Home » » Chân dung bí thư tỉnh ủy Hải Dương - Bùi Thanh Quyến

Chân dung bí thư tỉnh ủy Hải Dương - Bùi Thanh Quyến

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012 | 03:27

CHÂN DUNG MỘT BÍ THƯ TỈNH UỶ

Trong hệ thống chính trị độc đảng ở Việt Nam, từ xưa đến nay, Bí thư tỉnh uỷ luôn là người lanh đạo cao nhất có quyền uy tối thượng . Mỗi lời nói của bí thư đều được xem là "ý kiến chỉ đạo". Cấp dưới có nghĩa vụ chấp hành tuyệt đối, miễn bàn cãi. Ngoại trừ các phe phái "ngang tài ngang sức" đấu đá nhau vì quyền lợi, được những nhân vật có thế lực đứng đằng sau bật đèn xanh, còn trên thực tế, không một cá nhân nào dám chống lại nghị quyết, cho dù đó là thứ nghị quyết sai lầm ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của cả xã hội. Từ việc độc quyền chân lý, độc quyền cai trị như thế tất yếu dẫn đến tình trạng tham nhũng. Tệ tham nhũng mỗi ngày một gia tăng đến mức trở thành một hành vi văn hoá. Nó thâm nhập vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm xói mòn lòng tin, băng hoại đạo đức, gậm nhấm dần những giá trị tốt đẹp mà cha ông ta phải tích luỹ hàng ngàn năm mới có được.

Trớ trêu thay, kẻ khơi nguồn và nuôi dưỡng cho hành vi xấu xa này lại chính là những quan chức của nhà nước Việt Nam đang "thay trời hành đạo" bằng những ngôn từ hoa mỹ "cán bộ là đầy tớ của dân" hoặc "nhà nước của dân, do dân và vì dân", thậm chí còn là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"...Ông Bùi Thanh Quyến, đương kim Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương là một trường hợp điển hình.

Ông Bùi Thanh Quyến sinh ngày mồng một tháng 8 năm 1956 tại xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1972, lúc ấy mới mười sáu tuổi, cậu thanh niên Quyến đang học cấp hai, tình nguyện đi bộ đội nhưng không phải vào chiến trường mà được phục vụ tại huyện đội Ninh Thanh sáu năm liền. Năm 1978, Bùi Thanh Quyến giải ngũ, làm nghề điều khiển xe bò kéo, sau đó, nhờ có người đỡ đầu, được nhấc lên làm cán bộ UBND huyện rồi cán bộ huyện uỷ.

Tháng 10 năm 1984, anh cán bộ huyện uỷ trẻ được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban tổ chức huyện uỷ Ninh Thanh và sau vài năm thì lên Trưởng ban. Vận may của ông Quyến đến khi tỉnh Hải Dương có quyết định tách huyện. Thế là, từ chức danh Trưởng ban tổ chức, ông nhảy một bước lên Chủ tịch UBND thông qua thủ tục đảng cử dân bầu rất đúng luật.

Năm 2000, khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân được cử về làm Bí thư tỉnh uỷ theo chủ trương luân chuyển cán bộ, ông Bùi Thanh Quyến được bà tân bí thư nhắc lên làm Phó ban tổ chức , rồi Chánh văn phòng tỉnh uỷ. Không lâu sau, vì có nhiều "thành tích công tác"(!), ông Quyến lại được bổ sung vào Thường vụ để có đủ điều kiện cần thiết trở thành Chủ tịch UBND giữa nhiệm kỳ tỉnh Hải Dương. Tháng 12 năm 2005, sau Đại hội tỉnh đảng bộ, ông Quyến trở thành Bí thư tỉnh uỷ, thay bà Ngân rút về Hà Nội, và đến đại hội X Đảng cộng sản Việt Nam, ông được tuyển vào Ban chấp hành Trung ương.

Năm 1980, lúc ấy mới 25 tuổi, dù chưa tốt nghiệp PTCS, Ông Quyến đã có "tầm nhìn xa", không chịu đi học bổ túc văn hoá mà tìm cách luồn được vào lớp BTVH hệ bồi dưỡng dành cho cán bộ từ 35 tuổi trở lên. Sau khoá học ngắn hạn chưa đầy 6 tháng, các học viên thuộc loại hình đào tạo cấp tốc này được cấp bằng BTVH cấp 3. Theo quy chế của Bộ Giáo dục, thì, bằng tốt nghiệp hệ bồi dưỡng chỉ có giá trị chuẩn hoá cán bộ để theo học các lớp chính trị, kinh tế do Đảng mở, không có giá trị thi vào các trường đại học thuộc khối KHKT hay Nhân văn. Như vậy, Sở Giáo dục Hải Dương cấp bằng BTVH cấp 3 hệ bồi dưỡng cho người dưới 35 tuổi là sai với quy chế của Bộ Giáo dục, hơn nữa lại tạo ra một tiền lệ nguy hiểm để những kẻ thiếu nền học vấn cơ bản có thể dễ dàng có được những loại bằng cấp cần thiết để "chuẩn hoá cán bộ".

Tháng 11 năm 1989, để có điều kiện leo cao hơn nữa, ông Bùi Thanh Quyến làm giả hồ sơ thi vào trường Đại học Nông nghiệp I, mở theo kiểu tại chức tại huyện Ninh Thanh. Ông đã tự "sáng tác" bản sao bằng tốt nghiệp và học bạ PTTH hệ chính quy, nhờ ông Đinh văn Mão, Uỷ viên thư ký UBND huyện Ninh Thanh ký xác nhận. Vì không học cấp 3 ngày nào nên hồ sơ của ông Quyến khai tiền hậu bất nhất, dễ dàng bị phát hiện những chỗ giả mạo, nhưng chẳng hiẻu vì lý do gì, trường Đại học Nông nghiệp I vẫn chấp nhận cho ông Quyến theo học chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, đến khi mãn khoá, đương nhiên được cấp bằng kỹ sư kinh tế.

Năm 2004, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (dân gian thường gọi là "cỗ máy in tiền" hoặc "Đại học Havard Đường Vòng") của tỉnh Hải Dương, phối hợp với khóa Sau đại học của trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Quản lý kinh tế vương quốc Bỉ mở lớp đào tạo thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Ông Quyến lúc này đang là Chủ tịch tỉnh, ngửi thấy mùi bằng cấp đã tranh thủ ghi danh theo học cùng với 49 cán bộ có chức có quyền và con em của họ. Lớp học này thuộc dạng đặc biệt, nhằm đào tạo gấp mấy chục thạc sỹ được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm mỗi người 23 triệu đồng, chẳng cần thi tuyển đầu vào, lại không phải thi tốt nghiệp mà chương trình chỉ có 44 buổi lên lớp, miễn là nộp đủ số tiền 8000USD(!).

Do hình thức đào tạo quái gở như vậy nên việc dạy và học xem ra chỉ là trò phù phép, vì hầu hết các vị thạc sỹ tương lai này đều "mù" ngoại ngữ, nghĩa là, trong giờ học, Tây nói Tây nghe, ta nói ta nghe, phiên dịch thì ào ào, học xong là "chữ thày giả thầy". Thực tế, khoá học không thực hiện đủ 44 buổi vì không ít hôm thầy vắng mặt. Vì thế, những giờ trống được trả lại bằng tiền. Phần lớn cán bộ đi học bằng tiền "chùa", cho nên ông Quyến không những không phải nộp học phí mà còn được "hoàn trả" 15 triệu đồng bỏ túi. Sau khi khoá học bế giảng, giới công chức trong các cơ quan tỉnh gọi đó là "lớp thạc sỹ 8000", có người còn chơi chữ một cách mỉa mai là "thạc sỷ". Sau khi có được tấm bằng thạc sỹ Quản trị kinh doanh, ông Quyến xoá sạch cả một quá khứ học hành, bằng cấp nhấp nhô, khai luôn vào lý lịch đảng để nghiễm nhiên trở thành chủ tịch, bí thư tỉnh uỷ và uỷ viên Trung ương đảng.

Tại Hải Dương, hiện nay không hiếm những cán bộ lãnh đạo được lên cấp, lên chức qua con đường sử dụng bằng giả. Ông Nguyễn Hà Cừ, tổng biên tập báo Hải Dương, ông Đinh Ngọc Bản, trưởng BQL dự án công trình NN & PTNT... là những ví dụ điển hình. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Tổng biên tập báo Đảng còn hành xử tù mù như vậy thì trách gì cánh đàn em cấp dưới chẳng làm càn.

Vụ sử dụng bằng giả của ông Bùi Thanh Quyến chưa được giải quyết thì gần đây lại xẩy ra hàng chục vụ tham nhũng nghiêm trọng của các quan chức chóp bu, làm tổn thất của nhà nước hàng trăm tỷ đồng trong đó Dự án Khu dân cư Bắc đường Thanh Niên. Dư luận nhân dân và nhất là các phương tiện truyền thông đã đề cập khá nhiều đến những việc làm khuất tất của ông Quyến qua hàng loạt sai phạm trong quá trình thi công công trình. Nhưng cho đến nay, những người có trách nhiệm ở Hà Nội vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí còn lấy lý do là "sắp bầu cử Quốc hội" để kéo dài thời gian, tìm cách đối phó.

Dân gian có câu "chó cứ cắn, xe cứ chạy". Một khi đã thiết lập thể chế độc tài toàn trị, những nhà lãnh đạo kiểu như ông Bùi Thanh Quyến không xem luật pháp ra gì, bởi luật pháp do chính họ đặt ra và thao túng, và nếu cần, sẵn sàng ngồi xổm trên pháp luật.



28 /3/2007
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved