Home » » SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-TỰ HỌA - P2

SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-TỰ HỌA - P2

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 00:18

Một bước sấn vào đường đời: đến nhà cô chủ sự
Chưa đầy ba bữa, má tôi sai cầm mười đồng bạc ra chợ Mỹ, cụ bị mua đồ bôi kim châm hủ ki (đậu hủ phơi khô như bánh tráng), dọn lần cho kịp ngày giỗ ông nội. Từ chợ Giữa, Kim Sơn ra đến thị thành Mỹ Tho, vẫn còn đường đá đỏ Biên Hoà, đi lại bằng xe kiềng có hai ngựa kéo, xe hơi, ô tô lúc đó chưa chạy trên đường nầy. Chuyến nầy vừa ra tới chợ cũ, xuống đậu nơi đầu cầu sắt, tôi mua hốt mớ cho rồi, đem xuống xuồng giao hết con nhỏ đi theo, dặn nó cứ bơi về giao cho má tôi, vì tôi gạt nó đừng chờ, dối rằng còn mua vài món nữa rồi sẽ quá giang xe kiếng về sau. Tôi ngó chừng cho nó bơi ra sông, chưa tới khúc quanh, tôi đã bỏ đó, lo đi tìm nhà cô chủ sự. Lúc ấy mặt trời đà cao mú, mà cô chưa thức và còn phải đợi cô rửa mặt chải gỡ trót canh. Thiệt nhắc lại cái cách cô gặp tôi cô mừng, tưởng gặp mặt bà con ruột rà cũng không hơn đặng. Cô chủ vừa cười vừa nói: “Ủa nầy, em. Tội nghiệp thì thôi. Mắc hồi hôm lỡ thức chơi bài..., phải qua ngủ nướng thêm chút nữa chắc nhọc lòng em chờ đợi, hoặc qua đã mất dịp gặp em mà qua hằng trông đợi”.

Cô nầy nói làm sao, tôi nghe hay quá, mà cơ khổ tôi còn khờ ịch, nào biết tiếng gì đáp lại cho trôi. Thứ đi rửa mặt mà cô cũng dắt tôi theo. Phòng tắm, cầu tiêu, bồn rửa mặt gì sang quá, thấy mà ngốt con mắt. Chỗ nào cũng sạch, không một chút mùi hôi. Ý cái cô làm sao mà rửa cho rồi nội cái mặt, thô; hết sức là lâu. Nào xà bông cung thơm, phấn giồi cũng thơm, dầu xức tóc thì khỏi nói, đến nước súc miệng cũng thơm, mà thấy cổ xài không biết tiếc mà ngán cách ăn xài nầy. Tôi nghĩ dại trong bụng: “Người ta cũng thì người ta như mình, mà người sao ăn sung mặc sướng đủ điều, đã chẳng làm gì cho đụng móng tay, mà chuỗi kiềng đeo không hết, quần áo chẳng thiếu gì. Lại còn bài bạc thâu đêm, rồi ngủ cho trưa trờ trưa trật. Còn mình đây, sao lại cực khổ mãn đời: nồi cơm, trách cá, xắt chuối nuôi heo, một ngày chí tối làm không hở tay, xin có một cây kiềng, mà mấy tháng nay xin hoài không được”. Nghĩ như vậy rồi lại thầm ước: “Chớ chi mình được như cô nầy, thì có phước biết chừng nào?”

Khỏi nói, cô chủ sự bữa đó, thôi mời ăn cái nầy, uống thử cái kia, bụng đâu mà chứa, mà món nào cũng lạ miệng. Tới món phô mát, tôi vừa nếm bỗng vùng mình nó muốn vọt ra, nhưng vừa nuốt khỏi cổ, lại thấy ngon ngon, và qua miếng sau là tôi đã bủa sua bắt tay làm bạn như quen từ hổm. Rượu chát mới hớp một hớp, tôi đã xây bồ bồ. Cô chủ sự kéo tay tôi lại ngay tủ kiếng, mở ra một mở áo quần, thứ nào cũng thơm tho đẹp tốt hẳn hoi, dẫu con ông cả ông cai trong tổng cũng chưa sắm nổi và so bì cho đặng.

Cổ thấy tôi coi không nháy mắt, cổ lại lựa một mở xinh nhứt mà mặc vào cho tôi. Cổ lại mấy nào vòng vàng, chuỗi hột, dây chuyền xà tích đeo vào cổ tay. Cổ lại bày, nói để cho cổ gỡ đầu, bởi tóc lại và xức dầu thơm cho tôi, nhưng tôi từ chối vì sợ má tôi hay, và một hai miệng nói không dám mà cổ muốn làm tôi ra sao thì làm.

Đoạn cô khép cánh tủ, kéo tôi đứng ngay thắng trước tấm gương lớn đầy mặt tủ. Cô lại òn ĩ nỉ non như mật ngọt rót tai: “Đó! Em có thấy không? Em mà có đồ ăn mặc, đồ bắc kế, thì qua đây thua xa lắc. Chớ chi em để cho qua giồi phấn thoa son và bới lại mở tóc cho tân thời, thì em là tiên nga trên thế!”. Tôi không nhịn được, vụt nói hớt: “Ước chừng có cây kiềng vàng hôm trước đeo nữa, tôi coi được không cô?”. Cô chủ sự chúm chím cười lòi ra hai cái răng vàng duyên đến, và nói: “Sao lại không được? Mà tuỳ em, sau nầy em muốn mấy cái lại không có? Vậy thôi, em cứ nghe lời qua, về đừng cho ai hay, lo tom góp áo quần cho sẵn. Bất kỳ là ngày nào, hễ em lên tới đây, thì qua sẵn có thế tiện giúp em lập cuộc đời như qua đây không khác”. Được lời như cởi tấm lòng, mừng khấp khởi lật đật giao đồ đạc, từ giã, ra xe vừa kịp chuyến chót.

3.: Cách lập thân kiểu mới

Về chưa tới nhà, vừa bước chân vô cổng, nghe tử trong dội ra tiếng má tôi chửi có dây có nhợ, không thua các bà các chị chuyên môn ngoài Bắc. Tôi nói bây giờ vẫn không mọt ai tin, nhưng ngày nay nhớ lại biết thương má tôi thì đã quá muộn, và trong máu huyết tôi biết đâu không có tiêm nhiễm vưởng víu của nỗi oan nghiệt cũ, tôi để má tôi mặc tình kể lể, nào đồ gì đồ gì đủ thứ, hỏi: “Sao bữa nay là ngày mấy, chớ mốt nầy là mùng bảy tháng mười ta là ngày giỗ ông nội mày, mà hồi sớm mới nầy vừa thoát ra khỏi nhà, mày đã te te mất dạng, tao vừa trực nhớ cho trẻ chạy theo kêu, thì nó nói mày đã đi xa lắc xa lơ, vậy chớ mày đi rượt ai đâu mà te rẹt như vậy hử?” Tôi không trả lời, đưa tay nhận thêm sáu đồng bạc dặn mua bột mua đường thêm mua mấy món đồ nấu. Tôi đi thẳng vào trong lục ba hột cơm nguội dằn bụng, chờ má tôi bớt giận đi ngủ, sẽ lén tom góp áo quần cần thiết, gói làm một gói chờ canh khuya sẽ đem trước xuống xuồng, kẻo sáng ôm ra, kẻ ăn người ở thấy, thì lộ hành tung, hư chè hư xôi việc lớn.





Trời vừa hé mắt bửng tưng, tiếng gà gáy còn nhựa, tôi đã thức dậy, chải gỡ gọn ghẽ, hối con nhỏ lấy xuồng đưa tôi ra chợ. Tới nơi, tôi để nó ở lại coi xuồng, lo lót nó một đồng xu xôi nếp than đỡ dạ, còn tôi thì đi tuột một mạch vô nhà cô chủ sự. Cô lật đật biểu tôi vào phòng của cô ngồi đó chờ cô sửa soạn bươn bả, chờ tàu lục tỉnh đến thì chị em cùng đi với nhau. tôi hỏi đi đâu, cô đáp đi Sài Gòn chớ đi đâu mà hỏi. Cha chả, lo quá, từ đó đến giờ tôi lên có một lên khi được bảy tám tuổi, năm ấy (1913) vừa xây cất xong Chợ Mới Bến Thành, có ăn lễ khai thị lớn lắm, năm đó tía tôi trúng mùa dư được mấy chục giạ, ao ước sắm một bộ đồ trà hiệu Đào Ngọc, trong Chợ Lớn, nên thừa dịp cho mẹ con tôi đi theo cho biết đèn dầu, đèn khí đá ra sao, và thứ đèn mới có, không tim mà vẫn sáng hơn hai thứ đèn kia, duy dùng điện lực mà sao gọi lả “đèn khí” là khí gì, ác thật. Tôi nhớ thấy chưng cô Bảy Bang bắt từ miếu ông Quan Đế (Thất phủ miếu) kéo ra, hình bát tiên là nhi đồng bảy tám tuổi như tôi, cho ăn mặc như hát bội và cột ghịt cả ngày trối kệ nắng mưa, lúc đó ghe tía tôi đậu ở gần nhà ông Tổng Đốc Phương, nay kinh đã lấp trở nên chỗ Bưu diện Chợ Lớn bây giờ, cha chả, nhớ Sài Gòn rộng lớn bằng mấy chục lần cái làng Kim Sơn của mình, mình đến đó có một lần hồi nhỏ tối ba chớp ba sáng, thấy được sao chổi (sau biết tên gọi sao Halley) mọc năm đó, năm sau xảy ra trận giặc Đức 1(1914-1918). Tôi chỉ lo chân ướt chân ráo cô nầy đưa mình lên trển, dấn thân sấn bước giang hồ, phó thác cho vận mạng và cho cô chủ sự định đoạt. Duy vững bụng vì năm còn nhỏ, đi Chợ Lớn năm đó tía tôi có bắt đến ông thầy Vi Kỉnh Trang, ở một gác nhỏ đường Jaccaréo (nay là Tản Đà, ổng ăn có năm cắc bạc mà vừa coi tướng vừa coi chỉ tay, nói trúng phong phóc, biểu tôi bước đi vài bước rồi ông đoán sau nầy số tôi ở lầu các, có người phục hạ, nhứt hô bá ứng, nhớ vậy nên cũng vững bụng phần nào. Rồi nhớ bâng quơ qua câu “đi lang thang trên đường phiêu bạt, vái Phật trời phò hộ lưu ly”, câu nầy của ai và chữ Tây viết ra sao, mà ông cử Pháp Diệp Văn Kỳ, con ông Diệp Văn Cương, dịch lại làm vậy mà trúng vào bộ vận và tâm sự mình hôm nay quá đỗi. Ờ mà phải, phải lên đó trốn ít ngày cho tía má tôi tìm kiếm không ra, rồi cô nầy hứa sẽ lựa chỗ giàu mà gả tôi, cho tôi nhờ tấm thân, rồi sẽ trở về thú phạt thì tía tôi cũng bỏ qua và má tôi hết giận chớ gì. Nghe hai tiếng Sài Gòn thì muốn thật, mà mãi còn lo cha mẹ bà con ở đâu trên ấy, một thân cô độc rồi mới làm sao đây? Nghĩ gần nghĩ xa, trong bụng đang bấn loạn bỗng nghe tiếng cô dứt “lo cái gì mà lo, trước lạ sau quen chớ lo gì!” Thấy cô nầy hứa chắc ăn, thêm cô lấy chiếc kiềng ao ước cho đeo, thì trăm phần lo cũng đổ sông hết sợ!



Tảu lục tỉnh cặp bến, bộ hành lên hết, cô chủ sự biểu theo cô xuống tảu, dặn ban bù đưa hành lý lại ca bin hạng nhì. Tôi bước chân vô cái buồng gì sang quá, thấy mà ngợp! Giường sắt lót hai bên, tuy không rộng mà nệm gòn rất êm, trải ra trắng phếu, nào chậu rửa mặt, nào quạt máy đèn điện có đủ rồi để nữa đây tiền tàu phỏng độ là bao, sang chi lắm, liệu cô chủ sự có đem theo đủ mà bao bọc cho mình, sao không ở nhà cho yên thân, trăm mối ngổn ngang, rối ôi là rối. Mặt trời đã chênh chênh ngã bóng, kiến đã cắn bụng, bụng càng bào chọt, phải bậm môi ma chịu, nghĩ dại rằng tàu lo chạy cho mau tới, ai đâu dưới nầy lo bán cơm, bán cháo cho mình nhờ. Nhưng cô chủ sự đi guốc trong bụng mình mà mình không hay, cô kéo tay tôi qua phòng kế bên, rộng gần bằng một căn phố, giữa phòng bày sẵn một bàn đủ sáu người, nắp bàn rất sạch, có đủ dao nĩa và ly đĩa trong ngần trắng tinh, thêm một bình hoa hông đỏ chói làm trung tim chứng giám. Cô chủ sự và tôi vừa bước vào, kế ông cò tàu, có hai dòng máu Tây Nam đề huề, cùng đi với ba ông Tây viên chức đi công cán, da đỏ như tôm luộc lông mọc-xù xì đen cá cổ tay vả cườm tay, trông như ba con dã nhơn sở thú đi lạc. Sau mấy cái bắt tay giới thiệu, họ ép cô chủ sự ngồi giữa tôi ngồi đối diện, hai bên chúng tôi là bốn ông giống đực, tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng nhờ giàu máu 35 cho nên cái gì cũng qua, duy chữ tình khó lọt. Họ châm nhau những gì tôi không hiểu, nhưng cả thảy đều vồn vã lo cho tôi tứ chút, khiến tôi ngượng nghịu, còn cô chủ sự thì ba xí ba tú, họ cười giòn như nắc nẻ, không biết châm biếm hay phục tài. Tôi nào biết tiếng Tây tiếng u gì phòng tiếp chuyện, đành đánh chữ làm thinh. Lát lát liếc đưa tình, lâu lâu nhé răng cười nụ. May nhờ tía má không bịnh tật nên sanh tôi lành lẽ, răng trắng và đều như hột bắp non, môi đỏ tươi đến son còn kém, gẫm lại gái có sắc như con sóng lượn, đứa trai nào cũng không khác chiếc thuyền nan, dầu ông Tây nào làm tới thống đốc, cũng chứa một nòi tình, ba thằng nầy mà sức mấy, đỏng đưa chơi mày hay chúng bay cung cheo. Họ luân phiên dành rót rượu mời, cô chủ sự bẻ bánh mì giúp tôi, tôi gượng gạo nâng ly, vừa nuốt chưa qua khỏi cổ, lửa từ đâu bừng bừng cháy dỏ, đỏ từ môi đến cặp chân mày, đôi má hồng hồng chứa chan tình tứ ở nhả má tôi nào có dạy, mà nói xin lỗi má, con đã hư làm vầy?



Từ đó tôi không còn biết gì nữa, nhưng càng làm thinh họ càng chiều chuộng, định cho tôi, đẹp như vầy ắt tiếng Tây sạch lắm, chẳng qua sầu tình hay chúng đang làm trái ý điểu gì nên tôi làm thái đó thôi. Bữa tiệc mãn, lui về phòng, lên giường nằm sang tàu Nam Vang lần thứ nhứt, phần sóng đánh tàu lắc lư, phần rượu ngà ngà say tôi mơ màng chiêm bao quyết ra đi phen nầy quyết làm sao có tên có tiền có sóng có gió như vầy mới chịu về cùng tía má, nhưng giấc mộng chưa nghĩ trọn tôi đã đánh một giấc quên đầu quên đuôi, trời sáng bét, tôi mở mắt ra đã đến bến Sài Gòn hồi tang tảng sáng.



Bước lên bở, cô chủ sự kêu xe kéo tay, hai đứa ngồi chung xe, chúng tôi vòng vo tới chợ nào không rõ, ghé một nhà trông quả là nhà có của, bàn ghế cẩn, ngựa gõ, tu bàn đều bằng cây danh mộc bóng láng. Bà chủ nhà đã già nên cô chủ sự gọi bằng “má” và ép tôi cũng gọi theo. Cổ để tôi ngồi đàng nhà trước một mình, còn hai người đưa nhau vào trong nói chi không rõ, giây lát trở ra căn dặn tôi hãy ở lại đây với má Tư Hớn ít ngày, chẳng hề gì đâu mà sợ rằng đã gởi gấm yên bài, ở đây với má, má sẽ thương như qua đây thương em vậy, lời lời ngọt lịm như đường phèn. Bà già ấy cũng tiếp đưa lời, “chị em với con Bảy Chủ sự thì cũng như con ruột một nhà, vậy con cứ ở, đừng ngại ngùng chi cả”. Rồi đó bả biểu dọn cơm nước cho hai tôi ăn, trong bữa cơm, cô chủ sự dặn dò tôi mọi việc ráng sao sao cũng phải tin cậy và nghe lời má Tư, thì mới hòng nên thân đặng. Nội Sài Gòn đây có ai lanh lợi và quen lớn với nhiều ông nhiều thầy cho bằng má Tư, như chị đây năm xưa cũng xuất thân cũng nhờ má Tư sắp đặt cho nên ngày nay mới rỡ ràng sung sướng và có địa vị như ngày hôm nay làm vậy.



Nói ba điều bốn chuyện cho qua tang lề, rồi cô chủ sự hôn vào hai má tôi mà tử giã, rằng hãy để cô vô Chợ Lớn mua vài món, và ở luôn nơi nhà quen trong ấy cho đặng sáng sớm đáp tàu về cho tiện và đỡ tiền xe. Cô chủ sự ra về, Má Tư Hớn lấy trong tủ ra một chiếc kiềng vàng chạm kiểu khác và hai chiếc vàng dạy tôi đeo vào thử, xem có vừa vặn không. Đôi vàng quả có rộng một tí, tôi không dám nói: thì má Tư đã bảo cái cô sáu nào đó ở trong buồng, hãy đổi đôi vàng cho tôi, cũng y đồng cân đồng lượng và cùng một kiểu chạm “nhứt cách nhứt chiếu”, một khúc tám bông hoa kế tiếp một khúc chạm câu thi văn vận với đoá hoa (lan cúc trúc mai) đã chạm nơi khúc trước. Má rằng: “Con đã lớn rồi, đeo dầu có rộng chút ít cũng không sao, thêm cổ tay của con nhiều xương, đeo rộng ít thấy, phải để cho em của con đây, đeo cho vừa khít cho thấy cổ tay tròn ống chỉ, vừa khéo vừa đẹp, vừa xứng với vóc đạc, cho má xem cho mãn nhãn thêm vui lòng già”. Y cái bà, trông cục mịch mà lời nói ngọt tợ mía rim! Tôi đang ngồi ngắm nghía mấy món nữ trang mới, không làm gan xa tía xa má làm gì có như vầy, bỗng có một tốp mấy ông mấy thầy kéo nào nhà, ông nào ông nấy xem đã ba ngù, nói với nhau tiếng Tây bốp thiên, kẻ kêu “dì”, người gọi “má”, om sòm bát nhã. Má Tư lật đật biểu chị Sáu dắt tôi theo vòng cửa sau bước qua nhà kế cận mà gởi tôi ngồi chút chơi, vì má nói tôi còn như nai không nên cho lũ say nầy thấy, và dặn tôi chờ giây lát chúng về sẽ lại về nhà.



Ở đây chưa được đúng tuần, vừa quen nước quen cái, một hôm cơm rồi má Tư gọi tôi lại gần rồi nói nhỏ: “Nay có thằng Hạch, quản gia trong nhà máy xay lúa lớn trong Chợ Lớn, giàu lắm, nó muốn cưới con về làm vợ, với một cây kiềng đúng một lượng và hai lượng chuỗi hột quấn tay, con nên ưng nó đi mà lập thân, chỗ nầy được lắm, nên nghe lời má, thuở nay má ăn chay niệm Phật, tạo lập không biết bao nhiêu gia đình như vầy, tụ thiểu thành đa, không nên già kén, mà bỏ qua dịp tốt”. Tôi lúc nầy tứ cố vô thân, bụng đều không muốn cũng chẳng dám nói không. Huống chi mụ nầy, giọng kèn tiếng quyển, thật dễ xiêu lòng, lại nghe có kiềng có chuỗi thì còn chê bai gì nữa. Vậy nên tôi cũng đánh liều gật đầu ưng đại.

4.: Lấy chồng là hạch gác cửa.

Trời đất ôi! Ở trong làng, con thầy cai tổng đến hỏi, cùng trang lứa, cùng học lớp nhứt một thầy, tôi chê “dài lưng tốn vải”, tuy nhà giàu thật, nhưng ăn nói không chọc tôi cười được, một mối khác, Năm Xuân, con bác Cả, đậu bằng thành chung thật, nhưng làm thơ ký cho trường máy Đỗ Hữu Vị, khoe rằng thực là “thơ ký chánh phủ”, tôi không tin, thêm ốm tong teo, e bị lao chăng, mất công đeo khăn tang sớm, mất đẹp! Nay về với anh hạch nầy. Tưởng rằng làm quản gia, một chức khác cho là trọng, ngờ đâu đó là gác cửa ban đêm, và hạch là phiên âm tiếng Ả-rập Hadj, bên xứ họ nghĩa là gì, tôi thật không biết, duy nghe hạch hạch, tưởng đâu là tiếng hắt hơi “hách xì”.

Đêm tân hôn, nay nhớ lại còn rùng mình. Đúng là thuyền nan lâm bão lớn, tấm thân trong ngọc trắng ngà, giá kể ngàn vàng, nói theo văn Kiều, đành để “hồng ngâm chuột vọc”. Mà con chuột nầy nó không vọc, nó nghiến răng xàm xạp. Hạch tuy không thương được nhưng ở rất biết điều. Va mướn cho tôi một căn phố không xa nhà má Tư Hớn là mấy, cái nầy là tại tôi đòi y theo lời má Tư căn dặn, y mua bàn mua ghế và tập tôi ăn cà ri, chu choa, ban đầu cay xé miệng, mà nay gặp không cay tôi không thèm rớ, mới kỳ! Nghe tôi đòi muốn ở gần má, ban đầu anh hạch vùng vằng, song thét rồi cũng ưng, vì anh mê tôi như điếu đổ, muốn gì được nấy. Quả lả anh hạch thương tôi một cách thật tình, và nói nhỏ mà nghe, ban đầu tôi không cảm, nhưng chưa đầy bốn tháng, anh sắm cho tôi áo quần chật tủ, vàng, chuỗi có rồi. Má bày cho tui òn ĩ xin nào neo đạc, dứa nghiêng trong có đồ để cho đeo đừng móp, thêm cà rá đeo đủ ngón, mặt chữ “ngẫu” (ngũ), mặt nhận xoàn Xiêm, và cà rá liên hoàn, đeo vỏ ngón tay, thấy liền lạc, khi cởi ra vòng nầy treo lủng lẳng tòn ten, trông ngộ lắm. Đêm nằm tôi cũng mừng thầm. Từ cảm vừa vừa đến mến, rồi qua thương, tình Hạch - Việt cà ri thịt kho, tôi tập ảnh ăn nước mắm, ảnh nín mũi queo râu, thấy dễ tức cười, vợ chồng cách nhau hơn hai con giáp tôi mười tám xuân, ảnh tròm trèm bốn chục, tôi bắt mùi quen ăn nị tưởng cùng nhau sẽ nối tóc đến già. Ảnh lảm việc trong nhà máy xay lúa trong Chợ Lớn Bình Tây, tử ngày đụng tôi, ảnh xin đổi phiên gác không gác tối nữa và làm việc ban ngày đêm nào cũng về, vì vậy ban ngày ở nhà một mình buồn, tôi thường lại nhà má Tư để giải khuây, ngờ đâu má cò máy với mấy chị trong nhà ra ngón độc bày đặt rủ ren cờ bạc. Ban đầu đánh nhỏ thì tôi ăn, gọi là chơi vị tình, sau lần hồi gầy sòng đánh lớn, tôi bị gài vào bẫy, dính ăn dính thua, say máu ngà, bữa nào chiều về nhà cũng sạch túi. Cái nghề cờ bạc, nóng mũi nên phái gỡ, gỡ đâu không thấy, ngày càng lậm, hết chục nầy tới bạc trăm kia thét rồi tới cầm đồ, cứ nay một chiếc, mai mốt cầm một đôi, không đầy hai tháng trời, bao nhiêu chuỗi vàng kiềng chạm đều ton ráo, hoá ra giấy biên lai cầm đồ chú Hoả, ráo nạo. Nói thì nói vậy chớ làm sao tôi đám thả ra chiếc kiềng vàng đeo cổ và đôi neo vòng tay là vật thường ngày không rời mình tôi, há dám gởi tiệm, cho anh hạch ảnh biết. Một bữa nọ, thình lình chưa bốn giờ chiều, ảnh về sớm hơn mọi bữa định thúc hối tôi ăn mặc cho chiếng, vòng vàng đeo đủ, để cùng anh vào Chợ Lớn ăn tiệc đầy tháng nhà bạn hữu, luôn dịp trình diện tôi cho người đồng hương ảnh hay. Mà nào có mặt tôi tại nhà! Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đáo hoa y cựu, mãi câu tôm. Cơ khổ, anh Hạch lả Chà đứt đuôi mà nhè thơ Đường tôi kể, ảnh đi miết lại nhà má Tư, bắt tại trận tôi đang ngồi sòng. Nói chí tình, ảnh vẫn giữ lễ độ, nhỏ nhẹ biểu tôi. Anh biểu tôi mau mau sửa soạn để kịp đi ăn tiệc, mà trời đất ôi, còn gì mà bắc kế hay sửa soạn. Tôi vô buồng làm bộ chải đầu gỡ tóc, rồi y theo kế mụ bà không dạy mà biết, là nhào lên giường nhào lăn hô đau bụng. Mà làm sao qua mặt được anh chà ba da nầy. Ảnh không tin, cạch hỏi tôi đủ điều, hỏi thật lòi chánh, mặt mày ảnh từ đen hoá xanh, ảnh muốn đánh tôi, nhưng nghĩ sao anh không nỡ, tôi khóc lóc xin tha, rằng lỡ dại một lần thứ nhứt. Anh hạch không nói, bước trái ra ngoài buồng suy nghĩ, giây lát trở vô, xem bộ bớt giận vì cặp râu trái ấu không giựt lia như ban nãy, ảnh cầm tay tôi vuốt ve và khuyên như lần đầu, tôi khờ dại nên ảnh bỏ qua, duy tôi phải giấu nhẹm đừng cho má Tư hay và nhứt định dời chỗ ở cứ việc thay đồ đi dự tiệc cái đã, bao nhiêu đồ đạc thua lận má Tư, ảnh sẽ sắm lại còn nhiều hơn nữa, duy ảnh yêu cầu tôi đừng đánh đôi đánh đọ, chị em cũ luôn và má Tư là bầy quỷ, là chằng tinh, gấu ngựa, càng xa càng tốt, gần làm chi cho vấy mực hôi.

5.: Về Chợ Lớn

Anh hạch nói không suông sẻ như vậy đâu, nhưng ở đời dây tình cảm đâu phải ở đầu môi, chót lưỡi, tôi nghe ảnh nói mà độ được tấc lòng. Bụng định lòng chai dạ đá mới sau nầy qua mặt bọn đàn ông được, nhưng mới nghe có mấy câu rao Nam nầy mà nước mắt muốn trào, tâm can mềm èo như bún thiu, tôi muốn nhảy lại cắn môi anh hạch để tỏ dấu tri ân, nhưng tôi cố dằn với lấy cái khăn quấn đầu của ảnh vừa chùi nước mắt vừa ngã đầu vào vai ảnh, cho hay giọt nước mắt đàn bà, nước nào như nước nấy. Nhan sắc không phải còn hoài, tuổi thanh xuân đi rồi không trở lại, muốn cự nổi với bọn đàn ông mau quên mau chán, phải học cho đủ nghề, đủ bài bản, cho nên buổi tập sự với anh nầy tôi không tiếc, duy nghe nói hạch tàu đò còn cao đệ hơn nữa, duy chưa gặp nên chưa dám viết, cái gì có nếm mới nên thuật lại cho chị em tường, muốn lấy chút kinh nghiệm làm đuốc soi đường, soi không khéo, đám hậu sanh sẽ cười cho là hủ lậu.

Sáng ngày, chồng tôi vừa ra khỏi cửa, một lát chưa giập bã trầu, má Tư mon men cho chị Sáu qua lấy tin tức, hỏi thăm anh tôi đã hay mất hết đồ chưa, tôi dối rằng chưa. Đến nửa đêm, anh hạch về, và nói với tôi làm vầy: “Em còn thơ ngây quá! Cái mặt non nhớt, rồi tưởng má Tư mập mạp như Phật bà rồi lòng hiền như Bụt hay sao? Thuở nay ai chẳng nghe danh bà Tư Hớn đường Bồ-rệt (Boresse, nay là đường Calmette). Bả định bắt hồn sanh ông cò Chapuis ở bót quận Nhì, không ngờ cô Cá Hấp cao tay ấn hơn nên thộp trước. Bà day qua anh đây toan gỡ, mà anh trót thương em nên phải ra tay, không để em trong vòng tay Dì Tư mãi mãi. Mặc cho dì bứt râu ông tổng nầy tổng nọ. Dì Tư máng coi em như cái vú sữa, còn sữa còn cần dùng, cho nên dì phớm phỉnh đong đưa, ngày nào em cạn sữa, dì hất chơn em cái một. Anh đây là thân chủ thuở nay của dì. Hôm em mới lên dì biết anh là thằng nhiều lúi, nên dì cột cho anh phá lòng trinh em mà lấy ba trăm bạc lớn. Đến khi anh gặp mặt em lần đầu thấy còn non nớt quá, anh không đành lòng, hoặc là nói không nỡ. Anh bàn qua việc cưới làm vợ thiệt thọ, dì lên giá năm trăm bạc chẵn chòi. Đồ mập thây, chuyên nghề bán máu con em mà mập vóc! Ban đầu anh không chịu, nhưng sau anh nghĩ lại, trong năm trăm nầy, chẳng những anh có được người vợ trong trắng mà anh còn làm được một việc phước bằng đi hành hương La Mếc (La Mecque, thánh địa của người Hồi giáo, suốt đời phải có một phen đến đó mới đáng là người). Cứu được em ra khỏi lưới dì Tư Hớn, dầu sau nầy em có phụ anh, anh cũng vui lòng cam chịu. Em nghĩ coi chớ chi em gặp thằng khác, thì phải khốn nạn vô cùng chăng? Trong nhà máy thiếu chi gái đẹp mà anh không thương, rõ thật đôi ta có duyên nợ trước. Em mà được như vầy có phải công của dì Tư chút nào đâu? Khi khổng khi không, không đẻ không nuôi, dì ăn đứt năm trăm, lẽ đáng dì cám ơn mình mới phải? Ơn ấy dì không trả, ngày nay dì còn dụ dỗ bài bạc, tính lột da hay rúc rỉa ăn tận xương tuỷ mới nghe, như vậy mà ăn chay niệm Phật. Để anh đem em về trong Chợ lớn cho xa tầm tay với của con mụ nầy mới được. Anh phải chạy nước rút, kiếm cho ra một căn phố thuận tiện, và từ đây tới đó cấm em cho dì hay”. Qua ngày sau, ảnh trở về cho hay phố đã có rồi, và hôm kế đó, có xe cá thắng hai ngựa dọn đồ đi sạch. Đang dọn, má Tư đến, nhưng thấy mặt ảnh hầm hầm. Má ra về, tưởng rằng êm, không dè má lanh trí, lo lót thằng đánh xe, dọn về đâu má biết hết và nhắn tôi: “Thằng điếm ba da nó không vừa, nó muốn lìa mẹ con mình đặng xui mưu làm loạn chi đây nhưng qua mặt mụ Tư Hớn nầy sao nổi?”

6.: Hết vàng lần thứ hai

Vừa dọn về nhà mới trong Chợ Lớn đâu được vài ngày, kế má Tư tọt tét vô thăm. Má căn dặn một hai chớ có tin mà mắc điếm thằng ba da trời đánh nầy. Nghe vậy hay vậy, tội nghiệp nói có trời làm chứng, tôi ở cửa giữa, nắng bề nào che bề nấy, biết làm sao bây giờ. Má, tôi cũng thương; mà ảnh, ảnh muốn gì, tôi cũng chịu. Chưa đầy một tháng, chồng tôi sắm lại cho tôi chuỗi và vàng tay đủ hết, con người làm sao mà rộng rãi với vợ con quá, chỉ tiếc không phải một màu da.

Bữa nọ, không có anh ấy ở nhà, má Tư vô, biếu tôi lấy cho mượn năm trăm đồng, vì má có chuyện cần kíp lắm. Tôi than năm trăm không có, tiền chồng cho để xài vặt, tôi tiện cặn vừa hơn tám chục, chớ một trăm cũng không có đú, má tạm đỡ về mà xài. Má mới biểu thôi thì cho má mượn đỡ vàng đem về cầm, rồi nội trong hai ngày, má chuộc lại liền, thẳng không hay đâu mà sợ. Tôi nghĩ đầu dây môi nhợ cũng nhỏ người ta mà mình nay được no cơm ấm áo như vầy, không lẽ mình nói không cho thì cũng ngặt. Tiếng má Tư ở Sài Gòn phải vừa või gì, nếu chọc cho bả giận và mếch lòng thì dễ gì sống trên đất nầy với bả hay sao? Nghĩ vầy rồi, tôi tuôn hết vòng vàng của cái cho má mượn, chỉ chừa mấy nhón thường đeo hàng ngày mà thôi. Bả về rồi, tôi ăn ngủ không được, lo lắng trông mau đúng hai ngày, kẻo phen nầy, chồng tôi hay đặng việc nầy, thì có nước chết. Té ra đúng hai ngày mà trông hoài không thấy tăm dạng, qua ngày thứ ba, anh vừa bước ra, tôi vội khoá cửa, tuột ra nhà má. Tới nơi thấy má nằm xuôi xị. Vừa thấy mặt, má nói cho một hơi: “Ác nghiệt hôn. Làm cho con tôi phải ra đến đây làm vậy! Con ơi! Thiệt là rui cho má quá? Hôm má mượn đồ của con, là má tính còn hai kỳ góp nữa thì hết thiếu thằng Annamalê. Cho nên má định mình làm tốt đem góp tất cho nó một lần để rút giây nợ cho nó có cảm giác là mình là người tốt rồi vài hôm sau mình giả bộ dắt con Bảy ra hỏi, rồi mình ký tên xa-nhe (signer) bảo lãnh, vay lại năm ngàn đồng bạc mới mà xài. Mình nghĩ bề thế con Bảy chị con như vậy và mình lại vừa mới trả hai ngàn đồng cũ rất tử tế chưa đợi đúng kỳ, đã vậy thằng Annamalê nó có dặn má coi chỗ nào chắc chắn chỉ cho nó để nó cho vay bạc, như vậy đó lẽ nào phen nầy nó từ chối. Ai dè xui quá là xui? Rủi ôi là rủi! Đồ đạc của con đem về, má cầm chưa đầy ba trăm. Má phải mót thêm đồ nhà nhập vô cầm được một trăm ngoài nữa. Rồi lại mượn thêm năm chục đồng của cô Sáu Sửu, nhập vào mới đủ hai tháng tiền cho nó. Ra lấy giấy nợ cũ xong xuôi, hôm qua nầy dợm ra nói chuyện với nó về vụ hỏi năm ngàn đồng mới, ngờ đâu có tin nó đau. Hồi sớm mai nầy, má mới ra ngoài, thì nó chưa mạnh. Con nghĩ mà coi má sai lời với con, có chết được không? Làm má buồn quá. Đi mới về, mới liệng cái khăn, vừa nghỉ lưng kế con ra đây làm vầy. Tội quá!”

Thôi? Má đã nói như vậy, phép mình nói sao bây giờ? Ra về tay không, chỉ xin má một điều phải lo phải chạy làm sao, kẻo để lâu, chồng hay đang phen nầy việc tác tệ dường nầy, ảnh đánh cho ắt là nhứt sanh nhứt tử.

Được hai bữa tôi ra, thì má kêu trời cho hay Annamalê vừa đem đi chôn. Và má bây giờ quả tận lương vô kế. Tôi nghe vậy thì hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Cô bác phải ai gặp tôi lúc đó, chắc là tưởng thằng Annamalê nầy là tình nhơn của tôi nên nghe tin chết tôi mủi lòng như vậy. Kỳ thật tôi khóc mấy lượng vàng của tôi không cánh mà bay. Tôi khóc cho bản thân tôi, phen nầy làm sao biết đào đất mà trốn, mà trốn sao được với anh hạch nhà tôi dẫu xương đồng da sắt cũng phải mềm? Tôi ngồi khóc nỉ non nỉ nọt. Má an ủi: “Tuy vậy mặc lòng, con chớ có rầu buồn làm chi cho hao tốn nhan sắc. Má còn tính toán. Con chớ tưởng tiếng Tư Hớn đất Sài Gòn nầy, đành khoanh tay ngồi coi con mang hại hay sao? Còn nước còn tát mà. Trời sanh voi, phải sanh có chớ?”

Tôi lau nước mắt ra về, lòng nặng trĩu.

Ngày sau, lối ba giờ chiều, má ngồi xe kéo tay vô... Má bệu bạo: “Con ôi! Cứu má phen nầy, không thì mẹ con mình chết chùm với nhau đó. Mấy ngày rày má chạy đã cùng phương, mà lo không ra kế. Má lại e phen nầy chồng con nó hay đồ đạc mất nữa thì nó không dung, mà chẳng lẽ má để cho vợ chồng con rời rã vì má hay sao? Đã biết, với thằng điếm ba da đó thì có kế chi tình nghĩa vợ chồng. Tuy vậy, đây cũng là chỗ nhờ cậy của con, tưởng mất rồi khó kiếm. Chớ má biết rõ bụng nó không quyết chí lâu dài với con đâu. Thứ quân...” Má nói đến đó rồi thở ra không nói dứt câu... Tôi hỏi: “Vậy bây giờ má tính sao?”. Má Tư tiếp: “Có một chước nầy là vẹn toàn, ngặt nỗi con bây giờ, đâu có nghe lời má”. Tôi hỏi phăng tới: “Chước gì má cứ nói, con nào dám chẳng nghe lời má hay sao”. Má đáp nho nhỏ: “Nề! Có một thầy cai ở Trà Vinh, người giàu có lớn lắm, thêm dám ăn xài. Thầy lên đây bán lúa mà má biết tánh thầy, hễ thấy con ắt quít đít liền. Vậy chiều mai con hãy bắc kế cho thật bảnh, lối gần năm giờ con ngồi xe tay cho kéo ngang nhà má mà đừng ghé. Má có chào hỏi, con cứ trả lời cầm chừng rồi chạy luôn; còn chi nữa, mọi việc để đây cho má lo liệu. Vái trời cho con lọt mắt thầy thì không khác chuột vào thúng nếp. Ở đời phải biết phòng xa. Nói cho cùng, rủi thằng ba da nầy có sa thải con ra, thì sẵn còn thầy cai đó. Chớ bằng không, thì một mai rồi trở tay không kịp. Mà con phải nhớ cái thằng điếm chó ở nhà đây nó buông con nầy bắt con kia, xưa nay ai cũng biết trừ có mình con. Ngây thơ quá thì lầm to. Đừng chắc con ăn đời ở kiếp mãi mãi với thằng hạch nầy. Nó thuở nay, hễ con nào còn mới thì nó tâng tiu, chớ ít ngày xài đã, nó đạp đầu ra cửa, lại còn kiếm cách lột đồ sạch bách. Hôm nọ vì thấy con bơ vơ nên má gả đỡ chớ xong xảy gì đâu! Má ỷ có má đây, ắt nó không làm gì con đặng nên má gả phứt cho con tạm an thân, nay nếu con chẳng biết nghe lời thì sau nầy dừng trách. Ý cái con, sao mà khờ quá!”

Ban đầu tôi còn bần dùng, còn chút lương tâm nên không nhứt quyết e làm vậy khó coi. Thà chừng nào chồng bỏ sẽ hay, chớ nay chồng đang âu yếm không tỏ chút gì lầm lỗi cho mình đành bạc bẽo, huống chi vòng vàng người ta cho không tiếc, mình ăn ở vô nghì, trời đất nào dung. Nhưng sau rốt má Tư òn ỉ êm tai, rồi tôi ưng chịu hết. Má ra về hẹn đi mướn đồ bắc kế, sẽ cho chị Sáu cần vô phải chưng diện làm sao cho thầy cai bị thâu hồn thâu vía.

7.: Thôi anh hạch, ngang xương

Qua ngay sau, đúng giở hẹn, tôi y kế má dặn rắc rắc làm theo. Xe chạy ngang nhà má, thấy má đang trò chuyện với một đàn ông, râu cá chốt, áo dài bông gấm, đi giày ếch-cạc-panh (escarpin), khăn Lái Thiêu, ngậm xì gà: nửa quê nửa tỉnh, nửa mấy thầy, nửa làng xã. Má vừa thấy tôi, đã bước ra chào niềm nỡ: “Cô Hai đi dạo mát hả? Xin cô ngửng, tôi có chút chuyện”. Má day lại nói với người kia giống chi nhỏ quá nghe không rõ, rồi lật đật chạy ra, móc túi áo khỉ đưa cho tôi xem hai hột kim cương đã nhận làm cà rá và nói nho nhỏ đủ nghe: “Con giả bộ cầm coi và nhìn kỹ một hồi rồi lắc đầu như chưa bằng lòng, làm bao nhiêu ấy rồi trả lại má để cho má tính”. Tôi có hiểu ất giáp gì đâu nhưng cũng làm y như lời má biểu. Bỗng nghe má nói lớn: “Thấy không? Quả y như tôi tiên liệu. Hai hột không đều, một hột màu dầu lửa, hột kia sáng thật nhưng có chút than, thôi để rồi kiếm cái khác”. Xe tôi cứ đường thẳng chạy luôn, má trở vô, trong lúc nói chuyện liếc thấy gã kia ngó tôi trân trân, gần rớt tròng con mắt.

Sáng hôm sau má vô nhà, miệng tích toát hỏi: “Con muốn hai hột xoàn nầy chớ?”. Tôi vội đáp: “Bộ má giả ngộ? Vàng kia không có tiền chuộc. Nay muốn mấy thứ nầy, rồi tiền đào đâu ra?” Má không dứt tiếng cười háy tôi “Của nầy là của con đây chớ của ai? Lúc nầy con mua gì mà không được, lo gì chuộc mấy món vàng nhẹ xều kia?” Thử bây giở con ước má Tư nầy về làm con mọi già để chơi ắt cũng có người ra tiền cho con sắm! Cá cắn câu rơi con ơi!”. Tôi nghe bây nhiêu, đà hiểu hết, đây là thầy cai đã lọt vào mê hồn trận của má, nói cách khác, má đã thổi bùa mê bắt hồn thầy cai, chuyện hai hột xoàn nầy cũng là tại má bày, nói tôi đang muốn sắm kim cương, nên thầy mới mua để làm nghĩa cho tôi mau cảm, và lễ ra mắt như vầy cũng là xứng đáng. Nghĩ lại tôi thật là con đoản hậu. Anh hạch không làm chi cho phật lòng, nói chí tình tôi cũng thương ảnh lắm chớ, nghĩ dại muốn có được một thằng Tambi con để đánh dấu bước đầu buổi sấn thân cùng gió bụi, vợ chồng mới quen hơi, tình nghĩa gần gắn bó, không biết vì mụ nầy là quỷ sứ đầu thai, hay vì mình có cái tật ham đồ bắc kế, ác nhứt là hai cái hột nầy làm choá mắt, nên rốt rồi còn biết phải quấy con nhà gia giáo hoá ra tàn ác, lửa đang nồng, hương đang đượm, má đành phá gia cang hai đứa tôi làm vầy, má Tư ôi là má!

Chẳng những vậy, má còn căn dặn, chiều nay hễ anh hạch ra đi, là phải ra nói đôi lời cám ơn người ta. Mà trước khi, phải đem hai hột xoàn nầy ra giả bộ trả lại cho thầy, và nói rằng mình không dám thọ của quý như vậy, đợi cho thầy năn nỉ đôi ba lần rồi sẽ tạm nhận. Trời đất ôi, mấy lời nghe chó má quá mà tôi mãi mê hai hột nầy nên bất chấp phải trái, khi tôi còn ở nhà tía má tôi đâu có như vầy? Nhưng rồi tôi cũng y theo kế ấy. Xong rồi má Tư nói: “Nay con đem hai hột nầy về trong, bất tiện lắm. Thằng ba da nó thấy thì khó lòng. Vậy con để lại đây cho má giữ giùm là hay hơn”. Nghe cũng phải, tôi giao hai hột kim cương cho má, lật đật ra về. Bữa sau má nhắn nữa, biểu tôi xẻ thầy cai tiền chuộc đồ. Trời đất, thuở nay nào biết xẻ ai mổ ai, thầy cai đâu phải gà vịt mà hòng xẻ mổ? Huống chi người ta vừa ở ngọt quá, mới cho mình hai hột xoàn kia, nay mặt mũi nào xử sự với người ta dường ấy. Cũng vi còn chưa dứt khoát cách ăn thói ở “quân tử Tàu” cho nên tôi đã cụp hàm thiếc với thầy cai mà ba cái đô kia vẫn còn nằm ì ở đợ nơi tiệm cầm đồ chưa chuộc.

Cách vài hôm, bữa nọ, chẳng biết ai mách mà tôi vừa ra nhà má ngồi nói chuyện với thầy cai chưa nóng đít, kế anh hạch hầm hầm hừ hừ ra bắt gặp, lôi tuốt tôi ra xe chở về. Má Tư có nói với: “Đứng đi! Mày vô phen nầy là chết” Nhưng mà tôi nghĩ mình làm mình chịu, dẫu có bề nào cũng chẳng oan ức gì. Chớ nghe lời má, ở lại luôn không về thì cũng đặng, nhưng như vậy thì đoản hậu quá không đành? Khỏi nói về tới nhà, anh hạch khảo tra tôi, còn dữ hơn chị Hoạn vấn tội nàng Kiều, hỏi vàng vàng cũng sạch, hỏi chuỗi, chuỗi cũng tiêu, hỏi chi tôi nói thiệt hết, nhắm chối, chối cũng không được. Anh hạch lột trần tôi như nhộng, cho tôi ăn một trận đòn đáng kiếp, còn lại bao nhiêu đồ đeo trong mình, ảnh lột hết, lấy lại hết rồi tống tôi ra cửa. Ảnh mắng nhiếc má Tư Hớn và tôi không còn một chỗ mẹ đẻ.


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved