“Người theo nết đất” đã về với đất
GS Trần Quốc Vượng - Ảnh: V.D. |
TT - Giáo sư Trần Quốc Vượng ốm từ trước tết. Bạn bè, con cái và học trò đông đúc của ông ai cũng lờ mờ lo lắng về một điều bất ổn nhưng không ai dám nghĩ đến...
Giữa mùa đông, khi cô con gái út của ông - luật sư tài năng Trần Phương Anh - ra đi sau gần năm năm trời vật lộn với căn bệnh ung thư, ông như sụp hẳn xuống, và con người cả đời lạc quan với thời vận ấy tự nhiên than thở với người học trò gần gũi nhất: “Nhà tôi làm sao ấy ông ạ, ai cũng đi vì ung thư”.
Và bây giờ, dẫu đau đớn nhưng tất cả những người thân, học trò, người yêu quí ông đều phải chấp nhận sự thật: giáo sư Trần Quốc Vượng - một trong những cây đại thụ của nền sử học và văn hóa VN hiện đại - đã vĩnh viễn ra đi.
Nhân cách người thầy
Không phải ngẫu nhiên mà tất cả sinh viên các khoa xã hội của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (tên cũ của ĐH KHXH&NV Hà Nội) đều ghen tị với sinh viên khoa sử vì “chúng nó” được học thầy Vượng. Những giờ giảng của thầy bao giờ cũng đông đúc sinh viên, “bọn” khoa sử không bao giờ bỏ học đã đành, sinh viên khoa khác cũng cúp cua, bỏ sang nghe lóm.
Những giờ giảng đầy ắp kiến thức, hình ảnh phong phú, luôn luôn là những câu hỏi được đưa ra, luôn luôn là những thông tin mới nhất từ các cuộc đi điền dã từ Đồng Văn đến Cà Mau, sinh viên ôm bụng cười vì hàng ngàn câu chuyện dân gian ông thầy mang về từ khắp thâm sơn cùng cốc, những giờ giảng mà khi chuông báo hết giờ vang lên, sinh viên ngẩn người vì tiếc.
Căn hộ nhỏ của ông ở trên gác năm khu tập thể Kim Liên luôn là một “tụ điểm” của các nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu trẻ. Ông vừa là thầy, vừa là cha, vừa là bạn của họ. Truyền thụ kiến thức cho họ, nhưng đồng thời tất cả những gì mà ông nhận được từ những học trò đủ các thế hệ luôn quây quần xung quanh mình cũng được ông ghi nhận một cách trang trọng - bằng văn bản.
Người theo nết đất
Nghiên cứu tử vi, ông tự “xem” cho mình: “Tôi sinh vào 9 giờ kém 10 phút ngày 12-12-1934 - giờ Tuất, năm Giáp Tuất. Số phận tôi là “Sơn đầu hỏa”, thân cư cung Thiên Di. Bởi thế mà cả đời tôi chỉ có đi. Từ khi còn trẻ đến lúc thất thập, mỗi năm tôi chỉ ở Hà Nội chừng 100 ngày”. Đúng là cả đời ông đi. Đi để nghe đất nói.
Là một nhà khảo cổ chân chính, theo ông, nghĩa là nghe được quá khứ nói gì với hôm nay từ sâu thẳm các tầng đất đá. Cả một quá khứ hào hùng và bi thương của dân tộc sống lại trong trang viết của ông, không phải từ những suy diễn kinh viện của người ngồi trong thư viện tầm chương trích cú, mà chính là do ông “gọi” từ đất lên.
Cũng không ai khác ngoài ông, phát hiện được cả một nền văn minh cảng thị ở miền Trung, nhờ những chứng tích khảo cổ mà ông và các học trò ròng rã tìm kiếm hàng chục năm trời. Người Pháp phát hiện Mỹ Sơn, nhưng chính ông mới là người tìm ra và thuyết phục được giới khoa học về mối liên hệ giữa thương cảng Hội An - kinh đô Trà Kiệu - Mỹ Sơn, mối liên hệ được gìn giữ bằng dòng chảy của một dòng sông...
Một nhân cách khoa học - nhân cách văn hóa
Một đời làm khoa học nhưng ông không thể có nổi bộ dạng đạo mạo trang nghiêm, mũ cao áo dài. Học trò ông không tưởng tượng nổi thầy mình đóng comlê, thắt cà vạt. Cũng bởi không tự khép mình trong tháp ngà nên ông lên tiếng về tất cả những vấn đề văn hóa - xã hội mà ông cho rằng một kẻ có đầu óc và lương tâm thì phải lên tiếng; từ việc xây nhà máy xử lý rác cạnh chùa Hương, việc tu sửa Lam Kinh, việc trùng tu Cổ Loa, việc bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long, việc xây khách sạn ở chân đồi Vọng Cảnh.
Sâu xa hơn nữa, ông lên tiếng về những “nghi án lịch sử” mà theo ông, nhân dân cần phải được biết rõ. Ông viết về thời đại Hùng Vương, Trần Thủ Độ, về Lê Thánh Tông, về sự sụp đổ của các vương triều Champa, về Gia Long... với những kiến giải khoa học cố gắng tránh xa thứ sử học mà ông cho rằng đặc chất cơ hội chính trị.
Ông không bao giờ biết đến sự thỏa hiệp trong khoa học. Nói ngang và nói ở bất kỳ diễn đàn nào nhưng ông không gây cho đối tượng sự khó chịu đến mức cay cú, đó là vì chất hài hước và duyên dáng hiếm có trong khi phê phán của ông.
Bây giờ thì ông đi mất rồi. Trong những học trò mà ông yêu quí như con, ai sẽ là người thay ông viết tiếp những công trình mà ông đang dang dở? Cơn đau khủng khiếp lúc 3g sáng của bệnh ung thư vòm họng đã mang ông đi theo người vợ và đứa con gái yêu quí - như là số phận đã không buông tha ông. Nhưng như thế cũng là để cho con người cả đời ăn ở theo nết đất được về với đất - nơi mọi thứ đều bình an và công bằng.
THU HÀ