Chánh kiến người học Phật trước làn sóng bôi nhọ Phật giáo | ||
Người Phật tử gặp bất cứ việc gì cũng bình tĩnh quán xét, không hoang mang, chán nản, vội mất niềm tin khi chưa hiểu rõ vấn đề. Chúng ta nhận thức về vết thương là để chữa trị vết thương chứ không phải để cho vết thương làm cho ta thêm đau đớn và nhức nhối sinh ra mệt mỏi, mất phương hướng. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính gửi Ban biên tập trang nhà Tôn giáo và Dân tộc, trang nhà Hoa Linh Thoại. Đồng kính gửi Đại đức tác giả truyện ngắn “Những chú tiểu ngộ nghĩnh” – ĐĐ. Thích Trí Giải (Thích Đức Hải) Cùng quý vị Phật tử đã dành sự quan tâm đến bài viết “Bôi nhọ đạo Phật – hết báo lá cải đến người trong đạo” trong thời gian vừa qua. Kính thưa quý vị! Khi chúng ta xưng danh là những người con Phật, người học Phật, chúng ta cần biết đạo Phật là gì? Đức Phật là ai? Đạo Phật đóng một vai trò gì trong văn hóa? Nhìn lại lịch sử, đạo Phật sống trong lòng nhân loại đã hơn 25 thế kỷ, vậy nếu Phật giáo chỉ là một tôn giáo bình thường, chỉ giới hạn trong cầu nguyện, cúng bái, “dễ tin người” và đức Phật là vị chúa tể vũ trụ, là vị thần linh cho những tín đồ chỉ biết tin vào sức mạnh vô hình mà không có sự nỗ lực của bản thân thì tự thân của tôn giáo ấy đã bị hủy diệt ngay từ những thế kỷ đầu chứ không thể phát triển như đến ngày hôm nay được. Hãy để đức Phật ngồi dưới cội Bồ Đề, một hình ảnh rất gần gũi và thiêng liêng. Và hãy vẽ bức tranh về Tăng đoàn trong màu sắc của trang nghiêm, thanh tịnh. Đừng bao giờ đưa quý Ngài lên sân khấu để làm trò hề cho thiên hạ thông qua vai diễn là những chú tiểu ngộ nghĩnh làm mất đi oai nghi tế hạnh của một người tu, ngôn ngữ thật bỡn cợt để ngoại đạo cười chê. Đức Phật là một đấng giác ngộ, là một nhà văn hóa vĩ đại của nhân loại này, hơn 25 thế kỷ đạo Phật sống trong lòng nhân loại cũng đủ để cho thấy vai trò của Phật giáo có sức ảnh hưởng như thế nào đối với nền văn hóa của mỗi dân tộc. Nguyên lý của cuộc đời, của sự sống đã được tìm thấy bởi một đấng giác ngộ vẹn toàn, đức độ vô biên, tình thương của Ngài dành cho tất cả muôn loài không có ranh giới, phân biệt bởi giai cấp hay quốc gia và ý chí kiên cường của một bậc vĩ nhân, để rồi nay chúng ta tự hào khi có một đạo Phật giúp chúng sanh tìm thấy sự giải thoát khổ đau và niềm an vui miên viễn. Vậy thì không lẽ hàng đệ tử xuất gia của Ngài lại trở thành những kẻ ngộ nghĩnh trong con mắt người thế gian hay sao? Bài viết “Bôi nhọ đạo Phật – hết báo lá cải đến người trong đạo” là nhằm nêu bật lên ý trên chứ không nhằm mục đích chia rẽ Tăng đoàn, xúc phạm Tăng già, làm mất niềm tin của Phật tử. Xã hội hiện giờ là của thời đại khoa học kỹ thuật phát triển nhưng lại thiếu thốn về đời sống tâm linh, con người đang bị khổ đau bởi đồng tiền và quyền lực, bởi đảng phái và chủng tộc và họ đang cần có một nơi để nương tựa, thì vì sao ta lại làm cho họ phải hụt hẫng bởi những sự “ngộ nghĩnh” ấy? Quý vị đừng quên rằng trong bốn đối tượng mà Đức Phật dạy không được xem thường thì có một đối tượng đó là vị tu sĩ nhỏ tuổi. Nếu theo tư ý của tác giả, những nhân vật này chỉ là chú điệu thì tác giả cũng nên xem lại, vì ngay từ khi còn hành điệu mà không biết xây dựng oai nghi tế hạnh thì lớn lên làm sao có thể thay Phật tiếp Tổ mà hoằng truyền Phật Pháp? Đây là bài viết vì Đạo Pháp chứ không phải luận bàn về cá nhân tác giả. Nếu bài viết “Bôi nhọ đạo Phật – hết báo lá cải đến người trong đạo” này được viết dưới ngòi bút của một kẻ phá Đạo trá hình vào các website hay blog cá nhân Phật giáo, chia rẽ nội bộ, bài xích Tăng Ni thì tự bản thân bài viết ấy sẽ bị hủy diệt trước khi được tác giả lên tiếng bàn về nhân cách của Nguyễn Trần Hải Đăng. Bảo tồn Đạo Pháp là phải biết vượt qua những thái độ ấu trĩ, mang nặng thiên kiến, bảo thủ, biết tiếp nhận được dòng sinh khí của đạo Phật, làm sống lại các nguyên lý Phật học, dẹp bỏ bản ngã, ứng dụng và tu học đúng Pháp. Không cần phải nói nhiều, viết nhiều mà cần phải thực hành nhiều. Khi đó chính bản thân ta cũng sẽ là một tác phẩm có giá trị khi bàn về nhân cách và đạo đức. Oai nghi của người Tăng sĩ cũng một phần đóng góp vào sự quyết định vị trí của đạo Phật trong đời sống của con người. Khi đọc một tác phẩm, chúng ta cần quan tâm tác phẩm ấy đang nói về điều gì để kịp thời sửa chữa trước khi người khác tiếp nhận nó. Một tác phẩm “bị thương” cần phải được “chữa trị” ngay, sau đó ta mới bàn tính đến việc người làm cho tác phẩm ấy “bị thương”. Vì sao quý vị lại phải quan trọng đến việc đi tìm Nguyễn Trần Hải Đăng là ai? Mà không chịu sớm “chữa lại vết thương” cho tác phẩm ấy. Vì mãi rong rủi tìm kiếm cái danh (tên) của một người mà quý vị đã làm tổn hại đến nhân phẩm của những người khác. Trong khi giáo lý đạo Phật không hề dạy những điều này. Khi tôi phát hiện ra một tác phẩm có vấn đề, báo họ phải xem xét lại và gỡ xuống để không làm ảnh hưởng đến niềm tin của người khác về đạo Phật, họ gỡ xuống, tôi rất mừng nhưng vì tư kiến bảo thủ, họ đã gán cho người viết những nhãn hiệu khác nhau về một kẻ phá hoại thì Hải Đăng xin im lặng không một lời giải bày. Vì kẻ học Phật cần phải có trí tuệ mà nhìn nhận, không dùng nhiều lời mà biện bạch, chân lý tự hiển bày. Về việc tác giả sớm thay đổi lại bài viết của mình cũng là một tín hiệu đáng mừng vì tác giả đã nhận ra những “vết thương” trong tác phẩm ấy. Hải Đăng hoàn toàn ủng hộ việc làm này. Nhưng nếu việc sửa đổi là để đánh lừa người đọc, phản lại tác phẩm gốc, xúc phạm đến người khác thì trăm ngàn lần tôi kính mong tác giả nên xem xét lại động cơ của mình khi đặt bút lên nền giấy trắng để cho ra đời những tác phẩm về Đạo Pháp. Ngàn năm bia đá cũng mòn Ngàn năm google vẫn còn trơ trơ. Việc chỉnh sửa, thay đổi bài viết, tất cả đều được lưu lại, khi xem những đường dẫn của độc giả gửi về, tác giả cũng đã thấy và thấy rất rõ. Tôi thiết nghĩ, chúng ta không nên “động binh” như vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người khác khi đến với đạo Phật. Với hơn 2500 năm lịch sử, đạo Phật vẫn luôn đứng vững trong lòng nhân loại với tinh thần từ bi và trí tuệ, đó là một tôn giáo cởi mở, không bảo thủ, không cố chấp và sẵn sàng thể nhập. Văn học nghệ thuật Phật giáo cũng không phải là dùng để đọc cho vui, cho thư giãn mà phải xây dựng nên con đường giải thoát cho nhân loại. Đạo Phật đâu phải chỉ để an ủi tuổi già trong những ngày tháng nghỉ hưu, là chỗ trú tạm thời cho giới trẻ khi bế tắc trong cuộc sống. Nếu như vậy thì làm sao Đạo Pháp được thể hiện một cách trọn vẹn và cuối cùng dẫn đến diệt vong, trang sử Phật giáo gấp lại. Nước mắt của nhân loại này như nước biển dâng cao, nhân loại ngập chìm trong khổ đau không tìm được lối thoát. Để tránh xảy ra một đạo Phật như vậy thì cũng chớ xem thường những tu sĩ nhỏ trong thời gian hành điệu. Về điều này, kính mong tác giả ngẫm lại, chớ nên nghĩ rằng người viết là vị này hay vị khác mà loanh quanh kiếm tìm, tổn hại đến danh dự của một ai đó thì con đường sai lầm không bao giờ thoát ra được. Còn việc tác giả có sự nghịch duyên với vị nào khác hay không? Hải Đăng hoàn toàn không biết được, qua bài viết của Hải Đăng thì quý vị độc giả cũng đã rõ. Vừa qua, bản thân người viết có theo dõi trang Blog Ngưỡng Quan thì thấy có những bài với ngôn từ không còn chút thiền vị khi nói về trang nhà tongiaovadantoc.com; hoalinhthoai.com và “Sự thật về Nguyễn Trần Hải Đăng…”, tôi nghĩ tác giả cũng nên xem lại về văn phong của mình, vì như thế sẽ không đúng với tinh thần của người tu sĩ Phật giáo. Đồng thời, tôi cũng rất vui khi BBT trang nguoiaolam.net đã sớm nhận ra về sự thay đổi, bất ổn này trong mẩu truyện “Câu chuyện những chú tiểu ngộ nghĩnh”, Đạo hữu Minh Triết đã xác nhận về sự biên tập lại nội dung so với bài viết gốc vẫn còn lưu giữ (http://www.nguoiaolam.net/2011/08/cau-chuyen-nhung-chu-tieu-ngo-nghinh.html). Hơn nữa, với sự kiện lần này, Hải Đăng cũng được biết tới trang nhà hoalinhthoai.com thông qua sự biện hộ không đáng có của tác giả mẩu truyện trên. Kính thưa chư vị! Hải Đăng cùng cộng đồng Phật tử Phật giáo Việt Nam thật vô cùng hoan hỷ trước sự xiển dương Chánh Pháp của những trang báo mạng Phật giáo hiện giờ. Sự đóng góp của quý vị có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc hoằng dương Chánh Pháp. Tất cả những việc làm đúng Chánh Pháp luôn đem lại niềm an lạc cho chúng sanh. Nhân đây, cũng xin gửi lời xác nhận tới Đại đức Thích Trí Giải và toàn thể quý vị độc giả rằng Nguyễn Trần Hải Đăng không phải là bất cứ một ai phải mạo danh cả. Chúng ta nên quan tâm đến việc lớn của Đạo Pháp, đừng nên ngủ say trong việc tìm kiếm hư danh để đánh mất một cuộc đời tu học thì thật uổng phí. Kính thưa quý vị Phật tử độc giả! Tôi tin rằng quý vị cũng luôn có một cái nhìn đúng đắn khi phân tích sự việc. Người Phật tử gặp bất cứ việc gì cũng bình tĩnh quán xét, không hoang mang, chán nản, vội mất niềm tin khi chưa hiểu rõ vấn đề. Chúng ta nhận thức về vết thương là để chữa trị vết thương chứ không phải để cho vết thương làm cho ta thêm đau đớn và nhức nhối sinh ra mệt mỏi, mất phương hướng. Nếu chúng ta còn rơi vào sự lẩn quẩn này thì ngày đó đạo Phật sẽ còn mang tiếng là đạo bi quan, không có trí tuệ. Tuy nhiên, đạo Phật cũng không phải quá lạc quan đến nỗi ngây thơ không biết phân tích một sự việc về những sự hiện hữu rất tinh vi. Do vậy, đạo Phật rất cần đức tính kiên nhẫn, can đảm, phát huy khả năng nhận thức, luôn cương quyết hành động trước những điều nguy hại cho Đạo Pháp. Có thể qua sự việc lần này sẽ làm cho tác giả và một số độc giả mất đi sự bình tĩnh khi giải quyết vấn đề. Và đó cũng gọi là sự khổ đau đang có mặt. Vì thế, nếu không nhận rõ bản mặt của sự đau khổ này thì chúng ta sẽ ngày càng lún sâu vào vũng bùn ấy mà không thoát được. Nhận rõ đau khổ ấy rồi thì con đường thành Phật rộng thênh thang. Văn học nghệ thuật Phật giáo là một phương tiện để chỉ cho con người thấy rõ con đường giải thoát chứ không phải để lợi dụng, vô tình hay hữu ý bôi nhọ đạo Phật qua hình ảnh của người Tăng sĩ. Và cũng không bao giờ mượn văn học nghệ thuật Phật giáo phục vụ cho những tư ý ích kỷ, thái độ ấu trĩ của bản thân làm đánh mất giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn vốn có của một tác phẩm văn chương. Người xuất gia cũng là những bậc đại trượng phu với tinh thần Vô ưu, Vô úy, bằng tâm Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi sẽ làm nên những áng văn chương bất diệt của nhân loại. Khi đó văn tự của thế gian cũng đành bất lực, ngả mũ nghiêng chào khi phải viết nên một vẻ đẹp giải thoát của người tu sĩ. Vậy thì, hình ảnh người xuất sĩ bị gọi là ngộ nghĩnh có nên hay không? Thành thật tri ân Ban biên tập các trang website Phật giáo đã tạo điều kiện cho chúng tôi có một tiếng nói Chánh kiến trước sự nghiệp bảo vệ và hoằng dương Chánh Pháp. Kính chúc quý vị sức khỏe, vạn sự an lành. Đồng kính chúc Đại đức Thích Trí Giải, tác giả “Câu chuyện những chú tiểu ngộ nghĩnh” pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ. “Phật Pháp vô biên, vô lượng, vô ngã, vị tha Diệu Pháp chân như, chân thường, chân lý, huyền vi” Nguyễn Trần Hải Đăng |