Home » » Vai trò đặc biệt của Chủ -nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa trong văn hoá Xô-viết Phần II)t-

Vai trò đặc biệt của Chủ -nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa trong văn hoá Xô-viết Phần II)t-

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011 | 00:24

Tư liệu tham khảo – Katerina Clark -Vai trò đặc biệt của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa trong văn hoá Xô-viết (Phần II)

(“Lời giới thiệu” cho cuốn Tiểu thuyết Xô-viết: Lịch sử như một điển lễ (The Soviet Novel: History as Ritual)
Hoài Phi dịch
Mối quan hệ biện chứng “tự phát”/ “có ý thức” trong vai trò là sức mạnh kết cấu định hình cho cốt truyện chủ đạo
Các nghi lễ, như đã nói ở trên, luôn luôn bao gồm sự biến đổi: đối tượng của nghi lễ chuyển từ trạng thái này sang một trạng thái khác, còn sự phát triển – hay “đường đi” – của anh ta thì nhập vai một số khái niệm trung tâm của nền văn hoá. Vì cốt truyện chủ đạo của tiểu thuyết Xô-viết cung cấp một bản báo cáo được nghi lễ hoá về tư tưởng Marx-Lenin đối với tiến trình lịch sử, người đọc có thể nghĩ rằng thời kỳ quá độ nói đến ở đây có thể bao gồm quá trình chuyển đổi từ một xã hội có giai cấp, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản tiến đến nhà nước cuối cùng – một xã hội phi giai cấp đại loại như chủ nghĩa cộng sản. Song thật ra, đấu tranh giai cấp không phải là một chủ đề kiên định trong tiểu thuyết Xô-viết, và chắc chắn nó không cung cấp sức mạnh cấu thành cho cốt truyện chủ đạo của tiểu thuyết.
Ẩn ý định hình cốt truyện chủ đạo là một khái niệm cơ bản khác của chủ nghĩa Marx-Lenin, một khái niệm đã bị hạ thấp (déclassé) và trừu tượng hơn so với những diễn giải về đấu tranh giai cấp trong lịch sử. Trong phiên bản này, tiến bộ lịch sử xảy ra không phải nhờ giải quyết mâu thuẫn giai cấp, mà nhờ sự chế định (the working-out) của cái gọi là mối liên hệ biện chứng giữa “tự phát” và “có ý thức”. Trong mô hình biện chứng này, “tính có ý thức” phiếm chỉ những hành vi hoặc hoạt động chính trị được kiểm soát, chỉ đạo và duy trì kỷ luật bởi những con người có ý thức về chính trị. “Tính tự phát”, trái lại, phiếm chỉ những hành vi không được chỉ đạo hoàn toàn bởi ý thức chính trị, hoặc những hành động rời rạc, thiếu sự phối hợp, thậm chí vô chính phủ (chẳng hạn những cuộc đình công hay những cuộc nổi dậy tự bùng phát của quần chúng, v.v…); “tính tự phát” cũng có thể được quy cho tác động của các sức mạnh lịch sử to lớn khách quan, chứ không phải những hành động [chủ quan – ND] được cân nhắc.
Theo mô hình Marxist-Leninist về tiến bộ lịch sử, xã hội từ thuở ban đầu đã có cuộc đấu tranh biện chứng giữa các lực lượng “tự phát” (thống lĩnh trong những hình thức xã hội sớm nhất, nguyên thuỷ nhất) và các lực lượng “có ý thức” (vốn hiện diện ngay từ buổi đầu, mặc dù phần lớn dưới dạng tiềm tàng). Biện chứng này cung cấp động lực tiến bộ và đưa đến điểm dừng cuối của lịch sử là chủ nghĩa cộng sản. Nó tác động đến một chuỗi hợp đề [1] (những “sự nhảy vọt”, hay các cuộc cách mạng) ngày càng ở trình độ cao hơn, dẫn đến những hình thức cao hơn bao giờ hết của cả “tính tự phát” lẫn “tính có ý thức”. Giai đoạn sau chót của sự phát triển của lịch sử – tức chủ nghĩa cộng sản – đạt được trong hợp đề cuối cùng, trong đó mâu thuẫn biện chứng được giải quyết xong, một lần và mãi mãi. Hợp đề cuối cùng, hay cuộc cách mạng cuối cùng, sẽ kết thúc với chiến thắng của “tính có ý thức”, nhưng hình thức của “tính có ý thức” khi đó sẽ thay đổi khiến nó không còn đối lập với “tính tự phát” nữa; sẽ không còn mâu thuẫn giữa những phản ứng tự nhiên của con người và những lợi ích tốt đẹp nhất của xã hội nữa. Nói cách khác, hợp đề cuối cùng sẽ giải quyết mối mâu thuẫn lâu đời giữa cá nhân và xã hội.
Nhiệm vụ của văn học trong vai trò tạo ra các huyền thoại chính thống là cung cấp những bài học khách quan (object lessons) trong sự chế định của mối quan hệ biện chứng “tính tự phát” / “tính có ý thức”. Cũng như điều thường đúng với các hình thức nghi lễ, cốt truyện chủ đạo cá biệt hoá những quá trình được phác thảo trong sử học Marx-Lenin bằng cách mã hoá chúng trong thứ ngôn ngữ tiểu sử: nhân vật tích cực trên sân khấu đi từ trạng thái tương đối “tự phát” sang một mức độ cao hơn của “ý thức” mà anh ta đạt được nhờ một cuộc cách mạng cá nhân nào đó.
Khả năng ngụ ngôn hoá mối quan hệ biện chứng “tính tự phát” / “tính có ý thức” có được là nhờ bởi phạm vi ý nghĩa mà hai thuật ngữ này có thể bao hàm. Trong bối cảnh hạn hẹp hơn của con người cá nhân, khác biệt với xã hội nói chung, “tính có ý thức” có nghĩa là sự thủ đắc nhận thức chính trị và sự tự chủ hoàn toàn, khiến mọi hành động của cá nhân đó đều được hướng dẫn bởi nhận thức; trong khi đó, “tính tự phát” nhằm nói đến những hành động tự thân, bướng bỉnh, vô chính phủ và coi mình là trung tâm. Tấn kịch tranh đấu vĩ đại trong lịch sử giữa các thế lực tự phát và các thế lực có ý thức diễn ra qua câu chuyện kể về một cá nhân khắc phục cái tôi bướng bỉnh của mình, trở nên có kỷ luật và đạt tới “một thân thế ngoài bản thân” (an extra personal identity). Vì vậy, nếu gạt qua một bên những cái bẫy [đánh lừa người đọc – ND], chẳng hạn như bối cảnh nhà máy, nông trường và các cuộc họp Ðảng, chúng ta có thể xem tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trên thực tế như một biến thể được chính trị hoá của thể loại Bildungsroman (tạm dịch: “tiểu thuyết giáo dưỡng” – ND), trong đó nhân vật chính đạt được sự hài hoà lớn hơn, cả bên trong bản thân anh ta lẫn trong quan hệ [của anh ta] với xã hội. Nhưng sự so sánh này không thể tiến xa được, bởi vì tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa được nghi lễ hoá cao đến mức mà sự phát triển của nhân vật chính vừa không mang tính cá biệt, vừa không mang tính tự trọng (self-valuable).
Vì sao tiểu thuyết Hiện thực xã hội chủ nghĩa lại lấy mối liên hệ biện chứng “tự phát” / “có ý thức”, thay vì đấu tranh giai cấp, làm chủ đề nền tảng? Khó có thể nói điều này là kết quả của một sự tìm kiếm “có ý thức” (thay vì nổi lên “một cách tự phát”), nhưng còn lâu nó mới mang tính tuỳ tiện hay ngẫu hứng. Câu trả lời cho câu hỏi đó – một câu trả lời thật ra có hai mặt – sẽ giải thích vì sao tiểu thuyết Xô-viết lại là tư liệu chìa khoá cho lịch sử văn hoá Xô-viết.
Trước hết, bản thân mối liên hệ biện chứng “tự phát” / “có ý thức” không phải là một lý thuyết ngây thơ, bởi nó vẫn luôn luôn là trung tâm của các cuộc tranh cãi chính trong lòng chủ nghĩa Marx kiểu Nga. Ban đầu, khi những nhóm Marxist Nga đầu tiên được thành lập vào thập niên 1890, các thảo luận – được mô tả là cuộc tranh cãi giữa phe theo chủ ý luận (the voluntarists) và phe theo quyết định luận (the determinists) – thường xoay quanh vấn đề liệu lịch sử được quyết định bởi những nỗ lực “có ý thức” của con người, hay những thay đổi của lịch sử xảy ra theo cách riêng của nó (“tự phát”), bắt nguồn từ kết quả của những thay đổi trong các nhân tố ngoài con người, chẳng hạn như phương tiện sản xuất.
Trong chủ nghĩa Marx kinh điển, sự chia rẽ giữa phe chủ ý luận và phe quyết định luận cũng khá mơ hồ. Nhưng nói chung, ý tưởng Marxist về lịch sử ngả theo quan niệm là thay đổi lịch sử xảy ra do kết quả của những thế lực khổng lồ, siêu cá nhân (transpersonal), hơn là do hành động của “ý thức tự giác”, “tinh thần” hay những nhân vật xuất chúng. Trong những diễn giải về lịch sử, Marx nhấn mạnh vai trò quyết định của các thế lực vật chất siêu cá nhân. Tuy vậy, Marx thừa nhận có sự tương tác qua lại, thừa nhận ý niệm là không chỉ có “thời thế tạo anh hùng” mà “anh hùng [cũng] làm nên thời thế.” [2]
Với các nhà Marxist Nga, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề lý thuyết. Nó còn là trung tâm trong những vấn đề trọng đại của thực hành chính trị. Điều này có nguyên nhân bởi các quan sát của Marx dựa trên những xã hội công nghiệp khá phát triển ở Tây Âu, nơi mà quan niệm về một cuộc cách mạng “vô sản” có vẻ khả dĩ hơn. Nhưng khi đó Nga vẫn chưa phát triển tới thời điểm đủ điều kiện tiên quyết cho một cuộc cách mạng cộng sản. Ít nhất bốn phần năm dân số Nga là nông dân, và thậm chí cả giai cấp công nhân tương đối nhỏ của nó cũng bao gồm phần lớn những người trước đó vừa mới còn là nông dân. Trình độ học vấn của cả công nhân lẫn nông dân rất thấp; phần lớn trong số họ còn mù chữ. Tóm lại, khó lòng mà có một bộ phận đáng kể trong dân chúng có được ý thức cách mạng. Một số nhà Marxist Nga biện luận rằng vì vậy cần phải đợi đến khi giai cấp vô sản lớn hơn và phát triển hơn, mới có thể tiến hành cách mạng; những người khác thì tin rằng có thể có một con đường tắt đi tới cách mạng bằng cách nâng cao ý thức của công nhân, cũng như bằng những hoạt động có chủ định khác.
Cuộc tranh cãi này lên tới đỉnh điểm vào năm 1903, khi cuốn sách chính luận Làm gì? – Những vấn đề cấp bách của phong trào chúng ta [3] của Lenin (1902) chia rẽ Ðảng Lao động Dân chủ Xã hội (Marxist) Nga thành hai phe – Bolshevik (theo học thuyết của Lenin) và Menshevik. Trong chính luận này, Lenin đã đưa ra hướng đi gây rất nhiều tranh cãi của mình, một hướng đi tách khỏi (hay bổ sung thêm vào, tùy theo quan điểm của người nói) học thuyết Marxist ban đầu: học thuyết của “những người tiên phong”. Lenin cho rằng có thể vòng qua vô số những điều kiện tiên quyết theo chủ nghĩa Marx kinh điển mà xã hội Nga đương thời không đáp ứng được để tiến hành cuộc cách mạng cộng sản, bằng cách hình thành một “đội tiên phong của giai cấp vô sản”, bao gồm một nhóm nhỏ những nhà cách mạng tận tuỵ, có kỷ luật và có ý thức cao độ; những người này trước tiên sẽ lãnh đạo lớp quần chúng có “ý thức” thấp hơn đi đến “ý thức” cao hơn, rồi sau đó đến cách mạng. Sự chia rẽ trong phong trào Marxist Nga về những vấn đề này trở nên trầm trọng một lần nữa vào năm 1917, khi Lenin trở về từ nơi ông đang sống lưu vong sau cuộc Cách mạng tháng Hai và tuyên bố, trong Luận cương tháng Tư, rằng cuộc cách mạng “tư sản” đầu tiên này cần được đẩy xa hơn thành cuộc cách mạng cộng sản. Nhiều người, bao gồm cả một số nhân vật Bolshevik lỗi lạc, chống lại quan điểm này, vì họ cho rằng Lenin đã quá vội vàng và thiếu kiên nhẫn.
Có thể có người nghĩ rằng sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Mười hẳn sẽ chấm dứt những tranh cãi này. Nhưng điều đó còn lâu mới thành hiện thực, và những người Nga Xô-viết vẫn tiếp tục tranh cãi liệu cuộc Cách mạng [tháng Mười Nga] có quá hấp tấp không, và liệu lịch sử có thể được “làm nên” ở một mức độ đáng kể nào đó không. Hơn nữa, một khi cách mạng đã bùng nổ, việc tiếp tục dựa vào “đội tiên phong” – theo nghĩa một nhóm tinh hoa có quyền lực kiểm soát tập trung – khiến cho việc hoà hợp giữa thực hành Xô-viết với lý luận Marxist chủ yếu – “sự tàn lụi của nhà nước” – trở nên khó khăn. Bản thân Lenin thì tin rằng một khi cách mạng đã diễn ra và quần chúng đã trở nên có “ý thức” hơn trong môi trường hậu cách mạng, thì nhu cầu cần một “đội tiên phong” trong vai trò kiểm soát, kỷ luật và khai sáng, cũng kết thúc. “Ðội tiên phong” và bộ máy kiểm soát nhà nước (công an và những thứ tương tự) khi đó sẽ, theo ước định của Marx, dần dần “tàn lụi” trong một xã hội “phi giai cấp”.
Có thể “hoàn cảnh” đã chống lại họ, nhưng những người Bolshevik đã không biến nổi dự đoán này [của Marx] thành hiện thực. Trong những năm đầu thời hậu Cách mạng, nhiều mối đe dọa trong và ngoài đối với quyền lãnh đạo của Đảng Bolshevik (chẳng hạn như Nội chiến và sự can thiệp của các quân đội Ðồng minh) khiến họ nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng các thiết chế kiểm soát nhà nước hơn là họ đã hình dung. Sau này, thời Stalin, những mối đe doạ từ bên ngoài đã ít hơn (trừ Thế chiến thứ II), và có thể cho rằng cũng ít mối đe doạ từ bên trong hơn; thế nhưng bộ máy nhà nước dưới quyền Stalin lại phình to ra và thâu tóm nhiều quyền lực hơn trước đó. Mặc dù tranh cãi về các vấn đề chính trị tại không gian công là điều hầu như bất khả, song rõ ràng là việc nhà nước cưỡng lại sự “tàn lụi” theo kế hoạch đã khiến ngay cả giới lãnh đạo cũng phải băn khoăn. Một triệu chứng cho thấy sự lúng túng của họ là vào thập niên 1930, hầu như trong tất cả các số trên tờ Bolshevik, cơ quan lý luận của Ðảng, ra ra hai kỳ mỗi tháng, đều có một bài viết trực tiếp hoặc gián tiếp tìm cách giải quyết những câu hỏi như vì sao nhà nước chưa bắt đầu “tàn lụi” và khi nào thì có thể trông đợi điều ấy xảy ra.
Những người Bolshevik đã luôn luôn được tôi luyện qua các cuộc bút chiến với những người phê bình họ ngay trong phong trào cánh tả nhiều hơn là bởi kẻ thù thuộc cánh hữu, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi, thay vì cung cấp các câu chuyện khai trí về đấu tranh giai cấp, văn học Xô-viết chính thống lại sản sinh ra những huyền thoại để hợp lý hoá vị thế của người Bolshevik trong cuộc tranh cãi quyết liệt trường niên về vai trò của tính có ý thức và tính tự phát trong lịch sử. Thật vậy, việc văn học đóng vai trò là nhà biện hộ trên thực tế ngày càng tăng. Truyền thống Hiện thực Xã hội chủ nghĩa bắt đầu với những truyện ngụ ngôn (chẳng hạn Người mẹ) minh hoạ cho sự vận hành của mối quan hệ biện chứng “tự phát” / “có ý thức”, nhưng dưới thời Stalin, những quy ước đặc biệt đã được bổ sung vào cốt truyện chủ đạo để khẳng định một cách tượng trưng rằng con đường phát triển lên chủ nghĩa cộng sản được đảm bảo cụ thể dưới sự lãnh đạo của chính quyền Xô-viết đương thời.
Mặc dù tất cả những điều này là sự thật, chúng đại diện cho một giải thích phần nào hơi hạn chế về vai trò của cốt truyện chủ đạo trong xã hội Xô-viết. Chúng ta không thể chỉ xem vai trò của hai mặt đối lập “tự phát” và “có ý thức” như là ẩn ý của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh những cuộc tranh cãi giữa những người Marxist Nga và những mưu sĩ của phe theo học thuyết Lenin hay Stalin. Văn học không đơn thuần là nô lệ của chính trị, thậm chí ngay cả trong những thời kỳ nó bị đàn áp khốc liệt. Hơn nữa, Ðảng cũng không có một diễn giải dứt khoát, nhất quán về mối quan hệ biện chứng này để áp đặt cho văn học, ngay cả khi có thể áp đặt được đi chăng nữa.
Nếu theo dõi các cuộc thảo luận của phe Bolshevik về mối quan hệ biện chứng “tự phát” / “có ý thức” qua thời gian, ta sẽ thấy nổi lên ba đặc điểm: mâu thuẫn, gây tranh cãi, và đa nghĩa. Theo tôi, tính rườm rà về ngữ nghĩa này là hệ quả của một thực tế là sự đối lập “tự phát” / “có ý thức” có ảnh hưởng rộng hơn là vị trí mà nó chiếm giữ trong học thuyết Marx-Lenin. Ðây là một trong những cặp đối lập then chốt trong văn hoá Nga khi so sánh với, chẳng hạn, cặp đối lập “tư tưởng” / “thực tế” trong Triết học kinh viện (Scholasticism) hay sự phân biệt giữa “chủ thể” và “khách thể” trong tư tưởng Ðức thế kỷ 19.
Sự chia rẽ “tự phát” / “có ý thức” thích nghi một cách đặc biệt tốt với nhu cầu nghi lễ của toàn xã hội. Có lẽ không phải tình cờ mà đồ thức (scheme) của nó cho sự phát triển lịch sử rất giống với mô hình của Hegel cho sự chế định (the working-out) của Geist [4] trong lịch sử. (Hegel có ảnh hưởng rất sâu sắc tới giới trí thức Nga trong thời kỳ hình thành của giới này vào giữa thế kỷ 19.) Quan trọng hơn nữa, cặp đối lập này cung cấp phép tỷ dụ chủ đạo (the master trope), tập trung những năng lượng văn hoá chính yếu lại và chỉ đạo gỡ rối những tình thế lưỡng nan then chốt của giới trí thức Nga. Mối biện quan hệ chứng “tự phát” / “có ý thức” là phiên bản Nga của một động lực từng được biết đến ở Tây Âu như cặp đối lập “thiên nhiên” / “văn hoá”, đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà nhân chủng học đương đại. Chúng ta có thể phát hiện ra mâu thuẫn gốc rễ của nước Nga về quá trình hiện đại hoá, ẩn núp đằng sau vô số tranh cãi liên quan đến mô hình kiểu Lenin về sự phát triển của lịch sử. Sự đối lập “tự phát” / “có ý thức”, trên thực tế, là công thức có hiệu quả cho việc chuyển mã chủ nghĩa Marx của Ðức vào văn hoá Nga.
Phiên bản Leninist về sự phát triển của lịch sử không chỉ khác với Marx về mức độ – bằng cách thay đổi sự nhấn mạnh. Cứ cho rằng từ quan điểm của Marx về lịch sử, lịch sử diễn ra 90 phần trăm là do tất yếu (necessity) và 10 phần trăm là do các hoạt động có chủ đích, thì với Lenin, phần ảnh hưởng khổng lồ đã được chuyển sang gán cho các thế lực của “ý thức” (chẳng hạn, “đội tiên phong”). Một thay đổi tận gốc rễ đã diễn ra.
Các nhà Marxist Nga đã bắt đầu bằng việc thu nhận một hệ tư tưởng Ðức để giải quyết những nan đề xã hội kinh niên của nước Nga (tỷ như nghèo đói, chế độ chuyên quyền và sự bất bình đẳng). Hệ tư tưởng này, một khi đã bắt rễ trên mảnh đất Nga, đã bị “Nga hoá”. Chủ nghĩa Marx là tư tưởng phát sinh trong lòng một xã hội công nghiệp phát triển. Nay nó được áp dụng vào một xã hội nông dân lạc hậu, với những điều kiện chính trị và trí thức hết sức khác biệt. Vì vậy, việc văn hoá Nga tô màu cho phiên bản tư tưởng Marx của họ là điều không thể tránh khỏi; kết quả là tư tưởng đó ngày càng ít giống với một chương trình chính trị Tây Âu hơn, và ngày càng giống một hệ tư tưởng biểu thị đặc điểm của một nhánh trong giới trí thức cấp tiến Nga hơn.
Một chỉ dấu bề mặt cho thấy sự khác biệt giữa hai quan điểm này là sự thay đổi trong thuật ngữ. Trong chủ nghĩa Marx kinh điển, cặp đối lập “tự phát” / “có ý thức” không tồn tại như thế. Marx có mô tả một mô hình tương tự cho sự phát triển lịch sử, nhưng ông bàn về nó theo mối biện chứng giữa “tự do” (freedom), nơi Con Người điều chỉnh trao đổi của nó với Tự Nhiên một cách có lý trí, và “tính tất yếu” (necessity), chẳng hạn những hoàn cảnh có tác động đến sự phát triển của lịch sử. [5] Trong lý thuyết, Marx cũng tập trung khá nhiều vào phạm trù “tính có ý thức” (Bewusstsein); song, mặc dù phạm trù “tính tự phát” (Spontanität) có xuất hiện trong các tác phẩm của Marx, nó có vị trí khiêm tốn hơn “tính có ý thức” rất nhiều, và chắc chắn nó không phải là cực đối lập rõ rệt của “tính có ý thức”.
Khi các nhà Marxist Nga của thập niên 1890 và đầu thế kỷ 20 tranh cãi về con đường đi tới cho nước Nga, các cuộc tranh luận của họ không xoay quanh vai trò của “tự do” và “tính tất yếu”, mà xoay quanh “tính có ý thức” và “tính tự phát” – những phạm trù mà trong trước tác Làm gì? của Lenin (1902) đã trở thành hai cực trong mối quan hệ biện chứng căn bản của sự phát triển lịch sử. Hơn nữa, trong khi “tính có ý thức” và “tính tự phát” trong chủ nghĩa Marx kinh điển là những thuật ngữ khá mang tính chuyên môn (“tính có ý thức” – Bewusstsein [6] , vốn bao hàm nghĩa “sự khai sáng” – có phần ít chuyên môn hơn), cả hai từ mà các nhà Marxist Nga chọn để diễn đạt các khái niệm này đều mang ý nghĩa đồng hoá những thuật ngữ ấy với những mối bận tậm của giới trí thức Nga khi đó. [7] Chẳng hạn từ [tiếng Nga] được chọn cho “tính có ý thức” là soznatel’nost’ , vốn dĩ nhuốm màu một điều gì đó được gợi cảm hứng bởi lương tâm con người [8] , và do vậy có thể liên hệ với vai trò truyền thống của giới trí thức là gánh vác lương tâm của xã hội Nga.
Ví dụ nổi bật nhất của sự chuyển mã này là từ được chọn để dịch “tính tự phát” – stixijnost’, một từ chuyên chở rất nhiều ý nghĩa, cả tích cực lẫn tiêu cực; tất cả những ý nghĩa đó đều là trọng tâm của những vấn đề nan giải mang tính sống còn của giới trí thức Nga. Căn từ của thuật ngữ stixijnost’, stixija, có nghĩa là “nguyên tố của tự nhiên” [9] . Từ này vì vậy có thể được sử dụng trong những thành ngữ như “trong môi trường của anh ta”, với nghĩa tích cực, và cũng hàm nghĩa “những thế lực hoang dã, không kiểm soát được” (chẳng hạn các trận bão trong thiên nhiên hay cơn điên giận của con người) [10] . Vì vậy stixijnost’ hay “tính tự phát” vừa có thể có nghĩa là một cái gì đó tự nhiên, tốt đẹp, khác biệt với những cái giả tạo, xa lạ hay kìm hãm, lại vừa có thể bao hàm những điều tệ hại như “những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên”, hoặc có thể phiếm chỉ những cái nằm ngoài tầm kiểm soát [của con người], thậm chí đe doạ [con người].
Khi từ stixijnost’ được đặt cạnh từ soznatel’nost’ trong một cặp đối lập, cặp đối lập ấy có khả năng bao quát tất cả những vấn đề nan giải, ám ảnh nhất mà giới trí thức Nga đang phải đối mặt. Ðiều này bao trùm một phạm vi rộng lớn, bởi những liên tưởng phong phú và thậm chí đầy mâu thuẫn mà từ stixijnost’ gợi lên hoàn toàn phù hợp với những mối bận tâm hiện hữu của họ. Cặp đối lập này gợi ý, chẳng hạn, hố sâu vốn được ca tụng ở Nga giữa đám quần chúng nông dân thất học khổng lồ (stixijnost’) và giới tinh hoa có giáo dục (soznatel’nost’), hoặc, diễn tả một cách hơi khác đi, là giữa một nước Nga nông thôn lạc hậu (vương quốc của “tính tự phát”) và nước Nga thành thị hiện đại (vương quốc của “tính có ý thức”); hoặc giả, một lần nữa, giữa các lực lượng quần chúng luôn sôi sục, có khả năng tạo ra các cuộc nổi dậy tự phát, và giới cầm quyền, một nhà nước bị quan liêu hoá cao độ và có tôn ti thứ bậc, đang tìm cách kiểm soát quần chúng và chỉ huy họ.
Cặp đối lập “tự phát” / “có ý thức” cũng có thể được xem như sự đồ thức hoá (schematization) một số khía cạnh của cuộc tranh cãi giữa giới Slavophiles (“những người thân Xla-vơ và bài phương Tây” – ND) và những người thân phương Tây, chẳng hạn như vấn đề liệu con đường đi tới cho nước Nga có thể tìm được trong các mô hình và tư tưởng phương Tây, bằng cách mang lý tính, tổ chức, trật tự và công nghệ tới đất nước lạc hậu và hỗn loạn này không; hay liệu nền văn minh phương Tây đã trở nên cằn cỗi và kiệt quệ về tinh thần, so với phong khí (ethos) bản địa Xla-vơ hay Nga vốn chống lại lý tính, tự phát, theo bản năng, thậm chí có thể còn chống lại thành thị và trật tự nhà nước. Nhiều người trong phe thân Xla-vơ ngả theo hướng quay về với trật tự xã hội của nước Nga nông thôn truyền thống, dựa vào công xã và những nghị hội nông dân (mir) [11] . Những người khác phát triển một thuyết về con người bất bình nổi loạn (buntar’); nhóm này cho rằng lý luận khô khan của trí thức đã cằn cỗi, và các thế lực mạnh mẽ và hữu hiệu nhất có thể mang đến những thay đổi khả quan cho nước Nga hiện đang nằm trong đám quần chúng nông dân đông đảo thất học (và “tự phát”), những người chưa bị hư hỏng do nền giáo dục Tây hoá hay do làm việc với nhà nước chuyên quyền, và do đó có thể biểu lộ “cơn phẫn nộ” thuần khiết từ gan ruột của người Nga chống lại những thế lực xa lạ đang làm ô uế mảnh đất của họ. Cứ mỗi một trí thức ngả về phương thuốc “dân gian” cho các vấn đề nan giải của nước Nga (dù tìm được trong sự nổi loạn dân gian hay trong lối sống truyền thống), thì lại có một người thấy rằng con đường đi lên [của nước Nga] là làm sao để tầng lớp quần chúng “tự phát” ấy trở nên “có ý thức” hơn, bằng cách mang sự khai sáng và văn hoá đến với nỗi tăm tối của những người nông dân ngu dốt và cùng khổ.
Bản thân Lenin nghiêng hẳn về phe “có ý thức”, nghĩa là ông ủng hộ lý tính, trật tự, kiểm soát, công nghệ, sự dìu dắt và khai sáng cho quần chúng. Thuật hùng biện của Lenin đầy những hình ảnh về việc mang “ánh sáng” đến nơi “tăm tối” cho dân chúng Nga. Vợ Lenin, Krupskaya, đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục Xô-viết bằng sự tận lực tham gia phong trào xoá mù chữ và các chương trình khác nhằm nâng cao trình độ học vấn và văn hoá cho quần chúng.
Tuy nhiên, dù rằng Lenin nghiêng về “tính có ý thức” hơn “tính tự phát”, cũng giống như giai cấp trí thức nơi ông xuất phát, chính ông cũng mâu thuẫn về “tính tự phát” và vai trò của nó trong lịch sử. Trong phân tích của Lenin, mặc dù các yếu tố “tự phát” có thể mang tính suy đồi và nguy hiểm nếu không được kiểm tra và hướng dẫn, ông không coi “tính tự phát” thuộc loại tiêu cực về bản chất. Trong Làm gì?, Lenin xác nhận rằng thậm chí trong biểu đạt nguyên thuỷ nhất, “tính tự phát” cũng bao hàm một tiềm lực ở dạng phôi thai cho “tính có ý thức”. [12] Hơn nữa, là một chiến thuật gia sắc sảo, Lenin nhận ra được vai trò quyết định của tầng lớp nông dân trong bất kỳ cuộc cách mạng nào ở Nga; vì vậy, ta thường thấy trong các bài phát biểu của Lenin những đề cập hết sức tâng bốc dành cho nhân tố “tự phát” này. [13]
Tính lập lờ này không chấm dứt cùng với Lenin; nó còn tiếp tục trong khoa tu từ chính thống [Nga] mãi cho đến tận bây giờ. Các thuật ngữ “tính tự phát”, “tính có ý thức” và ý nghĩa của mối quan hệ biện chứng giữa chúng đã được diễn giải khác nhau theo những thay đổi lớn trong văn hoá chính trị.
Vì vậy, một mặt, cặp đối lập “tính tự phát” / “tính có ý thức” là một giáo lý định hình của chủ nghĩa Lenin và là quỹ tích của những tranh cãi lớn nhất về việc làm thế nào để áp dụng lý luận vào thực tiễn. Mặt khác, nó cũng nắm bắt được một số vấn đề nan giải ám ảnh giới trí thức Nga. Thực ra, bản thân chủ nghĩa Lenin, trong nghĩa rộng là một tư tưởng Nga, cũng phản ánh chính những mâu thuẫn của giới trí thức [Nga].
Mẫu hình phức tạp này được phân nhánh khi ta xem xét vai trò mà mối quan hệ biện chứng “tính tự phát” / “tính có ý thức” thủ đắc trong tiểu thuyết Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn là thế lực định hình đằng sau cốt truyện chủ đạo. Ở đây, tất nhiên nó phục vụ quyền lợi của Ðảng bằng cách biến tiểu thuyết thành các truyện ngụ ngôn tư tưởng, và cũng thường xuyên biến chúng thành các huyền thoại để duy trì nguyên trạng. Thế nhưng, nghịch lý là, nó cũng cung cấp một loại môi trường, dù bị thu hẹp đến bao nhiêu chăng nữa, để thảo thuận và thậm chí tự biểu hiện. Những thuật ngữ mang tính gợi mở phong phú như “tính tự phát” và “tính có ý thức” không chỉ cung cấp một chiếc ô để, dưới bóng nó, người ta có thể tiếp tục cuộc tranh luận vĩnh viễn về con đường đi tới cho nước Nga; chúng còn phản chiếu một số chủ đề lan toả trong bản thân nền văn học Nga, bao gồm cả những quan điểm không ai nghĩ có thể có trong văn học Xô-viết. Chẳng hạn như những quan điểm thường thấy trong văn học thế kỷ 19, rằng hiện thực bề mặt chỉ có vẻ giống vậy, chỉ là một lớp véc-ni, trong khi hiện thực nằm bên dưới thuộc về các thế lực tự nhiên, tăm tối; cũng như việc sính sử dụng những biểu hiện tính dục (libidinous expressions) mà ta thấy trong văn học ít nhất là từ Apollon Grigoryev tới Dostoevsky, Blok và Belyj, cho đến và thậm chí xuyên qua cả Cách mạng, sang tới trào lưu Skifstvo (Scythianism) [14] . Mặc dù những quan điểm như vậy đương nhiên không bao giờ có thể trở thành chủ đề thực sự của Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, chúng thường tô màu cho những ký hiệu biểu tượng được sử dụng theo quy ước để diễn dịch cặp đối lập “tính tự phát” / “tính có ý thức” sang hình thức tiểu thuyết.
Vì vậy, bằng cách nghiên cứu những đường nét thay đổi của cốt truyện chủ đạo và sự phức tạp của các thế lực tương tác với cốt truyện ấy, cuốn sách này sẽ lần theo những khuôn mẫu đồ sộ của văn hoá Xô-viết qua một số thời kỳ chuyển tiếp. Hơn nữa, cuốn sách này sẽ không chỉ lần theo văn hoá chính thống, mà còn theo vết, dù ở mức độ ít hơn, những tiếng nói bất đồng chính kiến Nga trong cuộc đối thoại với nó (nền văn hoá chính thống). Trong văn cảnh có giới hạn của cốt truyện chủ đạo, với những khối đá trụ tư tưởng của nó, cuốn sách này sẽ lập biểu đồ cho sự thất thường trong mối quan hệ biện chứng giữa ký hiệu và ý nghĩa, và mối quan hệ biện chứng giữa cái bên trong văn học và cái bên ngoài nó. Bằng cách này, cuốn sách sẽ cung cấp một mô hình động lực của những đổi thay văn hoá trong thời kỳ Xô-viết.
(còn 2 kì)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved