Tọa đàm lý luận, phê bình văn học hôm nay
15/09/2009 03:19Sáng ngày 26-08-2008, tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Phòng Lí luận văn học (Viện Văn học) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề Lí luận, phê bình văn học hôm nay. Đến dự tọa đàm có nhiều nhà nghiên cứu, nhà lý luận, phê bình, nhà văn, nhà báo ở Viện Văn học, Hội Nhà văn, các trường Đại học và một số cơ quan báo chí ở Hà Nội. Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo (Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội) chủ trì cuộc họp. Buổi tọa đàm đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở...
Sáng ngày 26-08-2008, tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Phòng Lí luận văn học (Viện Văn học) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề Lí luận, phê bình văn học hôm nay. Đến dự tọa đàm có nhiều nhà nghiên cứu, nhà lý luận, phê bình, nhà văn, nhà báo ở Viện Văn học, Hội Nhà văn, các trường Đại học và một số cơ quan báo chí ở Hà Nội. Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo (Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội) chủ trì cuộc họp. Buổi tọa đàm đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở.
Mở đầu, PGS. Trịnh Bá Đĩnh trực tiếp đặt ra các vấn đề của thực trạng nền lí luận, phê bình, nhấn mạnh đến 5 vấn đề trọng điểm để các đại biểu cùng thảo luận và trao đổi ý kiến. Nội dung cần phân biệt gồm đường lối văn nghệ và lý luận văn nghệ, hiện thực đời sống và hiện thực nghệ thuật, thời đại một trung tâm và thời đại phi trung tâm, phê bình hàn lâm và phê bình truyền thông; thống nhất ở tính hiện đại và tính nhân văn trên cơ sở giao lưu và đối thoại. Chia sẻ với quan điểm này khi đi tìm nguyên nhân chậm phát triển của lí luận, phê bình, GS. Trần Đình Sử nhấn mạnh vào vấn đề mối quan hệ giữa văn học và ý thức hệ. Ông khẳng định sự chi phối của ý thức hệ tới đời sống văn học nghệ thuật, từ đó, nêu ra 3 chức năng (phản ánh, định hướng, thúc đẩy hành động) và 6 đặc điểm của ý thức hệ để tránh tình trạng bị lệ thuộc hay “ý thức hệ hóa” trong nghiên cứu, phê bình.
PGS. La Khắc Hòa lại trực tiếp đi vào những nhược điểm của lí luận, phê bình hiện thời để tìm giải pháp. Ông đưa ra 3 đặc điểm làm phê bình chậm tiến: tính nghiệp dư, tính khoanh vùng, tính thiên về truyền bá và minh họa để rút ra 3 giải pháp: mở rộng hệ lý thuyết, giải phóng quan niệm về văn học chức năng, tăng cường tính khoa học cho hoạt động lí luận, phê bình. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đặt lại các vấn đề về sự phân biệt giữa phê bình lý tính – cảm tính, phê bình hàn lâm – báo chí để nhấn mạnh đến sự khủng hoảng của chất lượng phê bình.
Vấn đề tính nghiệp dư và sự non yếu của chất lượng phê bình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. PGS. Nguyễn Hữu Sơn đặt vấn đề người “phê bình là ai” để khẳng định tính chuyên nghiệp của lí luận, phê bình? Ý kiến này được chia sẻ bởi nhà phê bình Lại Nguyên Ân, PGS. Trần Ngọc Vương, PGS. Lê Dục Tú,… Các ý kiến đều cho rằng ở Việt Nam có sự phân biệt giữa phê bình hàn lâm và phê bình truyền thông nhưng ranh giới giữa chúng là không mấy rõ ràng. Cái yếu và cái thiếu của lí luận phê bình theo nhà phê bình Nguyễn Hòa là ở chỗ phê bình hiện nay “quá dễ dãi”, vì vậy, cần “nâng cao năng lực nghề nghiệp người viết” và “nâng cấp chất lượng báo chí” mới mong có sự khởi sắc trong phê bình. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng có yếu kém là do phê bình chưa bắt kịp đời sống văn học, chưa nhận thức rõ ràng phê bình là gì, phê bình cái gì và do thiếu một hoạch định chiến lược để hình thành một hệ thống lí luận, phê bình tiên tiến…
PGS. Văn Giá và PGS. Tôn Phương Lan bày tỏ niềm tin vào khả năng phát triển của đội ngũ phê bình trẻ, đề nghị mở những chuyên mục trên phê bình thường kì và các tọa đàm về các vấn đề nổi cộm của đời sống văn học trên báo, tạp chí. GS. Đinh Xuân Dũng với tư cách là Ủy viên Hội đồng lí luận văn học nghệ thuật đề nghị sự hợp tác giữa các cơ quan chỉ đạo, các trung tâm nghiên cứu, giữa các nhà nghiên cứu để tư vấn cho Hội đồng xây dựng một nền lí luận, phê bình hiện đại, khoa học.
Tổng kết tọa đàm, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo khẳng định sự thành công của tọa đàm, nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác, trao đổi, đối thoại trong việc từng bước tháo gỡ những vấn đề phức tạp của đời sống văn học, khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng công tác lí luận, phê bình; hi vọng tiếp tục có sự cộng tác trong các hoạt động chuyên sâu, các hội thảo chuyên đề của tạp chí.