Home » » Ánh trăng sáng sẽ phá hỏng mưa sao băng Leonids năm nay

Ánh trăng sáng sẽ phá hỏng mưa sao băng Leonids năm nay

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012 | 02:21

Ánh trăng sáng sẽ phá hỏng mưa sao băng Leonids năm nay
Mưa sao băng Leonids là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất vào tháng 11 hằng năm, thế nhưng năm nay lại thật đáng tiếc cho hiện tượng thiên văn này vì mặt trăng đã phá hỏng tất cả. Ánh trăng sáng ở gần sát chòm sao Sư Tử nơi xuất phát của các sao băng vào những đêm cực điểm sẽ làm giảm đáng kể số sao băng có thể thấy được.
Mưa sao băng Leonid xuất hiện vào tháng 11 hằng năm khi trái đất đi qua vùng bụi của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle, đây là sao chổi quay quanh Mặt Trời với chu kì 33 năm. Trong quá khứ, có lúc Leonids từng được ví là bão sao băng vì có năm nó đạt đến vài chục ngàn sao băng xuất hiện trong 1 giờ khi cực điểm . Vào năm 1833 nhiều người dân Bắc Mỹ đã hoảng loạn thật sự khi bầu trời như rực lửa, hàng trăm...hàng ngàn vệt sao băng xuất hiện liên tục suốt hơn 9 tiếng trên bầu trời như báo hiệu của ngày tận thế. Người ta đã ước tính có đến 240.000 sao băng rơi trong đêm đó, một con số "khủng khiếp". Thời gian cực đại gần đấy nhất của Leonids là vào các năm 1998 đến 2001.

Trong những năm gần đây mật độ đám mây bụi của Sao chổi Tempel-Tuttle đã giảm dần khiến cho mưa sao băng Leonids chỉ còn vào khoảng từ 15-20 cái trong một giờ khi quan sát vào lúc cực điểm theo dự báo. Phải vài chục năm nữa sao chổi 55P/Tempel-Tuttle mới quay lại gần Mặt Trời ở chu kì kế tiếp và lại bị phân tán bụi quanh quĩ đạo của nó, do ảnh hưởng của sức nóng và gió Mặt Trời. Khi đó Leonids có thể sẽ rực rỡ trở lại.
Nhìn về hướng đông sau nửa đêm để quan sát các sao băng Leonids


Cực điểm trận mưa sao này theo dự báo của Hiệp hội mưa sao băng quốc tế - IMO dự báo là khoảng 10h40 sáng ngày 18/11 theo giờ Việt Nam, theo đó rạng sáng ngày 18/11 ta có thể quan sát được nhiều sao băng nhất nếu không bị ánh trăng phá hỏng. Tuy nhiên xung quanh ngày cực điểm, từ ngày 13 đến 20-11 chúng ta có thể quan sát được các sao băng Leonids sau nửa đêm với tâm điểm xuất phát từ phía chòm sao Sư Tử (Leo) với mật độ ít hơn. Nếu chưa nhận diện được chòm sao Sư Tử, chúng ta có thể nhìn bao quát về phía Đông sau nửa đêm để quan sát các sao băng Leonids. Năm nay, do ánh trăng sáng rơi vào những ngày sao băng cực điểm khiến cho Leonids gây thất vọng rất lớn với những người yêu thiên văn.
Thế nào là sao băng:
Sao băng trông thấy trên bầu trời như là những vệt sáng di chuyển rất nhanh giữa nền trời sao trong khoảnh khắc từ vài phần giây đến vài giây rồi biến mất. Đó là kết quả của những mảnh vật chất nhỏ trong vũ trụ rơi vào khí quyển trái đất và bốc cháy. Người ta vẫn thường giải thích nguyên nhân do sự ma sát mạnh giữa không khí và vật thể, tuy nhiên sự giải thích chính xác hơn lại theo một cơ chế phức tạp rằng nhiệt độ sinh ra sự cháy này không chỉ từ sự ma sát và phần lớn là từ phần khí bị nén mạnh ngay phía trước vật thể đang di chuyển cực nhanh gây ra theo định luật vật lý. Sự nén này đôi khi mang lại kết quả làm những sao băng lớn vỡ làm nhiều mảnh trước khi tan biến.

Độ sáng, độ dài, tốc độ, thời gian tỏa sáng và màu sắc của vệt sao băng tùy thuộc vào kích thước, vận tốc và thành phần cấu tạo của các vật thể. Màu thường gặp của sao băng là vàng đến cam, đôi khi xuất hiện những sao băng hiếm có ánh xanh lục, những sao băng lớn sáng rực như quả cầu lửa để lại một đuôi bụi kéo dài hoặc vỡ ra thành nhiều sao băng nhỏ hơn, người quan sát thường gọi những sao băng ấy là những fireball.
Một sao băng Leonids lớn(fireball) được chụp vào năm 2001(ảnh internet)Một sao băng Leonids lớn(fireball) được chụp vào năm 2001(ảnh internet)
Mưa sao băng là gì ?
Mưa sao băng là sự kiện xuất hiện nhiều sao băng trong 1 khoảng thời gian ngắn ( vài ngày hoặc vài chục ngày ). Mưa sao băng không có nghĩa là nhìn thấy sao băng nhiều …như mưa. Trong lịch sử thi thoảng có xuất hiện những trận mưa sao băng rất lớn với mật độ lên tới hàng nghìn sao trong 1 giờ. Tuy nhiên các trận mưa có mật độ cỡ khoảng 100 sao/ h đã là rất lớn và gây sự thích thú cho người quan sát.
Quan sát mưa sao băng như thế nào?
- Luôn chú ý đến thời tiết và lượng mây cũng như sương mù vì chúng là khắc tinh của sao băng cũng như bầu trời sao. Hãy chắc rằng bầu trời quang đãng hoặc gợn mây rất nhẹ, đừng phí thời gian quan sát với bầu trời đỏ rực đầy mây.

- Càng tránh xa ánh sáng đô thị bạn càng có thể trông thấy nhiều sao băng, đôi khi có thể ngỡ ngàng về tần số chúng xuất hiện.

- Nhớ chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho quan sát, kể cả áo khoác, găng, tất, mũ chống sương, kem chống muỗi, đồ ăn và thức uống nóng giàu năng lượng … nếu bạn có kế hoạch quan sát suốt đêm dài trong tiết trời đông này.

- Quan sát nhiều người sẽ rất vui nếu bạn chọn được một địa điểm cắm trại lí tưởng, Tuy nhiên hãy chú ý đến vấn đề an ninh và đảm bảo an toàn.
- Chú ý tâm điểm mưa sao băng ở một chòm sao không có nghĩa các sao băng luôn xuất phát từ đây, chúng có thể bất chợt xuất hiện ở những vùng lân cận đó, thậm chí rất xa, tuy nhiên nếu kéo dài tia sao băng thì chúng dường như có cùng một điểm gốc (tâm điểm).
- Mưa sao băng không có nghĩa là sao băng bay như mưa, bạn đừng trông đợi điều này. Tuy nhiên tần số xuất hiện sao băng khoảng dưới 1 phút có 1 sao băng là điều có thể. Lưu ý rằng đôi khi bầu trời rất im lặng trong thời gian dài đến hơn 15 phút nhưng có lúc vài sao băng thi nhau xuất hiện cùng lúc, điều này rất thường xảy ra và rất dễ làm chúng ta nản lòng .
- Nếu quan sát lâu bạn hãy dùng tấm lót hoặc tốt nhất là chiếu du lịch tìm chỗ ngã người ra để không gây mỏi khi quan sát. Một kinh nghiệm là bạn hãy nằm hướng chân về hướng tâm điểm để thấy được nhiều sao băng hơn.
- Rất khó để chụp ảnh sao băng bằng máy ảnh du lịch hoặc cả máy chuyên nếu bạn chưa có kinh nghiệm, nếu có hứng thú bạn hãy cùng HAAC trao đổi vấn đề này tại diễn đàn trước khi thực hành. Những điều cơ bản cho việc ghi hình sao băng thành công như “khẩu độ” mở lớn nhất, nhạy sáng cao, phơi sáng dài, ống kính trường rộng, tripod hoặc chân đế có nhật động … tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, quan trọng hơn cả là sự may mắn.
Nguyễn Tuấn - HAAC
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved