Home » » THÔNG DIỄN MỚI VỀ THIÊN NGUYÊN ĐẠO 原道 TRONG “VĂN TÂM ĐIÊU LONG”文心雕龍 CỦA LƯU HIỆP

THÔNG DIỄN MỚI VỀ THIÊN NGUYÊN ĐẠO 原道 TRONG “VĂN TÂM ĐIÊU LONG”文心雕龍 CỦA LƯU HIỆP

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011 | 02:10

THÔNG DIỄN MỚI VỀ THIÊN NGUYÊN ĐẠO 原道
TRONG “VĂN TÂM ĐIÊU LONG”文心雕龍 CỦA LƯU HIỆP


 NCS. NGUYỄN PHÚC ANH
Khoa Văn học, Trường đại học KHXH&NV
Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến nay, ở Việt Nam, Văn tâm điêu long đã có vài bản dịch khác nhau: bản dịch của Phan Ngọc (Văn học nước ngoài, số 3, 1996, tr.143-209), bản dịch của Dương Ngọc Dũng (Dẫn nhập tư tưởng văn học Trung Quốc, Văn học, 1997, tr.57-245) và bản dịch của Trần Thanh Đạm – Phạm Thị Hảo (Văn tâm điêu long, Văn học, 2007),… Việc giới thiệu Văn tâm điêu long như vậy là tương đối đầy đủ. Bài viết của chúng tôi không nhằm cung cấp thêm một bản dịch, chúng tôi muốn bằng việc thông diễn văn bản thiên “Nguyên đạo” 原道, thiên quan trọng nhất của Văn tâm điêu long 文心雕龍, nêu bật khung lí luận của Lưu Hiệp; đồng thời thông qua đây, chúng tôi tiến đến một dạng thức tiếp cận văn bản kết tập được những thành tựu chú giải học truyền thống với thành tựu lí thuyết của thông diễn học hiện đại.
Văn bản thiên “Nguyên đạo” mà chúng tôi sử dụng là văn bản lấy ra từ sách Văn tâm điêu long khắc in vào niên hiệu Chí Chính thứ 15 nhà Nguyên (1355) 元至正本文心雕龍 ở quận Gia Hưng 嘉興, có kết tập thành quả hiệu chỉnh văn bản của Chu Chấn Phủ[1] và các nhà nghiên cứu tiền bối.
  1. 1.                  Luận về khái niệm “nguyên”và “nguyên đạo”của Lưu Hiệp.
Hai chữ “Nguyên đạo” xuất hiện đầu tiên trong sách Hoài Nam Tử 淮南子 (còn gọi là Hoài Nam Hồng Liệt 淮南鴻烈) do Hoài Nam vương Lưu An 淮南王劉安, người Đông Hán 東漢, và các môn khách của ông đứng ra biên soạn. Ở đầu sách có một thiên tên là Nguyên Đạo huấn 原道訓 trình bày những ý tưởng của tác giả về Đạo. Cao Dụ 高誘chú thích cho hai chữ này:
“Chữ nguyên 原 trong “nguyên đạo”được sử dụng như chữ bản本nghĩa là gốc vậy. Lấy gốc ở Đạo, bắt rễ ở Chân, ôm gọn cả thiên địa để xét khắp vạn vật cho nên mới gọi là “nguyên đạo”, nhân đó mới lấy hai chữ “nguyên đạo” để đặt tên cho thiên “Nguyên đạo huấn””[2].
Cá nhân Cao Dụ coi chữ nguyên 原, chữ bản 本, chữ căn 根 là những chữ dùng thông với nhau. Cụ thể ông lấy chữ bản để chú giải cho chữ nguyên, còn bảncăn là những chữ vốn có thể dùng thông trong nhiều trường hợp. Quan điểm này của ông không phải là không có sự đồng vọng. Ngô Lâm Bá cho rằng: Lí Thiện, nhà chú giải đời Đường, khi chú thích Cao Đường phú 高唐賦 của Tống Ngọc 宋玉 đã chú thích chữ nguyên 原 thành chữ bản [3]. Lần theo gợi ý này, chúng tôi kiểm tra và nhận ra có sự nhầm lẫn, thực ra không phải Cao Đường phú mà là Thần nữ phú 神女賦 (cũng của Tống Ngọc) mới xuất hiện hiện tượng này. Trong chú giải cho câu văn “Thời dung dĩ vu động hề, chí vị khả hồ đắc nguyên 時容以微動兮, 志未可乎得原”[4], Lí Thiện đã chú: 原, 本也“nguyên, bản dã”[5]. Điều này cho thấy trong khoảng từ đời Hán đến đời Đường quan điểm về sự thông giải lẫn nhau của hai chữ “nguyên”và “bản”được thừa nhận phổ biến vì những chú thích này thường rất ngắn gọn và viết theo cách mà những nhà chú giải cho rằng “điều đó ai cũng biết”.
Song liệu việc chú giải cho chữ nguyên 原 có đơn giản như vậy? Vào đời Hán, khi biên soạn Thuyết văn giải tự 說文解字, Hứa Thận 許慎 cho rằng: nguyên  (cổ tự của chữ nguyên  (原)) là chỉ cội nguồn của dòng nước. Nguyên văn: “nguyên, thủy bản dã”, 水本也[6]. Cũng thông qua Thuyết văn giải tự, chúng tôi thống kê được Hứa Thận còn dùng thêm khoảng 18 – 19 lần chữ nguyên 原 nữa. Ngoại trừ những trường hợp được sử dụng với mục đích để thiết âm, chỉ địa danh[7] và tên người ra thì còn có hai lần chữ nguyên 原 được sử dụng với nghĩa là nguồn nước. Một lần là khi Hứa Thận dùng bốn chữ “phát nguyên chú hải 發原注海”(nghĩa là “dòng nước xuất phát ra từ nguồn nước và đổ vào biển”) để chú thích cho chữ [8]. Lần thứ hai là trong chú thích cho chữ tuyền 泉, Hứa Thận viết: “tuyền, thủy nguyên dã 泉, 水原也”nghĩa: “suối đó là nguồn của những dòng sông”[9]. Khảo sát này cho ta thấy: cách dùng chữ nguyên 原, chữ bản 本 với ý nghĩa là nguyên 源 (nguồn nước) đã xuất hiện vào thời của Hứa Thận, và rằng ta có thể chấp nhận việc dùng thông nhau ba chữ này ít nhất là từ thời kì của Hứa Thận trở đi. Hán ngữ đại từ điển 漢语大詞典 tỏ ra chưa thực sự thấu đáo khi chỉ dừng lại ở việc cho rằng chữ chữ nguyên 原 chính là cổ tự của chữ nguyên 源 và có một nghĩa là nguồn nước[10]. Trung Hoa đại tự điển (súc ấn bản) 縮本中華大字典[11]Hán ngữ đại tự điển 漢語大字典[12] thì thừa nhận và trích dẫn Thuyết văn giải tự theo cách lí giải của Đoạn Ngọc Tài 段玉裁.
Đoạn đầu tiên của Nguyên đạo huấn viết:
“Đạo cao đến mức không thể nào vươn đến được chiều cao của nó, nó sâu đến mức người ta không có cách nào lường được độ sâu của nó. Đạo ôm gọn trong mình nó cả trời và đất, vạn vật đều được sự vô hình của nó phú bẩm cho một hình hài. Những nguồn nước chảy trên mặt đất, những dòng suối vọt ra từ các khe, ban đầu tất cả đều rỗng không, sau rồi mới dần dần đầy lên, ào ạt, gấp gáp, tuôn chảy không ngừng. Cho nên đạo có thể lấp đầy khoảng giữa trời và đất, có thể đổ đầy bốn bể, lan xa đến tận cõi vô cùng mà siêu việt thời gian không hề biết thế nào là sớm là muộn”[13].
Những lời này là đoạn đầu tiên của Nguyên đạo huấn. Sự hình dung về đạo của Lưu An khi viết Hoài Nam tử trong đoạn trích trên được gắn với hình ảnh của nước, vì vậy “Nguyên đạo”trong bản ý của Lưu An gắn nhiều hơn với cách giải thích về chữ nguyên như là nguồn chứ không phải chữ nguyên 原 như là bản 本 (chữ bản đồng nghĩa với chữ căn 根 nghĩa là gốc). Khi nghĩ đến việc đặt tên cho thiên đầu tiên của Hoài Nam tử Nguyên đạo huấn có lẽ trong tưởng tượng của Lưu An thì Nguyên đạo là một quá trình tìm về nguồn, chữ nguyên 原 phải được dùng thông với chữ nguyên 源 có nghĩa động từ nghĩa là lấy nguồn, tức lấy nguồn ở đạo (nguyên vu đạo 源于道) chứ không phải là một quá trình là bắt rễ, lấy căn bản ở đạo (bản vu đạo 本于道) như cách lí giải của Cao Dụ buộc ta phải nghĩ như vậy. Lấy nguồnlấy căn bản là hai thái độ khác nhau đối với đạo. Mặt khác như trên đã đề cập đến, cá nhân Cao Dụ coi chữ nguyên 原, chữ bản 本, chữ căn 根là những chữ thông nhau. Chúng tôi đã bỏ công ra tìm kiếm song chưa thấy được hiện tượng dùng như vậy trước Cao Dụ[14].
Gần ba trăm năm sau khi Cao Dụ, thông qua việc chú giải Hoài Nam tử, xác lập một nghĩa mới cho chữ nguyên 原 thì đến thời Lưu Hiệp đã song song tồn tại những cách lý giải về chữ nguyên 原 như là nguyên 源, như là bản 本 đồng thời lại như là căn 根. Lưu Hiệp hẳn đã phải chịu ảnh hưởng của Cao Dụ khi ông chọn cách lí giải là bản cho chữ nguyên 原. Trong thiên “Tự chí”序志 của Văn tâm điêu long 文心雕龍, Lưu Hiệp viết: “Đại thể, việc sáng tác Văn tâm điêu long là để bàn về chuyện văn chương phải lấy căn bản nơi Đạo, phải coi các bậc thánh hiền làm thầy, phải thể nghiệm những giá trị của kinh điển và phải có được sự biến hóa khéo léo của “Li Tao”: 蓋《文心》之作也, 本乎道, 師乎聖, 體乎經, 酌乎緯, 變乎騷”[15].
  1. 2.                  Chính văn thiên “Nguyên đạo”.
Đoạn 1: 文之為德也大矣, 與天地並生者何哉? 夫玄黃色雜, 方圓體分, 日月疊璧, 以垂麗天之象;山川煥綺, 以鋪理地之形; 此蓋道之文也. 仰觀吐曜, 俯察含章, 高卑定位, 故兩儀既生矣; 惟人參之, 性靈所鍾, 是謂三才. 為五行之秀氣, 實天地之心, 心生而言立, 言立而文明, 自然之道也.
Văn chi vi đức [1] dã đại hĩ, dữ thiên địa tịnh sinh giả [2] hà tai ? Phù huyền hoàng sắc tạp, phương viên thể phân [3], nhật nguyệt điệp bích, dĩ thuỳ lệ thiên chi tượng [4]; sơn xuyên hoán ỷ, dĩ phô lí địa chi hình [5]. Thử cái đạo chi văn dã [6]. Ngưỡng quan thổ diệu, phủ sát hàm chương [7], cao ti định vị, cố lưỡng nghi kí sinh hĩ [8]; duy nhân tham chi, tính linh sở chung, thị vị tam tài [9]. Vi ngũ hành chi tú khí, thực thiên địa chi tâm [10], tâm sinh nhi ngôn lập, ngôn lập nhi văn minh, tự nhiên chi đạo dã [11].
Đoạn 2: 旁及萬品, 動植皆文, 龍鳳以藻繪呈瑞, 虎豹以炳蔚凝姿; 雲霞雕色, 有踰畫工之妙; 草木賁華, 無待錦匠之奇; 夫豈外飾, 蓋自然耳. 至於林籟結響, 調如竽瑟; 泉石激韻, 和若球鍠; 故形立則章成矣, 聲發則文生矣. 夫以無識之物, 鬱然有彩, 有心之器, 其無文歟!
Bàng cập vạn phẩm, động thực giai văn [12], long phượng dĩ tháo hội trình thụy, hổ báo dĩ bính uý ngưng tư[13]; vân hà điêu sắc, hữu du họa công chi diệu [14]; thảo mộc phần hoa, vô đãi cẩm tượng chi kì[15], phù khởi ngoại sức, cái tự nhiên nhĩ [16]. Chí ư lâm lại kết hưởng, điệu như vu sắt; tuyền thạch kích vận, hoà nhược cầu hoàng [17]; cố hình lập tắc chương thành hĩ, thanh phát tắc văn sinh hĩ [18]. Phù dĩ vô thức chi vật, uất nhiên hữu thái, hữu tâm chi khí, kỳ vô văn dư [19]!
Đoạn 3: 人文之元, 肇自太極, 幽讚神明, 易象惟先. 庖犧畫其始, 仲尼翼其終. 而乾坤兩位, 獨制《文言》. 言之文也, 天地之心哉!若迺河圖孕乎八卦, 洛書韞乎九疇, 玉版金鏤之實, 丹文綠牒之華, 誰其尸之, 亦神理而已.
Nhân văn chi nguyên, triệu tự thái cực, u tán thần minh, Dịch tượng duy tiên [20]. Bào Hi hoạ kỳ thuỷ, Trọng Ni dực kỳ chung [21]. Nhi càn khôn lưỡng vị, độc chế Văn ngôn [22]. Ngôn chi văn dã, thiên địa chi tâm tai! [23] Nhược nãi Hà đồ dựng hồ bát quái, Lạc thư uẩn hồ cửu trù [24], ngọc bản kim lũ chi thực, đan văn lục điệp chi hoa [25], thuỳ kì thi chi, diệc thần lí nhi dĩ [26] .
Đoạn 4: 自鳥迹代繩, 文字始炳, 炎皞遺事, 紀在《三墳》, 而年世渺邈, 聲采靡追. 唐虞文章, 則煥乎為盛. 元首載歌, 既發吟詠之志; 益稷陳謨, 亦垂敷奏之風. 夏后氏興, 業峻鴻績, 九序惟歌, 勳德彌縟. 逮及商周, 文勝其質. 《雅》《頌》所被, 英華日新. 文王患憂, 《繇辭》炳曜, 符采複隱, 精義堅深. 重以公旦多材, 振其徽烈, 制《詩》緝《頌》, 斧藻群言. 至夫子繼聖, 獨秀前哲, 鎔鈞《六經》, 必金聲而玉振; 雕琢情性, 組織辭令, 木鐸啟而千里應, 席珍流而萬世響, 寫天地之輝光, 曉生民之耳目矣.
Tự điểu tích đại thằng, văn tự thuỷ bính [27], Viêm Hạo di sự, kỉ tại Tam phần, nhi niên thế diểu mạo, thanh thái mị truy [28]. Đường Ngu văn chương, tắc hoán hồ vi thịnh [29]. Nguyên thủ tải ca, kí phát ngâm vịnh chi chí [30], Ích Tắc trần mô, diệc thuỳ phu tấu chi phong [31]. Hạ Hậu thị hưng, nghiệp tuấn hồng tích, cửu tự duy ca, huân đức di nhục [32]. Đãi cập Thương Chu, văn thắng kỳ chất [33]. Nhã Tụng sở bị, anh hoa nhật tân [34]. Văn Vương hoạn ưu, Diêu từ bính diệu, phù thái phức ẩn, tinh nghĩa kiên thâm [35]. Trùng dĩ Công Đán đa tài, chấn kỳ huy liệt [36], chế Thi tập Tụng, phủ tảo quần ngôn [37]. Chí Phu tử kế thánh, độc tú tiền triết[38], dung quân Lục kinh, tất kim thanh nhi ngọc chấn [39], điêu trác tình tính, tổ chức từ lệnh [40], mộc đạc khải nhi thiên lí ứng, tịch trân lưu nhi vạn thế hưởng [41], tả thiên địa chi huy quang, hiểu sinh dân chi nhĩ mục hĩ [42].
Đoạn 5: 爰自風姓, 暨于孔氏, 玄聖創典, 素王述訓, 莫不原道心以敷章, 研神理而設教, 取象乎《河》《洛》, 問數乎蓍龜, 觀天文以極變, 察人文以成化; 然後能經緯區宇, 彌綸彝憲, 發揮事業, 彪炳辭義. 故知道沿聖以垂文, 聖因文而明道, 旁通而無涯, 日用而不匱.《易》曰: 「鼓天下之動者存乎辭」. 辭之所以能鼓天下者, 迺道之文也.
Viên tự Phong tính, kí vu Khổng thị, huyền thánh sáng điển, tố vương thuật huấn [43], mạc bất nguyên đạo tâm dĩ phu chương, nghiên thần lí nhi thiết giáo [44], thủ tượng hồ Hà Lạc, vấn số hồ thi quy, quan thiên văn dĩ cực biến, sát nhân văn dĩ thành hoá [45]; nhiên hậu năng kinh vĩ khu vũ, di luân di hiến [46], phát huy sự nghiệp, bưu bính từ nghĩa [47]. Cố tri đạo duyên thánh dĩ thuỳ văn, thánh nhân văn nhi minh đạo [48], bàng thông nhi vô nhai, nhật dụng nhi bất quĩ [49]. Dịch viết: “Cổ thiên hạ chi động giả tồn hồ từ”. Từ chi sở dĩ năng cổ thiên hạ giả, nãi đạo chi văn dã [50].
Đoạn 6: 贊曰: 道心惟微, 神理設教. 光采玄聖, 炳燿仁孝. 龍圖獻體, 龜書呈貌. 天文斯觀, 民胥以傚.
Tán viết [51]: Đạo tâm duy vi, thần lí thiết giáo [52]. Quang thái huyền thánh, bính diệu nhân hiếu [53]. Long đồ hiến thể, quy thư trình mạo [54]. Thiên văn tư quan, dân tư dĩ hiệu [55].
  1. 3.                  Thông diễn chính văn thiên “Nguyên đạo”
[1] Văn chi vi đức 文之為德 là một kết cấu còn gây nhiều tranh cãi. Người ta tìm kiếm và chỉ ra trong rất nhiều trường hợp cấu trúc vi đức được sử dụng trong thư tịch Trung Quốc trước và sau Lưu Hiệp. Trước Lưu Hiệp người ta thường hay nhắc đến trường hợp tương tự trong thiên “Ung dã”雍也 của sách Luận ngữ 論語: “Trung dung chi vi đức dã, kì chí hĩ hồ”中庸之為德也, 其至矣乎![16]. Rồi thiên Trung Dung 中庸 trong sách Lễ kí 禮記: “Quỷ thần chi vi đức kì thịnh hĩ hồ”鬼神之為德, 其盛矣乎![17]. Còn một ví dụ nữa đó là trong Qua phú 瓜賦 của Lục Cơ 陸機: “Giai tai! Qua chi vi đức dã”佳哉!瓜之為德也[18]. Sau Lưu Hiệp thì cụm cấu trúc X + 之為德 đã được sử dụng cực kì phổ biến theo kiểu “Ngọc chi vi đức”玉之為德, “Khiêm chi vi đức”謙之為德, “Thu chi vi đức”秋之為德, “Tam công chi vi đức”三公之為德; “Ngũ đế chi vi đức”五帝之為德, “Tửu chi vi đức”酒之為德, “Nghiêu chi vi đức”堯之為德, “Quân tử chi vi đức”君子之為德… Nghiên cứu và lí giải về câu “văn chi vi đức”đã chiếm nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu. Cung Thế Học 龚世学[19] đã tiến hành tổng thuật những ý kiến này. Chúng tôi không tiến hành tổng thuật lại mà chỉ xin đưa ra luôn ý kiến cá nhân của mình.
Trên bình diện ngữ pháp thì “văn chi vi đức”có thể được hiểu như “văn là cái đức”, điều đó không sai nếu câu văn được xét một cách biệt lập. Song hành ngôn văn chương cổ điển thường phải được đặt trong môi trường văn hóa diễn đạt của đương thời mới có thể hiểu được ý tưởng của tác giả muốn trình bày. Nếu hiểu “văn là một cái đức”như một số bản dịch trước đây thì quan điểm đó sẽ đặt vào đâu trong mạch lí luận của Nguyên đạo, và nếu như văn là một cái đức thì nó sẽ liên quan gì đến việc cùng được sinh ra với trời đất ?
Trước tiên cần phải nói qua về chữ đức 德. Tự dạng tối cổ của chữ đức  tượng hình một cành cây mọc ra từ một con mắt. Hứa Thận trong Thuyết văn giải tự hình dung chữ đức với nghĩa là thăng 升. Đoạn Ngọc Tài khi chú giải cho Thuyết văn giải tự ông khẳng định rằng chữ thăng cần phải hiểu như chữ đăng 登 nghĩa là một vận động từ dưới lên, là mọc (với cây cối)[20]. Về sau này chữ đức từ cơ sở của nghĩa gốc đã tiếp thu thêm những nội hàm mới khác. Khi được dịch sang ngôn ngữ phương Tây cụ thể là tiếng Anh chữ đức được dịch thành virtue nghĩa là đức hạnh, phẩm chất[21], hoặc là inner power tức là năng lượng ẩn tàng[22]. Về ý kiến cá nhân mà nói, chúng tôi nghiêng về cách dịch của Stephen Owen hơn. Hiểu đức như một khái niệm thuộc về đạo đức hay phẩm chất, đức hạnh, luân lí là một cách hiểu chưa thực sự sâu sắc. Đức trong quan điểm của chúng tôi khi đọc Văn tâm điêu long có hàm chứa yếu tố của một nguồn năng lượng siêu hình nằm sâu trong nhân thể.
vi đức 為德 như vậy mang hàm nghĩa gì? Chữ vi 為 là một chữ tượng hình. Cổ tự ghi chép lại cho thấy chữ vi vốn là chữ tượng hình một con chuột đang ở trong tư thế hoạt động cực kì năng động . Bởi vậy chữ vi còn có thể hiểu như là hoạt động hay một hành động có tính hướng ngoại. Chữ đức như trên đã nói là một dạng thức năng lượng ẩn bên trong. Vi đức chính là sự phát động có tính hướng ngoại của cái đức nội tại. Cũng không phải là vô tình mà Chu Hi, đại diện của Tân Nho gia (Neo-Confucian) đời Tống 宋, khi chú giải cho Trung Dung 中庸 lúc gặp phải trường hợp của câu văn “Quỷ thần chi vi đức kì thịnh hĩ hồ”鬼神之為德, 其盛矣乎 thì ông lại hình thành những liên tưởng về “tính tình công hiệu”. Nguyên văn của Chu Hi: “Vi đức do ngôn tính tình công hiệu”為德猶言性情功效[23]. Chu Hi cho rằng chữ “vi đức”nói đến sự phát xuất ra bên ngoài, sự thể hiện của tính tình và trong ngữ cảnh của câu văn này thì tính tình chính là cái đức của quỷ thần, cái có thể khiến cho người ta ăn chay, tẩy rửa bản thân và mặc lễ phục để thờ phụng. Cái vi đức của quỷ thần được thể hiện thông qua ảnh hưởng của nó đối với thái độ kính cẩn của người hành lễ. Và như vậy nó chính là công hiệu của cái đức, cái năng lượng bên trong của quỷ thần. Vì vậy văn chi vi đức theo quan điểm của chúng tôi đó chính là cái đức phát lộ ra của văn.
[2] Dữ thiên địa tịnh sinh giả hà tai? 與天地並生者何哉? Câu văn này thường được chú thích như một câu văn chịu ảnh hưởng của Tả truyện[24] “Lễ chi khả dĩ vi quốc dã, cửu hĩ, dữ thiên địa tịnh”禮之可以為國也, 久矣, 與天地並. Thực ra không ai chắc là lễ và thiên địa “tịnh”(tức là “cùng”) này lại là “tịnh sinh”cả. Thậm chí và đời Đường khi làm chính nghĩa cho Xuân Thu Tả truyện thì Khổng Dĩnh Đạt 孔穎達 cũng không cho rằng lễ và trời đất cùng được sinh ra mà ông chỉ hàm ý rằng lễ là sản phẩm tất yếu sinh ra từ cái gốc lớn là trời và đất mà thôi. Lập luận của ông khẳng định điều đó: “có trời đất sẽ có nhân dân, có nhân dân thì sẽ có phụ tử, quân thần; cha con yêu thương lẫn nhau, quân thần kính trọng lẫn nhau; yêu thương và kính trọng, đó chính là cái gốc của lễ”是言有天地, 即有人民, 有人民, 即有父子, 君臣. 父子相愛, 君臣相敬, 敬愛為禮之本[25]. Quan điểm của Lưu Hiệp coi văn cùng được sinh ra với trời đất là một quan điểm rất độc đáo mà chúng tôi sẽ bàn luận ở những đoạn kế tiếp.
[3] Phù huyền hoàng sắc tạp, phương viên thể phân 夫玄黃色雜, 方圓體分: Câu văn được gợi cảm hứng từ Chu dịch 周易 và từ cảm quan của người Trung Quốc cổ đại về thế giới. Chu dịch quẻ Khôn 坤, phần Văn ngôn 文言 viết: “Phàm là sắc đen và sắc vàng lẫn vào với nhau đấy chính trạng thái của trời và đất còn ở trạng thái hỗn tạp. Trời thì có sắc đen còn đất có sắc vàng”夫玄黃者, 天地之雜也. 天玄而地黃[26]. Còn ý tưởng về “thiên viên địa phương”天圓地方 là thuộc về vũ trụ quan nguyên thủy Trung Quốc, không nhất thiết phải là chịu ảnh hưởng từ bất kì kinh điển nào cả. Chúng ta thấy quan điểm này xuất hiện rất nhiều lần trong sách vở Trung Quốc trước Lưu Hiệp. Người ta có thể kể ra đây những trường hợp như Trang Tử 莊子, Hoài Nam Tử, Lễ kí,…
[4] Nhật nguyệt điệp bích dĩ thùy lệ thiên chi tượng 日月疊璧, 以垂麗天之象. Câu “nhật nguyệt điệp bích”日月疊璧 có nguồn gốc từ sách Trang tử 莊子 thiên “Liệt ngự khấu”列御寇 nghĩa là “coi mặt trăng, mặt trời như đôi ngọc bích”以日月為連璧[27]. Thời Đông Hán 東漢, Hoàn Đàm 桓譚 khi viết sách Tân luận 新論 cũng diễn đạt một ý tưởng cũng tương tự: “Mặt trời mặt trăng như đôi ngọc bích”日月若連璧. Còn câu “dĩ thùy lệ thiên chi tượng”以垂麗天之象 là ngữ ý xuất hiện trong Chu dịch hào từ của quẻ Li 離: “Mặt trời, mặt trăng thể hiện được cái tượng của bầu trời, trăm loài thảo mộc thể hiện được cái lí của mặt đất”日月麗乎天, 百穀草木麗乎土[28].
[5] Sơn xuyên hoán ỷ, dĩ phô lí địa chi hình 山川煥綺, 以鋪理地之形: “Hoán ỷ”煥綺là từ dùng để mô tả lụa gấm đẹp đẽ, ở đây được dùng để so sánh với vẻ đẹp của núi sông. Phô líthùy lệ là một cặp có tính đối ngẫu. Chữ 理ở đây tương đương với chữ phân分trong từ “phân bố”.
[6] Thử cái đạo chi văn dã 此蓋道之文也. Vincent Yu-chung Shih, The literary mind and the Carving of Dragons dịch câu này thành “những biểu hiện đó tự thân chúng trên thực tế là văn của Đạo”(There are, in fact, the wen of Dao itself). Chúng tôi nghiêng về cách dịch này. Stephen Owen, Văn luận Trung Quốc: dịch tiếng Anh và bình luận dịch thành: “những biểu hiện đó chính là hình dáng hình thức (sự sắp đặt hay thậm chí là dạng thức vật chất) của Đạo”(There are the pattern of the Way), cách dịch này tuy không phải là không thú vị nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì Đạo không bao giờ là The WayVăn không bao giờ là Pattern.
[7] Ngưỡng quan thổ diệu, phủ sát hàm chương 仰觀吐曜, 俯察含章: Xuất phát từ trong Chu dịch – “Hệ từ thượng”繫辭上: “ngẩng mặt mà xem xét thiên văn, cúi đầu để quan sát địa lí”仰而觀于天文, 俯以察于地理[29]. Ngô Lâm Bá cho biết ông bắt gặp hình ảnh “thổ diệu”吐曜 trong tác phẩm Thuấn Hoa phú 舜華賦 của Phó Hàm 傅咸: “Hàm huy thổ diệu”含暉吐曜, còn hình ảnh “hàm chương”含章 chính là từ ngữ của quẻ Khôn trong Chu dịch hào Lục tam 六三: “hàm chương khả trinh”含章可貞[30].
[8] Cao ti định vị có lưỡng nghi kí sinh hĩ 高卑定位, 故兩儀既生矣. Câu văn chịu ảnh hưởng của “Hệ từ thượng”– Chu dịch: “thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ; cao ti dĩ trần, quý tiện định hĩ”天尊地卑, 乾坤定矣; 高卑以陳, 貴賤位矣”[31] (Trời ở vị trí cao còn đất ở vị trí dưới thấp, càn khôn nhờ vậy mà được định vị; cao thấp đã có vị trí thích hợp mà vật quý vật hèn cũng có vị trí của chúng). Cũng “Hệ từ thượng”viết rằng: “Thị cố Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi”是故易有太极是生兩儀 nghĩa là: “Vì thế mà Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh ra Lưỡng nghi”[32]
[9] Duy nhân tham chi, tính linh sở chung, thị vị tam tài 惟人參之, 性靈所鍾, 是謂三才. Duy惟 là phát ngữ từ. Chữ tham 參 có nhiều ý kiến trái chiều nhau trong lí giải. Những người như La Lập Càn 羅立乾, Lí Chấn Hưng 李振興 cho rằng đó là “tham dự phối hợp mà cùng với trời đất thành ba 參與, 配合而成三”[33]. Quan điểm này không sai, nhưng có lẽ chưa đánh giá đúng giá trị tư tưởng của chữ tham. Một số ý kiến khác như Vương Vận Hi 王运熙, Chu Phong 周锋 lại cho rằng chữ 參 chính là 三 và phải đọc thành tam nghĩa là “số ba”[34]. Cách hiểu này khiến cho việc diễn dịch câu văn trên thành “con người cùng với trời đất tạo thành ba”. Cách hiểu này cũng bỏ qua những yếu tố siêu hình trong lập luận của Lưu Hiệp. Ngô Lâm Bá thì lại hiểu chữ 参là “sam tạp”掺杂 nghĩa là pha trộn[35]. Chúng tôi cho rằng chữ tham 參ở đây chính là tham tán hóa dục 參贊化育. Ta có gặp trong Trung Dung 中庸 một ý tưởng về vai trò của con người (mà thánh nhân là đại diện tiêu biểu nhất) đối với sự hóa sinh của trời đất: “Duy thiên hạ chí thành vi năng tận kì tính. Năng tận kì tính tắc năng tận nhân chi tính, năng tận nhân chi tính tắc năng tận vật chi tính, năng tận vật chi tính tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục tắc khả dĩ dữ thiên địa tham”唯天下至誠, 為能盡其性.能盡其性, 則能盡人之性; 能盡人之性, 則能盡物之性; 能盡物之性, 則能贊天地之化育; 能贊天地之化育, 則可以與天地參矣 (Chỉ có bậc chí thành trong thiên hạ mới có thể hiểu đến cùng cực cái tính của họ, người có thể hiểu đến cùng cực cái tính của họ thì có thể hiểu đến cùng cực cái tính của người khác, hiểu đến cùng cực cái tính của người khác thì có thể hiểu đến cùng cực cái tính của vạn vật, người có thể hiểu cùng cực cái tính của vạn vật thì có thể tán trợ cho sự hóa dục của trời đất, người có thể tán trợ cho sự hóa dục của trời đất thì có thể dự vào, sánh ngang cùng trời đất).
Trong Văn tâm điêu long khái niệm Tính linh xuất hiện 5 lần trong các thiên “Nguyên đạo”, “Tông kinh”, “Tình thái”, và “Tự Chí”. Khái niệm tính linh 性靈 là một khái niệm tương đối phức tạp. Người ta vẫn quen thuộc với “Tính linh thuyết”性靈說 và vai trò của “Tam Viên”“三袁”: Viên Tông Đạo 袁宗道, Viên Hoành Đạo 袁宏道, Viên Trung Đạo 袁中道 những học giả của Công An phái 公安派 đời Minh và Viên Mai 袁枚 học giả đời Thanh[36]. Lã Bân 吕斌 tác giả của chuyên luận “Ai là người đã đề xướng ra thuyết tính linh”是谁首倡“性灵”说[37] cho rằng Lưu Hiệp là người đặt những nền móng đầu tiên cho “Tính linh thuyết”. Ngay sau Lưu Hiệp, từ Tính linh lại xuất hiện trong Thi phẩm 詩品 của Chung Vinh 鍾嶸. Chung Vinh khi bình luận thơ của Nguyễn Tịch 阮籍 có cho rằng: “tác phẩm của Vịnh hoài của Nguyễn Tịch có thể hun đào lên tính linh và khởi phát được những suy tư thầm kín”而《咏怀》之作, 可以陶性灵, 发幽思[38]. Ngoài ra, khái niệm Tam tài 三才(材) xuất hiện lần đầu tiên trong Chu dịch, phần “Hệ từ hạ”[39] với nghĩa là để chỉ bộ ba Thiên, Địa, Nhân.
[10] Vi ngũ hành chi tú khí, thực thiên địa chi tâm 為五行之秀氣, 實天地之心. Ngũ hành 五行 xuất hiện lần đầu tiên trong sách Thượng thư 尚书 thiên “Hồng phạm”洪范 chỉ năm loại nguyên tố, theo người Trung Quốc cổ, là chất liệu sáng tạo ra thế giới là: thủy水, hỏa火, mộc木, kim金, thổ土. Quan điểm về con người như cái khí tốt đẹp nhất của ngũ hành không phải là từ Lưu Hiệp. Ta đọc thấy nó trong sách Lễ kí thiên “Lễ vận”禮運: “Nhân giả thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí dã 人者, 其天地之德, 陰陽之交, 鬼神之會, 五行之秀氣也”[40] tức “người, đó là cái đức của trời đất, là sản phẩm của sự giao hòa hai khí âm dương, là sự hội tụ của hình thể và tính linh, là cái khí tinh túy đẹp đẽ của ngũ hành”. Con người và vạn vật đều được tạo nên từ sự kết hợp giữa các yếu tố của “ngũ hành”. Khí là điều kiện quyết định nên sự tạo tác mà kết quả là sự khai sinh ra vạn vật. Khí thiêng tinh túy tốt lành sẽ thổi hồn vào năm nguyên tố và con người được sinh ra từ sự kết hợp đó.
Ý tưởng về người như là “thiên địa chi tâm”天地之心là một ý tưởng cũng của Lễ kí và thiên “Lễ vận”[41]. Trong thiên này viết: “Cố nhân giả, thiên địa chi tâm dã, ngũ hạnh chi đoan dã”故人者, 天地之心也, 五行之端也 tức là “người là cái tâm của trời đất và là đầu mối của ngũ hạnh: nhân nghĩa lễ trí tín”[42]. Trong hình dung của Khổng Dĩnh Đạt đời Đường, trời đất thì bao trùm trên dưới bốn phương, con người ở giữa vũ trụ, mọi động tĩnh của con người đều cảm ứng với những vận động của vũ trụ, cho nên trời đất có con người cũng như cơ thể con người có trái tim. Đây không chỉ là một liên tưởng so sánh tương đồng và giản đơn. Chúng tôi cho rằng khi đưa ra ý tưởng về việc con người cảm ứng với những vận động của vũ trụ, Khổng Dĩnh Đạt hiểu rất rõ về mối liên hệ siêu hình giữa tam tài: thiên, địa, nhân.
[11] Tâm sinh nhi ngôn lập, ngôn lập nhi văn minh, tự nhiên chi đạo dã 心生而言立, 言立而文明, 自然之道也: Tâm được hiểu như một nơi phát sinh ra hoạt động của cả tư duy và tình cảm, và tư duy tình cảm sẽ định hình ngôn ngữ. Khi ngôn ngữ được xác lập thì văn sẽ có được một hình thức biểu hiện rõ ràng, đấy là một tiến trình tự nhiên. Câu “tự nhiên chi đạo dã”自然之道也 có nhiều chiều hướng lí giải. Quãng độ năm 1914, Hoàng Khản 黄侃 khi giảng bài trên giảng đường của Đại học Bắc Kinh 北京大學 và Cao đẳng sư phạm Võ Xương 武昌高等師範學校[43] đã đưa ra nhiều luận điểm quan trọng về vấn đề này. Ông dựa trên một số lần xuất hiện của khái niệm “tự nhiên”và “tự nhiên chi đạo”trong Văn tâm điêu long để nghiêng về ý tưởng đạo trong Văn tâm điêu long là “tự nhiên chi đạo”. Cách hiểu đó dựa trên việc nhìn nhận khái niệm đạo từ khía cạnh siêu hình của nó. Sau này có rất nhiều người chịu ảnh hưởng của ông và trích dẫn ông để lập thành một phái trong lí giải về khái niệm đạo của Văn tâm điêu long. Có người, dựa trên ý tưởng của Hoàng Khản, cố gắng chứng minh “tự nhiên chi đạo”vốn xuất phát từ những giải thích của Đạo gia và tìm những cội nguồn trong kinh điển của Lão tử và Trang tử cho nó[44]. Chúng tôi tán thành hơn với cách giải thích rất bình dị của Ngô Lâm Bá đối với câu văn này: “tự nhiên chi đạo”chính là “một quy luật, quá trình tự nhiên”[45]. Lí do đó là ở đây mạch văn đang bàn về một tiến trình xuất hiện và phát triển của con người và văn. Sự diễn dịch chữ đạo như một tiến trình tự nhiên của vũ trụ là có thể chấp nhận được và logic.
[12] Bàng cập vạn vật, động thực giai văn 旁及萬品, 動植皆文. Chữ bàng 旁 được Hứa Thận trong Thuyết văn giải tự giải thích rằng: “bàng nghĩa là phổ 溥 tức là rộng rãi phổ biến”[46]. Chữ phẩm 品 theo như Hán ngữ đại tự điển có ý nghĩa nghĩa tương đương với chữ loại[47] nghĩa là loài, một nhóm vật nào đó.
[13] Long phượng dĩ tảo hội trình thụy, hổ báo dĩ bính úy ngưng tư 龍鳳以藻繪呈瑞, 虎豹以炳蔚凝姿. Tảo 藻 vốn dùng để chỉ một loài cây thân cỏ sống dưới nước song có vẻ đẹp. Hội 繪 nghĩa là vẽ. Thụy 瑞 nghĩa là điềm lành. Trong niềm tin của người xưa cứ khi nào rồng phượng xuất hiện thì đó là biểu hiện của sự tốt lành. Bính úy 炳蔚 nghĩa là rực rỡ, huy hoàng. Ngưng 凝 nghĩa gốc vốn là để chỉ sự đóng băng của nước, trong trường hợp này sử dụng với ý nghĩa là kết thành, tạo thành, ngưng đọng thành. 姿 nghĩa là tư thái, hình thái.
[14] Vân hà điêu sắc, hữu du họa công chi diệu 雲霞雕色, 有踰畫工之妙. Vân hà 雲霞 nghĩa là khói mây. Đọc đến câu “vân hà điêu sắc”, người ta vẫn hay liên tưởng đến câu văn của Bão Chiếu 鮑照 trong bài Đăng Đại Lôi ngạn dữ muội thư 登大雷岸與妹書: “Thượng thường tích vân hà điêu cẩm nhục”上常積雲霞雕錦縟 nghĩa là: “Phía bên trên thường có nhiêu mây khói tạo nên những cảnh đẹp gấm vóc rực rỡ”. Du 踰 nghĩa là vượt qua, hơn. Họa công 畫工 là thợ vẽ.
[15] Thảo mộc phần hoa, vô đãi cẩm tượng chi kì 草木賁華, 無待錦匠之奇. Chữ phần 賁 trong trường hợp này có nghĩa dẫn thân là “nảy nở”. Sách Thượng thư 尚書 thiên “Thang cáo”湯誥 có viết “phần nhược thảo mộc”賁若草木 nghĩa là “khoác lên vẻ ngoài giống như loài cây cỏ”. Trong “Tự quái”序卦 Chu dịch có viết rằng: “phần giả, sức dã”賁者, 飾也 (phần nghĩa là trang sức vậy). Chữ hoa 華 ở đây được hiểu như chữ hoa 花 trong nghĩa chỉ “bông hoa”. Cẩm tượng 錦匠 chỉ những người thợ dệt lụa.
[16] Phù khởi ngoại sức, cái tự nhiên nhĩ 夫豈外飾, 蓋自然耳. Ngoại sức ở đây là chỉ sự sắp đặt có tính nhân tạo từ bên ngoài khoác lên vạn vật. Trong quan điểm của Lưu Hiệp thì tự nhiên là yếu tố có tính chất nội tại mà bản thân vạn vật có sẵn. Văn cũng có văn của tự nhiên không phải chỉ với ý nghĩa là văn chương như chúng ta vẫn hiểu.
[17] Chí ư lâm lại kết hưởng, điệu như vu sắt; tuyền thạch kích vận, hòa nhược cầu hoàng 至於林籟結響, 調如竽瑟; 泉石激韻, 和若球鍠. Lâm lại 林籟 dịch thành “sáo rừng”. Sách Trang tử 莊子 thiên “Tề vật luận”齊物論 từng nói đến Nhân lại 人籟 tức “sáo người”, Thiên lại 天籟 tức “sáo trời”và Địa lại 地籟 tức “sáo đất”. Lưu Hiệp nói về Lâm lại với cách dùng tương tự, chỉ tiếng gió thổi qua cây rừng nghe như tiếng sáo của con người. Kết 結 nghĩa là tạo thành. Vu 竽 là một loại nhạc khí cổ của Trung Quốc từng lưu hành rộng rãi vào khoảng từ thời Chiến Quốc 戰國 cho đến đời Hán 漢. Còn sắt 瑟 cũng là một loại nhạc khí cổ thuộc loại đàn dây. “Tuyền thạch kích vận”泉石激韻 chỉ tiếng nước suối vỗ đá tạo nên những âm thanh như tiếng nhạc. “Cầu hoàng”球鍠 là để chỉ tiếng chuông tiếng khánh nói chung, theo Thuyết văn giải tự thì chữ “cầu”球 vốn chỉ tiếng khánh ngọc[48] còn hoàng 鍠 là để chỉ tiếng chuông[49].
[18] Cố hình lập tắc chương thành hĩ, thanh phát tắc văn sinh hĩ 故形立則章成矣, 聲發則文生矣. Trong câu văn này, Lưu Hiệp có nhắc đến hai loại văn được tự nhiên thể hiện đó là hình văn và thanh văn. Hình văn tương ứng với đoạn mô tả của Lưu Hiệp về “Long phượng dĩ tảo hội trình thụy, hổ báo dĩ bính úy ngưng tư”còn thanh văn là tương ứng với câu “tuyền thạch kích vận, hòa nhược cầu hoàng”. Đây là câu văn tổng kết quan điểm của Lưu Hiệp về văn chương của tự nhiên. Đấy là thứ văn chương hình thành trong trời đất không có sự tham dự tạo tác của con người vì vậy khái niệm văn thậm chí còn rộng lớn hơn khái niệm văn hóa ngày nay.
[19] Phù dĩ vô thức chi vật, úc nhiên hữu thái, hữu tâm chi khí kì vô văn dư 夫以無識之物, 鬱然有彩, 有心之器, 其無文歟. “Vô thức chi vật”đăng đối với “hữu tâm chi khí”. Điều đó cho thấy Lưu Hiệp hình dung về tâm như là nơi sản sinh ra sự thức mà nay ta có thể dịch là “tri thức”hay “ý thức”đều được. “Hệ từ thượng”của Chu dịch viết: “hình nãi vị chi khí”形乃謂之器 tức là “cứ cái gì thành được hình thì gọi là khí”. Bởi thế khí là để chỉ chung toàn bộ thế giới hữu hình mà con người, động thực vật, các chất vô cơ là một phần trong đó. Con người là một thứ khí được tạo nên bởi các yếu tố của ngũ hành. Câu “hữu tâm chi khí, kì vô văn dư”cho ta thấy rằng trong quan niệm của Lưu Hiệp thì tâm là nơi sản sinh ra văn chương.
[20] Nhân văn chi nguyên, triệu tự Thái cực, u tán thần minh, Dịch tượng duy tiên 人文之元, 肇自太極, 幽讚神明, 易象惟先. Khái niệm “nhân văn: lần đầu tiên được xuất hiện trong “Thoán từ”彖辭 của quẻ “Phần”賁 trong Chu dịch: “Quan hồ thiên văn dĩ sát thời biến, quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ”觀乎天文以察時變, 觀乎人文以化成天下[50] nghĩa là “quan sát thiên văn để có thể hiểu được sự biến hóa của tứ thời, xem xét nhân văn để thành tựu sự nghiệp giáo hóa trong thiên hạ”. Khái niệm nhân văn được đặt trong thế song song với khái niệm thiên văn. Chú giải cho chữ nguyên 元, Chiêm Anh 詹鍈 rằng chữ nguyên 元 là để chỉ bản nguyên 本源 hoặc căn nguyên 根源[51]. Hán ngữ đại tự điển cho biết rằng chữ nguyên còn có các ý nghĩa sau: nghĩa gốc là thủ 首 nghĩa là cái đầu người, nghĩa thứ hai là đứng đầu, nghĩa thứ ba là mở đầu… và còn nhiều ý nghĩa khác nữa trong đó có bao hàm của ý nghĩa mà Chiêm Anh đã vạch ra[52]. Về cơ bản các nghĩa này gần nhau. Thái cực 太極 theo như “Hệ từ thượng”: “Thị cố Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tứ tượng sinh Bát quái 是故易有太極, 是生兩儀, 兩儀生四象, 四象生八卦”tức là: “Dịch có Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, và Tứ tượng sinh ra Bát quái”[53]. Trong Chu dịch thì Thái cực được hiểu như một trạng thái tồn tại trước khi có sự phân tách ra thành thiên và địa. Thái cực là các nguyên khí còn ở trạng thái hỗn tạp thành một thể duy nhất. Ngô Lâm Bá đưa ra một thắc mắc rất hợp lí: Thái cực là sự tồn tại trước cả sự phân chia của trời và đất, khi ấy hẳn còn chưa có được yếu tố thứ ba là con người. Vậy thì tại sao văn của người lại có thể được sinh ra từ Thái cực được? Và vì vậy, Ngô Lâm Bá cho rằng chữ Thái cực trong cách dùng của Lưu Hiệp hẳn đã bị đổi nghĩa, theo ông, Thái cực ở đây chính là Thái cổ 太古[54]. Quan điểm này hợp lí ở chỗ nó còn ứng với những câu sau khi Lưu Hiệp trình bày về những tượng của Dịch mà theo ông là của Phục Hi 伏羲, như là tác phẩm sự mở đầu của nhân văn. Đây là một cách lí giải rất hợp lí và chúng tôi ghi nhận nó như một khả thể. Song cũng không thể vì thế mà loại trừ những cách diễn dịch khác.
Câu “U tán thần minh”幽讚神明 xuất phát từ trong Chu dịch phần “Thuyết quái”說卦: “Tích giả thánh nhân chi tác Dịch dã, u tán vu thần minh nhi sinh thi”昔者聖人之作易也, 幽贊于神明而生蓍 nghĩa là “ngày xưa khi thánh nhân làm ra Dịch, làm rõ một cách sâu sắc thần đạo và đặt ra việc dùng cỏ thi để đoán định cát hung”[55]. Ở đây khái niệm “thần minh”tức là thần đạo. Nhan Sư Cổ 顏師古 khi làm chú giải cho câu văn “chuyên thần minh chi kính”專神明之敬 trong “Chung Quân truyện”終軍傳 của Hán thư 漢書 đã cho rằng “minh giả, minh linh, diệc vị thần dã”明者, 明靈, 亦謂神也 nghĩa là: “minh”chính là “minh linh”hay chính là tương đồng với chữ “thần”vậy. Vậy “thần minh”có thể là để chỉ “thần đạo”. “Dịch tượng”易象 là khái niệm của Chu dịch, trong “Hệ từ hạ”ta đọc thấy: “Thị cố Dịch giả, tượng dã. Tượng dã giả, tượng dã”是故易者, 象也. 象也者像也 nghĩa là “các quái của Dịch mô tả cái hình tượng của vạn vật, cái hình tượng của vạn vật đó chính là do việc mô phỏng vạn vật”. Như vậy “Dịch tượng”có thể hiểu là cái tượng của Bát quái được hình thành dựa trên hình tượng của vạn vật.
[21] Bào Hi họa kì thủy, Trọng Ni dực kì chung 庖犧畫其始, 仲尼翼其終. Ý tưởng về Bào Hi vẽ ra những nét đầu tiên của Bát quái xuất phát từ “Hệ từ hạ”của Chu dịch. Chúng ta đọc thấy: “Cổ giả, Bào Hi thị chi vượng thiên hạ dã, ngưỡng tắc quan tượng vu thiên, phủ tắc quan pháp vu địa, quan điểu thú chi văn dữ địa chi nghi, cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật, vu thị thủy tác bát quái, dĩ thông thần minh chi đức, dĩ loại vạn vật chi tình,…”古者, 庖犧氏之王天下也, 仰則觀象于天, 俯則觀法于地, 觀鳥獸之文, 與地之宜, 近取諸身, 遠取諸物, 于是始作八卦, 以通神明之德, 以類萬物之情… nghĩa là “ngày xưa, họ Bào Hi làm vua thiên hạ, ngẩng mặt lên quan sát tượng của trời, cúi mặt quan sát theo phép của đất, xem cái văn của loài chim thú cùng với sự thích nghi của các loại thực vật trên mặt đất, gần thì xem xét bản thân mình, xa thì quan sát vạn vật, từ đó là mới vẽ ra bát quái để thấu hiểu được cái đức của đấng thần minh và để biết được cái tình của vạn vật[56]. Bào Hi ở đây chính là Phục Hi 伏羲 còn được gọi là Mật Hi 宓羲, Bao Hi 包犧, Hi hoàng 犧皇, Hoàng Hi 皇羲 hay Thái Hạo 太昊. “Trọng Ni dực kì chung”chính là nói về truyền thuyết cho rằng chính Khổng tử là người đã viết “Thập dực”十翼 để nêu rõ ý nghĩa của Dịch. Tư Mã Thiên 司馬遷 trong sách Sử kí 史記 thiên “Khổng tử thế gia”孔子世家 có viết: Khổng tử khi tuổi đã già thì thích đọc Dịch nên mới viết ra “Tự quái”序卦, “Thoán từ”彖辭 (2 thiên), “Hệ từ”繫辭 (2 thiên), “Tượng từ”象辭 (2 thiên), “Thuyết quái”說卦, “Văn ngôn”文言, “Tạp quái”雜卦. Thực ra thì truyền thuyết này có một nguồn gốc không đáng tin hơn rất nhiều đó là xuất phát từ Dịch vĩ – Càn Tạc Độ 易緯 – 乾鑿度[57]. Sau này những nghiên cứu hiện đại dần dần vạch ra tính chất ngụy tạo của Thập dực bởi thế có thể nói về ảnh hưởng của Thập dực đối với tư tưởng Trung Quốc từ đời Hán trở đi song rất khó sử dụng Thập dực như một minh chứng cho tư tưởng tiền Hán.
[22] Nhi Càn Khôn lưỡng vị, độc chế Văn ngôn 而乾坤兩位, 獨制《文言》. Càn 乾 và Khôn 坤 là hai quẻ mở đầu của Dịch (dĩ nhiên là Dịch vào đời Lưu Hiệp sử dụng). Hai quẻ này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiệm cận tư tưởng của Dịch. Người ta vẫn cho rằng hai quẻ này là hai quẻ cơ bản mà các quẻ khác là sự phát sinh ra của nó, là cửa vào triết lí của Dịch, là nơi mà Dịch gửi gắm những ý tưởng sâu sắc nhất của mình. Còn “Văn ngôn”文言 là một phần của Thập dực. Về ý nghĩa của hai chữ “Văn ngôn”thì ở phần sau Lưu Hiệp có giải thích nó như là “văn chi ngôn dã”言之文也 nghĩa là “cái văn vẻ (hay sự tô điểm văn vẻ) của ngôn từ”. Ở thiên “Tổng thuật”總術 thiên thứ 44 của Văn tâm điêu long, một lần nữa ông khẳng định: “Dịch chi “Văn ngôn”, khởi phi ngôn văn?”《易》之《文言》, 豈非言文? nghĩa là “‘Văn ngôn’ của Dịch lẽ nào không phải văn của ngôn từ sao?”Song trong lịch sử thực ra còn lưu hành một số cách giải thích khác. Cách giải thích của Chu dịch âm nghĩa 周易音義: “văn ngôn, văn sức quái hạ chi ngôn dã”文言, 文飾卦下之言也 nghĩa là “văn ngôn đó là những ngôn từ để làm sáng tỏ và tô sức cho ý nghĩa của các quẻ vậy[58]. Khổng Dĩnh Đạt đời Đường tán đồng với ý tưởng cho rằng: “văn vị văn sức, dĩ Càn, Khôn đức đại, cố đặc văn sức, dĩ vi văn ngôn”文謂文飾, 以乾坤德大, 故特文飾, 以為文言 nghĩa là “văn ở đây là nói về việc tô điểm văn vẻ, vì cái đức của hai quẻ Càn và quẻ Khôn lớn lao cho nên riêng tô điểm cho chúng và gọi là văn ngôn”[59].
[23] Ngôn chi văn dã, thiên địa chi tâm tai 言之文也, 天地之心哉. Ý nghĩa của hai chữ “Văn ngôn”theo cách hiểu của Lưu Hiệp đó là cái văn của ngôn từ hay sự tô điểm văn vẻ của ngôn từ”thì về cơ bản cũng không có nhiều khác biệt so với hai cách hiểu truyền thống về Văn ngôn mà chúng tôi đã trích dẫn ở phía trên. Song cái đặc biệt là trong diễn đạt về “thiên địa chi tâm tai”của Lưu Hiệp. Ông cho rằng “Văn ngôn”của Dịch đã thể hiện được cái tâm của Thánh hiền và cũng là cái tâm của trời đất.
[24] Nhược nãi Hà đồ dựng hồ Bát quái, Lạc thư uẩn hồ Cửu trù 若迺河圖孕乎八卦, 洛書韞乎九疇. Chúng ta đọc thấy trong “Hệ từ thượng”của Chu dịch viết: “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi”河出圖, 洛出書, 聖人則之 nghĩa là “Sông Hoàng Hà xuất hiện bức đồ, sông Lạc xuất hiện thiên thư, thánh nhân theo đó mà lập giáo[60]. Bát quái 八卦 chỉ Tám quẻ cơ bản của Dịch bao gồm Càn ☰, Đoài ☱, Li ☲, Chấn ☳, Tốn ☴, Khảm ☵, Cấn ☶, Khôn ☷.
Cửu trù 九疇 tức chín loại phép tắc được ghi lại trong “Hồng phạm”洪範 của Thượng thư: “Trời bèn đem chín loại phép tắc lớn lao trao cho Vũ, từ đó mà luân thường được có trật tự. Chín loại đó gồm: một là ngũ hành, hai là ngũ sự, ba là về cần mẫn tám công việc chính trị, bốn là hài hòa ngũ kỉ, năm là kiến tạo nên chuẩn mực cho ngôi vua, sáu là dùng ba cái đức để trị dân, bảy là giải quyết những nghi vấn bằng chiêm bốc, tám là chiêm nghiệm các ứng nghiệm từ trời, chín là khuyến khích ngũ phúc, khiến mọi người phải tuân theo lục cực”天乃錫禹洪範九疇, 彝倫攸敘. 初一曰五行, 次二日敬用五事, 次三曰農用八政, 次四曰協用五紀, 次五曰建用皇極, 次六曰乂用三德, 次七曰明用稽疑, 次八曰念用庶徵, 次九曰嚮用五福, 威用六極[61].
[25] Ngọc bản kim lũ chi thực, đan văn lục điệp chi hoa 玉版金鏤之實, 丹文綠牒之華. Ngọc bản 玉版 chúng tôi thấy xuất hiện sớm nhất trong sách Hàn Phi tử 韓非子 thiên “Dụ lão”喻老 viết: “Đời nhà Chu có Ngọc bản 周有玉版”. “Ngọc bản”nghĩa là bảng làm bằng ngọc. Kim lũ 金鏤 thực ra chính là Kim lâu 金縷. Lâu 縷 nghĩa để chỉ các sợi chỉ. “Ngọc bản kim lũ”nghĩa “bảng bằng ngọc trên có khắc những chữ bằng vàng”. Hoàng Thúc Lâm 黃叔琳[62] tán đồng với quan điểm cho rằng khi vua Nghiêu còn ở ngôi thì nhờ có thánh đức bao trùm thiên hạ, trời ban cho một cái bảng ngọc khoảng một “xích”, trên vẽ hình thù của trời và đất. Về sau “Ngọc bản”là tượng trưng cho báu vật truyền đời của các vua chúa, chứng minh sự hợp với lòng trời của một triều đại. Cũng như ngọc bản thì “Lục điệp”綠牒 là một phiến vật liệu có thể làm bằng vàng được sơn phủ lên lớp màu xanh, chữ viết trên đó là chữ màu đỏ. Điệp 牒 trong trường hợp này là chữ được dùng thông với chữ bản 版 cũng là một loại báu vật khẳng định quyền lực được trời bảo hộ của các vua chúa Trung Hoa.
Khái niệm hoa 華 và thực 實 ở đây là đều để chỉ ẩn dụ cho văn vẻ được thể hiện ra bằng thành tựu và sự rực rỡ.
[26] Thùy kì thi chi, diệc thần lí nhi dĩ 誰其尸之, 亦神理而已. Câu “thùy kì thi chi”誰其尸之 lấy từ trong Kinh thi 詩經, Phần “Thiệu Nam”召南, bài Thái tần 採蘋[63]. Chữ “thi”尸 theo “Mao truyện”毛傳 tương đương với chữ “chủ”主 với ý nghĩa là làm chủ, chủ tể. “Thần lí”神理 ở đây là một khái niệm phức tạp. 理 được hiểu như một sự sắp đặt có tính chất tiền định và phù hợp, một chuẩn tắc hay là một trật tự. Nguyên nghĩa của chữ là mài giũa viên ngọc thành đồ trang sức[64]. Trong trường hợp này, là trật tự tiền định tiên thiên, một chuẩn tắc phù hợp được áp đặt xuống cho con người. Khái niệm thần 神 xuất hiện trong “Hệ từ thượng”của Chu dịch với nghĩa: “âm dương bất trắc chi vị thần”陰陽不測之謂神 (Sự biến đổi không lường đoán được của hai khí âm, dương được gọi là thần[65]. Ngay từ khi “Hệ từ thượng”ra đời thì khái niệm thần đã hàm chứa trong nó sự biến hóa khôn lường thần kì và huyền diệu. Ta hiểu vì sao mà các từ điển Trung Hoa ghi nhận thần như một năng lượng cực biến hóa[66]. Ở đây chữ thần được sử dụng như một tính từ là “biến hóa linh diệu không thể lường đoán”. “Thần lí”chính là cái lí diệu kì biến hóa không thể lường đoán làm chủ tể cho sự mọi xuất hiện linh diệu trên thế gian (như sự xuất hiện của “Ngọc bản kim lũ”, “đan văn lục điệp”).
[27] Tự điểu tích đại thằng, văn tự thủy bính 自鳥迹代繩, 文字始炳. Thằng 繩 ở đây nghĩa là “kết thằng”結繩. Theo “Hệ từ hạ”của Chu dịch thì “thời thượng cổ người ta thắt nút những sợi dây thừng để phục vụ công việc chính trị, các thánh nhân đời sau này thay cách ghi nhớ đó bằng loại văn tự được hình thành từ các nét vạch”上古結繩而治, 後世聖人易之以書契[67]. Còn “điểu tích”鳥迹 chính là loại văn tự mà ta gọi là “thư khế”書契. “Thượng thư tự”尚書序 của Khổng An Quốc 孔安國 viết: “Cổ giả, Phục Hi thị chi vượng thiên hạ dã, thủy họa bát quái, tạo thư khế dĩ đại kết thằng chi chính, do thị văn tịch sinh yên”古者伏羲氏之王天下也, 始畫八卦, 造書契, 以代結繩之政, 由是文籍生焉 tức “ngày xưa họ Phục Hi làm vua thiên hạ, mới vẽ ra bát quái, tạo thể chữ thư khế để thay thế việc chính sự phải ghi nhớ bằng các nút buộc dây thừng, nhờ đó mà thư tịch văn từ được hình thành”[68]. Một quan điểm khác là của Hứa Thận, trong bài tựa cho cuốn Thuyết văn giải tự, ông viết: “Sử quan của Hoàng đế là Thương Hiệt, nhìn thấy dấu chân chim thú, hiểu được sự sắp xếp các dấu vết có thể dùng để biện biệt các sự kiện liền tạo ra kiểu chữ được viết bằng các nét vạch (thư khế) 黃帝之史蒼頡, 見鳥獸蹄迒之迹, 知分理之可相別也, 初作書契”.
[28] Viêm Hạo di sự, kỉ tại Tam phần, nhi niên thế diểu mạo, thanh thái mị truy 炎皞遺事, 紀在《三墳》, 而年世渺邈, 聲采靡追. Viêm Hạo 炎皞 là để chỉ Viêm Đế Thần Nông thị 炎帝神農氏 và Thái Hạo Phục Hi thị 太伏犧氏. “Tam phần”三墳 theo như “Thượng thư tự”của Khổng An Quốc, là sách của các đời Thần Nông, Phục Hi, Hoàng Đế, nội dung bàn về đạo vĩ đại[69]. Sách này đã sớm thành dật thư, Tam phần tương truyền sau này là tác phẩm ngụy tạo. Điều khiến chúng tôi băn khoăn là nếu Lưu Hiệp tin rằng đến đời Phục Hi mới có hình thức văn tự đầu tiên là thư khế thì ông sẽ không tin vào giải thích của Khổng An Quốc, cái giải thích sẽ dẫn đến việc một trong các phần 墳 sẽ phải được ghi bằng nút dây thừng (cụ thể là vào đời Thần Nông). Các học giả đã bàn nhiều về Tam phần, Ngũ điển 五典, Bát sách 八索, Cửu khâu 九丘. Theo như thống kê của Chiêm Anh trong Văn tâm điêu long nghĩa chứng có quan điểm của Giả Quỳ 賈逵: Tam phần là sách của Tam vương: Thần Nông, Phục Hi, Hoàng Đế. Trương Bình Tử 張平子 cho rằng Tam phầnTam lễ gồm Thiên lễ 天禮, Địa lễ 地禮 và Nhân lễ 人禮. Mã Dung 馬融 cho rằng Tam phần là ba loại khí được sinh ra khi trời đất mới khai mở. Triều Công Võ 晁公武, Trần Chấn Tôn 陳振孫 cho rằng đây là ngụy thư của một nhân vật là Mao Tiệm 毛漸. “Diểu mạo”渺邈 nghĩa là xa xôi. “Thanh thái”聲采 nghĩa là văn chương, văn vẻ. “Mị truy”靡追 nghĩa là không thể khảo ra, không thể biết”.
[29] Đường Ngu văn chương, tắc hoán hồ vi thịnh 唐虞文章, 則煥乎為盛. Đường Ngu 唐虞 là chỉ đời vua Nghiêu (Đường) và đời vua Thuấn (Ngu). Người ta vẫn hay nhắc đến câu văn trong thiên “Thái bá”泰伯 của sách Luận ngữ: “Đại tai Nghiêu chi vi quân dã, hoán hồ kì hữu văn chương”大哉, 堯之為君也, 煥乎其有文章 nghĩa là “lớn lao thay ông vua Nghiêu, văn chương của ông ta thật rực rỡ”[70]. Chữ “vi thịnh”為盛 ở đây là sự thể hiện ra của cảnh thịnh trị đưới triều đại vua Nghiêu, vua Thuấn. Về mặt ngữ pháp nó gần gũi và tương đồng với trường hợp “vi đức”ở phía trên chúng tôi đã phân tích.
[30] Nguyên thủ tải ca, kí phát ngâm vịnh chi chí 元首載歌, 既發吟詠之志. “Nguyên thủ”元首 vốn là từ xuất hiện trong Thượng thư thiên “Ích Tắc”益稷: “cổ quăng hỉ tai, nguyên thủ khởi tai, bách công hi tai”股肱喜哉, 元首起哉, 百工熙哉 nghĩa là “bề tôi thì vui vẻ thay, nhà vua được rạng danh, sự nghiệp của nhà vua được hoàn thiện tốt lành”[71]. “Nguyên thủ”là để chỉ nhà vua, ví nhà vua là như bộ phận đầu trên một thân thể, còn bề tôi giống như tay như chân. Chữ tải 載 có một nghĩa rất cổ đó là tương đương với chữ “thành”成 nghĩa là “làm thành, thành tựu”[72]. Chí 志 nghĩa là ý 意 trong nghĩa “ý tưởng”, “ý định”.
[31] Ích Tắc trần mô, diệc thuỳ phu tấu chi phong 益稷陳謨, 亦垂敷奏之風. Ích Tắc 益稷 ở đây là để chỉ hai người đó là ông Ích và ông Hậu Tắc 后稷, hai người bề tôi của vua Thuấn 舜. Trong sách Thượng thư có thiên gọi là thiên “Ích Tắc”. Chữ “trần”陳 ở đây được sử dụng với nghĩa là “phu”敷 tức là trình bày, thể hiện, đưa ra. “Mô”謨 là chữ có thể dùng thông với chữ “mưu”謀 nghĩa là mưu kế, sách lược. “Trần mô”陳謨 ở đây nghĩa là hiến kế, đưa ra sách lược. Chữ “thùy”垂 nghĩa là lưu truyền lại, để lại. “Phu tấu”敷奏 nghĩa là đưa ra sách lược dâng sách lược lên hoàng đế. Chữ “tấu”奏 có thể dùng với nghĩa là “tiến”進 nghĩa là dâng lên, đưa lên. “Phong”風 ở đây có thể hiểu như là tập tục, thói quen, phong khí. Về mặt ngữ pháp thì “phu tấu chi phong”không khác nhiều so với các từ như “học phong”學風 hay “gia phong”家風.
[32] Hạ Hậu thị hưng, nghiệp tuấn hồng tích, cửu tự duy ca, huân đức di nhục 夏后氏興, 業峻鴻績, 九序惟歌, 勳德彌縟. Hạ Hậu thị 夏后氏 ở đây là để chỉ vị vua kiến lập ra triều Hạ trong lịch sử Trung Quốc là vua Vũ. Chữ “hậu”后 nghĩa tương đương với chữ “quân”君, chữ “đế”帝 với nghĩa là hoàng đế. Hưng 興 nghĩa giống chữ khởi 起 nghĩa “hưng khởi”. Chữ “nghiệp”業 và chữ “tích”績 đều được giải thích là tương đương với chữ “công”功 với nghĩa là công lao. Chữ “tuấn”峻 và chữ “hồng”鴻 đều được giải thích là “đại”大 nghĩa là to lớn. “Nghiệp tuấn hồng tích”業峻鴻績 là một kết cấu ngữ pháp đặc biệt. Chuẩn mực phải là “tuấn nghiệp hồng tích”song do những yêu cầu của vần điệu mà bị biến thành “nghiệp tuấn hồng tích”. Bởi vậy ta nên hiểu đơn thuần chỉ là sự nghiệp công lao vĩ đại.
“Cửu tự duy ca”九序惟歌 là câu chữ của Thượng thư thiên “Đại Vũ mô”大禹謨. Chữ “tự”序 đáng ra phải là chữ “tự”敘. Nguyên văn trong thiên “Đại Vũ mô”là: “Vũ viết: Ô! Đế niệm tai! Đức duy thiện chính, chính tại dưỡng dân. Thủy, hỏa, kim, mộc, thổ, cốc duy tu; chính đức, lợi dụng, hậu sinh duy hòa. Cửu công duy tự, cửu tự duy ca. Giới chi dụng hưu, đổng chi dụng uy, khuyến chi dĩ cửu ca ti vật hoại”禹曰: 於! 帝念哉! 德惟善政, 政在養民. 水, 火, 金, 木, 土, 谷, 惟修; 正德, 利用, 厚生, 惟和. 九功惟敘, 九敘惟歌, nghĩa là “Đại Vũ than rằng: Ôi! Nhà vua nhớ chăng. Đức của nhà vua thể hiện qua sự khéo léo làm chính sự, chính sự ấy là ở việc phải chăm lo cho nhân dân. Chăm lo nhân dân thì cần phải giải quyết tốt sáu vấn đề là nước, lửa, kim loại, gỗ, đất, lúa gạo và cần phải hài hòa được các công việc: sửa chính đức hạnh, làm cho vật dụng của nhân dân đầy đủ, làm cho nhân dân được phồn sinh. Chín công lao được làm tốt và đều đáng được ca ngợi[73]. “Cửu tự duy ca”九序惟歌 là cách diễn đạt tắt của “cửu công duy tự, cửu tự duy ca”九功惟敘, 九敘惟歌. Trong đó “cửu công”九功 ở đây là để chỉ Lục phủ 六府, Tam sự 三事, trong đó Lục phủ là thủy, hỏa, kim, mộc, thổ, cốc, còn Tam sự là “chính đức, lợi dụng, hậu sinh”. Còn “huân đức”勳德 chính là công đức nói chung.
[33] Đãi cập Thương Chu, văn thắng kỳ chất 逮及商周, 文勝其質. Trong Lễ kí 禮記 thiên “Biểu kí”表記 có viết: “Tử viết: Ngu, Hạ chi chất, Ân, Chu chi văn, chí hĩ”子曰: 虞夏之質, 殷周之文, 至矣 nghĩa là cái chất của đời Ngu đời Hạ, cái văn của đời Ân, đời Chu đã đạt đến cùng cực vậy[74]. Quan điểm của Lưu Hiệp chịu ảnh hưởng của Lễ kí. Vấn đề “văn thắng chất”hay “chất thắng văn”ở đây không hàm ý nghĩa phân biệt giá trị tốt hay xấu mà chỉ là một nhận xét khách quan, thể hiện quan niệm phát triển của văn trong con mắt của Lưu Hiệp: ta thấy ở thiên thứ 45 của sách Văn tâm điêu long là “Thời tự”時序, Lưu Hiệp có viết: “thời cuộc vận động chồng chéo lên nhau, chất và văn thay nhau giữ địa vị chủ chốt trong khuynh hướng làm văn 時運交移, 質文代變”. Chúng tôi nhận thấy quan điểm chống lại sự thái quá của hoặc văn hoặc chất và đề cao “văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử 文質彬彬, 然後君子”mà Khổng tử đề cập đến trong Luận ngữ thiên “Ung dã”雍也 đã không được Lưu Hiệp tiếp thu trọn vẹn. Lưu Hiệp một mặt coi trọng sự hài hòa văn và chất song ông vẫn tìm thấy cái đẹp ngay cả trong sự không tương xứng giữa chúng.
[34] Nhã Tụng sở bị, anh hoa nhật tân 《雅》《頌》所被, 英華日新. Nhã 雅 và Tụng 頌 là hai phần trong tổng số ba phần Phong 風, Nhã 雅, Tụng 頌 của Thi. Chữ “bị”被 này theo quan điểm của Chiêm Anh là chữ dùng thông với chữ “phi”披 nghĩa là phát bố[75], chúng tôi thấy không cần thiết. Bản thân chữ “bị”被 với nghĩa “hoàn bị”, hay với nghĩa động từ là “làm hoàn chỉnh”đã không phải là sai, bởi vậy không cần phải tìm những ngữ cảnh giải thích rắc rối quá cho câu văn. “Anh hoa”英華 ở đây chỉ những gì tinh túy nhất ở đây là để chỉ cái tinh túy nhất trong văn của hai đời Thương, Chu. “Nhật tân”日新 làm ta nghĩ đến sách Đại học có nói đến việc chậu tắm của Thành Thang chép câu văn: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”苟日新, 日日新, 又日新 nghĩa là “thành tâm đổi mới bản thân, ngày ngày làm mới bản thân không ngừng nghỉ”.
[35] Văn Vương hoạn ưu, Diêu từ bính diệu, phù thái phức ẩn, tinh nghĩa kiên thâm 文王患憂, 繇辭炳曜, 符采複隱, 精義堅深. Văn Vương 文王 là Chu Văn Vương 周文王 họ Cơ 姬 danh là Xương 昌. Đây là thủ lĩnh của bộ lạc nhà Chu đã chuẩn bị những điều kiện quan trọng nhất để con ông là Chu Vũ Vương 周武王 lật đổ nhà Thương dựng lên cơ đồ nhà Chu. “Văn Vương hoạn ưu”文王患憂 là nói về sự kiện Văn Vương bị vua Trụ 紂 của nhà Thương bắt giam trong ngục. “Hệ từ hạ”của Chu dịch có viết rằng: “Dịch chi hưng dã, kì ư trung cổ hồ, tác Dịch giả kì hữu ưu hoạn hồ”易之興也, 其於中古乎? 作易者, 其有憂患乎? nghĩa là “sự xuất hiện của Dịch có lẽ là vào đời trung cổ chăng, người làm ra Dịch có lẽ mang trong mình nỗi lo âu buồn bã chăng?”[76]. Cũng chính “Hệ từ hạ”viết rằng: “Dịch chi hưng dã, kì đương Ân chi mạt thế, Chu chi thịnh đức da?”易之興也, 其當殷之末世, 周之盛德耶? nghĩa là “Dịch xuất hiện đúng vào lúc nhà Ân suy tàn, nhà Chu đức thịnh chăng?”[77]. Trong Sử kí thiên “Thái sử công tự tự”太史公自序, Tư Mã Thiên viết: “Tây Bá 西伯 khi bị giam ở ngục Dữu Lí đã diễn giải Chu dịch”昔, 西伯拘羑里, 演《周易》. “Diêu từ”繇辭 ở đây là để chỉ Hào từ 爻辭 và Quái từ 卦辭 của Chu dịch, theo truyền thuyết đó là do Văn Vương dựa trên Bát quái của Phục Hi để viết ra.
Trong Thục đô phú 蜀都賦, Tả Tư 左思 có một câu văn là “Phù thái bưu bính”符釆彪炳. Khi chú giải cho hai chữ “phù thái”trong câu văn này, các nhà chú giải Văn tuyển 文選 viết: “Phù thái ngọc chi hoành văn dã”符釆玉之橫文也 nghĩa là “phù thái, đấy chính là chỉ những hoa văn theo chiều ngang của viên ngọc vậy”. Trong ngữ cảnh của câu văn trong Thục đô phú thì “phù thái”là chỉ vẻ sáng của viên ngọc[78]. “Phức”複 nghĩa gốc là áo kép. Trong Văn tâm điêu long có khi chữ “phức”và chữ “ẩn”隱 được dùng với những ý nghĩa tương tự nhau. Trong chương thứ 39 “Luyện tự”練字, Lưu Hiệp có viết “phức văn ẩn huấn”複文隱訓. Chương thứ 44 “Tổng thuật”總術 viết: “áo giả phức ẩn”奧者複隱. Cả hai trường hợp trên đều cho thấy “phức”, “ẩn”có nghĩa là hàm súc ẩn ước không lộ ra rõ ràng.
[36] Trùng dĩ Công Đán đa tài, chấn kì huy liệt 重以公旦多材, 振其徽烈. “Trùng”重 ở đây có một âm đọc khác phổ biến hơn là “trọng”trong nghĩa trọng lượng, trọng thị… song ở đây phải đọc là “trùng”với nghĩa tương đương với từ “tái”再 mới thực sự chuẩn. “Trùng dĩ”ở đây có thể dịch thành “lại vì”. Công Đán 公旦 tức Chu Công Đán, em trai của Chu Vũ Vương 周武王 hay còn gọi tắt là Chu Công 周公. “Công Đán đa tài”公旦多材 là ngữ xuất phát từ trong Kinh Thư thiên “Kim Đằng”金縢: “Nãi nguyên tôn bất nhược Đán đa tài, đa nghệ, bất năng sự quỷ thần”乃元孫不若旦多材多藝, 不能事鬼神 nghĩa là “Vũ Vương không nhiều tài nghệ bằng Đán và không biết thờ phụng quỷ thần như Đán”[79].
“Chấn”振 nghĩa là hưng khởi. “Huy liệt”徽烈 nghĩa là sự nghiệp chói lọi. Vũ Vương diệt nhà Thương lên ngôi thiên tử, ở ngôi không lâu thì mất, con là Thành Vương 成王 nhỏ tuổi, Chu Công phải đứng ra nhiếp chính đánh dẹp những người chống đối và di dân của nhà Ân để giữ được ngôi vua cho Thành Vương. Sau này Thành Vương đã đủ tuổi Chu Công trao trả lại quyền lực cho Thành Vương.
[37] Chế Thi tập Tụng, phủ tảo quần ngôn 剬《詩》緝《頌》, 斧藻群言. Chữ “chế”剬 là cổ tự của chữ “chế”制 trong nghĩa là tạo ra, viết ra. Thiên “Kim đằng”trong sách Thượng thư viết: “Công nãi vi thi dĩ di vương, danh chi viết Xi hiêu (hào) 公乃為詩以貽王, 名曰之鴟鴞”nghĩa là “Chu Công bèn làm bài thơ để tặng vương, đặt tên nó là Xi hiêu (hào)”. Tương truyền bài Thanh miếu 清廟 trong “Chu tụng”周頌 và Văn vương 文王 trong “Đại nhã”大雅 của Thi là sáng tác của Chu Công. Bởi vậy mới có chuyện Lưu Hiệp cho rằng Chu Công đã sáng tác thơ và viết ra những bài tụng ca.
Về ngữ “Phủ tảo quần ngôn”斧藻群言. Chữ “phủ”斧 nghĩa gốc là để chỉ cái búa, nghĩa dẫn thân trong trường hợp này là để chỉ việc tu sửa, sửa chính, san cắt,… Chữ “tảo”藻 nghĩa gốc là để chỉ một loại thực vật thân mềm có vẻ đẹp, nghĩa dẫn thân thành động từ là tô điểm, trang trí. “Quần ngôn”群言 là để chỉ ngôn từ hay văn chương nói chung.
[38] Chí Phu tử kế thánh, độc tú tiền triết 至夫子繼聖, 獨秀前哲. Phu tử 夫子 hay Tử 子 là cách mà các học trò thường dùng để gọi tôn xưng Khổng tử. “Kế thánh”繼聖 tức là kế tục sự nghiệp của các vị thánh nhân đời trước như Phục Hi, Nghiêu, Thuấn, Văn Vương và Chu Công… những người đã được Lưu Hiệp nhắc đến ở những đoạn văn trên. Chữ “tú”秀 được Chiêm Anh chú giải như là chữ “dị”異 nghĩa là khác biệt[80]. Chúng tôi thấy Ngô Lâm Bá chú chữ 秀 là ưu dị 优异[81] nghĩa là ưu tú, ngoại lệ, khác thường, hiếm có,… hợp lí hơn. Bản thân chữ 秀 có nghĩa gốc là những hạt lúa trĩu bông[82], các nghĩa phái sinh của nó thường mang hàm nghĩa nói về sự tốt đẹp, xuất chúng, hơn hẳn bình thường.
“Triết”哲 nghĩa là “trí”知 tương đương với “trí”智, chỉ những người hiền minh[83]. “Tiền triết”前哲 ở đây là để chỉ các thánh nhân đời trước. Quan điểm coi Khổng tử như một thánh nhân với đức độ có nhiều điểm ưu việt hơn cả các vị thánh nhân đời trước không phải là một ý tưởng gì mới mẻ vào thời Lưu Hiệp. Ngay trong sách Luận ngữ thiên “Tử Trương”子張 thì học trò của Khổng tử là Tử Cống 子貢 đã có những ngôn từ ngợi ca người thầy của mình như một thánh nhân siêu việt quần hiền: “các vị hiền nhân khác thì cũng giống như gò đống tuy cao nhưng còn biết đường mà vượt qua họ, Trọng Ni giống như mặt trời mặt trăng vậy, không có cách nào mà vượt qua được 他人之賢者, 丘陵也, 猶可踰也, 仲尼日月也, 無得而踰焉[84]. Chính Lưu Hiệp trong thiên “Tự chí”đã từng kể về giấc mộng cầm lễ khí theo hầu Khổng tử đi mãi về phương Nam, khi tỉnh dậy ông than rằng: “từ khi có con người cho đến nay chưa có ai được như Khổng tử”自生民以來未有如夫子者也. Đấy chính là bản nghĩa của câu văn “độc tú tiền triết”mà Lưu Hiệp dành để ca ngợi Khổng tử.
[39] Dung quân Lục kinh, tất kim thanh nhi ngọc chấn 鎔鈞六經, 必金聲而玉振. Dung 鎔 nghĩa gốc là mô hình để đúc kim loại[85]. Quân 鈞 có nghĩa là cái bàn xoay tròn để tạo hình cho đồ sành sứ[86]. “Dung quân”鎔鈞, trong trường hợp nói về mối quan hệ giữa Khổng tử và Lục kinh (Thi , Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu 春秋), có thể hiểu là “trị”治 (tạo tác, biên tập). Mối quan hệ của Khổng tử với Lục kinh thực ra đến giờ vẫn chưa được làm rõ một cách cụ thể.
Kim 金 chỉ nhạc khí là cái chuông 鍾. Ngọc 玉 chỉ nhạc khí là cái khánh 磬. “Kim thanh nhi ngọc chấn”金聲而玉振 là ngữ có nguồn gốc trong sách Mạnh tử 孟子 thiên “Vạn Chương hạ”萬章下: “Mạnh tử viết: …..Khổng tử chi vị tập đại thành. Tập đại thành dã giả, kim thanh nhi ngọc chấn chi dã 孟子曰: …孔子之謂集大成. 集大成也者, 金聲而玉振之也”nghĩa là “Mạnh tử nói rằng: …. Khổng tử đáng gọi là bậc tập đại thành. Người tập đại thành là người có vai trò như tiếng chuông vàng, tiếng khánh ngọc trong âm nhạc vậy”[87]. Cho dù sau với sự phát hiện Quách Điếm Sở giản 郭店楚簡, một số học giả như Lưu Tín Phương 刘信芳 trong sách Giản bạch ngũ hành giải hỗ 简帛五行解诂[88] đưa ra những tân kiến giải về ý nghĩa của “kim thanh nhi ngọc chấn chi”, song trên đại thể mà nói, Lưu Hiệp không có giản bạch trong tay sẽ hiểu như những gì mà thời đại của ông quy định, tức hễ cứ nhắc đến “kim thanh nhi ngọc chấn”là nhắc đến vai trò tập đại thành của Khổng tử.
[40] Điêu trác tình tính, tổ chức từ lệnh 雕琢情性, 組織辭令. “Điêu trác tính tình”雕琢情性 là ngữ xuất hiện trong sách Hoài Nam tử thiên “Tinh thần huấn”精神訓: “Suy thế thấu học, bất tri nguyên tâm phản bản, trực điêu trác kỳ tính, kiểu phất kì tình, dĩ dữ thế giao 衰世湊學, 不知原心反本, 直雕琢其性, 矯拂其情, 以與世交”nghĩa là “đời suy thì có cái học xu thời, không biết đến thế nào là tìm về với căn bản, với tâm, chỉ gọt giũa cái thiên tính, chống lại cái tình vốn có để đua theo thói đời”[89]. Trong trường hợp này chắc chắn “điêu trác tính tình”không dùng với ý nghĩa như quan điểm của Hoài Nam tử mà là hiện tượng mượn dùng ngôn ngữ để biểu đạt những ý tưởng mới mà thôi. Còn cụm từ “Tổ chức từ lệnh”組織辭令 là chỉ việc tu sức ngôn từ văn chương. “Từ lệnh”辭令 là để chỉ ngôn từ văn chương nói chung.
[41] Mộc đạc khải nhi thiên lí ứng, tịch trân lưu nhi vạn thế hưởng 木鐸啟而千里應, 席珍流而萬世響. Mộc đạc là một loại chuông có lưỡi chuông bằng gỗ. Ở đây câu văn của Lưu Hiệp ngầm gợi đến câu văn trong thiên “Bát dật”八佾 sách Luận ngữ “Thiên hạ chi vô đạo dã, cửu hĩ. Thiên tương dĩ phu tử vi mộc đạc 天下之無道也久矣! 天將以夫子為木鐸”nghĩa là “từ rất lâu nay thiên hạ đã vô đạo rồi, trời muốn phu tử làm cái mộc đạc để thức tỉnh thiên hạ”[90]. Mộc đạc như vậy là nói đến việc Khổng tử tạo ra các phép tắc chuẩn mực để cho tất cả thiên hạ noi theo. Sau này trong các ngôn ngữ như tiếng Hàn, tiếng Nhật vẫn sử dụng chữ “mộc đạc”木鐸 này với nghĩa là nhà lãnh đạo.
“Thiên lí ứng”千里應 là ngữ xuất hiện trong “Hệ từ thượng”của Chu dịch: “Tử viết: Quân tử cư kì thất, xuất kì ngôn, thiện tắc thiên lí chi ngoại ứng chi, huống kì nhĩ giả hồ?”子曰: 君子居其室, 出其言, 善則千里之外應之, 況其邇者乎 nghĩa là “Khổng tử nói: người quân tử tuy ở trong nhà phát ngôn, nếu lời nói đó là tốt đẹp thì người ở ngoài nghìn dặm cũng nghe theo huống hồ là những người ở ngay bên cạnh”[91].
Tịch trân 席珍 là ngữ xuất phát từ “Nho hạnh”儒行 của Lễ kí: “Nho hữu tịch thượng chi trân dĩ đãi sính, túc dạ cưỡng học dĩ đãi vấn”儒有席上之珍以待聘, 夙夜強學以待問 nghĩa là “nhà Nho ngồi trên chiếu này có cái đạo quý báu đang chờ được nhà vua hỏi đến, ngày đêm học hành gắng gỏi để chờ được nhà vua sử dụng”[92]. Sau này cụm “tịch trân”席珍 là để chỉ Đạo của những người theo truyền thống của Khổng tử. Lưu 流 ở đây nghĩa là lưu truyền, truyền bá về sau. Hưởng 響 ở đây là hưởng ứng.
[42] Tả thiên địa chi huy quang, hiểu sinh dân chi nhĩ mục hĩ 寫天地之輝光, 曉生民之耳目矣. “Huy quang”輝光 là ngữ xuất hiện trong “Thoán từ”[93] của quẻ Đại súc 大畜 trong Chu dịch: “Huy quang nhật tân kì đức 輝光日新其德”. Ở đây là nói về cái đức của quẻ Đại súc sán lạn và ngày ngày đổi mới. Trong trường hợp của Lưu Hiệp thì “thiên địa chi huy quang”nghĩa là cái đức sáng tỏ của trời đất. “Tả thiên địa chi huy quang”nghĩa là truyền đạt lại cái đức sáng tỏ liên tục mới mẻ của trời đất. Hiểu 曉 có nghĩa là trời sáng nhưng ở đây dùng với nghĩa là động từ “làm sáng tỏ”. Sinh dân 生民 nghĩa là dân chúng, người dân nói chung. Câu văn này ca ngợi đức độ của Khổng tử có khả năng truyền tải sức mạnh của đất trời và cảm hóa cả thiên hạ.
[43] Viên tự Phong tính, kí vu Khổng thị, Huyền thánh sáng điển, Tố vương thuật huấn 爰自風姓, 暨于孔氏, 玄聖創典, 素王述訓. Chữ “viên”爰 ở đây là phát ngữ từ không có nghĩa cụ thể. Tự 自 nghĩa là từ. “Phong tính”風姓 ở đây là chỉ Thái Hạo Bào Hi thị. Trong sách Sử kí thiên “Tam hoàng bản kỉ”三皇本紀 (do Tư Mã Trinh 司馬貞 bổ sung) có chép: “Thái Hạo, Phục Hi thị, Phong tính”太皞庖犧氏風姓 nghĩa là Phục Hi mang họ là Phong[94].
“Huyền thánh”và “Tố vương”là hai chữ đầu tiên xuất hiện trong sách Trang tử thiên “Thiên đạo”天道: “Huyền thánh tố vương chi đạo dã”玄聖素王之道也[95] nghĩa là “cái đạo của bậc huyền thánh, tố vương vậy”. Huyền thánh trong câu văn của Trang tử là để chỉ những vị thánh đời xa xưa không chỉ cụ thể là ai. Sau này hai chữ “huyền thánh”được sử dụng với nhiều đối tượng khác nhau. Ngô Lâm Bá cho biết hai chữ “huyền thánh”còn được sử dụng để chỉ Chu Văn Vương, Khổng tử, các vị thánh nhân có ngôi vị; còn hai chữ Tố Vương chỉ được sử dụng để chỉ riêng Khổng tử[96]. Tố素 ở đây có nghĩa gốc là tơ trắng nõn, nghĩa phái sinh trong trường hợp “Tố vương”là để chỉ Khổng tử, người tuy không có ngôi vị song vẫn có ảnh hưởng của một ông vua. “Huyền thánh sáng điển”玄聖創典 ở đây là để chỉ Phục Hi tạo lập điển phạm và phép tắc đầu tiên cho nhân loại. “Tố vương thuật huấn”素王述訓 ở đây là để chỉ Khổng tử với vai trò truyền thuật những di huấn của các bậc thánh nhân đời trước. Chữ thuật 述 ở đây là mượn chính cách diễn đạt của Khổng tử mà ta bắt gặp trong Luận ngữ, thiên “Thuật nhi”述而: “Tử viết: thuật nhi bất tác 子曰: 述而不作”[97].
[44] Mạc bất nguyên đạo tâm dĩ phu chương, nghiên thần lí nhi thiết giáo 莫不原道心以敷章, 研神理而設教. “Mạc bất”莫不 nghĩa là “không ai là không”. “Phu”敷 nghĩa là “phô bày”. “Chương”章 ở đây dùng với nghĩa là văn chương và có ý nghĩa tương đương với khái niệm văn. “Phu chương”敷章 nghĩa là thể hiện, tạo tác văn chương. “Mạc bất nguyên đạo tâm dĩ phu chương”莫不原道心以敷章 là một câu có chứa đựng rất nhiều khả thể diễn giải tùy thuộc vào cách ta lí giải thế nào là “nguyên đạo tâm”. “Nguyên đạo tâm”có thể được hiểu như là với “tâm”làm trung tâm ngữ, cái “tâm”này lại lấy căn bản là ở đạo”gọi tắt là “tâm nguyên đạo”. Cách giải thích này sẽ phù hợp với tiêu đề của tác phẩm khẳng định sự cần thiết của một cái “tâm nguyên đạo”trong quá trình sáng tác văn chương. Trong cách hiểu thứ hai, “nguyên đạo tâm”được hiểu như một cụm động từ và tân ngữ, trong đó “nguyên”là động từ và “đạo tâm”là tân ngữ, “nguyên đạo tâm”là thái độ lấy căn bản ở đạo tâm. Đạo tâm là “cái tâm hướng về đạo”, nó thuộc về thời đại mà các thánh nhân còn trị vì, bây giờ nó đã bị sa sút vào thời đại mà thánh nhân đã vắng mặt. Về cơ bản không có nhiều sự khác nhau giữa hai cách hiểu trên, nếu xét trên khía cạnh là cả hai cách hiểu này đều khẳng định sự cần thiết phải có một cái tâm hướng đến đạo trong việc tạo tác văn chương. Trung giới giữa Đạo và văn chương chính là tâm của người tạo tác văn chương, ở đây là vai trò của thánh nhân.
Thần lí, như chúng tôi đã trình bày ở trên khi tiến hành chú giải cho câu văn “Thùy kì thi chi, diệc thần lí nhi dĩ 誰其尸之, 亦神理而已”, là cái lí diệu kì biến hóa không thể lường đoán đang làm chủ tể cho sự xuất hiện linh diệu trên thế gian. Chính cái lí này là chủ tể cho sự xuất hiện của Hà Đồ, Lạc Thư, của “Đan văn lục điệp”… như những dấu hiệu của sự ứng vận với thiên mệnh. Đó chính là “thiên lí”天理 tức “lí của trời”. Thánh nhân là người hiểu rõ hơn ai hết thiên lí, quan sát những biến hóa linh diệu khó lường đoán của nó, suy tư về nó để rồi đặt ra một pháp độ phù hợp để giáo hóa thiên hạ. Đây chính là nội dung cơ bản nhất của câu “nghiên thần lí nhi thiết giáo”研神理而設教 tức xem xét, suy nghiệm cái thiên lí thần diệu khó lường để sắp đặt sự giáo hóa một cách phù hợp.
[45] Thủ tượng hồ Hà Lạc, vấn số hồ thi quy, quan thiên văn dĩ cực biến, sát nhân văn dĩ thành hoá 取象乎《河》《洛》, 問數乎蓍龜, 觀天文以極變, 察人文以成化. “Thủ”取 ở đây nghĩa là lấy, lợi dụng, dùng, quan sát và lãnh hội. “Tượng”象 là một khái niệm không dễ lĩnh hội. Thông thường tượng là để chỉ sự thể hiện hữu hình của một dạng thức siêu hình nào đó. Trong trường hợp này khái niệm tượng được hiểu tương đồng với khái niệm số 數 trong phép đăng đối “thủ tượng”– “vấn số”. Hà 河 là Hà đồ, Lạc洛là Lạc thư. Thi 蓍là cỏ thi, một loại cỏ dùng trong nghi thức bói toán “phệ”筮. Quy 龜 ở đây là chỉ yếm rùa một công cụ sử dụng trong nghi thức bói toán “bốc”卜, một nghi thức bói toán dùng dùi sắt nung đỏ đâm vào yếm rùa, dựa trên các vết nứt của yếm rùa mà đoán định cát hung. Trong Chu dịch, “Hệ từ thượng”có viết rằng: “thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn, dĩ định thiên hạ chi cát hung, thành thiên hạ chi vỉ vỉ giả, mạc đại hồ thi quy”探賾索隱, 鉤深致遠, 以定天下之吉凶, 成天下之亹亹者, 莫大乎蓍龜 nghĩa là “cái thứ có thể giúp ta tìm hiểu những điều bí ẩn, kín đáo, khiến cho những điều này vốn ẩn sâu hay xa xôi đều có thể trở về gần gũi và hiển lộ, giúp ta đoán định được việc cát hung của thiên hạ và thành tựu được những điều mà thiên hạ mong muốn, không có gì có thể hơn được cỏ thi và yếm rùa”[98]. Lĩnh hội cái tượng của Hà đồ, Lạc thư hay cái số của thi quy không phải là xem hình thức thể hiện vật chất bên ngoài của nó mà là quá trình lĩnh hội những triết lí siêu hình về Đạo và về Thần lí.
“Quan nhân văn dĩ cực biến, sát nhân văn dĩ thành hóa”觀天文以極變, 察人文以成化 là xuất phát từ ý tưởng của Chu dịch trong “Thoán từ”彖辭 của quẻ Phần 賁: “quan hồ thiên văn dĩ sát thời biến, quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ”觀乎天文以察時變, 觀乎人文以化成天下[99] nghĩa là “quan sát thiên văn để có thể hiểu được sự biến hóa của tứ thời, xem xét nhân văn để thành tựu sự nghiệp giáo hóa ở thiên hạ”.
[46] Nhiên hậu năng kinh vĩ khu vũ, di luân di hiến 然後能經緯區宇, 彌綸彝憲. Kinh 經 nghĩa gốc là sợi dây nằm dọc trên mặt vải[100]. Vĩ 緯là sợi dây nằm ngang[101]. Sau này chữ “kinh vĩ”được hiểu như là “trị lí”治理 nghĩa là đem đến một trật tự nào đó. Khu vũ 區宇 tức là bốn phương trời đất. Di luân 彌綸 là từ xuất phát từ trong Chu dịch. “Hệ từ thượng”của Chu dịch viết: “Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo”易與天地準, 故能彌綸天地之道 nghĩa là “Dịch thống nhất với trời đất, cho nên có thể bổ khuyết và hoàn thiện được cái đạo của trời đất”. Chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt cho rằng: “Chữ “di”ở đây nghĩa là vá kín vá lấp những chỗ bị khuyết, “luân”ở đây là lôi kéo ảnh hưởng, lôi ra, đưa ra”彌謂彌縫補合, 綸謂經綸牽引[102]. Di hiến 彝憲 là từ xuất hiện trong Thượng thư thiên “Quỹnh mệnh”冏命: “Vĩnh bật nãi hậu ư di hiến”永弼乃后於彝憲 nghĩa là “hãy giúp đỡ cho vua của nhà ngươi theo phép thường”[103]. Ở đây di hiến 彝憲 được hiểu như là phép tắc hằng thường.
[47] Phát huy sự nghiệp, bưu bính từ nghĩa 發揮事業, 彪炳辭義. Phát huy 發揮 nghĩa là làm nổi bật lên, nêu cao, đẩy cao, phát triển. Chính trong Văn tâm điêu long Lưu Hiệp đã sử dụng “phát huy”với ý nghĩa này. Ta đọc thấy trong thiên “Trình khí”程器, có viết: “vì thế, người quân tử ẩn giấu cái khí độ của mình, đợi thời mà hành động để phát huy sự nghiệp của mình”是以君子藏器, 待時而動, 發揮事業. “Bưu bính”彪炳 nghĩa là rõ ràng sáng tỏ.
[48] Cố tri đạo duyên thánh dĩ thuỳ văn, thánh nhân văn nhi minh đạo 故知道沿聖以垂文, 聖因文而明道. Nhân 因 và duyên 沿 là hai từ đối ngẫu nhau. Trong trường hợp này chúng được sử dụng với ý nghĩa giống nhau nghĩa là “dựa vào, nhờ vào”. Đạo thì nhờ vào thánh mà được thể hiện ra bằng văn, còn thánh nhân dựa vào văn để làm rõ ràng những ý nghĩa của Đạo. Thánh như một trung giới giữa văn và Đạo. Bộ ba: Đạo (phổ quát hơn là tư tưởng) – Thánh (người truyền bá tư tưởng) – Văn (phương thức truyền bá tư tưởng) đóng vai trò như một mô hình phổ quát của mọi hình thức tôn giáo hay học thuyết tư tưởng không phải chỉ riêng của Nho, Phật, hay Đạo.
[49] Bàng thông nhi vô nhai, nhật dụng nhi bất quĩ 旁通而無涯, 日用而不匱. “Bàng thông”旁通 nghĩa là biến thông, thông suốt, thông khắp. “Nhật dụng nhi bất quỹ”日用而不匱 là cách diễn đạt của sách Xuân thu tả truyện 春秋左傳. Trong Xuân thu tả truyện, Lỗ Tương Công 魯襄公 năm thứ 29 có ghi: “Lạc nhi bất hoang, dụng nhi bất quỹ”樂而不荒, 用而不匱 nghĩa là “vui mà không quá đà phóng túng, dùng nhưng không bao giờ hết”[104].
[50] Dịch viết: “Cổ thiên hạ chi động giả tồn hồ từ”. Từ chi sở dĩ năng cổ thiên hạ giả, nãi đạo chi văn dã 《易》曰: 鼓天下之動者存乎辭. 辭之所以能鼓天下者, 迺道之文也. “Câu văn Cổ thiên hạ chi động giả tồn hồ từ”, Lưu Hiệp trích dẫn từ trong “Hệ từ thượng”của Chu dịch: “Cực thiên hạ chi trách giả tồn hồ quái, cổ thiên hạ chi động giả tồn hồ từ 極天下之賾者, 存乎卦; 鼓天下之動者, 存乎辭”nghĩa “cái có thể cùng cực được đến những nơi bí ẩn nhất của thiên hạ nằm trong các quẻ của Dịch, cái có thể thúc đẩy sự biến động của toàn thiên hạ nằm trong những lời bình luận cho các quẻ của Dịch[105]. Ý của nguyên văn “Hệ từ thượng”là ca ngợi mỗi quẻ, mỗi từ (gồm hào từ, tượng từ, thoán từ…) của Chu dịch đều có những sức mạnh trong việc khám phá ra những điều bí ẩn và cảm hóa thiên hạ, đưa cả thiên hạ đi theo con đường giáo hóa của thánh nhân. Lưu Hiệp suy luận rằng quẻ và từ của Chu dịch cũng là biểu hiện của văn chương, thứ văn chương có thể thúc đẩy sự biến động chuyển biến của toàn thiên hạ và mang trong nó sức mạnh của Đạo.
[51] Tán viết 贊曰. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long thiên “Tụng tán”頌贊có giải thích về thể văn chương này như sau: “Tán giả, minh dã, trợ dã”贊者, 明也, 助也 nghĩa là “tán, là làm rõ ý nghĩa, hỗ trợ cho việc thể hiện ý nghĩa”. “Thuyết quái”說卦của Chu dịch viết: “Tích giả thánh nhân chi tác dịch dã, u tán vu thần minh nhi sinh thi”昔者聖人之作易也, 幽贊于神明而生蓍 nghĩa là “ngày xưa khi thánh nhân làm ra Dịch, làm rõ sâu sắc làm rõ thần đạo mà đặt ra việc dùng cỏ thi để đoán định cát hung”[106]. Hàn Khang Bá 韓康伯 khi chú giải cho chữ “tán”đã khẳng định rằng: “tán nghĩa là làm rõ vậy”贊者明也[107]. Chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt chú giải chữ “tán”là: “tán giả, tá nhi trợ thành, nhi lệnh vi giả đắc trứ”贊者, 佐而助成而令微者得著”nghĩa: “tán, là giúp đỡ để thành tựu cho nó khiến cho cái vốn ẩn kín được hiển lộ ra một cách rõ ràng[108]. “Tán”được sử dụng như hình thức bình luận cho nội dung văn chương bắt đầu từ Hán thư 漢書 của Ban Cố 班固. Đến Hậu Hán thư 後漢書 do Phạm Hoa 范曄 người đời Tống (Lưu Tống劉宋) biên soạn mới bắt đầu viết “tán”bằng vận văn theo thể tứ ngôn. Khả năng là Lưu Hiệp học theo cách làm của Hậu Hán thư.
[52] Đạo tâm duy vi, thần lí thiết giáo 道心惟微, 神理設教. “Đạo tâm duy vi”là một câu có lai lịch tương đối thú vị. Tuân tử 荀子trong thiên “Giải tế”解蔽, một thiên của sách Tuân tử 荀子, có dẫn lời của Đạo kinh 道經 viết rằng: “nhân tâm chi nguy đạo tâm chi vi”人心之危, 道心之微. Mai Trách 梅賾 đời Đông Tấn 東晉 đem câu này sửa thành “nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi”人心惟危, 道心帷微 để làm cho nó có vẻ cổ kính như phong cách của Thượng thư rồi đưa nó vào “Đại Vũ mô”大禹謨 thuộc Cổ văn thượng thư 古文尚書 của ông này[109]. Lưu Hiệp không biết rằng “Đại Vũ mô”là tác phẩm ngụy tạo nên vẫn trích dẫn câu văn này và sử dụng nó như là của các thánh nhân đời trước truyền lại. “Thần lí”ở đây đóng vai trò như yếu tố sắp đặt nền giáo hóa thông qua vai trò của thánh nhân. Thánh nhân chiêm nghiệm “thần lí”và xếp đặt nên những giáo hóa phù hợp.
[53] Quang thái huyền thánh, bính diệu nhân hiếu 光采玄聖, 炳燿仁孝. “Quang thái”光采 nghĩa động từ là làm cho văn vẻ sáng ngời. “Bính diệu”炳燿 chính là “bính diệu”炳曜 nghĩa là “làm cho rạng rỡ”. Nhân hiếu 仁孝là hai phạm trù đạo đức được đề cao bởi nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc trong đó có cả Nho gia. Lưu Hiệp khi phẩm bình các trứ tác của các văn nhân thỉnh thoảng cũng lấy hai phạm trù này ra để làm thước đo cho việc bình phẩm khen chê. Ta gặp trong thiên “Chư tử”của Văn tâm điêu long câu văn này: “Chí như Thương, Hàn Lục sắt, Ngũ đố khí nhân phê hiếu”至如商, 韓, 六蝨, 五蠹, 棄仁廢孝 nghĩa là “còn như Thương Ưởng 商鞅 viết Lục sắt, Hàn Phi 韓非 viết Ngũ đố 五蠹 đều đã vứt bỏ đi đức nhân, đức hiếu của mình…”.
[54] Long đồ hiến thể, quy thư trình mạo 龍圖獻體, 龜書呈貌. Ở đây “long đồ hiến thể”龍圖獻體 là để chỉ việc con Long mã hiện trên sông Hoàng Hà trên mình có vẽ bức Đồ, Phục Hi nhân theo những hình vẽ đó mà làm ra Hà Đồ. Còn “quy thư trình mạo”龜書呈貌 ở đây là để chỉ việc con rùa đội sách hiện trên dòng sông Lạc, vua Vũ khi trị thủy nhận được và từ đó làm ra Lạc Thư.
[55] Thiên văn tư quan, dân tư dĩ hiệu 天文斯觀, 民胥以傚. Chữ “tư”斯ở đây đóng vai trò như một đại từ chỉ thị nghĩa là “này”, “đây”. Chữ “hiệu”傚ở đây tương đương với chữ “hiệu”效có nghĩa là noi theo bắt chước và làm theo. “Số”và “tượng”là sự thể hiện ra của văn của trời bởi thế mà nhân giới xem xét những biểu hiện đó để mà tổ chức cuộc sống của mình phù hợp với trật tự của trời đất.
  1. 4.                  Diễn dịch tổng thể thiên “Nguyên đạo”.
Lấy căn bản ở Đạo.
1.Cái đức phát lộ ra của văn mới thực là lớn lao thay, đức phát lộ ấy nó như được sinh ra cùng một lúc với trời và đất. Tại sao lại nói như vậy? Ngay từ khi cái sắc đen của trời, cái sắc vàng của đất còn hỗn tạp với nhau trong một vị thế là trời đất còn chưa phân chia; rồi sau đó cho đến lúc trời và đất bắt đầu phân tách ra: trời tròn và ở phía trên, đất vuông và nằm phía dưới; đến khi mặt trời, mặt trăng như hai hòn ngọc bích thay nhau chiếu sáng như đang muốn phô bày ra cái tượng của bầu trời; núi sông gấm vóc như muốn phô ra cái hình thế phân chia trật tự của mặt đất,… tự thân tất cả những màu sắc hình thù, trật tự đó chính là cái đức phát lộ ra của văn, và văn đó là thứ văn hiện thân của đạo[110]. Lúc ấy (nếu ta đã tồn tại), ngẩng mặt lên nhìn bầu trời, ta sẽ thấy được vẻ đẹp rực rỡ của mặt trời, mặt trăng; cúi xuống nhìn mặt đất, ta sẽ thấy được cái đẹp của văn đang ẩn tàng trong hình thế núi sông; trời ở trên cao còn đất ở dưới thấp, lưỡng nghi nhờ vậy đã được sinh ra. Trong muôn loài chỉ có con người là có thể tán trợ vào sự hóa dục của trời đất và chỉ có con người là được hun đúc bởi cái tính linh diệu[111] của vũ trụ; vì thế cho nên con người có thể sánh ngang cùng trời đất mà thành một trong tam tài gồm thiên, địa, nhân. Con người chúng ta lại được tạo nên từ cái khí thiêng tinh túy nhất, cái khí đã điều khiển những yếu tố của ngũ hành hợp lại, vì vậy, con người, thực sự, mang trong mình cái tâm của trời đất! Khi cái tâm của trời đất hình thành trong chúng ta, lúc ấy ngôn ngữ của chúng ta được sinh ra, và khi ngôn ngữ chúng ta được sinh ra cũng là lúc mà văn vốn ẩn giấu trong chúng ta có được một phương thức để được thể hiện rõ ràng, tất cả những tiến trình từ khi trời đất còn là một, cho đến khi có con người, rồi đến khi cái văn của con người có một hình thức biểu hiện bằng ngôn ngữ là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên[112].
2.Rộng xem ra khắp muôn vật vạn vật đều có văn ẩn chứa bên trong chúng. Kìa con rồng, con phượng dùng vẻ ngoài đẹp như tranh vẽ để báo trước những điều tốt lành sẽ đến, kìa con hổ con báo bằng bề ngoài rực rỡ như đã tạo nên cho chúng một tư thái riêng. Kìa khói mây làm nên vẻ đẹp gấm vóc rực rỡ, dường như có lúc còn đẹp hơn cả cái diệu kì trong bàn tay của một người thợ vẽ; loài thảo mộc kia đơm hoa đẹp hơn cả những hoa cỏ được tạo ra từ bàn tay khéo léo dị thường của người thợ dệt. Những vẻ đẹp đó đâu cần đến bàn tay con người trang sức, tất cả chúng đều là vẻ đẹp của tự nhiên vậy. Rồi có khi ta nghe tiếng gió thổi qua rừng cây như tạo thành tiếng nhạc, nhịp điệu nghe như tiếng sáo vu, tiếng đàn sắt; hay có khi nghe tiếng nước chảy trên đá suối như đang tạo thành tiếng động, âm thanh của tiếng động đó hài hòa như tiếng khánh, tiếng chuông. Tất cả những hiện tượng đó cho thấy rằng, hễ hình thể (như vẻ bề ngoài của long phượng hổ báo) hoặc thanh âm (như tiếng gió thổi qua rừng cây, tiếng nước chảy trên đá suối) tồn tại thì văn chương đã được hình thành từ trong đó. Tất cả những thứ đó (long phượng hổ báo, cây cối, đá suối…) là những vật vô thức mà còn có được cái văn rực rỡ thì tại sao con người là giống có được cái tâm linh diệu của trời đất lại không thể có văn được hay sao?
3.Cái nguồn gốc của nhân văn (tức văn của con người) được bắt đầu từ thời thái cổ, khi ấy Thánh nhân đã hiểu sâu sắc lẽ thần diệu mà tạo ra tượng của Bát quái dựa trên hình tượng của vạn vật. Phục Hi là vị Thánh nhân đã vẽ ra “Bát quái”như những yếu tố đầu tiên của Dịch, Khổng tử là vị Thánh nhân cuối cùng đã viết ra “Thập dực”để hoàn thiện Dịch. Chỉ hai quẻ Càn, Khôn là được Khổng tử viết riêng Văn ngôn để giải thích ý nghĩa của chúng. Văn ngôn đó chính là thứ văn của ngôn từ, thứ văn được sản sinh ra từ cái tâm của trời đất và ẩn chứa trong mỗi con người chúng ta (mà ta đã bàn phía trên vậy). Lại thêm việc ẩn trong bức vẽ trên mình con long mã hiện trên sông Hoàng Hà đã mang những gợi ý cho sự hình thành của Bát Quái; cuốn sách trên lưng con rùa hiện trên sông Lạc đã uẩn chứa những gợi ý để tạo thành Cửu Trù, rồi cả sự xuất hiện của bảng ngọc viết chữ vàng, bảng xanh viết chữ đỏ trao thiên mệnh, vậy thì ai là chủ tể điều khiển tất cả sự xuất hiện linh diệu đó trên thế giới này? Đó chỉ có thể là cái Thần lí ( chính là cái lí diệu kì biến hóa không thể lường đoán ấy đang làm chủ tể của tất cả).
4.Từ khi những nét chữ thư khế giống vết chân chim được sinh ra thay thế cho cách ghi nhớ bằng các nút buộc thì văn tự lúc này đã bước sang thời đại huy hoàng rực rỡ của chúng. Những câu chuyện về Thần Nông, Phục Hi được ghi lại trong Tam phần, nhưng năm tháng xa xôi nên nay đã tán thất hết, văn chương của Tam phần không thể nào tìm lại được. Văn chương của đời vua Nghiêu, vua Thuấn thực là thứ văn chương thể hiện được cái hưng thịnh của hai triều, nhà vua làm bài ca để khai phát nhu cầu ngâm vịnh; ông Ích ông Tắc dâng sách lược để mở đầu thói quen dâng tấu của quan lại đời sau. Đến đời của vua Vũ đã gây dựng được những sự nghiệp công lao vĩ đại, chín công lao được làm tốt và đều đáng được ca ngợi, công đức của triều đại lại càng thêm rực rỡ. Cho đến đời Thương, đời Chu, đặc điểm của thời kì này là văn trội hơn chất, Nhã Tụng được hoàn bị, những thứ vốn tinh túy nhất trong văn chương đời này, đến nay, càng ngày càng tỏ ra mới mẻ với chúng ta. Văn Vương lo âu buồn bã vì lẽ tù đày mà Hào từ và Quái từ ông viết cho Dịch thêm phần rực rỡ, vẻ đẹp ngôn từ cũng vì vậy mà thêm hàm súc, ẩn ước; ý nghĩa tinh túy càng thêm vững bền và sâu sắc. Lại thêm có Chu Công đa tài đa nghệ, giúp hưng khởi lên sự nghiệp chói lọi của nhà Chu, ông viết những bài thơ và những bài tụng ca, làm công việc sáng tạo tu sức văn chương. Đến Khổng tử nối tiếp các vị tiên thánh, đức độ của ông lại càng hơn hẳn các vị thánh nhân đời trước, ông biên tập Lục Kinh, thực xứng đáng là bậc tập đại thành. Ông sửa sang tính tình, tu sức văn chương, giống như tiếng mộc đạc kêu vang mà người trong thiên hạ không ai là không hưởng ứng, đạo thuật quý báu của ông truyền mãi, dù ngàn năm sau vẫn có người noi theo. Đấy thực là con người có thể truyền đạt lại cái đức sáng tỏ mới mẻ liên tục của trời đất, cảm hóa khắp người dân trong thiên hạ.
5.Xét Phục Hi đến Khổng tử thì Phục Hi là bậc huyền thánh bước đầu tạo ra các phép tắc, Khổng tử là vị tố vương truyền thuật lại những lời chỉ bảo của thánh nhân, không ai là không có cái tâm lấy căn bản ở đạo để thể hiện văn chương; không ai là không suy xét, chiêm nghiệm cái thần linh diệu để sắp đặt sự nghiệp giáo hóa của mình cả. Họ đều là những người lãnh hội được cái tượng mà Hà đồ, Lạc thư, cái số mà cỏ thi và yếm rùa thể hiện; họ xem xét thiên văn để hiểu đến cùng cực trời, quan sát nhân văn để thành tựu sự nghiệp giáo hóa trong thiên hạ. Sau đó những bậc thánh nhân ấy có thể sửa trị tứ phương, đưa ra và bổ sung để hoàn thiện những phép tắc hằng thường; mở mang sự nghiệp, làm sáng tỏ ý nghĩa của văn từ. Vì thế mà ta mới biết rằng: đạo nhờ vào thánh nhân mà được thể hiện ra bằng văn, thánh nhân dựa vào văn để phát huy sáng tỏ đạo. Văn chương của thánh nhân thông suốt, không có bến bờ, ngày nào cũng ứng dụng mà không bao giờ biết chán. Dịch viết rằng: “cái thứ có thể thúc đẩy sự biến chuyển của toàn bộ thiên hạ theo con đường giáo hóa của thánh nhân nằm trong ngôn từ, thứ ngôn từ có thể biến chuyển toàn bộ thiên hạ như vậy chính là văn của đạo vậy.
6.Tán rằng: Đạo tâm sâu kín kì diệu, cái thần diệu xếp đặt sự nghiệp giáo hóa thông qua vai trò của thánh nhân. Thánh nhân đã làm rực rỡ văn chương của những bậc thánh nhân đời trước, làm sáng tỏ đạo đức nhân, hiếu. Con Long mã hiện trên sông Hoàng Hà trên mình có vẽ bức Đồ, con rùa đội sách hiện trên dòng sông Lạc. Xem xét những cái biểu hiện của văn của trời mà thánh nhân hiểu được cái thần diệu trong đó để rồi thiết lập nền giáo hóa, khiến cho muôn dân đều được noi theo.
Đông Anh, 2008 – 2010.
NCS. Nguyễn Phúc Anh
1. Sơ yếu lí lịch
  • Họ tên: Nguyễn Phúc Anh
  • Năm sinh: 12/08/1986
  • Nơi sinh: Hà Nội
  • Nơi công tác: Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học
  • Thời gian công tác tại Trường: từ tháng 1/2009.
  • Nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm từ năm 2009.
  • Học vị: Cử nhân
  • Địa chỉ email: nguyenphucanhhannom@gmail.com This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it Địa chỉ thư điện tử này đã được bảo vệ khỏi các chương trình thư rác, bạn cần bật JavaScript để xem nó
  • Phòng làm việc: 412, nhà B, Trường ĐH KHXH&NV
  • Điện thoại cơ quan: 04.38581165
2. Nghiên cứu và giảng dạy
2.1. Các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy chính
  • Nho học và tiếp nhận kinh điển Nho học ở Việt Nam
  • Lí luận văn học cổ Trung Quốc
  • Văn học so sánh và thi học so sánh
  • Ứng dụng tin học trong nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm
2.2. Quá trình nghiên cứu, giảng dạy
  • Từ 1/2009 đến nay: Giảng viên Khoa Văn học
3. Các công trình đã công bố:
1. Nguyễn Phúc Anh, “Luận giải nhan đề tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp”, in trên Tạp chí Hán Nôm, số 6 năm 2007, tr.65-71.
2. [Dịch] Trần Ích Nguyên, “Mối quan hệ giữa ca dao trường thiên tự sự của người Hán và sử thi – Lấy Hắc ám truyện của vùng Hồ Bắc và Ca tử sách của Đài Loan làm đối tượng bàn luận”, (dịch từ nguyên bản tiếng Trung), in trên Sử thi Việt Nam trong bối cảnh sử thi Châu Á, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 2009, trang 555-583.
3. [Dịch] Trần Chiêu Anh, Nho học Đài Loan: Khởi nguồn, chuyển hóa và phát triển, Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội sắp in năm 2010.
4. Nguyễn Phúc Anh, Luận ngữ tinh hoa và thực chất thái độ “tôn Khổng”của Nguyễn Phúc Ưng Trình, Hội thảo “Kinh điển Nho gia ở Việt Nam”, tháng 12 năm 2009 (sắp in kỉ yếu).
5. Nguyễn Phúc Anh, “Tổng thuật những thành tựu nổi bật nhất trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại ở Trung Quốc“, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6 năm 2009, tr.107-120.
6. Nguyễn Phúc Anh, “Tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long trong giai đoạn cổ điển và sự ra đời của Văn tâm điêu long học hiện đại“, Thông báo Hán Nôm học, năm 2009.


[1] Chu Chấn Phủ 周振甫 chủ biên, Văn tâm điêu long từ điển 《文心雕龙》辞典, Trung Hoa thư cục 中华书局, 1996, tr.836 – 837.
[2] Nguyên văn: 原本也,本道根真, 包裏天地, 以歷萬物. 故曰原道, 因以題篇 (Hoài Nam hồng liệt giải 淮南鴻烈解, Văn Uyên các Tứ khố toàn thư 淵閣四庫全書, quyển 1, tr.1)
[3] Ngô Lâm Bá 吴林伯, Văn tâm điêu long nghĩa sớ 《文心雕龙》义疏, Vũ Hán đại học xuất bản xã 武汉大学出版社, 2002, tr.12
[4] Lúc ấy trên khuôn mặt thanh thản của người thần nữ có những biến động tinh tế, khiến cho tâm chí của người đối diện không thể nào trở về như ban đầu được nữa.
[5] Chiêu Minh thái tử Tiêu Thống 昭明太子蕭統 biên tập, Lí Thiện 李善 chú giải, Văn tuyển (60 quyển) 文選六十卷, Kim Đài Uông Lượng hiệu san bản 金臺汪諒校刊本, quyển 19, tr.10.
[6] Một số văn bản khác ghi là “Nguyên: thủy tuyền bản dã : 水泉本也”. Đoạn Ngọc Tài khi chú giải cho Thuyết văn giải tự cho rằng chữ tuyền 泉 là không đúng nên ông đã cắt bỏ không sử dụng. Về cơ bản là cắt bỏ hay không cắt bỏ không ảnh hưởng nhiều đến ý tưởng của Hứa Thận cả (Hứa Thận viết, Đoạn Ngọc Tài chú, Thuyết văn giải tự chú 說文解字注, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, 1981, tr.569).
[7] Đó chính là chỉ tên đất Bình Nguyên 平原, Thái Nguyên 太原, đất Nguyên 原地. Ta thấy bản thân trong cách gọi đã hàm một nghĩa của chữ nguyên là vùng đất cao bằng phẳng rồi.
[8] Hứa Thận viết, Đoạn Ngọc Tài chú, Thuyết văn giải tự chú, sđd, tr.516.
[9] Hứa Thận viết, Đoạn Ngọc Tài chú, Thuyết văn giải tự chú, sđd, tr.569
[10] La Trúc Phong 罗竹风 chủ biên, Hán ngữ đại từ điển, Thượng Hải từ thư xuất bản xã上海辞书出版社, 1986, tr.927.
[11] Nhóm của Từ Nguyên Cáo 徐元誥, Trung Hoa đại tự điển (súc ấn bản), quyển thượng, Trung Hoa thư cục 中華書局, năm Dân Quốc thứ 5 (1915), tr.169.
[12] Hán ngữ đại tự điển ủy viên hội 《汉语大字典》编委会 biên soạn, Hán ngữ đại tự điển, quyển 1, Tứ Xuyên từ thư xuất bản xã 四川辞书出版社, 1986, tr.81.
[13] Nguyên văn: 高不可際, 深不可測, 包裏天地, 稟授無形. 源流泉浡, 沖而徐盈, 混混汨汨. 故植之而塞于天地. 橫之而彌于四海. 施之無窮而無所朝夕. (Hoài Nam hồng liệt giải, sđd, quyển 1, tr.1-2).
[14] Những dẫn chứng thường được các học giả Trung Quốc đưa ra như một minh chứng cho hiện tượng “nguyên – bản thông nhau”như trong sách Tuân Tử 荀子, thiên Phi thập nhị tử 非十二子: “Tuy nhàn nhã song không vì thế mà lười biếng, tuy vất vả song không phải vì thế mà buông thả ưu tư, lúc nào cũng hướng về những chuẩn tắc ban đầu tối thượng để tùy theo đó mà ứng biến, luôn luôn đạt được sự thích đáng đến cùng, người như thế mới có thể coi là thánh nhân 佚而不惰, 勞而不優, 宗原應變, 曲得其宜, 如是然後聖人也”(Vương Tiên Khiêm 王先謙 soạn, Thẩm Khiếu Hoàn 沈嘯寰 và Vương Tinh Hiền 王星賢 điểm hiệu, Tuân tử tập giải 荀子集解, Trung Hoa thư cục 中華書局, 1988, tr.105) thì chúng tôi đều có thể lí giải nguyên 原 như là nguyên 源không nhất thiết là chữ dùng thông của chữ bản
[15] Khi dịch Văn tâm điêu long sang tiếng Anh, những học giả phương Tây đã hiểu về nguyên 原 như là Source. Vincent Yu-chung Shih dịch “nguyên đạo”thành “On Tao, the Source”(Vincent Yu-chung Shih, The literary mind and the Carving of Dragons, The Chinese University Press, 1983, tr.13). Còn Stephem Owen thì lại dịch là “Its Source in the Way”(Stephen Owen (宇文所安), Vương Bách Hoa王柏华Đào Khánh Mai陶庆梅dịch, Văn luận Trung Quốc: dịch tiếng Anh và bình luận中国文论英译与评论, Thượng Hải Xã hội khoa học viện xuất bản xã上海社会科学院出版社, 2002, tr.190, bản song ngữ Trung Anh). Như vậy dễ thấy rằng có sự thống nhất giữa hai nhà nghiên cứu coi chữ source là một chữ tương ứng trong tiếng Anh của chữ nguyên. Chữ source trong tiếng Anh vốn xuất phát từ chữ surge và tất cả chúng đều có gốc Latin là surgent hoặc surgere nghĩa là sự xuất hiện của một cái gì đó (Partridge, Eric, Origins: A Short Etymological Dictionary of Modern English 4Th Ed, London, New York Taylor & Francis Routledge, 1966, tr.642). Sau này chữ Source được sử dụng với hàm nghĩa là “nguồn”, là “điểm phát xuất”của một con sông hay một dòng nước, về mặt ý nghĩa thì rõ ràng rất tương đồng với bản nghĩa của chữ nguyên 原, song chưa chắc cách dịch này có thể diễn tả được chuẩn với những gì mà Lưu Hiệp muốn truyền đạt.
[16] Luận ngữ chú sớ 論語注疏 trong Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản (bản chữ phồn thể ) 十三經注疏整理本, Bắc Kinh đại học xuất bản xã 北京大學出版社, 2000, tr.91
[17] Lễ kí chính nghĩa 禮記正義, trong Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản, sđd, tr.1675
[18] Vương Vân Ngũ 王雲五 chủ biên, Tùng thư tập thành sơ biên 叢書集成初編 – Lục sĩ hành tập phụ trát kí 陸士衡集附札記, Thương vụ ấn thư quán 商務印書館, Dân Quốc 民國 thứ 25 (1935), tr.6
[19] Cung Thế Học 龚世学, “Bình luận và phân tích các chú giải của các nhà cho “văn chi vi đức”của thiên Nguyên đạo”《原道篇》“文之为德”各家注解评析, Văn học lí luận nghiên cứu 文学理论研究 số 11, 2006, tr.85-86
[20] Hứa Thận 許慎 soạn, Đoạn Ngọc Tài 段玉裁 chú, Thuyết văn giải tự chú 說文解字注, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社1981, tr.76.
[21] Vincent Yu-chung Shih, The literary mind and the Carving of Dragons, sđd, tr.13.
[22] Stephen Owen viết, Vương Bách Hoa 王柏华 và Đào Khánh Mai 陶庆梅 dịch, Văn luận Trung Quốc: dịch tiếng Anh và bình luận 中国文论英译与评论, Thượng Hải xã hội khoa học viện xuất bản xã 上海社会科学院出版社, 2002, tr.191, bản song ngữ Trung Anh.
[23] Chu Hi chú, Trung dung chương cú tập chú 中庸章句集注, Bắc Kinh Trung Quốc thư điếm 北京中國書店, tr.6.
[24] Xuân thu tả truyện chính nghĩa 春秋左傳正義, trong Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản, sđd, tr.1702
[25] Xuân thu tả truyện chính nghĩa, sđd, tr.1703.
[26] Chu dịch chính nghĩa周易正義, trong Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản, sđd, tr.39
[27] Trần Cổ Ứng 陳鼓應 chú thích, Trang tử kim chú kim dịch莊子今注今譯, Trung Hoa thư cục 中華書局, 1983, tr.850.
[28] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.158.
[29] Hệ từ thượng của Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.312.
[30] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.34.
[31] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.302.
[32] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr 340.
[33] La Lập Càn 羅立乾, Lí Chấn Hưng 李振興, Tân dịch Văn tâm điêu long, Đài Loan: Tam Dân thư cục 臺灣三民書局, 2004, tr.4.
[34] Vương Vận Hi 王运熙, Chu Phong 周锋, Văn tâm điêu long dịch chú 文心雕龙译注 Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, 1998, tr.3.
[35] Ngô Lâm Bá, Văn tâm điêu long nghĩa chứng, sđd, tr.15.
[36] Một số bài viết gần đây về Tính linh thuyết có thể tham khảo là: Vương Lực Kiên 王力坚, “Tính linh, Phật giáo, Sơn thủy – Những khảo sát mới về văn học thời Nam Triều”性灵·佛教·山水──南朝文学的新考察, Hải Nam sư phạm học viện học báo (Nhân văn xã khoa học bản) 海南师范学院学报 (人文社科学版) kì 1 năm 2000, tr.58-64; Đan Hữu Phương 单有方, “Thuyết tính linh và thuyết đồng tâm”性灵说与童心说, Ân Đô học san 殷都学刊, kì 2 năm 2003, tr.76-77; Lưu Vạn Lí 刘万里, “Tâm linh và tính linh – Luận về những điểm đặc biệt của văn học Vãn Minh và Tâm học Dương Minh”心灵与性灵—论阳明心学与晚明文学的特质, Học thuật giao lưu 学术交流, kì 10 tháng 10 năm 2003 tr.147-150; Tôn Ái Linh 孙爱玲, “Bàn về ý nghĩa nhân văn của thuyết Tính linh”论“性灵说”之人文意义, Hạ Môn giáo dục học viện học báo 厦门教育学院学报 quyển 7 kì 3 tháng 9 năm 2005, tr.14-21; Đinh Tuấn Linh 丁俊玲, “Phát phẫn bất bình – Luận về sự khởi nguyên của ý tưởng về sinh mệnh của thuyết tính linh”发愤不平 — 论性灵说的生命意绪, Thượng Hải đại học học báo (Xã hội khoa học bản) 上海大学学报(社会科学版), quyển 13 kì 2 tháng 3 năm 2006, tr.152-155; Vương Hồng Lôi 王红蕾, “Duyên khởi và phát sinh của thuyết Tính linh”性灵说的缘起与发生, Xã hội khoa học tập san 社会科学辑刊, kì 1 năm 2007, tr.216-219; Khâu Thế Hồng 邱世鸿, “Lí học và tính linh”理学与性灵, Nghệ thuật bách gia 艺术百家, kì 5 năm 2007, tr.178-179.
[37] Lã Bân吕斌, “Ai là người đã đề xướng ra thuyết tính linh”是谁首倡“性灵”说 in trên Quảng Tây sự viện học báo (Triết học xã hội khoa học bản) 广西师院学报(哲学社会科学版), quyển 20 kì 4, tháng 12 năm 1999, tr.109-115.
[38] Lã Đức Thân 吕德申, Chung Vinh Thi phẩm hiệu thích 钟嵘《诗品》校释, Bắc Kinh đại học xuất bản xã 北京大学出版社, 1986, tr.76.
[39] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.375.
[40] Lễ kí chính nghĩa, sđd, tr.803.
[41] Thực ra thì ngữ “thiên địa chi tâm”đã xuất hiện rất sớm trong Chu dịch. Trong “Thoán từ”của quẻ Phục 復 có viết rằng: “Phục, kì kiến thiên địa chi tâm hồ”復, 其見天地之心乎? nghĩa là “quay ngược lại với bản nguyên, có lẽ có thể thấy được cái tâm của trời đất chăng?”. Song chúng tôi cho rằng câu văn này vô can với ý tưởng của Lưu Hiệp.
[42] Lễ kí chính nghĩa, sđd, tr.814.
[43] Hoàng Khản 黃侃, Văn tâm điêu long trát kí 文心雕龍札記, Thượng Hải Trung Hoa thư cục 上海中華書局, năm 1962.
[44] Lỗ Hạp 鲁峡, “Những tìm tòi về khái niệm Đạo trong Văn tâm điêu long”《文心雕龙》“道”之探微, Lạc Dương sư phạm học viện học báo 洛阳师范学院学报, kì 6 năm 2004, tr.69-70.
[45] Ngô Lâm Bá, Văn tâm điêu long nghĩa sớ, sđd, tr.15.
[46] Đoạn Ngọc Tài 段玉裁 chú, Thuyết văn giải tự chú, sđd, tr.2.
[47] Hán ngữ đại tự điển ủy viên hội biên, Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.615.
[48] Hứa Thận soạn, Đoạn Ngọc Tài chú, Thuyết văn giải tự chú, sđd tr.12.
[49] Hứa Thận soạn, Đoạn Ngọc Tài chú, Thuyết văn giải tự chú, sđd, tr.709.
[50] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.124.
[51] Chiêm Anh, Văn tâm điêu long nghĩa chứng, sđd, tr.12.
[52] Hán ngữ đại tự điển ủy viên hội biên, Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.264.
[53] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.340.
[54] Ngô Lâm Bá, Văn tâm điêu long nghĩa sớ, sđd, tr.16.
[55] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.380.
[56] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.350-351.
[57] Nguyên bản toàn văn Dịch vĩ Càn tạc độ và phần “Bổ di”của nó có thể tham khảo sách của hai học giả Nhật Bản: An Cư Hương Sơn 安居香山 (Yasui Kôzan), và Trung Thôn Chương Bát 中村璋八 (Nakamura Shohachi) biên tập, Vĩ thư tập thành 緯書集成, quyển thượng, Hà Bắc nhân dân xuất bản xã 河北人民出版社, 1994, tr.3-64.
[58] Chu dịch âm nghĩa được in kèm trong Chu dịch chính nghĩa, sđd. Đoạn bàn về khái niệm văn ngôn nằm ở trang 403.
[59] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.14.
[60] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.341.
[61] Thượng thư chính nghĩa 尚書正義, trong Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản, sđd, tr.353-355.
[62] Hoàng Thúc Lâm 黃叔琳, Văn tâm điêu long tập chú 文心雕龍輯注, Trung Hoa thư cục 中華書局, 1957, tr.3.
[63] Mao thi chính nghĩa 毛詩正義, sđd, tr.87.
[64] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.1115.
[65] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.319.
[66] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.2393.
[67] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.356.
[68] Thượng thư chính nghĩa, sđd, tr.2.
[69] Thượng thư chính nghĩa, sđd, tr.4.
[70] Luận ngữ chú sớ 論語注疏, in trong Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản, sđd, tr.28.
[71] Thượng thư chính nghĩa, sđd, tr.155.
[72] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.3527.
[73] Thượng thư chính nghĩa, sđd, tr.106.
[74] Lễ kí chính nghĩa, sđd, tr.1735.
[75] Chiêm Anh, Văn tâm điêu long nghĩa chứng, quyển thượng, sđd, tr.21.
[76] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.368.
[77] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.375.
[78] Tiêu Thống, Văn tuyển (60 quyển), quyển 5, sđd, tr.16.
[79] Thượng thư chính nghĩa, sđd, tr.395.
[80] Chiêm Anh, Văn tâm điêu long nghĩa chứng, sđd, tr.23.
[81] Ngô Lâm Bá, Văn tâm điêu long nghĩa sớ, sđd, tr.20.
[82] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.2589.
[83] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.625.
[84] Luận ngữ chú sớ, in trong Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản, sđd, tr.299.
[85] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.4245.
[86] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.4178-4179.
[87] Mạnh tử chú sớ, in trong Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản, sđd, tr.316.
[88] Lưu Tín Phương 刘信芳, Giản bạch ngũ hành giải hỗ 简帛五行解诂, Đài Bắc: Nghệ văn ấn thư quán 台北:艺文印书馆, 2000.
[89] Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, Tử bộ thập, Tạp gia loại, Hoài Nam hồng liệt giải, Hoài Nam hồng liệt giải tự 淵閣四庫全書. 子部十. 雜家類. 淮南鴻烈解, quyển 7, tr.15.
[90] Luận ngữ chú sớ, sđd, tr.48.
[91] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.325.
[92] Lễ kí chính nghĩa, sđd, tr.1842.
[93] Chứ không phải là Tượng từ như Chiêm Anh trong sách Văn tâm điêu long nghĩa chứng, sđd, tr.24 nhầm lẫn.
[94] Tư Mã Thiên 司馬遷biên soạn, Tư Mã Trinh司馬貞bổ biên, “Tam hoàng bản kỉ”三皇本紀, Sử kí 史記, Bách nạp bản nhị thập tứ sử 百衲本二十四史, Đài Loan: Thương vụ ấn thư quán ấn hành 臺灣: 商務印書館印行, tr.1.
[95] Trần Cổ Ứng 陳鼓應, Trang tử kim chú kim dịch 莊子今注今譯, Trung Hoa thư cục 中華書局, 1983, tr.337.
[96] Ngô Lâm Bá, Văn tâm điêu long sớ chứng, sđd, tr.21.
[97] Luận ngữ chú sớ, sđd, tr.93.
[98] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.341.
[99] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.124.
[100] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.3402.
[101] Hán ngữ đại tự điển, sđd, tr.3432.
[102] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.312-313.
[103] Thượng thư chính nghĩa, sđd, tr.627.
[104] Xuân thu tả truyện chính nghĩa 春秋左傳正義, Thập tam kinh chú sớ chỉnh lí bản, 2000, tr.1268.
[105] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.345.
[106] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.380. Xem Chu dịch do Vương Bật 王弼 và Hàn Khang Bá 韓康伯 chú giải nằm trong Hán ngụy cổ chú thập tam kinh (phụ tứ thư chương cú tập chú) 漢魏古注十三經 (附四書章句集注), quyển thượng, Trung Hoa thư cục ảnh ấn bản 中華書局影印本, 1998, tr. 61.
[107] Chu dịch do Vương Bật và Hàn Khang Bá chú giải, Hán ngụy cổ chú thập tam kinh, sđd, tr.61.
[108] Chu dịch chính nghĩa, sđd, tr.381.
[109] Chiêm Anh, Văn tâm điêu long nghĩa chứng, sđd, tr.30.
[110] Những vận động kia cũng là văn, và thứ văn này cho ta thấy vai trò kiến tạo của đạo đối với thế giới. Như vậy, văn được sinh ra từ trước khi trời đất sinh ra, nó được sinh ra trực tiếp từ đạo mà sự thành hình, vận động của trời đất cũng chỉ là sự thể hiện của văn.
[111] Tính của con người và tính của trời đất vũ trụ là một.
[112] Hết đoạn 1 trình bày về sự hình thành của nhân văn, chứng minh văn của con người hoàn toàn được sinh ra một cách tự nhiên từ sự vận động của trời đất.
tài liệu sưu tầm
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved