Một nữ sinh đảm nhận đề tài thuyết trình “Tư duy tự do là gì?” đã lên mạng cầu cứu: ai biết, làm ơn cho một định nghĩa ngắn gọn giùm! Một hồi âm: tư duy tự do là cứ tìm hiểu thế giới mà không cần theo quy tắc nào hết!
Cô hỏi lại: Sao kỳ vậy? Trả lời: Kỳ gì đâu? Phải tìm hiểu đã rồi mới có quy tắc chứ!
Tư duy và tự do, lại một câu chuyện của quả trứng và con gà? Tự nó, mọi tư duy đều tự do, chỉ có điều: trong thực tế, nó thường bị cản trở bởi đủ thứ thế lực: thần quyền, thế quyền và cả thói quen của bản thân người tư duy. Tư duy nào cũng bị một hoàn cảnh nhất định giới hạn nó, nhưng tư duy triết học – ít ra về bản tính và ý hướng – bao giờ cũng là một tư duy tự do, tức vượt khỏi những ngục tù tinh thần. Mặc dù tương đối và hữu hạn, nhưng tư duy triết học là vô giới hạn, vượt bỏ rào cản, nghĩa là, tự do triệt để. Sức mạnh của ý chí và sức mạnh của tư duy để thoát khỏi mọi cưỡng chế tư tưởng là linh hồn và lẽ sống của triết học. Nói ngắn: không thể có triết học nếu không có sự tự giải phóng tâm hồn. Điều ấy đòi hỏi sự dũng cảm, kể cả sự dũng cảm dấn mình vào chỗ bấp bênh, nghi ngờ, thất vọng.
Bùi Văn Nam Sơn (SGTT)
Cô hỏi lại: Sao kỳ vậy? Trả lời: Kỳ gì đâu? Phải tìm hiểu đã rồi mới có quy tắc chứ!
Tư duy và tự do, lại một câu chuyện của quả trứng và con gà? Tự nó, mọi tư duy đều tự do, chỉ có điều: trong thực tế, nó thường bị cản trở bởi đủ thứ thế lực: thần quyền, thế quyền và cả thói quen của bản thân người tư duy. Tư duy nào cũng bị một hoàn cảnh nhất định giới hạn nó, nhưng tư duy triết học – ít ra về bản tính và ý hướng – bao giờ cũng là một tư duy tự do, tức vượt khỏi những ngục tù tinh thần. Mặc dù tương đối và hữu hạn, nhưng tư duy triết học là vô giới hạn, vượt bỏ rào cản, nghĩa là, tự do triệt để. Sức mạnh của ý chí và sức mạnh của tư duy để thoát khỏi mọi cưỡng chế tư tưởng là linh hồn và lẽ sống của triết học. Nói ngắn: không thể có triết học nếu không có sự tự giải phóng tâm hồn. Điều ấy đòi hỏi sự dũng cảm, kể cả sự dũng cảm dấn mình vào chỗ bấp bênh, nghi ngờ, thất vọng.
Tự giải thoát khỏi cái gì?
Người ta thường xét sự tự do ở hai giác độ: tự do khỏi cái gì và tự do được làm gì. Trước hết, là tự giải thoát khỏi tất cả những gì ràng buộc tư duy, mà hàng đầu là khỏi những thói quen “vô tư tưởng” của nhịp sống thường ngày. Qua đó, có ý thức muốn thoát ra khỏi những nội dung và hình thức tư duy quen thuộc. Triết học, vì thế, trước hết bao giờ cũng là sự phê phán. Sự phê phán còn được nâng lên thành sự “phê phán ý hệ” (“Ideologiekritik”) nhằm bóc trần những lối giải thích thế giới mà lại trở thành xa lạ với thế giới và tạo nên những huyền thoại lừa mị. Mục đích là để phân biệt giữa tri thức và nguỵ tri thức, giữa ảo ảnh và thực tại, giữa ước muốn và hiện thực. Thế nhưng, bản thân triết gia cũng dễ rơi vào thế giới ảo ảnh, vô tình hay cố ý tạo ra những “huyền thoại” mới. Do đó, khi mở ra những chân trời mới của tư duy, triết học luôn phải phản tỉnh và tự phê phán: tư duy của mình chỉ có tính giả định, thử nghiệm, vì mọi việc có thể khác so với điều mình nghĩ. Tư duy tự do còn là biết đặt chính mình thành vấn đề, là luôn nhớ rằng mình phải biết tự giải thoát… khỏi chính mình.Tự giải thoát bằng cái gì?
Nếu không xét đến những trở lực từ bên ngoài thì triết học chỉ có thể tự giải thoát trong tư duy và bằng tư duy. Triết học “dựa vào sức mình là chính”, nhưng, để không thoái hoá thành những khẳng quyết vô bằng, nó phải biết về những giới hạn của chính mình, nghĩa là thận trọng và cân nhắc. Là một lý tính đến với thực tại một cách tự do, triết học không phải là giác tính có tính công cụ, cơ giới hay kỹ thuật, do đó, cũng chỉ có thể tự giải thoát hay tự thanh lọc bằng lý tính. Tất nhiên, tư duy con người – bao lâu còn là tư duy của con người – không bao giờ là tuyệt đối tự do: ta luôn suy tưởng trong một chân trời nhất định. Thêm nữa, tư duy tự do không phải là tư duy tuỳ tiện mà bao giờ cũng gắn liền với một nội dung và phục vụ cho nội dung ấy. Nhưng, khác với tư duy cơ giới, công cụ hay kỹ thuật, tư duy triết học không đi tìm những phương tiện để đáp ứng những mục tiêu và mục đích cụ thể, trái lại, đi tìm chính những mục tiêu và mục đích mới mẻ, do nó tra hỏi đủ thứ, gõ cửa mọi nơi, kể cả ở những chỗ tưởng như vô vọng.Tự giải thoát để đi về đâu?
Là tư tưởng tự giải thoát, triết học thường xuất hiện trong hình thức của sự phủ định, thậm chí, của sự phá huỷ. Nó phê phán, đả kích không thương tiếc những niềm tin ngây thơ và giáo điều, những tri thức trá nguỵ, những hình thức tư tưởng sai lầm. Có thể nói, bản tính của triết học là không ngừng xét lại mọi chuyện: khi đi tìm một chỗ dựa và chỗ đứng vững chắc, nó đào bới và quật ngã ngay cả chỗ dựa và chỗ đứng của mình: nó luôn… khủng hoảng niềm tin! Nhưng, không chỉ phủ định, triết học còn làm công việc khẳng định. Do bị điều kiện lịch sử quy định, triết học thường phải chấp nhận những điểm xuất phát tương đối. Câu hỏi nào cũng bao hàm điều không thể hỏi. Sự phê phán nào cũng dựa trên những tiêu chuẩn không thể đồng thời bị phê phán. Trong chừng mực đó, triết học bao giờ cũng là niềm tin, thậm chí là sự xác tín đến mức giáo điều. Dù chỉ có tham vọng tìm hiểu thực tại, nhưng trong thực tế, triết học không chỉ tái tạo mà còn sáng tạo, không chỉ mô tả mà còn mang tính quy phạm. Nhiều triết gia không “xây” được gì nhiều vì họ “phá” chưa đủ, trong khi nhiều triết gia khác chỉ thích “phá” hơn là “xây”! Triết học cho ta một hình ảnh rất hàm hồ: nó luôn dao động giữa phá và xây, giữa giải huyền thoại và tái lập huyền thoại. Nhiều triết gia bảo thủ lại bị nghi ngờ là cách mạng, nhiều triết gia tưởng là cách mạng lại bảo thủ giáo điều! Đó cũng là cái giá của sự tự do: triết học là mảnh đất sỏi đá hơn là một xứ sở thần tiên đầy sữa và mật!Cô đơn và tự do
Nói như Wilhelm von Humboldt (1767 – 1835), người khai sinh nền đại học hiện đại, “cô đơn và tự do” là con đường của cá nhân đi đến thành tựu đỉnh cao trong khoa học. Và điều này càng đúng với tư duy triết học. Cô đơn vì không ai làm thay cho họ được cả. Tự do vì họ tự lựa chọn và khai quang con đường đi của chính mình. Nhưng cô đơn không phải là cô độc, và tự do không trở thành tuỳ tiện, nếu chung quanh họ là một cộng đồng học thuật đúng nghĩa và sau lưng họ là một môi trường xã hội và văn hoá lành mạnh. Đó là lý do tại sao triết học, khoa học chỉ có thể đâm chồi nảy lộc ở nơi nào có đủ hai điều kiện ấy.Bùi Văn Nam Sơn (SGTT)