Tọa đàm tiểu thuyết "Giã biệt bóng tối" trong bối cảnh tiểu thuyết Việt Nam đương đại
28/08/2009 04:36Trước các ý kiến đánh giá rất khác nhau về sáng tác mới đây của tác giả Tạ Duy Anh, sáng ngày 15 tháng 5 năm 2008, phòng Văn học Việt Nam đương đại – Viện Văn học đã tổ chức tọa đàm Tiểu thuyết Giã biệt bóng tối trong bối cảnh tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Trước các ý kiến đánh giá rất khác nhau về sáng tác mới đây của tác giả Tạ Duy Anh, sáng ngày 15 tháng 5 năm 2008, phòng Văn học Việt Nam đương đại – Viện Văn học đã tổ chức tọa đàm Tiểu thuyết Giã biệt bóng tối trong bối cảnh tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đến dự có nhiều nhà văn, nhà lý luận phê bình, các Phó Giáo sư-Tiến sĩ như Phạm Vĩnh Cư, Bích Thu, Mai Hương, Tôn Phương Lan, Vũ Văn Sỹ, Văn Giá, Nguyễn Thị Bình; các Tiến sĩ Nguyễn Phượng, Nguyễn Thanh Tú; các nhà phê bình Nguyễn Hòa, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Chí Hoan; các nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê, Dương Thuấn và tác giả Tạ Duy Anh. Buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở.
Mở đầu cuộc tọa đàm PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh Viện Văn học muốn gắn chặt hơn nữa các hoạt động khoa học của Viện với thực tiễn văn học đương đại bằng cách thông qua trao đổi về những tác phẩm đang được dư luận quan tâm (kể cả thơ và văn xuôi) để từng bước cắt nghĩa, lý giải những mặt được cũng như những mặt hạn chế của các sáng tác văn học. Việc phân tích, đánh giá tiểu thuyết Giã biệt bóng tối chính là mở đầu cho hướng hoạt động khoa học này.
Phần lớn các ý kiến trong cuộc tọa đàm đều cho rằng: sau Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối thì Giã biệt bóng tối là cuốn tiểu thuyết gây được sự chú ý trong bạn đọc. Một số nhà nghiên cứu phê bình gặp nhau ở nhận định: không thể đọc Giã biệt bóng tối theo cách đọc truyền thống. TS. Nguyễn Phượng đề nghị phải có một kiểu kiến văn khác, một cách đọc khác để đọc tiểu thuyết này. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết khó đọc bởi nó như một khối rubic với ma trận điểm nhìn, người kể chuyện và do vậy sẽ khó tiếp cận với người đọc thông thường.
Nhìn chung, các ý kiến đã đề cập đến cả mặt được và chưa được của cuốn tiểu thuyết với tinh thần phê bình nghiêm túc, thẳng thắn. Các nhà nghiên cứu phê bình ghi nhận những nỗ lực của Tạ Duy Anh trong việc đổi mới tiểu thuyết, cách tân nghệ thuật tự sự. Các phương diện của nghệ thuật trần thuật được đề cập tới là việc lựa chọn và tổ chức nhiều điểm nhìn trần thuật, sự kết hợp các sắc thái giọng điệu cũng như ngôn ngữ trần thuật trong tác phẩm (Bích Thu, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thanh Tú)…
Về bút pháp nghệ thuật, PGS.TS. Bích Thu nhận thấy trong tiểu thuyết này yếu tố trào lộng, yếu tố kỳ ảo và yếu tố thực kết hợp vào làm nên nội dung và hiệu quả thẩm mỹ có tác dụng kích thích cảm hứng đối thoại ở người đọc. PGS.TS. Tôn Phương Lan khẳng định Tạ Duy Anh là cây bút luôn tự làm mới mình từ cách đặt vấn đề đến nghệ thuật trần thuật, sự luân chuyển điểm nhìn, giọng điệu giễu nhại, sử dụng yếu tố huyền ảo. TS. Nguyễn Thanh Tú cho rằng tiểu thuyết có một kết cấu lồng ghép phức tạp theo kiểu truyện lồng trong truyện và có bóng dáng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo khi đi theo nguyên tắc biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực. Theo PGS.TS. Lê Dục Tú, đây là cuốn sách được thế hệ độc giả trẻ quan tâm và hứng thú.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng tính luận đề trong Giã biệt bóng tối khá rõ nét. PGS.TS. Phạm Vĩnh Cư nhận định vấn đề đặt ra qua số phận nhân vật Thượng là làm thế nào để giã biệt bóng tối, trong cuốn tiểu thuyết đã có câu trả lời. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhận thấy Tạ Duy Anh đang viết theo cái hướng tự mình đặt ra và viết càng ngày càng nghiêng về luận đề. Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn thì những nhan đề tác phẩm từ Bước qua lời nguyền đến Giã biệt bóng tối và cuốn tiểu thuyết chưa xuất bản Sinh ra để chết đều thể hiện tâm thế nhìn lại cuộc đời với ý tưởng chung là “sinh ký, tử quy”; và kết cấu, cốt truyện, tình tiết đều quy tụ vào tính luận đề.
Nhiều tác giả đề cập đến sự nhất quán trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Theo PGS.TS. Mai Hương hiện thực trong tác phẩm đa dạng và nhất quán với quan niệm của Tạ Duy Anh: viết những cái xấu, cái ác để hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Nhà thơ Dương Thuấn nhận định: Tạ Duy Anh đứng về phía những số phận thấp hèn, những thảm họa do cuộc đời đem đến. Tham luận của PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống gửi ý kiến bằng văn bản đến ban tổ chức nhấn mạnh thông điệp “hãy kiên quyết giã biệt bóng tối, hay đúng hơn khước từ bóng tối – bóng tối của cuộc đời và bóng tối trong chính mỗi con người. Đấy chính là âm hưởng nhân bản vang vọng khi thiên truyện khép lại”.
Tính dân chủ trong cách nhìn và biểu đạt đời sống là một hướng đi quan trọng của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. PGS.TS. Văn Giá nhận xét: tâm thế nhà văn là tâm thế đối thoại rất dân chủ. Nhà văn không cho phép mình đứng cao hơn đời sống, không cho phép mình độc tài nhân vật mà trao cho nhân vật tiếng nói của nó. Nhà giáo Hoàng Thủy Hương cho rằng: xã hội ngày nay đã dân chủ hơn so với trước đây rất nhiều nên phải trân trọng tư tưởng và cách viết tự do của Tạ Duy Anh cũng như của các nhà tiểu thuyết khác.
Những bất cập của cuốn tiểu thuyết cũng được bàn thảo khá sôi nổi. Từ một phương diện khác, Nguyễn Hòa nêu ra bảy nỗi thất vọng khi đọc Giã biệt bóng tối: vẫn lối viết cũ từ Thiên thần sám hối, quá say sưa với các luận đề mà quên không trang bị khả năng xây dựng ngôn ngữ, không làm chủ được ngòi bút, bút pháp huyền ảo chỉ là việc tạo dựng cái huyền ảo như là kết quả của những hư cấu chủ quan… PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp cũng cho rằng, Tạ Duy Anh xuất sắc hơn ở lĩnh vực truyện ngắn, còn trong Giã biệt bóng tối do tác giả quá say mê với tính luận đề nên ý tưởng lộ liễu. PGS.TS. Nguyễn Thị Bình đưa ra ý kiến: nếu tác giả bỏ hết những lời dẫn, mạch truyện vẫn có thể đi một cách tự nhiên và hiệu quả trần thuật cao hơn. Nhận định này gần gũi với ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Trường và nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp.
Nhiều ý kiến đề cập tới mục tiêu của cuộc tọa đàm là đặt Giã biệt bóng tối trong bối cảnh tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã bày tỏ những chủ kiến về tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Một số tác giả tỏ ra lạc quan về tiểu thuyết Việt Nam đương đại, cho rằng tiểu thuyết Việt Nam đang có những quẫy đạp để thoát khỏi tình trạng xơ cứng của nó và cần trân trọng những khát vọng đổi mới (các PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, Tôn Phương Lan, Nguyễn Phượng). Ngược lại nhà phê bình Nguyễn Hòa thấy rằng tiểu thuyết Việt Nam đang luẩn quẩn với những điều đã quá cũ: tư duy cũ, lối viết cũ, cách thưởng thức của người đọc cũng cũ. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan mong chờ đưa ra khái niệm thế nào là tiểu thuyết đương đại và những tiêu chí định vị một tác phẩm.
Cuối cùng nhà văn Tạ Duy Anh ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các nhà nghiên cứu.
Kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp tổng kết các ý kiến, coi đây là một sinh hoạt khoa học cần thiết. Thông qua các ý kiến đánh giá khác nhau của giới nghiên cứu phê bình, những điểm được và những điểm hạn chế của cuốn tiểu thuyết đã được chỉ ra một cách khách quan, giúp cho việc nhận thức rõ hơn về những tìm tòi mới trong nghệ thuật tiểu thuyết hiện nay1