Home » » Pushkin

Pushkin

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 01:25

Pushkin và sứ mệnh hoà giải của nước Nga

12/10/2010 01:09
Một điều dễ nhận thấy là nhiều nhà văn vĩ đại Nga đồng thời cũng là những nhà tư tưởng kiệt xuất. Ở Pushkin – “khởi nguồn của mọi khởi nguồn” – ta nhận thấy nhiều suy ngẫm mang tính triết lí sâu sắc và sáng suốt, nhất là về số phận của nước Nga. Những suy ngẫm đó dường như được dần định hình bằng trải nghiệm nhiều hơn là bằng tư biện. Đọc lại trước tác của ông, cả thơ văn nghệ thuật lẫn văn xuôi chính luận, ta thấy quan điểm về lịch sử nước Nga, mối quan hệ của nó với phương Đông và phương Tây được hình thành như một quá trình trải nghiệm thực tiễn...
        Một điều dễ nhận thấy là nhiều nhà văn vĩ đại Nga đồng thời cũng là những nhà tư tưởng kiệt xuất. Ở Pushkin – “khởi nguồn của mọi khởi nguồn” – ta nhận thấy nhiều suy ngẫm mang tính triết lí sâu sắc và sáng suốt, nhất là về số phận của nước Nga. Những suy ngẫm đó dường như được dần định hình bằng trải nghiệm nhiều hơn là bằng tư biện. Đọc lại trước tác của ông, cả thơ văn nghệ thuật lẫn văn xuôi chính luận, ta thấy quan điểm về lịch sử nước Nga, mối quan hệ của nó với phương Đông và phương Tây được hình thành như một quá trình trải nghiệm thực tiễn của bản thân nhà nghệ sĩ và sự chiêm nghiệm của lịch sử qua dòng chảy thời gian, trong đó có những xác tín trước sau vẫn được bảo tồn nhưng cũng có nhiều điều đã thay đổi.
Vị trí địa lí(1) và sự hình thành văn hoá(2) của dân tộc Nga làm không ít người đặt câu hỏi: nước Nga nên coi mình là thuộc về Á hay Âu, phương Đông hay là phương Tây? Là một học giả hướng Âu chủ nghĩa (eurocentric), D. Likhachev(3) coi phẩm chất Tây Âu của người Nga là điều không cần phải bàn cãi. Đề xướng chủ nghĩa Á – Âu (eurasianism), L. Gumilev(4) lại cho rằng nền văn hoá Nga là một kiểu hình đặc sắc, trung gian giữa hai nền văn minh Á Đông và Âu Tây… Những quan niệm khác nhau ấy liên quan đến vấn đề lựa chọn cho nước Nga một mô hình nhà nước phù hợp. Cuộc tranh luận giữa phái “thân Tây phương” và phái “sùng Slave” được nhen nhóm vào cuối thế kỉ XVIII, kéo dài suốt thế kỉ XIX và đến nay vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ. Pushkin không kịp sống đến thời điểm sôi động nhất của cuộc tranh luận này, nhưng ngay từ những năm 30 ông đã khá tường tận quan điểm của đại diện thuộc cả hai phái. Nhà “thân Tây phương” tiêu biểu nhất chẳng ai khác hơn là Chaadaev – bạn đồng môn Lysee của nhà thơ, thủa ấy đã công bố chính kiến bằng bài báo nổi tiếng Bức thư triết học mà sau đó Pushkin phúc đáp bằng một lá thư đặc biệt đầy tính tranh luận. Đồng thời, ông cũng từng hơn một lần thể hiện bất đồng với những biện giải của Khomiakov – một trong những nhà sáng lập phái “sùng Slave”. Suốt đời Pushkin trở đi trở lại với đề tài này, trong các tác phẩm văn chương, trong các tiểu luận, ghi chép, thư từ, nhật kí. Trong cách lựa chọn con đường cho dân tộc mình, khi cho rằng nước Nga cần có một mô hình riêng so với Tây Âu, xem ra ông mặc nhiên coi Nga thuộc phạm trù văn hoá văn minh châu Âu nhưng có những nét khu biệt so với nó.  
Trước hết ta nói về quan điểm của Pushkin về phương Đông.
Phương Đông xuất hiện nhiều lần trong sáng tác của Pushkin. Mỗi lần chạm đến đề tài này là một lần cảm hứng sáng tạo lại bừng lên, đưa nghệ sĩ đến với những kiếm tìm mới mẻ và phức tạp hơn. Những chuyến đi lang thang khắp thảo nguyên Trung Á đã đem đến cho cây đàn lia của nhà thơ những âm thanh đẹp và lạ. Gogol nhận định: “Pushkin – ca sĩ duy nhất của Kavcaz: ông yêu nó bằng cả tâm hồn, tình cảm của mình; ông đã xâm nhập và được nuôi dưỡng bởi những vùng đất, bầu trời phía Nam, những thung lũng của Gruzia, những khu vườn và trời đêm tuyệt diệu của Crym. Có lẽ vì thế trong sáng tác của mình bao giờ ông cũng cháy bỏng hơn, rực lửa hơn ở những chỗ mà tâm hồn chạm tới phương Nam(5).
Cảm xúc về phương Đông của nghệ sĩ Pushkin không khi nào thay đổi, bao giờ cũng nồng ấm và thân thương, nhưng quan điểm của nhà tư tưởng Pushkin về nó, theo dòng thời gian, lại có sự biến chuyển, về đại thể, được gắn với ba cột mốc cuộc đời ông.
Lần thứ nhất – thời kì lưu đày phương Nam (1820 – 1824): Đây là lần đầu tiên nhà thơ trẻ đến từ kinh thành phương Bắc, đầy ngỡ ngàng trước một thế giới thiên nhiên nguyên sơ, và thế là những cảm xúc trước sự lạ lẫm, huyền bí được bùng phát, thăng hoa, hàng loạt thi phẩm tuyệt vời ra đời, mở đường cho các nghệ sĩ Nga sau này đến với đề tài phương Đông (Lệ đài Bakhchisarai, Người tù Kavcaz, Đoàn người Digan,...). Bút pháp lãng mạn đã tìm thấy chất bay bổng của tâm hồn và tinh thần tự do phóng khoáng vốn là phẩm chất trong nhà thơ:
Bay lên về với đất trời
Biển xanh núi thẳm cất lời vang ca
Bay về với chốn bao la
Nơi gió phóng khoáng chỉ ta với mình…
                                             (Người tù – 1822)
Lần thứ hai tiếp xúc với phương Đông của Pushkin là chuyến đi 3 tháng vào năm 1829 đến thảo nguyên Canmyc, cao nguyên Kavcaz và các vùng đất khác thuộc Armeni, Gruzia. Sản phẩm lần này là liên khúc trữ tình trác tuyệt (Trên đồi Gruzia đêm xuống, Delich, Sông Đông,). Cảm xúc nhà thơ lại một lần nữa dào dạt trước vẻ đẹp phóng khoáng của thiên nhiên, con người phương Nam:
Tung bờm gió những con tuấn mã,
Về nghỉ chân sau cuộc giao tranh
Uống dòng chảy Aropatrat,
Hít hương nồng vị đất thân quen.

Nào xắng xở, sông Đông yêu quý
Thết các chàng kị sĩ oai phong
Men sủi bọt tan như nghiền nát
Cất từ đồng nho rộng mênh mông.
                                             (Sông Đông – 1829)
Trong hai cột mốc trên của Pushkin (lần thứ nhất với vị thế của người bị lưu đày đến vùng đất xa lạ, lần thứ hai với vị thế một du khách chủ động tìm về với đối tượng thân quen và thương nhớ), phương Đông hiện lên khá là nhất quán. Đó là vùng đất nên thơ lộng lẫy, vùng đất của thiên nhiên bao la hùng tráng với thảo nguyên mênh mông chan hoà nắng gió. Giữa thiên nhiên ấy, nhà thơ hiện diện như một du ca đi tìm tự do tuyệt đích của một cá thể cô đơn nhưng độc lập. Trong con mắt khao khát kiếm tìm, khao khát hoà nhập ấy, cư dân phương Đông hiện lên đẹp như bước ra từ huyền thoại, những con người sống bằng hơi thở của tình yêu và tự do. Đó là cô gái người Cherkes yêu chàng tù binh Nga say đắm nhưng yêu tự do còn đắm say hơn (Người tù Kavcaz), là cô gái Digan Zemfira rũ dưới chân mình cả “phép vua” lẫn “lệ làng”, sống chết với tình yêu và tự do (Đoàn người Digan). Những con người của xứ sở lạ lùng ấy sẽ mãi mãi níu gọi tâm hồn Pushkin. Những năm cuối đời, sống nơi phố thị, nhà thơ vẫn nghe vọng âm điệu xưa: 
Em gọi tôi giã từ nơi đày ải
Về với em phương trời khác xa xôi
Em hằng nói: “Đến ngày hạnh ngộ
Lại trao nhau vòng tay ấm, nụ hôn
Dưới rặng mát ô-liu và vòm trời xanh vĩnh viễn”.
(Em từ giã bến bờ xa lắc… - 1830)
Cột mốc thứ ba không gắn với một chuyến đi thực tế cụ thể nào, mà gắn với sự chuyển hướng bút pháp của nhà nghệ sĩ từ lãng mạn chủ nghĩa sang hiện thực, có thể tính từ những năm 30 trở đi, đánh dấu sự phát hiện lại châu Á, có nhiều điều khác biệt cơ bản với hai lần trước. Trên tờ tạp chí Người đương thời tự mình ấn hành, Pushkin cho đăng tải một số tác phẩm về phương Đông. Các bài viết này được trình diện dưới dạng ghi chép, hồi kí, tài liệu lịch sử,… cho phép nhà nghệ sĩ đưa ra cái nhìn chân thực về hiện tượng, làm cơ sở cho độc giả tin vào những đánh giá khách quan. Trong bài viết Chuyến đi Arzrum(6) nhà quan sát hiện thực đã phá vỡ huyền thoại đẹp đẽ về một “châu Á hoa lệ”, cho thấy một phương trời nghèo đói và tối tăm. Trước đây nhà lãng mạn Pushkin luôn nhìn thấy trong hình ảnh đài phun nước những ẩn dụ bí ẩn của tâm hồn phương Đông, biểu tượng của tình yêu mãnh liệt, lòng chung thủy (Lệ đài Bakhrisarai), là sự tươi mát, niềm vui và sự thanh cao (Kleopat’ra). Giờ đây nhà hiện thực Pushkin lại thể hiện một xu hướng thế tục hoá những gì ông hằng ca ngợi bằng cách tả thực “những giọt nước nhểu giọt” từ “ống sắt rỉ mòn”, như một góc quay trực diện cuộc sống cũ kĩ ảm đạm của cư dân nơi đây. Hình ảnh những người đẹp phương Đông sôi nổi, đắm say, phóng túng và đầy bí ẩn Zemphira, Zarema, Kleopat’ra,… giờ đây được thay bằng hình ảnh những phụ nữ Kanmyc, Armeni hết sức trần thế – “những khuôn mặt nhìn đều thật dễ chịu nhưng tuyệt nhiên không thể gọi ai là giai nhân”. Với một nỗi khắc khoải bồn chồn, Pushkin nhìn thẳng vào hiện thực mòn mỏi, tâm lí thụ động của đối tượng
Như vậy, phương Đông trong cảm quan của nhà tư tưởng Pushkin từ những năm 30 trở đi có sự thay đổi căn bản. Chuyến đi Arzrum là sự hiện thực hoá những xung động nội tại, khẳng định sự chiếm lĩnh của chủ nghĩa hiện thực trong mắt xích chủ chốt nhất của văn học – đó là văn xuôi. Tuy nhiên, thể loại không phải là vấn đề mấu chốt duy nhất, mà chính là sự thay đổi quan niệm đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ mới: đi sâu tối đa vào thực chất của thế giới phương Đông, không chỉ ở cấu trúc xã hội mà cả trong tâm lí mang dấu ấn văn hoá và tôn giáo của con người phương Đông. Nhớ lại những sự kiện xảy ra trong hai chuyến đi trước, Pushkin ghi nhận sự căm ghét của người Cherkes đối với người Nga, sự bất hợp tác của các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư cũng như các bộ tộc ở Kavcaz với dân tộc Nga. Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng đó, theo Pushkin, là vấn đề cưỡng bức tôn giáo. Ông không tán thành việc Chính thống giáo hoá bằng vũ lực đối với các nước phong kiến gia trưởng mà phần đông dân số theo đạo Hồi, lí giải rằng mọi sự tiếp nhận hình thức mới của văn hoá – xã hội, nhất là vấn đề đức tin, cần phải xuất phát từ thực trạng và nhu cầu nội tại của đối tượng.
Trở lên trên cho thấy đề tài phương Đông của Pushkin gắn bó chặt chẽ và có sự chuyển biến với quá trình nhận thức và suy ngẫm về lịch sử, đưa đến một định hướng mới về quan điểm nghệ thuật cũng như tư tưởng triết học của ông vào những năm cuối đời: một mặt, ông bác bỏ cái nhìn lãng mạn hoá hiện thực phương Đông, đề nghị một cái nhìn chân thực và thiết thực trong vẻ đẹp thẩm mĩ ở chiều cao mới; mặt khác, nhân danh sự khải hoàn của những tình cảm thánh thiện nhân loại, ông đòi hỏi sự cần thiết những nguyên tắc nhân đạo mới trong mối quan hệ của nước Nga trung tâm với các dân tộc phương Đông, đồng thời yêu cầu sự cải tạo xã hội để những vùng đất đó tiến kịp với nền khai minh châu Âu.

Nếu như Pushkin từng nhiều lần viễn du về phương Đông thì cả đời chưa bao giờ ông có dịp vượt biên giới Nga sang các nước Tây Âu. Tuy nhiên nền văn hoá và tư tưởng châu Âu không hề xa lạ với ông, bởi ngay từ khi còn rất trẻ ông đã lĩnh hội một nền học vấn Tây Âu sâu sắc, chịu ảnh hưởng Vonte, Byron, Shakespeare, Gothe,… Ông không phải là kẻ quan sát Tây Âu từ bên ngoài, mà đứng ở bên trong nó để nhìn nhận mọi khía cạnh của lịch sử và văn hóa.
Trong quan hệ của nước Nga với châu Âu, trước hết là Tây Âu, Pushkin ghi nhận sự khác biệt giữa hai đối tượng – sự khác biệt được hình thành từ trong lịch sử mà rõ nhất ở hai sự kiện: một là, sự li giáo của nhà thờ vào năm 1054 mà hệ quả là nước Nga đi theo một con đường riêng, khác hẳn toàn bộ Tây Âu; hai, ách đô hộ Mông – Thát gần một phần tư thiên niên kỉ (1243 – 1480) mà hậu quả là đã tách các công quốc Nga La Tư – với tư cách một cộng đồng nhân chủng của các bộ lạc Đông Slave – ra khỏi Tây Âu văn minh. Về sự kiện thứ nhất, trong tiểu luận Vài điều về văn học Nga (1834), Pushkin viết: “Một thời gian dài nước Nga hoàn toàn xa lạ với châu Âu. Tiếp nhận Thiên chúa giáo từ Bizantin, nước Nga đứng ngoài những đảo lộn chính trị cũng như những sinh hoạt tinh thần trong thế giới Cơ đốc giáo La Mã. Thời đại Phục Hưng vĩ đại chẳng mảy may tác động gì đến nó; trào lưu kị sĩ (rysarstvo) với những đam mê cao đẹp, những cảm xúc thanh cao của các cuộc thập tự chinh chẳng hề cổ vũ gì tổ tiên chúng ta, không hề có một tiếng vang nào từ phương Bắc lạnh ngắt vọng tới”(7). Về sự kiện thứ hai, cũng trong bài viết này, Pushkin giải thích nguyên nhân tụt hậu so với châu Âu của nước Nga trước thời kì Piot’r đệ Nhất: “Nước Nga được dành cho một sứ mệnh cao cả. Những bình nguyên vô bờ bến của nó đã nuốt chửng sức mạnh của quân Mông Cổ và chặn đứng cuộc xâm lăng của chúng ngay ngưỡng cửa châu Âu; các đạo quân hung nô không dám để lại sau lưng mình một nước Nga cổ đã bị chinh phục, cho nên đã quay về thảo nguyên phương Đông. Nền khai minh châu Âu đang phôi thai được cứu vớt bởi nước Nga kiệt quệ, tan tác”(8).  Ách đô hộ Mông – Thát đã dựng lên bức tường thành ngăn cách Nga với châu Âu trong suốt một thời gian dài, tạo nên sự cách biệt về tốc độ và phương hướng phát triển.
Chỉ rõ nguyên nhân khiến nước Nga tách biệt khỏi châu Âu, một mặt Pushkin muốn nước Nga nhanh chóng hội nhập với tiến trình phát triển chung của châu Âu, nhưng mặt khác, vẫn giữ cho mình một mô hình riêng phù hợp với đặc điểm dân tộc. Trong bài Phác thảo về văn học Nga (1830), ông đánh giá cao những nỗ lực của các sa hoàng Ivan đệ Tứ, Boris Godunov, Piot’r đệ Nhất trong việc đưa nước Nga gia nhập vào tiến trình văn minh chung của châu Âu; đồng thời ông cũng đưa ra luận điểm rằng nước Nga cần một công thức riêng, phù hợp với lịch sử và con người Nga. Công thức đó là một nhà nước quý tộc với 3 đặc điểm chủ yếu: tự do, khai minh và quân chủ, mà trụ cột là Chính thống giáo. Theo Pushkin, nền khai minh đã đến Nga từ phương Tây, còn tự do là cái mà Nga cần phải tự mình vươn tới. Pushkin chờ đợi điều ấy ở các lãnh tụ, ở đạo đức và trách nhiệm của các bậc quân vương, ở sự quy thuận của họ trước Luật pháp tự nhiên (mà ông viết hoa) – nó vượt lên trên nhân dân và vượt lên cá nhân cầm quyền, như quy luật vĩnh hằng. Trong bài tụng ca Tự do (1817), nhà thơ 18 tuổi đã nồng nhiệt ngợi ca những gì mà tự do có thể đảm bảo, và, nhân danh tự do, kêu gọi sự quy thuận Luật thiêng:
Xin tạc dạ hỡi bậc chúa vua:
Dù hình phạt quyền uy ngục tối
Dù tụng ca ban phát lộc ân
Sẽ không mãi là lá chắn vững bền
Chỉ tự do và cuộc sống bình yên
Là những kẻ muôn đời canh ngai báu.
D. Merezhkovski cho rằng những ham mê chính trị đối với Puskin chỉ là bề ngoài. Những điều nhà thơ trẻ say sưa viết đầy tính chiến đấu là do cá tính sôi nổi, niềm khao khát sống: “Thực ra, Pushkin bẩm sinh rất ít phẩm chất của người chiến sĩ chính trị và nhà tuyên truyền. Ông yêu quý tự do như một bản tính sẵn có của nội tâm cần thiết cho sự phát triển của tài năng. Hơn nữa, thời gian bị thử thách trong đày ải, nhà thơ càng ý thức rõ mức độ tàn khốc do hậu quả chống đối”(9). Phản đối các hình thức đấu tranh gây nên những chấn động xã hội, năm 32 tuổi Pushkin khẳng định sự ôn hoà và thống nhất của các tầng lớp nhân dân là cơ sở vững chắc cho tự do và nền khai minh, ông viết: “Sự ổn định là điều kiện đầu tiên của phồn vinh xã hội”(10).
Từ tự do mà Pushkin hiểu không phải chỉ là xoá bỏ những bất công xã hội, tháo ách bóc lột, mà ông quan tâm nhiều hơn đến tự do tinh thần, một trong những biểu hiện của nó là sự an lạc của người dân trong những điều kiện nhân đạo. Trong ghi chép Một chuyến du lịch từ Moskva đến Peterburg (1833 – 1834)(11), Pushkin đã so sánh người công dân tự do Anh quốc với người nông nô Nga đương thời, thấy rằng thực chất người nông nô Nga tự do hơn gấp nhiều lần người dân Anh. Trong khi người lao động Anh bị đè nặng bởi thuế khoá, bị vắt kiệt sức lực trong hầm xưởng, nhà máy, bị hạ nhục bởi thành kiến đẳng cấp, thì hình ảnh người nông nô Nga tươi sáng hơn rất nhiều: “thuế khoá vừa phải và hợp lí”, “lao dịch không đến nỗi nặng lắm”, “sạch sẽ, lanh lợi và thoải mái”, “trong lời nói và hành vi không có bóng dáng của sự hèn hạ nô lệ”,… Tóm lại, “không thấy ở đâu trong khắp châu Âu một tầng lớp dân chúng nào được tự do hành động hơn thế”. Đưa ra sự đối chiếu mang tính tương phản ấy, Pushkin cho thấy tên gọi thể chế nhà nước nhiều khi không quan trọng bằng thực chất nó đem lại mức độ tự do và phúc lợi như thế nào cho dân chúng.
Pushkin sống vào thời đại của các cuộc cách mạng tư sản châu Âu – những cuộc cách mạng mà nước Nga còn lâu mới đi đến. Quốc gia Nga lúc bấy giờ là một đất nước phong kiến gia trưởng, tuy lạc hậu, nhưng trẻ trung, đầy nhiệt huyết sau chiến thắng Napoleon, đang cần hướng đến, như Pushkin nghĩ, con đường cải cách xã hội, chứ không phải là dùng bạo lực đánh đổ một thể chế nhà nước này để xây nên một thể chế khác. Xuất thân từ một dòng họ quý tộc thế truyền, Pushkin luôn tiếc thương cho sự sụp đổ của các dòng tộc quý tộc Nga cổ xưa. Nếu như ông có những phản ứng với “lề thói quý tộc”, thì không có nghĩa là ông bác bỏ thể chế nhà nước(12). Càng về cuối đời ông càng khẳng định hình thức duy nhất của nước Nga là nhà nước quân chủ quý tộc. Theo ông, bậc quân vương nào bảo đảm được tự do và phát triển văn minh thì sẽ có một quốc gia lí tưởng, và có lúc ông đã hy vọng điều ấy ở nhà đương quyền Nicolai đệ Nhất.
Trong thực tế, dưới chế độ quân chủ, để bảo vệ quyền lợi của giai cấp cầm quyền, luật pháp cần thiết như lực lượng thanh trừng khốc liệt. Pushkin nhận thấy điều đó và phản ánh rõ trong những tác phẩm cuối đời của mình (Andzelo – 1833, Người con gái viên đại uý – 1836). Dựa vào nền tảng của Chính thống giáo, ông đi đến giải pháp là cầu mong lòng nhân từ của đấng quân vương. Masa Mironova nói với nữ hoàng: “Thần thiếp đến đây không phải đòi hỏi công lí mà là cúi xin lòng nhân từ”. Và cô gái côi cút ấy đã nhận được sự từ tâm của Ekaterina đệ Nhị, như một Luật thiêng từ trên ban xuống, cứu xét. Trong bài tụng ca cuối cùng Đài kỉ niệm (1836), Pushkin một lần nữa nhắc đến phẩm chất này, nhưng là của nhà thơ nhân dân, vì, như ông từng khẳng định “Lịch sử của dân tộc thuộc về nhà thơ”:
Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi                                                          
Vì đàn thơ ta thức tỉnh tình thân ái,
Vì trong thủa bạo tàn ta ca ngợi tự do
Và gợi từ tâm với những kẻ sa cơ.
                                             (Thuý Toàn dịch)
Những suy ngẫm của Pushkin về lịch sử, số phận và con đường của nước Nga có tầm vóc và ý nghĩa triết học – triết học của sự thông minh bằng trái tim. V. Soloviev nhận định: “Pushkin tuyệt đối không phải là nhà tư tưởng tư biện, cũng như không phải là nhà hiền triết thực tiễn; nhưng ông có ở mức độ cao năng lực nhận thức chân lí đạo đức, hiểu được đâu là phải đâu là trái. Lý trí của ông mang tính cân bằng, xa lạ với mọi thiên lệch bệnh hoạn”(13). Tư tưởng của Pushkin mang tính suy nghiệm từ thực tế lịch sử dân tộc, từ trải nghiệm xã hội của bản thân, nó minh triết và chừng mực. Ở đó không có cái cuồng say về sự vĩ đại của nước Nga nhưng là một niềm yêu thương dân tộc nồng thắm, không phải là thứ chủ nghĩa độc quyền về Chính thống giáo Slave hay sự bành trướng của tư tưởng Nga vào châu Âu mà là một khả năng tuyệt vời tiếp cận và đón nhận mọi nền văn hoá nhân loại, khả năng mà Dostoievski tôn vinh ở Pushkin như một phẩm tính đặc Nga – “tính toàn nhân loại”, một tựu thành “không phải là sự chiếm lĩnh bằng lưỡi gươm, mà bằng sức mạnh của tình bằng hữu và sự cùng vươn lên hoà nhập với tất cả mọi người”(14). Dostoievski đã kiêu hãnh ca ngợi ở Pushkin tinh thần hoà giải các dân tộc Đông – Tây; Soloviev đã nồng nhiệt ca ngợi tinh thần ấy ở Dostoievski; và đến lượt mình, những người Nga hôm nay tự hào ngợi ca điều đó ở Soloviev. Nói một cách khác, những nhà tư tưởng vĩ đại Nga cùng toàn thể tinh thần dân tộc Nga đều đi đến một mục đích chung: đại đồng thế giới. Và đó là sứ mệnh của nước Nga.
Tâm hồn Pushkin là một bản hòa ca của những gì tinh tuý và tinh tế của văn hoá Đông – Tây. Tài năng của ông được kết tinh từ vốn văn chương bác học mang nhiều dấu chỉ phương Tây và nền văn học dân gian nước nhà có nhiều cội rễ phương Đông. Ông yêu nước Nga của vua Piot’r I, nhưng ông cũng yêu cả nước Nga cổ đại Russ. Lang bạt khắp nước Nga, cuối cùng ông nhận thấy rõ chỉ gắn bó với hai nơi chốn như với bàn thờ tổ phụ: nơi thứ nhất là quê nhà Mikhailovskoie, nơi ông lớn lên trong tiếng hát ru, lời kể truyện cổ tích của nhũ mẫu, nơi cho ông sự bằng an và vững chãi để có thể “vịn câu thơ mà đứng dậy”; địa điểm thứ hai là Hoàng Thôn, nơi đào luyện nhà trí thức Pushkin có học vấn châu Âu, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ lần đầu đầy say mê của ông với Nàng thơ. Chính bởi vậy, khi viết về hai nơi này, bao giờ câu thơ ông cũng như rưng rưng nước mắt:
Bốn phương xa lạ không nhà
Hoàng Thôn – nơi ấy mới là quê hương
Những gì bắt nguồn sâu từ cội rễ thân thuộc, khi đạt đến độ chín nhất sẽ càng mở rộng tinh thần nhân loại và làm cho chúng dễ thụ cảm đối với bất kì cư dân nào trên mọi miền của thế giới. Thiên tài của Pushkin chính là sự nhận biết hết sức minh triết về hiện thực lịch sử, là khả năng hết sức tuyệt vời dung hòa những khuynh hướng khác nhau. Phản đối khuynh hướng “sùng phương Tây” cực đoan của Chaadaev, Pushkin ra sức bảo vệ những giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống Nga; chống lại “chủ nghĩa Slave”, ông khẳng định ưu thế của văn hoá phương Tây và sự cần thiết của nó đối với nước Nga. Đây tuyệt nhiên không phải là một phép nhào trộn cơ học thô thiển, cũng không phải là sự đề xướng một “con đường thứ ba” trung lập nào đó. Đây là một sự tổng hợp mà cơ sở hợp lí của nó xuất phát từ lịch sử và đời sống hiện thực. Trong sự tổng hợp này thể hiện rất rõ sự tiếp cận và lựa chọn thông thái và độc lập.
Lãnh sứ mệnh thực thi cuộc tổng hoà giải các dân tộc, nước Nga đồng thời không phải một lần nhận về mình những thua thiệt trong sự nhịn nhường của đức tính Chính thống giáo. Đứng từ điểm hiện tại, nhìn lại toàn bộ con đường lịch sử dân tộc Nga đi qua, người ta ngạc nhiên về tính chính xác trong lời tiên tri của Pushkin về sứ mệnh và số phận của nước Nga. Trong trước tác của mình, hơn một lần Pushkin từng phát ngôn: “Nước Nga bị phán xử nặng hơn châu Âu” (“Россия […] есть судилище, приказ Европы”). Cùng chung với châu Âu nhiều xuất phát điểm trên con đường hình thành và phát triển, nước Nga bị chiêu gọi phải trải qua những bước đi khốc hại, che chắn cho châu Âu, tự nhận về mình những cú đập. Ở thế kỉ xa xưa, gần như sắp tắt thở, nó đã chặn đứng vó ngựa của Mông Cổ đến từ phương Đông, để nền khai minh châu Âu vừa mới phôi thai được tiếp tục phát triển, còn mình dừng lại gánh lấy sự tàn phá, tụt hậu. Ở thế kỉ XIX, vai trò “thanh kiếm và lá chắn” của nước Nga lại tiếp tục phát huy: năm 1812, nước Nga lại gánh lấy trọng trách cứu châu Âu thoát khỏi thảm hoạ xâm lăng từ phương Tây của Napoleon đệ Nhất. Những gì nước Nga trải qua trong thế kỉ XX này càng khẳng định tính xác thực của mệnh đề Pushkin nêu. Trong đệ Nhị Thế chiến và trong Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại 1941 – 1945 nước Nga đã chịu một sự tổn thất nặng nề để cứu châu Âu thoát khỏi thảm họa phát xít. Cùng với tổn thất ấy nó còn tự gánh thêm một tổn thất khác nữa, lâu dài và khốc liệt hơn – đó là cuộc thử nghiệm một mô hình xã hội. Mô hình ấy có cơ sở lí luận từ nơi khác, là hạt giống đầy lí tính của phương Tây, đã tìm thấy ở Nga mảnh đất gieo trồng, và từ Nga phát tán sang phương Đông. P. Novgorodsev viết: “Cả học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng lẫn chủ nghĩa vô chính phủ đều có gốc gác từ chủ nghĩa không tưởng của lí luận cách mạng Pháp thế kỉ XVIII với niềm tin vào sức mạnh toàn năng của các công sở, vào sức mạnh diệu kì của lí trí con người, vào sự cận kề của thiên đàng trên cõi thế”(15). Áp dụng lí thuyết ấy vào thực tiễn, 70 năm chính quyền Xô-viết là một sự hiến tế trên bệ thờ cho lịch sử nhân loại. Nước Nga đã nhận về mình sự tàn khốc trong cuộc thử nghiệm một tư tưởng, và nhờ đó mà thế giới văn minh châu Âu đã được chủng ngừa. Để tìm cho đất nước mình một mô hình phù hợp, người Nga hôm nay không hiếm khi phải ngoái lại nhìn về quá khứ, lục tìm trong tư tưởng của Pushkin, Dostoievski, Soloviev và bao nhà văn hóa khác chiếc chìa khóa vàng: tổng hợp Đông – Tây và tổng hòa giải sẽ dẫn nước Nga và châu Âu tới một tương lai sán lạn1
SG, 3.5.2009
______________
([1]) Xét về phương diện địa lí, một phần nước Nga trải dài trên diện tích phía đông và đông – bắc châu Âu, phần khác nằm trên diện tích phía bắc của châu Á. Khi nói đến phương Đông của đất nước mình, người Nga ngụ ý vùng đất phía nam của lãnh thổ, nghĩa là vùng đất phía đông của châu Âu và vùng đất phía bắc của châu Á. Khi nói Pushkin bị lưu đày xuống miền Nam nước Nga (Odessa, Moldavia, Kavcaz,…) thì cũng có nghĩa là ông tới vùng đất phương Đông.
(2), (13) Vladimir Soloviev (1853 – 1900) xác định: “Từ khởi thủy Thiên Cơ đã đặt nước Nga vào vị trí giữa phương Đông phi Kitô giáo và hình thức Tây phương của đạo Kitô – giữa thế giới basurman (những người không theo đạo Kitô) và thế giới Latinh”. (“Ba diễn từ tưởng niệm Dostoievski”, in trong cuốn Siêu lí tình yêu. Nxb. Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, H, 2005, tr.778, 826).
(3) Dimit’ri Likhachev (1906 – 1999): Một trong những người theo chủ trương hướng Âu chủ nghĩa (tiếng Nga evropotsentrizm, tiếng Anh eurocentrism, còn dịch từ dĩ Âu vi trungÂu châu trung tâm luận), khẳng định nền văn hoá văn minh Nga thuộc vào phạm trù châu Âu, chủ trương nước Nga hiện đại cần xích lại gần phương Tây. 
(4) Lev Gumilev (1912 – 1992): Một trong những người đề xướng chủ nghĩa Á-Âu (tiếng Nga evraziistvo, tiếng Anh eurasianism), cho rằng nền văn minh Nga không thuộc vào phạm trù Âu châu, mô tả nước Nga là một “Á-Âu quốc”. Những người theo học thuyết này đặt nước Nga và phương Tây đối lập với nhau về nhiều phương diện, trong đó có số phận lịch sử. Hiện nay trào lưu chủ nghĩa Á-Âu mới (neo-eurasianism) đang thịnh hành ở Nga, là đối tượng cạnh tranh chủ yếu của chủ nghĩa hướng Âu.
(5), N. Gogol: Đôi lời về Pushkin, rút từ cuốn Aleksandr Pushkin – Tuyển tập tác phẩm, tập V, Nxb Văn học, H., 1999. tr. 284. Bản dịch của Đào Tuấn Ảnh.
(7), (8), (10), (11) Trích dẫn từ phần Tiểu luận của Pushkin in trong cuốn Aleksandr Pushkin - Tuyển tập tác phẩm, tập IV. Nxb. Văn học, H, 1999, tr.229, 230, 239. Bản dịch của Hà Minh Thắng.
(9) D. Merezhkovski: Những người đồng hành vĩnh viễn, Nxb “Respublica”, M., 1995, tr.490.
(12) Trước Cách mạng Tháng Mười (1917) và thời kì hậu Xô-viết có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc (Những người đồng hành vĩnh viễn – D. Merezkovski, Ba bài thơ Ngọn gió Đông bắc, Arion, Đám mây đen của Pushkin – B. Esipov, Những điều chưa biết về Pushkin – S. Poroikov,…) đưa ra một cái nhìn nhất quán khi phân tích các tác phẩm của Pushkin, cho thấy thật ra nhiều sáng tác của nhà thơ đã bị người đọc (nhất là thời Xô-viết) áp đặt tư tưởng theo lối suy diễn.
 (14) F. Dostoievski: Diễn từ đọc tại lễ kỉ niệm A. Pushkin ngày 8/6/1880, in trong cuốn Pushkin trước ngưỡng cửa thế kỉ XXI. Nxb. Thông tin KHXH, H, 2002, tr.234. Bản dịch của Đào Tuấn Ảnh.
(15) P. Novgorodsev: Bàn về phương hướng và nhiệm vụ của giới trí thức Nga, in trong cuốn Về trí thức Nga. Nxb. Tri thức, H, 2009, tr.150.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved