Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P9

Martin Heidegger-Thông diễn học P9

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:08


đào trung đạo

Thông Din Lun
của 
Martin Heidegger
(9)


  Ba yếu tố của hoàn cảnh thông diễn: tiền-sở-hữu (Vorhabe), tiền-thị (Vorsicht), và tiền-niệm (Vorgriff) dẫn tới quan niệm hoàn toàn ngược lại với quan niệm thông-diễn-luận cổ điển về những khâu trong vòng tròn thông diễn của Heidegger. Theo quan niệm cổ điển ta chỉ có sự hiểu biết (understanding) sau khi đã kết thúc công việc diễn giải (interpretation). Nhưng theo Heidegger, am hiểu đi trước diễn giải. Chính xác hơn, am hiểu ở đây phải hiểu theo nghĩa tiền-am-hiểu (Vor-Verstehen/Fore-Understanding). Nhà thần học Rudolf Bultmann, người chịu ảnh hưởng tư tưởng Heidegger, đã đưa ra một định nghĩa khá đầy đủ về tiền-am-hiểu: đó là sự hiểu biết của con người được định hướng bắt nguồn từ sự tiền-am-hiểu tùy từng hoàn cảnh hiện hữu riêng biệt, và tiền-am-hiểu khoanh vùng khuôn khổ và bề rộng vấn đề của mọi diễn giải. Như ở phần trên đã nói về quan niệm tiền-cấu-trúc (For-Structure) của vấn đề/câu hỏi của Heidegger, trong tiền-am-hiểu chữ đặt đăng trước “Vor/fore” có nghĩa “trước đây từ đâu” hay “từ đó đến nay” của tiền-cấu-trúc bấy lâu bị phủ khuất, nằm trong bóng tối. Để hiểu rõ hơn về “Vor/fore” chúng ta quay trở lại hai tiết §31 và §33 trong SZ(GA 2). Trong §31 “Hiện thể (Dasein) như Am-hiểu” [ ở đây chúng tôi dịch “Verstehen” là am-hiểu có ý nhắc đến ảnh hưởng của Dilthey trên Heidegger. Theo Dilthey chữ am/thấu hiểu dùng để chỉ sụ hiểu biết ở cấp độ xâu xa nhất như trong việc nắm bắt một bài thơ, một bức họa, hay một dữ kiện – xã hội, kinh tế, tâm lý – hơn như chỉ là những dữ kiện, được coi như sự biểu hiện ra bên ngoài của những thực tại nội giới và trên hết thảy chính là sự biểu hiện của “đời sống” vậy] theo Heidegger, cùng với “tâm trạng” (Befindlichkeit) [Macquarie và Robinson dịch là “state-of-mind, Joan  Stambaugh dịch là “Attunement” tỏ ra khá gượng ép vì chính Heidegger đã nói rõ muốn dùng chữ này theo nghĩa hữu-thể-luận (ontologically) là để chỉ một sự thể về phương diện hiện hữu (ontically) là rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày: tâm trạng, ở trong một tâm trạng] “am hiểu” (Verstehen) là những cấu trúc nền tảng của Hiện thể. Trong tâm trạng đã hàm chứa am hiểu dù thường thường am hiểu bị nhận chìm lấp khuất. “Nếu chúng ta giải thích  am hiểu như là cấu trúc nền tảng của hiện hữu, chúng ta sẽ thấy hiện tượng này được quan niệm như một cách thế căn để của hữu của Hiện thể.” (SZ, 143). Trong kho từ ngữ cực kỳ phức tạp của Heidegger, cần phân biệt rõ hai chữ “existenziell” và “existenzial” thường được Heidegger đặt đối nghịch nhau. Trong bản dịch tiếng Anh quyển SZ,  Macquerie và Robinson dịch chữ “existenziell” thành “existentiell” và chữ “existenzial” thành “existential” và giải thích rằng chữ đầu là để nói về “chính việc hiện hữu” cụ thể trong mỗi trường hợp, và chữ sau để chỉ “những cấu trúc của hiện hữu” như đã được giải thích trong hữu-thể-luận thông-diễn-học của Heidegger. Trong SZ Heidegger khi dùng chữ “Existenzialen” (existentials) để chỉ những phạm trù hay những cấu trúc riêng biệt của hiện hữu trong thời gian (trong chốc lát hay ở một thời điểm riêng biệt nào) và sự “diễn giải” hữu-thể-luận thông-diễn-học giảng giải và trình bày trong “những chỉ dẫn hình thức.” Câu hỏi đặt ra là: Vor/Tiền có ý nghĩa nào trong vòng thông diễn? Những tiết §31 và §33 trong SZ có thể coi như tâm điểm  của thông-diễn-luận của Heidegger và câu trả lời cho câu hỏi vừa nêu ra được Heidegger đưa ra trong §33 “Xác quyết coi như Cách thế Phụ tùy của Diễn giải”. Câu này cho ta hiểu rằng cái trước/tiền/Vor  của tiền-cấu trúc (Vor-Struktur) là đi trước xác quyết, khẳng định, và trước cả ngôn ngữ nữa. Tiền-Cấu trúc có nghĩa là  Hiện-thể con người được định tính bởi khuynh hướng diễn giải đặc biệt đi trước mọi câu phát ngôn bằng lời – khuynh hướng này là tính chất nền tảng của ưu tư/quan tâm (Sorge) luôn bị đe dọa phủ lấp  khi những phán xét bằng lời chiếm vị trí trung tâm. Điều này cho thấy thông-diễn-luận của Heidegger đặt nền tảng trên thong-diễn-luận kiện tính có khả năng mở rộng sang các phạm vi khác như văn chương chẳng hạn. Trái ngược với thông-diễn-luận cổ điển truyền thống, “am hiểu” theo nghĩa của Heidegger trước hết nhằm rũ bỏ tinh chất “tri thức” (epistemic) trong định nghĩa cổ điển của chữ “nhận thức” hiểu như nhận thức lý thuyết chủ vào việc xây dựng những thực tại có ý nghĩa theo một cách thế khả tri. Ngay trong tư tưởng của Dilthey, am hiểu được nâng cấp lên thành một tiến trình tự trị của tri thức dùng làm nền tảng cho những khoa học nhân văn. Nhưng theo Heidegger, nhận thức hiểu như nhận thức tri thức luận (epistemological understanding) là thứ cấp và tùy thuộc vào am-hiểu thông-diễn-luận có tính phổ quát. Heidegger khởi đi từ phân tích những ý nghĩa ẩn mật của câu nói “sich auf etwas verstehen”/thân thuộc với cái gì đó,  câu này chỉ ra một thứ am hiểu tượng tự như sự sẵn sàng (readiness) hay kiện tính của tri thức để đưa ra một quan niệm mới về am hiểu/nhận thức. Theo nghĩa này “hiểu một cái gì đó” đồng nghĩa ngang bằng với,  nắm vững. Cũng theo nghĩa này thì am/thấu hiểu rất gần với nghệ thuật, chẳng hạn một nhạc sĩ tây ban cầm thấu hiểu nghệ thuật chơi tây ban cầm, một người “hiểu đời” nhuần nhuyễn trong việc đối xử với mọi người, biết quan tâm tới mọi sự, cũng như biết tiến lui xuất xử. Như vậy “am hiểu” theo quan niệm của Heidegger có tính thực tiễn chứ không lý thuyết. Vì vậy am hiểu là sức mạnh nắm bắt những khả thể hiện hữu cùa chính bản thân trong thế giới sống, hiện-hữu-trong-thế-giới. Nó cũng là nền tảng của mọi diễn giải. Ở một mặt khác, am hiểu luôn luôn gắn kết với tương lai, có tính dự phóng (Entwurfscharakter) đặt cơ sở trên tâm trạng, hoàn cành lúc này (Befindlichkeit) hiểu theo nghĩa không chỉ nắm bắt được hoàn cảnh riêng mình mà còn có nghĩa sự phơi lộ những khả tính để hiện hữu trong chân trời của vị thế của mình trong thế giới. Heidegger gọi tên mặt này của am hiểu bằng chữ “hiện-thể-tính” (Existenzialität). Am hiểu cũng luôn luôn thao tác trong một toàn bộ những tương quan đã được diễn giải, trong một cái toàn thể tương quan (Bewandtnisganzheit). Trong thông-diễn-luận của Dilthey, có-ý-nghĩa (meaningfulness) qui chiếu về một toàn thể những tương quan cấu trúc (Strukturzusammenhang), một khâu trong vòng tròn thông diễn dựa trên nguyên lý quen thuộc rằng am hiều luôn thao tác nội trong vòng tròn thông diễn chứ không tiến hành theo thứ tự đi từ cái đơn giản sang cái phức tạp. Heidegger đã đi xa thêm một bước khi đẩy thông-diễn-luận trở thành thông-diễn-luận hữu-thể-học nền tảng. Nhưng điều quan trọng ở đây là quan niệm về am hiểu/nhận thức của Heidegger không đặt cơ sở trên siêu hình học.
   Từ những điều trình bày ở trên chúng ta học hỏi được ở Heiddegger những gì qua cách đưa thông-diễn-luận văn bản hay đời sống sang thông-diễn-luận hữu-thể học để từ đó  sẽ đi ngược trở lại thông-diễn-luận văn chương?  
Đào Trung Đạo  
(còn tiếp)


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved