Home » » Dạy tác phẩm tùy bút trong trường THPT - Nhìn từ đặc trưng thể loại

Dạy tác phẩm tùy bút trong trường THPT - Nhìn từ đặc trưng thể loại

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 02:10

Dạy tác phẩm tùy bút trong trường THPT - Nhìn từ đặc trưng thể loại

08/09/2010 04:15
Ở trường phổ thông, việc dạy - học các tác phẩm này đã và đang gặp không ít trở ngại, vướng mắc. Bởi trong suốt một quá trình dài trước đó, học sinh chủ yếu được học các tác phẩm văn xuôi thiên về tự sự. Dần dần, cảm xúc và nhận thức của các em đã quen nương theo cốt truyện, hệ thống nhân vật, tình tiết,… Đến khi cần cảm thụ một tác phẩm văn xuôi giàu chất trữ tình, nghĩa là không còn những căn cứ quen thuộc để bám víu, chắc chắn các em gặp lúng túng và mất phương hướng.
1- Trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12 nâng cao được sử dụng đại trà từ năm học 2008-2009, có hai tác phẩm thuộc thể loại tùy bút: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Tác phẩm của Nguyễn Tuân đã có sẵn từ trước, còn tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì mới được đưa vào. Không nghi ngờ gì nữa, đây là hai tác phẩm hay, rất xứng đáng, góp phần tăng cường chất Văn trong nội dung chương trình và đáp ứng mục tiêu giáo dục mĩ cảm cho học sinh.
Nhưng trên thực tế ở trường phổ thông, việc dạy - học các tác phẩm này đã và đang gặp không ít trở ngại, vướng mắc. Bởi trong suốt một quá trình dài trước đó, học sinh chủ yếu được học các tác phẩm văn xuôi thiên về tự sự. Dần dần, cảm xúc và nhận thức của các em đã quen nương theo cốt truyện, hệ thống nhân vật, tình tiết,… Đến khi cần cảm thụ một tác phẩm văn xuôi giàu chất trữ tình, nghĩa là không còn những căn cứ quen thuộc để bám víu, chắc chắn các em gặp lúng túng và mất phương hướng. Bộ công cụ mới được trang bị để mổ xẻ tác phẩm trữ tình (nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, mạch cảm xúc chủ quan; phương thức và giọng điệu trữ tình,…) khó có thể được sử dụng một cách thành thạo ngay được. Hậu quả là, cả người dạy và người học đều ngán những tác gia, tác phẩm tùy bút. Vì không thật sự hứng thú nên việc truyền đạt và tiếp nhận trên lớp học đối với những nội dung này khó lòng đạt được kết quả như mong muốn.
Mặt khác, quan niệm về thể loại và định hướng tiếp cận tác phẩm tùy bút trong Sách Giáo khoa, Sách Giáo viên (đều do Bộ Giáo Dục ấn hành năm 2007) cũng chưa được trình bày một cách thật sáng rõ và nhất quán. Điều bất cập này chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ, gây nên khó khăn trước hết đối với người giáo viên khi chuẩn bị bài giảng. Chúng tôi xin dẫn ra một số điểm chưa hợp lý về vấn đề này, cụ thể như sau:
a- “Bài ký thực chất thuộc thể tùy bút vì hành văn phóng túng, nhân vật chính là cái tôi của tác giả, chất trữ tình rất đậm”(1).
b- “Ai đã đặt tên cho dòng sông? thực chất thuộc thể tùy bút (…). Qua bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? ta thấy nổi bật lên cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường - tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn, say mê cái đẹp của cảnh và người xứ Huế”(2).
c- “Tùy bút thuộc thể ký (…). Tùy theo cái tôi của tác giả mà tuỳ bút có loại thiên về triết lí, có loại thiên về thông tin khoa học (về văn hóa, văn học, lịch sử hay phong tục), có loại thiên về mô tả phong cảnh, v.v… Cũng có loại thuần túy trữ tình(3).
d- Trong tác phẩm Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã “sử dụng thể tùy bút pha bút ký, kết cấu phóng túng, thể hiện đậm nét cái tôi của tác giả”(4).
Rõ ràng, cách trình bày của sách giáo khoa đã làm cho vấn đề trở nên khó hiểu, dễ nhầm lẫn. Làm sao xác định được tính hệ thống, cấp độ của từng thể loại và mối liên hệ giữa tùy bút với ký nếu dựa trên những nhận định tréo ngoe với nhau: “Bài ký thực chất thuộc thể tùy bút” và “Tùy bút thuộc thể ký”? Vậy thì thể loại nào thuộc thể loại nào? Và nếu tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ? “thực chất thuộc thể tùy bút” thì sao không gọi đúng như thế đi, mà lại xếp nó vào thể loại ký?
Cách xác định đặc trưng thể loại của tùy bút trong trích dẫn (c) cũng có điểm chưa thỏa đáng. Các loại tùy bút được liệt kê ra (loại thiên về triết lí, loại thiên về thông tin khoa học, loại thiên về mô tả phong cảnh, loại thuần túy trữ tình) đâu phải chỉ “tùy theo cái tôi của tác giả” (còn chịu sự chi phối của các yếu tố khác như ý đồ sáng tác, đề tài, chủ đề,…). Cách phân định các loại tùy bút cũng chưa nhất quán về tiêu chí: khi thì căn cứ vào đề tài (loại thiên về thông tin khoa học, loại thiên về mô tả phong cảnh), khi thì căn cứ vào cảm hứng sáng tác (loại thiên về triết lý, loại thuần túy trữ tình). Mặt khác, cũng vì quan niệm rằng tùy bút “có loại thuần túy trữ tình” nên các tác giả biên soạn sách đã không dứt khoát xếp Người lái đò sông Đà vào tùy bút, mà cho là “sử dụng thể tùy bút pha bút ký”. Đột ngột đưa ra một thuật ngữ mới về thể loại (bút ký) mà hoàn toàn không có giới thuyết khái niệm hoặc giải thích thêm cho rõ ràng, vô tình có thể dẫn đến cách hiểu máy móc, phiến diện: trong tác phẩm “tùy bút pha bút ký”, phần “thuần túy trữ tình” mới là tùy bút, còn thuật sự, miêu tả thì thuộc về bút ký.
Từ định hướng lý luận có vẻ phức tạp, nhập nhằng về thể loại như thế, phần hướng dẫn giảng dạy và học tập các tác phẩm tùy bút trong Sách giáo viên, Sách giáo khoa đã không tránh khỏi thiên lệch, chưa đảm bảo nguyên tắc cơ bản của việc cảm thụ và bình giá tác phẩm văn chương là phải xuất phát từ đặc trưng thể loại. Những câu hỏi gợi ý để tìm hiểu cái tôi tài hoa, uyên bác của tác giả thường chiếm tỉ lệ lớn hơn (Ví dụ: “Hãy phân tích và chứng minh những phương diện khác nhau của tài nghệ Nguyễn Tuân trong việc mô tả tính chất hung bạo của thác dữ sông Đà. Gợi ý: Trí tưởng tượng phong phú, khả năng quan sát tinh tường của nhà văn… Những liên tưởng so sánh có sức diễn tả chính xác và sắc sảo như thế nào?”; “Hãy cho biết để viết được đoạn văn trích, tác giả phải vận dụng những tri thức của các ngành văn hóa, nghệ thuật nào? Hiệu quả thẩm mỹ đạt được ra sao?”). Phần gợi ý để cảm nhận cái tôi trữ tình, giàu cảm xúc trong tác phẩm chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn. Trong toàn bộ 6 câu hỏi Hướng dẫn học bài sau tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? chỉ có chưa tới 1 câu riêng về chất trữ tình: “Qua đoạn trích, anh (chị) có cảm nhận gì về tấm lòng của tác giả đối với Huế, với dòng sông Hương và có nhận xét như thế nào về phong cách nghệ thuật của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường?”.
Trên cơ sở thực tế vừa phân tích, chúng tôi xin góp thêm ý kiến để làm sáng tỏ vấn đề, cụ thể ở hai phương diện: phân định thể loại đối với tùy bút và hướng tiếp cận các tác phẩm tùy bút căn cứ vào đặc trưng về loại hình của nó.
2- Tùy bút là một thể loại văn xuôi có đóng góp đáng kể vào nền văn học nước nhà, đặc biệt ở thời kỳ hiện đại. Có thể kể ra nhiều tên tuổi lớn thuộc các thế hệ sáng tác khác nhau có tác phẩm thành công ở thể loại này: Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Bình Nguyên Lộc, Vũ Bằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn… Cũng không ai phủ nhận được giá trị văn chương của những tác phẩm tùy bút tiêu biểu như Hà Nội băm sáu phố phường, Sông Đà, Đường chúng ta đi, Dòng kinh quê hương, Thương nhớ mười hai, Ai đã đặt tên cho dòng sông?…Từ góc nhìn văn học sử, hoàn toàn có thể khẳng định rằng thể tùy bút đã có một quá trình hình thành và phát triển với những nét đặc thù về nội dung và nghệ thuật thể hiện, nằm trong quy luật vận động chung của cả nền văn học.
Thực tiễn sáng tác sinh động là thế, nhưng về lý luận thì quả còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ xung quanh thể loại tùy bút. Các nhà nghiên cứu luôn mong muốn có được sự tường minh trong thao tác phân loại, hệ thống hóa. Nhưng đó là một điều hết sức khó khăn và phức tạp vì tính chất trung gian, lưỡng hợp của tùy bút (giữa tự sự với trữ tình, giữa thơ với văn xuôi, giữa yếu tố chủ quan và khách quan…) có thể khiến cho mọi cố gắng để tìm ra sự phân định rạch ròi đều trở nên bất cập hoặc không thỏa đáng. Hậu quả là, mặc dù được công nhận như “một thể loại văn học”(5) nhưng trên thực tế hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu riêng để xác định loại hình và những đặc điểm của tùy bút.
2.1- Trước hết, cần xác định lại cách hiểu hai chữ “tùy bút”. Nếu quan niệm rằng tùy bút chỉ là một lối viết tự do, phóng túng, “tùy theo ngòi bút mà đưa đẩy” thì có phần đúng, nhưng chưa đủ. Tùy bút còn là một thể loại văn xuôi với những đặc điểm nội dung, nghệ thuật đặc thù, có quá trình hình thành và phát triển lâu đời trong nền văn học Việt Nam.  
Trong phần giới thiệu Nguyễn Tuân toàn tập, tập 1, Nguyễn Đăng Mạnh có nêu ra một định nghĩa bao quát được hầu hết những đặc trưng của thể loại: “Tùy bút là gì ? Định nghĩa vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì khái niệm bản thân nó đã tự giải thích: là phóng bút, tùy bút mà viết chứ sao ! Nhưng chính vì thế mà khó.Vậy thì còn có thể nói gì về quy tắc thể loại của nó nữa ? Ở phương Tây hiện đại, tùy bút rất phát triển. Nhưng càng phát triển, khái niệm tùy bút càng mơ hồ hơn. Có người đã nói: “tự do là phép tắc duy nhất của tùy bút”. Có thể hiểu một cách đại khái thế này: người viết tùy bút thường mượn cớ thuật lại một sự kiện, một mẩu chuyện nào đó mà mình có trải qua để nhân đấy nêu lên những vấn đề này khác mà bàn bạc, mà nghị luận, triết luận, ném ra những suy tưởng của mình một cách thoải mái, phóng túng”(6).
Trong quyển Tam diện tùy bút, Trần Thanh Hà cũng đề xuất cách tiếp cận từ cả hai bình diện: đặc trưng thể loại và kiểu bút pháp: “Vậy, tùy bút không chỉ dùng định danh cho một thể loại mà còn bao hàm nhận diện một lối viết mới. Tức là nếu xem tùy bút ở mặt thể loại thì tùy bút có thể hiểu là một thể ký ghi lại một cách tự do cảm nghĩ của người viết, kết hợp với việc phản ánh một tâm cảnh. Còn xem tùy bút về phương diện tính chất thì có thể hiểu đó là một cách viết sáng tạo, mới mẻ dựa trên sự phóng túng tự do của người viết”(7).
2.2- Thể loại vốn là hình thức tồn tại chỉnh thể của tác phẩm, nên không thể quy kết về nó chỉ dựa trên những quan sát đơn lẻ, phiến diện. Tuy vẫn còn dấu vết phái sinh từ ký, nhưng qua quá trình hình thành từ thời trung đại và phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX, tùy bút đã tách hẳn ra thành một thể loại văn học, mang những đặc điểm riêng biệt: “Trong văn học hiện đại, thể tùy bút được dùng để chỉ những tác phẩm viết một cách phóng khoáng, tự do, theo dòng suy nghĩ, liên tưởng của người viết. Tùy bút cũng là ký, là ghi chép, nhưng không chỉ ghi chép sự việc, mà ghi chép suy nghĩ, cảm xúc của người viết khi tiếp xúc với thực tế”(8). Căn cứ vào những đặc điểm nghệ thuật của tùy bút được nêu ra trong ý kiến vừa trích dẫn, sẽ là chưa hợp lý nếu dứt khoát xếp nó vào một trong hai loại: trữ tình hoặc tự sự.
Trong tùy bút cũng có kể chuyện, thuật sự. Nhưng cái mạch chính, ưu trội lên, luôn là trữ tình. Các sự việc, hiện tượng xuất hiện có vẻ bừa bộn, không theo một trật tự lôgic hình thức nào cả. Nhờ dòng cảm xúc, ấn tượng và trường liên tưởng chủ quan của người nghệ sĩ nối kết mọi thứ lại; để rồi từ đó mà toát lên những suy nghiệm sâu sắc về đời sống. Đó là “một sự mạch lạc cao cấp” (Hoàng Ngọc Hiến). Không có cốt truyện, không có tình tiết éo le gay cấn, nên sức hấp dẫn của những trang tùy bút tùy thuộc vào cách thức tác giả bộc lộ thế giới tinh thần chủ quan với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt, những rung động tinh tế cùng những liên tưởng bất ngờ, tài hoa, uyên bác. Cho nên, nếu xếp tùy bút vào cùng hệ thống với các tiểu loại khác của ký thì cũng có nghĩa mặc nhiên thừa nhận sự thất thế của nó khi phản ánh hiện thực trong tính thời sự nóng hổi. Mặt khác, dù đậm đà màu sắc trữ tình, tùy bút vẫn chưa hội đủ các yếu tố để được công nhận là một thể loại văn xuôi thuộc loại hình trữ tình. Bởi theo V.E. Khalizep, trong tác phẩm trữ tình “không có sự tái hiện mở rộng và chi tiết về các sự kiện, hành vi và quan hệ qua lại của con người (…). Như vậy là trong trữ tình, người ta trực tiếp thể hiện yếu tố chủ quan của đời sống con người” và “Tính chất trực tiếp và thẳng thắn của tự biểu cảm là một trong những thuộc tính quan trọng nhất của trữ tình”(9). Trong khi đó, trữ tình ở tác phẩm tùy bút thường ít nhiều có màu sắc gián tiếp, thông qua những biểu hiện sinh động của tự nhiên và đời sống.
Về hiện tượng trung gian giữa các tiểu loại của ký, Trần Đình Sử đã có quan điểm ghi nhận thật xác đáng: “Các cách phân loại nói trên tuy có các ưu điểm khác nhau nhưng đều mang tính tương đối. Bởi vì, trên thực tế, thể loại văn học rất đa dạng, không một lối nào bao quát được trọn vẹn và sít sao. Trước hết là các thể loại trung gian, kết hợp loại này và loại kia, không thể quy hẳn về một loại nào (…). Mặt khác, nhiều thể loại ký quy vào tự sự cũng không thật thích hợp, vì cốt truyện ít phát triển, mà chất trữ tình lại cao”(10).
Cũng trong tác phẩm Dẫn luận nghiên cứu văn học, L.V. Cherets đề nghị xếp những thể loại trung gian như tùy bút vào loại hình tự sự - trữ tình: “Nhiều khi các tác phẩm tự sự về cơ bản bao gồm những đoạn mang tính chất trữ tình: những suy nghĩ mang tính cảm xúc của tác giả xâm nhập vào câu chuyện về các biến cố (…). Văn học đã biết không ít những tác phẩm mà yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình được kết hợp ở mức ngang quyền như nhau. Người ta gọi chúng là những tác phẩm tự sự - trữ tình”(11).
Thực tế văn học Việt Nam thế kỷ XX đã minh chứng cho sự linh hoạt, đa năng của thể loại tùy bút. Nó thích ứng được ở cả thời chiến lẫn thời bình, cả sử thi hoành tráng lẫn thế sự, đời thường; có thể phản ánh hiện thực vừa trong tính thời sự nóng hổi vừa giãi bày những hoài niệm, hồi ức đến từ quá khứ, rồi hướng tới những ước mơ, khát vọng tốt đẹp về tương lai. Rõ ràng, vì có biểu hiện đầy đủ của một thể loại trung gian, mang vẻ đẹp lưỡng hợp, nên xếp tùy bút vào loại hình tự sự - trữ tình xem ra là phù hợp hơn cả.
3- Từ những phân tích ở phần trên, có thể khẳng định rằng quan điểm và cách trình bày của sách giáo khoa về các tác phẩm tùy bút đã có chỗ nhập nhằng, chưa thật nhất quán. Không thể diễn đạt theo kiểu lập lờ, thiếu dứt khoát: “Bài ký thực chất thuộc thể tùy bút”. Bởi tùy bút, mặc dù phái sinh từ ký, nhưng đã tồn tại trong nền văn học với tư cách một thể loại độc lập có đặc điểm nội dung và nghệ thuật rất rõ nét. Mặt khác, là thể loại trung gian, lưỡng hợp, nên trong tùy bút tỉ lệ giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình không phải bất biến mà luôn biến hóa, linh hoạt. Trên cơ sở cái mạch cảm hứng ưu trội lên là trữ tình, yếu tố tự sự có thể đậm nhạt khác nhau ở mỗi tác phẩm, mỗi nhà văn. Tự sự trong tùy bút không chỉ mang ý nghĩa làm nền cho mạch cảm xúc, bản thân nó cũng là một giá trị. Vì thế, cho rằng Nguyễn Tuân viết tác phẩm Người lái đò sông Đà theo thể loại “tùy bút pha bút ký” và có loại tùy bút “thuần túy trữ tình” tức là đã phức tạp hóa vấn đề một cách không cần thiết.
Hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định dứt khoát rằng: Người lái đò sông Đà Ai đã đặt tên cho dòng sông ? là hai tác phẩm tùy bút đặc sắc. Ở trang viết của Nguyễn Tuân yếu tố tự sự có phần đậm nét, nhưng trữ tình vẫn là cốt lõi, quán xuyến toàn bộ mạch cảm xúc, tư tưởng của tác phẩm. Những câu hỏi gợi ý trong phần Hướng dẫn học bài của sách giáo khoa hầu như chỉ nhằm tìm hiểu về nghệ thuật khắc họa hình ảnh sông Đà, hình tượng ông lái đò Lai Châu và nét tài hoa độc đáo, uyên bác của phong cách tùy bút Nguyễn Tuân (Câu hỏi 1: “Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, sông Đà như một nhân vật có hai tính cách mâu thuẫn nhau: hung bạo và trữ tình. Dựa vào cách quan sát và diễn tả đó của nhà văn, có thể chia đoạn văn trích làm mấy phần?...”; Câu hỏi 2: “Hãy chứng minh những phương diện khác nhau của tài nghệ Nguyễn Tuân…”; Câu hỏi 3: “Tác giả đã dùng biện pháp gì để diễn tả…?”; Câu hỏi 4: “Diễn tả vẻ đẹp trữ tình của sông Đà, tác giả đã chuyển giọng văn như thế nào…”; Câu hỏi 5: “Hãy cho biết để viết được đoạn văn trích, tác giả phải vận dụng những tri thức của các ngành văn hóa, nghệ thuật nào. Hiệu quả thẩm mỹ đạt được ra sao?”; Câu hỏi 6: “Qua đoạn trích, anh (chị) có nhận xét gì về đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân?”). Rõ ràng, trong khi cái tôi tài hoa, uyên bác được chú trọng khai thác thì cái tôi dào dạt, tinh tế trong cảm xúc, chân thành gắn bó với đất nước và dân tộc của một nhà văn từng có thời kỳ dài thoát ly cuộc sống, chỉ ham mải miết trong xê dịch… ít nhiều đã bị xem nhẹ.
Giá trị đích thực của tác phẩm văn chương, suy cho cùng, không phải chỉ qua việc phản ánh, khắc họa hiện thực mà còn ở tầm tư tưởng, cảm xúc và những suy nghiệm sâu sắc về con người, về cuộc sống. Cái đẹp của văn tùy bút Nguyễn Tuân thể hiện rõ nét, tập trung ở Người lái đò sông Đà là điều không thể phủ nhận. Nhưng lòng yêu mến thiết tha, thái độ trân trọng chế độ mới, cuộc sống mới và sự thay đổi căn bản trong quan niệm thẩm mỹ mới chính là cái mạch ngầm tư tưởng, cảm xúc có ý nghĩa quyết định đối với công việc sáng tạo của người nghệ sĩ. Cần chú ý khai thác hơn nữa khía cạnh này khi dạy và học tác phẩm, nếu không sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhất quán: định hướng lý luận một đằng, triển khai tiếp cận tác phẩm cụ thể một nẻo.
Với tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? tình hình cũng giống hệt như thế. Trong số 6 câu hỏi hướng dẫn học bài, chỉ có nửa câu đề cập tới chất trữ tình (nửa đầu câu số 6): “Qua đoạn trích, anh (chị) có cảm nhận gì về tấm lòng của tác giả đối với Huế, với dòng sông Hương…”. Khi chuyển hẳn yêu cầu “hình dung như thế nào về nhân vật tôi - người kể chuyện” sang phần Bài tập nâng cao, các tác giả biên soạn sách cũng có cái lý của họ. Nhưng rõ ràng không thể vì phải đảm bảo mức độ, khối lượng kiến thức ở từng đối tượng học sinh mà xem nhẹ đặc trưng thể loại khi tiếp cận tác phẩm văn chương. Vả lại, làm sao xác định được phần Bài tập nâng cao trong Sách nâng cao là để dành cho đối tượng nào? Thế là, một hệ quả không ai mong muốn có thể sẽ xuất hiện: nội dung chương trình càng nặng nề, cồng kềnh hơn khi cố gắng đưa thêm vào những tác phẩm giàu chất trữ tình nhưng lại định hướng khai thác yếu tố ấy một cách sơ lược, không đúng mức.
4- Phải xuất phát từ đặc trưng thể loại, đó là một nguyên tắc cơ bản của quá trình cảm thụ và bình giá các tác phẩm văn chương. Điều này chắc ai cũng biết. Nhưng đảm bảo nguyên tắc ấy xuyên suốt từ khâu biên soạn sách cho đến định hướng tiếp cận và thực tiễn dạy - học với nhiều đối tượng khác nhau ở bậc THPT như hiện nay, quả là không hề đơn giản. Thiết nghĩ, công việc phức tạp này chỉ có thể đạt hiệu quả như mong muốn khi được nhiều người cùng quan tâm và chung tay hành động.
Nếu đã xác định rằng trong tác phẩm tùy bút chất trữ tình bao giờ cũng chiếm ưu thế thì cần phải chú trọng đặt nhiều vấn đề hơn, tạo nhiều tình huống hơn để khơi gợi ở học sinh sự đồng điệu, ngưỡng vọng trước cái tôi giàu cảm xúc, tinh tế, chân thành của người nghệ sĩ. Những tình cảm cao đẹp đối với quê hương đất nước, với tổ tiên ông bà, với gia đình, bè bạn,… chắc chắn sẽ có thêm điều kiện để nảy sinh; góp phần vào việc hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
Công sức và tâm huyết của các tác giả trong Hội đồng biên soạn sách giáo khoa là đáng trân trọng. Do đó, việc nêu ra những điểm chưa hợp lý từ góc nhìn chủ quan của cá nhân không nằm ngoài mục đích góp thêm ý kiến để rộng đường trao đổi, thảo luận; ngõ hầu tìm được tiếng nói chung, vì sự ổn định và phát triển của nền giáo dục nước nhà1
                                                                 Cần Thơ, tháng 02/2009
_____________
(1)  Sách Ngữ Văn 12 nâng cao, tập một, Nxb. Giáo dục, H- 2007, tr.178.
(2)  Sách giáo viên Ngữ Văn 12 nâng cao, tập một, Nxb. Giáo dục, H, 2007, tr.168.
(3) Xem chú thích số 1, tr.159.
(4) Xem chú thích số 2, tr.150.
(5)  Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên): Từ điển văn học bộ mới, Nxb. Thế giới, H, 2004, tr.1888.
(6) Nguyễn Đăng Mạnh (biên soạn và giới thiệu) - Nguyễn Tuân toàn tập, tập 1, Nxb. Văn học, H, 2000, tr.107.
(7) Trần Thanh Hà: Tam diện tùy bút, Nxb. Tri thức, H, 2007, tr.9.
(8) Nguyễn Văn Hạnh: Lý luận văn học, Vấn đề và suy nghĩ, Nxb. Giáo dục, 1998, tr.100.
(9) G.N. Pôxpêlôp (chủ biên): Dẫn luận nghiên cứu văn học - Những người dịch: Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà, Nxb. Giáo dục, H, 1998, tr.198 và 327
(10) Trần Đình Sử: Lý luận văn học tập 2, Nxb. Giáo dục, H, 1997, tr.172.
(11) G.N. Pôxpêlôp (chủ biên), Sđd, tr.348.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved