Home » » Đặng Lê Nguyên Vũ – Kẻ “vĩ cuồng”

Đặng Lê Nguyên Vũ – Kẻ “vĩ cuồng”

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011 | 23:49

Đặng Lê Nguyên Vũ – Kẻ “vĩ cuồng”
LƯU TRỌNG VĂN


    Vũ luôn từ chối các cuộc vui chơi, thậm chí hầu như không bao giờ đi du lịch, vì Vũ luôn than quỹ thời gian ít quá. Vậy mà lần ấy Vũ rủ tôi lên Sapa. Dọc đường thấy cảnh dân chúng còn nghèo nàn, Vũ ứa nước mắt, nói: “Đất đai trù phú vậy, sao lại nghèo? Phải quy hoạch lại, phải có tầm nhìn khác đi, phải đưa công nghệ mới vào thì mới giầu được”. Lên Sapa, rảo mấy vòng, len lỏi vào mấy ngõ ngách, tới cả một số bản người H’mông, 3 giờ sáng hôm sau Vũ dựng tôi dậy chỉ để nhìn đỉnh Fanxipan, rồi kéo tôi lên xe về lại Hà Nội. Sau này tôi mới biết ý định của Vũ lên Sapa, chẳng qua chỉ để xem vị trí của người dân tộc ở Sapa thế nào. Vũ nói: “Họ như kẻ ngoài rìa ở khu du lịch này. Sau này xây dựng “Thiên đường cà phê” em muốn đồng bào dân tộc với không gian văn hóa đặc sắc của họ phải là chủ thể, vì họ chính là hồn, là vía của vùng đất đó”. Tôi hỏi: “Thế Vũ ngắm đỉnh Fanxipan làm gì?”. Vũ nói: “Em muốn nhìn thấy đỉnh cao nhất của đất nước khi mặt trời chưa mọc để cảm nhận hết cái khát vọng vươn lên của đất nước mình”.

   Cuộc gặp mặt của một số nhân vật có tên tuổi trong làng kinh doanh với một số người đẹp đang rất “hào hứng”, Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện. Không chấp nhận những câu chuyện phiếm chỉ để giết thời gian, Vũ “cướp” diễn đàn, say sưa nói về lựa chọn nào cho kinh tế VN phát triển bền vững, về thế mạnh cạnh tranh của VN là gì, về khát vọng đem thương hiệu VN chinh phục thế giời, toàn là những vấn đề vĩ mô cả. Một số “đại gia” đánh bài chuồn, nhưng điều lạ lùng là chính các người đẹp lại tỏ ra thích thú lắng nghe. Một người đẹp thú nhận, chưa bao giờ được nghe những điều như thế, em quá chán ngồi tán dóc về những chuyện ăn gì, mua sắm gì, mua xe gì rồi tự hào vỗ ngực ta là đẳng cấp, ta là nhất rồi. Vũ tranh thủ khuyên các người đẹp, cố lôi cổ các bác “đại gia” kia thoát khỏi cái “giấc mơ con đè nàt cuộc đời con” của mình đi.

    Ở bất cứ đâu Đặng Lê Nguyên Vũ có mặt, Vũ đều tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để lôi kéo mọi người vào những điều mà mình đau đáu, khát vọng như thế.

    Đêm của Vũ rất ngắn, hai, ba giờ sáng Vũ tỉnh dậy điện thoại cho bạn bè của mình chia sẻ những ý tưởng mới, những dự án mới, những điều trăn trở về những nguy cơ đang  đe dọa nền kinh tế nước nhà kéo theo sự bấp bênh của đời sống nhân dân. Có lần cùng đoàn doanh nhân tháp tùng thủ tướng đi thăm Trung Quốc, cả đêm Vũ không ngủ được vì thấy nước người ta phát triển nhanh quá trong khi đó nước mình cứ ì ạch. Sáng ra gặp nhiều thành viên trong đoàn, Vũ hỏi: “Đêm qua các anh ngủ ngon không?”. Mọi người bảo: “Ngủ ngon lắm”. Vũ đau đớn: Là giới tinh hoa của nước nhà tại sao họ có thể ngủ ngon được chứ?

    Bất cứ lúc nào rảnh Vũ chui vào thư viện của mình đọc sách, nghiên cứu tìm hiểu những điều gì làm cho các quốc gia khác phát triển hùng mạnh . Vũ đi tìm hiểu ở nhiều quốc gia tiên tiến xem dân khí của họ ra sao. Vũ đúc kết được rằng, không phải do dân đông, giàu tài nguyên, đất đai rộng lớn, lịch sử lâu dài, mà do các quốc gia ấy có khát vọng vươn lên. Vũ soi rọi lịch sử và hiện tại nước nhà để tìm cho ra, điều gì là cái neo kìm hãm dân tộc. Vũ chính là doanh nhân đầu tiên của VN nhận thức và gọi ra cái tên của cái neo ấy, đó là nền “văn hóa âm tính”. Chính nền “văn hóa âm tính” làm người VN dễ dàng bằng lòng với mình, dễ dàng an phận, dễ dàng chấp nhận số phận, tự ru mình trong những khuôn khổ đạo đức nhỏ, đã là sức ì cơ bản nhất làm đất nước chậm tiến. Chỉ mau chóng cải sửa nền “văn hóa âm tính” ấy, chuyển qua nền “văn hóa dương tính” hừng hực niềm đam mê sáng tạo và khát vọng thì đất nước mới phát triển hùng mạnh được. Hiểu điều ấy, Vũ lên cả một kế hoạch hành động, bắt đầu từ việc khởi xướng diễn đàn “Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” trên báo Thanh Niên, đến hàng chục cuộc đăng đàn diễn thuyết với lớp trẻ, sinh viên về khát vọng lớn. Bằng tất cả nhiệt huyết, nguồn lực kinh tế của mình, Vũ hăng hái lao vào cuộc cổ vũ quyết liệt cho tinh thần sáng tạo. Hơn ai hết Vũ coi sáng tạo và khát vọng là động lực chính cho đất nước cất cánh. Vũ vận đồng truyền thông, vận động các học giả, trí thức cổ vũ cho cuộc đổi mới trong giáo dục, lấy “giáo dục động lực” làm chủ thể.

   Nhà điêu khắc Lê Liên ở Hà Nội không hề ngạc nhiên khi Vũ nhờ ông làm 30 bức tượng các vĩ nhân trên thế giới ở mọi thời đại từ chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học, văn hóa, tôn giáo. Ông bảo: “Anh biết khát vọng cháy bỏng của chú mày cho đất nước mình rồi, chú mày muốn có tượng các vĩ nhân không để trưng, để ngắm, để làm cảnh đâu mà để hàng ngày đối chất chứ gì?”. Vũ gật đầu. Một trí thức ở ẩn khi biết Vũ thường xuyên làm cái việc đối chất với các vĩ nhân đã nói: “Kẻ luôn đối chất với mình chỉ là kẻ  trên tầm thường một chút, còn kẻ dám đối chất với các vĩ nhân là kẻ không tầm thường, là kẻ “vĩ cuồng”,nhưng đất nước đang rất cần những kẻ vĩ cuồng, những kẻ không tầm thường như thế!”. Ông nói thêm: “Tôi hèn, đến đối chất với chính mình mà tôi còn sợ, nhưng tôi biết nếu một dân tộc không có những con người dám đối chất với các vĩ nhân mà cả thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh, thì chẳng bao giờ dám vượt lên chính mình được, chẳng bao giờ có thể hùng mạnh được”. Vũ tâm sự: “Tôi so tôi với các bậc vĩ nhân để tôi luôn biết mình đang ở đâu, đang còn quá nhỏ bé để không bao giờ cho phép mình tự bằng lòng với mình. Tôi đối diện với các vĩ nhân để tôi luôn hỏi “Trước một sự việc, một sự biến khó khăn của đất nước, của nhân loại, tại sao các ngài giải quyết được?”. Tôi đối diện với các vĩ nhân, chăm chăm nhìn ngắm họ, tôi tự hỏi, cởi áo quần ra họ cũng giống tôi thôi, tại sao tôi cứ phải có mặc cảm thua kém họ ?”.

    Đặng Lê Nguyên Vũ  “Vĩ cuồng” ư? Đúng! Nhưng chỉ “vĩ cuồng” cái khát vọng làm sao đất nước Việt trở nên vĩ đại.Háo danh ư? Đúng, nhưng không hề háo danh cho mình mà lúc nào cũng hừng hực háo danh cho dân tộc, cho quốc gia.
    Cuộc đời lăn lộn làm dân của tôi, tôi luôn đau đáu tìm kiếm những con người để tôi đặt niềm tin, để tôi hy vọng cho Tổ quốc. Cái Tổ quốc mà cha tôi yêu và viết câu thơ để đời:
Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ
Vì thương người lắm mới say thơ  
 
  Và nói câu để đời “Ta thà bị lừa còn hơn không tin vào con người”. Cái Tổ quốc mà em trai tôi yêu và giữa tuổi 20 , tuổi đẹp nhất một đời người đã hiến dâng máu mình cho nó. Cái Tổ quốc mà tôi yêu với tất cả trái tim dù là trái tim xơ xác vì có quá nhiều những vết xước thời cuộc. Trong hành trình tìm kiếm đó tôi đã sung sướng tìm ra một con người trong số những con người tôi luôn tin là còn đang lẩn khuất đâu đó nữa, đó là Đặng Lê Nguyên Vũ. Tôi không hề ngượng miệng, không hề sượng ngòi bút khi đưa ra sự thật này. Dù ai đó hoài nghi theo cái lẽ thông thường, rằng: “Chắc là gã Văn này được thằng Vũ ấy cho nhiều lắm đây”. Đúng, Vũ đã cho tôi rất nhiều, trong đó có cái quý giá nhất đó là niềm tin cháy bỏng rằng, nếu chúng ta dám ước mơ lớn, dám khát vọng lớn đưa dân tộc chúng ta lên đỉnh vinh quang của nhân loại, chúng ta có ý chí mãnh liệt thì chúng ta sẽ biết cách thực hiện được nó. Và hơn hết Vũ đã cho tôi thấy những việc Vũ đã làm với tư cách một kẻ “vĩ cuồng” nhất ở thời điểm này của đất nước này để tôi thêm vững niềm tin vào thế hệ trẻ của đất nước.
1. Đương đầu với Tập đoàn đa quốc gia khổng lồ hàng đầu thế giới về cà phê, buộc Tập đoàn ấy phải lùi bước chia lại thị phần cà phê của VN cho doanh nghiệp VN.
2. Quảng bá, cổ vũ hết mình cho Thương hiệu Việt, cho Thương hiệu Nông sản Việt, từng bước đưa thương hiệu Cà phê Trung Nguyên thuần Việt ra với thị trường cà phê thế giới.
3. Cổ vũ cho lớp trẻ Tinh thần khởi nghiệp mới, gắn với khát vọng cho một nước Việt vĩ đại, hùng cường.
4. Có ý tưởng táo bạo chưa từng có, đó là xây sựng thành phố Buôn Ma Thuột thành “Thủ phủ cà phê Toàn cầu” và xây dựng “Thiên đường cà phê Toàn cầu” – một Thiên đường cà phê duy nhất trên thế giới ở Đắk Lắk.
5. Mua lại cả một bảo tàng cà phê thế giới với hơn 15.000 hiện vật quý giá của Đức để làm tài sản văn hóa cho VN, từ đó xây dựng Bảo tàng Cà phê thế giới độc đáo nhất ở VN.
6. Xây dựng cả một học thuyết mới có tên là “Học thuyết cà phê” mà nội dung cốt lõi của nó  là sự sáng tạo và liên kết sức mạnh nhân văn toàn cầu, vận động các trường đại học trên thế giới ủng hộ nó và cùng biến nó thành giáo trình cho sự thành công của bất cứ ai trong thời đại khủng hoảng toàn cầu hiện nay.
7. Đầu tư mọi nguồn lực để kêu gọi, tập hợp các chuyên gia kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học của VN cũng như thế giới, trong đó có cả các chiến lược gia kinh tế hàng đầu thế giới như Tom Cannon, Peter Tinmer để xây dựng kịch bản cho con đường phát triển bền vững cho VN, cũng như kịch bản cho ngành cà phê thế giới.
8. Bay qua Brazil – đất nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giời, vận động các nhà kinh doanh cà phê Brazil rồi gặp gỡ các nghị sĩ,các chính khách Brazil, các nhà hoạt động kinh tế Inđonexia thuyết phục họ cùng liên kết với VN – đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, để tạo sức mạnh đòi lại sự công bằng cho hàng chục triệu người dân trồng cà phê.
9. Đem hết sức mình, kiên trì vận động các chính khách,các nhà kỹ nghệ Israel để giúp VN công nghệ tưới tiêu bảo vệ nguồn nước cho Tây Nguyên. Liên kết với các Tập đoàn của Nauy để hỗ trợ kỹ thuật phân bón hữu cơ tốt nhất cho cây trồng và đất trồng, có thể nhanh chóng đẩy năng suất cây trồng lên hơn 30%.
10. Tập hợp các chuyên gia về đối ngoại, lập ra đề án “Ngoại giao văn hóa”, “Ngoại giao xanh” gửi lên Bộ Ngoại giao. Vận động Bộ Ngoại giao ủng hộ và biến nó thành hiện thực để đất nước có thêm nhiều bè bạn.
11. Đưa ra luận thuyết đảo chiều tư duy, biến quyền lực khổng lồ nước ngoài nào đó đang đè lên đất nước mình thành cái đế, cái bệ đỡ để VN cất cánh.

  
12. Đưa ra lý luận chiến lược, một nước có nền kinh tế nhỏ như Việt Nam nếu biết vận dụng kinh nghiệm và bài học thành công của Chiến tranh Nhân dân trong chiến tranh tạo nên thế trận Chiến tranh Nhân dân trong thời bình thì có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các thế lực kinh tế hùng mạnh của các cường quốc.Lý luận này được đại tướng Võ Nguyên Gíap và nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ủng hộ.
  13. Không ngừng lại ở những vấn đề quốc gia, Vũ còn vận động cả “Quỹ Hòa bình quốc tế” – một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới ủng hộ đề án “Phát triển bền vững toàn cầu ”với cốt lõi là Năng lượng tri thức sáng tạo, tri thức xanh và ngọn cờ của chủ nghĩa nhân văn.Và đã được Ban lãnh đạo của Qũy nhiệt thành đón nhận.

         Bất cứ  ai công tâm chắc sẽ không thể phủ nhận được những gì Đặng Lê Nguyên Vũ đã lăn xả, đã hiến dâng vì sự nghiệp chung của quốc gia.
      Một con người như thế của đất nước ở thời đại đang quá thiếu vắng những anh hùng, trớ trêu thay, bi kịch thay lại đang bị tổn thương, đang bị không ít kẻ hẹp hòi, đố kỵ, chĩa đòn roi tấn công không thương tiếc vì những điều ai đó đã cố tình dựng lên. Với lương tâm công dân của mình tôi xin được lên tiếng để làm cái việc rõ ràng, minh bạch đó là bảo vệ Vũ, bảo vệ tư tưởng của Vũ, bảo vệ khát vọng vì một nước Việt hùng cường của Vũ, bảo vệ những giấc mơ tưởng chừng như điên rồ của Vũ nhưng đang từng bước được Vũ biến thành hiện thực. Tôi xin bảo vệ, như người lính sẵn sàng ra chiến trường để bảo vệ những giá trị cao quý của dân tộc.

  Những anh hùng vẻ vang của các cuộc chiến tranh, đất nước ta có quá nhiều, nhưng chiến tranh chỉ là lát cắt của lịch sử và cái đích của nó cũng chỉ vì sự phát triển thịnh vượng muôn đời. Các quốc gia phát triển luôn ý thức được điều đó, vì vậy họ có những anh hùng làm nên niềm tự hào, làm nên sức mạnh dân tộc mình, như nước Nhật có Toyota, Sony, nước Hàn có Sam Sung, LG, Hoa Kỳ có Microsoft vv… Trong khi đó đất nước ta thì chưa có ai. Vì sao vậy? Phải chăng vì chính những mầm mống của nó đang còn phải chịu cái số phận chỉ là những đứa con ghẻ ,đang còn phải chịu biết bao búa rìu của những kẻ có tầm nhìn hạn hẹp, của sự đố kỵ, của những xâu xé lợi ích cục bộ, ích kỷ?

     Với tư cách một công dân yêu đất nước mình, tôi kêu gọi những ai đang đau đáu với khát vọng vinh quang cho dân tộc – một dân tộc phải đổ nhiều xương máu nhất cho sự vẹn toàn bờ cõi, cho sự bình yên bầu trời, hãy có chính kiến của mình, hãy lên tiếng của mình không phải chỉ vì một trường hợp cá nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, mà trước hết, trên hết vì đại cục.
     Một đại cục, mà một quốc gia muốn phát triển phải có những con người có khát vọng lớn, phải có những thương hiệu hàng hóa lớn, phải có đội quân doanh nhân là chủ lực và được đặt ở vị trí, vai trò của lịch sử. Một đại cục, ở đó bất cứ ai có ý tưởng mới, lớn lao, đầy khát vọng cao đẹp sẽ được cả dân tộc chung tay biến thành hiện thực. Một đại cục mà mỗi thương hiệu quốc gia làm nên sự phát triển quốc gia  phải được bảo vệ như tài sản vô giá của cả quốc gia.

    Đặng Lê Nguyên Vũ tự nhận biết về mình và tự nhận rằng mình đang rất cô đơn – Đó là số phận của kẻ muốn vượt lên chính mình, luôn phải chấp nhận. Nhưng tôi không tin Vũ sẽ mãi mãi cô đơn khi đất nước đang hình thành, đang xuất hiện một lớp trẻ đông đảo cũng có tầm nhìn, cũng có đầy khát vọng như Vũ, họ đang và sẽ tình nguyện đứng bên Vũ, sát cánh với Vũ, tin tưởng ở Vũ.

         “Có niềm tin rồi sẽ có tất cả” đó là câu nói mà Vũ thường tâm niệm.
TÀI NĂNG ĐÃ ĐẾN HỒI ĐẮC DỤNG ?
TÂM HUYỀN

Dư luận bỗng dưng xôn xao lên về một cuốn sách. Thật là một trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, “Tài năng và đắc dụng” không phải tiểu thuyết phản ánh hiện thực nóng bỏng hay mang dấu vết của bất kỳ hot girl hoặc hot boy gì. “Tài năng và đắc dụng” do NXB Chính Trị Quốc Gia ấn hành với chủ trương “nghiên cứu về một số nhân tài tiêu biểu ở Việt Nam và nước ngoài”, ấn hành từ năm 2008 và ngỡ đã chìm vào lãng quên. Bất ngờ cuốn sách không mấy thuyết phục về bút pháp và văn phong ấy được ( hay bị?) mở lại và khiến công chúng một phen ngỡ ngàng, khi chứng kiến một sự thật đáng giật mình: doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ bỗng dưng được có mặt trong cuốn sách này bên cạnh 13 vĩ nhân tự cổ chí kim. Chưa hết, sự biểu dương dành cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ tới 41 trang, còn những tên tuổi lừng lẫy khác chỉ đề cập với dung lượng khiêm tốn hơn. Ví dụ, Đào Duy Từ 6 trang, Nguyễn Trãi 10 trang, Trần Quốc Tuấn 15 trang, Hồ Chí Minh 25 trang.

Để hiểu rõ thêm “Tài năng và đắc dụng” không thể không nhìn vào những người biên soạn. Ngay trang đầu cuốn sách liệt kê các tác giả, gồm: GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương, PGS –TS Phạm Hồng Tung, TS Nguyễn Hoàng Hải, ThS Đinh Thị Thúy Hiền, TS Lê Thị Lan, CN Nguyễn Ngọc Thắng, CN Phạm Minh Thế, CN Đặng Lê Nguyên Vũ. Phải chăng, có một cử nhân nào đó trùng danh xưng với... ông chủ cà phê Trung Nguyên? Không, chính trong “Tài năng và đắc dụng” thì Đặng Lê Nguyên Vũ cũng có kể bản thân từng học ĐH Y Tây Nguyên. Mặt khác, những người có trách nhiệm cấp giấy phép cũng khẳng định “Đặng Lê Nguyên Vũ tham gia vào biên soạn cuốn sách bởi vì phải tự thuật lại cuộc đời của mình”. Như vậy, chính xác “CN Đặng Lê Nguyên Vũ” góp phần thực hiện “Tài năng và đắc dụng” với doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ là... một người.

Với 41 trang trong “Tài năng và đắc dụng”, phần về ông chủ cà phê Trung Nguyên khá công phu, có tiêu đề “Đặng Lê Nguyên Vũ một doanh nhân thành đạt thời kỳ đổi mới” kèm theo chú thích “phác họa chân dung tự thuật”, đượcphân chia bài bản như “Thông tin cơ bản”, “Các giải thưởng đạt được”, “Thuở thiếu thời”, “Giai đoạn hành động”, “Bắt đầu khởi nghiệp”, “Trưởng thành”, “Bước phát triển”, “Trăn trở và hành động vì vị thế Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa”... Nghĩa là, ông chủ cà phê Trung Nguyên thích viết ra sao về mình thì viết mà không hề có sự phản biện cho phù hợp với nguyên tắc khoa học cơ bản. Chẳng hạn, khi Đặng Lê Nguyên Vũ viết: “Tôi đọc Lưu Trọng Lư khi còn đi học và bị ám ảnh suốt bởi những câu ông nói về giới hạn của cuộc sống” thì ít nhất hội đồng khoa học phải thắc mắc đó là những câu thơ hay câu văn nào của thi sĩ “Tiếng thu” cho hợp lẽ phản biện cần thiết của một công trình nghiên cứu chứ. Ai dè độc giả không có diễm phúc được hiểu cái sự “ám ảnh suốt” kia hình dáng kỳ vĩ như thế nào! Ngoài ra, người trực tiếp biên tập để cấp giấy phép cho “Tài năng và đắc dụng” muốn lược bỏ 18 trang, nhưng gặp trở ngại vì “tâm huyết của ông Vũ và ông Vũ tha thiết muốn được giữ lại phần này”. Xem ra, muốn nghiên cứu về nhân tài tiêu biểu thì cách làm cũng... tiêu biểu?

Phải thừa nhận, những gì Đặng Lê Nguyên Vũ viết về bản thân cũng tương đối lâm ly. Nhiều đoạn cũng có vẻ cao giọng triết lý rất đáng nể. Thế nhưng, sự hùng hổ ngôn từ không hẳn bao giờ cũng đồng thuận với chiều sâu suy nghĩ và chiều cao tư tưởng. Từ cái quán cà phê đầu tiên xuất hiện tại TPHCM vào năm 1998 đến nay, vẫn chưa đủ đảm bảo cho Đặng Lê Nguyên Vũ được xếp chung với những nhân tài trong lĩnh vực kinh tế - kinh doanh mà “Tài năng và đắc dụng” tôn vinh như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi và Bill Gates. Nhân đây, cũng nên có sự so sánh đôi chút giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và vài doanh nhân khác không có may mắn hiện diện trong “Tài năng và đắc dụng”. Về tài chính công khai, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn còn đứng sau những đại gia như Đoàn Nguyên Đức, Đặng Thành Tâm, Phạm Nhật Vượng... Về quảng bá sản phẩm, Tập đoàn Trung Nguyên ít sức lan tỏa hơn Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Về chuyển nhượng thương hiệu, Đặng Lê Nguyên Vũ không có phương pháp quản lý hiệu quả bằng Phở 24 của Lý Quý Trung.

Như vậy, đưa Đặng Lê Nguyên Vũ vào cuốn “Tài năng và đắc dụng” với 41 trang tự thuật sôi nổi, có phải những người biên soạn có lòng tốt muốn giúp người Việt Nam xóa đi mặc cảm đang sống trong một thời đại vắng bóng thiên tài? Câu hỏi nghe mới ngập ngừng và xót xa làm sao! Câu trả lời có lẽ còn ngượng ngừng và đắng cay gấp bội!

                                       Sài Gòn, 5-2011
Đặng Lê Nguyên Vũ tự bạch về Tài năng và đắc dụng
Thứ tư, 01/06/2011 17:50
Đặng Lê Nguyên Vũ tự bạch về "Tài năng và đắc dụng"
Tác giả: Đặng Lê Nguyên Vũ
Bài đã được xuất bản.: 01/06/2011 05:00 GMT+7

Sự tranh luận vừa qua rõ ràng là tốt cho bản thân tôi, cho Trung Nguyên, và phần nào là cho sự phát triển của xã hội ta nói chung. Bởi theo tôi, một xã hội văn minh là một xã hội luôn có được sự phản biện tích cực, cùng hướng đến một cơ cấu kinh tế và pháp luật hiệu quả, với một nền tảng khoa học và công nghệ ngày càng cao.
LTS: Cách đây ít lâu, trên các trang báo điện tử, trang mạng cá nhân có cuộc tranh luận hết sức sôi nổi về cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" của Nhà XB Chính trị Quốc gia, đặc biệt là sự xuất hiện gương mặt Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn cafe Trung Nguyên bên cạnh 13 chân dung là các lãnh tụ, các nhân vật lịch sử, các nhà tư bản lơn của VN và thế giới. Mới đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ gửi cho Tuần Việt Nam một bài viết, đúng hơn là một lá thư tự bạch về cuốn sách.
Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam chúng tôi xin đăng tải lá thư này
Kính gửi quý bạn đọc gần xa!
Vào ngày 10 tháng 05, báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng tải bài báo nhan đề "Sách về nhân tài- Choáng!" của Minh An. Bài viết phản ánh những nhận định theo hướng phê phán của tác giả về nội dung cuốn sách có tựa "Tài năng và đắc dụng" do Nhà XB Chính trị Quốc gia xuất bản, đặc biệt là sự xuất hiện của tôi- Đặng Lê Nguyên Vũ- trong cuốn sách này.
Sau đó, trên hàng loạt các báo giấy và nhất là trên các trang mạng internet đã nổ ra những cuộc tranh luận với rất nhiều ý kiến đa chiều hướng đến cá nhân ĐLNV, cũng như Tập đoàn cafe Trung Nguyên một cách sôi nổi. Thậm chí có nơi, có chỗ các ý kiến tranh luận hết sức mạnh mẽ và gay gắt. Đây là lúc tôi, với cả tư cách cá nhân là người trong cuộc, lẫn tư cách người đại diện Trung Nguyên xin được bầy tỏ ý kiến.
Một lần nữa, tôi phải khẳng định rằng mình không hề cung cấp về tài chính cũng như không can thiệp về mặt nội dung trình bày, mà chỉ cung cấp thông tin đầu vào cho một công trình nghiên cứu khoa học. Chúng tôi hoàn toàn không kiểm soát được kết quả đầu ra đối với công chúng. Cuốn sách đã là "khởi nguồn" cho làn sóng các ý kiến phản biện.
Nhưng trên hết, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành trước mọi ý kiến dù ủng hộ hay phản đối, khen hay chê, thương hay ghét của bạn bè, cũng như bạn đọc gần xa đến cá nhân tôi và Trung Nguyên.
Một con người lành mạnh là một con người biết lắng nghe mọi ý kiến góp ý. Một tổ chức lành mạnh là một tổ chức mà các chính kiến được trao đổi thẳng thắn. Một xã hội lành mạnh là một xã hội mà ở đó có sự tự do phản biện để cùng sửa cái sai, vun trồng cái đúng.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn cafe Trung Nguyên

Như vậy thì sự tranh luận vừa qua rõ ràng là tốt cho bản thân tôi, cho Trung Nguyên, và phần nào là cho sự phát triển của xã hội ta nói chung. Bởi theo tôi, một xã hội văn minh là một xã hội luôn có được sự phản biện tích cực, cùng hướng đến một cơ cấu kinh tế và pháp luật hiệu quả, với một nền tảng khoa học và công nghệ ngày càng cao.
Chúng tôi càng ý thức hơn rằng các quan điểm và ý kiến của mọi người, dù dưới những biểu hiện tiêu cực nhất của trách móc, phê phán, gán ghép,... đều nhằm đả phá những thói xấu, những cái tiêu cực chứ không phải là dành cho một cá nhân cụ thể là tôi.
Đúng là để có một xã hội tốt, chúng ta phải chống lại "sự tự mãn và háo danh vô lối", "quyền lực vô độ của đồng tiền - có tiền mua tiên cũng được", "vừa thiếu thực tiễn vừa thiếu khoa học trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu",... đều là những vấn đề nhức nhối mà xã hội cần lên án, phải đấu tranh.
Hơn thế, phản biện có văn hóa hay văn hóa của phản biện là vô cùng quan trọng. Có lẽ sẽ là quá định kiến nếu chúng ta cứ mặc định rằng có khát vọng là háo danh, cứ có nhiều tiền là xấu, cứ có học hàm - học vị thì chỉ là hình thức, mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền.
Trong văn hóa phản biện thì tính mục đích của phản biện là quyết định nhất. Chúng ta đang thực sự lên tiếng để chống lại cái gì đây? Chống cái đó để xây nên cái gì, để chúng ta cùng đi đến đâu đây, cuối cùng là chúng ta muốn điều gì xảy ra ở đây?

Bìa cuốn sách Tài năng và đắc dụng

Xin được nêu rằng mục đích của chúng ta cần là phải hoàn thiện bản thân, đoàn kết dân tộc, bảo vệ đất nước, phát triển xã hội, xây dựng vị thế xứng tầm cho Việt Nam trong thế giới cạnh tranh toàn cầu hóa hiện nay. Ngoài ra, đâu còn mục đích nào xứng đáng và tốt đẹp hơn để chúng ta dành thời gian và tâm sức phản biện, phải không các bạn?
Một cá nhân, cũng như một tổ chức hay một quốc gia sẽ không là gì cả nếu không có khát vọng vươn lên đối mặt và chinh phục thử thách. Thử hỏi mọi thành công ở mọi cấp độ tự cổ chí kim đến nay có thành công nào không bắt đầu từ khát vọng.
Khát vọng đó cần được chúng ta khuyến khích và nuôi dưỡng cho một tương lai ngày một tốt đẹp hơn chứ không phải là bó gọn trong những khuôn mẫu của quá khứ. Vậy thì có khát vọng cá nhân nào lại có thể nằm ngoài và không phụng sự cho lợi ích của quốc gia và dân tộc?
Có khát vọng nào được nằm ngoài những thử thách mà quốc gia và dân tộc mình phải đối diện trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa hiện nay, trong bối cảnh mà "biên giới mềm" của hàng hóa và văn hóa ngày càng trở nên quan trọng?
Chúng ta đã thấy những giai đoạn được coi là phát triển thần kỳ về kinh tế và văn hóa của Nhật Bản vào những năm 60, của 4 con Rồng châu Á vào những năm 70-80, giờ đây là Trung Quốc, Ấn Độ, những người khổng lồ rất gần gũi với Việt Nam. Câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta là đến bao giờ thì Việt Nam có một giai đoạn cất cánh thần kỳ như vậy?
Hay là chúng ta chấp nhận là sẽ không bao giờ? Hay đó là việc làm của các bậc vĩ nhân nào đó chứ không phải "thường nhân" như chúng ta. Người Nhật, người Hàn, người Singapore, người Trung Quốc, người Ấn Độ,... cùng làm được mà sao chúng ta không thể?
Nhìn rộng hơn trên bản đồ thế giới, Israel, các quốc gia Bắc Âu, New Zealand... cũng là các quốc gia không có lợi thế lớn về mặt quy mô lãnh thổ và dân số, điều kiện tự nhiên so với Việt Nam... nhưng trình độ phát triển luôn khiến cả thế giới phải khâm phục.

Cá nhân tôi và Trung Nguyên dù có trăn trở, nỗ lực và thành tựu đến đâu cũng là rất nhỏ bé so với khát khao vượt qua thách thức lớn - thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, và giá trị Việt Nam. Nhưng chúng tôi tin rằng, từ những cá nhân, tổ chức, sản phẩm nhỏ bé mang trong mình khát vọng lớn đó, chúng ta sẽ cùng tạo nên được một Việt Nam phát triển một cách thần kỳ và bền vững trong một tương lai không xa.
Một lần nữa, xin chân thành cám ơn sự góp ý, trao đổi thẳng thắn của quý anh em, bạn đọc gần xa!

Lùi xa hơn nữa trong lịch sử cận đại ta có Hà Lan với diện tích rất nhỏ, dân số trên dưới 1 triệu người, mà đã từng kiểm soát phần lớn thương mại toàn cầu, có thuộc địa ở khắp 5 châu,... Bất cứ quốc gia dù nhỏ bé hay yếu thế đến đâu nếu có khát vọng thì đều có thể làm nên những điều phi thường.
Nếu không dám có hùng tâm mà tranh đua, thì hẳn là chúng ta đã đương nhiên cam phận mà đầu hàng trước một cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa. Vị thế của Việt Nam sẽ ở đâu? Một khi biên giới mềm của hàng hóa và văn hóa không còn thì lấy gì để bảo đảm rằng những biên giới truyền thống của không gian, của biển đảo, của đất liền có thể còn nguyên vẹn cho chúng ta và con cháu sau này?
Cạnh tranh để phát triển trong toàn cầu hóa là một cuộc chiến thật sự khốc liệt. Thử thách càng lớn, đòi hỏi chúng ta càng phải đoàn kết hướng ra đua tranh với bên ngoài chứ không phải quay vào bên trong mà bình luận và phê phán lẫn nhau.
Toàn cầu hóa là một thử thách đối với trí tuệ, bản lĩnh và giá trị Việt Nam. Hoặc là chúng ta "tạo lực, mượn thế" được toàn cầu. Hoặc là trở thành đối tượng để toàn cầu tận khai tận dụng, nhất là các "gã lớn, kẻ mạnh" chỉ dành cho chúng ta những vị trí thật thấp hoặc thậm chí là không có trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trí tuệ Việt Nam phải đủ sáng và đủ tỉnh để nhận diện được các dòng chảy lớn của thời đại. Để không mắc sai lầm về mặt chiến lược đi theo các mô hình phát triển cũ thiên về vật chất mà thiếu tính bền vững trong tổng thể với văn hóa và môi trường. Không đi theo quyền lực cứng đã suy yếu về hiệu lực và ngày càng trở nên nguy hiểm để phát triển theo quyền lực mềm - quyền lực thông minh.
Bản lĩnh Việt Nam phải thể hiện được khả năng thực thi để đưa đất nước phát triển xứng tầm, đóng góp vào những phân đoạn quan trọng và có giá trị cao trong chuỗi giá trị của nền kinh tế mới, không rơi vào cuộc chơi được - mất, thắng - thua của bất cứ các thế lực bá quyền nào.
Khi đó, chúng ta có thể từng bước đóng góp những giá trị của Việt Nam vào sự phát triển của thế giới, đó có thể là giá trị nhân văn, tính sáng tạo, an ninh lương thực,...
Cá nhân tôi và Trung Nguyên dù có trăn trở, nỗ lực và thành tựu đến đâu cũng là rất nhỏ bé so với khát khao vượt qua thách thức lớn - thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, và giá trị Việt Nam. Nhưng chúng tôi tin rằng, từ những cá nhân, tổ chức, sản phẩm nhỏ bé mang trong mình khát vọng lớn đó, chúng ta sẽ cùng tạo nên được một Việt Nam phát triển một cách thần kỳ và bền vững trong một tương lai không xa.
Một lần nữa, xin chân thành cám ơn sự góp ý, trao đổi thẳng thắn của quý anh em, bạn đọc gần xa!
hoaivu
06-01-2011, 01:54 PM
- Những ngày qua, cuốn sách "Nhân tài và đắc dụng" của GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) và PGS.TS Phạm Hồng Tung (ĐHQGHN) chủ biên (do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản), đã dấy lên một làn sóng dư luận về sự bất hợp lý trong cách lựa chọn các nhân vật điển hình. Cuốn sách đã xếp TGĐ cà phê Trung - ông Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cạnh nhiều vĩ nhân Việt Nam và thế giới như Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh, Bill Gate, Albert Einstei…
Sau cả tháng bới tung tư liệu, Báo Giáo dục Việt Nam đã có một phát hiện sửng sốt: Cuốn sách được coi là nhánh của công trình khoa học cấp Nhà nước này đã đạo văn hàng chục trang.

Cái mác khoa học to đùng

http://giaoduc.net.vn/images/stories/2011/06/01/tainangvadacdung%202.jpg
Nếu chỉ đọc lời mở đầu cuốn sách in cũng như phần giới thiệu trên trang web của Nhà xuất bản chính trị Quốc gia – Sự thật, thì công trình nghiên cứu này quả là hết sức nghiêm túc và nặng ký: “Cuốn sách là công trình khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới thuộc các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế, kinh doanh; khoa học và công nghệ. Qua đó, làm sáng tỏ về con đường hình thành và bộc lộ tài năng, quá trình phát triển nhân cách tài năng và việc tài năng của các cá nhân đó được sử dụng như thế nào…”

Tưởng như, việc đưa vào cuốn sách rất nhiều danh nhân đã và đang trở thành một phần của lịch sử của đất nước và nhân loại (Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh, Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Chulalongkorn, Albert Einstein, Thomas Alva Edison, Bill Gates) dường như đã chứng tỏ tham vọng và tính nghiêm túc của công trình này.

Nhưng không phải, giữa những nhân vật lẫy lừng đó, lại có sự xuất hiện đến khó hiểu của doanh nhân trẻ tuổi Đặng Lê Nguyên Vũ. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì sóng gió về cuốn sách cũng có thể chìm lắng, dù dư luận hết sức bất bình.

Copy trắng trợn

Cuốn "Nhân tài và đắc dụng", được chia ra làm 3 phần, phần 1, giới thiệu nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý (gồm 5 nhân vật); phần 2, giới thiệu nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (gồm 4 nhân vật); phần 3 giới thiệu nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh (gồm 5 nhân vật).

Cuốn sách này chính là một công trình nhánh của một công trình khoa học cấp nhà nước. Và như vậy, tính khoa học phải rất cao. Hơn nữa, để phân tích cho được quá trình hình thành và phát triển nhân cách tài năng, sự nghiệp của những nhân vật góp phần thay đổi lịch sử đất nước và thế giới, chắc chắn đòi hỏi những nghiên cứu công phu, nghiêm túc và những phát hiện khoa học đáng kể.

Tuy nhiên, trong số 4 bài viết nhân vật tiêu biểu trên thế giới, nếu ai hay đọc sách báo đều có thể nhận ra, có đến 3 bài viết nhiều đoạn coppy nguyên văn từng câu từng chữ. Đặc biệt, bài viết về nhà vật lý học được tổng hợp từ chương 1, chương 2 của cuốn sách "Vũ trụ trong một vỏ hạt" của tác giả Stephen Hawking được dịch ra tiếng Việt bởi dịch giả Dạ Trạch, xuất bản tại Việt Nam năm 2001 và bài viết về doanh nhân tài ba Bill Gates được tổng hợp từ loạt bài “Bill Gates - đằng sau một ngai vàng”.

Đó là 10 trang (từ trang 126 đến trang 135) của “tài năng và đắc dụng” giống y hệt bài viết trong cuốn "Vũ trụ trong một vỏ hạt" (do tác giả Dạ Trạch dịch cách đây 8 năm đã được đưa lên mạng internet). Suốt 10 trang này, tác giả “tài năng và đắc dụng” chỉ viết khác cuốn sách dịch kia ở vài chữ như ête và ê-te, "giả thiết" và "định đề" và một số từ bị cắt bớt trong chương 1 cuốn sách “Vũ trụ trong một vỏ hạt”.

Chưa hết, trang 134 đến trang 136 trong cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" cũng coppy nguyên bản trong chương 1 của cuốn sách "Vũ trụ trong một vỏ hạt" trang 19-20-21.
Còn một số đoạn khác cũng được chép nguyên văn, không thay đổi từ một dấu chấm câu, trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể đưa ra hết được. Chỉ có thể nhận xét rằng, cả bài viết về Albert Einstein trong cuốn sách "Nhân tài và đắc dụng" đều tổng hợp và cắt gọt từ trong chương 1, chương 2 của cuốn sách "Vũ trụ trong một vỏ hạt".

Bấm vào đây Xem những đoạn đạo văn của “Tài năng và đắc dụng” (http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/index.php?option=com_content&view=article&id=3590&Itemid=55)

Công trình nghiên cứu về Bill Gates: Báo Tuổi trẻ “nghiên cứu” hộ

Mục Nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh của “Tài năng và đắc dụng”, phần nghiên cứu về nhân vật Bill Gates, cũng chỉ là việc trích toàn bộ các bài báo đã đăng trên báo Tuổi trẻ (Đó là loạt bài "Bill Gates - Đằng sau một ngai vàng" do nhóm FIRST NEWS biên dịch được đăng trên báo Tuổi trẻ vào năm 2004. Sau loạt bài này, cuốn sách "Đằng sau một ngai vàng - Những âm mưu hủy diệt Bill Gates" đã được Nhà xuất bản Trẻ phát hành). Tức là, nếu có tí chút giá trị nghiên cứu nào đó, thì nó thuộc công sức của Báo Tuổi trẻ chứ không phải của hai tác giả cuốn sách..


http://giaoduc.net.vn/images/stories/2011/06/01/tainangvadacdung%201.jpg
Phần giới thiệu về cuốn sách trên trang web của Nhà xuất bản chính trị
Quốc gia – Sự thật


Trong bài viết: "Bill Gates, biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức" của “Tài năng và đắc dụng”, từ trang 291 đến trang 293 hoàn toàn giống bài 4 của loạt bài "Bill Gates - Đằng sau một ngai vàng" đăng trên trang web: http://tuoitre.vn/The-gioi/Ho-so/55536/Bill-Gates---dang-sau-mot-ngai-vang-ky-4-Duoi-theo-uoc-mo.html:

Ngay cả phần "Từ thiện" ở mục 5 của cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" cũng hầu như được chép lại nguyên trong bài "Tiểu sử Chủ tịch tập đoàn Microsoft" đăng tải trên trang web Vietbao.vn ngày 25/3/2006 (lấy lại từ Microsoft Việt Nam), chỉ rút gọn lại ở một số câu từ và chỉ khác có 2 số liệu là số tiền được quyên góp làm từ thiện của vợ chồng Bill Gates.

Khoa học là nghệ thuật trích dẫn và cắt cúp?

Trong phần cuối cùng ở mục 6: Đối đầu với pháp luật tại trang 299 của cuốn sách "Tài năng và đắc dụng", đã copy từ đầu đến cuối trong bài thứ 9 của loạt bài "Bill Gates - Đằng sau một ngai vàng được đăng trên báo Tuổi trẻ online từ năm 2004. (Chỉ có một vài động từ được các tác giả trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” dùng từ nhẹ nhàng hơn, văn viết hơn mà thôi).

Dù phần này, tác giả có ghi rõ nguồn trích dẫn được lấy trên báo Tuổi trẻ online, nhưng câu hỏi ở đây là: Trích dẫn gần như toàn bộ như vậy thì tính nghiên cứu của một công trình khoa học ở đâu? Ngoài ra, còn một số đoạn trong bài “Bill Gates, biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức” cũng được tổng hợp, biên tập lại, trích ý từ loạt bài “Bill Gates - đằng sau một ngai vàng”.

Bên cạnh việc lấy từ câu chữ đến ý tứ của những tác phẩm trên, bài viết về "Thomas Ava Edison - Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ XIX", dù tài liệu tham khảo được trích dẫn từ trang web: Thomas Edison, http://vietsciences.org, nhưng rất nhiều đoạn dài, tác giả đã bê nguyên văn phong trong Vietsciences-Phạm Văn Tuấn mà không hề chỉnh sửa hay biên tập lại, hoặc có đoạn chỉ thêm thắt vào một vài câu như đoạn từ trang 142 đến trang 145.

Còn rất nhiều đoạn dài trong bài viết “Thomas Alva Edison, Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ XIX” của “Tài năng và đắc dụng” đã có công copy nguyên bản hoặc cắt ngắn lại từ trang http://vietsciences.org, như những đoạn "phát minh ra máy hát", "Phát minh ra đèn điện", "Phát minh ra máy chiếu bóng"...

Bấm vào đây Xem những đoạn đạo văn của “Tài năng và đắc dụng” (http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/40-tin-nong/index.php?option=com_content&view=article&id=3590&Itemid=55)

(Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho độc giả)

Mai Khôi – Thanh Nguyên (nguồn giaoduc.net.vn)


Mời thảo luận: Quý độc giả nghĩ gì về sự việc này? Hãy gửi ý kiến cho chúng tôi bằng cách gửi mail đến địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gõ vào ô thảo luận dưới đây. Trân trọng cảm ơn!
Định không bàn luận gì về những lùm xùm chung quanh cuốn sách Tài năng và đắc dụng, nhưng đọc qua các ý kiến của các vị khoa bảng, tôi cũng đành phải nói vài ba câu cho gọi là “có đóng góp”. Theo tôi, chuyện so sánh số trang sách để lượng giá tầm cỡ nhân vật là một cách tự nô lệ hóa vào lượng mà bỏ qua phần phẩm chất.



Có thể nói rằng cuốn sách Tài năng và đắc dụng do GS Nguyễn Hoàng Lương và PGS Phạm Hồng Tung làm chủ biên đã không mấy may mắn. Ngay sau khi cuốn sách ấn hành, hàng loạt bài báo chỉ trích khá gay gắt. Dẫn đầu làn sóng chỉ trích và phê phán có lẽ là Sài Gòn Giải Phóng và Người lao động. Những bài báo với những tựa đề không thân thiện chút nào, như Sách về nhân tài – Choáng!, Tài năng và đắc dụng: Cuốn sách phản cảm, Không phải công trình khoa học!, Sách ‘Tài năng và đắc dụng‘: Khập khiễng và tùy tiện, v.v. Hai vị chủ biên chắc hoặc là cười mỉm (vì sẽ có dịp bán sách), hoặc là thiếu ngủ (vì dư luận báo chí chỉ trích). Tôi thì nghĩ rằng nhiều phê phán và chỉ trích của các vị khoa bảng hoặc là không có cơ sở khoa học, hoặc là thiếu công bằng. Thiếu công bằng đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trong bài này, tôi không bàn về nội dung cuốn sách (vì chưa đọc), mà chỉ bàn qua vài khía cạnh phương pháp học (methodology) và cách tiếp cận (approach).

Nhưng trước khi trình bày ý kiến, tôi trích vài ý kiến của các vị khoa bảng như sau:

Tác giả Trần Hữu Tá: “Thật là kỳ cục, khi sự nghiệp mới ở chặng đầu của nhà doanh nghiệp trẻ này đã được kể lể tỉ mỉ (42 trang in), nhiều gấp ba lần Trần Quốc Tuấn, thậm chí gấp hơn bốn lần bài viết về nhà mưu lược thiên tài Nguyễn Trãi (10 trang) và dài gần gấp đôi danh nhân văn hóa nhân loại Hồ Chí Minh (25 trang).” (Ăn nói làm sao bây giờ, Tuổi Trẻ, 15/5/2011)Gs Đào Trọng Thi: “Tự thuật là một tư liệu quá thô, không có giá trị khoa học. Cũng như một mẫu thiết kế thôi, vải chỉ là một nguyên liệu, muốn may thành cái váy, cái áo thì phải có nhà thiết kế, phải có may đo […] Không những cuốn sách không có giá trị khoa học với đề tài của ĐH Quốc gia Hà Nội mà tôi còn có thể khẳng định nó không phải là một công trình khoa học.”và:“Tôi cũng muốn nói thêm về nhân vật được lựa chọn. Việc anh Vũ tự thuật đã gây phản cảm với độc giả. Tự mình viết về mình như một nhân tài đặt cạnh những nhân vật quá nổi tiếng là một cách làm rất không nên.” (Không phải công trình khoa học! Người lao động 13/5/2011)TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế – Xã hội và Phát triển, nói việc lựa chọn doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ thể hiện một thái độ hết sức hồ đồ và những người làm sách quá thiếu cảm quan khi chọn nhân vật. (Tài năng và đắc dụng: Cuốn sách phản cảm, Người lao động 12/5/2011)Ts Chu Hảo: “Bản thân cái bài tự thuật của anh Đặng Lê Nguyên Vũ viết ở đó thì về nội dung cũng như hình thức thể hiện qua cái bài đó theo tôi nghĩ là bình thường có thể chấp nhận được. Cũng có thể nhiều người cho rằng anh ấy hơi lãng mạn và hơi khuếch trương những ý tưởng của mình nhưng tôi nghĩ rằng anh ấy có quyền làm như vậy. Anh ấy nhận thức vấn đề và phát biểu ý kiến riêng của mình. Anh ấy kể lại cuộc đời của anh ấy với tất cả những khó khăn … phấn đầu từ ban đầu theo tôi nghĩ là nhiều cái đáng trân trọng. Tuy nhiên cái bài đó mà xếp vào trong cuốn sách đó thì lại là việc khác.”Thế nhưng bản thân của những người chủ biên làm cuốn sách đó đã có những nhận thức nếu mà chân thành thì cũng rất là thô thiển. Nếu là chân thành thì cũng không nghiêm túc.” (Sách “Tài năng và đắc dụng” bị phê bình, RFA 15/5/2011)Tác giả Lê Văn Nghệ: “Nếu là một con người bình thường, không hoang tưởng, không có triệu chứng về trí não, khi ai đó vì lẽ gì đó ca ngợi mình, xếp mình “ngồi” chung với các danh nhân thì vì sự tự trọng và liêm sỉ cũng nên biết cách thoái thác, rút lui. Nếu không, sự háo danh ở đây chỉ có thể gọi là “xú danh”. Có đúng vậy không? Chúng tôi xin dành câu trả lời cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ.” (Từ háo danh đến xú danh, Phụ Nữ 13/5/2011)
Nặng nề quá!

Những ý kiến trên đây có một mẫu số chung: không có bằng chứng. Thật vậy, tất cả những ý kiến về so sánh số trang giấy cho đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ, Hồ Chí Minh, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, v.v. đều mang tính một chiều và mang màu sắc cảm tính. Chúng ta thử điểm qua những vấn đề nêu: về số trang sách và cách nghiên cứu.

Về số trang sách
Cuốn sách gồm có 3 phần và 14 nhân vật. Phần I là những nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, bao gồm 5 nhân vật: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh, và Chulalongkorn. Phần II là những nhân tài trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, và chủ biên chọn 4 người: Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein, và Thomas Edison. Phần III là nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, và chủ biên chọn ra 5 người tiêu biểu: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ, và Bill Gates.

Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải sách có bao nhiêu trang. Theo một nguồn tin trên Tuổi Trẻ thì sách dày 328 trang, nhưng nếu trừ các trang bìa, mục lục, cảm tạ, tổng quan thì có lẽ sách có 300 trang dành cho nội dung chính. Sách có 14 nhân vật. Và, theo giả định đặt ra ở trên, nếu không có bias, thì mỗi người có khoảng 21.4 trang. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ “chiếm” 42 trang, tức cao gấp 2 lần trung bình. Với số liệu đó, chúng ta có thể dùng phương pháp thống kê để trả lời câu hỏi trên đây. Kết quả phân tích cho thấy quả thật số trang dành cho đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ cao hơn các đối tượng khác một cách có ý nghĩa thống kê (trị số P = 0.22).

Nhưng “câu chuyện” không dừng ở đó. Kết quả phân tích thống kê còn cho thấy số trang dành cho chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cao hơn so với số trang dành cho cụ Nguyễn Trãi và Trần Quốc Tuấn.

Do đó, nếu phàn nàn rằng số trang dành cho đối tượng Đặng Lê Nguyên Vũ quá nhiều, thì cũng có thể có lí do để phàn nàn số trang dành cho hai vị anh hùng dân tộc (Nguyễn Trãi và Trần Quốc Tuấn) quá ít so với số trang dành cho cụ Hồ Chí Minh!

Tuy nhiên, một điều khá thú vị là người ta chỉ phàn nàn về số trang dành cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng hình như người ta không xem xét đến một sự thật khác (có lẽ ít ai để ý). Đó là số từ cho mỗi mục từ trong Từ điển Bách khoa Toàn thư. Trong cuốn Từ điển này, mục từ về cụ Hồ Chí Minh có 1308 từ, cao nhất so với các nhân vật khác như Trần Hưng Đạo (459 từ), Nguyễn Trãi (562 từ). Thậm chí, số từ trong mục từ Võ Nguyên Giáp (560) còn cao hơn cả số từ dành cho Trần Hưng Đạo (xem bảng dưới đây). Cả hai ông tướng (Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo) đều nổi danh trên thế giới, vậy chúng ta kì vọng hai vị tướng này có cùng số từ? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Tôi đoán không ai ngớ ngẩn đến nổi đòi hỏi phải cân đo tầm cỡ một nhân vật bằng số từ vựng hay trang sách.

Nhân vật Số từ
Hồ Chí Minh
1308

Trần Hưng Đạo
459

Nguyễn Trãi
562

Lê Duẩn
520

Võ Nguyên Giáp
560

Trường Chinh
570

Lý Thái Tổ
176

Trần Nhân Tông
295

Ngô Quyền
175

Lý Thường Kiệt
275

Nguyễn Huệ
442

Gia Long
314

Nguyễn Văn Thiệu
128

Ngô Đình Diệm
292

Nguồn: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/

Lượng và phẩm
Xin nhắc lại: không có ai cho rằng cách trình bày qua số lượng từ vựng như thế là tỏ lòng thất kính với các tiền nhân như Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo, và tôi nghĩ cũng chẳng có ai dùng số lượng từ vựng để nói rằng các danh tướng và nhà văn hóa trong lịch sử có tầm cỡ thấp hơn cụ Hồ Chí Minh. Mọi so sánh đều khập khiễng.

Tại sao trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm nhiều trang sách? Đây không phải là câu hỏi bài này muốn trả lời, nhưng hình như người chủ biên cũng chưa giải thích một cách thuyết phục. Có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng cũng không loại trừ khả năng có thiên vị (vì sự khác biệt có ý nghĩa thống kê). Cũng có thể ông Đặng Lê Nguyên Vũ cung cấp nhiều thông tin hơn những người đã qua đời (và nếu như thế thì người chấp bút viết về các nhân vật khác còn nợ một lời giải thích). Nói tóm lại, chúng ta chưa biết. Nhưng căn cứ vào số trang sách để so sánh ai đáng trân trọng hơn ai, theo tôi là quá cảm tính.


Thế nào là nghiên cứu khoa học?

Như tôi trích ở phần trên, Gs Đào Trọng Thi cho rằng tự thuật là một tư liệu thô (raw data), không có giá trị khoa học, và ông khẳng định rằng cuốn sách không phải là một công trình khoa học. Tôi không đồng ý với nhận định này. Nghiên cứu khoa học không phải chỉ là vật lí hay khoa học thực nghiệm. Khoa học xã hội có những mô hình nghiên cứu rất khác với nghiên cứu vật lí như Gs Đào Trọng Thi từng biết. Trong Khoa học xã hội, nhà nghiên cứu có thể chọn mô hình case study (nghiên cứu trường hợp) bằng cách làm phỏng vấn theo chủ đề (focus interview), và những phát biểu sẽ phải qua một phân tích định lượng, hoặc là tổng quan mang tính định chất. Mô hình case study chính là mô hình hai giáo sư chủ biên chọn, và họ hoàn toàn có lí do để chọn mô hình này. Những dữ liệu mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ cung cấp là fact, và fact có giá trị khoa học vì có thể sử dụng trong phân tích. Còn phân tích như thế nào là chuyện khác.

Tôi rất ngạc nhiên về phát biểu của Gs Đào Trọng Thi. Xin nhắc lại rằng case study là những nghiên cứu mà (a) phương pháp mang tính định tính (qualitative method) với số lượng cỡ mẫu nhỏ; ( mục tiêu của nghiên cứu mang tính bao quát, dầy đặc (kiểu như cung cấp một bức tranh tổng quát của một vấn đề); © sử dụng một loại chứng cứ cụ thể như lâm sàng, quan sát cá nhân, lịch sử, văn bản học, v.v.; (d) phương pháp thu thập chứng cứ mang tính “tự nhiên” như quan sát quá trình phát triển của cá nhân ; (e) chủ đề hòa quyện với nhau; (f) sử dụng nhiều nguồn dữ liệu ; (g) điều tra những đặc điểm của một sự kiện, một vấn đề. Do đó, trong bối cảnh đặt ra, tôi nghĩ nhóm nghiên cứu chọn mô hình case study cũng hợp lí. Một người cầm trịch về khoa học trong Quốc hội mà tuyên bố như thế thì quả là đáng tiếc.

Trong case study, nhà nghiên cứu có thể chọn bất cứ ai mà họ cảm thấy có thông tin. Không nên quá cảm tính khi phê bình tại sao chọn người này mà không là người khác (cảm tính đó nên dành cho văn học, chứ không phải khoa học). Nhưng tiêu chuẩn chọn là vấn đề cần bàn. Theo nguyên lí của nghiên cứu trường hợp, nhà nghiên cứu có thể chọn 1 đối tượng hay một nhóm đối tượng miễn là họ hội đủ tiêu chuẩn (inclusion criteria). Những tiêu chuẩn chọn có thể là tính tiêu biểu, tính đa dạng, tính deviation, tầm ảnh hưởng, con đường tiến thân, tấm gương, v.v. Công bằng mà nói, ông Đặng Lê Nguyên Vũ hội đủ những tiêu chuẩn này. (Người ta có thể làm luận án tiến sĩ về sự thành đạt của cà phê Trung Nguyên, và chuyện đó cũng bình thường). Cố nhiên, nhiều doanh nhân khác có lẽ cũng đáp ứng những tiêu chuẩn vừa đề cập. Nhưng trong số những người có thể lựa chọn cho nghiên cứu, còn có yếu tố tiếp cận hay gọi là convenience. Có thể ông Nguyên Vũ sẵn sàng hợp tác, nên các vị nghiên cứu sử dụng trường hợp của ông ấy như là một đối tượng. Hoàn toàn chẳng có gì sai sót ở đây.

Có người nói ông còn quá trẻ, thành tích chưa có gì. Tôi nghĩ nếu nói về tuổi tác thì chúng ta phải cần đến định lượng. Tuổi trung bình của 14 đối tượng là 63. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tuổi 41, và người cao tuổi nhất là ông Trần Văn Giàu (100 tuổi). Đứng trên phương diện định lượng, không có lí do để nói ông Nguyên Vũ còn trẻ, nhưng có thể có lí do nói ông Trần Văn Giàu … quá già. Thật ra, chẳng có lí do gì để nói hai trường hợp này là cá biệt cả.

Người Việt chúng ta hình như có “ác cảm” với doanh nhân, xem họ như những người gian manh, điêu ngoa, làm lời bất chính. Ngược lại, người Việt có xu hướng ca ngợi các danh nhân quân sự, văn học, và ca ngợi … cái nghèo. Vậy thì tại sao trong thế kỉ 21 chúng ta không vinh danh một doanh nhân thành đạt, mà doanh nhân này có xu hướng trân trọng văn hóa nữa. Do đó, đối chiếu với những lĩnh vực và mục tiêu nghiên cứu, tôi tôi nghĩ mô hình nghiên trường hợp là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Tự thuật là xấu ?
Một phát biểu khác của Gs Đào Trọng Thi cũng cần phải xem xét lại. Ông nói: “Tôi cũng muốn nói thêm về nhân vật được lựa chọn. Việc anh Vũ tự thuật đã gây phản cảm với độc giả. Tự mình viết về mình như một nhân tài đặt cạnh những nhân vật quá nổi tiếng là một cách làm rất không nên.” (Người lao động 13/5/2011). Nếu tôi là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, có lẽ tôi cũng thấy ngại khi làm như thế. Rất khó mà viết về mình, về cái tôi đáng ghét. Thế nhưng chúng ta phải khách quan ở đây. Ở các nước phương Tây, tự thuật về mình, tự đánh giá thành tích của mình là một chuyện hết sức bình thường. Trong các buổi phỏng vấn đề bạt chức danh giáo sư, hội đồng khoa bảng lúc nào cũng yêu cầu ứng viên tự viết và nói về mình, tự đánh giá mình đứng ở đâu trên thế giới. Không biết tự mình sell là sẽ chuốc lấy thất bại não nề trong thế giới hiện đại này. Muốn hay không muốn thì đó là sự thật. Thoạt đầu người Á châu rất ngại với “văn hóa tự khoe” này, nhưng dần dần rồi cũng quen đi. Chuyện ông Đặng Lê Nguyên Vũ, một doanh nhân từng tiếp xúc đồng nghiệp quốc tế, nếu có viết về mình tuy thoạt đầu mới nghe qua cũng là lạ, nhưng tôi thì không thấy có gì bất bình thường ở đây.

Cần nhắc lại rằng 50 năm trước (1961), bác Hồ — kí tên dưới bút danh T. Lan — cũng từng tự viết về mình qua tác phẩm“Vừa đi đường vừa kể chuyện”. Trong cuốn này, bác Hồ cũng thỉnh thoảng … tự khen mình đó chứ. Xin trích vài câu trong cuốn sách này để biết ngày xưa bác viết như thế nào:

Đi theo Bác có: một tiểu đội bảo vệ, một thầy thuốc – Bác sĩ Chân, đồng chí Thành với tôi, T. Lan. Muốn đi nhanh Bác cho đội bảo vệ đi trước vài mươi phút, rồi Bác và ba anh em chúng tôi đi sau.Trên đường đi, Bác thường ghé thăm một cách bất thình lình đồng bào các bản làng và các đơn vị bộ đội. Anh em chiến sĩ và cán bộ thấy Bác đến một cách đột ngột, lúc đầu thì ngơ ngác rồi thì mừng quýnh lên, reo hò nhảy nhót, quây quần lấy Bác, có khi quên cả trật tự. Sau khi xem tận nơi bếp nấu, chỗ ở, công tác vệ sinh, Bác thân mật hỏi han thăm sắc khỏe mọi người, dặn dò, phê bình, khuyến khích mấy lời như cha nói với đàn con, rồi lại tiếp tục đi.Một hôm, trời hửng sáng, Bác ghé thăm một xóm ở gần đường. Ngoài đồng ruộng thấy mấy trăm chị em dân công, Kinh có, Tày có, Nùng có, Mán có… Người thì vừa nhóm bếp nấu cơm, vừa nói chuyện vui vẻ. Người thì chụm năm chụm ba, đang ngồi dựa lưng vào nhau mà ngủ. Bác hỏi mấy chị đang nhóm lửa: “Các cô cả đêm ngồi ngủ ngoài trời như vậy cả sao?”Các chị trả lời: “Vâng ạ, nhà đồng bào chật, chỉ đủ chỗ để chứa lương thực của bộ đội khỏi ướt. Các cháu ngủ ngoài đồng thế này càng vui…”.Bác ôn tồn khen ngợi chị em, rồi bảo chúng tôi: “Bộ đội ta dũng cảm như vậy, nhân dân ta dũng cảm như vậy, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Do đó, tôi nghĩ những gì bác Đào Trọng Thi phê bình ông Đặng Lê Nguyên Vũ xem ra thiếu công bằng và không phù hợp với xu thế của thời đại.

Nhưng ở đây còn có vấn đề của nhà nghiên cứu, của nhóm chủ biên. Vấn đề là tại sao ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện như là một đối tượng nghiên cứu nhưng cũng đồng thời là một tác giả? Ngoài ra, chúng ta thấy có sự nhập nhằng trong vai trò của người thực hiện. Sách đề tên 2 chủ biên là GS Nguyễn Hoàng Lương và PGS Phạm Hồng Tung, nhưng phía trong bìa lại có 8 tác giả. Tám tác giả (bao gồm cả 2 người chủ biên là Nguyễn Hoàng Lương, Phạm Hồng Tung, Nguyễn Hoàng Hải, Đinh Thị Thúy Hiên, Lê Thị Lan, Nguyễn Ngọc Thắng, Phạm Minh Thế, và Đặng Lê Nguyên Vũ. Cần nói thêm rằng sách còn có người biên tập (Phạm Thị Thinh). Vấn đề đặt ra là vai trò của những chủ biên, tác giả, và biên tập viên ra sao. Ai là người thu thập dữ liệu, ai phân tích dữ liệu, và ai là người thật sự viết sách?

Tuy nhiên, luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chính thức có yêu cầu đính chính rằng “Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ không phải là đồng tác giả của nhóm chủ biên quyển sách’Tài năng và đắc dụng’). Nhưng đính chính này không phù hợp với những gì in trong sách, mà trong đó tên ông được ghi là tác giả (xem hình trên)!

Có hai khả năng xảy ra: một là nhóm chủ biên tự ý đưa tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ vào sách mà không cho ông hay biết; hai là ông … quên. Nếu trường hợp thứ nhất xảy ra, thì đó là một biểu hiện của sự tắc trách trong nghiên cứu khoa học, và có thể nói là một vi phạm đạo đức khoa học (vì đó là hiện tượng tác giả danh dự). Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, thì đây là một trường hợp mâu thuẫn lợi ích (conflict of interest). Mâu thuẫn quyền lợi có thể xảy ra trong nghiên cứu khoa học, và điều đó không có nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, nhưng đương sự phải tuyên bố ngay từ đầu là sự hiện diện của đương sự là một mâu thuẫn quyền lợi. Dù trường hợp này đi nữa, thì sự việc là một tín hiệu có vấn đề về vai trò tác giả và đối tượng nghiên cứu trong công trình cấp Nhà nước này.

Tóm lại, các phân tích bán định lượng vừa trình bày trên đây cho thấy không có bằng chứng để kết luận rằng việc chọn ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một bất bình thường. Có bằng chứng cho thấy số trang sách dành cho các đối tượng nghiên cứu rất khác nhau, và sự khác biệt không chỉ xảy ra trong trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ mà còn trong nhiều trường hợp khác. Nhưng sự khác biệt về lượng (số trang) không thể là chứng cứ để kết luận có sự thiên vị, và càng không phải là một thước đo về phẩm chất của thông tin. Nhưng qua công trình nghiên cứu này, có thể nói rẳng cách làm nghiên cứu khoa học xã hội ở nước ta còn nhiều bất cập.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved