Home » » ĐỜI SỐNG HUYỀN BÍ CỦA CON NGƯỜI-P1

ĐỜI SỐNG HUYỀN BÍ CỦA CON NGƯỜI-P1

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012 | 21:53

ĐỜI SỐNG HUYỀN BÍ CỦA CON NGƯỜI
Tác Giả
ANNIE BESANT
Dịch Giả

BẠCH LIÊN và CAO THỊ LAN
















ĐỜI SỐNG HUYỀN BÍ CỦA CON NGƯỜI
(Ðời sống huyền bí của con người trong thế giới hữu hình và trong thế giới vô hình)
Vài lời nói đầu
Năm 1912, trong một loạt bài thuyết trình giữa công chúng, Ðức Bà A. Besant có đề cập đến những đề tài sau đây:
1.- Ðời sống của con người tại cõi trần – Ý nghĩa của sự chết.
2.- Ðời sống của con người trên cõi Trung giới và sau khi chết.
3.- Ðời sống của con người trên cõi Thượng giới và sau khi chết.
4.- Thể Trí, Tinh thần của con người và đời sống thiêng liêng.
Ðể cởi mở những thắc mắc của người đời vì những câu hỏi sau đây: “Tôi là ai? Tại sao tôi sanh ra ở cõi trần? Tôi thác rồi còn hay mất? Nếu còn tôi về đâu? Cõi nào? ” Mấy bài nầy kết hợp lại làm ra quyển Đời sống huyền bí của con người.
Những lời giải bày của Ðức Bà A. Besant tuy vắn tắt song rất rành rẽ và đầy đủ. Mặc dù là những đại cương, nhưng chúng nó rất hữu ích cho những người tìm chơn lý và những người mộ đạo; nhất là: Phương pháp biến đổi tánh nóng giận là tánh thông thường của người đời ra tánh kiên nhẫn, từ bi, mở trí thông minh, lấy ơn đáp oán, cùng là cách tư tưởng và cảm xúc truyền nhiễm con người. Ngoài ra còn có thể áp dụng phương pháp này vào sự đào luyện các tánh tốt khác mà con người muốn hoạch đắc nữa.
Quí bạn cũng biết được trạng thái của con người sau khi thác ở hai cõi Trung giới và Thượng giới, cùng là Tinh thần và đời sống thiêng liêng như thế nào?
Tôi chỉ nêu ra những điểm chính mà thôi, còn nhiều điểm khác rất cần thiết cho sự mở mang trí thức và sự tiến hóa của con người. Quí bạn đọc đến sẽ rõ.
Quí bạn nào muốn biết thêm chi tiết, xin xem bốn quyển sau đây:
1- Những thể của con người – L’homme et ses corps par A. Besant.
2- Chơn nhơn và những thể của nó – Le Soi et ses enveloppes par A. Besant.
3- Cõi Trung giới – Le plan astral par Leadbeater.
4- Cõi Thượng giới – Le monde céleste ou Plan mental par Leadbeater
và bốn quyển do ông A.E.Powell sưu tập:
1- Cái phách – Le double éthérique.
2- Cái Vía – Le corps astral.
3- Cái Trí – Le corps mental.
4- Thượng trí và Chơn nhơn - Le corps causal et L’Ego.
Có một điều mà tôi tưởng phải nhấn mạnh là các vị cao đồ của Chơn sư như Ðức Bà Blavatsky – A. Besant – Rukmini – và Ðức Ông Leadbeater – Jinarajadasa – Arundale – Sri Ram v.v… đều học hỏi trực tiếp các cõi Trời vì các Ngài đã mở được Huệ Nhãn.
Các Ngài xuất hồn qua cõi Trung giới và Thượng giới, quan sát nhân vật ở mỗi cảnh rồi lúc về nhập xác viết lại những điều mà các Ngài đã thấy.
Các Ngài theo dõi linh hồn các hạng người từ lúc sắp sửa bỏ xác cho tới khi về ở hai cõi Trung giới và Thượng giới. Các Ngài cũng xem xét sự sinh hoạt của họ ở hai cõi đó nữa.
Các Ngài tiến hóa đã cao cho nên không thể nào lầm lẫn như chúng ta vậy.
Những lời của các Ngài dạy dỗ đều do những sự kinh nghiệm của các Ngài đã thâu thập được trong đường Ðạo.
Tôi tin chắc rằng ai đem thực hành những phương pháp của Ðức Bà A. Besant chỉ bảo trong ba cuốn:
- Đời sống Huyền bí của con người,
- Trước thềm Thánh điện,
- Con đường của người đệ tử,
trong một thời gian không gián đoạn thì sẽ thấy tâm trí mình bắt đầu trở nên sáng suốt vì một góc màn vô minh đã vén lên, mình tự biết mình đã tiến tới được một vài bước.
Tôi đã chứng kiến mấy điều đó nhiều lần rồi cho nên không ngần ngại mà giới thiệu ba cuốn này với quí bạn thân mến.
Châu Ðốc, mồng một tháng bảy năm Giáp Thìn, nhằm mồng 8 tháng 8 năm 1964
BẠCH LIÊN
__________________________________________________________________________
ÐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI TẠI CÕI TRẦN
Ý NGHĨA CỦA SỰ CHẾT.
Nhiều người không thể nào tự cảm thấy sung sướng và thỏa mãn nếu họ không hiểu biết một cách thật rõ ràng và chắc chắn về bản thân mình và về thế giới bao quanh họ. Họ không an phận sống trong một thế giới khó hiểu với những sự việc xảy ra dường như nối tiếp nhau mà không lý do và cũng không phương giải thích. Khi nhận xét rằng hạnh phúc của mỗi người đều khác nhau không biết bao nhiêu, họ tự hỏi: «Tại sao mấy người này sinh ra để chịu đựng những sự đau khổ như thế đó, còn những người kia lại sống trong hạnh phúc và sang giàu». Luôn luôn những câu hỏi này được nêu lên, làm rối loạn tâm trí của con người ưa suy nghĩ. Tôi muốn trình bày với chư huynh hôm nay và trong hai tuần liên tiếp một lý thuyết về con người và về cuộc đời, có lẽ lý thuyết này sẽ giúp chư huynh hiểu rõ hơn về Bản thân mình và về thế giới xung quanh, và vì vậy mà chư huynh sẽ trở nên những người hữu dụng hơn. Ðó là mục đích của ba bài thuyết trình về cái đề tài rộng lớn này.
Tôi không muốn làm cho chư huynh tin chắc rằng tôi có lý; cái điều hệ trọng trong những gì mà tôi sắp nói ra đây, là việc khuyến khích chư huynh suy nghĩ. Tôi không yêu cầu chư huynh chấp thuận một lý thuyết đã có sẵn, nhưng chỉ xin chư huynh ngẫm nghĩ về các luận cứ mà tôi đưa ra đây. Theo cách đó, chư huynh sẽ tạo lấy cho mình một quan niệm, chư huynh sẽ khêu gợi đến trí thông minh của mình và sẽ đi đến một sự kết luận nó làm chư huynh hài lòng, vì chư huynh đã nghĩ ra nó, nó sẽ hướng dẫn cuộc đời của chư huynh, vì chính là do những tư tưởng của chư huynh mà chư huynh kết luận như thế.
Trước hết chúng ta hãy nhận xét về giá trị của một sự hiểu biết như thế. Sử dụng được sự hiểu biết này, ấy là có đủ tài năng điều khiển đời sống của mình thay vì để cho nó trôi giạt bình bồng, giống như nhiều người trong chúng ta đây đã sống. Ấy là có đủ tài năng nhìn thấy mục đích và lựa chọn con đường của mình đi. Ấy là lần lần làm chủ tinh thần và thể xác, và thức tỉnh, không những trong cõi Trần này, mà còn ở cả trong những cảnh giới liên quan với cõi Trần, những cảnh giới mà chư huynh sẽ đến sau khi chết, lúc chư huynh cởi bỏ xác thân. Tất cả chư huynh đều sống trong ba cõi: sống một cách thức tỉnh trong cõi Trần, và sống một cách tiềm thức [1] ở hai cõi khác, như khoa tâm lý học kim thời thường nói; chư huynh đã biết rõ cõi Trần ở xung quanh chúng ta đây: tại cõi Trần, chư huynh hành động, những cảm xúc của chư huynh được biểu lộ ra, những tư tưởng của chư huynh luôn luôn hoạt động. Tôi sẽ chỉ cho chư huynh thấy rằng có một cảnh giới hay một Cõi tương ứng với những cảm xúc, tự cõi này phát sinh ra những cảm xúc biểu lộ ra nơi xác thân; còn có một Cõi hay một Cảnh giới khác của tư tưởng phát sinh ra những sự kích thích biểu lộ nơi khối óc hồng trần. Hiện nay chư huynh sống một cách tiềm thức trong Cảnh giới của tình cảm và tư tưởng. Theo đà tiến hóa tự nhiên “Tiềm thức” sẽ trở thành “Có ý thức”. Ðiều gì mà hiện nay chư huynh cảm thấy một cách mơ hồ, sau này rồi sẽ trở nên phân minh, xác thực, có mạch lạc. Ðiều này không phải chỉ là một lý thuyết suông vì một vài người trong chúng ta đã tự ý thúc đẩy sự tiến hóa của mình, và cái điều trước kia là tiềm thức nay bỗng trở nên có ý thức, tức là sự hiểu biết vậy.
Đó là cái đề tài mà tôi bàn với chư huynh. Hôm nay chúng ta nói đến cõi Trần, cõi quen thuộc nhất đối với chư huynh; chư huynh sẽ hiểu được làm sao những Cảnh giới của Tình cảm và của Tư tưởng nhờ xác thân mà biểu lộ được trong cõi Trần. Chủ nhật sau, chúng ta sẽ biết trong giấc ngủ, sau khi rời bỏ xác thân, chư huynh sống và thức tỉnh trong Cảnh giới của tình cảm như thế nào, nghĩa là cái Cảnh giới mà chư huynh bước qua liền sau khi từ trần. Tới kỳ hội hợp thứ ba, tôi sẽ chỉ cho chư huynh thấy tại sao Cảnh giới của tư tưởng thật là cõi Thiên Ðường, cõi này con người sau khi bỏ xác phàm và sau khi lìa bỏ cõi Trung giới sẽ vào đó. Ðây chỉ là một sự phác họa đơn sơ cái con đường mà tôi hy vọng đặt chư huynh đi tới đó bằng cách trình bày những sự việc với chư huynh và để chư huynh tự do đánh giá chúng.
Một khi làm xong được việc này rồi, tôi hy vọng đã chứng minh được với chư huynh rằng khoa học và môn tâm lý học hiện thời đã bắt đầu nhìn nhận sự thâm nhập của hai cõi Trung giới và Thượng giới vào cõi Hồng trần và đang cố gắng tìm hiểu những gì phát sinh tự cái miền mà chúng gọi là “Tiềm thức”. Hai môn học này hiểu rõ cái sức mạnh của tiềm thức, nhìn nhận cái động lực lớn lao này nó thỉnh thoảng lại nổi sóng gió, hủy phá tan tành những gì mà chúng ta gọi là lẽ phải hay những cảm xúc thường tình. Khi nghiên cứu khoa học tâm lý học kim thời, chư huynh sẽ thấy tỏ rõ một vài sự việc trước kia coi dường như là tối tăm khó hiểu mà tôi sắp giải bày trước chư huynh đây. Tôi hy vọng thành công trong việc khuyên chư huynh nên nghiên cứu về đề tài này, một đề tài hứng thú nhất đối với tâm trí con người. Ði theo con đường này, người ta sẽ hoạch đắc được một quyền lực, một sức mạnh, một sự kiên nhẫn mà không một phương nào khác khai mở cho bằng được.
Ai đã học được cái cách sống và thức tỉnh, viên mãn trong ba cảnh giới, ai đã xét đoán được những mối tương quan giữa Cõi hữu hình với Cõi vô hình, biết lựa chọn những sự việc quan hệ và những sự việc không quan hệ, phù phiếm vô giá trị, thì người đó đã phân biệt được cái Chơn với cái Giả rồi vậy. Khi cánh cửa của sự tử vong mở rộng ra trước mặt y – tôi e rằng đối với đa số chúng ta, những cánh cửa tử này dắt đến cõi lạ đầy những sự bí mật, và vì vậy mà người ta mới kinh sợ nó – thì y có thể bình tĩnh bước qua cửa tử một cách dạn dĩ, một cách can đảm không hề bị nao núng. Y chỉ để lại phía sau mình cái phần thô kệch nhất của bản thể mình, tức là xác thân y, rồi với những tình cảm và tư tưởng giống hệt như khi còn sống, y đi đến những miền quen thuộc chứ không phải xa lạ nữa, nó không phải là một miền kinh khủng, mà là một miền đầy hứa hẹn.
Đó là đại cương của cái đề tài mà tôi cố gắng trình bày với chư huynh. Ðể khởi đầu, tôi phải đưa ra một tư tưởng mà dường như chư huynh khó lòng chấp thuận được lúc này hơn là tất cả những điều tôi sẽ nói với chư huynh sau này. Dù chư huynh là tín đồ Cơ Ðốc Giáo hay chư huynh là người Ấn Ðộ, điều này không quan hệ gì, chư huynh hãy suy nghĩ trong một lúc đến tất cả những gì mà tôn giáo của mình đã dạy về Bản thể của Thượng Ðế. Tôi xin chư huynh nhớ lại điều đó, vì con người được tạo thành giống như hình dáng của Thượng Ðế, như một đoạn văn rất hay của Thánh Kinh thần bí Hy Bá Lạp (Hébreux) đã nói: «Ðức Thượng Ðế sinh con người ra giống như hình dạng của Ngài vậy, vĩnh cửu, trường tồn» [2]. Con người phản chiếu Ðức Thượng Ðế trong lương thức của nó. Vì khoa Thần học không phải là hoàn toàn xa lạ đối với chư huynh, cho nên chư huynh sẽ dễ dàng mà theo dõi tư tưởng của tôi, nếu chư huynh suy nghĩ đến cái điều mà tôn giáo của chư huynh chỉ dạy về Bản Chất Tam thể của Thượng Ðế và hiểu được ý nghĩa của chơn lý này khi Bản Chất này phản chiếu nơi con người với tư cách là Tinh Thần. Những ai có một khối óc triết lý sẽ suy nghĩ về Thượng Ðế chia làm Ba ngôi trong lương thức của Ngài. Chư huynh là người Ấn Ðộ từng biết rõ danh từ Sat-Chit-Ananda miêu tả Ba ngôi, Ba trạng thái của Thượng Ðế duy nhất, hay là Ðấng Tối Cao: Ấy là Sự Sống (sat), Sự Hiểu Biết (Chit) và Chí phúc (Anada). Vài người từ Tây Phương đến đây sẽ nhớ đến cái đoạn văn hùng hồn của Dante nói về đấng Duy Nhất mà “oai quyền và sự hoạt động chỉ là một.” Tôi cũng xin chư huynh nhớ lại thuyết Ba ngôi trong Cơ Ðốc Giáo và trong Ấn Ðộ Giáo. Khi nhận xét về Ba ngôi này, chư huynh hiểu ngay rằng đây là Ba Trạng Thái của Thượng Ðế hữu hình, nghĩa là được nhân cách hóa.
Đó là trạng thái cao cả của Thượng Đế, Ngài biểu lộ ra như là sự hoạt động có tính sáng tạo, ban phát sự sống cho mọi sinh linh, Ngài là nguồn cội duy nhất của sự sống và của sự sinh tồn. Người Ấn Độ gọi Ngài là Ngôi thứ ba của Đức Thượng Đế, Đức Brahma, ngự trên những làn nước của vật chất. Các tín đồ Cơ Ðốc Giáo gọi Ngài là Đức Chúa Thánh Thần, Tinh thần của Chúa bay trên mặt nước bao phủ cả vũ trụ mà Ngài đã tạo lập ra.
Bây giờ, chư huynh hãy nghĩ đến Ngôi thứ hai đối với những người Ấn Độ, thì đó là Đức Vishnou, nguồn cội của mọi Minh Triết Tình Thương vô bờ bến bảo tồn vũ trụ. Ðối với những tín đồ Cơ Ðốc Giáo, đó là Ngôi thứ hai oai hùng, con của Ðức Chúa Cha, mà họ gọi là Chúa Ki Tô (Christ) và hết lòng tin tưởng.
Rồi đến Đấng Tối Cao; những tín đồ Cơ Ðốc Giáo gọi Ngài là Đức Chúa Cha, chính Ngài là Ananda, Mahadeva, mà đặc tính là Oai quyền; vì chỉ ở nơi nào uy quyền được kính trọng tuyệt đối thì chỗ đó mới an hưởng được cảnh thanh bình của Trời ban cho. Cảnh hỗn loạn xảy ra khi có chỗ nào hoảng hốt kinh sợ, nhưng đối với Thượng Ðế toàn năng, không bao giờ có một sự sợ hãi nào cả và vì vậy mà sự an lạc vô biên không bao giờ bị một vật gì ở ngoài đến quấy rối được, bởi vì không có một cái gì có ra đây mà không phải ở trong bản thể của Ngài.
Ðó là những điều mà chúng ta học được về Bản thể của Thượng Ðế và cũng là tất cả những gì mà Trí nông cạn của chúng ta có thể hiểu được: một đơn vị chia làm Ba ngôi: Quyền năng, Minh Triết Bác Ái cùng là sự Hoạt động Sáng Tạo.
Tinh thần con người được tạo nên giống như hình ảnh đó. Quyền năng của Đấng Tối Cao tự biểu lộ nơi ta thành Ý chí. Minh Triết Bác Ái của Đấng Tối Cao trở thành sự Khôn Ngoan và lòng Từ Ái nơi ta. Sự Hoạt Động Sáng Tạo của Ngài được biến thành Trí khôn và nhờ Trí khôn này chư huynh làm cho vật chất có hình hài. Khi Trí khôn này tự hiện ra dưới cái hình thức cao cả của Thiên Tài, thì nó khiến cho họa sĩ ghi được trên khung vải những bức họa tuyệt đẹp tồn tại mãi với thời gian; nó cảm hứng nhạc sĩ giúp y tìm được cung giai tiết điệu tuyệt vời, nó khiến cho nhà điêu khắc gọt đẽo tảng đá hóa thành một pho tượng có hình dáng đẹp đẽ nẩy sinh ra tự trong tư tưởng của y. Con người thật là cao cả và những khả năng của y thật là rộng lớn biết bao; vì Tinh thần con người là một điểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế. Tôi không cần nhắc lại với chư huynh cái câu người ta đã dạy người Ấn Độ: «Ngươi chính là Đức Phạn Vương Brahma» và người Cơ Ðốc: «Các ngươi há lại không biết rằng thân thể các ngươi là đền thờ Ðức Chúa Trời và Tinh Thần Ngài đang ngự trong mình các ngươi sao». Những tiềm lực của mầm giống thiêng liêng cao cả đến nỗi khi ta phát triển chúng bằng một phương pháp tinh luyện không ngớt thì cuối cùng tất cả mọi người sẽ được toàn thiện như “Ðức Chúa Cha ở trên trời trọn lành vậy”. Đó là Tinh Thần dưới Ba Trạng Thái Ý chí, Minh Triết và Trí Tuệ; đó là một điểm mà tôi xin chư huynh nên nhớ; chúng ta sẽ không có thì giờ mà nhắc lại, vì đề tài quá ư rộng lớn.
Nhiều người trong chư huynh đã quen thuộc với cái ý niệm rằng con người chia ra làm ba phần: Xác thân, Linh hồn và Chơn Thần. Chơn thần của Thượng Đế [3] ngự ngay ở trên đầu con người, và cái phần của lương thức của nó nhập vô xác thịt thì được gọi là linh hồn, danh từ này rất đúng nếu nó được hiểu cho trúng cách.
Sự phân chia con người ra làm ba phần này do Thánh Paul đề xướng. Chúng ta nhớ lấy. Chơn thần thì “bất sinh bất diệt, trường tồn, vĩnh cửu, vô thủy, vô chung”. Nó bay là là ở phía trên xác thân chứ không phải nó ở hẳn trong đó, và cái phần của Chơn thần nhập vô xác, cái lương tri, cái sự sống thì gọi là linh hồn; tôi cũng dùng cái danh từ Linh Hồn này. Như thế, chúng ta có Tinh Thần Ðức Thượng Ðế trong con người, phưởng phất ở trên đầu, cố gắng đem về với mình cái bản thể thấp hèn; Linh hồn là cái phần Tinh thần nhập vô xác thịt, và vì vậy cho nên thường thường hãy còn bị mù quáng, điên cuồng và bất lực; xác thân, cái lớp vỏ vật chất (dù nó thuộc về loại nào, điều này cũng không quan hệ) mà Linh hồn khoác vào mình như một lớp y phục để tiếp xúc với cõi đời là trường tiến hóa của nó. Vì cũng giống hệt như một hạt giống đem gieo xuống đất và không thể nào mọc thành cây nếu không có đất, hạt giống thiêng liêng đem vùi sâu dưới miếng đất của kinh nghiệm của con người để có thể phát triển những quyền năng tiềm tàng của mình.
Cái tinh thần phân làm Ba Ngôi này, hoạt động như một Linh hồn trong xác thân làm đầy đủ nhiệm vụ của mình theo ba đường lối. Nó tác động như Trí khôn. Chư huynh đã biết rõ quyền năng của tư tưởng, đó là đặc tính của con người, quyền năng này sử dụng cái chất mà giáo sư Clifford đã gọi rất đúng là “Chất khí tư tưởng’’ [4] . Kế đó, Tinh thần lại tác động trong chất khí tình cảm [5] và đến lượt thứ ba, nó tác động trong Vật chất Hồng trần.
Chất khí tình cảm là chất khí mà những mối cảm xúc của chư huynh làm cho rung động lên. Không một mãnh lực nào có thể tác động nếu không có một thứ vật chất làm trung gian giúp nó biểu lộ ra. Các khoa học đều chứng minh điều đó với ta. Một câu châm ngôn mà nhiều người biết, nói rằng: «Không sức mạnh nào mà không có vật chất, cũng như không vật chất nào mà lại không có sức mạnh». Vậy thì mỗi quyền năng trong ba quyền năng của con người cần có một khung cảnh vật chất làm trung gian để biểu lộ sự hoạt động của mình. Đối với Trí khôn, Linh hồn dùng một vật chất mà ta gọi là chất khí tư tưởng; những tình cảm, sự vui mừng hay sự đau đớn tự biểu lộ nhờ một thứ vật chất mà ta gọi là chất khí tình cảm cũng gọi là chất thanh khí của cái Vía, vì những mối cảm xúc sử dụng nó để tự diễn đạt. Sau chót, vật chất hồng trần cũng cần thiết để cho con người có thể tác động trong Cõi Trần là nơi y đang sống; vì thường thường, chư huynh không thể dùng tư tưởng mà tạo ra một hành động được, và dời đổi vật chất tại cõi Trần. Tôi không nói rằng điều này không thể làm được nhưng người tầm thường làm không nổi. Muốn dùng ý chí làm cho vật chất hoạt động thì con người phải có xác thân. Vậy thì xác thân là công cụ của ý chí để làm ra sự hành động. Cũng giống thế, thể Vía là dụng cụ của những mối cảm xúc, và thể Trí là dụng cụ của sự khôn ngoan. Bây giờ thân thể của chư huynh làm bằng chất khí tư tưởng, chất khí tình cảm và chất khí hồng trần cũng chỉ là một dụng cụ, một bộ phận của một cái máy; nó không phải chính là con người thiệt thọ, vì Con Người thiệt thọ là Tinh thần chia làm ba Ngôi, hình dáng của Thượng Ðế như tôi đã nói trước đây.
Nếu chư huynh xem xét xác thân, chư huynh hãy nghĩ đến nó trong một lúc như là gồm có hai phần giống y như hai bộ phận của một cái máy mà chư huynh thấy trong nhà in chẳng hạn. Chư huynh gặp một bản in bất động. Chư huynh nói: «Tôi có một bộ phận phát động và một bộ phận phát điện, tôi cho máy chạy và máy làm việc». Cũng giống như thế, xác thân chư huynh cũng có hai bộ phận đó với mình. Máy phát động của nó [6], chính là sinh lực tác động trong dĩ thái, còn máy của nó, chính là xác thân dày đặc mà chư huynh có thể nhìn thấy, sờ mó được, lấy giác quan mà biết được. Nhờ sự so sánh mượn ở cơ giới, sự phân chia xác thân trở nên dễ hiểu. Thân thể của chư huynh là một cái máy hết sức hoàn hảo, tuyệt đối thích nghi và có một bộ phận phát động, còn xác thân dày đặc là cái máy.
Máy này vâng lời Linh hồn phân làm ba ngôi của con người trong những bộ phận khác nhau mà chư huynh đã quen thuộc. Chư huynh có một khối óc và một thần kinh hệ. Ấy là bộ phận của dụng cụ thuộc về tư tưởng. Tư tưởng của chư huynh cảm đến cái óc và thần kinh hệ. Bộ phận này gọi là não tủy hệ, nhờ dụng cụ này chư huynh mới suy nghĩ được. Rồi đến cái phần gồm các hạch, liên quan đến một thần kinh hệ khác gọi là giao cảm thần kinh hệ, đó là dụng cụ của những mối cảm xúc. Rồi đến những bắp thịt là dụng cụ cần cho sự hoạt động; Ý chí nhờ những dây thần kinh mà bắt các bắp thịt làm việc.
Ðó thiệt là tất cả những gì mà chư huynh cần biết về xác thân để có thể hiểu được một cách trọn vẹn đề tài mà tôi sắp trình bày với chư huynh.
Sự khác biệt căn bản giữa nam và nữ là do ưu thế của não tủy hệ hay giao cảm thần kinh hệ. Ở một người nam tầm thường bực trung bình, khối óc và não tủy hệ làm chủ cơ thể. Ðó là cái điều mạnh nhất nơi y, cái nét đặc biệt của nam tính. Ở nơi người nữ, chính những hạch và giao cảm thần kinh hệ làm chủ. Ðó là sự khác biệt căn bản mà không có định luật nào làm cho thay đổi được, và công việc của người nam hay nữ làm trong xã hội phải được căn cứ trên sự khác biệt tự nhiên và không hề thay đổi này: sự khác biệt giữa nhiệm vụ của người cha và người mẹ do sự cấu tạo khác nhau của thân thể. Ở người cha, khối óc chiếm ưu thế, ở người mẹ, những cảm xúc cùng với tất cả những gì nuôi dưỡng những cảm xúc đó ngự trị. Sự hiểu biết như thế rất hữu ích để phân xét đứng đắn về những vấn đề hiện tại và sử dụng trọn vẹn những hoạt động của nam giới và nữ giới; một quốc gia sẽ được cả phái nam lẫn phái nữ phụng sự, và mỗi bên làm việc trong phạm vi của mình.
Khi nghiên cứu như thế về con người, ta thấy nó chia ra làm ba phần rõ rệt.
Tôi đã dùng danh từ Tiềm thức. Chư huynh nhận thức được cái công việc của trí khôn mình và của thần kinh hệ; công việc này thuộc về trí khôn chư huynh khi chư huynh không ngủ, đang thức đây. Chư huynh không nhận thức được (trừ khi theo cái nghĩa của Tiềm thức) cái công việc làm của trí khôn trong chất khí tư tưởng nơi đó trí khôn luôn luôn làm việc, chỉ thỉnh thoảng người ta mới nhận thức được cái công việc đó, thí dụ trong trường hợp của Thiên tài. Lát nữa tôi sẽ trở lại vấn đề này. Ðối với những mối cảm xúc thì cũng vậy. Chư huynh biết rằng thỉnh thoảng những mối cảm xúc của mình ảnh hưởng đến cái xác thân một cách rõ rệt. Chư huynh buồn rầu nhiều, trái tim ngưng lại. Trái tim là một bắp thịt chứ không phải là một cái hạch, và nó ngừng lại là do ảnh hưởng của một dây thần kinh của giao cảm thần kinh hệ, dây này đi thẳng đến trái tim. Có hai dây thần kinh; một dây khiến cho trái tim đập, còn một dây khác qui định sự hoạt động của tim. Thí dụ trái tim ngưng đập thì sự gì đã xảy ra. Sự đau đớn đã gây nên mối cảm xúc, cảm xúc này kích thích một trong hai sợi dây đó, cho đến nỗi dây thần kinh này khiến cho bắp thịt của trái tim co rút lại, và trong một chốc lát trái tim ngừng đập.
Thỉnh thoảng sự sợ hãi cũng khiến cho trái tim ngừng đập hay đập mau. Ðiều này hoàn toàn tùy thuộc dây giao cảm thần kinh bị động. Nếu đó là sợi dây thần kinh điều khiển những tiếng đập của trái tim, thì máu chảy dồn về, sẽ khiến trái tim đập nhanh hơn, còn sợi dây thần kinh thứ hai thì bị tê liệt. Nhưng những mối cảm xúc luôn luôn có ảnh hưởng đến giao cảm thần kinh hệ và những dây giao cảm thần kinh thì ảnh hưởng đến trái tim, đến bộ máy tiêu hóa, đến những hạch và những bắp thịt – dù là ở nơi trái tim hay ở khắp bộ máy tiêu hóa – và do những giao cảm thần kinh mà ảnh hưởng đến những hạch hay bắp thịt trong cơ thể. Những giọt lụy là gì, nếu không phải là nước do hạch của con mắt tiết ra, khi hạch này bị một dây thần kinh kích thích vì một sự cảm xúc nào đó. Những sự nhận xét này rất hữu ích để ta biết được rằng trí khôn luôn luôn ảnh hưởng đến xác thân một cách nhất định cũng như những mối cảm xúc và những bắp thịt do ý chí sai khiến là cái phần của thân thể dùng để làm di chuyển đồ vật. Ý chí phải cần đến sự giúp đỡ của bắp thịt thì mới phát sinh được sự hành động. Sự tác động của tiềm thức thuộc về cảm xúc hay tư tưởng có thể đem biểu lộ trong đời sống có ý thức được, tôi sẽ nói về điều này khi tôi đề cập tới đời sống của con người trong cõi Trung giới. Hiện giờ đây ta chỉ cần nhận thấy rằng ta có một dụng cụ để cho ý chí, trí khôn và những cảm xúc sử dụng, và chúng ta biết rõ những phần của xác thân tương ứng với ba loại tiếp xúc ấy.
Bây giờ ta hãy nói về Thiên tài. Thiên tài là sự hành động bình thường của trí khôn trên cảnh giới đặc biệt của nó, nó tác động chớp nhoáng trên khối óc, khối óc ở trong “trạng thái gọi là không quân bình” [7]. Chư huynh hiểu rõ như thế là nghĩa gì. Chư huynh có thể tưởng tượng một vật nào đó bị dính cứng và đứng sửng, nếu người ta đẩy nó thì nó nhúc nhích rồi tức thì nó lại trở về ngay vị trí cũ. Hay là chư huynh có thể xem xét một vật, vì bị đẩy tới nên bắt đầu lắc lư, nó lắc qua lắc lại như vậy mãi, nó có thể bị ngã xuống hay lần lần trở về trạng thái không nhúc nhích như cũ. Chính cái trạng thái không ổn định của khối óc khiến cho tinh thần có dịp tự biểu lộ thành thiên tài. Ðó là cái trạng thái mà Shakespeare đã đề cập tới khi ông nói: «Những bậc Thiên tài thì giống như những kẻ điên khùng». Có sự thật trong lời nói này, nhưng không phải hoàn toàn đúng với chơn lý đâu, nó có nửa phần chơn lý thôi. Vì khối óc của người thiên tài luôn luôn không quân bình, lý do là y đi trên con đường tiến hóa tối cao. Người mà ta gọi là bậc Thiên tài vượt đến những mức cao nhất của trào lưu tiến bộ của con người. Khối óc của y phát triển và tiến hóa nhanh chóng, những tế bào sinh sôi nẩy nở, những tế bào của cái óc luôn luôn đâm ra những rễ mới và những nhánh nhóc mới ra tứ phía. Nơi nào có sự sống và sự hoạt động, thì nơi đó có sự thiếu quân bình. Ðối với những tư tưởng tầm thường của mỗi ngày thì một khối óc mất một chút quân bình cũng đủ rồi. Cuộc sống tầm thường hằng ngày không đòi hỏi ở ta những khả năng trí thức cao cả, nhưng nếu chư huynh bắt đầu suy nghĩ về một đề tài khó khăn mờ mịt, nếu chư huynh bắt đầu bắt buộc khối óc mình hiểu một điều cao hơn khả năng trí óc tầm thường của mình, thì lúc đó sẽ có một sự căng thẳng chứng tỏ rằng chư huynh bắt khối óc làm một công việc bất thường. Trong trường hợp này cần phải thận trọng đừng để cho một sự phát triển quá nhanh chóng làm mất quân bình.
Và trong câu nói quả quyết của Lombroso có những điều sau đây là đúng. Có hai trạng thái mất quân bình: sự mất quân bình vì phát triển nhanh chóng và sự mất quân bình vì bệnh tật, trụy lạc; trường hợp trên là thiên tài, trường hợp dưới là sự điên khùng. Trường hợp trên chứa đựng một mối hy vọng cho tương lai, trường hợp dưới là sự cằn cỗi và sự trở về vật chất vô cơ. Khối óc của người điên khùng thiếu quân bình, đúng vậy, nhưng trạng thái này phát sinh do một tỳ vết, một vết thương hay là một sự suy nhược. Khối óc bậc có thiên tài mất quân bình vì nó tiến hóa nhanh đến nỗi mỗi ngày lại thấy một quyền năng mới mẻ nẩy nở; linh hồn tiếp cho khối óc một sức mạnh mới. Đối với các vị Giáo chủ của những tôn giáo lớn, những bậc thiên tài đạo đức thì cũng thế. Khối óc của họ rất tinh tế, mong manh, mất quân bình theo chiều hướng tiến hóa chứ không phải theo chiều hướng của bệnh tật. Những luồng sóng thần lực của những cảnh giới cao siêu nâng họ lên cao; sự hiểu biết siêu hình bủa rải xuống họ như nước chảy. Nguồn linh cảm thấm vào người họ và nhấc họ lên khỏi trạng thái bình thường, làm cho lời nói của họ hùng hồn và tư tưởng của họ cao siêu. Tất cả những tôn giáo đều nhìn nhận có những người như vậy. Họ tiết lậu những điều mà chúng ta không trông thấy, họ là những người được linh cảm trong mỗi tôn giáo. Lombroso nói rằng những người này cũng là điên khùng vậy. Nếu thiên tài và linh cảm đạo đức chỉ là sự điên khùng, thì cầu Trời cứ gởi những người điên khùng như vậy đến với chúng ta. Chúng ta sẵn sàng đem một triệu khối óc tầm thường mà đổi lấy một khối óc nhờ nó mà Ðức Thượng Ðế có thể hiện ra với chúng ta, vì chúng ta là những kẻ đui mù đây. Làm sao có thể tránh được sự nguy hiểm khó khăn mà nhà bác học đã chứng minh rõ ràng. Xứ Ấn Ðộ có cho ta một phương pháp khiến bộ óc con người cảm thụ lẹ làng mà tránh được sự nguy hiểm là sinh ra tính nóng nảy dữ dội, triệu chứng đầu tiên của bệnh thần kinh. Phương pháp này là pháp môn Yoga. Giờ đây, tôi nhận xét pháp môn Yoga về phương diện luyện tập xác thân nhiều hơn là về phương diện luyện trí của nó. Theo lý thuyết của Pháp môn Yoga thì con người là một Tinh Thần ở trong một thể xác. Bình thường thì Tinh Thần này không cảm đến xác thân bao nhiêu, nhưng nếu chư huynh luyện tập cho xác thân mình trở nên nhạy cảm, thì khi đó Tinh Thần có thể sử dụng nó như một nhạc khí và những khúc nhạc du dương sẽ nổi lên, những khúc nhạc thần tiên chứ không phải những khúc nhạc Hồng Trần. Những nhà hiền triết định nghĩa khoa Yoga là sự hợp nhất, sự hợp nhất với Thượng Đế. Họ nói rằng: Chư huynh phải tập luyện xác thân. Xác thân của người thường chưa chuẩn bị để thu nhận những luồng thần lực của đời sống cao siêu, chúng sẽ làm cho xác thân đó tan tành ra từng mảnh. Trước khi kêu gọi thần lực tuôn xuống, chư huynh phải chuẩn bị xác thân mình để tiếp nhận nó. Ðể đạt được mục đích đó, người ta đưa ra một phương pháp liên quan đến thức ăn, giấc ngủ và sự tinh luyện xác thân; phương pháp này không làm hại cho sức khỏe, sẽ khiến cho xác thân nhạy cảm hơn rất nhiều, dễ thụ cảm hơn xác thân của người thường. Rồi người ta khuyên phải tham thiền. Do sự tập trung tư tưởng, tinh thần trụ vào sự vật duy nhất và khối óc bị bắt buộc tuân theo kỷ luật đó. Những tín đồ Cơ Ðốc Giáo La Mã cũng luyện theo phương pháp này và lẽ tự nhiên những vị xa lánh trần tục biết cách công phu này nhiều hơn. Những người ngoài đời cũng áp dụng nó để huấn luyện cái trí họ biết vâng lời và khối óc họ được nhạy cảm. Kỷ luật rất khắc khổ cho nên nhiều người không màng giữ giới. Tuân theo kỷ luật này thì không được ăn thịt, vì ăn thịt làm cho xác thân thô trược; xác thân phải nhẹ nhàng, thanh bai, tinh tế, nhạy cảm; không được uống rượu – dưới bất cứ hình thức nào – vì đó là một thứ thuốc độc đối với vài bộ phận của khối óc, những bộ phận mà chư huynh phải sử dụng đến khi tham thiền. Vậy nên tuyệt nhiên cấm uống rượu. Tất cả những cơ năng của sự sống phải được quy định. Không được ngủ nhiều quá hay ít quá. Ngủ nhiều sinh trì trệ, chậm chạp, ngủ ít thì thần kinh sẽ bị kích thích, dễ nổi giận. Khoa Yoga là một phương pháp quân bình tuyệt hảo. Nó có tính cách hoàn toàn khoa học và phải đạt được mục đích vì nó có căn bản nơi những định luật của thiên nhiên. Nhưng nó đòi hỏi nhiều năm thực hành siêng năng trước khi thành công; khi thành công rồi và khi mà xác thân trở nên nhạy cảm, thì lúc đó chư huynh có thể vững tâm mở cửa cho Tinh Thần đi vô và đón tiếp Nó trong đền thiêng tức là cái xác thân mà chư huynh đã tinh luyện để phụng sự Nó. Lúc đó đời sống trở nên có ý thức ở trong tất cả cảnh giới, và những giác quan siêu việt nhất cũng được phát triển dễ dàng như các giác quan thường. Xác thân là cái dụng cụ hoàn hảo nhất của chúng ta, vì nó là cái dụng cụ đầu tiên và tiến hóa nhất, những thể khác (Vía, Trí) còn đang tiến hóa, ta có thể dùng khoa Yoga mà thúc đẩy sự tiến hóa này. Xác thân ta là một dụng cụ có thể phát triển để ứng đáp với những hoài vọng cao cả nhất. Chỉ những điều kiện là khắc khổ; cũng giống thế, tất cả những định luật của thiên nhiên đều không thể cưỡng lại, không thể vi phạm. Nếu chư huynh làm đầy đủ những điều kiện thì thiên nhiên sẽ ứng đáp với chư huynh, không làm đủ những điều kiện thì không bao giờ chư huynh hoạch đắc được những mãnh lực đó, vì định luật luôn luôn bất biến, nó là sự biểu lộ của Thiên ý vậy. Tới đây chúng ta hãy ngừng lại ở ý niệm này trong giây phút.
Sự chết là gì? Nếu tôi trở lại với sự so sánh ở lúc đầu, đó là bộ máy phát động đã rời bỏ toàn thể cái máy lớn, không hơn không kém; bộ máy phát động (cái phách) gồm những phần thanh bai tế nhị nhất trong thân thể ta, nó do những dĩ thái hồng trần cấu tạo ra, trong đó tất cả sức mạnh của sinh lực tác động và nhờ đó mà cái phần dày đặc là xác thân chuyển động, cảm xúc, tư tưởng, và sống; cái bộ máy phát động này để lại phía sau mình nó cái xác thân thô trược. Sự chết chỉ là thế mà thôi, nó không đá động gì đến cái Bản thể thiệt thọ của chư huynh, nó chỉ ngăn cách chư huynh với cái xác thân trong đó chư huynh đã từng sống, cái xác thân mà chư huynh đã lìa bỏ mỗi đêm trong giấc ngủ, vì thế cho nên sự chia lìa này không phải là mới mẻ lạ lùng đối với chư huynh. Xác thân là một cái áo mà chư huynh đã cởi bỏ khi về đến nhà; sự chết chỉ là liệng bỏ một cái áo không cần thiết nữa, vì nó không còn có thể ứng đáp với những nhu cầu của Tinh Thần. Tinh Thần này mới là con người thiệt thọ; thế mà người ta lại sợ chết . . . Nhưng cái lớp áo bên ngoài, cái xác thân này có một điều rất ích lợi nếu chư huynh muốn học tập cách sử dụng nó. Nó có tính cách tự động, chư huynh có thể sai khiến nó làm đúng điều gì mà chư huynh muốn; với một chút kinh ngiệm chư huynh sẽ sử dụng được tính tự động của xác thân để đi đến mục tiêu mong muốn. Thí dụ chư huynh thấy rằng xác thân chư huynh chống cự lại nếu chư huynh bảo nó hành động theo một đường lối nào đó; vậy chư huynh hãy làm cái việc đó một cách đều đặn; rồi sự thực hành này sau sẽ trở thành một thói quen, và khi thói quen này đã trở nên hoàn toàn rồi thì xác thân sẽ làm việc đó một cách tự động máy móc. Trong khi chư huynh ai đã chơi dương cầm hay Vi na (đàn Ấn Ðộ) đều biết rằng trong khi tập đàn lúc đầu, người ta phải chú ý đến mỗi cử động, phải chú ý khi ngón tay khảy dây đàn hay bấm nốt đàn trên phím. Nhưng sau này, khi đã tiến tới, không cần chú ý điều khiển những ngón tay nữa, chúng tự động. Chư huynh không cần phải nghĩ đến những ngón tay thuần thục của mình nữa; tính tự động của xác thân đã khiến chư huynh có thể để cho những ngón tay tự chúng làm cái công việc mà chư huynh đã dạy chúng.
Không có một thói xấu nào mà người ta lại không có thể diệt trừ bằng cách sử dụng Ý chí một cách liên tục. Nếu một tư tưởng xấu xa cứ ám ảnh mãi tâm trí chư huynh và nếu chư huynh không muốn như vậy, chư huynh hãy xua đuổi nó đi và lấy một tư tưởng tốt lành mà thay thế nó. Dần dần tính tự động của khối óc sẽ giúp chư huynh và sẽ thay thế chư huynh mà hành động. Chư huynh hay nóng giận, lời nói cộc cằn từ miệng cứ thốt ra mãi; chư huynh hãy bắt cái miệng mình làm thinh. Đừng bao giờ nói mà không suy nghĩ trước. Trong vài tuần lễ, điều này làm cho chư huynh bực bội, khó chịu, rồi sau thói quen trở nên tự động, và không còn cho phép cái miệng được thốt ra một lời nào mà Tinh thần không ưng thuận. Ôi, chư huynh biết được rằng điều này thật dễ dàng. Bước đầu thì khó khăn cũng như tất cả những bước đầu khác, nhưng thiên nhiên đã xây dựng những thể của chúng ta để chúng tuân theo mạng lệnh của ý chí chúng ta, chỉ chúng ta chịu khó tập luyện chúng cho có thói quen vâng lời.
Tôi đã nói về Tinh thần, Linh hồn và Xác thân. Nay tôi xin trình bày trước mắt chư huynh cái hình ảnh của chư huynh. Tinh thần ngự ở phía trên, ở giữa tức là Linh hồn tức là cái lương tri đang thức tỉnh và ở dưới là xác thân. Linh hồn ở quãng giữa có thể có hoài vọng lên cao về phía Tinh thần hay là nó có thể bị lôi kéo về phía xác thân, chính là trong phần hồn xảy ra sự chiến đấu của con người, luôn luôn con người tìm cách trở về với Tinh thần đã sinh ra nó; một mặt khác nó còn bị những dục vọng dữ dội và những sự thèm khát của xác thân lôi cuốn, đây là những điều mà nó phải rán chế ngự ở thế gian này. Nó toan bay lên trời, nhưng trái đất lại níu nó xuống lại; mỗi người đều biết sự chiến đấu này. Tự chư huynh, chư huynh có thể theo sự ước vọng lên cao này, chư huynh chống chọi với những dục vọng thô trược, chư huynh tiến lên về phía Thượng Đế. Ngài ngự nơi chư huynh đây, chư huynh phải làm chủ xác thân, nó phải là kẻ tôi tớ của chư huynh, mặc dù trước kia chư huynh đã cho phép nó đóng vai ông chủ. Nếu chư huynh có một con ngựa rất đẹp, can đảm và bướng bỉnh, thoạt đầu nó không chịu vâng lời, chắc chư huynh không muốn hành hạ nó, trừng trị nó một cách tàn bạo, nhưng chư huynh sẽ huấn luyện nó một cách dịu dàng và thận trọng cho tới khi nó vâng lời chư huynh. Xác thân chính là con ngựa đó vậy. Chư huynh đừng hành hạ nó, đừng đối đãi tàn bạo với nó. Chư huynh hãy huấn luyện nó, hãy uốn nó, nó phải vâng lời theo mệnh lệnh của chư huynh, nó phải vâng theo ý chí của Tinh thần. Năm tháng sẽ trôi qua, và Tinh thần sẽ trở thành vị chủ nhân của xác thân, xác thân sẽ nhờ quyền năng Tinh thần mà được giải thoát và trở nên cái dụng cụ quí báu của Tinh thần tức là của Chúa của nó vậy.
Vậy thì, khi sự tranh chấp nổi lên nơi bản thân chư huynh, khi Chơn Ngã cao cả và bản ngã thấp hèn chiến đấu với nhau, xin chư huynh hãy nhớ rằng tương lai của chư huynh tùy thuộc ở sự lựa chọn của chư huynh đó. Mỗi khi mà chư huynh sa ngã trước những sự quyến rủ thấp hèn, thì những quyến rủ này trở nên mạnh mẽ hơn. Từ nay trở đi, mỗi bước nhượng bộ cho bản ngã thấp hèn sẽ là một cái khoen sắt nối thêm vào, một sức nặng trì xuống ngăn cản chư huynh không cho bay lên cao. Chư huynh hãy lắng nghe lời kêu gọi của Tinh thần: ‘‘Các ngươi thuộc về quyền sở hữu của ta, các ngươi không thuộc về quyền sở hữu của xác thân, ta đã gởi các ngươi xuống trần thế để các ngươi tự giải thoát chứ không phải để trở thành những tên nô lệ.” Nếu chư huynh lựa chọn điều này thì mỗi tháng trôi qua, mỗi mùa Xuân đến, đời sống của chư huynh sẽ trở nên dễ dàng hơn, vui vẻ hơn, mạnh mẽ hơn. Chư huynh vốn dòng giống Thiêng Liêng, những vị Thượng Ðế vị lai chứ không phải là những ma quỉ cần phải chiến thắng. Nếu chư huynh nghe theo Chơn ngã cao cả thì Ðức Thượng Ðế thiêng liêng sẽ hiện đến càng ngày càng rõ ràng nơi chư huynh và chư huynh sẽ biết được sự an tịnh cùng niềm hoan lạc của con người đã tự biết mình, đã sử dụng được xác thân mình như là một dụng cụ, một tên tôi tớ.
II
ÐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI TRÊN CÕI
TRUNG GIỚI SAU KHI CHẾT.
Nay chúng ta đề cập đến phần thứ hai của đề tài. Những ai trong chư huynh đã quen thuộc với những kinh sách thời Trung Cổ, đều biết một danh từ rất thông dụng ngày nay, đó là danh từ “Hào quang.” Những nhà luyện kim [8] đã cho chư huynh biết chữ đó và chư huynh cũng thấy nói trong những cuốn sách y học. Paracelse đã dùng chữ này để chỉ cơ thể và bản chất con người. Chữ này được Thông Thiên Học đương thời chấp nhận vì nó miêu tả đúng hơn mọi chữ khác các phần vô hình của thân thể con người có liên quan đến những mối cảm xúc. Ở thời Trung Cổ, chữ này dùng để che đậy một vài ý niệm mà các tác giả không dám nói thẳng ra. Khi chư huynh đọc những cuốn sách của thời đại đó, nếu chư huynh muốn than phiền rằng chúng thật là khó hiểu, thì xin chư huynh hãy nhớ cho rằng tác giả những sách đó có thể bị giam cầm hay là lên giàn hỏa. Họ bắt buộc phải giấu kín những chơn lý dưới một ngôn ngữ có tính cách tượng trưng, nếu nói rõ những chơn lý đó ra thì sẽ nguy hiểm lắm.
Cách một năm hay mười tám tháng, tiếng “hào quang” này được một vị y sĩ ở Luân Ðôn thốt ra tức là Bác sĩ Kilner trong một buổi nhóm họp khoa học. Theo như tôi biết thì đó là lần đầu tiên một nhà thông thái, khi nói đến cơ thể con người có thể chứng minh trước con mắt thịt của con người cái phần vô hình lúc bình thường thì không thấy được, nó chính là hào quang con người vậy. Người ta dựng lên những tấm màn có thể ngăn ánh sáng lại hay để cho ánh sáng lọt vào, tùy theo nhu cầu; người ta dùng hai tấm kính đó có một chất lỏng làm thành một bức màn che trong suốt. Khi nhìn một người thường qua bức màn chắn đó và tùy theo những điều kiện đặc biệt của ánh sáng và bóng tối, Bác sĩ Kilner có thể làm con mắt thịt không kinh nghiệm và không luyện tập thấy được cái phần thô trược nhất gọi là “Hào quang”con người.
Bình thường thì người ta không sao thấy được cái hào quang có màu sắc nó bao quanh con người. Mỗi người trong chư huynh đều có xung quanh mình một bầu chất khí tế nhị, giống như một đám mây, màu sắc của nó thay đổi tùy theo những cảm xúc và tư tưởng của chư huynh. Vị quan sát viên trông thấy sự thay đổi màu sắc đó, nhưng chỉ quan sát viên nào đã phát triển được một thị giác sắc bén hơn là thị giác thường mới nhìn thấy được mà thôi; không cần đến cái cách thức máy móc của Bác sĩ Kilner, y vẫn có thể nhìn thấy cái đám mây bao quanh con người, con thú, cây cỏ và hòn đá. Một phần đám mây này do chất thanh khí làm ra, đó là chất khí của tình cảm, vì những mối cảm xúc, những sự thay đổi trạng thái trong lương tri làm cho chất khí đó rung động. Một khi một mối cảm xúc xuyên qua lương tri chư huynh, chất thanh khí ở trong mình chư huynh và xung quanh chư huynh bỗng nổi lên như sóng gợn ba đào, giống hệt như khi chư huynh lấy một cái dùi mà đánh vào một cái cồng (cái chiêng). Một nhà bác học sẽ nói với chư huynh rằng có một khu vực lớn đầy những làn sóng rung động bao quanh cái cồng (chiêng), những làn sóng rung động đập vào tai chư huynh làm cho chư huynh nghe những tiếng tăm; giữa chư huynh và cái cồng thì không ai trông thấy được những làn sóng rung động đó; tuy nhiên, những làn rung động ấy vẫn có, vì bằng cớ là chúng đã đập vào cái cơ quan thích hợp để thu nhận chúng và phát sinh lại chúng.
Cũng giống như thế, khi chư huynh bị một việc gì làm cho xúc động, thì có một sự đụng chạm trong chất thanh khí này: những làn sóng phát sinh từ trong mình chư huynh tràn lan ra ngoài giống như là một bầu lớn đầy những khí chất đang rung động; tuân theo luật thiên nhiên cũng như tất cả mọi làn rung động, khi chúng đi xa các nguồn phát sinh ra chúng thì chúng càng yếu sức và càng bị tiêu mòn lần lần. Chư huynh hãy nghĩ đến cái chất khí tế nhị mịn màng, vô hình, mà sự cảm xúc làm cho rung động, giống như không khí rung động khi một âm thanh phát sinh từ một cái cồng, từ một cây vĩ cầm hay là một cây dương cầm vậy. Nhưng cái chất thanh khí này không ứng đáp với âm thanh hay ánh sáng, hay điện lực, tôi có thể nói rằng nó chỉ có thể ứng đáp với một làn rung động của sự cảm xúc mà thôi. Đó là cái nét đặc biệt mà Thượng Ðế, vị Kiến trúc sư tối cao, đã ban cho nó, khiến cho sự cảm xúc được liên hệ đến một chất khí đặc biệt, giống hệt như những chất khí khác ứng đáp với âm thanh, với ánh sáng, với điện lực. Chất khí hay vật chất luôn luôn được dùng làm trung gian để di chuyển tinh lực hay khí lực xuyên qua không gian.
Chắc chư huynh cũng không lấy làm lạ lùng khi thấy chỉ một chất khí đặc biệt ứng đáp với những mối cảm xúc trong khi học hỏi về vật lý, chư huynh đã quen thuộc với những đặc tính này rồi. Một tia ánh sáng không làm nẩy sinh trong không khí những làn rung động đập vào lỗ tai, cũng giống như thế, những làn rung động mà chúng ta nhận thấy như những âm thanh không thể phát sinh do những làn sóng dĩ thái mà ta gọi là ánh sáng được. Chư huynh nên nhớ rằng Sir William Crookes một lần kia đã lập ra một bảng kê khai những loại rung động. Ông chia những làn sóng rung động ra từng loại, chúng tự biểu lộ ra, thành ra điện lực, âm thanh hay ánh sáng, sau cùng ông nhận thấy rằng có những làn sóng rung động mà con người chưa biết được, mà chúng ta cũng chưa nhận thức được; có thể sau này chúng được áp dụng trong tương lai, chúng sẽ ứng đáp với một hình thức của mãnh lực khác hay của sinh lực khác, có lẽ chúng sẽ ứng đáp với tư tưởng. Tôi sẽ nói đến tư tưởng trong kỳ họp sau; bây giờ đây tôi nói đến sự biểu lộ đặc biệt của lương tri mà người ta gọi là sự cảm xúc.
Tôi xin chư huynh hãy nhớ lại một điều khác nữa về sự liên quan giữa một sự biến đổi của lương tri gọi là sự cảm xúc và cái chất khí rung động dưới ảnh hưởng của nó. Sự cảm xúc tương ứng với một lối rung động đặc biệt và cái lối rung động này cũng tương ứng với sự cảm xúc. Nếu chất thanh khí rung động, thì ở tự nơi lương tri của chư huynh bỗng nổi lên một sự cảm xúc tương ứng với cái làn rung động đặc biệt đã va chạm vào chư huynh và truyền qua chất thanh khí của cái vía của chư huynh. Ðiều này đã được chứng minh một cách rất hứng thú. Tôi chỉ nói rằng chư huynh có thể tìm học về vấn đề này trong những cuốn sách Pháp nói về những sự thí nghiệm của khoa thôi miên và những trạng thái xuất thần của thuật thôi miên. Trong những cuốn sách đó người ta nói rằng chư huynh có thể khêu gợi một sự cảm xúc và làm phát sinh một cử động tương ứng của một người bị chư huynh thôi miên khi chư huynh truyền sự cảm xúc và sự cử động đó qua trí óc của y. Như thế, nếu chư huynh cầm lấy bàn tay của người bị thôi miên và giựt giựt như là chư huynh đang nổi giận thì y liền tỏ vẻ nổi giận ngay; hay nếu chư huynh làm cho sự tức giận phát sinh, thì những cử chỉ, những dấu hiệu bên ngoài của sự tức giận liền hiện ngay nơi y.
Nếu chư huynh muốn thí nghiệm những điều mà đối với chư huynh có lẽ chúng có vẻ mới lạ, thì chư huynh hãy đọc những cuốn sách trong đó chư huynh có thể tìm thấy những kết quả sự sưu tầm của khoa học liên quan đến đề tài này. Bây giờ, chư huynh có thể thừa nhận như là một giả thiết rằng một cảm xúc làm nẩy sinh một làn rung động trong chất thanh khí và nếu một làn rung động phát sinh trong chất đó thì mối cảm xúc tương ứng liền nẩy sinh ngay khi làn rung động này va chạm vào một con người.
Cần phải nhớ một điểm khác nữa, đó là một phần chất thanh khí của ý chí xuyên qua chất dày đặc của xác thân ta và như vậy trở thành một thành phần của xác thân. Chư huynh hẳn còn nhớ tôi đã định nghĩa xác thân như thế nào, đó chỉ là một dụng cụ của lương tri, một dụng cụ vật chất mà thôi. Thoạt đầu, ta có những chất đặc, những chất lỏng, những chất hơi, những chất dĩ thái, rồi đến cái chất thanh khí của cái Vía nó thấm nhuần tất cả bốn loại đó. Khi chư huynh nhúng một miếng bông đá (éponge) xuống nước, nước liền thấm vào miếng bông đá mà cũng vẫn bao quanh miếng đó. Cũng giống như thế, cả thân thể con người đều thấm nhuần chất thanh khí của cái Vía và một phần lớn chất thanh khí này cũng bao quanh xác thân. Chất thanh khí này thường được gọi là thể Vía, để cho dễ hiểu, từ nay tôi gọi chất này là cái phần Vía của xác thân vì chư huynh còn nhớ rằng tôi đã chia con người ra làm ba phần: Tinh thần, Linh hồn và Xác thân. Mà chất thanh khí của cái Vía thấm nhuần Xác thân còn lan rộng ra ngoài cái thể xác dày đặc hữu hình; một phần của nó làm ra hào quang, tức là đám mây vô hình bao bọc lấy xác thân dày đặc của con người. Khi tách rời khỏi xác thân, cái Vía có một hình dáng giống hệt cái xác thân của nó. Nhưng ngoài trường hợp này nó chỉ là một đám mây thường, thấm nhuần xác thân và len lỏi vào trong hình hài của con người. Chư huynh hãy tưởng tượng đến cái chất thanh khí đó thâm nhập vào mỗi phần của xác thân và lan rộng ra ngoài nữa, và xung quanh nó cũng có một đại dương làm bằng chất thanh khí lúc nào cũng có thể rung động nếu chất thanh khí trong mình của chư huynh rung động
Xác thân và cái Vía khác nhau rất xa. Xác thân là cái thể tiến hóa nhất trong các thể, nó đã tiến hóa trước hết và vì thế nên đã tiến bộ nhiều. Cái Vía chưa tiến hóa bằng xác thân; nhưng chư huynh càng có học thức, càng trau dồi nghệ thuật, tư tưởng và đời sống hằng ngày của chư huynh càng có những xu hướng thanh cao, thì cái Vía càng phát triển nơi chư huynh. Nó đang tiến hóa và sự phát triển của nó được tiếp diễn một cách nhanh chóng, căn cứ vào sự phát triển trí khôn và tư tưởng trong nhân loại.
Ngày nay, cái Vía của những người tiến bộ nhất trong nhân loại thì mở mang rất lớn và tốt đẹp, nhờ nó mà sự phát triển kỳ diệu của thiên tài về sự cảm xúc biểu lộ nơi người nghệ sĩ đã được tăng trưởng. Ðối với tất cả chư huynh, những người sáng suốt và ưa suy nghĩ thì cái Vía cũng đã tiến hóa khá nhiều rồi.
Cần phải hiểu rằng con người tùy theo phong thổ, khí hậu, chủng tộc mà khác nhau rất xa. Chư huynh cũng nên nhớ rằng cái Vía của chư huynh cũng có những giác quan giống như xác thân vậy. Nhiều người nhờ những điều kiện về chủng tộc và khí hậu nên mở mang những giác quan này. Ở Californie, phía Tây Châu Mỹ, hay ở tại một quốc gia ở Trung Mỹ, áp suất của điện lực trong không khí thường cao đến nổi trẻ em chơi đùa bằng cách lấy bàn chân cọ sát vào tấm thảm, và như vậy, thân thể của các em chứa đầy điện, và các em có thể lấy ngón tay mình chạm vào má một em khác và làm cho tia điện xẹt ra ở đầu ngón tay em. Trong những điều kiện này, những giác quan của cái Vía được phát triển mau lẹ lắm. Dọc khắp bờ biển phía Tây Châu Mỹ, chư huynh sẽ thấy có nhiều người (tuy nhiên chưa phải là đa số) đã phát triển thể Vía của họ trên một mức rất cao, họ đã trở nên những người nhạy cảm. Tôi xin nói thêm rằng ở vào trình độ tiến hóa của chúng ta hiện thời, ai ai cũng có thể trong chốc lát, đi đến cái mức nhạy cảm đó bằng cách cho kẻ khác thôi miên mình, điều này làm tê liệt xác thân, nhưng làm cho ta có thể có thần nhãn hay thần nhĩ được. Ðiều này chứng tỏ rằng những giác quan của cái Vía sắp sửa trở nên hoạt động. Ở một người nam hay người nữ tầm thường, tuy đã được tiến hóa đến mức cao đó rồi, nhưng thường những giác quan của cái Vía chỉ biểu lộ ra khi nào chúng bị một cái gì ở ngoại cảnh kích thích. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, cái giác quan này cũng hiện ra một cách tự nhiên. Nếu bộ thần kinh của chư huynh bị kích thích quá độ, nếu chư huynh làm việc quá sức, nếu chư huynh bị nóng đến 39 độ, chư huynh có thể có thần nhãn hay thần nhĩ. Khí chư huynh bị nóng (sốt) và chư huynh mê sảng, đó là vì xác thân quá yếu đuối đã để cho cái Vía ngự trị mình trong chốc lát và in xuống khối óc yếu mệt những hiện tượng gì mà cái Vía đã nhìn thấy ở Cõi Trung Giới. Chư huynh thường hay thấy nhiều người cứ mỗi khi đau ốm là có thần nhãn, đó là một thứ thần nhãn nguy hiểm, nếu xác thân không đủ sức khỏe, thì thứ thần nhãn này sẽ phát sinh một sự căng thẳng quá độ khiến cho tinh thần bị suy giảm hay có khi còn làm ra những cơn loạn thần kinh. Có thần nhãn mở ra theo một lối khác, những âm thanh phát sinh ra những màu sắc và có đôi ba người trông thấy màu sắc ấy. Hoàng hậu xứ Lô Mã Ni là bà Carmen Sylva, vừa mới có đăng trên tạp chí “Thế kỷ thứ 19 và những thế kỷ sau đó” một bài miêu tả sự có thần nhãn của chính bà. Mỗi khi bà nghe âm nhạc là bà trông thấy màu sắc, tùy theo giọng nhạc cao thấp, các màu sắc này trở nên sậm và lợt. Tiếng kèn săn bắn phát sinh màu đỏ tươi, âm nhạc có tính cách đạo đức làm cho bầu không khí bị nhuộm màu xanh dương lợt [9]. Chư huynh sẽ tìm thấy rất nhiều chi tiết liên quan đến đề tài này trong những sách báo Thông Thiên Học. Nay, chư huynh hãy xem xét về một cảm xúc mà có lẽ đa số chư huynh đều có, đó là một cảm giác bực bội, băn khoăn ban đêm trong khi chư huynh ở nhà một mình. Một lần đề cập đến ma quỉ, Carlyle nói: ‘‘Tôi không tin ma quỉ, nhưng nếu tôi thức giấc nửa đêm thì tôi sợ nó”. Nhiều người đã có ít nhiều cái cảm giác đó hay một cảm giác tương tự.
Rất nhiều người trong chúng ta ban ngày rất can đảm cũng sẽ hiểu cảm giác này nghĩa là gì. Riêng tôi, tôi nhớ hồi tôi còn là một người hoài nghi và sống một mình ở Luân Ðôn. Tôi ngồi viết đến hai, ba giờ sáng, tới lúc đó tôi phải hết sức cố gắng mới dám tắt đèn đi và leo lên thang lầu trên căn nhà hiu quạnh và lạnh trang. Tôi tự cảm thấy mình bồn chồn băn khoăn bực bội, nhưng lại tự ái, không muốn công nhận điều đó. Nay tôi đã hiểu biết Cõi Trung Giới, tôi không còn sợ hãi điều gì nữa; trước kia tôi không tin cõi đó và tôi đâm ra sợ sệt. Tại sao vậy ? Trước tôi không hiểu vì lý do nào, mà nay thì tôi biết rồi. Trong những giờ khuya đó, sinh lực bị giảm đi. Tất cả những ông thầy thuốc đều nói với chư huynh rằng, mức độ sinh khí lên cao tột lúc nửa đêm. Khi đau ốm, người ta thường hay chết vào khoảng từ nửa đêm đến hai, ba giờ sáng. Lúc đó sinh khí bị giảm bớt, chất thanh khí thạnh hơn, nó nhận được những cảm giác ở Cõi Trung Giới và truyền chúng qua cho khối óc; thế nên chúng ta lùi bước trước sự huyền bí lạ lùng và phải sợ hãi.
Có lẽ vài ba người trong chư huynh đã từng có tánh linh biết được những sự việc tới. Nếu một người bạn ở xa bị đau ốm, tuy chư huynh không được báo tin, chư huynh cũng sẽ cảm thấy một sự bồn chồn lo lắng cho y. Khi một người bạn từ trần, chư huynh sẽ thấy tâm thần dã dượi đúng vào lúc y tắt hơi. Nếu chư huynh muốn kiểm soát lại những cảm giác đó chư huynh hãy tập ghi nhớ giờ phút trong lúc đó chư huynh bị xúc động không lý do và chư huynh hãy gìn giữ những lời ghi chú để sau này xem lại coi giờ phút đó có đúng với những sự việc liên quan đến một người bà con hay một người bạn mà chư huynh tưởng tới không. Chư huynh tự mình học hỏi mình, chư huynh sẽ hiểu biết được nhiều hơn là đi nghe diễn thuyết. Những buổi diễn thuyết chỉ có tính cách hướng dẫn. Sự hiểu biết là kết quả công phu khảo cứu và quan sát riêng của mình.
Trong vài trường hợp chất thanh khí tự biểu lộ rõ ràng và có thể sờ mó được. Ðiều xảy ra khi một thứ cảm giác làm xúc động trọn cả một đám đông. Một vài thí dụ của trường hợp này là nghệ thuật hùng biện nhắm vào những cảm xúc của con người. Ða số trong chư huynh đã biết tiếng bạn tôi Charles Bradlaugh, một trong những nhà hùng biện danh tiếng ngày nay. Tôi đã nghe ông diễn thuyết về một đề tài xã hội cho những nhân viên của Carlton Club, các vị nghị viện khả kính. Ngồi trước mặt diễn giả, tất cả các thính giả đều vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt chỉ vì họ bị lôi cuốn bởi một cảm xúc bừng dậy trong Vía của họ đang rung động vì ảnh hưởng mãnh liệt của diễn giả. Nhưng tôi hoài nghi rằng tới ngày hôm sau khi nhớ lại buổi diễn thuyết này, họ sẽ phản đối kịch liệt những quan niệm đã đưa ra mà họ tán thành sốt sắng hôm trước. Và trường hợp như thế xảy ra luôn luôn. Thí dụ như trong một vài trường hợp sợ hãi cuồng loạn. Thình lình một tiếng hét vang, vài ba người đâm hoảng hốt. Cái Vía của họ rung động; những làn sóng kinh khủng nổi lên rồi lan ra xa. Chúng truyền nhiễm cái Vía của những người tụ họp gần đó làm cho họ cũng phát sợ. Tới chừng đó thì họ mất hết hồn vía rồi cả thảy đua chạy tán loạn để tránh một hiểm họa tưởng tượng.
Ðối với những cơn loạn thần kinh thì cũng như vậy. Một vị y sĩ sẽ nói rằng nếu trong một phòng bệnh của nhà thương, một bệnh nhân bỗng nổi cơn loạn thần kinh thì người ta phải mang y ngay ra nơi khác để tránh cho những bệnh nhân khác khỏi bị lây. Tại sao vậy ! Vì những cảm xúc đã làm rung động cái Vía của người thứ nhất thì sự rung động này sẽ truyền sang cái Vía của những người khác và như thế thì cơn loạn thần kinh sẽ nhiễm họ.
Chư huynh hãy nhớ lại những kinh nghiệm của mình. Chư huynh gặp một người vui vẻ, sung sướng, chư huynh liền nói. Khi người này bước vào thật giống như một tia sáng mặt trời chiếu rạng. Một người khác đến gần chư huynh, mang theo mình một đám mây u uất, buồn chán. Tất cả chúng ta đều phát buồn và chán nản. Tại sao vậy ! Tất cả những điều này đều có một lý do. Sự vui hay buồn đều hay lây, chúng tăng tiến giống như một mầm bệnh hay một sức khỏe cường tráng. Tất cả những gì khiến cho vật chất rung động thì đều có tính cách hay lây vì những sự rung động của vật chất vẫn được tái diễn và làm nổi dậy những mối cảm xúc tương tự nơi kẻ khác.
Đây là một thí dụ cuối cùng. Chư huynh gặp một người có tánh xấu hay tức giận. Trong trường hợp này, chư huynh có bao giờ để ý thấy rằng mình bị lây, chư huynh cũng tức giận, tuy rằng trước đó chư huynh rất thơ thới và đầy thiện chí hay không? Những làn rung động của cái Vía của người này đã truyền sang chư huynh và khiến chư huynh tức giận, nổi cáu.
Vì thế cho nên những vị Ðại Giáo Chủ thường khuyên chư huynh lấy ơn mà trả oán, lấy tình thương yêu mà đáp lại lòng thù hận. Nếu một người kia tới chư huynh mà trong lòng rất thù hận chư huynh, và nếu chư huynh cũng rất thù hận y, thì những làn sóng thù hận này vì giống nhau nên trợ sức cho nhau và trở nên mãnh liệt, tàn bạo. Sự tức giận khêu gợi sự tức giận, lòng thù hận mà nẩy sinh lòng thù hận, hai người sẽ cải lộn với nhau và có thể trở thành những kẻ thù địch đời đời. Bởi thế cho nên mỗi vị Đại Giáo Chủ khuyên ta rằng: ‘‘Các con đừng đem cái ác, các con hãy đem cái lành mà đáp lại cái ác”. Ðức Phật đã nói: ‘‘Lấy oán trả oán thì oán không dứt, lấy ơn trả oán thì oán mới tiêu”. Ðức Chúa Ki Tô dạy chư huynh phải chúc phước lành cho những kẻ oán ghét chư huynh. Ấy đó thánh huấn của các vị Ðại Minh Triết, Giáo Chủ nhân loại ban ra vốn có lý do khoa học. Vừa mới đây một người có tánh hoài nghi nói với tôi rằng: ‘‘Tại sao tôi lại phải lấy ơn đáp oán. Như vậy thật là phi lý”. Tôi không bàn cãi với y trên quan điểm đạo đức. Tôi chỉ trình bày cho y thấy cái kết quả cụ thể, khiến cho y chú ý đến những làn rung động của sự tức giận và những làn rung động đối lập phát sinh từ lòng thương yêu; tôi cắt nghĩa cho y rõ vì làm sao những làn sóng thương yêu dập tắt được làn sóng thù hận, tránh được những sự cãi vã và mang lại niềm hòa khí. Lúc đó, y trả lời rằng: ‘‘Ôi, bây giờ bà nói đúng lý, tôi mới hiểu rõ tại sao tôi phải dĩ ơn báo oán”.
Vậy phải nhớ điều này, chư huynh có thể tự ý mình mở mang những cảm tình tốt đẹp, thanh cao và do đó mà giúp đỡ những kẻ khác chiến thắng được những cảm tình xấu xa thấp hèn của họ. Chư huynh có thể trở thành một nguồn ơn huệ làm cho người tức giận nguôi ngoai, người quạu quọ dịu dàng, chư huynh ban rải xung quanh mình sự hài lòng, an phận, nhiều hạnh phúc, nỗi vui mừng bằng cách tuân theo định luật thiên nhiên vững vàng và không bị vi phản. Trước khi chấm dứt đề tài này, tôi phải nói cho chư huynh biết cái trách nhiệm của chư huynh đối với kẻ khác. Không những một mối cảm xúc tốt lành làm nổi dậy nơi chư huynh một làn rung động của thanh khí mà nó còn lan tràn ra xung quanh và cảm đến cái Vía của kẻ khác. Mối cảm xúc xấu xa cũng tác động như vậy. Vậy thì không phải tự chủ ở bề ngoài mà thôi. . . dằn xuống, không ngó, không nhìn một cách giận dữ, không ăn nói quạu quọ, không phát sinh một cử chỉ đe dọa, cũng chưa đủ đâu, chư huynh phải trừ tận gốc rễ cái tánh giận dữ tiềm tàng mặc dù không thấy được. Do những dục vọng, những sự đắm mê của chư huynh, chư huynh nhiễm xã hội và ngay lúc đó chư huynh phải chịu trách nhiệm về cái ảnh hưởng mà chư huynh ban rải ra. Ðiều này phải được xem xét một cách nghiêm nhặt, nhất là trong những giai cấp xã hội có những kẻ phạm tội ác, tánh nết tàn bạo mà người ta thường gặp ở Tây Phương nhiều hơn ở Đông Phương; ở Tây Phương mỗi khi tức giận là người ta hành hung liền. Không bao giờ những người nam và những người nữ trong giai cấp chư huynh lại có những hành động như thế, bởi vì họ tự chủ, họ là những người có giáo dục, họ có phẩm giá xứng đáng và biết tự trọng quá đi. Nhưng trong thâm tâm họ hãy còn chất chứa sự tức giận; cái Vía của họ hãy còn rung động dưới ảnh hưởng của sự tức giận, và những làn rung động này lan tràn trong Cõi Trung Giới, nơi đó chúng gặp nhiều làn rung động khác một loại với nhau. Tất cả những tư tưởng tức giận ở Cõi Trung Giới liền hợp nhau lại thành một lượn sóng lớn, truyền ra xa những cảm xúc dữ tợn; khi lượn sóng này gặp một người kém tiến hóa ở ngay vào cái lúc y bị khiêu khích, tức thì nó kích thích y, khiến y hành động một cách hung bạo hơn là ở những trường hợp khác. Y có thể hành hung giết người và pháp luật trần gian không sao có thể trừng phạt những kẻ phải chịu một phần trách nhiệm về sự hành động của y, nhưng mà họ vẫn được kính trọng quí mến đến khi họ xuống mồ, còn kẻ phạm tội thì bị tù đày đặng đền bù tội lỗi của mình. Nhưng luật trời vẫn phán xét tất cả mọi sự, phán xét tánh tình cũng như phán xét sự hành động; cái định luật tuyệt đối công bằng nó thưởng phạt mỗi người đúng với nhân mà y đã gieo và cấp cho mỗi người cái phần mà y đã dự vào trong tội ác của kẻ sát nhân. Ðịnh luật này biết rõ sức mạnh của một tư tưởng xấu sinh ra vì tánh bơ thờ, nó nhập với một tư tưởng xấu đã có sẵn và chúng làm cho xã hội bị tổn hại chẳng ít.
Ðối với những hành động anh hùng hào kiệt thì cũng giống như vậy; thí dụ khi một người kia xông vào một cái nhà đang cháy phừng phừng hay nhảy xuống một con sông nước chảy cuồn cuộn, không nghĩ tới sự nguy hiểm đang chờ đợi mình, mà chỉ nghĩ đến đứa trẻ cần phải cứu sống mà thôi; có thể người đó thật ra không có gì là khí phách anh hùng cả, mà thình lình y hành động được như thế là nhờ luồng tư tưởng dũng cảm ở chung quanh y kích thích y. Luồng tư tưởng dũng cảm này là sự kết hợp của sự can đảm của y sĩ tận tâm điều trị một chứng bệnh hiểm nghèo, sự can đảm của người nữ y tá săn sóc đứa trẻ thoi thóp vì bệnh yết hầu, sự can đảm của bà mẹ cúi xuống với đứa con đau ốm, sự can đảm của cá nhân và của đoàn thể. Sự can đảm của một thường dân chất phác chỉ biết làm đầy đủ cái nhiệm vụ của mình và họ quên mất cái đức tính cao thượng của họ. Nhưng mà những tư tưởng quả cảm của họ lan tràn trong không khi xung quanh; những tư tưởng sống ở đó và di chuyển, khi con người can đảm nhưng không phải là người anh hùng, xông pha vào nước lửa thì những tư tưởng cao thượng đó có dịp dùng anh này để biểu lộ ra bằng những hành vi phi thường và theo luật trời định đoạt, phần thưởng cho những đức hạnh vẫn phân phát cho những ai đã sinh ra và đã chia sớt tình cảm cao thượng đó. Như thế chúng ta hiểu được sự liên lạc giữa tất cả chúng sanh và luôn luôn người này ảnh hưởng tới người kia xuyên qua Cõi Trung Giới, tức là cái Ðại dương thanh khí bao phủ chúng ta.
NAY CHÚNG TA HÃY NÓI VỀ GIẤC NGỦ.
Khi chư huynh ngủ thì sự gì xảy ra: Cái Vía của chư huynh cùng những thể khác thanh bai tế nhị hơn liền rời bỏ xác thân dày đặc. Chư huynh sẽ nói: ‘‘Ðó là quan niệm những kẻ mọi rợ dã man, những kẻ tin thuyết Linh hồn, thuyết Tâm linh”. Trong khi nhận xét những tư tưởng của kẻ mọi rợ dã man, chư huynh đừng quá kiêu căng. Những kẻ này phần đông là con cháu bạc nhược, biến chứng của những quốc gia hùng cường thuở xưa, và họ hãy còn gìn giữ đôi ba tín ngưỡng truyền thống của mình. Những sự khảo cứu kim thời càng ngày càng có xu hướng chứng minh rằng kẻ mọi rợ dã man không phải là con người ấu trĩ như người ta thường tưởng; thật ra y là ông bô lão sống lại nơi thời kỳ lú lẫn, hoang dại. Trong những dân tộc dã man, đôi ba tập tục hãy còn sót lại chứng tỏ, như Frederich Myers đã nói rằng ông thông hiểu về Tiềm thức mà chính khoa tâm lý học hiện kim của chúng ta bây giờ vừa mới khám phá được sự hiểu biết về Tiềm thức mà thôi. Viện cớ rằng một ý niệm phát sinh từ nơi dân tộc còn dã man nên loại đi thì đó không phải là một lập luận vững chắc, có giá trị đâu. Một kẻ dã man có khi đúng với thực tế và vì y sống gần thiên nhiên hơn nên y biết được đôi ba điều mà chư huynh không biết. Vậy tôi xin chư huynh chỉ công nhận như là giả thuyết cái quan niệm rằng khi chư huynh ngủ ban đêm, chư huynh sống trong cái phần thanh bai tế nhị nhất của bản thể .mình và để lại trên giường xác thân, nó là cái phần vật chất hữu hình nặng nề nhất. Chúng ta thường có những giấc chiêm bao; chư huynh phải nghiên cứu kỹ càng về điều đó. Những giấc chiêm bao là cái gì vậy: Chúng nó có ba loại tất cả. Chư huynh có thể tìm những tài liệu trong cuốn sách Triết Lý Thần bí của Du Prel [10], đó là một tác phẩm giáo khoa về đề tài đặc biệt này. Nơi đây chư huynh sẽ tìm thấy một sự nghiên cứu về những giấc mộng đầy cảm hứng và rất minh bạch. Vài ba giấc mộng không có nghĩa lý gì hết, những giấc mơ đứt quảng, những mảnh ký ức về những gì đã xảy ra ban ngày, ngày hôm trước, tuần lễ trước hay tháng trước, những mảnh rời rạc, giống như những mảnh gạch bông được chấp nối lại, phi lý, không đầu đuôi, đa số chúng thường phát sinh do một mạch máu trong óc bị đè ép, do máu chảy quá mạnh hay do một tĩnh mạch nhỏ bị ngưng lại vì sự tiêu hóa không điều hòa. Chư huynh có thể dẹp qua một bên những giấc chiêm bao thuộc về loại đó, chúng không có nghĩa lý gì cả.
Rồi đến những giấc chiêm bao vẫn còn có tính cách hồng trần, nhưng đã thuộc về cái phách của xác thân. Người ta đã thí nghiệm rất nhiều về những giấc chiêm bao phát sinh từ một sự đụng chạm. Trong cuốn sách vừa nói trên, chư huynh sẽ thấy nhiều thí dụ về loại đó. Tôi chỉ xin đưa ra một thí dụ thôi, thật là kinh khủng. Người ta rờ vào gáy một người đang ngủ – y thức dậy nói: ‘‘Tôi trải qua một giấc chiêm bao thật hãi hùng. Tôi chiêm bao thấy tôi giết một người, vì vậy tôi bị bắt giải ra tòa xét xử và kết án, tôi bị giam trong khám rồi người ta đưa tôi ra trước máy chém. Ðến lúc lưỡi dao chạm vào tôi thì tôi thức giấc.” Chỉ bị rờ vào cổ mà y có một giấc chiêm bao bi thảm đến thế; tất cả đều xảy ra một cách rất nhanh chóng không đầy một phút trong một thời gian ngắn ngủi như vậy mà cái giấc mộng dài kia đã có đủ thời giờ để diễn ra. Người ta tìm thấy nhiều giấc chiêm bao như thế trong khi kiên nhẫn khảo cứu về bản tính những giấc mộng, những sự nghiên cứu này đưa ra một kết luận thuộc về tâm lý: ngoài xác thân, tư tưởng tác động trên một thứ vật chất mịn màng thanh bai hơn là chất của nó dùng trong xác thân; điều này cắt nghĩa tại sao những trạng thái lương tri lại nối tiếp nhau một cách nhanh chóng như thế; điều này không thể nào xảy ra được trong khối óc cũng trong một thời gian ngắn như thế. Những giấc chiêm bao này không có ý nghĩa gì nhiều, một sự tiếp xúc ngoại cảnh đã phát sinh ra chúng, sự tiếp xúc này khống cần phải có tính cách vật chất; một tư tưởng đi xuyên qua cái trí có thể làm cho giấc mộng ngưng lại.
Còn có một loại mộng nữa. Ðó là những kinh nghiệm thiệt thọ của con người ở ngoài khối óc xác thịt của y, những kinh nghiệm của con người trong cái Vía và sống trong Cõi Trung Giới. Những giấc mộng này có giá trị của chúng; khi chư huynh thức giấc, những giấc mộng này có vẻ linh động lắm. Nhờ chúng chư huynh có thể có được một sự hiểu biết, mà khi thức dậy chư huynh không có. Trong cuốn sách: ‘‘Cá tánh của con người” của Frederick Myers [11] chư huynh sẽ thấy vài giấc mộng của loại này. Tác giả đã thu thập được trong giấc ngủ những hiểu biết mà trong khi thức dậy thì người ta không có. Chư huynh hãy thử tự mình thí nghiệm mà coi. Nếu chư huynh thích những bài toán đố về số học hay chư huynh đang tìm lời giải đáp cho một vấn đề khác, chư huynh hãy ghi vào trí mình khi đi ngủ rồi chư huynh đừng suy nghĩ về nó nữa, vì làm như vậy chư huynh sẽ thức mãi, nhưng mà chư huynh hãy coi cái trí mình như một cái hộp. Chư huynh hãy đặt vấn đề trong cái hộp và đừng lo đến nó nữa. Thường thường, buổi sáng ra chư huynh tìm được câu giải đáp. Có một dạo tôi thích tìm cách giải đáp những bài toán đố khó về số học. Buổi chiều tôi nghĩ đến một câu hỏi mà tôi chưa tìm được lời giải đáp, và tôi áp dụng cái phương pháp vừa nói trên kia. Buổi sáng, lời giải đáp hiện ra trong trí tôi và tôi lấy bút ghi lấy nó trước khi thật tỉnh giấc. Một khi trở lại nhập xác thì khó mà ghi ấn tượng vào khối óc. Nếu chư huynh muốn làm những thí nghiệm đó thì hãy để một cái bút chì và một miếng giấy bên cạnh mình và hãy lấy viết biên liền giải đáp đã tìm được trước khi thức tỉnh hẳn. Robert Louis Stevenson nói rằng một hồn ma quen với ông trong lúc ban đêm đã cho ông cái ý kiến để viết cuốn sách nhan đề: ‘‘Bác sĩ Jekill và ông Hyde”. Mozart, nhà nhạc sĩ đại tài cũng nói rằng ban đêm trong lúc ông ngủ ông nghe được những bản nhạc tuyệt diệu thâm trầm; khi vừa tỉnh giấc bèn chép lại từng nốt những bản nhạc đó. Nhà đại thi sĩ Tennyson cũng có một kinh nghiệm giống như thế. Khi lặp đi lặp lại mãi tên của mình, ông tự thôi miên và đi vào một trạng thái không sao miêu tả được. Ông thấy mọi việc đều rõ ràng sáng suốt, ông biết không làm gì có sự chết, ông thấy rằng chỉ khi nào mất hết phàm ngã đi thì mới thật là sống được một cuộc đời thiệt thọ. Nhưng Tennyson là một bực thiên tài thì những hiện tượng ấy hiện ra một cách dễ dàng hơn là một người thường.
Chư huynh cũng có thể thử làm một thí nghiệm khác nữa. Thí dụ chư huynh biết một người đang đau khổ hay mắc một tật xấu. Nhưng chư huynh ở xa và không thể đến giúp bạn được. Chư huynh hãy nghĩ đến y khi đang ngủ, chư huynh hãy nghĩ rằng chư huynh muốn ở gần y để an ủi y. Khi chư huynh vừa ngủ thiếp đi tư tưởng của chư huynh đến gần y và chư huynh có thể làm dịu nỗi đau khổ của y. Nhiều tật xấu đã được tiêu diệt theo lối đó. Tật nghiện rượu đã được chữa theo phương pháp đó. Trong khi ngủ con người thu nhận những cảm tưởng một cách dễ dàng hơn, chư huynh có thể lại gần y trong cái Vía và trình bày với y những lý lẽ, chúng sẽ khiến y ngừng lại không làm việc quấy, khi y tỉnh giấc. Trên Cõi Trung Giới những tư tưởng này ghi vào trí y, và khi thức dậy y ngở là y đã suy nghĩ như thế. Vậy chư huynh có thể giúp đỡ bạn bè theo cách đó, mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được điều này và không cần phải luyện tập một cách đặc biệt.
Ðối với những người thân mến của chư huynh đã quá cố, vì sự tự biết đã chia ly, phân cách, thì cũng vậy. Thỉnh thoảng, chư huynh chiêm bao thấy họ. Thật ra đó không phải là một giấc mơ hay là sự tưởng tượng; chư huynh đã đích thực được xum họp với họ trong cảnh giới mà chư huynh đã vô khi xác thân chư huynh đã ngủ. Chư huynh hãy nghĩ đến những người thân mến, chư huynh hãy nhớ tới những kỷ niệm của họ; trong khi ngủ, chư huynh sẽ được xum họp với họ một cách tỉnh táo. Và chỉ khi nào chư huynh thức giấc, người đời gọi sự thức giấc này là sự sống của một cuộc đời có ý thức, nhưng đối với những cảnh giới cao siêu thức giấc này chỉ là một giấc ngủ mà thôi và đối với họ, chính là chư huynh như đã biến đi mất, đã ngủ đi vì chư huynh không còn cảm thấy sự tiếp xúc với họ hay sự hiện diện của họ. Theo lối đó, chư huynh có thể giúp đỡ họ nhiều. Khi tự phát triển, chư huynh sẽ “tỉnh giấc” trên Cõi Trung Giới. Như thế có nghĩa là những giác quan thuộc về Vía của chư huynh được hướng ra ngoại cảnh. Chư huynh sẽ trông thấy, cảm thấy, chư huynh nghe được, chư huynh hiểu biết và có thể hành động, nói năng một cách tự do như ở Cõi Trần. Tôi xin nói rằng còn tự do hơn là ở đây nữa. Và khi một tai họa lớn lao xảy ra, một trận động đất, một vụ đắm tàu hay một cuộc chiến tranh tai hại như trận chiến tranh hiện tại ở phía Đông Âu Châu [12]. Nếu chư huynh muốn, chư huynh có thể cứu vớt những kẻ đáng thương bị chết bất đắc kỳ tử, họ bỏ xác một cách đột ngột trong khi đang hăng hái chiến đấu, đang lúc tức giận, đang lúc rung rẩy, không biết hiện giờ mình đang ở đâu và có việc gì đang xảy ra với mình đây. Chư huynh có thể đi đến với họ, giống như những vị Thiên Thần bác ái để dỗ dành, an ủi, khuyên nhủ, khi chư huynh đã học được cách trở nên tỉnh táo trên những cảnh giới cao siêu, và khi nào chư huynh đạt được tâm thức đó, chư huynh sẽ không còn sợ chết vì cái cảnh giới mỗi đêm chúng ta đi vào thì cũng sẽ là cái cảnh giới của chúng ta vào ở sau khi chúng ta chết. Một vài tín đồ Gia Tô Giáo gọi đó là Cõi Trung Gian ở khoảng giữa Cõi Hồng Trần này và Thiên Ðường. Người Ấn Ðộ gọi nó là Kamaloka, Cõi Dục Giới, cảnh giới của dục vọng và của cảm xúc. Thật vậy, đó là thế giới của sự xúc động. Khi chết đi, chư huynh dẹp bỏ xác thân lại một bên giống như mỗi đêm chư huynh đi ngủ và chư huynh bước vào Cõi Trung Giới quen thuộc, còn xưa kia thì chư huynh đã sống trong xác thân. Khi chư huynh tỉnh dậy trong cái cảnh giới mới mẻ đó, sau giấc ngủ mà người đời gọi là chết, chư huynh sẽ thấy mình giống y như chư huynh hãy còn ở Cõi Hồng Trần. Chư huynh vẫn cảm xúc, vẫn tư tưởng, vẫn hiểu biết như xưa. Chư huynh không hề thay đổi, nhưng mà hoàn cảnh của chư huynh ở đây tùy thuộc cái đời sống của chư huynh ở Cõi Trần. Vì vậy cần biết cái điều gì nó chờ đợi chúng ta sau khi chết. Ðối với tín đồ Cơ Ðốc Giáo đã tin chắc từ xưa có một hỏa ngục để hành hạ tội nhân đời đời thì sự chết là một sự đáng sợ, dù là đối với những người lương thiện nhất cũng vậy. Có những người hữu lý hơn, họ thấy họ là những người không đức hạnh hoàn toàn để được vào Cõi Thọ mà họ cũng không độc ác đến nỗi phải chịu đựng những hình phạt trong một hỏa ngục đời đời, thế nên họ không lo lắng gì cả và nói: ‘‘Hãy đợi bao giờ chết sẽ hay”. Như vậy, đối với họ là ổn thỏa lắm rồi, nhưng đó không phải là phương pháp hay nhất để bước vào một thế giới xa lạ.
Những người Công Giáo La Mã gọi Cõi Trung Giới này là “Hỏa ngục luyện tội” (Le Purgatoire). Miễn là chư huynh đừng phạm những trọng tội thì khi chết, Giáo Hội sẽ có thể sắp đặt mọi sự và nếu Giáo Hội có bất lực đi nữa thì cũng hãy còn những ơn phước lớn lao ngoại lệ của Ðức Thượng Ðế ban xuống để cứu rỗi linh hồn khỏi vòng đau khổ vô hạn. Tuy nhiên, trái lại với sự dự đoán của Giáo Hội, Hỏa ngục luyện tội không thích hợp với tất cả những ai chưa phải là bậc thánh. Ðó là chỗ ở của những kẻ đã sống trong tội lỗi rõ ràng và thô tục, nhất là kẻ ham ăn, hốc uống, những kẻ say sưa và những kẻ trụy lạc, dâm đảng. Ba trọng tội này thuộc về xác thân khiến cho con người đau khổ vô cùng sau khi chết. Không phải Ðức Chúa Trời nổi giận nên phạt họ, vì Ngài là Từ Bi Bác Ái, cũng không phải là Ngài trả thù ta, vì Ngài là Đấng Cha lành của chúng ta. Những dục vọng đó phát sinh từ cái Vía lôi cuốn con người. Qua Cõi Trung Giới tất cả những sự thèm muốn đó vẫn hãy còn mãnh liệt trong khi xác thân là cái dụng cụ giúp cho chúng được thỏa mãn đã bị bàn tay giá lạnh của Tử Thần tiêu diệt rồi. Ðó chính là cái hỏa ngục thiệt thọ vậy, đó là khi kẻ say sưa thèm rượu mà không được uống, khi kẻ ham ăn thèm những món ăn ngon lành mà không có, khi kẻ dâm đảng thèm thú vui xác thịt mà không được thích ý. Những mối dục vọng nồng nhiệt này, mãnh liệt hơn những sự thèm muốn hồng trần, không còn được thỏa mãn nữa. Vì không thể tiếp xúc với cái gì mà họ thèm thuồng, những dục vọng của họ thiêu đốt họ như một ngọn lửa tàn phá cho tới khi nào chúng bị tiêu tan đi lần lần, vì không còn đồ dẫn hỏa nữa. Nếu chư huynh để cho dục vọng của mình tăng trưởng và nếu chư huynh chết một cách thình lình, thì Cõi Dục Vọng sẽ dành cho chư huynh những nỗi đau đớn ghê gớm, vì theo như định luật, chư huynh đã gieo nhân nào thì chư huynh sẽ gặt quả nấy. Chính chư huynh là kẻ đao phủ tự xử tội mình và chỉ vì điên khùng nên chư huynh mới tự làm cho mình khổ sở sau khi chết.
Nhưng có biết bao nhiêu người đã chết rồi mà không đau khổ; tuy nhiên, họ cũng không sung sướng; họ buồn nản lạ lùng. Vì rằng khi còn sống họ chỉ chú ý đến những sự việc nhỏ nhặt vô nghĩa, vô lý. Nếu chư huynh thích những cuộc giải trí phù phiếm, nếu chư huynh không thích những công việc trí thức, nếu chư huynh không nghĩ đến mỹ thuật, văn chương, không tưởng đến những cái gì kích thích những cảm tình cao thượng, nếu chư huynh thích cờ bạc, những cuộc đánh cá; nếu chư huynh chỉ đi nhà thờ để nhìn ngắm những cái áo hợp thời trang nhất, thì tôi phải nói rõ rằng sau khi chư huynh chết, chư huynh sẽ không sung sướng lắm đâu, và như vậy trong một thời gian khá lâu. Lúc đó chư huynh sẽ không thích một điều gì, vì ở Cõi Trung Giới, chư huynh không thể làm thỏa mãn những ý muốn phù phiếm của mình, không phải trông nom nhà cửa, không phải làm những công việc lặt vặt, chúng choán hết đời sống của chư huynh xưa kia. Có lẽ chư huynh sẽ nói rằng: “Tôi buộc phải làm những công việc nội trợ nặng nhọc hay làm đầy đủ những nhiệm vụ của nghề nghiệp. Phải chăng bà muốn nói rằng ở bên kia cửa tử, tôi sẽ vì vậy mà vô cùng chán nản tuy không bị đau khổ”. Có một phương pháp để chư huynh tránh được sự buồn não nề. Chư huynh hãy làm cái công việc tầm thường mà chư huynh bắt buộc phải làm, coi nó như một phần tử cố hữu của sự hoạt động của Thượng Ðế, như là một cách dự phần có ý thức vào công nghiệp của Ngài trong thế gian này và nhờ như vậy xã hội mới được tồn tại. Nếu chư huynh coi theo cách đó cái công việc của người lái buôn nhờ y ta mới có được những y thực; cái công việc của nhà luật gia làm cho sáng tỏ sự công bình của Thượng Ðế, cái công việc của ông quan tòa áp dụng thiên luật để làm những điều hữu ích cho loài người; cái công việc của thầy thuốc tượng trưng cho cái uy quyền thiêng liêng của Trời mà nâng đỡ con người, của người mẹ chăm nom, thương mến con giống như Ðức Mẹ thiêng liêng, Ðức Thánh Mẫu nuôi dưỡng thế gian và nhờ vậy nhân loại mới sống và khỏe mạnh, cái công việc của nhà lập pháp lấy tư tưởng mà diễn tả luật Trời, nếu chư huynh luôn luôn liên kết những công việc hàng ngày của mình với những công việc Ðại đồng thiêng liêng, thì lúc đó chư huynh sẽ vượt khỏi giới hạn của bổn phận tầm thường: vượt khỏi những chi tiết nhỏ nhen của đời sống Hồng Trần, chư huynh sẽ đi vào trong sự vinh quang của công việc Thiêng Liêng, công nghiệp của Thượng Ðế toàn năng trong vũ trụ của Ngài. Những lý thuyết này không phải là mới mẻ đâu. Chư huynh hãy nhớ rằng Georges Herbert đã dạy thuyết này khi nói về một người tớ gái đang quét dọn một căn phòng: “Người tớ gái, trong cái tinh thần đó, đã làm cho mọi việc đều trở nên thiêng liêng. Cô quét một căn phòng để tuân theo thiên luật và làm cho công việc này trở nên cao thượng”. Còn có trường hợp này nữa: chư huynh hãy nghĩ đến cái hạng người đi hốt rác quét đường mương, quét cống, họ thường bị khinh bỉ, ghê gớm, họ chịu nhục nhã, họ dơ dáy, chư huynh không muốn tiếp xúc với họ. Nhưng chính nhờ cái công việc bẩn thỉu của họ mà chúng ta mới được sạch sẽ, nhờ họ chịu khổ sở nên ta mới được khỏe mạnh, nhờ họ phải đê hèn nên chúng ta mới được thanh cao lịch sự giống như những cánh hoa sen từ đống bùn mọc lên, những xu hướng thanh nhã của chúng ta phát triển được là nhờ cái công việc làm dơ dáy của họ rất cần thiết cho xã hội. Chư huynh hãy nói với họ rằng chính họ đã cộng tác với thiên nhiên. Chư huynh hãy dạy bảo họ, hãy mở mang trí khôn của họ, hãy làm cho họ tin chắc rằng công việc của họ là một phần của cái công việc cao thượng của thiên nhiên. Chư huynh hãy cố gắng làm cho họ hiểu rằng từ nơi sình lầy, thiên nhiên khiến cho một đóa hoa mọc lên. Thiên nhiên xóa bỏ sự ô uế và biến đổi nó thành ra mùi thơm dịu dàng. Nếu chư huynh làm cho họ hiểu rõ những chân lý này và một mặt khác nếu chư huynh cũng hiểu được rằng ta phải kính trọng họ chứ không nên khinh bỉ họ, thì lúc đó chư huynh đã học được điều bí mật cao cả của đời sống tinh thần. Chư huynh sẽ biết rằng Thượng Ðế là người thợ duy nhất, và vì vậy cho nên mọi công việc đều đáng tôn kính, phải được người ta kính trọng. Chư huynh hãy suy ngẫm về những tư tưởng này, khi chư huynh thấu triệt chúng, chư huynh sẽ hiểu đời sống một cách tường tận hơn. Tất cả những ai không có những tật xấu tệ hại về xác thân, tất cả những ai không có những khuynh hướng và những cảm tình thô bỉ thì đều có một đời sống hạnh phúc và hưởng lạc thú nồng nàn ở Cõi Trung Giới bên kia cửa tử, họ cũng có thể giúp ích cho con người nhiều hơn là khi họ còn sống. Tôi đã nói sơ lược qua về đề tài rất phức tạp và đã tìm cách bổ khuyết những chỗ thiếu sót bằng cách kể tên vài ba cuốn sách có thể mang đến cho chư huynh những điều chỉ dẫn rộng rãi hơn. Ðể kết thúc cái phần thứ hai này trong sự nghiên cứu của chúng ta, tôi chỉ có thể khuyên chư huynh: hãy tăng gia những kiến thức của mình; hãy hiểu rằng định luật điều khiển thế gian và những mối cảm xúc của chư huynh cũng như sự luân chuyển của vũ trụ đều bị định luật kiểm soát. Nếu chư huynh học cách điều khiển, dìu dắt những cảm tình của mình, bắt chúng phải tùng phục mình, nếu chư huynh không để cho chúng lôi cuốn mình đi, thì sự thông hiểu về định luật sẽ làm cho đời sống của chư huynh yên tĩnh và bền vững hơn. Chư huynh sẽ hiểu rằng ở đây sự học hỏi về đề tài này rất ngắn ngủi, lẽ dĩ nhiên nó rất nông cạn, nhưng nó đáng cho chư huynh nghiên cứu thêm theo phương hướng mà trí thông minh của chư huynh chỉ dẫn. Hôm nay tôi chỉ đưa ra cho chư huynh một lời chỉ dẫn giản dị nó có thể dẫn dắt chư huynh đến con đường của sự hiểu biết và của đạo hạnh, nó sẽ làm cho đời sống của chư huynh được sáng sủa rực rỡ và đến lúc chư huynh lâm chung, trong lòng chư huynh vẫn an tĩnh.
Các sinh viên có thể đọc những cuốn sách này: “Cõi Trung Giới (Le Plan Astral) và Thần nhãn (La clairvoyance)” cùng những trang nói về Trung Giới trong cuốn “Minh Triết Cổ Kính” (Sagesse antique) “Những định luật căn bản của Thông Thiên Học” (Lois fondamentales de la Théosophie). Họ có thể học những kinh nghiệm về thôi miên trong cuốn sách của Binet và Féré nói về vấn đề này, và cuốn “Chứng loạn thần kinh nặng nề” của Charcot.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved