Home » » TIỂU SỬ HỒ XUÂN HƯƠNG

TIỂU SỬ HỒ XUÂN HƯƠNG

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011 | 21:25

1. Vấn đề tiểu sử tác giả Hồ Xuân Hương trong "ký ức dân gian" và qua thư tịch từ trước tới nay.
Trong suốt một thời gian khá dài, từ khi người đời truyền tụng thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thì vấn đề tiểu sử tác giả của những thi phẩm ấy vẫn nằm trong một bức màn sương khói hư thực. Xuân Hương sinh năm nào? mất năm nào? và ở đâu? không được ghi lại trong sách vở chính thống, quan phương. Tiểu sử của tác giả những bài thơ Nôm truyền tụng gắn với những giả thuyết, đoán định, tồn nghi. Phải chăng những người làm công tác sưu tầm, hệ thống hoá các văn bản của văn học trung đại Việt Nam, những văn thần chính thống, những sử quan không ghi nhận sự có mặt của Hồ Xuân Hương trên tinh thần quan phương? Đến thời Nguyễn trong công trình sử học lớn của mình, Phan Huy Chú vẫn không có dòng nào về Hồ Xuân Hương. Ở những cương vị khác, thảng hoặc ai đó trong đội ngũ nhà nho ít nhiều nói đến Hồ Xuân Hương, nhưng không đủ cứ liệu để hình dung về diện mạo một tác giả văn học. Nhưng trong ký ức dân gian vẫn lưu truyền những giai thoại về Hồ Xuân Hương, con một ông đồ Nghệ với người vợ lẽ là Hà Thị. Nàng sinh ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận thuộc kinh thành Thăng Long, sớm mồ côi cha. Nàng có một cuộc đời long đong lận đận, nhất là về đường tình duyên và chồng con. Thời trẻ nàng có quan hệ tình ái với Chiêu Hổ, rồi lấy lẽ Tổng Cóc, lấy lẽ ông Phủ Vĩnh Tường, nhưng cả hai lần đều goá chồng sớm, nàng có đi thăm thú nhiều nơi: Hương Tích, chùa Thầy, đèo Ba Dội, Kẽm Trống... và cuối cùng không ai biết nàng mất năm nào, ở đâu. Mãi tới năm 1917 Nguyễn Hữu Tiến, không biết căn cứ vào đâu viết Giai nhân di mặc, mới ghi lại hành trạng và thơ văn Hồ Xuân Hương. Đây là cuốn sách có xu hướng tiểu thuyết hoá, giai thoại hoá, huyền thoại hoá cuộc đời Xuân Hương (1). Theo Hoàng Xuân Hãn (2), thì người đầu tiên cho biết gốc tích Hồ Xuân Hương một cách khá rõ ràng là Dương Quảng Hàm trong Việt văn giáo khoa thư (3). Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Phi Diễn người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông này có cùng gốc gác với anh em nhà Tây Sơn. Cũng theo xu hướng tiểu thuyết hoá cuộc đời Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Hanh năm 1936 căn cứ và các bài thơ Quả mít, Ốc nhồi... tạo tác ra một Hồ Xuân Hương da đen, người thô, xấu gái, dựa vào các bài Giếng nước, Thiếu nữ ngủ ngày, Cái quạt mà suy ra: dục tình chiếm cả đầu óc ám ảnh nàng mãi. Nó nhuộm thấm các tư tưởng của nàng... nàng bị bệnh thần kinh (!)(4)
Các tác giả nghiên cứu: Hồ Tuấn Niêm, Văn Tân, Nguyễn Lộc, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Hữu Yên... đều tỏ ra đồng ý với giả thuyết của Dương Quảng Hàm.. Đến nay, trên bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng ghi như vậy.
Căn cứ vào một số nguồn tư liệu khác, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng: Hồ Xuân Hương là con Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783), em cùng cha khác mẹ với Hồ Sĩ Đống (1738 - 1786), nguyên quán cũng ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Người đầu tiên đưa ra giả thuyết này là Trần Thanh Mại, các nhà nghiên cứu theo giả thuyết này là Lê Trí Viễn, Đào Thái Tôn...
Một giả thuyết nữa, có thể coi là giả thuyết thứ ba, nghi ngờ sự tồn tại của tác giả Hồ Xuân Hương. Lữ Hồ viết: Có chăng một bà Hồ Xuân Hương?, và cho rằng thơ Hồ Xuân Hương là thứ thơ do các nho sĩ dấu tên làm ra (5). Hồng Tú Hồng đặt vấn đề: Có nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay không? Ông cho rằng:
"Thơ Hồ Xuân Hương không phải là của một người làm, mà là của cả một thời đại, của cả một thế hệ. Nó là sản phẩm chung của dân tộc. Nó là một trường phái thơ"; "Thơ Hồ Xuân Hương có thể là của Lê Quý Đôn, là của Nguyễn Khản, là của Nguyễn Huy Tự, là của Nguyễn Thiện, là của Nguyễn Du, là của Phạm Đình Hổ, là của Nguyễn Hữu Chỉnh, là của Phan Huy Vịnh, có thể là của Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm nữa. Nhưng vì lẽ họ không dám đương nhiên ký tên mình dưới những bài thơ mà họ cho là chớt nhả là lẳng lơ, rồi của ai làm ra bất kỳ, thơ đó đều quy vào một tên tác giả chung là Hồ Xuân Hương” (6).
Nguyên Sa thì gọi: Hồ Xuân Hương - người lạ mặt (7).
Bằng mẫn cảm của nhà nghiên cứu, Lữ Hồ, Hồng Tú Hồng đã nhìn thấy vấn đề tác giả, tác quyền trong hiện tượng Hồ Xuân Hương, nhưng phát hiện của họ không được giới nghiên cứu chú ý và rất tiếc là hai ông cũng không đi đến cùng luận điểm của mình để rút ra một quy luật trong sự phát triển của lịch sử văn học, văn hoá. Đồng vọng với Lữ Hồ, Hồng Tú Hồng, ở miền Bắc, một số nhà nghiên cứu cũng có ý kiến tương tự, Trần Thanh Mại viết:
Thơ này (thơ Nôm truyền tụng – tôi nhấn mạnh) là một hỗn hợp phức tạp của nhiều tác giả, không cùng một lập trường chính trị, không cùng một quan điểm nghệ thuật, trong đó có thể có những bài của chính Hồ Xuân Hương, nhưng cũng khó biết được chính xác là những bài nào (8).
Đào Thái Tôn cho rằng tiểu sử Hồ Xuân Hương đã bị huyền thoại hoá.
Mai Quốc Liên viết:
Tôi nghĩ trong thơ lâu nay được coi là của Hồ Xuân Hương, không phải không có pha trộn thơ của nhiều "Hồ Xuân Hương đực" vào (9).
Lê Xuân Sơn đặt câu hỏi: Hồ Xuân Hương có thực không và nàng là ai? (10). Nhưng rồi cuối cùng giới nghiên cứu đều nhìn Hồ Xuân Hương với tư cách là một nữ tác giả bác học trung đại của văn học Việt Nam.
2. Hồ Xuân Hương hiện tượng giao thoa giữa folklore và văn hoá bác học trên phương diện tiểu sử tác giả.
Trong văn học trung đại phương Đông ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, hiện tượng một tác giả văn học đến nay không rõ tiểu sử hành trạng một cách chính xác không phải là cá biệt, ngoại lệ. Cho đến nay, người ta vẫn không biết chính xác ai là cha của Mạnh Tử - một Á Thánh của Nho giáo. Người ta cũng chỉ ước đoán Hàn Phi Tử - ông tổ của phái Pháp gia sinh khoảng 280 đến 233 (trước công nguyên), gần hơn Thi Nại Am tác giả của bộ Thuỷ hử nổi tiếng người ta cũng không rõ năm sinh năm mất. Ở Việt Nam chỉ trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX, về Đặng Trần Côn tác giả nguyên tác chữ Hán của Chinh phụ ngâm người ta cũng chỉ ước đoán năm sinh năm mất... trong khi ở phương Tây cách đây chừng hai thập niên, người Anh đã tìm thấy cả giấy khai sinh của Uyliam Sêchxpia. Đây là một nét đặc thù trong văn hoá văn học phương Đông trung đại do tình trạng lưu trữ, bảo quản yếu kém tư liệu, do không có truyền thống giữ gìn văn hiến văn hoá một cách nghiêm mật. Hiện tượng Hồ Xuân Hương cũng nằm trong tình trạng trên, thậm chí vượt ra ngoài phạm vi này. Vấn đề tiểu sử Hồ Xuân Hương ẩn chứa một quy luật khác, nằm ngoài quỹ đạo của vấn đề tiểu sử các tác giả trung đại Việt Nam. Trong sáng tác của một số nhà nho tài tử, ở những đề tài ít nhiều vượt ra ngoài tính quy phạm của văn chương nhà nho, vi phạm những cấm kỵ của chế độ chuyên chế, ở những mức độ khác nhau dẫn đến tình trạng rắc rối, thậm chí thiếu an toàn cho danh dự, tính mạng của người sáng tác, xuất hiện hiện tượng thác lời, kí ngụ tâm sự. (Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm với Chinh phụ ngâm, Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Du với Truyện Kiều...). Ở thơ Nôm truyền tụng, mức độ vi phạm cấm kỵ đã vượt ngưỡng khỏi lẽ phải thông thường, rõ ràng nhất là vấn đề mà người ta gọi là "dâm - tục”. Chắc chắn có một Hồ Xuân Hương bằng xương bằng thịt sáng tác thơ Nôm, nhưng vì truyền thống trọng nam khinh nữ, trọng chữ khinh Nôm, đặc biệt là sự vượt ngưỡng, nên người ta không chấp nhận Hồ Xuân Hương trên tinh thần chính thống quan phương. Nhưng thứ thơ Nôm ấy lại đáp ứng được nhu cầu tâm lý, tinh thần của nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội chuyên chế phong kiến nghiệt ngã, độc đoán. Vì vậy thứ thơ ấy được bảo lưu truyền thừa trong ký ức cộng đồng. Để đảm bảo danh dự, thậm chí tính mạng của mình, nhiều tác giả nhà nho đã theo lối thơ Hồ Xuân Hương mà sáng tác, sẵn sàng từ bỏ tác quyền, miễn là phát ngôn được tư tưởng, giải toả được tâm sự tâm lý, ẩn ức cá nhân, ẩn ức cộng đồng, họ đã gán những sáng tác ấy cho Xuân Hương. Bà là người khởi xướng cho phái thơ này. Đây mới chính là bản chất con đường từ cội nguồn vào thế tục của hiện tượng văn học này. Thậm chí nhiều sáng tác của những "Hồ Xuân Hương giả" có thể làm cho chính người khởi xướng phải giật mình, có phương diện phải nhường bước. Trong sáng tác dân gian những truyện khôi hài, truyện tiếu lâm, truyện Trạng Quỳnh, những giai thoại về Trạng Quỳnh và Thị Điểm... hẳn cũng được hình thành theo quy luật này. Búa rìu dư luận, sự trừng phạt của nhà nước chuyên chế phong kiến không còn tác dụng khi đó là số đông vô danh ẩn danh. Văn học trung đại Việt Nam giai đoạn này còn một hiện tượng nữa rất đáng lưu ý: sự xuất hiện hàng loạt truyện Nôm bác học khuyết danh. Hiện tượng này ít nhiều dọi một tia sáng giúp lý giải vấn đề bản quyền tác giả của thơ Nôm truyền tụng. Theo tôi con đường đi là: từ các tác giả hữu danh chuyển tiếp là hiện tượng Hồ Xuân Hương và chung cục là truyện Nôm khuyết danh.
Vấn đề tiểu sử Hồ Xuân Hương được giai thoại huyền thoại hoá cũng giống với những hiện tượng tương đối phổ biến ở các nhân vật nổi tiếng xưa nay cả phương Đông lẫn phương Tây. Nhưng Hồ Xuân Hương là một trong số rất ít những tên tuổi mà tiểu sử và hành trạng lại được huyền thoại hoá và đặc biệt là giai thoại hoá ở mức cao và đậm đặc như vậy. Điều này càng có ý nghĩa lớn khi đặt Hồ Xuân Hương trong bối cảnh văn học văn hoá trung đại phương Đông. Điều này chứng tỏ, ở hiện tượng Hồ Xuân Hương có ẩn chứa một quy luật nào đó trong tâm lý sáng tạo và thưởng thức thông thường, quy luật này nằm ngoài quỹ đạo chính thường của văn học nhà nho, của văn chương chính thống. Ở phương Tây thời cổ trung đại khi xã hội còn những cấm kỵ, sáng tác bác học cũng có hiện tượng thác lời, vay mượn cốt truyện, diễu nhại. (Chuyện mười ngày của Bôcatxiô, nhiều sáng tác Raxin, Corney, Sechxpia...). Nhưng đến thời cận hiện đại hiện tượng này dường như vắng bóng. Ở phương Đông còn kéo dài, đến thời hiện đại hiện tượng này vẫn còn. Lỗ Tấn ở Trung Quốc từng ký thác tư tưởng chống lễ giáo phong kiến, một thứ lễ giáo ăn thịt người trong Nhật ký người điên. Ở Việt Nam thời hiện đại và đương đại hiện tượng dân gian hoá diễu nhại văn chương bác học và truyện cười dân gian hiện đại là một sự thật hiển nhiên không thể bác bỏ. Tất cả những hiện tượng trên rõ ràng chứa đựng một quy luật về sáng tạo, tái tạo, thưởng thức tiếp nhận nghệ thuật của công chúng đông đảo, một quy luật tinh thần của đời sống con người: quy luật về sự giải toả tâm lý khi bị ức chế. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng tiêu biểu cho quy luật này. Đến nay hiện tượng văn học này vẫn tiếp tục được khai thác, được tiểu thuyết hoá, sân khấu hóa giai thoại hoá...
Xử lý vấn đề tiểu sử Hồ Xuân Hương, theo chúng tôi để tránh bế tắc, không triệt để, chúng tôi đề nghị không coi Hồ Xuân Hương như một tác giả, mà coi là một hiện tượng như tên của tiểu luận đã nêu ra: Hồ Xuân Hương - hiện tượng giao thoa giữa folklore và văn hoá bác học. Tác giả tiểu luận nghiên cứu hiện tượng Hồ Xuân Hương chứ chưa, và không nghiên cứu tác giả Hồ Xuân Hương. Về mặt văn bản đó là sự giao thoa văn hoá giữa hai bộ phận thơ Nôm truyền tụng được lưu truyền bằng phương thức của văn học dân gian.Với Lưu hương kí được lưu truyền bằng phương thức của văn học bác học chúng tôi đề nghị giữ nguyên hiện trạng của văn bản thơ Hồ Xuân Hương. Chúng tôi coi Hồ Xuân Hương không phải là một tác giả bác học trung đại Việt Nam như đã nói ở trên.
3. Vấn đề tiểu sử tác giả Hồ Xuân Hương:
Đây là vấn đề hết sức phức tạp, rắc rối. Các giả thuyết, lập luận của các nhà nghiên cứu đưa ra có nhiều mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến tình trạng loại trừ lẫn nhau mà không có giải pháp nào khắc phục được triệt để, nếu coi Hồ Xuân Hương là một tác giả bác học của văn học viết trung đại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một giải pháp khắc phục như sau:. Chúng tôi coi Hồ Xuân Hương không phải là một tác giả bác học trung đại thuộc phạm trù văn học viết, mà coi đó là một hiện tượng với ý nghĩa: đầu tiên có một Hồ Xuân Hương bằng xương bằng thịt, chủ sở hữu của tập Lưu hương kí và một số bài thơ nào đó trong bộ phận thơ Nôm truyền tụng. Trong thơ Nôm truyền tụng, nội dung và cách biểu hiện của nó đậm cảm thức triết lý, mĩ học phồn thực. Điều này vi phạm những cấm kỵ trong văn học, văn hóa nhà nho. Nhưng những yếu tố đó lại đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, nhu cầu tư tưởng tình cảm của đông đảo công chúng độc giả, trong đó có chính các nhà nho, đặc biệt là các nhà nho tài tử, và cả các nhà nho vô danh, nhưng có những giây phút lóe sáng của thiên tài. Chính những người này đã phỏng theo phong cách thơ Nôm truyền tụng mà viết những bài thơ Nôm và gán cho Hồ Xuân Hương. Họ sẵn sàng từ bỏ quyền tác giả đối với sáng tác của mình, để tránh búa rìu dư luận của đạo đức xã hội theo lẽ phải thông thường và đặc biệt là tránh sự trừng phạt nghiệt ngã của những vụ án văn chương của Nho giáo và luật pháp khắc nghiệt của chế độ chuyên chếphong kiến. Đằng sau hiện tượng Hồ Xuân Hương là một quy luật về tâm lý học sáng tạo nghệ thuật: thơ Nôm truyền tụng chính là sự nổi loạn nặc danh, sự phát ngôn vô danh cho những nguyện vọng, khát vọng sống chân chính của nhân dân, của con người đang ngột ngạt trong xã hội đã Nho giáo hóa đến đỉnh cao nhất, trong chế độ chuyên chế phong kiến Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Còn xã hội như vậy, còn tồn tại hiện tượng Hồ Xuân Hương trên phương diện tác quyền. Hồ Xuân Hương là hiện tượng điển hình kết tinh, đại biểu cho những hiện tượng cùng loại (chuỗi), từng xuất hiện trong giai đoạn lịch sử này. Đó là hiện tượng truyện cười, truyện khôi hài, truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn..., những giai thoại về Thị Điểm... ngày nay ta còn thấy dấu vết trong truyện cười hiện đại, trong "phái thơ" Bút Tre rồi Bút Tre Trẻ, hiện tượng nhại ca khúc và thơ của các tác giả đương đại trong cộng đồng dân chúng. Hiện tượng Hồ Xuân Hương còn là sự giải tỏa ẩn ức cá nhân, giải tỏa vô thức cộng đồng trong chế độ phong kiến chuyên chế độc đoán nghiệt ngã.

Chú thích:

(1): Nguyễn Hữu Tiến - Giai nhân di mặc, NXB Đông Kinh ấn quán, Hà Nội, 1917.

(2): Hoàng Xuân Hãn - Nói chuyện về thân thế và sự nghiệp Hồ Xuân Hương, Hợp Lưu số 13, California.

(3): Dương Quảng Hàm - Việt văn giáo khoa thư, Hà Nội, 1940.

(4): Hoàng Văn Hanh - Hồ Xuân Hương - Tác phẩm, thân thế và văn tài, NXB Aspar, Sài Gòn, 1936 -1937.

(5): Lữ Hồ - Có chăng một bà Hồ Xuân Hương?, Tạp chí Sáng tạo, số 24 năm 1958, Sài Gòn.

(6): Hồng Tú Hồng - Có nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay không?, báo Nhân loại số 2 năm 1953.

(7): Hồng Tú Hồng - Trước khi tìm biết thơ Hồ Xuân Hương của ai làm, hãy xét quan niệm bất công của loài người đối với vấn đề sinh lí, báo Nhân loại sơ 3 năm 1953.

(8): Trần Thanh Mại - Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương, TCVH số 10 năm 1964.

(9): Đến với thơ Hồ Xuân Hương, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1997.

(10): Hồ Xuân Hương, thơ và đời, NXB Văn học, Hà Nội, 1995.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved