(những cánh cửa và chiếc đông hồ “thời gian” ký họa của Quế Anh)
Ngô Văn Tao
Zarathoustra hay là Lão Tử
giới thiệu và thông diễn giải F.Nietsche
tản mạn
F.Nietzsche (1844-1900) là triết gia hay là thi nhân? Nietzsche tư tưởng gia không theo truyền thống tư biện (speculative) Tây phương, như Kant, Hegel, Marx…Nietzsche đưa ra một số khái niệm không thuộc về phạm trù của lý tính tư biện mà thuộc về phạm trù trực tuyến cảm thức. Một câu nói của Nietzsche, mà Bùi Giáng thường nhắc lại: “Chúng ta có nghệ thuật để không chết chìm trong sự thật”. Tiêu chỉ nêu rõ Nietzsche trước hết là đạo gia, đạo gia bận tâm đến sự hiện thành của nhân loại (le devenir de l’humanité), của con người sống trong khuôn khổ tù túng của sự đời, thực tế nhân sinh mỗi ngày, với những tập quán tiềm ẩn sự đắm chìm dần vào “hư vô chủ nghĩa” (le nihilisme).
Vĩnh hằng tái hiện (Die ewige Wiederkehr = l’eternel retour)
Nietzsche thời niên thiếu là nhạc sĩ dương cầm và sáng tác có thực tài. Trưởng thành chọn nghiên cứu ngôn ngữ học (philologie), năm 25 tuổi đã được phong làm phó giáo sư (professeur adjoint) ngôn ngữ học ở đại học danh tiếng của thành phố Basel-Thụy Sĩ. Ngay những năm 1872-1879, Nietzsche đã có những tác phẩm tư tưởng văn học có chiều sâu để dấu ấn vào thời đại: “Bi thảm kịch sinh thành từ nhạc tính” (La naissance de la tragédie à partir de l’Esprit de la musique) và “Thói thường nhân sinh, quá thói thường nhân sinh” (Humain, trop humain I&II,1878-1879), những tác phẩm về bản thể nhân sinh, viết cho những đầu óc tự do, tháo gỡ những trói buộc tập quán cổ hủ thuần phong mỹ tục, tìm ra sức mạnh sáng tác trong chính cuộc sống, giữa bể khổ của phận người.
Nietzsche vượt qua ngôn ngữ học, chọn suy tư về bản chất làm người. Hè năm 1881, Nietzsche bật mí ra khái niệm, theo chính Nietzsche tự nhận như là hiển thị của tâm linh (epiphanie), khái niệm “Vĩnh hằng tái hiện”. Nguyên văn tiếng Đức: Die ewige Wiederkehr, trong tiếng Pháp dịch là : “L’éternel retour”, trong tiếng Anh dịch là : “The eternal recurrence”, theo tiếng Việt Nam nôm na có thể là : “Mãi mãi trở về”. Tôi chọn dịch ra bằng hán việt: Vĩnh hằng tái hiện, với chữ “hiện” nhắc nhở đến thuyết “hiện sinh” (existentialisme) và ý niệm “hiện thể” (l’Être), những đề tài căn bản trong tư tưởng của Nietzsche.
Nhưng dù trực tuyến cảm thức, Nietzsche vẫn là con người hiện đại, trí thức nhân loại hình thành với Copernic, Newton, Carnot, Darwin…, nên có nhiều lý lẽ tỏ ra rằng trong khái niệm “Vĩnh hằng tái hiện”, Nietzsche có nhận thức văn minh khoa học: quỹ đạo elliptic của hành tinh, sự bảo tồn năng lượng trong vũ trụ (la théorie de la conservation de l’énergie), sự di trì sinh khí trong sinh học (một xác chết cũng nuôi dưỡng bao nhiêu vi khuẩn của sự sống, đặc biệt tiên nghiệm đến thuyết ADN và tế bào gốc của sinh học thế kỷ thứ hai mươi và hiện đại). Riêng về phần tôi, tôi nghĩ tới đoạn văn nổi tiếng này của Nietzsche:
“Cuộc sống này anh sống và đã sống, anh sẽ sống một lần nữa, nhiều lần nữa, không có gì mới lạ, mà chỉ có nỗi đau này nỗi sảng khoái kia, ý niệm này lời rên kia, mọi sự lớn lao hay bé nhỏ của cuộc sống vẫn trở về để anh sống lại, trong cùng một tuần tự một diễn biến như đã có, này con nhện giăng tơ, này ánh trăng qua ngọn cây, với giây phút này, với chính ta nữa. Mãi mãi sa lậu chung canh tàn của thời gian, quay tròn để chảy lại từ đầu với chính anh, ôi! Anh, hạt bụi của trần gian.” (Le gai savoir-1882, avec le sablier du temps)
Qua đoạn văn này, “Vĩnh hằng tái hiện” cũng là sự hồi tưởng cuả thi nhân, sống tràn đầy mãnh liệt từng giây phút, lưu giữ những cảm thức dù bất ngờ dù không duyên cớ trong ký ức để rồi sống lại những tình cảm đó, những rung động kia trên một màn ảnh hư hư thực thực để chính cuộc sống của mình như tái diễn thêm bao quát, thêm sâu xa…
Zarathoustra hay là Lão Tử
“Vĩnh hằng tái hiện” là một khái niệm lóe sáng, một ẩn ngữ cho chính Nietzsche (như những ý thơ chợt ngộ trong tâm hồn thi ca đối với thi sĩ). Chúng ta có thể liên tưởng tới khái niệm luân hồi của Phật giáo với những kiếp tái sinh trong một vòng tròn bất tận của Nghiệp. Nhưng sự thật với Nietzsche, “Vĩnh hằng tái hiện” không liên quan gì với thuyết luân hồi của Phật giáo, mà sự huyền bí hình nhi thượng nếu có chính là ý niệm rằng có một tâm khí gì đó của thánh nhân (những nhân vật trí tuệ siêu phàm như Zarathoustra, như Jesus, như Lão Tử…) vẫn trở về trong trực giác cảm thức hiện sinh của con người. Với ý nghĩa đó, Nietzsche tự cho mình là hiện thân của Zarathoustra (1884). Tại sao Zarathoustra? Vì theo truyền thuyết, Zarathoustra là thánh nhân mà tư tưởng dẫn đến Do Thái Giáo (Judaism), đến Thiên Chúa Giáo (Christianism), hai cột trụ của hệ tư tưởng đạo lý Tây phương mà Nietzsche muốn phá vỡ, trở ngược đảo lộn mọi hệ thống tư duy cố định (inversion des valeurs). Nhưng nhìn lại toàn thể hệ thống đạo lý mà Nietzsche tổng kết muốn đưa ra, thì ta cũng có nhiều lý do để nghĩ Nietzsche là hiện thân của Lão Tử (tuy rằng Nietzsche không biết gì về Đạo Giáo- Taoism).
Also sprach Zarathustra (1885):”Như là Zarathoustra đã nói” (Ainsi parlait Zarathoustra) là tác phẩm quan trọng nhất của Nietzsche, một hòa tấu ngụ ngôn và ẩn ngữ, mang mang bí ẩn thi tính với sự truyền tải cảm thức mà chúng ta thấy ở “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, ở “”Nam Hoa Kinh” của Trang Tử, môn đồ Đạo Giáo.
Một trong những ngụ ngôn là chuyện: “Con lạc đà, con sư tử và thằng bé” định rõ ý nghĩa nhân sinh quan bao quát của tác phẩm. Chuyện con người, từ tuổi nhi đồng đã là con lạc đà, mà người ta cho mang nặng những thành kiến, những ý đồ, những giáo lý….Và như thế, con người như con lạc đà mang nặng đi mãi giữa trần gian như đi sâu dần vào trong sa mạc. Đi mãi và tiêu hóa hết cái u nô tỳ, con lạc đà sẽ biết chăng trở nên là con sư tử tự lập một vương quốc bản ngã giữa trần gian, và sau cùng trong ánh sáng của vương quốc, con sư tử rồi cũng biết chăng làm lão ngoan đồng , với thuyết vô vi?
Thượng Đế chết rồi, đã chết dưới thanh đao của Người!
“Lão ngoan đồng Nietzsche” tự nói ta không là thánh nhân mà chỉ là thằng hề (le pitre). Lời ta nói là bí ngôn (esotérique) không ai hiểu! Mà có lẽ (theo một ngụ ngôn của Nietzsche), “ta là thằng khùng, giữa chợ đời, trong nắng chang chang, ta mang đuốc để nói cho thiên hạ hay: Thượng Đế đã chết rồi, đã chết dưới thanh đao của Người! Bàng nhân thiên hạ đều cười rộ. Ta đành vứt đuốc và nói: Ta đến quá sớm!”
Quá sớm vì thiên hạ chưa lạc đến tận cùng vào đêm! Trong tác phẩm “Biết nhiều vui sao” (Le gai savoir-Die fröhliche Wissenschaft, 1882), Nietzsche nhận thức rằng lịch sử nhân loại tận nay là chuyện con người càng ngày càng ủy mị, yếu hèn lạc lõng vô tâm trí như lạc vào sa mạc, lạc dần vào hư vô chủ nghĩa. Con người đã mất rồi sự cuồng nhiệt kiêu hùng sống của con vật giữa trời và đất. Những giá trị xưa nếu có, những giá trị thánh thần của con người tiền trung cổ, đã mất rồi, thay thế bởi những giá trị của thói thường nhân sinh. Những nhà thờ chỉ còn là những nhà mồ của tượng gỗ, “Khổ Não của Thập Giá” (La Passion du Christ) không còn có trong trái tim người. Những vĩ nhân mà nay người ta có, chỉ là những đầu óc chết, xơ cứng với bản kịch giả dối lấy sáp đắp lên cho cao, tô màu cho thêm đẹp, để thiên hạ bái phục và để dẫn dắt như một bầy con chiên, an vui với tiện nghi của kỹ thuật, vô tư trống rỗng với luận trình máy móc một hai của khoa học…Chúng ta đã giết Thượng Đế, ta vứt bỏ mọi triển vọng siêu thoát của con người. Con người là Người, phải là mãi mãi ra đi, khổ não lên đường về phía chân trời kia, chân trời bản ngã trong cái không cùng của vũ trụ (l’homme devrait être l’éternel explorateur dans son cosmos). Có thể nghĩ chân trời bản ngã chính là Đạo của Lão Tử, cái gì mà ta không biết nhưng là nơi siêu thoát mà ta triển vọng muốn đến theo giòng sông của sự sống.
Siêu nhân và Cường lực ý chí (Übermensch & der Wille zur Macht = Surhomme & la Volonté de puissance).
Chính trị xã hội nhân sinh quan của Lão Tử là nền quân chủ sáng suốt có chính sách để thường dân an vui thôn Đoài không vọng tiếng tới thôn Đông, người người an cư có vợ có chồng có con cái, gia đình an nhiên tự túc có gà có vịt với một thửa ruộng vườn. Đạo Giáo cùng với Thiền học (hợp nhất của Đạo Giáo với Phật Giáo) không phải là đạo lý xã hội nhân sinh mà là đạo lý làm người, đạo đi tìm bản ngã (notre ego), bản thể con người chính nó siêu thoát cái hệ nhỏ bé trống rỗng của thường dân.
Trong tư tưởng của Nietzsche, đại chúng nhân loại là một bầy con chiên lẽo đẽo theo nhau trên một đường rày, những giá trị luân thường, những tập quán thời thượng…Đó là luật tập thể để tồn tại trong hoang dã, nhưng con người phải hơn thế, nhất là những luật lệ, những giá trị trói buộc xã hội hiện đại chỉ là hữu hạn và những thay biến càng ngày càng làm mất cái sức mạnh kiêu hùng của sự sống, làm mất như “giết Chúa” sự linh thiêng hoài bão vô cùng của nhân loại, một loài vật có thể xác nhưng cũng có trí tuệ tâm linh. Siêu nhân, trong đạo lý của Nietzsche, là sự siêu việt cái tù túng đó, duy trì bản ngã siêu thoát, “triển vọng vượt cả chính mình”theo ý nghĩa của sự sống.
Đúng thật con người không phải là súc vật, Nietzsche viết:
“Hãy để tôi nói cho người nghe thế nào là siêu nhân. “Con người” là điều ta phải siêu việt...Mọi loài sinh vật đều có cường lực ý chí để vượt qua chính mình. Nhưng các người chỉ muốn ở mãi trong thoái triều của sự cường điệu đó sao? Để trở về làm súc vật hơn là siêu việt quá “con người”? …Để trở về làm vượn như “con người” đã từng là? Để trở về trạng thái côn trùng?...Siêu nhân là “sự vượt quá con người”, là ý nghĩa của sự sống làm người trên trái đất này! Và “con người” là cái dây treo từ súc vật tới trạng thái đó. Sợi dây lơ lửng trên hố thẳm…Vĩ nhân là cái cầu dẫn đến siêu nhân”. (Ainsi parlait Zarathoustra-Prologue§§3–4).
Trong Đạo Giáo, chân trời bản ngã là Đạo với tất cả ý nghĩa huyền vi của nó; chân trời bản ngã, chân trời mà ta phải vọng tới, thì được Nietzsche hình tượng hóa là siêu nhân, bao quát mênh mông sự sống. Vì là sự sống nên hàm chứa khái niệm, nổi danh gắn liền với tên tuổi của Nietzsche: cường lực ý chí (der Wille zu Macht= La volonté de puissance=The will to power). Cường lực ý chí là khái niệm thuộc về bản thể sinh vật, tât nhiên cũng về bản thể “con người”, thượng tầng sinh vật. Cường lực ý chí là ý chí của mọi sinh vật đi tìm ánh sáng mặt trời, khẳng định hiện sinh tính, xác nhận địa bàn chủ thể với quyền yêu, quyền làm tình và truyền sinh khí…Đối với bản thể “con người”, một sinh vật có tư duy, cường lực ý chí còn là ý chí cường điệu sống, hăng say từng giờ từng khắc dù có phải trở về sống lại với khát khao, với đau khổ trong sự hiện thành bất tận của chính mình, như trở về điểm xuất phát để tiếp tục một vòng tròn hiện sinh lớn lao rộng hơn nữa (trong sự: vĩnh hằng tái hiện). Cường lực ý chí là ý chí không rơi vào bạc nhược trống rỗng, thoát ly đầu óc của con chiên, vượt lên trên chính mình, vượt lên trên những giáo điều, và chỉ như thế không chết chìm vào hư vô chủ nghĩa.