Home » » Hiến Pháp Trị(Phần 1)

Hiến Pháp Trị(Phần 1)

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012 | 00:03

Hiến Pháp Trị(Phần 1)
ICEVN - Hiến Pháp trị - Greg Russell

"Tự do của con người trong một chế độ cai trị có nghĩa là sống theo một luật lệ bền vững, chung cho cả mọi người trong xã hội; luật lệ này phải được quy định bởi quyền lập pháp đã được thiết lập trong chế độ đó”

John Locke Second Treatise, Ch. 4

[Luận thuyết về Chính quyền Dân sự, Tập 2, Chương 4]


Hiến pháp trị hay pháp trị có nghĩa là quyền lực của các người lãnh đạo và của các cơ quan chính quyền phải được hạn chế. Hiến pháp trị, như một chủ thuyết về chính trị hay về luật pháp, nói về một chính quyền mà nhiệm vụ trước hết là phải nhằm phục vụ cho toàn thể mọi người và bảo vệ quyền cá nhân. Chế độ cai trị theo hiến pháp dựa theo các tư tưởng chính trị tiến bộ, xuất phát từ tây Âu và Mỹ nhằm bảo vệ quyền sống và quyền tư hữu của cá nhân cũng như là quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Để bảo đảm các quyền đó các nhà soạn thảo hiến pháp đã nhấn mạnh các yếu tố như kiểm soát quyền hạn của các ngành trong chính quyền, bình đẳng trước pháp luật, tòa án không thiên vị và tách rời quyền lực tôn giáo và quyền lực nhà nước. Những người tiêu biểu cho môn phái này gồm thi sĩ John Milton[1], các nhà luật học Edward Coke[2] và William Blackstone[3], các chính khách như Thomas Jefferson[4] và James Madison[5], và các triết gia như Thomas Hobbes[6], John Locke[7], Adam Smith[8], Baron de Montesquieu[9], John Stuart Mill[10], và Isaiah Berlin[11].

Các vấn đề trong việc cai trị theo hiến pháp của thế kỷ 21 có lẽ sẽ là các vấn đề hiện hữu ngay trong các chính quyền được coi là dân chủ. Hiện nay có hiện tượng là các “chế độ dân chủ phi tự do”[12] càng ngày càng được coi là hợp pháp và do đó càng ngày càng mạnh hơn; lý do là vì các chế độ đó có vẻ như khá dân chủ. Chế độ dân chủ phi tự do -- nghĩa là chế độ dân chủ trên danh nghĩa nhưng lại thiếu phần chủ nghĩa tự do theo hiến pháp -- là một chế độ không những thiếu sót mà lại còn nguy hiểm bởi vì nó sẽ dẫn tới sự băng hoại quyền tự do, lạm dụng quyền hành, chia rẽ chủng tộc thậm chí có thể gây ra chiến tranh nữa. Sự quảng bá dân chủ trên thế giới thường không đi đôi với sự quảng bá của chế độ tự do theo hiến pháp. Một số các nhà lãnh đạo được bầu lên theo thể thức dân chủ đã dùng quyền lực của mình để giới hạn các quyền tự do.

Ngoài việc có bầu cử công bằng và tự do hay gia tăng cơ hội phát biểu về chính trị, một truyền thống sinh hoạt tự do chính trị thực sự còn phải cống hiến những yếu tố khác nữa. Chế độ dân chủ tự do còn phải đặt nền tảng pháp lý cho việc phân chia quyền hành để gìn giữ quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng và quyền tự do sở hữu tài sản.

Hiến pháp trị: nền tảng lịch sử


Các lý thuyết chính trị tiến bộ hiện đại đã thể hiện trên thực tế qua quá trình đấu tranh cho một thể chế hiến pháp trị. Thắng lợi sớm nhất, và có lẽ cũng là lớn nhất, là thắng lợi đạt được tại Anh. Giai cấp thương nhân ngày càng lớn mạnh, trước kia ủng hộ chế độ quân chủ Tudor 13 trong thế kỷ thứ 16, đã lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng trong thế kỷ 17 và thiết lập được quyền tối cao của Quốc hội và sau đó là quyền tối cao của Hạ nghị viện. Đặc điểm của chế độ hiến pháp trị hiện đại, xuất phát từ cuộc đấu tranh đó, không phải là việc đòi hỏi nhà vua cũng phải tuân theo luật pháp. Tuy quan niệm này là một đặc tính cốt yếu của chế độ hiến pháp trị nhưng thực ra nó đã được hình thành rõ rệt từ thời Trung cổ. Điểm độc đáo [của chế độ này] là việc thành lập các phương tiện kiểm soát chính trị hữu hiệu để thi hành chế độ pháp trị. Chế độ hiến pháp trị hiện đại được khai sinh với đòi hỏi là đại diện chính quyền phải lệ thuộc vào sự tán trợ của nhân dân.

Hơn thế nữa, chế độ hiến pháp trị hiện đại lại liên quan mật thiết với kinh tế và thế lực của nguồn tài chánh, tức là những người đóng thuế để nuôi chính quyền phải được đại diện trong chính quyền đó. Nguyên tắc nguồn cung cấp kinh tế phải gắn liền với việc sửa sai các điều khiếu nại là điều cốt yếu trong chế độ hiến pháp trị hiện đại. Sự suy giảm nguồn thu của nhà vua trong chế độ phong kiến, sự lớn mạnh của các định chế đại diện cho dân và sự gia tăng tinh thần đoàn kết dân tộc -- thay vì là sự thần phục có tính cách tượng trưng đối với nhà vua và triều đình -- đã khiến cho việc giới hạn quyền hành của vua trở thành hiện thực và hữu hiệu.

Tuy nhiên, như ta có thể thấy qua các điều khoản của Đạo luật về Dân Quyền năm 1689 [Bill of Rights, 1689], cuộc cách mạng ở Anh đã được diễn ra không phải chỉ để bảo vệ quyền sở hữu tài sản (theo nghĩa hẹp) nhưng để thành lập các quyền tự do mà các người tiến bộ cho là có giá trị tinh thần thiết yếu cho phẩm cách của con người. “Các quyền con người” kể ra trong Đạo luật về Quyền của nước Anh dần dần được ban bố ra ngoài biên giới của nước Anh, nhất là trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 [American Declaration of Independence 1776] và trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp năm 1789 [Declaration of the Rights of Man, 1789]. Thế kỷ 18 chứng kiến sự xuất hiện của chế độ hiến pháp trị tại Mỹ và Pháp; và tới thế kỷ 19 thì chế độ này lan ra tới các nước Đức, Ý và các nước Tây phương khác với những mức độ thành công khác nhau.


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved