đào trung đạo
Thông Diễn Luận
của
Martin Heidegger
(8)
Khi làm rõ “câu hỏi/vấn đề” là gì ta đồng thời cũng phát hiện những khả tính. Trong Einführung in die phänomenologische Forschung (GA 17) Heidegger trước khi chỉ ra những cấu trúc của câu hỏi (question) cho rằng thường thường vấn đề được hiểu đồng nghĩa với câu hỏi, vấn đề theo cách giải nghĩa đúng nhất có nghĩa là một đề tài (Vorwurf) và “Một vấn đề là một câu hỏi được triển khai và minh thị theo một cách thế riêng biệt. Khi làm sáng tỏ “vấn đề” trong cấu trúc của nó, chúng ta thấy được dẫn quay trở lại về một sự cứu xét tận tường xem một câu hỏi là gì.” (GA 17,§10). Tuy mục đích của Heidegger khi đưa ra định nghĩa của vấn đề và những cấu trúc của câu hỏi nhằm thiết lập những tiêu chí để phê bình những phê bình của Husserl về chủ nghĩa tự nhiên và duy sử học, nhưng những tiêu chí này cũng được Heidegger dùng trong thông-diễn-luận cho nên chúng ta cần tìm hiểu. Vì thấu triệt quan niệm về “câu hỏi/vấn đề” của Heidegger nên Jean Beaufret khi làm tuyển tập những tác phẩm ngắn và những bài hội luận của Heidegger đã đặt tựa quyển sách là Questions/Câu hỏi/Vấn đề. Theo Heidegger, trong một câu hỏi có: 1. cái được tra hỏi; 2. hỏi cái gì; 3. cái nhìn khi hỏi; 4. cách thế hỏi; 5. trên nền tảng tính chất căn bản của những yếu tố nêu trên từ đó chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa câu hỏi và vấn đề. Sau đó chúng ta phân biệt: 6. một câu hỏi hay một vấn đề được đối đầu như thế nào; 7. việc thảo luận những sửa đổi những yếu tố có thể có được qui định trong một câu hỏi; những khác biệt giữa cái được truy xét và cái được hỏi; 8. việc chứng minh rằng một phương pháp riêng biệt đã được quyết định ngay từ lúc đầu cùng với một câu hỏi và một vấn đề; 9. mối liên hệ giữa một vấn đề và lịch sử một vấn đề; 10. phân tích rốt ráo và diễn giải vấn đề được coi như một vấn đề theo nghĩa một sự truy cứu. Câu hỏi là một cung cách riêng biệt của truy cứu. Ở đây thiết yếu phải nói rõ rằng “một câu hỏi” hoàn toàn không phải là một hiện tượng lý thuyết. 11. truy cứu được coi như sự quan tâm đặc biệt của hiện hữu; và 12. chính sự quan tâm được coi như một khả hữu đặc biệt của hữu của hiện hữu. Chỉ từ vị trí thuận lợi này mới có thể quyết định tại sao lại coi đó là một “vấn đề”.
Trong các tiêu chí trên tiêu chí thứ 3 về “cái nhìn” (regard, seing/Sehen và So-Sehen=nhìn-theo-một-cách-thế-như thế) là một phương pháp hiện-tượng-học tuy bắt nguồn từ Husserl nhưng đã được Heidegger biến đổi theo một hướng khác như đã có dịp nói tới ở một phần trên. Cái nhìn cũng còn được hiểu là “hướng về mặt nào” và “về phượng diện nào” có tính cách trực giác và là thực tại của vấn đề vì là nội dung của việc đặt mắt nhìn lên một cái gì đó. Cho nên cái chủ vị trong cái nhìn chính là cái được tra hỏi về (das Wonach des Fragens). Như vậy vấn đề/câu hỏi chính là điểm khởi đầu trong vòng tròn thông diễn luận. Nhưng suốt lộ trình thông diễn không phải vấn đề chỉ hiện ra một lần ở khởi điểm mà xuất hiện liên tục ở những thời điểm khác nhau. Heidegger cũng nêu ra câu hỏi: vấn đề đứng ở vị thế nào đối với câu hỏi? Loại câu hỏi nào là một vấn đề? Trong câu hỏi, cái được truy cứu được gói chung vào vào vấn đề và không được phát biểu thẳng ra. Vấn đề là một câu hỏi được đặt ra, thứ câu hỏi được minh nhiên coi là cần thiết và đáng được trả lời, một câu hỏi được chính thức đặt ra xứng hợp với những nhiệm vụ hiện tại. Chính tính chất nhiệm vụ về mặt truy tìm tri thức này phân biệt một câu hỏi thực sự với một câu hỏi khiên cưỡng. Như vậy khi đặt câu hỏi nhiệm vụ cần được minh định. Trong triết học ta thường thấy câu hỏi là những câu hỏi-từ ngữ (problem-words) nghĩa là được viết ra, nhắm tới một sự thấu hiểu, gắn liền với những từ, trong một hướng đặc biệt của việc hỏi. Những câu hỏi loại này có một lịch sử, vị trí, và chủ tâm, cho nên rõ ràng là được đặt ra trên những quan điểm, từ một cái nhìn được minh thị. Vì vậy, theo Heidegger, chỉ có một lịch sử của một vấn khi vấn đề đề được đặt trên căn bản của một quan điểm triết lý rõ ràng. Và trong mỗi vấn đề được đặt ra đã có một phương pháp đồng thời được gói theo. Theo chúng tôi, tuy Heidegger chỉ đưa ra quan niệm này để áp dụng vào việc nghiên cứu triết học, nhưng mở rộng phạm vi nghiên cứu, quan niệm này cũng rất hữu ích trong việc nghiên cứu văn chương. Hãy lấy một thí dụ “vấn đề/câu hỏi” – và đây là vấn đề/câu hỏi” quan trọng nhất trong tư tưởng của Heidegger – để hiểu rõ hơn. Trong quyển Einführung in die Metaphysik (GA 40)/ Đưa vào Siêu hình học ngay từ câu mở đầu Heidegger đã đặt câu hỏi: “Tại sao lại có sinh hiện mà không là không có gì cả?”, và đây là câu hỏi quan trọng nhất tuy không phải là câu hỏi người đời thường đụng phải, và có thể cũng chẳng bao giờ đụng thấy không thể không hỏi. Ít ra trong đời ta cũng đã có lần đụng phải câu hỏi này. Câu hỏi đến với ta trong lúc thất vọng chán chường khi cảm thấy mọi sự chẳng còn quan trọng gì, và mọi ý nghĩa trở thành tăm tối, hoặc khi ta vui mừng hớn hở vì mọi thứ quanh ta trở thành sang láng hình như lần đầu hiện ra như vậy. Cũng có khi câu hỏi chợt đến với ta khi thấy chẳng còn thiết tha với cái gì, ta chẳng cần quan tâm. Đối với Heidegger “hỏi/questioning” giữ một địa vị quan trọng. Hỏi chỉ là nhảy vọt lên (leap) khi có sự biến đổi, có nghĩa là trở về nguồn nguyên ủy (Ur-sprung) và cũng là tìm về Nền (Grund). Kế đó Heidegger truy nguyên lịch sử của câu hỏi này, phủi sạch những lớp bụi thời gian phủ lấp và tạo nên ngộ nhận xưa nay. Trên hết thảy ngôn ngữ là tác nhân chính gây ra sự hiểu lầm, ngộ nhận. “Chính những từ (words) và ngôn ngữ (language) làm mọi thứ đến với hữu như chúng hiện là. Chính vì lý do này sự dung sai ngôn ngữ trong khi nói vu vơ, trong những bảng tuyên truyền và những câu cú khácđã phá hủy mối liên hệ thực sữ với mọi vật.” Trong triết học, về nguồn, tìm đến cái nền theo Heidegger có nghĩa là trở về tư tưởng cổ Hy Lạp. Trong Einführung in die phänomenologische Forschung (GA 17, phần II)) Heidegger cũng đưa ra khái niệm hoàn cảnh thông diễn (hermeneutic situation) của việc khảo sát một vấn đề. Nghĩa là khi ta đặt vấn đề, ta đang ở trong hoàn cảnh hiện tại nào. Ngay từ bước đầu đặt câu hỏi thì trước mắt ta là cái gì, cái được đặt trước mắt đã được nhìn thấy trước đây ra sao, việc khảo sát (Vornehmen) về một vấn đề chuyên biệt đã được thúc đẩy trong một hoàn cảnh đặc biệt nào, và cung cách khảo sát đã xác định sự giải thích như thế nào. Theo Heidegger cần hiểu rõ ba điểm sau đây: cái ta đã có từ trước, tiền-sở-hữu (pre-possession/Vorhabe) khi khảo sát vấn đề vì cái nhìn của ta thường trực đặt trên tiền sờ hửu, cài tiền thị (pre-view/Vorsicht) tức là nhìn kiểu nào loại nào giữ nguyên vị trí trong tiền sở hữu, và cuối cùng là tiền-ý (pre-hension/Vorgriff) nghĩa là cái được nhìn theo một cách riêng biệt được giảng giải theo cách khái niệm trên cơ sở của sự thúc đẩy đặc thù nào. Đó là những yếu tố của hoàn cảnh thông diễn, và dựa trên những yếu tố này một cái gì đó được giải thích. “ Eρμηνεύειν (hermenein/thông diễn) có nghĩa là dịch nghĩa, chuyển ngữ theo nghĩa một sự giả thích luôn được giữ sao cho trong suốt.. Tất cả những tính chất của hoàn cảnh thông diễn được qui định bởi sự làm trống khái niệm [hay tính chất trước-khi làm (Vorhafte)]. Sự quét sach gắn liền với với những qui định này của hoàn cảnh thong diễn cũng là một qui định nền tảng của sự hiện hữu.” (GA 17, trang 80).
(còn tiếp)
Đào Trung Đạo