Home » » SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-P10

SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-P10

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 00:32

38.: Cô Ba qua Xiêm chuyến thứ ba,

Như Gia Cát đệ tam xuất Kỳ sơn... nhưng chẳng thành công, và cô gặp ông Hoàng Xiêm là chuyên ngải nghệ có linh hay không, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Tôi đã đọc lâu bộ Histoires d’Amour de l’Histoire de France của Nguyễn Breton, nay còn ngán bề trái của lịch sử: Ông vua Louis XV, khi chưa biết gì, đã nhờ bà hầu tước nào dạy cho con ong tơ biết hút mật trong hoa, nhờ vậy chồng bà được bổ nhiệm đại sứ một nước lớn, vinh quang một thuở (nhớ bằng cấp da của vợ), chính đế Napoléon 1er cũng tránh không khỏi bị một bà nhơn tình sang một bịnh kín, trong trận đại chiến nào đó để vừa hành binh vừa bi bịnh kia hành hạ dầm dề như một phàm nhơn. Nhưng lý thú nhứt có lẽ là chuyện ông vua Louis XVIII, vua nầy về già suy yếu nếu không nói là bất lực, nhưng đối xử với cựu nhân tình, bà De Cayla, ngọt không chỗ nói: đã tặng bà một lâu đài xinh xắn gọi château de Saint Quen, thêm biếu bả một cuốn sách kinh thánh (bible) trong đó đóng thêm 50 tấm ảnh kỷ niệm, mỗi ảnh có kèm thêm một tô giấy bạc 1.000 quan (nhưng trong sách không nói rõ bả có chịu khó lật từ tờ để đọc kinh chăng, hay là bà để cho con đòi siêng năng làm thế, tôi nói vậy là chuyện ngoại sử, lấy kinh nghiệm bản thân mà nói, vì lúc tôi còn ở đường Thủ khoa Huân, trước gọi Aviateur Garros, tôi có một tiểu đồng bữa nào quét nhà lau sách, đều cẩn thận lật sách từ tờ không phải để kiếm bụi bặm kỳ thật tiểu ta kiếm bạc giấy tôi thường nhét trong sách, tuy không có bà de Cayla để tặng, nhưng thiếu chi bồ bịch cần dùng khi bà xã về quê thăm nhà!

Ấy vua chúa xứ người, lịch sự làm vậy.

Cô Ba từ ngày làm ăn thất bại ở Bạc Liêu, bị tay con cao tay hơn, vét sạch vốn liếng, trở về Sài Gòn, Nguyệt tiên cung trở nên ổ rắn, chủ nợ thấy mặt và cứ tưởng còn tiền theo đòi cảng riết, bực quá chồng con không kể và để lánh mặt một thời gian, ngựa quen đường cũ, cô xin giấy qua Xiêm một chuyến nữa, quyết phen nầy thay bùa chuộc ngải mới, để về tranh thủ với tay lạ, chớ nhơn tình cũ đã ngán cô nhiều và đức phu quân Pháp tựa hồ cũng ngán và toan trở dĩa. Nhưng chuyến xuất binh kỳ ba nầy rốt lại cũng thất bại, vì hễ tham thì thâm, cô chỉ có hai tay mà toan bắt một lượt đến hai con cá bự. Bước đầu qua Xiêm, cô gặp dê con bốn đứa, bốn anh Tàu lai Xiêm thấy cô và nhan sắc cô, nói hành nói tỏi, cô nghe thấu, dùng tiếng Hải Nam cho chúng một bài học khôn, không nên thấy người nước khác ở viễn phương mà dám phê bình kia nọ. Buổi “thiệt chiến quần nho” ấy chưa thâm thuý, và chớ chi cô là người có học, biết được ngoại ngữ tỷ dụ tiếng Ăng lê thì hay biết chừng nào, vì sau đó cô gặp một người trộng tuổi da đen đen mét mét, đó là cứu tinh chiếu mạng, nhưng cô đã để vuột mất rồi. Ông trộng tuổi nầy, sau nầy rốt, là thân vương, ngự đệ đức vua đang trị vì ở Xiêm la quốc, nếu cứ thứ chuyển đệ thì, sau khi vua đang ngự chầu trời, thì ông là người kế vị chánh thức, nhưng ông trộng tuổi nầy, không như người thường, vẫn không ham ngôi báu, cũng không ham làm chánh trị rẻ tiền, ông vẫn sống một đời phong lưu cực kỳ bình dân, khiến nên thần dân Xiêm lại càng tôn sùng ông hơn nữa. Ông thích việc nghĩa hiệp.

Nay nhắc lại cô Ba qua Xiêm tìm chuộc ngải, nhưng ngái chưa thấy, đã thấy mối tình còn hơn trong mộng và trong ao ước, là sắp gá nghĩa cùng ông hoàng nầy, và nếu được như vậy chẳng là chuyện Tấm Cám, chuyện con dân lấy hoàng tử chẳng là chuyện thật? Ngặt một nôi ngôn ngữ bất đồng, ông hoàng phải dùng một phụ nữ Việt biết rành tiếng Thái làm trung gian, và truyện gió trăng mà có nhân chứng ở giữa thì trở ngại nào bằng. Cô Ba khen nước Xiêm phong thổ tốt, hoa có nhiều giống lạ cô chưa từng thấy, ông hoàng cao hứng hẹn đưa cô đi xứ Pénang, viếng chùa rắn và xem phong lan muôn màu ngàn sắc xứ náy. Bữa lên xe, rủi cho cô Ba là đụng đầu với kỳ đà, bất ngờ gặp chàng đẹp trai họ Đỗ, tuỳ viên nơi toà lãnh sự Pháp ở Bangkok có việc đến đây hai người gặp nhau, khách đa tình gặp gái thuyền quyên, chuyện đầu mày cuối mắt không lọt qua mắt xanh nhà lịch duyệt Xiêm, nhưng ông hoàng tốt nết ghê, xe chạy tới ranh giới để qua xứ Pénang, ông hoàng bắt tay từ giã cô Ba, khuyên cô cứ tiếp tục cuộc du lịch như có mặt ông và ông cắt theo cô một thơ ký đem theo một mở ngân phiếu, dặn cô muốn xài bao nhiêu cứ tự do ghé các nhà sét ty, chúng sẽ nhận ngân phiếu của ông, xài bao nhiêu cũng mặc, miễn cô vui lòng là đủ. Đó, tôi muốn nói người quí tộc nước ngoài là vậy, không như bên mình cho uống một trái dừa cũng xuýt xoa biên sổ! Thế là hỏng bét, hỏng nặng! Họ Đỗ, biết được cô là người của ông hoàng, đã hát bài “tẩu mã” trước, vì một viên chức nhỏ toà lãnh sự làm sao dám đương đầu một thân vương của nước mình đang nương náu. Đàng khác ông hoàng, khi thấy cô quyến luyến với họ Đỗ, ông tự rút lui, vì mình vàng lá ngọc há đi tranh giành một bông hoa, dầu là lạ mắt, với một bộ hạ dưới tay mình? Tội nghiệp nhứt là cô Ba, vì luyện phép chuộc ngải chưa kịp, nên sẩy một lần đến hai con cá to, và như tôi đã nói, tham thì thâm là vậy. Cốt ý của cô khi qua Xiêm là quyết luyện phi đao ngải linh để trở về hơn thua với đám Dư Hồng lục tỉnh, nào ngờ bước đầu cô gặp trở ngại thình lình. Cô đâu có ý đi tìm lan lạ lan quí như lời ông hoàng giới thiệu và cuộc hành trình của cô đã mất hứng, từ khi ông hoàng và họ Đỗ trở bước về Xiêm. Đến xứ Ma lai you (Bà lai du), cô viếng chùa rắn ở Pénang cho có chừng, đến kinh đô Mã lai là Kuala Lumpur càng thấy vô vị, và khi đến Tân gia ba hay Tân gia Phố (Singapour), cô cho hay cô trở về Sài Gòn, không hân hạnh gặp lại ông hoàng Xiêm như giao ước trước. Cô nói với viên thơ ký, về rán học tiếng việt và rán đọc và hiểu truyện Kiều.

Nói lại với hoàng thân, tôi kính dâng hai chữ “bình an” và hẹn kiếp tái sanh hoạ may sẽ gặp, chớ kiếp nầy: “Trăm ngàn gởi lạy tình quân, tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!”. (Kiều)

Mối tình kết thúc có hơi đột ngột, một lần nữa cô Ba biết làm tiền chớ không giỏi làm tình! Và ngải mê, có hay chăng, đố biết?

39.: “Buổi chợ đông con cá hồng em chê lạt, tan chợ rồi con tép bạc, em khen ngon?”.

Cô Ba liều mình mà không chết được.

Lúc nầy là hồi đen tối nhứt trong đời cô Ba. - Đi vắng nhắm chưa bao lâu, về nhà thấy lạnh tanh như chùa bà Đanh Nguyệt tiên cung là thuở nào kìa, nay trước cửa lấp ló bóng chủ nợ và người thừa hành của chưởng toà, trông thấy mặt chực banh da xé thịt, thụt vào trong á múi, a sam (xẩm phục dịch) không một bóng, khi nào có mật ngon đường ngọt chúng bu đầy, nay túi không tiền hết, chúng giả lơ như chưa biết mình đã về đây, tệ nhứt là anh Tây sê-ri buổi nào, nay độ chừng có con nào mới nên lạnh lùng tính thay dĩa! Như vậy cho biết thế nào là tình đời!

Cô Ba là người gọn việc, nên thanh toán lẹ chuyện nhà: trả phố Richaud, giao chủ nợ từ khí thập vật, của quí, của kỷ niệm anh nầy anh kia, hãy chia nhau trừ bớt số thiếu.

Phải chăng đay là buổi thất thủ Hạ Bì, binh tráng binh đinh, vỏn vẹn một em gái tên Tư, trung thành không bỏ chủ, tả xông hữu đột vừa sai vặt vừa đi chợ nấu cơm, tướng cạnh có một chàng trai người Bắc, làm cho hãng buôn, ở đậu dây cho có bạn, bao nhiêu tiền lương xúp, cô tự tiêu pha, và tiếng xưng hô em nuôi em út nghe ngọt xớt? Thỉnh thoảng có một người biết chỗ cô ẩn trú ấy là Sáu Ngọ, vua cờ bạc lừng danh thuở ấy, vẫn còn lên xuống khi rủ cùng theo vào sòng, nhưng tiền đâu mà giỡn bạc, khi khác thấy thầy Sáu cho quà cho bánh trái, tỏ ra còn biết phải trái, tuy ngồi trên đống vàng mà chẳng khi người đang lúc lỡ chơn trái bước.

Nhưng lui tới cùng đường, đi xa về mệt, quẩn trí và mệt mỏi tinh thần, cô lén mua một hộp indien bốn chục đồng, lấy phân nửa, trút vào ly pha thêm đường cho bớt đắng và cô ực một hơi quyết giã từ mọi việc. Nhưng số cô chưa tới. Trong khi em Tư ngủ vùi ngoài chõng nhỏ nơi hàng ba, bỗng thầy Sáu Ngọ ghé xe tính rủ cô Ba vào sòng trong Chợ Lớn, hỏi Tư, Tư ú ở như ma bắt hồn, thầy không chờ trả lời, xô cửa bước vào trong mới hốt hoảng tam tinh chớ chi trễ nửa phút thì ắt Ba Trà còn xác trơ trên nệm.

Không nói không rằng thầy Sáu ra tay nghĩa hiệp, xốc nàng vào tay, đặt lên xe chạy tuốt ra nhà thương cấp cứu đô thành ngay đường Bonard, sẵn lương y túc trực, bôm rửa nàng thở được, Sáu Ngọ biết cơn nguy đã qua, mới để đó lo chạy xe vô sòng me nơi tửu lầu Chợ Lớn, kẻo tiền xâu hao hớt. Sáu Ngọ về tới nhà là kiểng nhà thở đức Bà đo mười hai tiếng, chớ chi Ngọ không ghé lúc nãy thì hồn Trà đã bay xa!

Đến đây mới thấy bụng tốt của bác sĩ A., người đã cứu cô lần đầu Sáng ngày, bác sĩ đi làm việc nơi nhà thương đầu đường Bonard gần Chợ Mới Bến Thành, mới hay đêm rồi ban gác có cứu một nàng tự tử bằng thuốc phiện và nàng ấy nay, còn nằm đường bệnh, không ai khác hơn là Trà, ái khanh năm trước. Lại một dịp thi ân vô cầu báo, giận mình không trẻ để xứng với duyên cỡi phụng cỡi loan, nhưng về kinh nghiệm nhà nghề thì ai già giặn ăn qua mình được! Ông cho chớ về đường Colombier và ngày ngày xách túi da đựng thuốc đến săn sóc chu đáo, và suốt ba tháng yếu ốm, ông mỗi đến viếng và tuần mạch, không nói không rằng, mỗi lần ra về, vẫn nhẹ nhẹ đặt một tờ giấy một trăm đồng trên đầu nằm, tiền xài vặt, cà na cánh chỉ. Còn ai tốt hơn ông nầy? Cà na vừa chua vừa chát, cánh chỉ vừa ngọt ngọt chua chua, món ăn vặt cho người bịnh mau biết miệng, nhưng người bịnh nầy đau bịnh cần dùng tiền thiệt nhiều để vào sòng me ngồi me đứng, có hoạ là biến ra cái máy in giấy bạc thì cô mới động tình, chớ mỗi bữa một xăng (cent piastres), thì không khác bù mát cắn sừng trâu, sao thấm!

Một hôm cô vừa lại nghỉn, ăn cơm được hai chén biết ngon, sẵn đứa em làm hãng buôn về lo le 520 đồng khoe trúng mối, cô chừa hai chục mua gạo, còn chẵn năm trăm, cô bó túi qua thăm dì Tư Ăng lê cùng xóm, thấy sòng bạc hoắc, ngứa tay kéo chơi, không dè thời vận bất tể, hoắc luôn trọn năm trăm mới sướng!

Cô về nhà nằm sải tay, nước mắt tự nhiên tuôn ra, không khóc tiền muôn bạc vạn cúng cho me, lại khóc năm trăm thua bài hoắc?

Nhưng nước mắt cũng là phương thuốc tiên, tuôn ra bao nhiêu thấy trong mình nhẹ nhõm bấy nhiêu. Cô đứng dậy cười gằn, khóc vô ích. Đời đã chó má giận chi đời, phải can đảm hơn lên. Nhưng nằm ngồi bực bội, lấy tiền đâu đắp đỗi tháng ngày. Bỗng nhớ lại bao nhiêu vàng xoàn, cầm cho má Hai (bà Ty), thử qua tìm hoạ may trừ tiền vốn tiền lời, má có cho lại chút ít buổi nầy?

Lúc nầy là lúc Tần Quỳnh trong truyện Thuyết Đường đang đau, nghèo khổ đến phải bán con ngựa làm chơn, con chiến mã Huỳnh Biếu ngày đi ngàn dặm không biết mỏi, mà chủ nó phải đành lìa vì không tiền trả chủ quán. Nhưng cũng là lúc Tần Quỳnh thoát cơn hoạn nạn, gặp Đơn Hùng Tín giải cơn nguy. Cô Ba bước qua tìm bà Hai thì bà đang gầy sòng. Vận đen đã dứt, vận đỏ vùng lên, sẵn còn hai chục là tiền còn dư lại trong số bạc một trăm của hảo tâm lang bác sĩ vừa cho buổi sáng, cô chưa tin thọc tay vào túi mò mẫm thử, vẫn còn ràng ràng tờ giấy hai chục, cô nhớ lại tích ngộ ngộ anh thợ hồ Quảng Đông bữa kia sửa nóc nhà dột cho ông Sáu Nhiều là một tay đổ bác khét tiếng không thua gì Sáu Ngọ, khi sửa nóc xong, vừa tuột xuống định lãnh tiền công là mười lăm đồng bạc Đông Dương, nhưng sẵn thấy ông Sáu đang làm cái cầm chén hốt me, anh thợ ngứa nghề, luôn tay đặt cầu âu trọn mấy chén đều trúng, vốn và lời cả thảy được độ mười lăm ngàn đồng, anh thợ không vùa tiền ăn vô lại toan đánh nữa, nhưng ông Sáu bỗng xên ngang, anh thợ hít hà xin cho đánh thêm chén chót, nhưng ông Sáu điềm tĩnh, rằng: “Anh thợ nầy kỳ! Lợp chơi có mấy miếng ngói quèn mà nhận của tôi mười tăm ngàn đồng tiền công, như vậy mà còn chưa vừa bụng hay sao?”. Anh thợ lễ phép thưa: “Dạ tôi thua sạt nghiệp bên Tàu mới học cầm bay tô hồ. Xin cho tôi đánh một chén nữa thôi, may mà trúng thì tôi về xứ chuộc đất chuộc nhà, còn như không may thì tôi sẽ ở lại đây sửa nhà cho ông thì tôi cũng bằng lòng”. Nhưng Nhiều là tay cao đệ dễ gì cho anh thợ ăn quá, nên một hai cuốn chiếu không hốt nữa. Nay đến lượt cô Ba tay cầm hai chục đặt cầu may, miệng vái lầm thầm: “Ưng ai hôn anh thợ linh thiêng, giúp cho tôi qua cơn túng ngặt”. Quả cô đánh ngồi mấy chén, cô vét sòng được hơn mười lăm ngàn đồng. Chú chứa tiếc tiền, không cho cô về, ép ở nán lại, chờ gọi ngảnh thầu mới, ban đầu là thầy Ba Đồng và kế đó là thầy Ba Khương, người là chủ cái có danh (ông Đồng), còn ông kia (Phương), vốn là mại bản của hãng Charner, tiền ăn của xài mấy đời chưa hết, hai người tiếp tục cầm chén thay, nhưng quả vận đỏ cô Ba đã đến, khiến trọn đêm ấy, cô đặt đâu trúng đó, rạng ngày cộng lại ba tay hổ kha kia đều sạch túi và túi cô Ba thì thình lình nặng thêm hơn tám chục ngàn đồng bạc là một con số quá sức tưởng tượng buổi ấy, trong khi vàng ròng Đông Thạnh hiệu “con ngựa” trung bình là sáu chục đồng một lượng.

40.: Cô Ba lựa chồng như trai kia chọn vợ!

Khi gặp được Từ Hải, nàng Kiều bèn tính việc ân ái đáp đền, oán báo oán. Cô Ba làm khác hơn cô Kiều. Nay đã cầm bạc vạn trong tay, thuở ấy con số “triệu” chưa ai thấy lần nào, cô thuở nay giận đời mình có nhan sắc không ai hơn, mà vẫn làm một món đồ chơi cho bọn râu mày kia, và tại sao chúng nó lấy đày tớ vẫn được lấy con vú con ở cũng không ai cười, trong khi đàn bà trí non nghĩ cạn, rủi thất thân một phút, phải mang tiếng “bà chủ bà Tổng, đành để thằng sốp phơ nó mò tỳ!” Nay như mình, bị Toàn hắt hủi, chồng Tây u không kể sá, ông bác sĩ tốt thật nhưng đã có vợ và ông trộng tuổi hơn mình nhiều. Nay sẵn tiền, thử lựa một chồng cho xứng đôi vừa lứa, lại có hại gì? Trong khi cô lên xuống nhà bác Bảy phương đường Testard, cô chíp trong bụng một chàng bô trai, tóc trán quăn quăn, đáng yêu nhứt là không khi nào ngó cô ngay mặt. Hỏi thăm ra cha người đó là ông Thưởng, nhà còn ở đường nay là Tự Đức, trước làm giám thị và dạy về đồ mộc nơi trường “bá nghệ” đường Hồng Thập Tự, hiện trường còn đó. Vốn nhà dòng dõi thơ hương nề nếp, chị và em gái đây xin miễn kể, kể sơ ba anh em trai thôi, thảy đều khác chúng.

Người của cô Ba lựa là con trưởng, hỏi ra nay còn sống bên Pháp, cứ định tuổi thìn, thì đã tròm trèm 79 tuổi. Cũng là thông ngôn toà án như Khai, Thìn có tánh khẳng khái, chưa vợ, nhưng biết xét phận, nên thấy gái xinh, không ngó cũng không chào. Ngộ quá thuở nay trâu tìm cột, mà nay cột lại tìm trâu! Bấy lâu lắm người móp sát đất cầm lá đơn cầu hôn lo le trước mắt mà Trà không đếm xỉa, thế mà chàng nầy sao chẳng động tình. Và ông trời già cũng éo le, bao nhiêu si tình kia đều rớt mà Thìn được chấm đậu. Nhưng đậu và rớt là gì? Thà thi rớt mà khỏi bị mò tôm, Thìn được cô chấm đậu làm chi để sau nầy Thìn mãi khổ tâm và bực tức.

Nhắc lại mấy lần gặp mặt Thìn tại nhà bác Bảy Phương, đường Testard, Trà lấy mắt đưa tình, mà Thìn để trơn trợt như trên hàng lá môn nàng mặc. Nhưng người đẹp là Trà nào chịu buông tha, và lần thứ nhứt, một trai bô (be au gosse) bị gái đa tình bắt sống.

41. & 42.: 41. Một cô ả đào, tài sắc có mà không có phúc
42. Trở lại chuyện cô Ba Trà

Kể lại ông Bảy Phương nầy cũng ác? Ba Trà muốn ông Thìn, cậy Bảy Phương dọ đường đất giùm, ông lại lần khân hỏi trước hỏi sau:

Cậy chàng mua lụa Đồng Nai,

Chàng sao lại hỏi vắn dài làm chi?

Đã từng ăn cận ngồi kề,

Vóc nầy bao nả, chàng thì nhớ cho.

Thì chàng liệu lấy mà mua!

Ba Trà có tiền trong tay, muốn sắm cho mình một người chồng theo ý muốn. Lại phải hỏi vắn dài, vừa vặn làm chi. Cần là cần áo khít khao, cho lòi cái co là đủ khéo. Đến đây tôi tạm để cho thầy Bảy suy nghĩ và lựa...

42. Trở lại chuyện cô Ba Trà

Nếu kể về tài, ắt cô không bằng một góc cô ả đào hồng nhan bạc phận nầy. Kể về tánh nết, gái xứ Bắc, thất chí vào chùa, còn gái xứ Nam như Ba Trà, có tiền muốn sắm chồng như sắm áo Le Mur không khác. Ba Trà muốn đổi giống cái ra giống đực, muốn có chồng cho vừa con mắt lại thêm muốn có chồng hờ chồng phụ, như đàn ông sung sức sẵn tiền, sắm V.1, V.2 cho phỉ chí bình sanh. Thìn là con trai có đầu óc ban đầu từ chối, cự nự nhưng cự làm sao lại mắt liếc như dao, mũi đo đỏ như muốn khóc. Hai người kể cũng gay cấn lắm, hạnh phúc dầu có cũng chẳng được bao lâu, một trở ngại là mẹ cô Ba không thích Thìn vì chê nghèo, và sau hồi tâm cho Toàn chịu tang của mình, vì Toàn là con nhà tỷ phú. Cô Ba lập tâm “bắt sống” Thìn bằng mọi cách. Sơ khởi, cô ỷ có quen với lục sự Đỗ Hữu Bửu là chủ sở của Thìn, nên giả chước vô toà xin sao lục khai sanh, nói với ông Bửu xin cậy Thìn làm thủ tục giúp cô, nhưng Thìn không vì Bửu mà vâng lời Trà..., Trà thất trận phen nầy bày ra trận khác, cậy Nguyễn Hữu Phương đường Testard là tay làm cái hốt me chứa bài còn trước hơn Sáu Ngọ, Búa Lồ, Sáu Nhiều, Huyện Đước nữa và Phương là tay lịch duyệt, nhà Phương, Thìn năng lui tới, Phương ban đầu ngăn khuyên Trà nên chọn nơi khác, chớ Thìn, lương tám chục đồng mỗi tháng, làm sao đủ gánh một gia đình mà người nội trợ không biết luộc một cái hột gà la cót (beaf à la coque) cho nên thân, trái lại quen tật đánh bài đánh me như cơm bữa lại còn đèo tật hút lớn, mỗi ngày lúc đó một hộp một đồng bạc (10 grammes) mà nay trở nên triệu nầy triệu kia, Thìn gánh sao kham. Thìn đau trĩ, vào nhà thương Gia định nằm điều trị, cô kéo thầy Bảy Phương cùng ngồi xe vào rước cho được Thìn vào Chợ Lớn xơi cơm Tàu “hối thèn”, mà trời đất ơi, trốn lòi con trê, ngồi xe nệm êm mà còn nhảy nhổm mỗi lần xe xóc đá, mà ăn uống sao vô? Nhưng mê hồn trận của đàn bà, lỳ lợm như Từ Hải, “xô chẳng rúng”, chết tức nên đứng sững như trời trồng, thế mà “Kiều than mà ngả”, đủ biết ma lực của giống cái mạnh đến bực nào. Những ai đứng ngoài vòng, đứng đánh phách, hãy vào vòng thì biết. Tôi bữa đó nghe cô Ba kể đến đoạn nầy, tôi đang nằm nơi động Khang trong khu xóm Đất Thánh Chà, bất ngờ tôi cũng ngồi nhổm dậy và mừng lòng vì năm 1952, cô “tha Năm và tôi” chớ cô ừ một tiếng, có lẽ tôi cũng vào mê hồn trận mặc dầu năm 1952 cô đã trên bốn mươi còn tôi đã tròm trèm ngũ thập. Bây giờ tôi nhớ lại, sở dĩ tôi với Thìn không quen biết nhau, là vì Thìn làm việc ở toà Sải gòn nhưng thuộc bên grefe, Đào Duy Anh dịch là “ký lục phòng”, nôm na nói theo Nam là phòng lục sự, chuyên về sao lục án toà và hộ tịch, còn lúc đó tôi vẫn năng lên toà để “chầu hầu” ông bô tôi là ông Kính, và làm nơi phòng phiên dịch (bureau de traduction) là nơi bạn quen gồm Siêu Đức, Khai, Trường, Giàu, Xứ, và một người tôi mang ơn lớn không quên nhưng đã từ trần là anh Bùi văn Khá.

Thìn sánh đôi với Trà, vô phúc hay là hữu phúc. Thiếu chi người thèm muốn địa vị của Thìn. Con ngựa trời bắt cặp được với cái rồi để cho cái làm thịt xơi ngon lành, nhưng cho đến tận thế, ngựa trời vẫn tìm ngựa trời cái để bắt cặp. Chớ chi Thìn và Trà khi bắt tay nhau thì xin đổi ra Hà nội, xa sòng me, hoặc lên Lào lên Nam vang, tốt hơn hết là lên vùng cao nguyên ở chung với đồng bào sơn cước hoạ may bền bỉ.

Sau một tháng nhà thương Gia định, lành mạnh về, Thìn dọn về ở chung với Trà, và đưa Trà về ra mắt cha mẹ, thì thảy đều vui vẻ, tuy song thân không thích chưng dọn bông hoa trong nhà, nhưng có bao giờ ai lại chối từ khi có người biếu một nhánh mai ngày tết hay một giò lan hún hín mấy ngày xuân. Nhưng như đã nói, một hoen ố trên gương trong là khi ra mắt mẹ của Trà thì bà không vui, bà lui về Cần Đước, không chịu ở Sài Gòn, và một thời gian sau, bà lâm bịnh, vợ chồng Trà về làng thăm, thì hôm ấy mẹ đã bớt và năm giờ chiều vợ chồng Trà quay xe về nhà, đêm ấy vào lúc mười hai giờ khuya ít giờ sau có người nhà ở Cần Đước lên cho hay thân mẫu của Trà đã tắt thở vào giờ tý.

Việc ma chay quàn lâu đến mười sáu ngày thay vì một tháng chẳng qua là để cho giới me bài có thì giờ điếu tang, việc ấy vừa tỏ lòng Trà trước sau vẫn là con có hiếu, việc ấy chưa đáng kể bằng nhà họ Trần là nhà có huông, ngày trước cha trối không nhìn Trà, bây giờ mẹ Trà trối gọi dây thép ra Nha trang cho Toàn hay vào thọ tang, làm bỉ mặt Thìn, một cách không cần thiết lắm.

Một câu nhớ trong văn Pháp: “Sống là đau khổ. Kẻ nào đau khổ nhiều, kẻ ấy sống nhiều”. Sống đây là có kinh nghiệm già giặn. Thìn lấy Trà, đau khổ nhiều hơn là vui sướng.

Trà tính sai một con toán khi lấy Thìn làm chồng. Muốn thủ phận làm một vợ tòng nhứt nhi chung, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, khi tiền bạc hết, thì sự chung thuỷ trở thành bọt nước! Đánh me thua thâm thủng lần hồi hết sạch tiền ăn năm nọ. Xin nghỉ việc vợ chồng dắt nhau qua Xiêm, Thìn tìm không ra sở làm, cũng may không gặp con sâu họ Đỗ, còn rắp tâm tìm ông hoàng năm trước, định nhớ nhói, thì: “Sư đà hái thuốc phương xa, mây bay hạc cánh biết là tìm đâu (Kiều). Lại đành trở về Sài Gòn nợ đẻ thêm nợ, bối rối không vừa.

Và câu sáo phải dùng là “hoạ vô đơn chí”, bỗng có một ông toà, trước có vợ Pháp, nay đã mặc áo đỏ, đáng lẽ nghiền ngẫm luật pháp, có chơi trống thì đánh trống chầu mới phải, nhưng đến tuổi đàn bà “hồi xuân” (retour dage), ông bắt chước hồi xuân theo, và không thích cầm chầu nẻ mặc lại tập chơi trống bỏi. Tuổi của ông, gái tơ thiếu gì, nhưng ông lại ham thứ nạ dòng, gái từng xông pha trận mạc!

Cay nghiệt thay, lúc làm bạn với Thìn, Trà muốn làm sao Thìn hiểu nỗi lòng, Trà chưa hư, chưa thất thân cùng bất cứ ai, ý nghĩ ngoại tình chưa đến cùng Trà, nhưng tỷ có ai muốn đánh dây thép bắt tình, chưa phải là “tư thông”, Trà vẫn đánh đưa trả lời, không khác trái banh nhỏ chuyền qua lại trên vợt tơ nít, vợt nào mòn, trái banh nào hầy hấn, mà lợi cả đôi đàng. Trong câu chuyện “chén me Đại Thế Giới” của cầu thủ Koln đã kể trong tích “một cô lưu lạc” trước đây, có nói đến một a múi phá hoả cho sòng me, nhan sắc lộng lạc nhứt thời, cô ta trên tay đeo ba chiếc nhẫn kim cương, tự xưng mình là Võ Tắc Thiên, lấy một lượt ba chồng là ba công tử triệu phú Chợ Lớn, mới đủ cung cấp cho cô ta “tình” và “tiền”.

Trà vẫn không từ chối, tuy không biết a múi Võ Tắc Thiên, nhưng vẫn cùng tư tưởng, “lấy con sóng sắc đong đưa thuyền tình”, nào có hao mất có mảy may nào cái kia đâu mà sợ, nhưng Trà quên làm như vậy, trái tim của Thìn nát ngớu như tương còn gì? Trà muốn một mặt giữ dạ chung tình với Thìn, nhưng mặt khác hãy để Trà cọ dĩa với khách bự cỡ quan toà như vầy để giải cơn nguy khốn.

Quan toà không lo xử kiện, lại giả làm khách thương nhiều bạc ở Bạc Liêu lên đây bán mấy ghe muối, và cậy lục sự Bửu làm người giới thiệu, nhưng làm sao qua mắt hoa khôi Ba Trà? Chỉ làm khổ cho Thìn, là người có khí tiết, đâu chịu cảnh giã chày đôi? Bọn đàn ông chúng tôi cũng lắm kẻ hèn đốn, tướng tá tỉnh trưởng, khi mất ghế, vẫn ăn bám những đàn bà nạ dòng lên cỡn, nhưng cũng không thiếu người như Thìn, bình phong tuy rách, cốt cách vẫn còn, Thìn ở trong giới nho phong lễ giáo xuất thân, đâu khứng làm ma cô, ma cạo, maquereau, hạng hư thúi.

Tử ngày ở Xiêm về, Thìn trở lại nghề thông ngôn toà án, nhưng nợ càng níu áo, Trà bán đồ đã có trưởng toà niêm phong, tội sang đoạt về phần Thìn chịu, và trong khi bối rối, quan toà kia có dịp tuyên án tha bổng Thìn, gây cái ơn khó trả. Quan toà bắt bén, mượn cớ đến thăm Trà, đã mấy phen đụng đầu Thìn, Thìn chịu mãi cảnh nhục nhã để cho vợ nói chuyện với “mèo” trong nhà, Thìn bỏ nhà ra đi, Thìn chịu thua người quyền thế, nhưng máu hiên ngang vẫn sôi nóng, Thìn thề quyết sang Pháp học thêm, sẽ trở về nhưng từ ấy bặt tin, còn mất chẳng ai hay.

Khi Thìn lánh mặt, quả Trà có bỏ công lặn lội đi tìm, như vậy dây tơ tình chưa dứt, nhưng khi gặp nhau giữa đường Catinat, Thìn giả lơ không thấy, Trà cố chường mặt mà Thìn không ngó ngàng, Trà nhiều tự ái mà Thìn tự ái không kém, thành thử dây tơ tình bị căng thẳng quá, đứt luôn, cuộc đổ vỡ bắt đầu từ đây, trách ai bây giờ.

Nhắc lại thuở Âu châu chiến tranh kỳ nhứt (giặc 1914-1918), miền Nam có sản xuất một mớ công chức cao cấp, sơ khởi là công chức hạ cấp tình nguyện sang Pháp cho biết hơi đàn bà mẫu quốc với chức thông ngôn đạo binh lính thợ, lính làm công việc cực nhọc sau trận tuyến, khi Pháp thắng trận, các viên thông ngôn ấy được cho vào trưởng đào tạo công chức cao cấp miễn tú tài, trong số kể sơ:

- Dương Văn Giáo, học trường chánh trị, đậu tấn sĩ luật, bổ làm trạng sư ở Sài Gòn.

- Nguyễn Xuân Giác, Nguyễn Xuân Quang, đều về làm quan toà.

- Dương Văn Mai, về làm chưởng toà ở Sài Gòn rồi xuống ở Long Xuyên.

- Phạm Văn Còn, trước học trường Sư phạm Hà nội, qua Pháp, trở về làm nơi phòng kiểm duyệt báo chí rồi làm hiệu trưởng trường trung học Trương Vĩnh Ký, sống đến gần chín mươi và mới mất cách nay vài tháng, đạo hạnh hiền lành.

- và Trần Văn Tỷ, trước làm thơ ký toà bố Bạc Liêu, qua Pháp, cùng học một trưởng chánh trị với Dương Văn Giáo, và làm toà áo đỏ nhiều năm ở Sài Gòn.

Ông kể là người khá, giúp ích cũng nhiều, duy hiếu sắc và ăn ở quá theo Tây, trước có vợ đầm, sau lấy cô Ba Trà, rồi lấy cô Bảy Trà Ôn, thảy đều vợ của người khác! Đạo đức bỏ trôi sông biển, chơi cho phỉ sức người nắm quyền trong tay nhưng phải tật hiếu sắc và cướp đoạt hoa có chủ, không sợ gai đâm! Ngoài ra, phận sự nơi toà, ông lo tròn, thêm có khả năng, các quan Tây mến phục nên nhắm mắt việc đời tư, ông về hưu với tiếng tốt.

Vào khoảng năm 1927 hay lối đó, kẻ viết bài nầy nhiều hôm gặp ông, khi mặc áo ngủ pyjama, khi khác theo dõi cô Ba leo thang lầu cao lâu tửu điếm Chợ Lớn trong khi kẻ nầy đi với bồ trên lầu đi xuống, gặp nhau chào, ngỡ ngàng ngượng nghịu tôi kính ông vào bậc thúc bá, quen nhau vì thường gặp ông nơi nhà ông Kính, sau nầy là nhạc phụ nhiều năm, ông gặp tôi vẫn hít hạt cười như tuồng tha thứ, với ý nghĩ không nói: “Tao làm gì thây kệ tao, và mi còn nhỏ lắm, không nên bắt chước gương nầy?”

Riêng nói về Trà, từ thôi nhau với Thìn, là nàng xuống dốc, tuy còn mấy năm sung sướng trên nhung lụa với ông toà nầy và kế đó là một lục sự toà, con nhà danh giá sẽ nói nơi đoạn sau, nhưng từ khi lựa chọn Thìn mà không được nối tóc đến răng long đầu bạc, từ ấy Trà phú cho hoa trôi nước chảy, “mặc người mưa Sở mây Tần, những mình nào biết có xuân là gì?” (Kiều).

Ông toà đem Trà về sống chung nơi nhà riêng, đường Testard, Trà vẫn bài bạc, lên xuống các sòng me Sáu Ngọ, Búa Lồ, báo hại quan toà phải theo làm hộ vệ trong lúc còn mê nhan sắc nàng, và vẫn xuất tiền nhà trả nợ thua thiển. Chung cuộc được vài năm kế tan vỡ, mạnh đường ai nấy đi.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved