Home » » SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-P6

SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-P6

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 00:24

22.: Gặp người hào hiệp khí khái

Cổ hối trẻ chạy lại trước nhà hát Tây, kêu một cái xe song mã, bánh cao su, có đèn khí đá, nếu gặp xe của Sáu Thiệt thì càng tốt vì anh xe nầy biết điều, chạy xe giờ không tính giá mắc lại thạo đường xá hơn ai. Cổ và tôi trang điểm rồi lên xe đi dạo phố một vòng. Cổ biểu xà-ích (sais) đánh xe lại đường Blaucsubé gần đây còn mang tên Garcerie, rồi Duy Tân, ngừng lại rồi chỉ một cái nhà bánh ếch có sân rộng hỏi tôi “được hay không”. Tôi xuống xe lại gần đứng ngoài hàng rào dòm vào, tôi khen “nhà nầy, thiệt là phải thế!”. Cổ biểu tôi đánh giá coi đáng mấy. Tôi nói chừng bốn ngàn trở lại, thì nên mua. Miệng nói bốn ngàn, chớ cô bác biết trong lưng tôi, hoạ là bán luôn tôi đây mới đủ số tiền nầy! Cô chủ sự nghe tôi đánh giá, vừa cười vừa vỗ vai khen: “Má nó có con mắt tinh đời, vừa rành vừa thạo hơn ai. Thôi! Lên xe rồi chị em mình sẽ nói chuyện”.

Cô chủ sự biểu quay đầu xe trở lại, rồi nói với tôi rằng: “Tôi muốn nói má nó một điều, bằng lòng cùng không, xin cứ thiệt tình cho tôi rõ”. Tôi trả lời: “Cô đáng tuổi làm chị tôi, có việc chi sai biểu, cứ nói đại, việc chi mà ngại”. Cổ bèn tỏ ý muốn kết làm chị em sanh tư chi giao với tôi, dặn tôi từ hậu đừng gọi cổ bằng cô, hễ đáng chị thì gọi chị cho thêm thân”. Tôi chịu, vì nghĩ mình còn cô thế, phải kiếm sao cho có nha trảo vi kiềng càng đông càng hay, như vậy mới có thể dọc ngang tung hoành trên cái đất đầy chông gai Sài Gòn - Chợ Lớn nầy đặng.

Xe chạy gần tới cầu Bông, gió mát từ rạch Thị Nghè thổi tới, chỉ biểu ngừng xe một lần nữa, và kiếm chỗ đậu xe nơi lề đường xe điện, bên hông chùa Ngọc Hoàng. Tôi lật đật hỏi.: “Ghé nhà ai đó chị?”. Cô chủ sự nghe tôi kêu chị, coi bộ khoái lắm, nhe răng cười lòi mấy cái răng bịt vàng, trông còn duyên đến, chỉ kề tai nói đủ nghe: “Ghé bợm đa tình họ Bùi, con cháu Bùi Kiệm trong Lục Vân Tiên, chàng ta tên Phát, chị phải khoe người em mới của chị đây cho chú chàng biết mặt!”. Tôi vừa xuống xe vừa hỏi tiếp: “Mông-xừ là chủ cái nhà hồi nãy đó hả? Mà chức phận của va là gì đó chị?”. Chỉ nói: “Hội đồng! Ông hội đồng thành phố, Mông-xừ hội đồng Phát, mà cũng là chủ cái nhà em coi lúc nãy đó đa!”.

Thầy hội thấy chị em tôi bước vô, chạy ra mừng rỡ rước vào sa-lông, coi bộ mau mắn lịch duyệt, rành người, có thể thống, người don don không mập không ốm, miệng ngậm xì-gà, duy cứ tiếng Tây trâm trết. Vừa tới cửa, tôi thấy thầy nắm tay chị chủ, chào: “Bủa-sua cô chủ sự. Xà-hoa-dẻn, ma-đầm”, Tôi vụt né, may thời chị chủ láy mắt, tôi hội ý kịp, bèn đưa tay: “Bủa-sua ông hội đồng!”. Chủ nhà nghe tôi gọi trúng danh vị của mình, nhoẻn miệng cười duyên, siết tay tôi thật mạnh, rồi dắt tay nhau vào nhà. Khách đàn bà mà ông ta đãi rượu sâm banh khui nguyên chai và thuốc thơm hiệu con mèo “Caraven A” sang trọng. Rót rượu xong, thầy hội đồng vừa bưng ly cụng với chị chủ một cách rất lịch sự thân mật. Tôi cũng bưng ly của tôi, ra dấu rồi ngừng lại mở đầu câu chuyện, sau khi ngồi lại đàng hoàng theo ngôi chủ khách: “Bẩm ông, tôi nghe chị chủ sự tôi khoe ông là tiểu Mạnh Thường đất nầy, đã giàu có sang trọng, mà tánh tình lại quảng đại hào hiệp hơn ai. Chị chủ đưa tôi đến đây, trước cho tạn mặt người danh giá, sau cũng có một việc sở cậy ông như đặng thì ơn ấy tôi nguyền tạc dạ”. Tôi vựa nói đến đó vừa liếc mắt đưa tình.

Thầy hội đồng vụt cười dòn, ép tôi cụng ly uống cản, rồi ông vuốt vuốt chót râu trái ấu, hứa trừ lấy gan ông trời còn ngoài ra chuyện chi ông cũng sẵn lòng giúp tôi đặng cả. Chị chủ tiếp lời buộc thêm:

- Em đừng lo, em chưa biết ông hội, chớ hễ ổng hứa với em một tiếng thì như rựa chém đất. Mà điều nói chơi, chớ ong, ủa anh hội, đứng chém chị em tôi, nghen anh!

Ba chúng tôi cười xoà, chị chủ thắng thế buộc thêm một câu nữa:

- Huống chi em đàn bà mới quen biết anh đây, lẽ nào ảnh đi nói trửng cho mất thể diện với em sao?

Rồi day lại thầy hội đồng, chị chủ nói cho một hơi:

- Thưa anh hội, em tôi đây, chồng vừa về dưỡng bịnh bên xứ Ăng-lê, nên ở đây một mình buồn, một hai cũng đòi trở lại quê nhà dưới Mỹ Tho, tôi cầm cản thiếu điều hụt hơi, cô ta mới chịu ừ ở lại, tuy vậy mà đòi cất nhà mới ở sao cho gần gũi cùng xóm với tôi cô ta mới chịu. Tôi nhắm nội đây duy có cái nhà của anh ở đường Garcerci đó là phải thế hơn cả, và khỏi cất mới. Xin lỗi anh, hồi nãy sẵn xe tôi tọc mạch đã dắt và chỉ cái nhà cho em tôi đây, nó bằng lòng lắm, vậy anh bỏ trống chưa dùng, nó thì ưng bụng rồi, vậy không dám nào anh làm ơn để cái nhà ấy cho em tôi ở, rồi sớm tối chi, anh có đi đâu rồi rảnh, ghé tạt vào đó chơi chẳng là thú vị lắm sao?

Thầy hội đồng gãi đầu gãi tai, liếc liếc tôi rồi chắc lưỡi trả lời gượng gạo:

- Thiệt khó cho tôi quá! Không mấy thuở cô đây cậy tôi một chuyện mà việc không thành thì cũng khó coi quá! Chẳng phải tôi không muốn để cái nhà đó lại cho “madame”, tôi thì sẵn lòng lắm, ngặt một nỗi tôi mới mời lỡ cậu tôi ở dưới ruộng Ât Êc (Trà Vinh), tháng tới nầy lên dưỡng bịnh uống thuốc đồ đạc chi chi tôi đã sắm đủ, ước chừng kể về nhà về đó từ khí, tính ra trên bốn ngàn rưỡi bạc. À mà thôi! Việc đó để thủng thẳng tôi tính lại coi Tôi sẽ kiếm một cái nhà khác cho cậu tôi cũng được. Duy xin cô madame, đừng quên...

Chị chủ sự ngồi òn ỷ, nói hơn nói thua với cậu ta, trong khi ấy tôi giả đò bước trái ra hàng ba, gọi xà-ích đem giùm vô hai cái khăn tua, thừa dịp ngoắt chỉ ra nói nhỏ vậy vậy. Chỉ trở vô nói:

- Thưa anh mà ông Phát ơi? Bữa nay sẵn dịp cô hội đồng đi khỏi, chị em tôi mời anh đi xem hát nơi rạp Eden ở Catinat chơi, được không?

Thầy hội đồng háy chỉ mà rằng:

- Cô cứ khéo giả ngộ với moa hoài. Ước chừng có ma-pham ở nhà, moa cũng măng-phú, muốn đi đâu thì đi chớ. Mặt nầy lại sợ vợ à?

Nói rồi, thầy trở vô buồng, sửa soạn, rửa mặt cho thêm chút phấn và nước hoa (đàn ông mà giồi phấn) rồi theo chị em tôi ra xe, chị chủ sự ngồi mé tay trái, để thầy hội đồng ngồi giữa, tôi ngồi sát bên bên mặt và ép khít tay giữa một hoa hồng mãn khai nhưng chưa tàn và một đoá trà mi đang thời xuân sắc.

23.: Nhà ai sắm sẵn

Xe tới đường Catinat, đậu lại ngang nhà hàng Continental, chị chủ sự mở bốp-phơi hơi chậm, thầy hội đồng khoát tay giành trả tiền xe song mã, rồi giành mua một cái lôsờ (loge) ba chỗ ngồi thượng hạng. Trong lúc quây phím hát, đèn tắt, thầy hội đồng ngồi trên ghế kế bên tôi in tuồng ngồi trên than lửa đỏ. Tay chưn bộ tịch thầy làm làm sao, không lẽ tôi nói ra đây cho đặng... Chừng vãn lớp đầu, thầy mời chị em tôi bước qua Đại lục khách sạn (hôtel Continental, lúc đó chỉ tiếp khách Tây và người An nam - phải ăn vận thật sang mới cho vào cửa). Chị chủ sự vui miệng, đặt buổi rượu nầy là tiệc “bình thuỷ tương phùng” và buộc phải có sâm banh mới đáng. Thầy hội gọi bồi khui một chai Mum đắt tiền nhất, khi cụng ly thầy ước với tôi rằng:

- Chỗ nầy đông người, không lẽ, chớ chi tôi vôi cô cùng uống chung một ly mới toại nguyền

Tôi đáp lại:

- Như ai kia, không dám nói, chớ đặng người đứng đợt như ông, mà cố cập đến phận linh đinh như chiếc lá giữa dòng nầy, thì dầu ông không nói, chớ tôi cũng lo đền ơn nghĩa trả. Ngặt một điều là tôi nay nhà cửa chưa yên, biết có gần gũi ông được nhiều ngày hay chăng.

Chị chủ sự tiếp lời:

- Có phải bao nhiêu mối tệ, một mình anh ôm hết đó phải không? Em tôi đây đã tất tình nài anh một cái nhà, mà sao tôi coi ý anh còn phân phân bất nhứt! Nè, anh hội đồng, cho tôi hỏi thứ chơi và đừng giận, nghen! Xưa nay nghe tiếng anh xử thế tề gia không sai chạy, mà chuyến nầy, tôi coi bộ anh hết dám tự chuyên. Hay là anh còn sợ chị ở nhà nghi kỵ?

Ông Phát có hơi mất cỡ, nói đỡ rằng:

- Em chủ sự, biết qua thuở nay lắm chớ? Kìa, chuông reo, hãy mau qua xem hát tiếp rồi về nhà sẽ nói chuyện.

Thầy hội lấy khăn choàng lên vai tôi mà nói nhỏ: “Cô chủ sự cổ nói yêu cổ đa! Madame hãy nhớ cho tôi câu: “Đại trượng phu tiên trị kỳ gia” đó mà?

Vãn hát, bị mắc mưa. May thời kiếm được một cái, xe kiếng hai ngựa. Thầy hội đồng ga-lăng (galant, thói nịnh đầm), nhường băng sau cho chị chủ sự ngồi, còn tôi và ông Phát, ngồi băng trước.

Trời mưa càng già, gió tạt tứ phía, nên kéo cửa kiếng bít bùng.

Tôi bấy lâu rừng núi đã trải, voi cọp đều thấy, nào biết sợ giống gì, thế mà hôm nay phải run rẩy rởn ốc với thằng cha nầy, để cho thầy mặc tình trổ mặt yên hùng, còn tôi hết sức đỡ bên nầy thì che bên kia mà cũng không khỏi. Nhưng cái thân đã từng quen với hạch, gặp bầy sẻ sẻ xá chi! Xe đưa đến nhà chị chủ sự, vô nhà, tôi xin lỗi thầy hội đồng cho tôi thay áo trước mặt, còn mặc một cái áo trong nhà thật mỏng, ngồi tiếp chuyện. Chị chủ sự, theo phận chủ nhà, lăng xăng lo đãi đằng gà vịt rượu trà. Chừng ba bốn tuần “mai quế lộ” (mai té lộ) điều khiển anh hội đồng ta gần cúp, chỉ đem ra một tô giấy tín chỉ(1), dở chuyện cái nhà ra nói, xin thầy hạ bút làm tin. Tuy đã tuý luý nhừ tử, mà thầy hội đồng còn đủ trí khôn, hỏi móc họng chị chủ sự:

- Ý! Cái cô! Giấy tờ đâu mà sẵn làm vầy? Lại mua bán gì mà nửa đêm nửa hôm như vầy?

Tôi vội nói nửa pha lửng nửa thiệt:

- Bộ khi ông hội đồng ổng sợ nửa đêm tôi không có sẵn mấy ngàn đồng bạc chồng ra cho ổng chớ gì?

Thầy liếc tôi:

- Cô Hai khéo nói mát nói mỏ thì thôi! Giá gì mấy ngàn đồng bạc mà người như tôi lại coi trọng hơn cô hay sao. Thôi! Được! Như cô đòi “giấy trắng mực đen” cho chắc, thì “giấy trắng mực đen” cho rồi!

Thầy vừa cầm viết, tôi lai cản, giả đò đi mở tủ, nói:

- Tôi mới lấy dưới ngân hàng một ngàn đồng để xài mấy bữa, nay còn bảy tám trăm đây. Vậy tôi chồng đỡ cho ông bấy nhiêu ấy, rồi ngày mai, giờ nào ông nhứt định, tôi xuống lấy thêm chồng cho đủ số, đặng không?

Ông Phát vừa cười vừa chụp tay tôi kéo lại mà rằng:

- Người ra biểu ngồi đây chơi! Bữa nào ghé nhà sẽ “lấy” hết một lần cũng đặng mà, phải không, em cô chủ sự? Ngon với nhau mà?

Tôi hứ một tiếng đồng tình ngọt xớt, vừa xít lại gần xoa yêu chót mũi thầy bèn lau lau cây viết, tỏ ra mình là tay hay chữ, rồi ký tên vào tờ bán, xong rồi trao hết cho tôi. Kế nghe đồng hồ gõ một giờ, thầy làm bảnh, than mệt xin kiếu về ngủ. Tôi lên xe kéo ngồi chung đưa thầy tôi cửa, thầy cho hay vợ đi vắng, mời tôi vào nhà cho thầy hỏi thăm chuyện riêng. Tôi cười duyên, lấy tay rở trán thầy mà rằng:

- Đi đâu mà vội, không mất đâu mà sợ. Để bữa khác, hôm nay anh uống rượu nhiều, không nên. Thôi, anh vô nghỉ đi, chẳng thiếu chi ngày!

Tôi với hun theo kiểu thằng Lu-y, lấy môi ép vào môi thầy, hôi rượu nồng nực.

Tôi trông rảnh rang đặng cười cái khật của đời cho đã, kẻo hồi giờ nó bắt nôn trong ruột. Tôi lấy hai trăm đồng bạc đền ơn chị chủ sự, nhưng chỉ làm mặt giận, lại rầy tôi sao còn khách sáo, chỉ không chịu lấy, rằng chị em nương dựa nhau mà ở đời, khi vầy khi khác, chớ đi tính từ chút công như vậy mà coi được hay sao.

Thấy chỉ biết điều, tôi cũng bớt giận phần nào, và từ ấy tôi cũng có lòng mến chỉ.

Tôi dọn nhà vừa xong, sắp đặt đâu đó vừa vừa con mắt, thì thầy hội đồng đã mon men đến cửa. Thời may, vào lúc chị chủ sự vừa đến chơi, chỉ chận đầu ông hảo ngọt ta rằng:

- Coi kìa? Anh hội đồng lóng nầy bộ túng rồi sao, mà lại đòi tiền gấp dữ vậy?

Ông hội đồng Pháp có tánh se sua, thường khoe mình giàu có và ăn ở rộng rãi nay bị chận họng hỏi nhằm chỗ tức, ông ta giận, trả lời thiếu một điều gây lộn với chị chủ sự:

- Cô thiệt khi tôi quá! Bạc muôn kia, còn chửa thấy gì, sá chi thứ năm ba ngàn, mà tôi đây túng sao? Bữa nay cô Hai chưa trả thì mai, mai chưa trả thì mốt, để tới bữa nào, lại không đặng. Tôi đến đây, cố ý coi cô Hai dọn nhà xong chưa và đồ đạc tôi sắm như vậy đủ dùng cùng không, chớ tôi đây có con mắt, biết coi người mà, hỡi cô chủ sự?

Chị này thừa dịp nói liền:

Anh đến chị em tôi dọn nhà còn thiếu món chi đặng anh cho thêm phải không? Nè! Chỗ này còn thiếu một tấm gương soi mài cạnh, anh xuống chợ cũ, mua một tấm kiếng một thước bề ngang về treo bên vách gần bộ ngựa gỗ đó thì là tuyệt đẹp. Bữa nào anh có xu nhiều, anh mua gọi là lễ tân gia tặng em út.

Ông Pháp đổ quạu vì lời nói xóc óc, đứng phắt dậy tay móc bóp phơ, miệng nói:

- Còn đợi bữa nào, vậy chớ bữa nay không có xu hay sao? Nè!

Đó rồi thầy rút ra ba bốn tấm giấy xăng, thêm một mở giấy “mỡ gà” (giấy năm đồng đời Pháp), bỏ vãi trên bàn. Chị chủ sự cười ngắc nga ngắc nghẽo, rồi sửa nghiêm nét mặt chắp tay xá xá mà rằng:

- Coi! Nói có bao nhiêu ấy, mà anh giận tôi cho đành sao anh Phát! Tôi chọc tức anh chơi, để thử xem chữ “nhẫn” của anh có tới bực nào chớ nội cái đất Sài Gòn luôn và Chợ Lớn nữa, ai lại chẳng biết danh hội đồng Phát, trước kia là thơ ký Nam kỳ soái phủ, ăn chơi đúng mực, thạo đờn, thiện nghệ cây kìm và gái nào lại không mê anh về cái ngón bốc rời không tiếc. Đáng mặt con trai ông Hàm Ninh, Sa Đéc, tuy không phải công tử mà ăn xài công tử dẫu cậu Ba ở Bạc Liêu nào bì!

Chị chủ sự thổi ngay chỗ ngứa, ông hội đồng hết giận, thấm ý cả ba cười xoà, chị chủ sự không chịu thua, giã lã:

- Anh à! Tôi cũng hiểu ý anh đến đây coi em tôi nó muốn xin món gì thì anh cho. Thôi! Bây giờ em hãy sửa soạn lẹ lẹ, rồi chị em mình đi hóng mát với anh hội, luôn địp đi lựa tấm kiếng Chợ Cũ hay là kiếng nhà hàng Courtinat mới sướng cho nè?

Mỗi mỗi đều bị chị chủ sự tước tước, làm cho ông hội đồng hết phương chối từ sẵn xe Sáu Thiện còn đậu trước cửa, chị em tôi bắt quách ông ta theo ra tận đường Catinat, lựa tại hãng Courti nạt một tấm kiếng mài cạnh lộng khuôn bằng thuỷ tinh. Ông hội đồng trả đủ một trăm mười hai đồng. Tôi biên số nhà cho hãng sai người giao hàng tại chỗ, còn bọn tôi đánh một vòng vô Chợ Lớn xực mì chiên tôm đường Zaccaréo rồi mới về. Ghé nhà mới của tôi, chị em mời thầy ở lại xơi cơm và đánh tứ sắc ăn hun. Ông Phát nói:

- Bạc-đông (pardon) để bữa khác, bữa nay cho moa kiếu vì ma-pham đi góp lúa vừa về. Moa phải về lo việc tính sổ, coi ai thiếu ai đủ. Chơi vẫn chơi, mà làm cũng phải làm, mới có tiền nuôi em út chớ!

Thầy nắm tay chúng tôi, giặc giặc mấy cái rồi lên xe ra về, tốn hết nội cuộc luôn tấm kiếng, ngót một trăm rưỡi đồng bạc.

Chú thích:

(1) Giấy tín chỉ: đời Pháp thuộc, sở trước bạ có bán sẵn đủ loại giấy có đóng mộc trước, dùng viết giấy tờ mua bán điền sẵn, giấy này vừa bền lại vừa bảo đảm


24.: Suýt chết hụt trong một trận ghen.

Thấy hội đồng về rồi, chị em tôi bàn soạn, tính phải lo mau đoạn phút mối tình nầy, nhắm để dây dưa lâu ngày e sanh chuyện không hay.

Sẵn tại nhà chị chủ sự, có nuôi một mụ tay sai sồn sồn, có tánh ham uống rượu thửa rượu cắp, lại có tật thèo lẻo nhứt hạng, đời đó chưa có radio mà mụ ấy đúng là một cái máy truyền tin sống. Một ngày chí tối không làm gì hết, chỉ trông cho ai sai vặt, mượn mua giống gì đặng có ăn xởi ăn bớt, ăn tước trên đầu người ta mới chịu. Từ hôm mụ ta thấy anh hội đồng lân la nhà tôi, mụ lén dòm hành mọi cách chớ cho có dịp kiếm chuyện đâm thọc lập công. Tôi thầm nghĩ: nếu chọc tức mụ nầy làm sao mụ cũng oán, rồi thèo lẻo lại với cô hội đồng thì tức nhiên kế tôi ắt thành. Bữa nọ tôi rình và bắt đặng tại trận mụ Ba Hợi đang có làm tàn lén mở nút chai dầu “Ý muốn của đàn bà” (Ce que femme veut) của tôi ra mà hửi hít. Tôi miệng chửi tay vả cho một hồi, chị ta lầm lì bỏ đi ngoe nguẩy. Tôi sai trẻ theo dõi xem có phải mụ chằn tinh giả ấy đi lại nhà thầy hội hay không. Trẻ về học lại quả y như lời tôi độ, không sai một mảy. Tôi liền cụ bị giấy tờ sẵn hết, rồi lánh mặt bước trái qua nhà chị Hai bán nem nướng bò bún, chờ nghe tin tức.

Cô hội đồng Ph, hay tin tôi dọn về ở nhà bánh ếch đường Garcerie của chồng, nổi cơn ghen đùng đùng, dẫn bổn bộ binh mã gồm một bồi trai và hai con hầu gái, hăm hở tìm tôi để phân thây tranh giành xích mích thì cơ đồ tan rã sụp đổ hết còn gì. Bởi khéo xử cho nên cậu nào cậu nấy đều sẵn lòng chịu khó chịu nhọc, toan lập công để mua chuộc lòng tôi. Lần lần một người khen một tiếng mà tiếng đồn đi khắp lục tỉnh, mấy tay cự phú đều có ghé nhà, mỗi khi họ lên dây, hoặc đi hầu kiện, bán lúa, hoặc đưa con lên học trường lớn, vay hỏi bạc chà, hay lên mua sắm đám cưới đám ăn khai bằng, vân vân. Vả lại nhớ quen lớn nhiều, nên sanh ra nghề mới, các tiệm buôn hãng lớn nào trữ bán vật chi, tôi đều thông thạo, và biết rõ món nào chỗ nào xấu tốt, tôi hoá ra có cái nghề nay gọi là mại bản, mà lúc đó gọi theo Tàu là má chính hay mái chính gì gì đó. Rồi nghề dạy nghề, lần hồi các tay thiện nghệ về mua bán lúa gạo, mấy nhà thầu, tài công nhà máy, họ đua nhau dạy tôi, chỉ mánh lời, thế thần mua đi bán lại làm sao cho có lời nhiều. Nhiều khi tôi lãnh mua đồ giùm, một đám mà ăn lời hai phía lãnh bán một ghe lúa, thạnh có bạc trăm, mà chủ ghe lúa lên nhà tôi chơi, phải lễ mễ, tính chuyện ơn nghĩa, lại còn bài bạc cho tôi lấy tiền xâu là khác. Ai hỏi qua việc kiện thưa, tôi phải đóng vai cố vấn, chỉ luật sư nào giỏi việc hộ, việc hình, ông nào miệng lưỡi lanh lợi, thầy thông ngôn nào có tài thông dịch trôi chảy, quan toà mau hiểu và xử án không lầm, thầy nào đem đàng dắt mối rành, thảy thảy tôi đều quen biết. Gẫm lại mình là đàn bà, nếu biết nhỏ nhẹ, khéo trong lời ăn tiếng nói, muốn cậy mượn chuyện chi, đàn ông nào lại không sẵn lòng vừa giúp? Nhiều khi tôi lãnh bướng quá nhiều công chuyện mần (làm) không hết, thế mà tôi chỉ viết thơ cậy ông nầy thầy nọ, họ xởi lời giùm tôi mà việc cũng xong, lại được gãy gọn, công thì của ai không biết mà tiền thì tôi bỏ túi không sót một đồng, thiệt là sướng quá!

Những lúc tôi chạy bận như vậy, thì ở nhà đã có chị chủ sự coi sóc, lớp lấy xâu mấy sòng bài cào, tứ sắc, xì phè hay thín cẩu (thiên cữu). Tay nào chắc chắn mà hụt vốn thì chi ra bạc cho họ ngồi sòng, như may ăn, thì chỉ vuốt lời có bạc chục, rủi thua thì họ là giới giang hồ mã thượng, nào ai chạy chối đi đâu? Tuy lúc hỏi mượn, không giấy không tờ mà còn chắc hơn có trước bạ hay có cầu chứng nơi toà? Vả lại cái miệng của chỉ đó có vừa với gì, ai lại không ghê không sợ cái miệng ấy! Nơi nhà tôi, chỉ còn kiêng dè, chớ với bạn hỏi chỉ tiền ngày tiền tuần tiền tháng, thì ối thôi! Một ngày chí tối, chỉ ra rả không biết lấy gì mà chứa! Đối với bọn cờ bạc, gái tứ thời, chỉ còn cắt cổ siết họng hơn nữa: bắt góp từ ngày, nếu không góp, chỉ đến canh tại nhà, khách vừa ra là chỉ chìa tay thâu tiền răng rắc. Tiếng nói “tiền vay vốn là một trăm”, thế mà chỉ đưa ra có chín chục, chận lại tiền đầu, mười đồng trước, chịu thì cho, bằng không chịu thì hãy xê ra chỗ khác. Rồi một trăm ấy, mỗi ngày phải góp một đồng hai cắc (1$20) và góp đủ một trăm ngày mới hết nợ. Rủi thời túng quá, ngày nào đó không đủ tiền góp 1$20 kia, thì cũng phải trả năm ba cắc tiền lời và 1$20 kia còn thiếu như cũ, nếu làm thinh thì chắc không khỏi chỉ sai người đến nhà làm nhục, hoặc réo tên họ hoặc chửi rủa đến chừng nào có tiền trả chúng mới thôi, hỏi có ác nào hơn? Nơi sở Ba son (arsenal) có lệ một tháng Tây phát tiền làm hai lần, chỉ cho ra năm đồng (5$00), tới kỳ (hai tuần lễ nữa) phải trả sáu đồng (6$00). Như không trả đủ, thì phải trả một đồng (1$00) tiền lời, số bạc năm đồng gác qua tháng sau và đẻ lời ra nữa? Về bạc tháng, chỉ cho ra mười đồng (10$00), cuối tháng phải trả mười hai đồng (12$00). Ấy là quen lớn và tử tế lắm đó, chớ với mặt lạ hay mới hỏi mượn lần đầu thì phải trả tới mười ba đồng (13$00). Về tiền mướn, chỉ ăn lời mới thiệt là ác hơn nữa? Tội nghiệp kẻ nghèo không có vốn buôn bán, hoặc muốn sửa nhà, xóc nóc dột, làm ăn hay mua sách vở cho con học, trả tiền trường, đụng tới chỉ, đến hỏi tiền mướn của chỉ, thì cứ chín đồng bạc (9$00) đưa ra, mỗi ngày phải nạp cho chỉ hai cắc (0$20) tiền lời, trả như vậy tháng nầy qua tháng kia, mà vốn cũng còn nguyên vốn, chừng nào trả chín đồng (9$00) kia mới là dứt nợ “tiền mướn”. Khi nào ốm đau bịnh hoạn, làm không ra tiền và không tiền trả cho chỉ, năm mười bữa thì chỉ kê lời với vốn, tính ra mười đồng (10$00), bắt phải trả tiền lời một lớp nữa, chồng chất lên hoài, nên đúng với câu “nợ lút đầu lút cổ”.

Còn trong sòng cờ bạc, ai muốn thế chưn đồ (vàng, cà rá), thì cũng một tay chỉ ra tiền. Nếu xên sòng mà đồ thế không chuộc liền đó, thì chỉ kỳ cho nửa tháng, cứ mỗi đồng bạc cho ra, phải trả mỗi ngày là tiền rưỡi (ba su) tiền lời, đã vậy, vàng của người ta, chỉ lấy đem đi cầm nơi tiệm, lấy tiền về cho chỗ khác vay mượn, đẻ tiền lời cho chỉ nuốt! Chứng nào chủ chiếc vàng chiếc cà rá có tiền đem trả chỉ, thì chỉ mới chuộc trong tiệm ra. Còn một cách nữa là hễ vàng thế, tới kỳ không chuộc thì chỉ lấy chiếc ấy cho ai đó liệu chắc chắn, mướn đeo, tiền mướn đeo ấy, cứ một đôi vàng hay sợi dây chuyền, mỗi ngày mướn hai cắc (0$20), kiềng vàng ba cắc.

Nhiêu khi, tôi thấy người nghèo khổ tới khóc lóc năn nỉ chị chủ sự thiếu điều gãy lưỡi mà chỉ vẫn không nao núng, cứ mắng xối người ta, đòi thưa cò bỏ tù phát mãi, chỉ nghiến răng trẹo trẹo, người ấy ra về rồi, tôi trách chỉ quá độc ác không biết nương tay, khi ấy chỉ ngồi nhắc lại lúc xưa, khi còn ở với Má Tư Hớn, bán máu bán trinh, hỏi mấy ai biết thương cho chỉ? Và mấy ai biết tội nghiệp là gì? Muốn may một cái áo mới, cũng phải mua góp rồi trả từ ngày của đáng một đồng trả thành hai. Còn như cái thân cha mẹ sanh thành cực khổ, đem ra thí thân làm món đồ choi cho khách, họ trả cao trả thấp từ đồng, giằn vặt thân thể đủ mọi cách vày vò đủ kiểu, chiều lòn khách hết nước, chừng đem tiền về cho má, thì tiền đầu, tiền ngày, tiền góp, má trừ gần hết, ai biết thương cho mình. Thiệt là nghe chỉ nhắc lại chuyện cũ, tôi bắt lạnh mình rởn ốc.

Chớ chi tôi không sớm thoát thân thì ngày nay không biết nó ra tới nước nào. Nghĩ tới đâu tôi căm hờn tới đó, xã hội là dường thế, gặp cảnh nào hay cảnh nấy, không còn biết thương hại người đời là gì nữa.

Nghĩ cho đời, toàn là giả dối! Tôi bắt lỗi chị chủ sự là ác độc tôi thấy lỗi người mà không xét lỗi mình! Bỏ chồng, đoạt của, lọt nhà số đi tu bỏ rơi đành đoạn anh Lu-y (cũng khá không tìm kiếm thưa gởi), nay làm nghề nầy rồi chê má Tư Hớn là chê làm sao được? Ban đầu giận oán cô chủ sự, sau kết làm bạn, rồi xót rồi thương. Chốn ngục tù, thì lòng nát ngướu như tương, làm thân con ở phải lòng chai dạ đá. Tôi a ý khúc tùng, giúp giáo cho giặc, oán trách hăm trả thù bà Tư Hớn mà rốt lại cùng làm một nghề! Mâu thuẫn ôi là mâu thuẫn. Và đời là vậy đó!

25.: Xã tri mắc lận.

Việc ác tôi làm một ngày một đậm, không khác tay lỡ nhúng chàm, càng lâu càng thấm... Một bữa nọ, có thầy phó tổng ở Sốc trăng, lâu ngày quên tên, lên tìm tôi, rằng nghe tiếng đồn, nhà tôi cho vay lớn, muốn thế ba trăm mẫu ruộng thượng hạng, vay đỡ có được thì một muôn rưỡi, không thôi cùng cực thì muôn hai. Cậy anh phán Đức dắt lại. Đúc là thầy đờn cò, biết chữ Nho khá. Vào làm ăn tiền ngày, coi việc phiên dịch đơn từ chữ Hán ra quốc ngữ, sau toà dẹp ngạch phiên dịch và bổ hết nhân viên vào ngạch thông ngôn toà, Đức lên phán, vẫn ngồi ăn trầu bô bô và không nói được một tiếng Tây. Đánh phè hay, đờn tươi khá, và quen với tôi nhờ hai nghề nầy. Tôi nói: “Tôi mang tiếng cho vay đặt nợ, là cho nho nhỏ kia, chớ anh yêu nầy, ảnh lại không biết hay sao mả nói chuyện vay hỏi bạc muôn”. Anh phán nghe tôi rao Nam làm vậy báo hại thầy phó sửng sốt ngó tôi, phán Đức rước nói: “Thầy cai (kêu tâng) chưa biết bề thế cô Hai, chớ nói cùng mà nghe, bạc nhà cô có lỡ cho ra quá nhiều và chưa thâu lại kịp đủ số muôn đi nữa, cổ lại hiểm gì một tiếng nói mà không giúp anh em chúng mình hay sao?” Nói đến đó, Đức giả bộ lại gần bàn lấy điếu thuốc, thổi vào tai tôi câu: “Toa buộc xăng” (trois pour cent) là phần một mình cô, còn Đức nầy một bữa cơm cà-ri là đủ”. Nghe ảnh nói làm vậy, tôi mới chịu miệng, lãnh bóc giấy tờ, bằng khoán, hẹn với thầy phó hãy để đó cho tôi đi hỏi thử, được cùng không chiều mai trở lại sẽ hay...

Tôi tuốc lên đường Plerre Flandin (bà huyện Thanh Quan), rủ chị Tư Hào, cùng đi với tôi xuống đường Ohier, xóm chùa chà, kiếm nhà thằng chetty quen với chỉ. Thuở nay tôi tưởng chà xã-tri cho vay đặt nợ thì nhà cửa sang trọng lắm, vì xứ nó nóc chùa vẫn thếp vàng và bò của nó nuôi để kéo kiệu Phật, sừng vẫn bịt bạc. Nào dè vô nhà thằng xã-tri nào cũng y nhau, hai bên vách đều lót giường nằm bằng gạch trải đá bông chỉ chửa khoảng giữa một đường đi chạy theo dọc dài căn phố chừng hai thước bề ngang, giường hay ván nầy không chiếu liếp gì hết, và đứa nào như đứa nấy, từ chủ gọi tàu-kê (thầu kê: đầu gia, tiếng Tiều) đến thằng tớ nấu bếp cà ca-ri, đều ở trần trụi tnù, tớ khác chủ là không được nằm ngồi trên giường nầy, và trưa trưa chủ tiệm chà vẫn nằm trườn trên ván như cá sấu trườn bãi, xem tục tĩu quá chừng.

Chúng không dám lót gạch hoa dưới đất vì sợ tốn nhiều tiền, nhưng gạch Tàu của chúng, lau quét thường ngày, trông đỏ au láng bóng. Tôi cố không nhìn cảnh thô tục trước mắt và rán nín thở để khỏi hít mùi nị, mùi chà đặc biệt của chúng. Tôi đưa bằng khoán cho lão tàu kê tên là Annamalé-chettyar coi, tôi trừ hao, nói muốn vay hai muôn (20.000$00) tính chận một mở để xây xài.

Annamalé hai tay cứ cuốn kèn tờ bằng khoán, miệng nói tía lia giống gì với chị Tư Hào, tôi không nghe được tiếng nào, còn con mắt nó vẫn đảo lên đảo xuống ngó tôi trân trân từ ngực đến mặt rồi ngó xuống thân dưới, tôi mất cỡ quá mà phải rán chịu, đoạn nghe anh ta cười hố hố như thằng ngáo, rồi day lại nhìn tôi không chớp mắt và nói: “Cô để đó, mập-lê(1) biểu luật sư coi kỹ, rồi nói lại với chú Tư, chị Năm, đước?”. Tôi nhìn nó rồi cười và nhại lại nó: “Đước! Đước? Biểu chị Tư nầy, lại cái nhà tôi, cho tôi hay. Đước! Đước!

Qua bữa sau, sớm bửng tưng đã thấy chị Tư Hào đến nhà, ngắt yêu tôi mà rằng: “Thằng Annamalé nó thấy cô hôm qua, nó thèm nhau nước miếng. Hồi hôm nầy nó lại nhà tôi, năn nỉ biểu làm sao cũng dắt giùm nó tới cho biết nhà cô. Con nai nầy nó chịu đèn rồi, chỉ còn chớ cô hạ nó một phát rồi làm thịt. Nhớ chứa cho tôi bộ răng hàm trên để làm bàn nạo nạo dứa. À! mà thằng ấy nó nói muốn cậy cô bán giùm nó li cái hột xoàn người ta không chuộc và đã quá ngày. Nó lo le cho tôi xem sáu hột bự, thiệt là đích đáng, mà đời nào nó giao cho tôi. Tôi ừ và biểu chỉ muốn dắt nó lại thì dắt, chiều tôi có mặt ở nhà thường. Sau đó tôi cũng dặn trước chỉ đôi điều kẻo vuột con nai tơ nầy thì uổng lắm.

Chị Tư Hào vừa về thì tôi tuốt lại nhà chị chủ sự, thuật hết mọi việc cho chỉ nghe, chỉ cười ngất, biểu tôi mau lập tâm thê nào để lật ông táo lửa nầy chơi một chuyến bỏ đi uổng lắm. Nó cắt cổ người Nam mình đã nhiều rồi. Tôi hội ý ra về, nhứt diện nhắn thầy phó rằng việc coi dẻo thuận chiều, xin phiền thấy rán đợi ít ngày, nhứt diện viết thiệp mời anh tư Ve (Pierre Nguyễn Thuận) làm chủ tờ báo không ai đọc “Tiếng kèn” (Le clairon, vì viết tiếng Pháp), mời ảnh gấp qua nói chuyện cần. Tội nghiệp mới mười một giờ rưỡi chưa kịp về nhà ăn cơm, anh Ve đã đến, hỏi từ ngoài cửa hỏi vô:

- Cô chủ nhà ở đâu? và chuyện gì cần kíp lung dữ vậy?

Tôi đáp:

- Có. Có việc lớn và gió lớn(2) chớ không, ai dám làm nhọc lòng anh Ve của tôi. Thôi, lại tủ rượu lấy ly chai và uống áp-bê-rô (appéritif) đi, rồi ở lại đây ăn cơm với tôi, tôi sớm mai nầy làm siêng ra chợ mua được mớ đuông chà là ở Cà mau đem lên, ngon lắm. Mà anh biết ăn đuông chớ?

Tới bữa ăn, tôi mới đọc hết công cuộc thằng xã tri dê, muốn làm bảnh gởi hột xoàn bán giùm, và cậy ảnh chịu khó đừng đi đâu, và cho tôi mượn cái oai của ảnh ít bữa đặng kiếm tiền xài tết. Anh Ve nghe tôi nói tới đó, vùng ngừng hớp rượu, hỏi: “Oai gì? Ở đâu mà mượn? Mượn làm cái gì chớt Mà làm sao cho mượn được?” Tôi cười, ra dấu cho ảnh nín, nghe tôi cắt nghĩa: “Oai là anh từng đi lính sơn đá cho Pháp. Anh có Pháp tịch. Tưởng anh bậm trợn vằm vỡ, tiếng anh rổn rảng oai nghiêm, nên mượn anh giả đò làm chồng cho...”

Mới nói có bao nhiêu đó, Tư Ve nghe kịp, khoát lia khoát lịa mà rằng:

- Thôi! Biết rồi! Thiên cơ bất khả lậu? Em tính trát đặng lột da con lọ nồi ấy phải không? Em biểu làm sao qua cứ việc làm y theo vậy, y không sai chồng thiệt chút nào, nghe không?

Tôi nguýt ảnh mà rằng:

- Chuyện thiệt, đừng có nói giỡn, không nên. Rán cho giỏi người ta biết ơn, người ta kiếm cho một con mèo còn bảnh bằng mười tôi đây nữa là. Chiều, hết giờ làm việc, đi thẳng về đây, ăn cơm, nghe không!

Trời vừa chạng vạng, thằng chà Annamalé ngồi xe kiếng với chị Tư Hào, nó vừa bước vô cửa thấy anh Tư Ve ở trần trụi trụi nằm trên ghế xích đu đương đọc nhựt trình, thì nó dội ngửa muốn thối bộ ra rồi. Tôi lúc ấy đang nằm trên bộ ván cũng đương coi truyện, tôi lật đật bước xuống võng cái một, miệng với kêu:

- Ủa. Nầy chị Tư, ê. Anh Bảy. Vô đây chơi mà. Có sao đâu mà sợ: Ngại cái gì?

Rồi tôi chạy lại vỗ vai thầy Ve và giới thiệu giòn giã:

- Nè mình. Đây là chị Tư Hào, ở đường Pierre Flandin, bạn với tôi từ hồi nhỏ. Còn đây là ông Annamalé đường Ohier, tay buôn hột xoàn, đem xoàn định nhờ tôi bán giùm.

Thầy Ve cũng ứ hự có chừng và chào hỏi lơ là. Tôi mời khách ăn trầu hút thuốc, hối trẻ pha trà mới, rồi giả bộ như trực nhớ việc gì, vùng gọi thầy Ve mà rằng:

- À mình, hồi trưa mình dặn tôi nhắc mình chiều nay xuống nhà Cafford lựa mua súng sáu giùm cho ai đó, mình đi hay không?

Thầy nói:

- Ừ, phải à. Đưa tiền đây đặng tôi đi cho kịp trước giờ hãng đóng cửa. Mua để bỏ túi, hộ thân, chớ mua giùm cho ai đâu.

Tôi xin lỗi khách và lật đật mở tủ sắt lấy tiền đưa cho Ve, anh ta đốt thuốc hút, đội nón xách can (canne, gậy) lấy tiền bỏ túi, rồi dặn lớn:

- Tối nay mình biểu thằng Bốn ngủ ở hàng ba gần cửa có lẽ tôi đi đánh thín cẩu nhà thầy Bảy Phương, khuya hay gần sáng về kêu cửa khỏi làm mất giấc ngủ của mình. Thôi, chào hết các bà con, tôi đi đây.

Thầy Ve sấp lưng vừa ra khỏi nhà, chị Tư Hào hỏi:

- Bộ đêm nào thầy cũng đi như vậy hay sao?

Tôi thở dài, than và liếc anh chà:

- Ôi, anh ấy hơi đâu mà nói. Đêm nào như đêm nấy đều bỏ nhà đi như vậy hết. Mê chà bài hơn mê vợ nhà. Có khi đi tới sáng rồi ở luôn đâu đô, tôi nào thèm nói tới đâu.

Lão táo lửa nghe thâm mật đắc ý, bản mặt tươi như đồ sơn mài vừa đánh bóng xong, nhai trầu ăn lá nầy qua lá kia, và nuốt cốt trầu ráo trọi. (Do nước cốt trầu nói nhanh nên mất chữ nước) Tôi láy một cái, chị Tư biết ý, đứng dậy đi ngay xuống nhà dưới, rồi ở luôn không lên. Khi ấy tôi mới xít ghế lại ngồi gần sát mặt lão táo, hôm ấy tôi có xúc chút ít dầu Coty mùi vừa nhẹ vừa kích thích, tôi đảo cặp mắt như thu hồn táo và chậm rãi biểu lấy hột xoàn cho xem. Tôi thở một hơi dài cho bao nhiêu quyến rủ trong tôi toả ra, tôi chê có một hột có tì, và nước không được sáng. Lão ta, miệng thì nói “Đâu có! Đâu có!” mà cứ cúi riết gần sát mặt tôi còn mắt thì hột xoàn không ngó, tôi bụng tưởng lão coi miếng trái tim tôi đeo giữa ngực cũng có một hột kim cương nhỏ, nhưng dè đâu hôm đó vì trời oi ả, tôi chỉ mặc có một chiếc áo mát thật mỏng, lời cặp nhũ đội thẳng cứng tấm hàng không che đậy, lão táo lửa dục đương bửng, không đè nén được, lão kề mặt và liều mạng hun đại giữa hai ngọc nhũ sương còn ngậm. Tôi tuy có đề phòng trước, mà hồn vía cũng gần lên mây, vì cuộc xung đột bất ngờ quá. Tôi xô đại anh, làm mặt giận, dợm la lên. Anh chà, tay nắm cánh tay tôi lại không cho la, miệng xin lỗi láp giáp, rằng bởi quá thương nên không dằn được. Tôi cười duyên giả đò nguôi cơn giận, lấy một áo bà ba bận thêm và cất tiếng kêu lớn chị Tư ra nói chuyện. Khi ấy tôi biểu Annamalé như muốn tôi bán giùm mấy thứ ấy, thì phải làm giấy đàng hoàng, bán đứt sáu hột đó cho tôi, mỗi bột nặng mấy ca-ra và giá là bao nhiêu, đặng cho tôi đưa giấy ấy làm bằng cớ mà làm giá bán. Chớ không giấy không tờ, đời nầy lắm giả dối, đồ quí mà không lai lịch là đồ giả, người ta có tiền mua thì phải xét nét, chớ phải cá tôm gì ngoài chợ mà mua ẩu mua mở không cần giấy tờ làm chắc.

Chị Tư Hào lại xen vô:

- Ôi! Mà chiều mai nầy là ngày thứ bảy, không biết thầy ở nhà có đi đâu không?

Tôi đáp tỉnh bơ:

- Nào ai biết được anh tôi muốn gì. Mà chiều thứ bảy, có lệ, không đi đánh bài thì cũng thả sáng đêm, nhậu nhẹt hút xách hay làm gì, tôi chả có biết. Mà người ta đang nói chuyện mua bán hột xoàn mà chị lại hỏi bắt quàng làm vậy, thiệt lả lảng nhách!

Thằng chà nghe biết tối mai thứ bảy chồng tôi không có ở nhà, liền chịu miệng, nói để mai, cũng chừng nầy, sẽ đem giấy lại. Còn sáu hột kia, cứ biểu tôi cất đó giữ giùm, không sao mà sợ.

Qua ngày sau, trưa mười một giờ rưỡi, thầy Ve lót tót lại nhả tôi xơi cơm. Tuy thầy với tôi chưa có cuộc ái ân gì, chớ từ ngày quen biết nhau, thì tôi bắt gân mặt biết thầy đã có tình gắn bó. Bởi vậy, cơm nước xong, thầy lại than mệt và nài xin ở lại nghỉ trưa, tôi cũng không trái ý, nhưng tôi để nhà cho thầy nghỉ ngơi gì mặc ý, tôi thả lại nhà chị chủ sự đánh câu tôm chơi cho đến bốn giờ chiều tôi mới về nhà. Ông cậu còn nằm liều chưa dậy. Những ai chưa quen tánh mấy bợm đa tình, ắt là khó chịu, chớ biết ý rồi, thiệt dễ như trở bàn tay. Tôi hối trẻ coi nước rửa mặt, chải nón, đánh giày, rồi tôi phải làm tuồng mơn trớn mới trục nổi con dê xồm nầy rời bộ ván. Tôi nhắc lại chuyện giao kết hôm qua, dặn nhỏ thầy đi chơi ở đâu thì đi, nhưng lối chừng bảy giờ rưỡi tám giờ phải nhớ về lập tức và làm như vậy, như vậy.

Thầy Ve đi rồi, tôi biểu dọn cơm chiều ăn sớm hơn mọi bữa, dọn dẹp xong, tôi bê lúi cho bầy trẻ được nghỉ chiều nay đi coi hát bóng hay thả đi đâu thì thả, chúng mừng quá đồng đi tứ tán hết, không thằng nào ở lại nhà. Tôi chờ trời tối thiệt mặt, tôi thay một bộ đồ đen mới, dầu phấn hương xông xạ ướp xong xả rồi, tôi nhắc ghế xích đu ra hàng ba nằm đợi. Trong nhà tôi thắp cây đèn ánh sáng dịu mát lu lu, cửa rào khép kín, ấy là kế trốn khách, sợ rủi có cha nào lại bất tử mà lỡ hết cơ mưu sắp đặt. Cũng may, không rõ nhờ ông bà khuất mặt nào độ, khiến tôi phòng bị kỹ càng như vậy chớ bữa đó không có khách nào lai vãng hết. Và cái thói chờ đợi ai thì sao thấy thì giờ đi lâu quá. Tôi nằm khá lâu lâu, hơi sốt ruột, sợ con cá kia sẩy câu, nào ngờ chú xã tri kia cũng sốt ruột như tôi, anh ta tới hồi nào không biết, và đang đứng đợi sẵn ngoài ngõ. Tuy hẹn thì hẹn đúng bảy giờ, chớ trong bụng tôi chắc thế nào chàng ta cũng tới trước. Đến chừng nghe đồng hồ “con ngựa” gõ bảy tiếng, mà chưa thấy tăm thấy dạng, tôi mới bước rảo ra ngoài coi thứ, ai dè, vừa mở cửa ngõ, trời thì tối không thấy bóng người, thinh không vùng nghe tiếng hỏi: “Chị Hai! Phải chị Hai!”. Tôi gượng gạo hỏi “Ai? Ai?” mà hồn vía đã lên mây, rùng mình rởn ốc. Bộ anh ta nghe tiếng hỏi run en, biết tôi sợ, nên bước trở tới và nói: “Tui? Tui! Anh Bảy Annamalé!”. Coi kỹ lại, “cục tình” của tôi cắc cớ, bận áo bành-tô (paletot) đen bằng nỉ ăng-lê, vận chăn màu sậm.. nên khi nãy tôi kiếm không ra. Hú hồn.

Tôi xây lưng trở vô nhà, ngoắt anh ta biểu theo. Vô đã tới hàng ba rồi, miệng còn hỏi: “Anh đi rồi? Thiệt?” Tôi vừa ừ, vừa ra dấu cho biết chỉ có một mình tôi ở nhà, còn cửa thì khép sơ lại đó. Tôi ra áo dài, thay áo mát, rồi biểu Annamalé cởi áo bành tô kẻo nực, tôi bổn thân giúp mở từ cái nút áo, sờ soạng làm chết tê cả mình thằng chà. Thói của họ là hay ở trần, nên khi nghe tôi biểu không đợi mời hai lần, anh ta cổi tuột cái áo, thấy sẵn có cái gạc nai gần cửa buồng, anh ta móc áo vào đó, lại làm bộ đút đầu dòm vô trong và khen “tốt quá!”. Tôi vặn đèn trong buồng, rủ vô coi, rồi bước lại đứng gần Annamalé, biểu: “Đâu? Đưa cái giấy bán hột xoàn đây cho tôi coi?” Anh Bảy Chà vừa nói “Giấy ở trong túi áo, lát nữa sẽ coi”. Tôi chưa kịp trả lời, thì nghe ngoài cửa có tiếng thầy Ve kêu giựt giọng: “Hai ơi. Ra biểu.” Tôi làm bộ sợ run, vừa chỉ dưới sàng và ra dấu mau mau chun xuống đó trốn. Tôi bước ra ngoài hỏi Ve:

- Chỗ mình không đi coi hát hay sao?

Ve sân si:

- Coi cái gì? Hỏi lảng nháchb. Cái áo bành tô của ai máng đây đây? Chịu thiệt đi! Không, tao bắn nát óc.

Tôi làm bộ khóc nhếu nhàu còn thầy Tư Ve thì đâm sầm chạy thẳng vô buồng kiếm dáo dát. Vừa thấy anh chà ngồi núp dưới giường, anh ta liền móc súng nhắm bắn. Tôi a lại nắm tay thầy, miệng vừa khóc vừa biểu nó chạy. Cơ khổ, nó ở trần trùi trụi, thoát ra được khỏi buồng, bất kể là bàn là ghế, tuôn ra khỏi chạy tuốt.

Thầy Tư Ve và tôi dáy mặt vào vách mà nó nôn cười hòng chết. Đó rồi, thầy khoá cửa lại, soạn ra coi: cái bốp no nóc, bóc ké! Tôi rút ra cái giấy bán hột xoàn, còn bạc báo nhiêu xin nhường cho thầy, đền ơn khó nhọc vì đóng tuồng hay quá. Ve, cái hào hiệp gốc sơn đá không bỏ, dê xồm tổ mẹ, một hai từ chối, lấy ra đâu sáu bảy tấm giấy xăng và một mở bạc nhỏ, thồn đại vào túi áo của tôi, giả đò lỡ tay, khều sơ nhũ hoa, rồi cười bịch hạc nói có muốn thật tình đền ơn thì bao cho thầy đi coi hát đêm nay thì thầy mới chịu.

Tôi buộc lòng phải thay đồ đi với thầy rồi gì nữa với thầy đêm ấy, kẻo phụ tình người ta gắn bó bấy lâu.

Sáng ra tôi mệt mỏi, ngủ trưa hơn mọi bữa. Đâu lối gần chín giờ thì chị Tư Hào ở Pierre Flandin xuống, cho hay thằng xã trì sai chỉ đem trả tôi giấy tờ của thầy phó Sốc trăng và năn nỉ tôi xin cho lại những giấy nợ trong bóp. Aunamalé nhắn biểu tôi để ít bữa cho chồng tôi ngôi ngoai, rồi kiếm cớ nào vô nhà chị Tư Hào cho nó thăm, kẻo nhớ lắm. Còn mấy cái hột xoàn đó, như bán có lời để nữa nó chia hai. Tôi dặn chị Hào về kiếm điều đẩy đưa với nó, rằng tôi bị ảnh ghen đánh tôi xể mặt xể mày hết, nên mấy vết chưa lành, tôi chưa đi được. Tôi nhắn hỏi thăm anh Bảy có hề gì không? Rồi để vài bữa nữa như nó còn nhắc tôi thì giả bộ đi đâu đó rồi về thuật cho nó hay chồng tôi lột đồ nữ trang cất lên hết rồi không cho tôi đeo đến một phân vàng là vì bị tôi lén vô nhà chỉ nhưng đi nửa đường bị ai đó mách, thầy theo bắt trở lại. Bây giờ thầy ghen dữ lắm, sợ nói ra đi đâu, thầy bắt đặng một lần nữa thì ba mạng tôi cũng khó sống. Tôi căn dặn chị Tư Hào rành rọt rồi đền ơn trọng hậu cho chỉ ra về. Khi ấy tôi mới lại đằng anh Phán Đức, trả bằng khoán cậy nói lại với thầy Phó rằng đôn nầy rủi tôi bận việc quá, mà việc nầy giao cho ai cũng không xong, vậy hãy để hưởn hưởn tôi rảnh bớt, sẽ cho ảnh hay đặng nhắn thầy phó lên. Có cái tôi đích thân tôi đi lo, thì mới thảnh việc đặng.

Chú thích:

(1) Mập-lê là tiếng điếm đàng của bọn chà, không biết chữ viết ra sao, duy biết có nghĩa là chàng rể, tức là muốn làm chồng của người đàn bà đối diện với nó khi đàm đạo, cũng như tiếng "anh Bảy" là dịch chữ "bey" là một ngôi chúc bên xứ nó, tỷ dụ le Bey du Sénégal, v.v...

(2) Gió lớn: đại phong, tiếng lóng của giới lục lâm, có nghĩa là món làm ăn lớn tiếng mượn trong truyện Thuyết Đường, do Trình Giảo Kim, đi ăn cướp đón đường lần đầu, gặp mồi ngon, hô: "Hữu đại phong Đại phong

26.: Ông tơ khéo xe

Ở nhà phán Đức về, vừa đút đầu vô cửa, tôi thấy chị chủ sự ngồi cho một đống, cái mặt bí xị, vừa thấy tôi, chỉ thở ra, bệu bạo muốn khóc, cho hay tía thằng Như Phước từ trần ở Bạc Liêu, lúc nãy nó theo chỉ lại đây tìm tôi đặng nói mà về chịu tang, rủi không gặp và sợ trễ xe đợi bữa khác lâu lắm, nên cực chẳng đã, nó phải ra đi. Chỉ khuyên tôi đưa cho chỉ năm ba chục và nhờ người hay chữ đặt giùm tấm luỵ cho xưng đáng, đặng chỉ còn tốc xuống dưới thay mặt đi cái lễ điếu tang cho dễ coi. Tôi bắt tức cười vì trái tai quá tôi bèn nói lẩy: “Chớ chỉ cha chồng tôi chết mà được chỉ tử tế làm vậy, chẳng là đại phước”. Mình tính nói chơi, pha lửng vì mới làm thằng chà một cú đáng đích, ai ngờ chỉ đáp: “Khi mà đâu đó gần trúng đa? Cũng gần là cha chồng thiệt đó!” Tôi hét chỉ đừng có nói yêu, tôi nay làm vầy, non non ba chục cái xuân đứng bóng, còn thằng Như Phước, nó là con nít, còn học trưởng Taberd, độ mười bảy mười tám tuổi là cao lắm, thuở nay nó kiếng mình là cô bác anh chị! Khéo nói chướng nó nghe đặng, cũng như bắc thang cho con nít nó trèo đèo, không sợ mất cỡ hay sao?

Chị đang bệu bạo mới đó chớ phải, nay thấy tôi phát giận, chỉ vùng cười ngắc nghẽo thiếu điều làm xấu trên bộ ván, vừa chậm nước mắt, vừa nói: “Thằng Như Phước nó gần kiếng mấy là cô bác anh chị, chớ chưa mà! Ý! Cái con làm sao, mà người ta muốn nó như chết!... Bộ mầy giả đò sao chớ? Có lẽ nào mà mầy không biết không hay”. Tôi nghe bấy nhiêu ấy chưng hửng đành xuống nước, o bế, dịu ngọt, dụ dỗ, biểu chỉ đọc lại công cuộc đầu đuôi làm sao cho tôi nghe: Chỉ ngồi kể cho một giọt: những là lần nào tôi vô trưởng thăm thằng Hiền, con thầy phó Sốc Trăng, mà thằng Như Phước hay được thì thế nào nó cũng bỏ giờ học tập (étude) lén trốn ra dòm kẹt nhà khách (parloir) nhìn trộm tôi cho được! Lại nữa khăn tua tôi giắt chỗ nào, nó cũng làm bộ lấy xem rồi lén hun trơ hun trật. Chỉ nhắc lại mấy lúc gần đây nó lại nhà đánh bài tứ sắc chơi thua bạc trăm, là tại nó giành ngồi tay trên tôi, đặng có đánh đo đánh tháo cho tôi ăn, tôi tới. Bây giờ chị nầy nói, tôi mới nhớ mấy lần đi coi hát Tây hay chớp bóng, nó cũng giành mua vé, và khi vào ngồi trong lôi (loe) nó cố ý ngồi sau lưng tôi đặng có chờm tới trước kề bên vai tôi mà kiếm chuyện cắt nghĩa tuồng kia tích nọ sát bên tai bên lỗ nhĩ. Ý cái thằng, sanh bụng nguỵ mà mình không hay! Chị chủ sự nói nhắc sơ sơ như vậy thử coi tôi có nhớ chừng. Chớ thằng nọ thường than thỉ ỉ ôi với chỉ, thú thiệt mối tình éo le trong trắng nầy và thề rằng nó mà không lấy được tôi làm vợ chồng, thì nó sẽ phế hết sự đời, đi tu cho mát dạ. Chỉ khai thiệt rằng xưa nay nhờ nó cũng nhiều, nên nếu tôi không thương hại xuất tiền cho chỉ bổn thân đi điếu tang, thì chỉ cũng rán xuống tận Sốc Trăng mà đưa đám, cho vẽ mặt vẽ mày cho thằng đó. Trời đất ơi! Việc nầy mới khó cho tôi nhứt! Chị chủ sự nói đà hết tiếng mà tôi vẫn lưỡng lự như con cù lần! Cái tình thương lạ thương lùng làm vậy, khó cho tôi đáp lại được. Vô lý quá một già một trẻ, một thành thạo “con đi thầy”, một non măng đang mài đũng quần trong trưởng chưa rách? Mà suy nghĩ lại cho kỹ: tham thì bụng cũng có tham thật, vì tôi biết tía và anh thằng Như Phước là tay cự phú miệt Ba Thắc, chỉ kém chút ít ông hội đồng Trần Trinh Trạch, chớ nào thua ai. Anh nó, ông Như Gia đã ra riêng, bà già nó đã mất sớm, sự nghiệp của cha để lại, thế nào cậu công tử mũi trắng(1) nầy rồi sẽ phanh phui. Nghĩ cuộc phá su, thì đâu cũng là phá su! Vậy thì dụ nó phí của ấy với mình, còn hay hơn để lọt tay khác? Lập tâm rồi, tôi liền đưa chìa khoá tủ sắt cho chị chủ sự, biểu mở ra lấy năm chục đồng bạc trắng, đặt đồ đi lễ điếu ba chục, còn lại hai chục làm tiền ăn đi đường. Chỉ mở tủ, thấy một xấp hình của tôi, nhà Khánh Ký mới chụp, rôm lắm. Chỉ lấy ba chục đồng và một tấm hình, nài tôi bằng lòng cho chỉ đem hình ấy xuống cho Như Phước, còn hai chục đồng sở phí dọc đường, xin để cho chỉ chịu, rằng kẻ công người của, chỉ tỏ tình biết ơn Phước trót thể. Tôi thấy mụ nầy mấy lúc sau nầy tỏ ra rất khác lúc trước, vả lại nghĩa chị tình em, muôn việc chị nầy vẫn tính phần lợi cho mình hơn là cho chỉ, nên không biết nói làm sao, đành ừ đại cho chỉ đi.

Cậu công tử vừa chôn cha, sắp đặt việc nhà, làm mồ làm mả đâu đó xong xuôi, làm hai mươi mốt ngày vừa rồi, tom góp được trên muôn đồng (10.000$00), tuốt lên Sài Gòn, gởi một mở vô băng, còn phân nửa gói ôm lại nhà chị chủ sự cậy chị ta nói cho tôi chịu giữ giùm. Lúc nầy có máu mặt, nặng túi hơn lúc trước, nên coi dèo cậu ta dạn hơn lóng trước nhiều. Gởi bạc tôi chịu rồi, lại một hai nài tôi xin cho ở đậu. Tôi nghĩ khó xử quá, nên còn dùng dằng không nhứt quyết. Kế chị chủ sự chỉ rước nói để chỉ tính cho. Chỉ mới kêu tôi mà bỏ nhỏ rao Nam như vầy: “Chị biết bây giờ nó rảnh tay rảnh chơn, nên quyết tình với em lắm. Nếu em nói dứt khoát, rủi nó dại không kịp suy nghĩ, làm nư tự vận, có phải cái quả báo đó đổ dồn cho chị em mình mang hay không? Chi cho bằng em cứ cho nó ở đậu nhà nầy, rồi để chị kiếm một đứa sạch sẽ, cặp cho nó, cùng chung chạ tại đây, thì tự nhiên em tránh đặng khỏi tiếng đời dị nghị, nhà đông người thêm vui, lại bớt được tiền chợ phần nao.

Thiệt ba mươi đời, tôi có cái tật hay thương hại người lận đận, và hễ ai đờn êm tai thì tôi thích nghe, vì vậy mà oan oan trái trái nó buộc hoài không thôi. Rồi chị chủ sự lại bày vẽ, kiếm được con sáu Quế Anh học trưởng áo tím bị đuổi, đang chới với, chỉ cột cho thẳng công tử ruộng muối Bạc Liêu nầy, con nhỏ mén mà cũng sạch đời đúng bực, chưa chi xúi thằng nọ sắm cái xe Mi-lo (Milord) kiểu mới, mua ở nhà Laurent Gay ở góc đường Pellerin và La Grandière (Pasteur- Gia long cũ) chiều chiều thắng ngựa Bắc thảo, hai đứa nó cặp nhau đi dạo mát, coi hát xướng tới khuya lơ khuya lắc mới về... ngỡ là tánh con nít, vui đâu chúc đó, khuây lảng mối tình éo le và quên mình được: Ai dè, đêm nào như đêm nấy, canh khuya thức giấc vẫn nghe cậu ta than thở bên phòng:

- Cô Hai ơi! Cô Hai! Cô chích đôi, tôi lẻ bạn, cô ngại nỗi gì, ty hiềm làm sao, mà cái tình thương của tôi đã quá năm trời, cô nỡ dạ nào phủi đi cho đặng.

Ý! Cái thằng bình thường mủ mỉ ít ăn ít nói, mà ngót mười mấy đêm vẫn đờn một bản “tương tư xang xừ líu” tiếng nào tiếng nấy ân hậu thâm trầm... đời tục xưa nay thường ví: “Đàn bà hay lạt lòng”. Chớ tôi xuống núi là để báo oán thù ân, tôi là nguôi ngoai sự oán hờn cuộc thế kia đâu, mà hòng đáp tình xử nghĩa với ai bây giờ cho đặng. Khó cho tôi thật.

Lúc nầy tôi đang tích trữ sự bất công của xã hội đối với hạng đàn bà yếu đuối như tôi, cho nên từ ngày cậu nầy đến ở đậu trong nhà, hễ gặp dịp nào xẻ anh ta đặng thì tôi không hề bỏ qua, như nài bán hột xoàn, xúi sắm ăn sắm mặc, nhưng tôi để ý, khi mua chác vật chí, tôi nói mấy thì cậu ta tin bằng lời, chẳng bao giờ có một tiếng chê mắc chê rẻ. Vậy mà cậu ta còn ít bữa mua món nầy, ít bữa sắm món kia, bày biện trong nhà tôi còn hơn nhà đấu xảo. Cho đến cái xe ngựa nó mua tiền của nó mà cái phắc tua (facture) sau tôi hay được cũng để tên tôi đứng.

Ăn xài như vậy chưa đầy năm tháng, mà tiền gởi băng đã tiêu sạch. Con sáu Quế Anh thấy cậu không còn chi để gặm, đã sớm hát bài “tẩu mã”, quất ngựa truy phong. Mà ngộ, cậu công tử rảnh đặng cục nợ do chị chủ sự gán cho, coi bộ mừng chớ không buồn.

Cậu ta từ giã tôi nói về dưới lo việc nhà, định bán một mở ruộng nào đó và hẹn lối chừng nửa tháng hoặc hai mươi ngày sẽ trở lên và căn dặn tôi cái phòng xin để vậy đừng cho ai khác vô ở, vì cậu ta chí quyết ở đó chớ không ở chỗ nào khác hết, dẫu cho ở nhà hàng Tây Continental (Đại lục khách sạn) cũng không thèm!

Chú thích:

(1) Mấy chục năm về trước, lối 1920, miệt Hậu Giang chưa có hát cải lương, vẫn coi hát Tiều (Triều châu) làm môn giải trí lành mạnh. Thường diễn tuồng Tàu trên rạp vải cao cẳng và lộ thiên, thí coi không tiền và thường diễn tích con quan ra đường gặp gái. Con quan trung thì ưa việc nghĩa hiệp, tế khốn phò nguy, công tử nầy để mặt thiệt đẹp đẽ môi son răng trắng, con quan mình thì thích chọc gái, bắt cóc, hiếp dâm, vẫn giặm mặt có một bệt phấn dày nơi mũi, vì hun gái quá nên ra cớ đỗi, rửa không ra, gọi "bạch tỹ công tử" (công tử mũi phấn).
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved