Home » » TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TẠP CHÍ VĂN HÓA PHẬT GIÁO

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TẠP CHÍ VĂN HÓA PHẬT GIÁO

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011 | 23:01

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
TẠP CHÍ VĂN HÓA PHẬT GIÁO


VHPG: Là người sống và nghiên cứu triết học lâu năm ở nước Ðức, nơi được xem là cái nôi của triết học thế giới, ông có thể nói vắn tắt về tình hình triết học hiện nay ở Âu Mỹ?

Bùi Văn Nam Sơn: Thật ra, “cái nôi” đúng nghĩa của triết học Tây phương chính là Hy Lạp cổ đại. Nhưng, nước Ðức quả là miếng đất màu mỡ cho sự lớn mạnh của triết học suốt mấy thế kỷ, nếu thử tính từ Leibniz (1646-1716) cho đến M. Heidegger (1889-1976). Tuy nhiên, nói như Hegel, “Tinh thần thế giới” đã không chịu ở yên một chỗ! Từ thập niên 80 của thế kỷ XX, dường như nó đã “dọn” sang nước Pháp (“nơi xuất phát nhiều gợi ý sáng tạo nhất”/Habermas, 1985), rồi sang Mỹ (nơi hàng năm có hàng ngàn sách triết học ra đời) và từ đó, nhờ phương tiện truyền thông hiện đại trong điều kiện toàn cầu hóa, nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Vì thế, ngày nay hầu như không còn có thể nói về một “cái nôi”, một “trung tâm” của triết học như trước đây nữa. Ngoài ra, theo chỗ tôi thấy, ngày nay người ta không còn làm triết học để bảo vệ các hệ thống về thế giới quan mà hợp tác trên những đề án nghiên cứu hỗn hợp, vượt ra khỏi ranh giới trường phái và chuyên ngành, thu hút và tập hợp nhiều triết gia đến từ các chân trời và các quốc gia khác nhau. Tuy chưa phải là một “nền hòa bình vĩnh cửu”, nhưng, nhìn chung, việc phân liệt và đấu tranh “một mất một còn” giữa các trường phái và các truyền thống tư tưởng mang đậm màu sắc dân tộc đã trở nên lỗi thời.

VHPG: Có thể có một “tổng kết” ngắn gọn về triết học Tây phương thế kỷ XX?

BVNS: Câu hỏi quá rộng cho một tuần trà! Trong bài giới thiệu mới đây cho công trình “Toàn cảnh triết học Âu Mỹ thế kỷ XX” của soạn giả Phan Quang Ðịnh (NXB Văn học, 2008), tôi có dịp trình bày khá dài về nhận định của mình, ở đây chỉ xin nhắc lại ngắn gọn. Kiểm điểm một cách nghiêm khắc, dường như triết học Âu Mỹ thế kỷ XX đã hứa hẹn nhiều, khi đưa ra các yêu sách khá triệt để: con người đích thực, cộng đồng (xã hội, nhà nước) đích thực và khoa học đích thực, nhưng chẳng mang lại được bao nhiêu. Nó cũng đã thắp lên nhiều hy vọng (với ba trọng điểm nghiên cứu: định hướng về hiện sinh và siêu việt hay về truyền thống và thông diễn học, về thực tiễn hay xã hội và về khoa học) nhưng mang lại nhiều thất vọng. Thật thế, cái “Tồn tại” (Sein) bí hiểm và thơ mộng của Heidegger đã chẳng tự “khai mở”, và việc “chuẩn bị” để “lắng nghe tiếng nói” của nó còn phải tiếp tục đến bao giờ? Sự “tái sinh” của con người bằng việc “suy niệm hiện sinh” trong cuộc “khủng hoảng tối hậu” (Jaspers) đã không xảy ra, thay vào đó chỉ có sự ồn ào đinh tai nhức óc của mạng lưới truyền thông phản-suy niệm! “Dòng nước ấm” vẫn chưa thấy chảy vào trong chủ nghĩa Marx (Bloch); sự thức nhận về hiện tượng tha hóa phổ biến chỉ là công việc đặc tuyển và bí truyền (Adorno) trong khi bộ máy quan liêu hiện đại thừa sức nhấn chìm mọi nỗ lực “phê phán ý hệ”. Và sau cùng, triết học không trở thành khoa học, cũng không trở thành “khoa học luận” đơn thuần và… càng không tiêu biến (như dự kiến của Nhóm Vienna), mà ngược lại, những vấn đề cố hữu vẫn còn đó, trong khi bản thân khoa học trở nên “khả nghi” hơn lúc nào hết (Wittgenstein, Popper, Feyerabend, Derrida…). Nói ngắn, việc “khoa học hóa triết học” cũng đã thất bại không khác gì sự “thức tỉnh hiện sinh” của con người. Triết học Âu Mỹ thế kỷ XX hầu như chẳng giải quyết rốt ráo được vấn đề gì, và, bản “kết toán” là… tiêu cực!
            Thế nhưng, một thế kỷ suy tư ắt không phải là vô bổ. Vậy, đâu là chỗ “tích cực” của nó? Trước hết, những ai thật sự quan tâm sẽ tìm được những hướng dẫn về mặt khái niệm để suy ngẫm về “hiện sinh” của chính mình, về thực tiễn xã hội và làm sáng tỏ sự hiểu biết về khoa học. Họ sẽ tỉnh thức hơn về “sử tính” của tư duy, sẽ nhạy cảm hơn trước những chiều kích xã hội của toàn bộ sự tồn tại, về sự không chính xác của ngôn ngữ và lời nói. Ít ra, triết học thế kỷ XX đã mở rộng chân trời của chúng ta, và ngay những lầm lạc có khi cũng có mặt hữu ích của chúng.

VHPG: Kể cả những thất bại?

BVNS: Vâng, đúng vậy. Mọi triết học, so với các yêu sách của chúng, không ít thì nhiều đều đã “thất bại”, hay thậm chí đều nhất định phải thất bại, vì chân lý không bao giờ ở trong tầm tay của con người. Tuy nhiên, thất bại cũng có năm bảy đường! Mang niềm hy vọng rằng mình đang đi đúng hướng để rồi rút cục thú nhận rằng không đạt được mục tiêu khác xa với việc nhân danh một chân lý “đã được nhận thức” hay “đã được thấu thị” bằng cách nào đó để khơi dậy niềm hy vọng nơi chính mình và nơi những người khác và rút cục rơi vào ảo tưởng.

VHPG: Vậy triết học sẽ đi về đâu? Nhất là trước sự cảm nhận của giới trẻ?

BVNS: Câu hỏi định mệnh ngày càng được nhiều triết gia Tây phương tự đặt ra cho chính mình: triết học còn có một tương lai không? Triết học sẽ ra sao và còn để làm gì nữa? Triết học đã đến hồi kết thúc hay… sẽ không bao giờ có sự kết thúc của triết học? Các câu hỏi ấy không phải là một cách nói cường điệu mà rất cấp thiết và chính đáng trước thắng lợi ngoạn mục của một bên là tư duy kỹ thuật, tính toán, và bên kia là của mọi thế lực kiềm chế và ngăn cấm tư duy. Nhiều người lo ngại rằng việc “điều kiện hóa” công khai hay dấu mặt đối với tư duy sẽ bóp chết tư duy tự do về cái toàn bộ thực tại. Ngày nay, thay chỗ cho bạo lực trắng trợn sẽ là sức mạnh huyễn mị tinh vi, chẳng hạn, của công nghệ giải trí và quảng cáo. Phải chăng một ngày không xa nào đó, con người không cần phải “suy tưởng” nữa mà chỉ cần… truy cập? Và, triết học thậm chí sẽ thừa khi các ngành khoa học riêng lẻ lần lượt chiếm hết mọi lĩnh vực của trí tuệ con người, nhất là với giả định rằng khi một “công thức về toàn bộ vũ trụ” đã được tìm ra thì triết học sẽ hết lý do tồn tại (trong trường hợp đó, thật không có gì đáng tiếc cho triết học cả!). Nhưng, bao lâu điều này chưa trở thành sự thật, và bao lâu “công thức vũ trụ” không bao hàm ý nghĩa của vũ trụ và nhân sinh thì vẫn còn cần đến một loại hình tư duy khác, gọi là tư duy triết học (nếu không, chỉ còn hai lựa chọn: đức tin tôn giáo và sự vô-tư tưởng!).
            Chưa ai có thể dự đoán được triết học thế kỷ XXI sẽ ra sao, vì lẽ giản dị: triết học là tư duy tự do, và, với tư cách ấy, là không thể lường trước được. Ðiều duy nhất có thể dự đoán, - và thế hệ trẻ đang cần chuẩn bị một “tâm thế” để đón nhận -, đó là: triết học sẽ trở nên thận trọng hơn, khiêm tốn hơn và nhất là bao dung hơn khi sẵn sàng mở rộng vòng tay hợp tác, kể cả với những kẻ “cựu thù”.

VHPG: Trở lại với VN, ta thấy giới trẻ ngày nay học triết học rất hời hợt và thụ động. Vậy, triết học có ý nghĩa như thế nào đối với giới trẻ VN ngày nay? Nhất là đối với sự đóng góp cho việc phát triển xã hội?

BVNS: Về thời lượng, có lẽ chưa bao giờ người sinh viên VN thuộc mọi chuyên ngành có điều kiện nhiều hơn thế để làm quen với triết học và các vấn đề chính trị-xã hội. Nhưng, kết quả không được như ý, thật là lãng phí và đáng tiếc! Lỗi không phải là do triết học, càng không phải là do người học mà chắc là do phương pháp giảng dạy và học tập. Tôi đang viết Lời giới thiệu cho bản dịch quyển “Emile hay về giáo dục” nổi tiếng của J. J. Rousseau (NXB Tri thức sắp xuất bản) và tôi thấm thía về tệ nạn đã được Rousseau nêu lên từ thế kỷ XVIII: “thay vì giúp ta tìm ra các chứng minh, người ta đọc cho ta viết các chứng minh ấy; thay vì dạy ta lập luận, ông thầy lập luận hộ ta và chỉ rèn luyện trí nhớ của ta mà thôi”. Rousseau nói thêm: “Vấn đề không phải là dạy các môn khoa học, mà là đem lại cho người học hứng thú để yêu khoa học và đem lại phương pháp để học những môn đó, khi hứng thú này phát triển hơn lên. Chắc chắn đó là một nguyên lý cơ bản của bất kỳ nền giáo dục tốt nào”. Triết học càng như thế vì nó không phải là loại “kiến thức” có thể mang ra sử dụng ngay được. Ðóng góp của nó cho việc phát triển xã hội là gián tiếp, qua rất nhiều khâu trung gian. Nó chủ yếu rèn luyện năng lực tư duy trừu tượng và tinh thần sẵn sàng đối thoại. Không có năng lực và tinh thần này, xã hội sẽ khó phát triển.

VHPG: Phải chăng đó cũng là lý do khiến ông dành nhiều tâm sức để làm công việc “khó hiểu” trong thời buổi hiện nay: dịch và chú giải nhiều tác phẩm triết học kinh điển thật đồ sộ? Ông có thấy “hối tiếc” vì đã mất quá nhiều thời gian không?

BVNS: Rousseau, trong sách nói trên, cũng có một câu rất hay: “học tập và giáo dục là một nghề, ở đó cần biết mất thời gian để dành được thời gian”. Thật ra, tôi chỉ tiếp tục làm công việc mà những người đi trước đã làm vì thấy cấn thiết, và tiếc rằng còn quá ít ỏi. Bên cạnh giá trị bất hủ của các tác phẩm kinh điển, việc dịch và chú giải, với tôi, trước hết là để tự học tiếng Việt. Ngay từ 1921, cụ Phạm Quỳnh đã sớm có nhận xét xác đáng: “việc dịch sách là việc có ích lắm, vì có đem tiếng nói của mình chọi với tiếng người ta thì mới biết rằng mình thiếu những gì, mình có những gì, thiếu đâu bổ cứu đấy, và khi phát biểu ra, tư tưởng của mình, văn từ của mình nhờ đó được phong phú thêm lên”. Năm 1924, Cụ lại viết: “phàm tư tưởng gì mà không nói ra được tiếng ta thì chưa phải tư tưởng của mình, còn là tư tưởng mượn cả… Nay đem diễn ra tiếng ta, tức là biến nhuyễn ra cho dễ dung hòa vào khí huyết tinh túy của ta, cho dễ cùng nhau điều hòa trong óc ta vậy”. Ðó quả là một cách tiếp phát văn hóa thật sáng suốt và cụ thể giống như Hegel đã từng muốn “bắt triết học phải nói tiếng Ðức”! Nghìn năm trước, Ngài Huyền Trang đã là một tấm gương rực sáng.

VHPG: Trong bối cảnh toàn cầu hóa rầm rộ hiện nay, ông có thể nói thêm về một thái độ đúng trong việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài?

BVNS: Câu hỏi cũng quá to tát, nhưng, nói ở một góc độ hẹp, theo tôi, cần phân biệt và tuyệt đối không nên đánh đồng giữa việc đối kháng tính hạ cấp với việc đối kháng tính ngoại lai. Tác hại của toàn cầu hóa đến văn hóa bản địa, nếu có, không phải do nguồn gốc ngoại lai (Nho, Lão, Phật trước đây cũng như khoa học hiện đại và cả chủ nghĩa Marx ngày nay chẳng phải đều là ngoại lai sao?) mà do tính đại chúng tầm thường của văn hóa xâm nhập.

VHPG: Ông có theo đạo Phật không? Và ông thích nhìn đạo Phật theo kiểu tín ngưỡng, triết học hay là một sự giác ngộ tâm linh?

BVNS: Tôi không phải là một Phật tử, hiểu theo nghĩa tín đồ. Nhưng, tôi sẵn sàng “theo” mọi nền đạo lý hướng thượng và nhân bản. Như mọi người dân Việt, tôi may mắn lớn lên trong khung cảnh hòa hợp của nhiều giá trị văn hóa. Tôi ngưỡng mộ sự chính trực trong đạo của người quân tử; tôi thích tinh thần phóng dật của Lão Trang; tôi hạnh phúc trong đức từ bi và hạnh vô chấp của đạo Phật và tôi yêu thái độ tự phê phán và sẵn sàng thú nhận thất bại để tiếp tục đi tới của triết học và khoa học Tây phương. Vốn liếng tinh thần ấy đủ cho tôi lạc quan hướng về tương lai. Còn ngay “ở đây và bây giờ”, tôi đang được hưởng hạnh phúc mà tạp chí Văn hóa Phật giáo ban cho.

Bùi Xuân Phượng thực hiện, tháng 05.2008
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved