhựng mâu thuẫn trong đời sống vật chất, từ cuộc đấu tranh hiện hữu giữa lực lượng sản xuất xã hội và quan hệ sản xuất. Không có bất kỳ trật tự xã hội nào có thể bị phá bỏ trước khi toàn bộ lực lượng sản xuất, trong trật tự ấy vẫn còn chỗ, đã phát triển; và quan hệ sản xuất mới hơn, cao cấp hơn không bao giờ xuất hiện trước khi các điều kiện vật chất cần thiết cho sự tồn tại của nó chưa hề thành thục trong cơ cấu tổ chức của xã hội cũ. Nhân loại vì thế chỉ đặt ra những nhiệm vụ mà chính họ có thể giải quyết được, vì nghiên cứu kỹ càng hơn luôn luôn cho thấy rằng vấn đề chỉ nổi lên khi nào các điều kiện vật chất cần thiết cho lời giải của nó đã hiện diện hay ít nhất là trong quá trình hình thành.

Toàn thể văn bản:

Góp Phần Phê Bình
Nền Kinh Tế Chính Trị Học


Lời Tựa

Tôi nghiên cứu hệ thống kinh tế tư sản theo thứ tự sau đây: tư bản, điền sản, lao động làm thuê; Nhà Nước, ngoại thương, thị trường thế giới.

Trong ba đề mục đầu tiên tôi nghiên cứu những điều kiện kinh tế của sự hiện hữu của ba giai cấp lớn cấu thành xã hội tư sản; tính liên kết của ba đề mục còn lại thì thật hiển nhiên. Phần đầu tiên của quyển thứ nhất, bình luận về tư bản, bao gồm các chương sau: 1. Hàng Hóa; 2. Tiền Tệ, hay trao đổi giản đơn; 3. Tư Bản nói chung. Hai chương đầu tiên là nội dung của quyển này. [Marx chưa bao giờ xuất bản chương III của tác phẩm hiện thời. Chương "Tư Bản nói chung" sau này được các nhà nghiên cứu về Marx thu thập lại và xếp vào "Marx-Engels Toàn Tập," tập 30, trang 9-346, và tập 33, trang 372-387. Nguyên nhân là do năm 1862 Marx chuyển sang nghiên cứu đề tài kinh tế khác. Năm 1867, Marx xuất bản Tư Bản Luận quyển I. CF]. Toàn bộ tài liệu ở ngay phía trước tôi dưới dạng chuyên khảo, được viết trong nhiều quãng cách thời gian dài không phải để xuất bản, mà là để làm sáng tỏ những câu hỏi cho chính mình, và sự khảo sát kỹ lưỡng một cách có hệ thống về dàn bài đã được phác thảo bên trên thì tùy vào hoàn cảnh.

Tôi lược bỏ đi phần giới thiệu chính tôi đã chuẩn bị [CF sẽ dịch thuật và giới thiệu phần mở đầu Marx đã lược bỏ cho các thành viên của câu lạc bộ Khuyến Tài trong tương lai], vì sau khi suy xét lại thì bất kỳ tiên liệu nào về những kết quả vẫn còn phải được chứng minh thì đối với tôi thật là khó chịu, và độc giả nào muốn theo sát tôi quyết định đi từ cụ thể cho đến tổng quát. Ngoài ra, một vài nhận định về quá trình nghiên cứu kinh tế chính trị của tôi cũng sẽ thích hợp ở đây.

Mặc dù ngành học chuyên môn của tôi là luật học, tôi theo học ngành ấy chỉ thứ yếu sau triết học và lịch sử. Vào khoảng năm 1842-43, khi còn là biên tập viên của “Tờ Sông Rhein,” lần đầu tiên tôi cảm thấy thật lúng túng khi phải tham gia vào các cuộc tranh luận liên quan đến những thứ được gọi là các quyền lợi vật chất. Những vụ kiện tụng Nghị Viện vùng rhien liên quan đến vấn đề lâm tặc và việc chia chác điền sản; cuộc luận chiến chính thức về điều kiện của nông dân Mosel mà Ngài von Schapper, khi ấy là thống đốc vùng Rhein, bước vào chống lại “Tờ Sông Rhein;” và sau cùng là những cuộc tranh luận về mậu dịch tự do và bảo hộ lần đầu tiên đẩy tôi đến chỗ nghiên cứu các vấn đề kinh tế. Trong cùng khoảng thời gian đó một tiếng vang yếu ớt, nửa triết học của chủ nghĩa xã hội và cộng sản Pháp được nghe thấy trên Tờ Sông Rhein vào những ngày ấy khi mà những dụng ý tốt đẹp “để thẳng tiến về đằng trước” còn có sức ảnh hưởng nặng hơn cả sự am hiểu về sự thật. Cá nhân tôi phản đối phong cách nghiệp dư ấy, nhưng cùng lúc ấy thẳng thắn chấp nhận trong một tranh cãi với “Tờ Phổ Thông Augsburg” rằng tất cả những nghiên cứu trước giờ của tôi không tài nào giúp được tôi đưa ra một phán quyết độc lập liều lĩnh về các phẩm chất của các trường phái Pháp. Vì thế, khi mà các biên tập viên của Tờ Sông Rhein tưởng tượng rằng với một chính sách ít hùng hổ hơn tờ báo có thể được cứu thoát khỏi bản án tử hình đã được công bố [Tờ Sông Rhein bị kiểm duyệt và bị chính quyền Phổ buộc đóng cửa ngày 31 tháng Ba năm 1843 vì truyền bá tư tưởng cấp tiến, CF], tôi rất vui mừng khi nắm lấy cơ hội đó để rút lui khỏi công chúng và bước vào nghiên cứu một mình.

Công trình đầu tiên tôi đảm nhận nhằm giải quyết các vấn đề cứ làm mình băn khoăn, chính là một xét duyệt có tính phê phán về “Triết Học Pháp Quyền” của Hegel; phần mở đầu của tác phẩm ấy được đăng trên “Niên Biểu Đức-Pháp,” xuất bản ở Paris năm 1844. Tôi đã được dẫn dắt bởi các nghiên cứu của mình để đi đến kết luận rằng tất cả các quan hệ pháp lý cũng như các hình thái nhà nước chẳng thể nào được nhận thức chỉ dựa trên chính chúng, hay là giải thích được bởi cái gọi là tiến trình tổng quát của ý thức con người, mà là chúng có căn nguyên từ những diều kiện vật chất của cuộc sống, được gói gọn lại bởi Hegel theo như trào lưu của người Anh và người Pháp hồi thế kỷ mười tám dưới cái tên “xã hội thị dân-tư sản;” thuật giải phẫu xã hội thị dân ấy phải được tìm tòi trong nền kinh tế chính trị học. Công tác nghiên cứu về [kinh tế chính trị học] tôi đã bắt đầu ở Paris tôi tiếp tục tại Brussels nơi tôi đã di trú đến vì một lệnh trục xuất của ngài Guizot [Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp từ 1840-1847 và thủ tướng chính phủ Pháp từ 19 tháng Chín 1847 đến 23 tháng Hai năm 1848, CF]. Kết luận tổng quát mà tôi đã rút ra và, một khi đã đạt được, sẽ tiếp tục làm nguyên tắc dẫn đường cho các nghiên cứu của tôi có thể được tóm tắt như sau:

Trong quá trình sản xuất xã hội của cuộc sống, con người không tài nào tránh khỏi việc tham gia vào các quan hệ nhất định, hoàn toàn độc lập với ý chí của họ, nghĩa là các hoạt động sản xuất tương thích với một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của các lực lượng sản xuất của họ. Toàn thể các quan hệ sản xuất này cấu thành cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội, nền tảng thật sự, trên ấy nổi lên kiến trúc thượng tầng pháp lý và các hình thái ý thức xã hội tương ứng. Phương thức sản xuất của đời sống vật chất quyết định tiến trình tổng quát của đời sống xã hội chính trị, và trí thức. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ, mà là sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Ở một giai đoạn nào đó trong quá trình phát triển, lực lượng sản xuất vật chất của xã hội đấu tranh chống lại các quan hệ sản xuất đang hiện hữu, hay là – cũng chỉ là cùng một thứ nhưng trong thuật ngữ pháp lý – với các quan hệ sở hữu bên trong cơ cấu tổ chức [lực lượng sản xuất] đã hoạt động từ trước đến giờ. Từ các hình thái phát triển của lực lượng sản xuất các quan hệ sản xuất trở thành xiềng xích kiềm chế. Thế rồi một thời đại cách mạng bắt đầu. Thay đổi trong nền tảng kinh tế sớm muộn gì cũng dẫn đến biến chuyển trong toàn thể kiến trúc thượng tầng đồ sộ. Khi xem xét các biến chuyển như thế cần phải luôn luôn phân định biến chuyển về mặt vật chất của những điều kiện sản xuất kinh tế, có thể được quyết định với sự chính xác của khoa học tự nhiên, và những hình thái pháp lý, chính trị, nghệ thuật, hay triết học, nói ngắn gọn, ý thức hệ trong ấy con người ý thức được mâu thuẫn ấy và đấu tranh giải quyết nó. Giống như là không ai có thể phán xét một cá nhân dựa theo người đó nghĩ về chính mình thế nào, vì thế người ta cũng không thể phán xét một thời kì biến chuyển bởi ý thức của nó, nhưng mà, ngược lại, ý thức này phải được giải thích từ nhựng mâu thuẫn trong đời sống vật chất, từ cuộc đấu tranh hiện hữu giữa lực lượng sản xuất xã hội và quan hệ sản xuất. Không có bất kỳ trật tự xã hội nào có thể bị phá bỏ trước khi toàn bộ lực lượng sản xuất, trong trật tự ấy vẫn còn chỗ, đã phát triển; và quan hệ sản xuất mới hơn, cao cấp hơn không bao giờ xuất hiện trước khi các điều kiện vật chất cần thiết cho sự tồn tại của nó chưa hề thành thục trong cơ cấu tổ chức của xã hội cũ. Nhân loại vì thế chỉ đặt ra những nhiệm vụ mà chính họ có thể giải quyết được, vì nghiên cứu kỹ càng hơn luôn luôn cho thấy rằng vấn đề chỉ nổi lên khi nào các điều kiện vật chất cần thiết cho lời giải của nó đã hiện diện hay ít nhất là trong quá trình hình thành.

Về mặt đại cương phổ quát, các phương thức sản xuất Á Châu, cổ đại [A], phong kiến, và tư sản có thể được ấn định như là những thời kỳ đánh dấu tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Quan hệ sản xuất tư sản chính là hình thái xung đột cuối cùng của tiến trình sản xuất xã hội – mâu thuẫn không phải theo ý nghĩa là mâu thuẫn cá nhân mà là xung đột bắt nguồn từ các điều kiện tồn tại xã hội của các cá nhân ấy – thế nhưng lực lượng sản xuất phát triển trong nội tại xã hội tư sản cũng tạo nên các điều kiện vật chất cần thiết để giai quyết xung đột này. Giai đoạn tiền lịch sử của xã hội loài người vì thế chấm dứt với sự hình thành xã hội này.

Friedrich Engels, người mà tôi đã thường xuyên trao đổi ý kiến thông qua thư từ kể từ lần phát hành bài luận xuất sắc của anh ta về phê bình các phạm trù kinh tế chính trị (in trong Niên Biểu Đức-Pháp), từ một con đường khác (xin so sánh quyển “Điều Kiện Làm Việc của Giai Cấp Lao Động ở Anh Quốc” của anh ấy) dẫn đến cùng một kết quả như tôi, và vào mùa xuân năm 1845, chúng tôi quyết định công bố quan niệm của mình đối lập với quan niệm ý thức hệ của triết học Đức, nhưng thực tế là giai quyết hẳn lương tâm triết học của mình. Ý định ấy được thực hiện dưới dạng phê phán triết học hậu-Hegel. Bản thảo [Marx muốn chỉ quyển “Ý Thực Hệ Đức” do hai người cộng tác viết chung], hai quyển sách lớn khổ tám, đã từ lâu đến được cá nhà xuất bản ở Westphalia đến khi chúng tôi được thông báo rằng chính vì do hoàn cảnh thay đổi mà bản thảo không thể ấn hành được. Chúng tôi hoàn toàn sẵn lòng bỏ mặc bản thảo ấy cho mấy con chuột phê phán gặm nhấm [hơn 40 năm sau kể từ khi hai ông nộp bản thảo quyển "Ý Thức Hệ Đức,"trong tác phẩm “Ludwig Feuerbach và Kết Thúc của Triết Học Cổ Điển Đức” Engels đã xem lại bản thảo; bản thảo đã bị đánh dấu phê phán, thất lạc, và hư hại tương đối nhiều, CF] sau khi chúng tôi đã đạt được mục đích chính của mình – Tự Giác Ngộ. Về những tác phẩm rải rác mà trong ấy chúng tôi thể hiện khía cạnh này hay kia trong quan điểm của mình trước công chúng trong thời gian ấy, tôi sẽ chỉ nhắc đến “Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản,” được chính tôi và Engels viết chung, và “Diễn Văn về Mậu Dịch Tự Do,” do chính tôi xuất bản. Những điểm nổi bật trong quan niệm của chúng tôi lần đầu tiên được phác thảo dưới dạng học thuật, dù mang tính luận chiến, trong quyển “Khốn Cùng Triết Học” của tôi, một quyển sách nhằm vào Proudhon xuất bản năm 1847. Lần xuất bản một luận văn về Lao Động Làm Thuê [và Tư Bản, CF] viết bằng tiếng Đức, trong đó tôi tổng hợp các bài diễn thuyết mà tôi giảng về chủ đề ấy cho Liên Đoàn Người Lao Động Đức ở Brussels, đã bị gián đoạn bởi Cách Mạng Tháng Hai [tránh nhầm lầm với Cách Mạng Tháng Hai năm 1917 ở Nga, CF] và việc tôi vì thế mà bị ép buộc trục xuất khỏi Bỉ.

Việc phát hành Tờ Sông Rhein Mới từ năm 1849 đến 1849 và những sự kiện tiếp tới cắt ngang các nghiên cứu kinh tế của tôi. Một số lượng tài liệu đồ sộ liên quan đến lịch sử kinh tế chính trị được thu thập bởi Bảo Tàng Viện Anh Quốc, sự thật là Luân Đôn là một nơi chốn thuận tiện để quan sát xã hội tư sản, và cuối cùng một giai đoạn phát triển mới mà xã hội ấy đã bước vào kể từ khi phát hiện ra vàng ở California và Úc Đại Lợi, đã dẫn tôi đến chỗ quyết định phải bắt đầu nghiên cứu lại từ đầu và nghiên cứu kỹ lưỡng các tư liệu mới. Những nghiên cứu này một phần dẫn đến những vấn đề ngoài lề mà tôi phải tốn thời gian dừng lại. Nhất là khi thời gian tôi có được lại phải bị cắt giảm bởi vì nhu cầu thiết yếu phải kiếm sống. Công tác của tôi khi đóng góp bài viết cho tờ báo hàng đầu Anh Mỹ, tờ “Thông Tấn New York,” liên tục suốt tám năm, đã gây nên nhiều gián đoạn lớn trong công tác nghiên cứu của tôi, vì tôi chỉ viết riêng cho công tác báo chí thực thụ. Vì một phần đáng kể trong những đóng góp của tôi bao gồm những bài báo đề cập đến những sự kiện kinh tế quan trọng ở Anh Quốc và ở lục địa [Tây Âu, CF], tôi buộc lòng phải thông thạo các chi tiết thực tiễn mà, nói theo nghĩa đen, nằm ngoài lĩnh vực kinh tế chính trị.

Sơ lược về quá trình nghiên cứu của tôi trong lĩnh vực kinh tế chính trị chỉ có ý định là để cho thấy rằng quan điểm của tôi – không cần biết sẽ được phán xét thế nào hay là tương thích ít đến độ nào với những định kiến đầy tính vụ lợi của giai cấp thống trị - chính là kết quả của quá trình nghiên cứu tận lực trải dài qua nhiều năm. Ở ngưỡng cửa vào của khoa học, nhất thiết có cùng một yêu cầu như ngường cửa vào hỏa ngục:

Nơi đây mọi ngờ vực đều chấm dứt
Và tất cả hèn nhát đều phải tiêu tan.
[Dante, Thần Khúc, Hỏa Ngục, Khổ III, dòng 14-15, CF]

Karl Marx
Luân Đôn, tháng Giêng, 1859

Chú thích của Biên Tập Viên:

[A] Năm 1888, Engels viết chú thích cuối trang thứ hai của Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản:

Năm 1847, thời kì tiền lịch sử của xã hội, tất cả những tổ chức xã hội hiện hữu trước kia trong lịch sử được ghi chép lại, đều gần như không biết được. Từ khi ấy, August von Haxthausen (1792-1856) phát hiện ra công hữu đất đai ở Nga; Georg Ludwig von Maurer chứng tỏ rằng đ1o chính là nền tảng xã hội từ đấy các giống dân Teutonic bắt đầu trong lịch sử, và, dần dần, các cộng đồng làng mạc được khám phá ra chính là, hay đã từng là, hình thái xã hội nguyên thủy từ Ấn Độ đến Ái Nhĩ Lan. Tổ chức nội tại của xã hội công xã nguyên thủy đã được phơi bày, ở dạng tiêu biểu, bởi khám phá đỉnh cao của Henri Lewis Morgan (1818-1861) về bản chất thật sự của thị tộc và quan hệ của thị tộc với bộ lạc. Với sự tan rã của các cộng đồng nguyên thủy, xã hội bắt đầu phân hóa thành các giai cấp riêng rẽ và cuối cùng là xung đột. Tôi đã cố gắng ghi nhận lại sự tan rã này trong quyển “Nguồn Gốc Gia Đình, Tư Hữu, và Nhà Nước” ấn bản lần hai, Stuttgart, 1886.

Vì thế, khi khoa học về nghiên cứu thời tiền sử phát triển (tiền sử nghĩa là thời gian trước khi văn bản ghi lại bằng chữ viết của văn minh nhân loại), Marx và Engels ì vậy cũng thay đổi cách thức hiểu biết và mô tả. Trong văn bản phái trên Marx nhắc đến các phương thức sản xuất Á Châu. Vào thời điểm ấy, hai ông nghĩ đến nền văn minh châu Á như là nền văn minh đầu tiên có thể được nhắc đến của nhân loại (hiểu biết dựa trên Hegel, xin xem: Vương Quốc Đông Phương ). Sau khi hoàn tất Bản Thảo Cơ Sở [Grundrisse, chính bản thảo này là nền tảng cho hai tác phẩm “Góp Phần Phê Bình Nền Kinh Tế Chính Trị Học” và “Tư Bản Luận Quyển I;” phần mở đầu Marx lược bỏ chính là chương Một của Bản Thảo Cơ Sở, CF] hai ông loại bỏ quan niệm về một phương thức sản xuất Á Châu riêng biệt và giữ lại bốn hình thái cơ bản: “bộ lạc,” cổ đại,” “phong kiến,” và “tư bản.”

Chú thích của Dịch Giả:

(1) Mãi tám năm sau, năm 1867, Marx mới dùng tính từ “kapitalistische” mang ý nghĩa “tư bản” để chỉ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong tác phẩm Tư Bản Luận-Das Kapital quyển I. Trong tác phẩm hiện thời, Marx dùng tính từ “buergerlich,” có thể hiểu là “thị dân” hay “tư sản” trong tiếng Đức.

(2) Cần chú ý phân biệt tiền lịch sử và tiền sử. Marx cho rằng các hình thái xã hội từ trước đến nay là tiền lịch sử vì con người không nhận thức và áp dụng được các qui luật vận hành của xã hội. Tiền sử theo ý nghĩa thông thường nghĩa là trước khi chữ viết được phát minh và sử dụng để ghi lại các sự kiện.

(3) Hegel, Triết Học Pháp Quyền, Phần Ba: Đời Sống Luân Thường, iii. Nhà Nước, Đoạn 355: Vương Quốc Đông Phương.”

(4) Quan hệ sản xuất “bộ lạc” chính là “công xã nguyên thủy;” “cổ đại” chính là “chiếm hữu nô lệ.”


(5) CF không hoàn toàn ngắt dòng đúng theo nguyên bản Tiếng Đức.

Dịch từ bản tiếng Anh, có tham khảo nguyên gốc tiếng Đức, nguồn: