Home » » Một kinh nghiệm thất bại của Đại học George Mason khi mở chi nhánh quốc tế

Một kinh nghiệm thất bại của Đại học George Mason khi mở chi nhánh quốc tế

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012 | 03:55

Một kinh nghiệm thất bại của Đại học George Mason khi mở chi nhánh quốc tế
(Lược dịch từ bài viết "George Mason University, Among First With an Emirates Branch, Is Pulling Out" của Tamar Lewin, New York Times, 28/02/09).

Sinh viên tại cơ sở Ras al Khaimah, ĐH George Mason
Năm 2005, George Mason trở thành một trong những trường Đại học Mỹ đầu tiên mở một chi nhánh đào tạo ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập – nhưng vào tháng 5 vừa rồi, nó trở thành trường đầu tiên quyết định đóng cửa, dù chưa hề cho tốt nghiệp một sinh viên nào.


"Ba tháng trước, các đối tác của chúng tôi đã thay đổi chính sách của họ về mức độ tài trợ", Peter N. Stearns, Hiệu trưởng của trường cho biết. "Họ không nói với tôi trực tiếp là 'chúng tôi đang gặp khó khăn, mong các bạn hiểu tình hình chúng tôi đang phải đối diện', nhưng trong giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ không khó để thấy nguyên nhân đến từ nền kinh tế".
Trường George Mason đã luôn gặp trở ngại kể từ khi nó mở chi nhánh tại Ras al Khaimah, một tiểu vương quốc không hoa lệ được như Dubai, hay giàu có được như Abu Dhabi.
Trường cũng chưa bao giờ thu hút được nhiều sinh viên, chỉ có khoảng 120 người đang theo học chương trình chính thức, và 60 người đang theo học khóa tiếng Anh. Không có giảng viên nào đến từ phía cơ sở của Mỹ, quyền lãnh đạo liên tục bị xáo trộn, và cơ sở chi nhánh còn chưa làm xong quá trình làm thủ tục cấp phép, vốn khá tốn thời gian.
Trong những năm gần đây, nhiều trường Đại học Mỹ đã được lôi kéo tới vùng Vịnh, với những điều khoản hấp dẫn, trong đó đối tác từ phía địa phương – trong trường hợp này là một tổ chức công lập nào đó – cung cấp tất cả cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính, còn lại thì trường Đại học của Mỹ sẽ hoàn toàn phụ trách phần giáo dục.
Trường New York University đang thiết lập đại diện ở Abu Dhabi, trong khi cơ sở trường Michigan State đang hiện diện ở Dubai. Các trường Carnegie Mellon, Cornell, Georgetown, Northwestern, Texas A&MVirginia Commonwealth đều đang có chương trình đào tạo ở Qatar.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của trường Mason có tính đại diện cho một số khó khăn mà các cơ sở giáo dục quốc tế thường gặp phải.
Để duy trỳ uy tín, các trường chi nhánh quốc tế chỉ chấp nhận sinh viên có cùng trình độ với sinh viên nhập học ở cơ sở chính quốc. Nhưng để tìm thấy các sinh viên với khả năng tiếng Anh hoàn hảo, điểm SAT tương đương với sinh viên Mỹ, và năng lực đủ chín muồi để được đào tạo đại học, quả là việc không dễ dàng.
"Chúng tôi không thể cấp bằng Mỹ nếu chúng tôi không duy trì các chuẩn mực, với cách nghĩ như vậy thì thấy rằng điều chúng tôi đang làm là hoàn toàn xác đáng", tiến sỹ Stearns nói. "Nhưng đây quả là một rào cản lớn cho việc thu nhận sinh viên. Chính các lãnh đạo giáo dục của địa phương cũng nhận thấy khâu đào tạo chuẩn bị vào đại học của họ còn chưa ở cùng ngưỡng".
Một vấn đề lớn nữa là việc điều hành. Thường thì phó hiệu trưởng của chi nhánh phải chịu quyền kiểm soát của tiến sỹ Stearns, như thông lệ Mỹ vẫn yêu cầu. Nhưng công việc này gần đây được giao cho một lãnh đạo có tính tạm thời, và các nhà tài trợ địa phương không chịu trả tiền để thuê một phó hiệu trưởng mới, và chỉ muốn ai đó trực tiếp báo cáo với họ.
Tiến sỹ Stearns nói ông hi vọng các sinh viên Ras al Khaimah, đa số là du học sinh từ Nam Á và một số nước Trung Đông khác, sẽ được chuyển sang học tại trường George Mason ở Virginia, nơi ông khẳng định họ sẽ được giảm trừ tiền học phí vốn áp dụng cho mọi sinh viên đến từ bên ngoài bang. Tuy nhiên, ông nói, không có đảm bảo nào rằng họ sẽ được cấp visa. Đồng thời, vì trường còn chưa có đủ giấy phép hoạt động, khả năng các sinh viên được chuyển sang các trường khác ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập cũng sẽ bị hạn chế.
Tuy gặp kinh nghiệm khó khăn ở vùng Vịnh nhưng tiến sỹ Stearns vẫn khẳng định George Mason sẽ tiếp tục quan tâm tới việc phát triển các chi nhánh quốc tế, và vẫn đang thảo luận các phương án tại các nơi khác trên thế giới.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved