Home » » HỒI KÝ TRẦN ĐỨC THẢO-2

HỒI KÝ TRẦN ĐỨC THẢO-2

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011 | 01:46

HỒI KÝ
Trần Đức Thảo
Trong giai đoạn cuối cùng của tôi ngày xưa ở bên Pháp, tôi đã xác nhận chủ nghĩa Marx trong bài từ giã chủ nghĩa hiện sinh: Hiện tượng học của tinh thần và nội dung thực tế của nó. (Les Temps Modernes tháng 9-1948). Trong ấy tôi biện minh cho sự lựa chọn của tôi bằng cách nêu lên những chân trời rộng rãi mà quan điểm duy vật biện chứng và lịch sử xã hội mở ra cho công việc phân tích ý thức sinh thức.
Đấy là cái mà tôi đã tìm cách giải thích cho Jean-Paul Sartre trong năm buổi trao đổi tiến hành vào mùa đông 1949-1950, theo lời mời của ông ấy. Tuy nhiên buổi nào cũng đi đến kết quả tiêu cực, do sự bất đồng cơ bản ngay từ xuất phát điểm trong thế giới quan của hai bên. Cuối cùng thì chỉ còn có thể ghi nhận rằng không thể nào dung hòa giữa chủ nghĩa hiện sinh với chủ nghĩa Marx. Cũng phải nói rằng chủ nghĩa Marx ngày ấy chỉ được quan niệm trong giới hạn hẹp hòi của tình trạng sùng bái cá nhân, trong ấy chủ nghĩa duy vật lịch sử bị thu rút vào vài nét đơn giản hóa, chỉ bao quát một số quan hệ riêng lẻ trong mỗi giai đoạn riêng biệt, tách rời sự vận động phổ cập cụ thể của lịch sử loài người. Một thế giới quan như thế trên thực tế là thuộc phạm vi tình trạng bóp mép theo lối siêu hình của cái phương pháp được chính thức tuyên bố là biện chứng.
Dĩ nhiên trong cái chân trời thu hẹp như thế, thì tôi không thể nào thực hiện cái dự kiến của tôi từ năm 1948, là đi vào bề sâu quá trình phát sinh và phát triển của ý thức, xuất phát từ sự biện chứng của sản xuất vật chất. Như thế là phần hai cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Phénoménologie et Matérialisme Dialectique, Minh Tân, Paris, 1951) kết thúc trong một ngõ cụt mà tôi hy vọng tìm được lối thoát trong cách mạng Việt Nam, như tôi đã ám chỉ ở cuối cuốn sách, dưới nhan đề “Sự vận động thực tế của phép biện chứng”.
Đầu năm 1952, khi về tới Việt Bắc, tôi đã trấn an những mối lo lắng lý luận của tôi bằng cách tiếp nhận chủ nghĩa Marx theo những sự kiện biểu hiện trên thực tế, và tôi đã tự nhủ rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết xong cả rồi. Nhưng đến năm 1956, tiếng vang của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã kéo tôi ra khỏi tư tưởng giáo điều.
Tuy nhiên Khrushchev chỉ phản đối những phương pháp lạm dụng của chủ nghĩa quan liêu trong công tác tổ chức, chính trị chứ không đặt vấn dề phê phán nghiêm chỉnh những quan điểm lý luận liên quan với sự sùng bái cá nhân. Mà trên thực tế, thì chính những cuộc khủng hoảng hàng loạt, tùy tiện và phi pháp, cũng như cơ chế mệnh lệnh bao cấp, tất cả những cái gì đã cản trở, bóp méo công trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà Lenin đã chủ trương, và đã lãnh đạo nhân dân thực hiện với tinh thần anh hùng quên mình, là gắn liền với những sai lầm sâu sắc trong phương pháp tư duy và quan điểm triết học. Dưới lời tuyên bố biện chứng, phương pháp đã bị bóp méo thành một thứ siêu hình với cái lối nhận định phổ biên: “hoặc là … hoặc là …”. Hoặc là quét sạch đến tận gốc tất cả cái gì xuất phát từ xã hội tư bản, từ hệ thống tư sản với tất cả những yếu tố của nó hoặc là trở lại cái địa ngục tư bản chủ nghĩa.
Marx nói: “Nhà siêu hình học tư duy bằng những đôi phản đề mà không có trung giới: ông nói có, có, không, không, đi xa hơn thì chẳng có nghĩa gì. Theo ông thì hoặc là một sự vật tồn tại, hoặc là nó không tồn tại. Một sự vật cũng không thể nào là bản thân nó và là cái khác. Cái tích cực với cái tiêu cực loại trừ lẫn nhau một cách tuyệt đối” (Chống Duyring, M.F.Werke, tập 20, tr.21).
Trên thực tế, sự tư duy theo lối “hoặc là …, hoặc là …” “có, có, không, không”, thì chính là tư duy ngoài thời gian. Như thế là tự đặt mình vào một thứ chốc lát coi như rút ra khỏi thời gian, quan niệm như đứng ngoài sự chuyển biến thời gian. Chống lại cái quan điểm siêu hình cho rằng “hoặc là một sự vật tồn tại, hoặc là nó không tồn tại”, Heraclite đã nói “Mọi sự vật tồn tại và cũng không tồn tại, vì nó chuyển biến”.
Nhà siêu hình học quan niệm sự chuyển biến không phải như sự chuyển biến của mỗi chốc lát ngay trong chốc lát ấy, mà như sự liên tiếp một tràng chốc lát, mỗi cái là bất động trong bản thân nó, vì cái nó kế tục cái kia, kết quả là ông thấy sự vật trong mỗi chốc lát hoặc tồn tại hoặc không tồn tại: không thể nào có cái thứ ba. Đây là nguyên lý không có cái thứ ba. Hegel đã bác bỏ cái nguyên lý siêu hình ấy trong một đoạn, mà Lenin đã tán thành và bổ sung – Lenin dẫn Hegel:
“Người ta nói: Một cái gì đấy hoặc 1, hoặc không –1, không có cái thứ ba. Nhưng trên thực tế, chính là có cái thứ ba trong luận điểm như thế. A chính là cái thứ ba, vì A có thể là A vừa –A” Như thế thì chính A là cái thứ ba, mà người ta muốn gạt bỏ”.
Lenin viết tiếp: “Chí lý và đúng. Bất kỳ sự vật cụ thể nào, bất kỳ một cái gì đấy cụ thể cũng đúng trong những quan hệ đa dạng và nhiều khi là mâu thuẫn với tất cả những cái khác. Do đấy thì nó là bản thân nó và là cái khác” (Bút ký triết học tiếng Nga tr. 123-124).
Như chủ nghĩa xã hội với tư cách bản thân nó, với tư cách một hệ thống, thì là sự phủ định chủ nghĩa tư bản. Nhưng một xã hội xã hội chủ nghĩa cụ thể, một nước xã hội chủ nghĩa, phát triển trong vô số quan hệ với thiên nhiên và với những nước khác. Do những quan hệ như thế, một số yếu tố của xã hội tư sản cũ đã sáp nhập vào hệ thống mới và có vai trò cần thiết cho sự phát triển của hệ thống mới. Tức là cái hệ thống mới xóa bỏ cái hệ thống cũ với tư cách là một hệ thống. Nó xóa bỏ cái cơ cấu thống nhất của hệ thống cũ. Nhưng một số yếu tố của hệ thống cũ được giữ lại trong hệ thống mới., với một hình thái mới, do đấy mà chúng có vai trò tiến bộ và cách mạng trong hệ thống mới. Như thế là chủ nghĩa xã hội “là bản thân nó và là cái khác”, tức là nó sáp nhập trong bản thân nó những yếu tố nào đấy của xã hội cũ, và một số yếu tố như thế trở thành yếu tố của tương lai.
Ví dụ như một số quyền tự do dân chủ của xã hội tư sản, mà ngày xưa quần chúng nhân dân đã giành được do đấu tranh chống phong kiến và tư sản, thì ngày nay vẫn là cần thiết dưới một hình thái mới trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chúng là cần thiết cho sự phát triển số lượng và chất lượng của chủ nghĩa xã hội, đối lập với chủ nghĩa quan liêu tiêu cực, và cuối cùng là cần thiết cho tiến trình chuyển hóa lên chủ nghĩa cộng sản. Cũng như thế, những phương pháp hợp lý hóa tổ chức lao động và quản lý sản xuất, những thành tựu văn hóa khoa học do những người trí thức của thời đại tư sản tạo nên, cũng là có ích và cần thiết cho chủ nghĩa xã hội. Tóm lại sự phủ định chủ nghĩa tư bản trong chủ nghĩa xã hội là gắn liền với sự phủ định, sự phủ định ấy trong sự mâu thuẫn nội bộ của chủ nghĩa xã hội, – chính là sự mâu thuẫn nội bộ này thúc đẩy sự phát triển như thế của sự phủ định chuyển thành phủ định sự phủ định.
Lenin đã đặt cơ sở cho phạm trù trung giới, là sự liên hệ sự phủ định với sự phủ định sự phủ định, khi dẫn và bình luận văn kiện của Hegel như sau:
Lenin dẫn Hegel: “Những cái khác như thế về căn bản không phải là cái phủ định (das Negative / le négatif) trống không, không phải là cái hư vô mà người ta coi như sản phẩm bình thường của sự biện chứng. Nó là cái khác của cái thứ nhất -  cái phủ định của cái trực tiếp (das Negative DES Unmittelbaren, le négatif de l’immédiat). Tức là nó được xác định là cái được trung giới hóa (tôi gạch dưới T.Đ.T) – nó bao hàm đại khái trong nó cái quy định của cái thứ nhất…
Lenin đã cải thiện lời lẽ và nói chính xác hơn:
“Không phải sự phủ định đơn thuần, không phải sự phủ định không có phản chiếu, đã đặc trưng cơ bản trong phép biện chứng – không, đặc trưng cơ bản của phép biện chứng chính là sự phủ định với tư cách là cái khâu liên hệ, cái khâu phát triển, mà vẫn giữ lại cái tích cực” (Lenin, Bút ký triết học, tr 207, tiếng Nga).
Tức là sự vận động biện chứng là sự chuyển hóa từ cái thứ nhất, là cái trực tiếp, lên cái khác, là cái phủ định của cái trực tiếp ấy. Cái phủ định của cái thứ nhất như thế là cái thứ hai, tức lá cái được trung giới hóa, nó vẫn giữ trong nó sự quy định của cái thứ nhất, tức là cái tích cực của cái thứ nhất.
Tác dụng của sự trung giới như thế là làm cho cái thứ nhất chuyển thành cái thứ hai, tức là phủ định cái thứ nhất trong cái thứ hai. Nhưng cái thứ hai, là cái phủ định của cái thứ nhất, thì vẫn giữ lại cái tích cực của cái thứ nhất. Và chính cái tích cực ấy đi vào mâu thuẫn bên trong của cái thứ hai, do đấy thì nó là sự phủ định./sự phủ định thứ nhất.???
Như Marx nói: “Sự sở hữu hóa tư bản chủ nghĩa phù hợp với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa – là sự phủ định thứ nhất, nó phủ định cái quyền tư hữu, tư liệu sản xuất xuất phát từ lao động cá thể độc lập. Nhưng sự sản xuất tư bản chủ nghĩa… lại sinh ra sự phủ định bản thân nó. Đấy là sự phủ định sự phủ định. Nó khôi phục không phải là cái quyền tư hữu của người lao động, mà là cái quyền sở hữu cá nhân của anh dựa vào những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa, là sự hợp tác và vận dụng chung các tư liệu sản xuất kể cả đất đai” (Marx, tư bản, Marx – Engels Werke, tập 23, tr 791).
Nếu chúng ta xuất phát từ xã hội trung cổ thì cơ sở của nó trước hết là quyền tư hữu sản xuất của người tiểu nông và thủ công, dựa trên lao động cá thể độc lập. Đấy là cái thứ nhất, sự sở hữu hóa tư bản chủ nghĩa là cái trung giới phủ định cái thứ nhất ấy: đây là sự phủ định thứ nhất, làm cho cái thứ nhất chuyển lên cái thứ hai, là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, xã hội tư bản như thế là cái được trung giới hóa, tức là cái phủ định (le négatif) của quyền tư hữu dựa trên lao động cá thể độc lập của thời trung cổ, nó phủ định xã hội trung cổ. Nhưng sự phủ định như thế không có nghĩa là thủ tiêu tất cả,  trái lại nó “vẫn giữ lại cái tích cực” của xã hội trung cổ.
Cơ sở của xã hội trung cổ, là quyền tư hữu về tư liệu sản xuất của người lao động cá thể độc lập, như thế là đã bị xóa bỏ. Nhưng trong cái ấy có cái tích cực, là quyền sở hữu cá nhân của người lao động, thì vẫn duy trì ở bề sâu  xa của xã hội tư sản, dù có bị bóc lột theo lối bóc lột thặng dư giá trị. Bằng chứng là nhà tư bản phải tạo nên cái ảo ảnh tựa hồ như tiền công là hoàn lại “giá trị lao động” mà trên thực tế thì nó chỉ hoàn lại giá trị của sức lao động. Tức là về nguyên tắc, nhà tư bản vẫn phải công nhận, dù chỉ là trên lời nói, cái quyền sở hữu cá nhân của người lao động.
Do đấy thì người lao động đòi phải thực hiện nghiêm chỉnh cái lời nói ấy, và sự đấu tranh của anh sáp nhập vào mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sức sản xuất với hình thức tư hữu tư bản chủ nghĩa của sự chiến hữu. Như thế là phát triển đấu tranh giai cấp của quần chúng công nhân chống chủ nghĩa tư bản. Tức là “sự sản xuất tư bản chủ nghĩa lại sinh ra sự phủ định bản thân nó”. Mà vì chính bản thân chủ nghĩa tư bản là sự phủ định cái quyền tư hữu dựa trên lao động cá thể độc lập, nên sự phủ định chủ nghĩa tư bản trong đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân có nghĩa là phủ định sự phủ định thứ nhất. Đây là sự phủ định thứ hai, “nó khôi phục không phải là cái quyền tư hữu của người lao động mà là cái quyền sở hữu cá nhân của anh, dựa vào những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa, là sự hợp tác và vận dụng chung các tư liệu sản xuất, kể cả đất đai”.
Quyền sở hữu cá nhân của người lao động chính là cái tích cực trong quyền tư hữu của người lao động trung cổ, cá thể độc lập chuyển lên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cái tích cực kia vẫn duy trì ở bề sâu xa, vì nó là tích cực, nhưng nó lại bị áp đặt một tầng lớp mơ hồ, do người tư bản chỉ trả tiền công theo giá trị của sức lao động chứ không phải là theo lao động, nhưng vẫn tuyên bố là trả theo lao động. Tức là người tư bản bóc lộc người công nhân bằng cách tạo nên một hình thức thăng bằng mơ hồ giữa tiền công với lao động. Đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm xóa bỏ bóc lột, chính là nhằm khôi phục cái tích cực của thời trung cổ trong điều kiện của sự tập trung sản xuất và xã hội hóa lao động hiện đại, và như thế là xác định mục đích tiến lên chủ nghĩa xã hội: làm theo năng lực hưởng theo lao động, trên cơ sở quyền sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất. Đấy là sự phủ định thứ hai, nó phủ định cái thứ hai là sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, tức là nó phủ định sự phủ định cái thứ nhất và như thế là nó khôi phục cái tích cực của cái thứ nhất (là quyền sở hữu cá nhân của người lao động vẫn duy trì ở bề sâu, nhưng bị tha hóa trong cái thứ hai, tức là nó thúc đẩy cái thứ hai (xã hội tư sản) tiến lên cái thứ ba (xã hội xã hội chủ nghĩa).
Tóm lại, trong sự chuyển hóa từ cái thứ nhất lên cái thứ hai, ví dụ như từ phương thức sản xuất tiểu tư hữu của người lao động trung cổ lên xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, thì cái thứ hai phủ định cái thứ nhất, nhưng cái tích cực của cái thứ nhất (ở đây là quyền sở hữu cá nhân của người lao động) vẫn được duy trì ở bề sâu xa của cái thứ hai, đồng thời nó bị áp đặt lên một hình thái tha hóa tức là nó vẫn bị phủ định, dù không bị thủ tiêu. Cái tích cực của cái thứ nhất bị tha hóa trong cái thứ hai như thế thì đấu tranh chống tha hóa. Nó sáp nhập vào mâu thuẫn cơ bản của cái thứ hai, tức là nó phủ định cái thứ hai. Do đấy thì nó cũng phủ định thứ nhất, tức là nó phủ định sự phủ định (sự tha hóa) cái tích cực của cái thứ nhất trong cái thứ hai, và như thế là nó đưa cái tích cực ấy theo hướng tiến lên cái thứ ba.
Sự trung giới trong sự chuyển hóa từ cái thứ nhất lên cái thứ hai như thế là liên hệ sự phủ định cái thứ nhất với sự phủ định tức là với sự tha hóa cái mặt tích cực của cái thứ nhất trong cái thứ hai, do đấy thì thúc đẩy cái thứ hai chuyển lên cái thứ ba. Nội dung của sự trung giới như thế là thống nhất biện chứng sự phủ định với sự phủ định sự phủ định. Đứng về mặt lôgich thì đấy là cái “tính phủ định thuần túy” hay “cái biến chuyển đơn giản”. Cái tính phủ định (Negativität) thì chính là cái tính vận động biến chuyển của mỗi lát thời gian, do đấy mà “sự vật tồn tại”, “sự vật là bản thân nó và là cái khác” ngay trong mỗi lát thời gian. Sự trung giới với tư cách là tính vận động hay tính phủ định, bao hàm sự phủ định và sự phủ định thì thực hiện sự liên tục trong sự gián đoạn giữa ba hệ thống lịch sử tiếp tục nhau tiến lên, tiêu biểu cho sự vận động đồng nhất của dĩ vàng, hiện tại và tương lai. Do đấy thì sự trung giới chính là bảo đảm sự liên tục trong gián đoạn của sự vận động lịch sử của thiên nhiên, xã hội và con người.
Lenin đã vận dụng phạm trù trung giới, tức là sự phủ định thống nhất với sự phủ định sự phủ định ngay từ buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong quan niệm về chính sách kinh tế mới, cũng như trong quan niệm về cách mạng văn hóa xã hội chủ nghĩa, cuộc cách mạng văn hóa này, trái hẳn với cái gọi là “văn hóa vô sản” (Proletkult), có nhiệm vụ tiếp thu, sáp nhập tất cả nội dung có giá trị của văn hóa truyền thống loài người.
Nhưng sau Lenin, cái nguyên lý trung giới, bao hàm quy luật phủ định sự phủ định, là nguyên lý khái quát của cả quá trình biện chứng toàn diện của sự phát triển lịch sử, đã bị gạt ra ngoài và coi như không có. Tình trạng bỏ quên như thể biểu hiện một quan điểm hoàn toàn trừu tượng về sự phủ định, với cái lối suy nghĩ rập khuôn “hoặc là …, hoặc là …”, do đấy mà sinh ra một tình trạng bóp méo chủ nghĩa Marx theo kiểu siêu hình, sự bóp méo này được đúc thành giáo điều năm 1938 trong cái triết lý chính quy của sự sùng bái cá nhân.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved