Home » » Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng

Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012 | 02:53

1. Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng


Quanh câu chuyện "Hùng Vương dựng nước" - được viết thành văn bản với Việt Điện U Linh, Đại Việt Sử Lược và nhất là với Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư... đã lắng đọng, ngưng kết lại nhiều mẩu thần thoại có trước và nhiều huyền thoại, truyền thuyết có sau thời dựng nước. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng lịch sử - nho giáo, tất cả yếu tố đó đã được cấu trúc lại thành một hệ thống, mới thoạt nhìn thì cũng có một dáng vẻ duy lý, hoàn chỉnh nào đó, nhưng nếu đi sâu phân tích từng chủ đề, từng mô típ... ta thấy khá rõ ràng rằng đấy chỉ là một khối liên kết nhân tạo, muộn màng, rối rắm và mâu thuẫn...

Trên nền tảng tư tưởng mác-xít, các nhà khảo cổ học đang đi tiên phong trên con đường cấu trúc hoá lại quá khứ. Và cùng với họ, các nhà thần thoại học và dân tộc học đang cố gắng tiến lên trong quá trình hệ thống hoá lại thần thoại Việt Nam về cội nguồn dân tộc. Công việc đang làm, còn có nhiều chập chững vụng về và vấp váp nữa, cố nhiên, song đang tỏ rõ nhiều triển vọng tươi sáng. Bám chắc lấy TRỐNG ĐỒNG và các hiện vật khảo cổ khác mà ngắm nhìn, suy đi nghĩ lại mãi thì sẽ có ngày phá bỏ được lịch sử nhận thức cũ, xây dựng được một lịch sử nhận thức mới tiếp cận hơn với lịch sử thực tại thời dựng nước.

Cứu thoát khỏi sự mất mát vĩnh viễn với thời gian một mẩu câu ca "Ông Đổng mà đúc trống đồng..." câu "Trống rồng canh đã điểm ba..." trong điệu hát "Trống rồng"; dò tìm và phục nguyên trò "Múa rồng" liên quan đến tục thờ Lạc Long Quân ở Bắc Ninh cũ, liên hệ với trò chơi "rồng rắn" của trẻ em; ghi lại được thành văn bản bài mo Mường "Đăn khâu" (trống đồng); tiến lên nghiên cứu nghề luyện đồng, luyện sắt cả về phương diện khảo cổ học và dân tộc học; rồi thu nhập thêm tài liệu và nghĩ lại để vạch ra quá trình sinh thành và hoàn thành chuyện Phù Đổng Thiên Vương, người anh hùng làng Gióng. Phải chăng qua bao công phu vất vả lao động khoa học như thế, ít nhất ta cũng rút ra được một điểm này: Câu chuyện người anh hùng làng Gióng – mà diện mạo cuối cùng chứa chan tình yêu nước, tinh thần giữ nước và tinh thần toàn dân đánh giặc bảo vệ làng xóm quê hương - vốn xuất phát từ lõi cốt một thần thoại ở một vùng luyện kim, của những người thợ rào ? Ông Đổng khổng lồ, để lại dấu chân khổng lồ, là hình tượng NÚI. Moi từ lòng núi ra kim loại mà đúc trống, rèn roi, ngựa. Tiếng búa đe là tiếng vang của SẤM SÉT. Tiếng trống là biểu tượng của tiếng sấm. Trống sấm. "Đánh trống qua cửa nhà sấm..." những điển cố văn học ấy chỉ là những mẩu thần thoại bị cắt vụ và phai nhoà.

Ngựa hí vang, hởi thở thiêu đốt một làng (làng CHÁY) là biểu tượng của LỬA.

Và đối lập – mà cũng có hoà hợp - với NÚI-SẤM-LỬA, là SÔNG-NƯỚC-MƯA. Ông Đổng con "uống một hớp nước cạn đà khúc sông" phải đâu chỉ là một ngoa dụ văn chương! Đó là triết lý lưỡng phân và lưỡng hợp NÚI-NƯỚC.

Chuyện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, đã trải qua một quá trình "lịch sử hoá" và "thời sự hoá" và được gán cho một ý nghĩa chống lụt cao đẹp, xuất phát là - và vốn là - dị bản của một huyền thoại phổ quát về HỒNG THUỶ - TRẬN LŨ LỤT KHỞI NGUYÊN, bên trong chứa đựng ý niệm về thể lưỡng phân và lưỡng hợp (1) giữa NÚI-NƯỚC, THẤN NÚI-THẦN NƯỚC, HẠN HÁN-MƯA DÔNG. Đâu phải ngẫu nhiên thần Tản Viên - Sơn Tinh - được gắn cho hình tượng cưỡi chim diều hâu và Thuỷ Tinh được gắn cho hình tượng rắn nước. Chim - đặc biệt là loài chim ăn thịt, vồ mồi - diều hâu, quạ (Kinh), kláng hay tráng (Mường), klang (Dao, Ba-na, Mnông...), kalang(Chàm), khlèng (Khơ-me), kling-klang (Chu-ra), kelang (Sê-măng), klíng (Kha-xi)... hay hươu... là biểu tượng của mặt trời, núi, hạn hán. Rắn nước, hay rùa vàng, hay cua... là biểu hiện ý niệm lưỡng phân-lưỡng hợp. Sơn Tinh, theo chuyện kể, là bạn Thuỷ Tinh, vốn cùng một nơi; Tản Viên Sơn thánh đã cứu rắn, vốn là con vua Thuỷ Tề (Bua Khú của người Mường),... sau hai bên lại đánh nhau, là biểu hiện rõ rệt cãi ý niệm lưỡng hợp đồng thời là lưỡng phân đó.



Huyền thoại HỒNG THUỶ của nhiều nhóm dân tộc ở Đông Nam Á (Mèo, Dao, Xá, Pọng, Pung, Lào, Xiêm...) - vùng quê và vùng ảnh hưởng của TRỐNG ĐỒNG và văn hoá Đông Sơn – đã được "găm" thêm mô típ trống đồng (hay chiêng đồng, chiêng vàng, nồi đồng, trống da...) được coi như con thuyền cứu nạn, nơi trú náu của cặp gái trai (anh em hay chị em trai) cũng là cặp vợ chồng khởi nguyên, chứa đựng cuộc loạn luân nguyên thuỷ sáng tạo ra loài người.

Ngày xưa, ở Việt Nam và khắp vùng Đông Nam Á, trung tâm văn minh nông nghiệp trồng lúa nước cổ truyền, có những nghi lễ chống lụt hay cầu mưa.
Tháng 4 đầu mùa mưa, người ta tổ chức tế thần TRỐNG ĐỒNG. Trống đồng gắn với núi: "Đồng cổ sơn thần".

Mưa lụt, đánh trống, trống đồng hoặc trống da. Tiếng trống là tượng trưng tiếng sấm.

Không đánh trống, thì về sau người ta bắn súng. Tiếng súng thay tiếng trống, cũng là biểu tượng tiếng sấm. Phong tục vùng ven sông Đà - người Mường trước Cách mạng tháng Tám – cũng được ghi lại trong Hưng Hoá xứ phong cổ lục; nước sông Đà lên to, người ta bắn súng vào vách núi đá ven sông, tỏ ý mong nước rút.

Nếu không, thì dùng cung tên bắn sông (vùng Ngô Việt, thế kỷ thứ X).

Nếu không, thì làm lễ nhúng gươm xuống nước. Mũi tên là tượng trưng của tia sáng mặt trời, thanh gươm là tượng trưng tia chớp, đều là biểu tượng của LỬA. Múi tên bắn từ nỏ thân của Vua Thục.

Chỉ sông, sông cạn;
Chỉ núi, núi tan;
Chỉ ngàn, cây cháy...

Thanh gươm của thủ lĩnh Hoả Xá (Thái Nguyên), là tượng trưng của sấm sét. Gươm thiêng của các vua Cam-pu-chia thuở trước, nếu rút ra khỏi vỏ mà không trải qua nghi lễ, người ta tin rằng cả vương quốc sẽ bị Lửa thiêu tàn. Nhúng gươm xuống nước là biểu thị sự trùng hợp (lưỡng hợp) NƯỚC-LỬA, một nghi lễ phồn thực. Nhưng nhúng gươm xuống nước cũng là biểu thị thế lưỡng phân NƯỚC-LỬA: lửa trị nước, nước rút, nghi lễ chống lụt.

Vua Thái Lan xưa dùng gươm vàng dập nước sông: đó là một nghi lễ chống lụt. Rùa vàng dâng lẫy nỏ thần cho Vua Thục; làm từ NƯỚC, nỏ ấy lại bắn những mũi tên cháy; NƯỚC-LỬA chia hai mà một. Từ nước, Lê Lợi được trao thanh gươm thần, khắc chữ "Thuận Thiên". Gươm ấy gây ra tiếng sấm Lam Sơn, dám cháy khởi nghĩa thiêu cháy giặc Minh xâm lược. Đánh xong, vua lên ngôi, chơi thuyền trên hồ Thuỷ Quân, gặp Rùa Vàng, vua tuốt gươm nhúng xuống nước, rùa đớp lấy mang trả về cho nước. Sự tích hồ Hoàn Kiếm - gắn với một vị anh hùng lịch sử - là sự diễn tả về mặt thần thoại một nghi lễ cổ xưa chung cho cả vùng Đông Nam Á: nghi lễ chống lụt cầu mong sự hoà hợp nước-lửa, sự phồn thực.

Trống đồng gắn liền với lễ tiết nông nghiệp. Trên đã nói tiếng trống gắn liền với tiếng sấm, là tượng trưng của tiếng sấm.

Vì vậy trống - trống đồng, trống da - nhiều khi cũng gọi là trống sấm. Ở Trung Hoa cổ, thần sấm (Lôi công) được hình dung là thần đội mũ trên có đeo những chiếc trống nhỏ. Ở nhiều nơi – như vùng hải đảo Đông Nam Á, trống đồng còn được gọi là "trống mưa". Trống cầu mưa. Trên mặt trống Ngọc Lũ, bên cạnh nhà sàn có một sàn không mái, chạm khắc cảnh trống đồng và rất nhiều nét khắc thẳng chạy nối nhau theo chiều dọc, tượng trưng những giọt mưa rơi. Có thể gọi đó là "cảnh cầu mưa". Vừa đánh trống vừa hát khúc lễ ca cầu mưa, như kiểu câu ca ngày sau:

Lạy trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp,
Lấy nếp bánh chưng...

Cũng vì vậy mà trên mặt trống loại 1 hậu ký (trống Hữu Chung chẳng hạn) và các trống muộn hơn (loại 2, loại 3... theo cách chia loại của Hê-gơ) có gắn tượng cóc. Cóc một và đặc biệt cóc võng nhau (lại một ý tưởng phồn thực !). Cóc nghiến răng nhiều, trời ắt mưa. Gắn tượng cóc lên trống, tiếng trống biểu hiện tiếng cóc gọi mưa. Cóc là một biểu tượng "lưỡng trị" (2) nối liền TRỜI và ĐẤT. Rồi mô típ thần thoại ấy mờ phai và hoà vào chuyện cổ tích "cóc kiện trời", tan vụn thành điển cố văn chương "con cóc là cậu ông Trời"...



Ở Trung Quốc cổ, có quan niệm tiếng trống gọi rồng, con quái vật ở nước và giữ bầu nước của trời, chịu trách nhiệm phân phối nước mưa cho trời đất. Nếu cóc, rồng, cá là tượng trưng cho ướt át mưa dông thì loài hươu - đặc biệt là hươu sao, hươu có bộ lông đỏ - là biểu tượng của hạn hán, của lửa thiêu. Đánh trống cầu mưa. Đánh trống để cứu hạn. Như trong quan niệm của người Đay-ắc (In-đô-nê-xi-a) tiếng trống có một tác dụng ma thuật đối với hươu. Nghe tiếng hươu kêu - tiếng kêu của hạn hán, người ta đánh trống để đuổi xua niềm rủi.

Trống đồng gắn với lễ tiết nông nghiệp còn biểu hiện ở việc gắn với tục đua thuyền. Vùng phân bố trống đồng - với Bắc Việt Nam là trung tâm, phía bắc là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Giang Tây (Hoa Nam nói chung), phía nam là vùng đảo cho đến Xa-lây-ở (3), phía đông là những đảo Ke-iê (4), phía tây là Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan... cũng là vùng phân bố các hội nước, hội đua thuyền. Dọc sông ngòi miền Bắc - sông con, sông cái - đâu chẳng có đền thờ RẮN hay RỒNG (cho dù với xu hướng "lịch sử hoá", rắn rồng đã hoá thân thành tướng Hùng Vương, tướng bá Trưng, tướng Triệu Việt Vương...). Và bao quanh những đến thờ đó là hội nước, hội đua thuyền cầu mưa. Rắn, rồng, thuồng luồng, cá sấu... là biểu tượng của NƯỚC, của THẦN NƯỚC và ĐÊM TỐI, MƯA DÔNG.

Thuyền đua cầu mưa được biểu tượng bằng thuyền rồng đầu rắn đuôi tôm... Đua thuyền và hát lễ ca cầu mưa, cầu phồn thực. Tựa như bài Rao đua thuyền đầu rắn đuôi tôm vào ngày 18 tháng 6 hằng năm sau đây ở vùng Vân Hải (Quàng Ninh):

Đầu năm về giữa, nửa năm thường lề,
Một năm là mười hai tháng,
Trên thì đóng bàn thờ thần,
Dưới thờ ngũ vị đại vương.
Hộ cho làng ta:
Cho già sức khoẻ,
Cho trẻ bình yên,
Cho dân an quốc mạnh!
Trên thì đóng đám thờ thần,
Dưới sông ta có đôi chiếc thuyền rông ta bẻ mũi chèo bơi...

Trên tang trống đồng có khắc hình thuyền. Thuyền ở trống Ngọc Lũ - như Nguyễn Từ Chi đã phát hiện - rõ ràng là hình rắn nước nằm ngửa há mồm, thân rắn là thân thuyền. Đó là hình tượng sớm nhất của thuyền rồng. Thuyền trên trống Quảng Xương thì rõ ràng là thuyền đua. Và thuyền nào cũng có trồng đồng chở theo. Đua thuyền là một phương thức, một lệ thức cầu cúng thần nước, cầu mưa. Ấy là chưa kể tục chơi kéo co, thừng kéo là biểu tượng của loài rắn; tục kéo co cũng gắn liền với nghi lễ cầu được mùa.

Dưới đây xin trích bốn trong nhiều bài thơ - thơ Đường* - có nói đến trống đồng, minh hoạ chuyện trống đồng có liên quan mật thiết đến lễ ca và lễ thức cúng thần - đặc biệt là thần NƯỚC - nghi lễ cầu mưa:

菩薩蠻詞
木綿花映叢祠小
越禽聲裏春光曉
銅鼓與蠻歌
南人祈賽多
孫光憲
Bồ Tát Man từ
Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu
Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu
Đồng cổ dữ man ca
Nam nhân kỳ trại đa
Tôn Quang Hiến
(Đền Bồ Tát người Man
Ngôi đền nhỏ trong bụi cây toả ánh hoa mộc miên
Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân
Trống đồng và bài hát Man
Người Nam cầu cũng nhiều)

-------------------------
* Ở đây GS. Trần Quốc Vượng đã hơi nhầm, trong bốn bài trích thì Bồ Tát Man từ và Độc thần từ là những điệu từ chứ không phải Đường thi, Tôn Quang Hiến và Ôn Đình Quân cũng là những từ nhân tiêu biểu, chỉ có hai bài của Đỗ Mục và Hứa Hồn là Đường thi. (annonymous chú)



滕閣中春綺席開,
柘枝蠻鼓殷晴雷。
杜牧
Đằng các trung xuân ỷ tịch khai,
Thác chi man cổ ẩn tình lôi.
Đỗ Mục
(Mùa xuân, trải chiếu gấm giữa gác Đằng
Qua lá cành tiếng trống Man hoà trong tiếng sấm)

瀆神詞
銅鼓賽神來,
滿庭幡蓋徘徊。
水村江浦過風雷,
楚山如畫煙開。
溫廷筠
Độc thần từ
Đồng cổ trại thần lai,
Mãn đình phan cái bồi hồi.
Thuỷ thôn giang phố quá phong lôi,
Sở sơn như hoạ yên khai.
Ôn Đình Quân
(Đền thần bến sông
Trống đồng cầu cúng thần
Đầy sân cờ lọng bồi hồi
Gió sấm lướt trên mặt nước bến sông
Khói mây mờ núi Sở như tranh vẽ)

送客南歸詩
瓦樽留海客,
銅鼓賽江神。
許渾
Tống khách nam quy thi
Ngoã tôn lưu hải khách,
Đồng cổ trại giang thần.
Hứa Hồn
(Thơ tiễn khách trở về phương nam
Chén sành lưu khách biển
Trống đồng cúng thần sông)

Trống đồng và trống sấm. Trống đồng và cóc. Trống đồng và tục đua thuyền. Trống đồng và thần sông. Trống đồng và thuyền rồng. Trống đồng và hồng thuỷ. Cộng thêm vào đó là việc Thuỷ kính chủ, Thái bình ngự lãm, Nguyên Hoà quận huyện chí, Thái bình hoàn vũ ký chép biết bao là truyền thuyết về những nơi tìm thấy trống đồng Lạc Việt, thuyền đồng vua Việt ở sông, ở ao, đầm... Trên trống đồng, trong hình thuyền, có cảnh bắt người, đâm giáo vào đầu người. Trên một qua đồng Đông Sơn, có cảnh người cầm đầu lâu giơ lên. Có lẽ những cảnh đó có liên quan đến tục "săn đầu lâu". Sách Nam Châu dị vật chí (dẫn ở Thái bình ngự lãm, quyển 786) nói rằng: "Người Ô Hử ở vùng giáp giới Giao Châu và Quảng Châu... ra đường rình bắt giết người (không lấy của cải), đem về nhà, tụ tập bà con láng giềng, treo người chết giữa nhà, ngồi vây bốn chung quanh, đánh trống đồng, hát múa và uống rượu...". Mọi người đều biết, tục "săn đầu lâu" về phương diện dân tộc học, là một nghi lễ nông nghiệp, một nghi lễ phồn thực (lấy máu người bị giết rỏ xuống đất đai, hay rỏ xuống một thúng tro rồi dùng tro ấy rắt xuống đất đai) cầu mong cho đất đai có thêm sinh lực để sinh sôi nảy nở, mùa màng thêm tươi tốt.

Tất cả những điều đó nói lên mối quan hệ giữa trống đồng và lễ tiết nông nghiệp, lễ thức cầu mưa, cầu được mùa, lễ thức phồn thực...



Ta hãy suy nghĩ lại thêm một huyền thoại nữa - huyền thoại Âu Cơ Lạc Long Quân - để tìm hiểu thêm về triết lý trống đồng và tổng thể thần thoại-xã hội (5) thời dựng nước.

"Âu Cơ" là nàng Âu, nàng tiên Âu, nàng người Âu ở núi rừng. "Lạc Long Quân" là vua rồng Lạc, vua rồng người Lạc, xứ Lạc ở vùng sông nước. Âu Cơ lấy Lạc Long Quân: lưỡng hợp Âu Lạc. Âu Cơ chia con với Lạc Long Quân, một nửa về ở núi rừng, một nửa sống trong vùng sông nước: lưỡng phân Âu Lạc.

Huyền thoại này cũng chứa dựng cái ý niệm cơ bản về thể lưỡng hợp và lưỡng phân NÚI-NƯỚC. Một dị bản của huyền thoại này - được Gian Quy-di-niê (6) ghi lại ở vùng Chiềng Khến (Mường Sến, Mẫn Đức, Tân Lạc, Hoà Bình) - nói về nàng HƯƠU SAO lấy nàng CÁ CHÉP sinh 100 con rồi cùng chia đôi con, 50 con theo mẹ lên núi lập ra dòng vua áo chàm, 50 con theo bố về biển lập ra dòng vua áo vàng. Suy nghĩ thêm về lá cờ của thầy mo Mường, một bên vẽ HƯƠU, một bên vẽ CÁ, ta càng thấy đó là biểu hiện của thế lưỡng hợp và lưỡng phân NÚI-NƯỚC, HƯƠU (hay CHIM)-CÁ (hay RẮN).

Ta lại nghĩ thêm về câu chuyện quan hệ HÙNG-THỤC và câu chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Theo truyền thuyết, Hùng Vương có con rể là tướng phò tá trụ cột - tướng tổng chỉ huy đánh Thục - là sơn thánh Tản Viên (nếu không kể thêm hai "em họ" Tản Viên là Cao Sơn, Quý Minh, cũng là thần núi và cũng được thờ phổ biến ở miền Bắc nước ta, nhiều khi dưới dạng "ba mà một" (7) như ở Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ tại Ba Vì), Thần núi Tản cưới CHIM (diều hâu). Hùng Vương mất ngôi cũng về với NÚI (lên núi Tản "dưỡng nhàn" hay là được thờ ở trên núi Nghĩa), chim bạch trĩ, chuyện chim thiêng đậu trên cây chiên đàn, tên đất Bạch Hạc... đều gắn liền với nhà Hùng. Chưa kể tên Văn Lang - như chúng tôi đã chứng minh - cũng là tên chim Kláng. Có thể thấy rõ Hùng Vương (cùng với Tản Viên) là biểu tượng của thế lực NÚI-CHIM. Huyền thoại cũng nói vua Hùng Vương theo dòng MẸ (Âu Cơ ở NÚI RỪNG), là người con trưởng trong số 50 con theo MẸ về NÚI (8); Tản Viên ban đầu theo BỐ, sau cũng ngược lên NON theo MẸ. Trục trung tâm của đất đai nhà Hùng là NÚI NGHĨA.

Vua Thục thay thế nhà Hùng, dời nó về đồng bằng, chung quanh đầy đầm vực. Xây thành Cổ Loa, Thục Vương bị tinh vua cũ - hay là TINH GÀ TRẮNG (Bạch Kê) quấy rối, phá hoại. Gà Trắng sống ở HANG NÚI. Núi Thất Diệu (Yên Phụ, Yên Phong, Hà Bắc). Nhờ RÙA VÀNG - hay Thanh Giang Sứ - từ NƯỚC hiện lên, giúp vua Thục trừ tinh Gà Trắng, thành Cổ Loa mới xây xong. Rùa vàng (Kim Quy) còn bỏ móng dâng vua Thục để Cao Lỗ làm lẫy nỏ thần. Khi Triệu Đà xâm lược Âu Lạc, vua Thục thua, chạy về BIỂN (hay về LỤC ĐẦU GIANG, tuỳ dị bản, nhưng đều là trở về với NƯỚC), Rùa vàng lại hiện lên chỉ cho vua rõ đâu là giặc và rước vua về BIỂN làm Nam Hải Vương. Toàn là huyền thoại! Hay phần lớn là huyền thoại! Huyền thoại này xây dựng vua Thục thành biểu tượng của NƯỚC, người phò tá chính là RÙA VÀNG cũng là biểu tượng của thế lực NƯỚC. Thế lực chống đối Thục là Gà Trắng, cũng tức là chim (chum cú), ở núi, rõ ràng là biểu tượng của thế lực NÚI-CHIM.

Quan hệ HÙNG-THỤC được huyền thoại diễn tả thành quan hệ NÚI-CHIM (hay gà)-NƯỚC-RÙA. Căn bản vẫn là một quan niệm lưỡng phân và lưỡng hợp.



Ý niệm lưỡng phân và lưỡng hợp này con đeo đuổi tư duy Việt cổ nhiều lắm, lâu lắm. Chẳng hạn quan hệ hôn nhân Tiên Dung - Chử Đồng Tử cũng là một quan hệ hôn nhân lưỡng phân và lưỡng hợp (9). Tiên Dung: nàng có dung nhan tiên nữ, người ở NÚI, con vua HÙNG ở núi. Chử Đồng Tử: chàng trẻ họ Chử, chàng trẻ ở bến Nãi, sống dưới NƯỚC. Nếu đôi vợ chồng về sau cùng bay lên TRỜI thì cũng còn để lại ở đời, trên bãi TỰ NHIÊN, một cái chằm: ĐẦM DẠ TRẠCH (ĐẦM ĐÊM. Đêm tối và nước - theo tư duy thần thoại - là một thể đồng nhất).

Đến như tên đô hộ kiêm đạo sĩ Cao Biền - một nhân vật lịch sử 100% - cũng bị tư duy huyền thoại vẽ thành một đạo sĩ cưỡi diều giấy đi tìm đất có huyệt đế vương để yểm. Diều (giấy) là đồng nhất với chim diều trong biểu tượng thần thoại (người Việt và nhiều nhóm dân tộc Đông Nam Á đều gọi "diều giấy" bằng tên chim diều, còn người Âu gọi bằng tên "hươu bay" (10). Diều, chim bay hay hươu đều là biểu tượng của NÚI-TRỜI-HẠN HÁN đối lập với NƯỚC-RẮN-MƯA. Nếu người ta đua thuyền rồng trong mùa mưa, cầu mưa, thì người ta cũng có tục thả diều trong mùa khô, cầu gió heo may thổi... Huyệt đế vương là long mạch, mạch rồng, mạch nước thiêng. Huyền thoại Cao Biền cưỡi diều giấy đi yểm long mạch cũng bị quan niệm lưỡng hợp và lưỡng phân cổ truyền chi phối.

Nếu nghiên cứu thêm thì còn có thể kể ra nhiều lắm. Hãy xin tạm kết luận:
Các huyền thoại Việt Nam có liên quan đến thời dựng nước, Âu Cơ-Lạc Long Quân, Sơn Tinh-Thuỷ Tinh, Hùng-Thục... đều phản ánh một hệ thống lưỡng hợp và lưỡng phân (11) nằm trong cả một tổng thể thần thoại-xã hội hợp thành thế lưỡng phân và lưỡng hợp đó.

Điều vô cùng lý thú là: có thể "đọc" được thể lưỡng phân và lưỡng hợp này trên trống đồng (và thạp đồng...). Nói cách khác, có thể "đọc" được trên mặt trống và tang trống, những mẫu đề thần thoại về thơi DỰNG NƯỚC mà về sau, qua một quá trình lâu dài "lịch sử hoá", "thời sự hoá" và "đạo giáo hoá", đã được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái.

Nếu trên mặt thạp đồng Đào Thịnh, ta đã thấy 3 cặp TRAI-GÁI giao phối được tạo hình bằng thế tượng tròn thì trên mặt trống Ngọc Lũ, xen kẽ giữa các tia của ngôi sao MẶT TRỜI, Bùi Huy Hồng đã "đọc" được, nhận ra được hình tượng cặp ÂM VẬT-DƯƠNG VẬT được khắc chìm và ít nhiều đã biến điệu và cách điệu hoá, nếu không muốn nói là đã được hình học hoá.

Hình tượng động vật khắc trên trống đồng (và các hiện vật Đông Sơn khác) được chia thành hai nhóm:
- Nhóm ở cạn: chim, hươu...
- Nhóm ở nước: cá, cá sấu, rắn nước, ếch nhái...



Có lẽ, như Nguyễn Tử Chi dự đoán, còn một con vật mang tính chất "Lưỡng trị" - vừa ở cạn, vừa ở nước - đó là con rái cá, được chọn khắc trên trống đồng và cả ở trên chiếc giáp đồng Miếu Môn (Hà Tây).

Hơn là một hình tượng hiện thực, ở đây còn là những biểu tượng (12), còn ẩn dấu những thần thoại tố (13), những ý niệm thần thoại.

CHIM-HƯƠU là biểu tượng của NÚI-TRỜI-NẮNG HẠN-THẾ GIỚI BÊN TRÊN. CÁ, RẮN là biểu hiện của ĐẤT NƯỚC-MƯA DÔNG-ĐÊM TỐI-THẾ GIỚI BÊN DƯỚI.

Lạc Long Quân là tên chữ hán và là sự "nhân hoá" - rồi cả "phong kiến hoá" - của cá chép, rắn nước, thuồng luồng, cá sấu...

Âu Cơ là tên chữ Hán và là sự "nhân hoá" của chim, hươu...

Trong những hình tượng động vật được chạm khắc, từng loại cũng được biểu hiện theo ý niệm lưỡng phân:
- Chim: có chim bay và chim đậu, xem kẽ. Đó là thể lưỡng phân ĐỘNG-TĨNH.
- Hươu: có hươu đực và hươu cái xen kẽ, vòng quanh mặt trời (tất cả chim, hươu... đều bay, đi vòng quanh mặt trời ngược chiều kim đồng hồ: sự biểu hiện của một vũ trụ luận sơ khai). Đó là cái thể lưỡng phân ĐỰC-CÁI.

Ở trên thạp đồng Việt Khê (Hải Phòng) còn có hình tượng hươu có cánh, hươu bay, bụng chửa (ý niệm phồn thực) mang hình dáng người. "Người-chim" và "người-hươu" đều là biểu hiện người ở cạn, trên cao.

Có thể "đọc" rõ hơn về thể lưỡng phân này ở hình tượng "CHIM MỔ CÁ", rất nhiều trên trống đồng và các đồ đồng Đông Sơn khác. Hơn là một hình tượng hiện thực, đấy còn là biểu tượng của thế đối lập NÚI-NƯỚC, NẮNG HẠN-MƯA DÔNG.

Trên mặt trống, nhiều người đã chú trọng từ lâu đến một loại mô típ hình học, được mệnh danh là "vòng tròn tiếp tuyến". Nhưng những dải vòng tròn tiếp tuyến này cũng có hai loại: một loại "xuôi" và một loại "ngược", nghĩa là cũng phản ánh một ý niệm lưỡng phân.

Những mô típ trang trí "hình răng cưa" (14) cũng được biểu hiện dưới dạng "xuôi" "ngược" lưỡng phân như vậy.

Khó "đọc" nhất - Nguyễn Tử Chi là người đọc ra đầu tiên - nhưng khi đọc được rồi thì người ta thấy cũng là hình tượng rõ nhất phản ánh ý niệm lưỡng phân và lưỡng hợp: đó là hình tượng "CHIM LAO ĐẦU VÀO MIỆNG RẮN". Hình thuyền trên tang trống Ngọc Lũ là hình tượng con RẮN NƯỚC nằm ngửa, mồm há hốc. Phía trên là hình tượng 3 con chim cụp cánh lao đầu vào miệng rắn.

Thế lưỡng phân CHIM-RẮN NƯỚC chi phối hầu hết kho tàng thần thoại khởi nguyên của các nhóm dân tộc vùng Đông Nam Á. Mô típ ấy thấy rất nhiều trong các huyền thoại Việt Nam thời dựng nước. Xin nêu hai trong nhiều ví dụ bất kỳ: "Ông Hộ dắt dao găm lao đầu vào bụng thuồng luồng để giết thuồng luồng ở vùng sông Đà; thuồng luồng nuốt bà mẹ (ở Cam-pu-chia có vô vàn truyền thuyết về thuồng luồng, cá sấu nuốt người con gái đẹp), "Ông khổng lồ" - hình tượng NÚI - là con của MẸ đã giết thuồng luồng (dải) để trả thù cho mẹ (truyền thuyết vùng Hồ Tây và sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội).

CHIM (hay GÀ TRẮNG) đều là biểu tượng MẶT TRỜI - NÚI, RẮN (hay thuồng luồng, cá sấu...) đều là biểu tượng ĐÊM TỐI - NƯỚC. Đấy cũng là ý niệm về thế lưỡng phân: ÁNH SÁNG - BÓNG TỐI, NGÀY - ĐÊM... mà người thời cổ nhận thức được.
Vậy có thể thấy rõ: một trong những ý niệm nền tảng của nền văn minh Đông Sơn - một nền văn minh nông nghiệp phát triển khá cao, mà trống đồng là hiện vật tiêu biểu - là ý niệm về thể lưỡng phân và lưỡng hợp.



Sơ đồ sau đây tóm tắt những ý kiến đã nêu ở phần trên:

THỂ LƯỠNG HỢP

LƯỠNG PHÂN

NÚI SÔNG

LỬA NƯỚC

CHIM, HƯƠU, GÀ RẮN, RỒNG, RÙA
(áo lông chim) (xăm mình)

SƠN TINH THUỶ TINH

ÂU LẠC

VĂN HOÁ ĐÔNG SƠN
VĂN MINH NÔNG NGHIỆP

VÙNG CAO VÙNG THẤP
(nương rẫy) (ruộng lạc - ruộng nước)

LUYỆN KIM ĐỒNG SẮT
TRỐNG ĐỒNG
NGHI LỄ NÔNG NGHIỆP
(cầu mưa, chống lụt, đua thuyền, kéo co, thả diều...)

HÙNG THỤC
(Núi Nghĩa) (Cổ Loa)

THẦN MẶT TRỜI
THỦ LĨNH

VIỆT CỔ
ÂU LẠC
LÃO LÝ

THÁI
HẠN BÁI DI (Pa-di) THUỶ BÁI DI (Pa-di)

THOÁN
TÂY THOÁN BẠCH MAN ĐÔNG THOÁN Ô MAN
(Tộc Bạch) (Tộc Di)
(Sát hãn chương) (Cáp lại chương)
(Nguyên Sử) (Nguyên Sử)
(Caqanjang) (Qarajang)

LÔ LÔ
HẮC LÔ LÔ BẠCH LÔ LÔ
(Lô Lô đất) (Lô Lô nước)

GIA RAI
HOẢ XÁ THUỶ XÁ
(Mtao Put) (Mao Êa)

CHÀM
DÒNG CAU (Mẹ) DÒNG LỬA (Bố)

KHƠ-ME CỔ
MẶT TRỜI MẶT TRĂNG
(Triều đại) (Triều đại)


Đó là một cấu trúc thần thoại. Nhưng đó có phải là một cấu trúc xã hội không? Nói cách khác, xã hội Việt cổ có được cấu trúc trên nền tảng "chia HAI hoà MỘT" không? Rất khó đoán nhận trong tình hình tài liệu và hiểu biết hiện nay. Song có thể coi đó là một giả thuyết công tác để tiếp tục nghiên cứu thêm. Những tài liệu đã công bố về người Bách Việt, Âu Việt, Lạc Việt, Lý, Lào (15), về những nhóm dân tộc ở Đông Nam Á cỏ thể khiến ta suy đoán rằng xã hội Việt cổ và xã hội cổ truyền của các nhóm dân tộc ở Đông Nam Á được cấu trúc trên cơ sở lưỡng hợp và lưỡng phân. Có thể vạch ra sơ đồ tổ chức xã hội của các nhóm dân tộc đó như trên đây.

Vậy cũng có thể đề ra giả thuyết: thể lưỡng hợp (và lưỡng phân) Âu-Lạc của người Việt cổ đã được cấu trúc từ trước đời An Dương Vương Thục Phán, từ trước khi thành lập nhà nước Âu Lạc, nghĩa là trước thế kỷ III trước Công nguyên. Âu là dòng MẸ, Lạc là dòng BỐ của người Việt cổ cũng như dòng CAU là dòng MẸ, dòng DỪA là dòng BỐ của người Chàm cổ. Điều đó có thể phản ánh một cấu trúc lưỡng hợp về hôn nhân và có thể truy tìm cấu trúc ấy cho đến tận tổ chức cơ sở của xã hội (bản, làng...).



Tiếp tục suy nghĩ về trống đồng. Với ngôi sao-mặt trời ở trung tâm trống, mọi cảnh vật, người, chim, hươu... đều xoay quanh mặt trời ngược chiều kim đồng hồ... ta dễ dàng đoán nhận chủ nhân trống đồng là những người có tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Đó là một tín ngưỡng phổ biến trong những cư dân nông nghiệp, trong những nền văn minh nông nghiệp. Cô-la-ni (16) và Qua-rít Uơ-lớt (17) đã ghi nhận từ lâu tín ngưỡng thờ thần mặt trời của chủ nhân trống đồng, chủ nhân văn hoá Đông Sơn. Di tích của tục thờ thần mặt trời còn tồn tại khá phổ biến trong những nhóm dân tộc ở vùng Đông Dương và Đông Nam Á này. Không phải chỉ ở những mô típ trang trí hình mặt trời và hình "chim mặt trời" (18) trong những đồ trang sức của người miền núi. Mà còn sống động ở trong những lễ nghi nông nghiệp. Chỉ lấy một ví dụ ở người Kinh: tục vật cầu (vật cù) ngày xuân. Những trò chơi có vai trò của quả bóng (cầu) như vật cầu, đá cầu, đánh phết... đều có liên quan đến tục thờ mặt trời. Quả cầu thường được sơn đỏ (biểu tượng mặt trời), người chơi chia làm hai phe và bao giờ cũng là phe đông phe đoài (tây). Quản cầu sơn đỏ xoay chuyển từ đông sang tây là tượng sơn đỏ xoay chuyển từ đông sang tây là của mặt trời trên bầu trời.

Với ngôi sao-mặt trời ở giữa mặt trống ta chú ý thêm rằng hình tượng trên trống, trên thạp... ưu tiên thuộc về chim hươu và những "người chim", "người hươu". Tất cả đều là biểu tượng của MẶT TRỜI - LÚA - NẮNG HẠN - NÚI - VÙNG CAO. Tổng thể thần thoại-xã hội nói về thời dựng nước cũng giành ưu tiên:
- Cho dòng MẸ ÂU: Hùng Vương thuộc dòng mẹ Âu.
- Cho thế lực NÚI: Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh.

Điều đó có ý nghĩa xã hôi gì ?

Phải chăng chủ nhân trống đồng loại 1 thuộc về tập đoàn NÚI, nhóm dân tộc lấy biểu trưng là CHIM-HƯƠU-LỬA-NẮNG HẠN thuộc triều đại MẶT TRỜI và vẫn theo dòng MẸ? Điều quan trọng hơn là với sự xuất hiện trống đồng phải chăng xã hội Việt cổ đã nhảy vọt từ "tiền sử" sang "thự sử" hay "lịch sử", từ chế độ thị tộc nguyên thuỷ sang chế độ thủ lĩnh. (19)

Sự thịnh đạt của việc thờ THẦN MẶT TRỜI - trên phạm vi toàn thế giới - gắn liền với việc thần thánh hoá chế độ tù trưởng, thủ lĩnh, gắn liền với sự xuất hiện những ông vua đầu tiên. Và những vua đầu tiên thì đều là những "vua-phù thuỷ" (20) như G. Phrê-đơ đã chứng minh.

Xin lưu ý đến một câu của Đại Việt sử lược (quyển 1): "Đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước Công nguyên) ở bộ Gia Ninh có một dị nhân dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương".

Cho nên có thể cho rằng trống đồng là biểu tượng của một quyền uy xã hội. Những ghi chép thời sau nói rõ điểm đó. Chẳng hạn Tuỳ thư-Địa lý chí (quyển 31) chép: "Các người Lão đều đúc đồng làm trống lớn... người có trống được gọi là đô lão, được quần chúng suy phục". Mỗi trống đồng trị giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trâu bò; ai có hai, ba cái trống đồng thì có thể "tiếm hiệu xưng vương" (Minh sử, quyển 212). Theo Tấn thư-Thực hoá chí, quyền uy chính trị, xã hội và sức mạnh kinh tế của các "cừ suý" (thủ lĩnh dân tộc) ở Giao Châu được biểu hiện bằng số lượng trống đồng, sản vật quý (ngọc trai, sừng tê) và đầy tớ hầu hạ. Cũng theo Quảng Châu ký của Bùi Uyên thì khi tù trưởng gióng trống đồng là hiệu lệnh tập trung quần chúng, dân kéo đến như mây tụ, sẵn sàng đợi lệnh ra quân. Ở phương Nam, trống đồng là vật để thưởng cho người có chiến công lớn (Tân Đường thư - quyển 222 - Nam Man truyện).

Cũng bởi trống đồng là biểu tượng của quyền uy nên bọn phong kiến phương Bắc khi chinh phục phương Nam đều tịch thu trống đồng. Mã Viện thời Đông Hán, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, Lan Khâm đời Lục Triều... đều làm như thế cả. Mã Viện, song song với việc tiêu đốt chế độ Lạc tướng, đầy hơn 300 thủ lĩnh người Việt sang Linh Lăng (Hồ Nam) đã phá huỷ trống đồng Lạc Việt để đúc ngựa đồng. Phải chăng đấy là biểu trưng của việc phá cấu trúc xã hội cũ của người Việt dựa trên chế độ thủ lĩnh thế tập? Việc thủ lĩnh người Việt thời chống Bắc thuộc phá tiền đồng của nhà Tấn để đúc lại trống đồng phải chăng là biểu tượng của sự đối kháng giữa uy quyền thủ lĩnh Việt với quyền uy của "Thiên triều"? Trên tiến trình lịch sử, nếu cột đồng trở thành biểu tượng của chủ nghĩa bành trướng, của kẻ chinh phục thì trống đồng đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, của dân tộc Việt Nam (21). Qua lịch sử, trống đồng có biến chuyển. Ngay trong nhóm trống đồng loại 1, cũng có trống sớm, trống muộn. Hoa văn trên mặt trống cũng biến đổi. Mô típ "người chim" chẳng hạn, sau một quá trình biến chuyển, đã biến thành "vân cờ". Vốn chứa đựng một ý niệm thần thoại, về sau nó chỉ còn là một mô típ trang trí, mà khuynh hướng là ngày càng hình học hoá. Thế nghĩa là, với lịch sử, trống đồng vẫn tồn tại những ý niệm thần thoại ban đầu gắn với trống đồng đã phai. Mỗi thời kỳ lịch sử lại gán cho trống đồng những ý nghĩa mới, biểu tượng mới.



Từ bộ lạc đến bộ tộc rồi dân tộc, trống đồng phải chăng đã chuyển từ chỗ là biểu tượng của quyền uy tù trưởng thành biểu tượng của quyền uy nhà vua? Các thủ lĩnh miền núi (lang đạo Mường...) thời phong kiến độc lập vẫn có trống đồng nhưng trên danh nghĩa là do các vua Đinh, Lý, Trần... ban cấp cũng như quyền cai trị dân bản mường của họ về danh nghĩa là do vua Kẻ Chợ phong cấp. Ở Thái Lan cũng như ở Cam-pu-chia trước đây, trống đồng (dạng muộn mằn) chỉ dùng trong các kỳ đại lễ của hoàng gia (vua lên ngôi, tang lễ). Hai trống đồng trong hoàng cung Cam-pu-chia được gọi là "trống của quyền uy cao cả" (22).

Từ đời Lý Thái Tông (1028-1054), đền "Đồng Cổ sơn thần" được lập ở Kinh thành Thăng Long (Yên Thái, Bưởi, Hà Nội) ngoài đền cũ Thanh Hoá. Và hội thề hằng năm ở đền Đồng Cổ được duy trì suốt thời Lý, Trần và đầu lê. Lý do lập hội thề được gắn với giấc mộng của thái tử Phật Mã (Lý Thái Tông) được thần núi Đồng Cổ báo cho biết việc ba em làm phản. Dù là giấc mộng thật hai giấc mộng bịa đặt thì cũng đều thế cả: về mặt hữu thức, trong xã hội Đại Việt khi ấy, trống đồng vẫn còn là một biểu tượng, vẫn còn gắn với uy quyền chính trị-xã hội.

Nhà Lý đã cố gắng đưa việc thờ thần núi Đồng Cổ lên thành một tôn giáo quốc gia. Đầu tháng tư, trăm quan cắt huyết ăn thề: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh giết chết". Phải chăng hội lễ cầu mưa thuở xa xưa, đã bị lái thành hội thề "trung hiếu" để phục vụ quyền phong kiến?

Thời Trần, sau chiến thắng chống Nguyên, tiếng trống đồng vẫn có ma lực và mãnh lực làm sứ giả Nguyên triều Trần Phu bac tóc "đồng cổ thanh trung bạch phát sinh"! Và lễ mừng chiến thắng chống Minh do vua Lê tổ chức ở Lam Kinh, bên điệu múa khúc ca "Bình Ngô phá trận"... vẫn rộn vang tiếng trống đồng truyền thống...

*
* *



Trống đồng 3000 năm lịch sử.

Ngụ ý triết học của trống đồng cũng qua thời gian mà biến chuyển.

Không chỉ là một nhạc cụ thuộc bộ gõ bên cạnh chiếc khèn thuộc bộ hơi của nền âm nhạc Đông Sơn, trống đồng có một chức năng đa dạng. Những chức năng nguyên sơ và những chức năng được xã hội gán cho sau này. Từ một thời thần thoại đến cuối thời phong kiến. Từ một biểu tượng thần thoại đến biểu tượng uy quyền quốc vương, biểu tượng dân tộc... Bản danh sách chức năng, công dụng hẳn còn dài và việc nghiên cứu còn lâu mới cạn. Cái cho đến nay vẫn còn chắc chắn là: trống đồng là hiện vật tiêu biểu của nền văn minh Việt Nam thời mở nước...



(1) Dualisme: đôi, sóng đôi, có mâu thuẫn (phân hai) mà có thống nhất (hoà một). Có người đề nghị gọi là "lưỡng trị" nhưng khái niệm này không hoàn toàn giống (xem ở dưới).
(2) Ambivalent.
(3) Saleyer.
(4) Keir.
(5) Complexe mythico-social.
(6) Jeanne Cuisinier.
(7) Trinité.
(8) Lịch sử nhận thức theo quan điểm Nho giáo (như Cương mục) mới "chứa" lại huyền thoại dân gian, cho Hùng Vương là con trưởng trong số 50 con theo bố. Đó là một trong vô số ví dụ về việc nhà nho xuyên tạc, bóp méo huyền thoại gốc để phục vụ quan điểm chính thống của chế độ phong kiến - tức quan điểm nho giáo.
(9) Un dualisme matrimonial.
(10) Cerf-volant.
(11) Système dualistique.
(12) Symboles.
(13) Mythèmes.
(14) Dents de scie.
(15) Trần Quốc Vượng: Vấn đề người Lạc Việt - Thông báo khoa học, Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hà Nội 1965.
(16) Madeleine Colani.
(17) Quaritch Wales.
(18) Oiseau solaire.
(19) Chefferie.
(20) Rois sorciers.
(21) Trần Quốc Vượng: Trống đồng và cột đồng - Báo Thống nhất, số 143, ngày 19-5-1972.
(22) Skor mohà rith.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved