Home » » Nghệ thuật của ngày mai

Nghệ thuật của ngày mai

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011 | 01:37


Ngô văn Tao trích dịch


web.tiscali.it/.../claufi/
                       Nghệ thuật của ngày mai
                        F.Nietzsche (1844-1900)
Dẫn:
Đây là những đoạn văn tôi trích dịch từ phần 18 của tác phẩm:
F.Nietzsche. Die geburt der tragodie (1872)
(Sự nẩy nở của nghệ thuật truyền sử bi tráng)
            F.Nietzshe đã xuất bản tác phẩm này hơn một thế kỷ trước. Nhưng như tất cả những tư tưởng thâm sâu đều là những ngọn sóng đơn độc âm thầm cứ thế mà mãi mãi lan rộng, những điều Nietzsche nói  trong những đoạn văn này  về sự khủng hoảng tinh thần của Âu châu vào cuối thế kỷ thứ 19 vẫn là những điều chúng ta cần phải nghĩ về sự khủng hoảng tinh thần của nhân loại ở toàn thế giới hiện nay - khủng hoảng tinh thần của một dân tộc, dân tộc mình - khủng hoảng tinh thần của bản thân, bản thân của mỗi người chúng ta.
            Tôi trích dịch dựa trên bản dịch ra pháp văn: La naissance de la tragédie, Jean Marnold et Jacques Morland ( Livre de Poche, classiques de la philosophie-Paris). Vấn đề trích dịch những tư tưởng tríết lý của Nietzsche, từ tiếng âu-mỹ sang tiếng Việt Nam thường phải là một sự mạo hiểm quá táo bạo, để tự bào chữa tôi xin  gửi đến các bạn đọc, ở phần phụ lục, mấy lời bàn của Bùi Giáng về vấn đề “Dịch thuật”.
n.v.t.
 Đã từ lâu, từ nguyên thuỷ, người ta  sống với “Ý Chí”.Với ý chí người ta bằng mọi cách đặt điều lệ khuôn khổ cho cuộc sống, tiếp cận cùng một số ảo tưởng.
Có những người thì an vui, như Socrate, với  “chủ nghĩa lạc quan” về cái biết, ảo mộng rằng nếu ta biết, ta có thể vượt qua mọi khổ luỵ, khó khăn ở trần gian. Có những người thì muốn quên hết, chìm đắm vào màn sa “duy mỹ” của nghệ thuật. Lại còn có những người nữa ôm giữ những ý niệm siêu hình, “hình nhi thượng” vọng đến được khung trời an nhiên vĩnh hằng giữa cõi vô thường trầm luân khổ đau này.
Không kể đến số người cũng có ý chí, nhưng cốt để duy trì những tập quán tầm thường, thiết thực vật chất, đủ để qua ngày qua tháng, chúng ta cốt yếu là có ba sắc thái ý chí nói trên, dành cho những đầu óc tiên phong, cao kỳ, những đầu óc chán chường trước những hệ luỵ phàm tục, những khốn nan trong phận làm người nhất chí đi tìm con đường nhân sinh thăng hoa giải thoát.
Như vậy có thể nói là chúng ta có ba con đường văn học : văn học Socratic, văn học nghệ thuật, văn học bi tráng[1]. Hay nói một cách khác nữa, phản ảnh lịch sử tư tưởng của nhân loại: văn hoá trường quy truyền thống (Aristote-Alexandre), văn hoá Hy Lạp, văn hoá Phật Đạo[2].
……
Toàn thế giới hiện đại nằm trong mạng lưới của “văn hoá truyền thống”. Lý tưởng là con người có “học thuyết”[3] , với những thiết bị càng ngày càng tinh xảo, ra sức khảo cứu tìm tòi, tận tuỵ vì khoa học. Con người điển hình, con người thần tượng nguyên thuỷ, chính là Socrate! Nền giào dục  phổ biến trong xã hội loài người bây giờ là hướng về hay dẫn đến lý tưởng đó. Nếu một ai có nhân sinh quan khác, sống ngoài vòng lý tưởng khoa học trên, thì người đó thật là dấn thân liều lĩnh, không có ngày mai, và có tồn tại thì chỉ vì xã hội tạm thời khoan hồng dung thứ.
……
Nhưng cũng đến lúc, chúng ta phải tự nhủ “văn học Socratic” trong căn bản tiềm ẩn ảo vọng tuyệt cùng “lạc quan chủ nghĩa” [4] . Và chúng ta không được ngạc nghiên hay kinh dị nữa! Nếu cái ảo vọng lạc quan đang mang đến những tệ hại, xã hội suy đồi từ hạ tầng, nhân loại bịnh  hoạn kiêu mạn, điên rồ tham muốn muôn ngàn vật chất ở cõi tục. Người ta bạo nghĩ có thể xây dựng một địa đàng hạnh phúc cho tất cả mọi người. Đặt lòng tin vào hệ thống lý thuyết khoa học, người ta nhắm mắt đeo mang một ý chí đầy hiểm hoạ, xếp đặt hạnh phúc con người theo lý thuyết của bọn hương nguyện trường quy chắc cũng để rồi chỉ còn biết cầu mong “sự giáng sinh của một thánh sống, ban thưởng ban phạt cho chúng sinh”[5] ,những thằng hề đeo mặt nạ cưỡi ngựa máy từ cao rơi xuống giữa màn kết của vở bi hí kịch, một vở tuồng mệnh danh là “có hậu” [5] .
………
Con người hiện đại suy tư, nhận thức cái hiểm hoạ ẩn tàng trong nền văn minh lý thuyết khoa học, hoang mang nhìn lại tất cả những thành quả và mong tìm ra con đường cứu vãn. Nếu con người hiện đại bắt đầu thức tỉnh nhìn ra hậu quả  của sự ngu muội đã lao mình vào mạng lưới của lý thuyềt khoa học, những nhân vật xuất chúng, những đầu óc lớn đã nhìn  thấy  trước rồi, xa và rộng, dựa ngay trên những lý thuyết khoa học và biết luận ra cái hạn hẹp, cái thực trạng vô hiệu lực của “những cái biết”; họ chứng nhận khoa học lý thuyết chỉ là ảo mộng đòi đạt tới cái chân cái thật trong càn khôn. Thực tế càng ngày càng cho chúng ta thấy rõ, với lý thuyết :”nguyên lý yếu tố và hậu quả”[6], chúng ta không thể nào thấu triệt được thể tại của sự vật. Kant và Schopenhauer là hai triết gia có can đảm và kiến thức, đã biết nhìn ra trước, phủ nhận “lạc quan chủ nghĩa”, lý tính lôgic của văn minh thế giới. Lạc quan chủ nghĩa đặt tiên đề là con người có thể đi đến một số “sự thật vĩnh hằng” [7]  và giải định mọi câu hỏi về thiên nhiên vũ trụ; Kant vạch ra sư thật là với những khái niệm của lý thuyết khoa học: không gian, thới gian, nguyên lý yếu tố và hậu quả…,con người vẫn không ra khỏi màn “vô minh ảo ảnh” [8] chỉ nhìn thấy được những hình những bóng, mà thật càng u muội xa dần cái chân nguyên của vật thể, nhưng lại cứ như thế chìm đắm  -theo lời của Schopenhauer- vào trong cuộc mộng du.
Kant và Schopenhauer đã viết những lời tiểu dẫn cho nền “văn học bi tráng”, một nền văn học mà cứu cánh căn bản không phải là những cái biết của lý thuyết khoa học mà là tìm đạt đến “cái tâm thức của hiền giả” [9]. Có tâm thức hiền triết để khắc phục cái ảo ảnh phù hoa khoa học, để biết tâm định và trí định nhìn thế gian một cách toàn diện và tổng quát, nhận ra cái bể khổ muôn kiếp của loài người, và để có lòng từ bi bác ái, khi mỗi người chúng ta đều an nhiên tự thấy mình cũng trầm luân trong bể khổ.
…….
Giờ đây chúng ta hãy biết đợi một thế hệ mới, trưởng thành hiên ngang nhìn thẳng, dấn thân liều mình tìm đến một cái gì lớn “thật rùng rợn thật phi thường” [10] . Một thế hệ gan dạ “phá huỷ mọi thần tượng phi nhân tính” [11] , từ bỏ những tư tưởng tầm thường yếu hèn già nua lạc quan chủ nghĩa, để sống thật, sống tràn đầy và táo bạo. Có lẽ tất cả chúng ta phải biết đảm nhận trải qua những thử thách tàn khốc và ác liệt để có lòng bi tráng và ý chí đi đến nghệ thuật của ngày mai. Cái nghệ thuật biết an ủi con người và “dẫn độ đến một cõi thanh tĩnh siêu hình” [12] .
Sự thống chế của  lý thuyết khoa học  không còn tuyệt đối nữa, lung lay từ căn bản với những thành quả mang đầy bóng tối, niềm tin ấu trĩ lạc quan đã tiêu tan…Con người học thuyết hoang mang vô vọng khi tất cả hệ thống tư tưởng của mình đang sụp đổ, họ không còn ý chí để lao mình vào giòng suối thác của cuộc sống và xây dựng lại trên những lâu đài đổ nát. Họ múa may không biết nghĩ gì, không biết làm gì. Họ không còn thật muốn một cái gì khi tất cả như đều có mặt trái bí ẩn đầy hiểm hoạ. Nền “văn minh lý thuyết khoa học” mang sẵn những điều phi lý, mầm móng của sự suy đồi; con người học thuyết chỉ biết bó tay, nhảy lùi trước sự mâu thuẫn tiềm ẩn. “Nghệ Thuật Ngày Mai”, nghệ thuật của chúng ta, sẽ biết nói lên cái khủng hoảng tinh thần của thời đại……
phụ lục cho bài : Nghệ thuật của ngày mai,
F.Nietzsche (Ngô văn Tao trích dịch)
( trích từ  “Vài lời về dịch” trong Bùi Giáng: Sương bình Nguyên, nhà xuất bản Võ Tánh, Saigon 1969, trang 113-120)           


            Những lời khó dịch nhất, vốn chẳng phải là những từ ngữ “uyên bác u thâm” vốn dĩ là đã nằm trong quyển tự điển, và chờ dịp biến chế chút ít theo bình diện riêng biệt. Lời khó dịch nhất lại thường là những lời không có chi hết cả. Bởi vì chúng không có nằm sẵn trong tự điển, mà lại phất phơ phù động tại mép rìa chênh vênh gây cấn nhất ở tận cùng tinh thể riêng biệt trở cơn của riêng một thiên tài đi về giữa âm thanh mở phơi niềm vui chân như trong cơn lốc.
            Vả chăng mỗi phen định nói thêm một lời, mỗi phen con người ta tư tưởng phải hiểu cái lẽ tương nhượng nhảy lùi…Bất cứ thốt một lời nào  ra trong vòng lung trạo của lập luận “nhà ma”, đều không đạt tới cõi riêng ẩn của một sáng tạo đã đi về từ bất tuyệt tam sinh.
            Chúng ta tồn lưu liên hệ với ngôn ngữ thiên tài trong kiệt tác, chúng ta liên tồn can hệ vấn vít với ngôn ngữ mẹ đẻ, chúng ta bị lôi xốc vào giữa trận gùn ghè gắn bó giữa hai bờ cõi tương giao đang ôn tồn tranh chấp…Chúng ta ăn mầng răng, nói mầng răng, bây chứ?
            Sự thật ai đâu dám quả quyết mình dịch thập phân viên mãn? Hướng dẫn mọi người vào chơi trong văn dịch?…Chung quy, sự vụ dịch văn thơ, hay sáng tác thơ văn cũng như mọi sự việc khác ở “sinh tồn”, ông trời xanh muốn rằng “có trời mà cũng tại ta” , trong khi bà trời trắng bảo rằng “có ta mà cũng tại trời”.
            Nghĩa là nói cách khác đơn giản thiết cận hơn: “có khi bắt có khi buông”. Có khi phải nắm ngôn ngữ lại, có lúc phải nên buông thả nó ra, và đôi phen cũng nên thổi một hơi thở vào cho nó vèo bay phiêu bồng trên dâu biển.
            Cũng tỷ như việc chăn dê chăn bò, có khi phải nhốt nó vào chuồng, có khi phải buông thả nó ra đồng thong dong gặm cỏ. Và chính con dê con bò ở ngoài đồng có phong thái “bắt và buông”. Có lúc nó cắm cúi gặm miệt mài, có phen nó tung mình nhảy cỡn, có lần nó đứng im lìm, nhìn xa vắng cuối chân trời một cách rất mực đăm chiêu.
 Bùi Giáng
 Chú thích  (dưới đây là một số từ ngữ đặc thù , phiên dịch ra Pháp văn, của Nietzsche)
[1] culture socratique, culture artistique, culture tragique
[2] culture alexandrine, culture hellénique, culture boudhique
[3] l’homme théorique
[4] l’optimisme
[5] l’intervention d’un deus ex machina “à l’Euripide”
[6] la causalité
[7] les eternae veritates
[8] le voile de Maia
[9] la sagesse instinctive
[10] cette impulsion vers le monstrueux et l’extraordinaire
[11] tueur de dragons
[12] l’art de la consolation métaphysique
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved