Home » » LUẬN BÀN TRI THỨC - 1

LUẬN BÀN TRI THỨC - 1

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011 | 01:55

Vai trò của Tri thức đối với đời sống con người
Qua các luận điểm đã nêu, chúng ta nhận thấy rằng Tri thức là một khái niệm rộng lớn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường, hoạt động trong một môi trường cũng không diễn tả được bằng ngôn ngữ thông thường, do đó việc nghiên cứu và phân tích tác dụng tổng thể của Tri thức đối với vũ trụ là không thể làm được, ít ra là không thể làm được với phương tiện phát biểu là ngôn ngữ. Do đó, việc phân tích các tác dụng của Tri thức trong phần tiếp theo đây sẽ được áp dụng cho một phạm vi ứng dụng hẹp, cụ thể hơn. Chúng ta là con người, vì thế, chúng ta sẽ xem xét tác dụng của Tri thức đối với thế giới loài người. Các học giả khi xem xét về tác dụng của Tri thức đối với cuộc sống loài người, thường khảo sát hai vấn đề chính: "Tri thức có vai trò gì trong việc hình thành loài người?" và "Tri thức có vai trò gì trong việc tồn tại và phát triển của loài người?".
Để thống nhất về mặt diễn đạt ý, ở đây chúng ta nhận định rằng những khái niệm về mặt vô cơ-hữu cơ, vô sinh (không có sự sống)-hữu sinh (có sự sống) chỉ là những quy ước phân chia tổng thể do con người đặt ra. Điều này có nghĩa là trong những thế giới vật chất khác, hoặc đối với các vật thể có Tri thức khác, họ hoàn toàn có cách nhìn nhận và phân chia sự vật khác với cách phân chia của thế giới loài người.
Như trên đã dẫn, Tri thức xuất hiện cả trong những vật thể vô sinh cả ở tầm mức vĩ mô như lỗ đen lẫn ở tầm mức vi mô như các hạt hạ nguyên tử. Do đó, ta sẽ không có luận điểm căn bản nào để chỉ ra rằng Tri thức xuất hiện từ khi bắt đầu có sự sống. Hơn nữa, khái niệm cái gì là có sự sống chỉ là khái niệm quy ước của con người.
Để xét xem Tri thức có vai trò gì trong việc tạo ra loài người, đồng thời có vai trò gì trong quá trình phát triển của loài người, chúng ta phải khảo sát các học thuyết về việc loài người được tạo ra như thế nào. Từ khi ngành sinh vật học ra đời, đã có rất nhiều lý thuyết khác nhau về việc hình thành và phát triển của các sinh vật sống. Cho đến nay, có hai học thuyết chính chưa bị chứng minh là sai hoàn toàn : Đó là Thuyết Tiến hóa và Thuyết về các biến thể.
Thuyết Tiến hóa
Thuyết Tiến hóa chỉ giới hạn trong việc quan sát và nghiên cứu các sinh vật trong phạm vi Trái đất. Thuyết Tiến hóa không nêu ra và chứng minh được quá trình hình thành các sinh vật từ các vật thể vô sinh, ngoài các giả thuyết mơ hồ và vô căn cứ về việc ngẫu nhiên các chất vô cơ kết hợp trong môi trường nước tạo thành các chất hữu cơ có chứa đựng sự sống, tức là tạo ra mầm mống của các vật thể hữu sinh. Nhưng đây chỉ là một giả thuyết hoàn toàn không xuất phát từ một tiền đề hoặc luận điểm nào cả, vì vậy chúng ta không có cơ sở để khẳng định (đồng thời cũng không có cơ sở để bác bỏ) về việc Tri thức có vai trò gì trong việc tạo ra sự sống hay không. Tiếp theo đó, xuất phát từ các sinh vật ở mức thấp nhất là động vật đơn bào và thủy tức, Thuyết Tiến hóa chỉ ra rằng do có sự đột biến cấu trúc của chuỗi ADN trong gen của các loài sinh vật [1], chúng sẽ tiến hóa thành những sinh vật có bậc tiến hóa cao hơn, ví dụ từ lớp cá tiến hóa thành lớp bò sát, từ lớp bò sát tiến hóa thành lớp chim..., và trong lớp động vật có vú, có một loài vượn đặc biệt tiến hóa thành loài vượn người, rồi thành người vượn, và cuối cùng thì thành loài người. Đây là một quá trình liên tục, diễn ra không ngừng. Trong thế giới sinh vật trên Trái đất, cho đến nay tất cả các nhà khoa học đều thừa nhận loài người là loài duy nhất có Tri thức. Điều này có nghĩa là trong thế giới sinh vật trên Trái đất, trước khi hình thành loài người thì không có sinh vật có Tri thức, loài vượn mà từ đó hình thành nên vượn người cũng không có Tri thức, vì vậy trong phạm vi Thuyết Tiến hóa, chúng ta không thể khẳng định (cũng không thể hoàn toàn bác bỏ) là Tri thức có vai trò gì trong việc tạo ra loài người hay không. Vậy vai trò của Tri thức trong quá trình phát triển của loài người thì sao ? Thuyết Tiến hóa khẳng định là có những bậc thang liên tục trong quá trình Tiến hóa của các sinh vật, như vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng sẽ có những sinh vật có bậc Tiến hóa cao hơn loài người. Liệu Tri thức có vai trò gì trong việc đưa con người tiến hóa từ bậc người lên bậc cao hơn hay không ? Xét về khía cạnh cục bộ trong phạm vi các sinh vật trên Trái đất và loài người, hiển nhiên là từ khi xuất hiện loài người thời thượng cổ đến nay, chúng ta đã có nhiều phát triển đáng kể về triết học, khoa học, công cụ sản xuất, văn hóa, nghệ thuật ..., nghĩa là xét trên những phạm vi hẹp, cục bộ, xã hội loài người có sự phát triển về Tri thức. Tuy nhiên, kể từ khi hình thành loài người vượn đến nay, loài người không có sự phát triển về chất. Tại sao lại có nhận định này? Đặc trưng để phân biệt loài người với các loài sinh vật khác là Sử dụng công cụ lao động và Khả năng tư duy tinh thần. Quá trình thay đổi về chất diễn ra khi loài vượn người chuyển hóa thành người vượn, được đánh dấu bằng sự kiện con người vượn biết sử dụng cành cây, gỗ, đá làm công cụ lao động, và các hình thức hoạt động tinh thần phát sinh như ngôn ngữ, hội họa (dưới hình thức thô sơ như các hình vẽ trên vách hang động), điêu khắc (các hình tượng bằng đất nung hay bằng đá), âm nhạc (các âm điệu ê a buồn tẻ và các nhạc khí gõ, thổi)..., thương mại cũng xuất hiện dưới hình thức trao đổi hàng hóa. Suốt từ thời kỳ hình thành loài người vượn đến nay, loài người đã trải qua nhiều thời kỳ của các công cụ sản xuất như thời kỳ đồ đá, đồ kim loại, kỷ nguyên cơ khí và máy hơi nước, kỷ nguyên điện khí hóa, thời kỳ điện tử và tự động hóa, kỷ nguyên vi điện tử và ngày nay là kỷ nguyên công nghệ thông tin, nhưng tất cả vẫn không thoát ra khỏi cái gọi là Sử dụng công cụ lao động. Kể từ thời nguyên thủy đến nay, hoạt động văn hóa nghệ thuật của loài người đã có nhiều bước tiến lớn, ví dụ như việc hình thành và phát triển của các trường phái hội họa, điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc, việc ra đời của văn học, thơ ca, việc hình thành các hình thức kịch nghệ, điện ảnh... Thương mại cũng phát triển từ hình thức tao đổi hàng hóa sang mua bán tiền-hàng, giao dịch chứng khoán và thương mại điện tử (e-Commerce). Nhưng tất cả vẫn không thoát ra khỏi cái gọi là Tư duy tinh thần.
Hơn nữa, theo Thuyết Tiến hóa, những vật thể ở bậc tiến hóa thấp không thể nhận thức được sự ưu đẳng của những vật thể ở bậc tiến hóa cao hơn nó. Ví dụ, một mảnh đất (vô sinh) không thể nhận biết về sự tồn tại của những ngọn cỏ (thực vật) mọc trên nó; một ngọn cỏ không thể nhận biết được sự tồn tại của con bò (động vật) đang ăn nó; một con bò không thể nhận biết được về trí tuệ của con người đang chăn nó. Bởi vậy, chúng ta, những con người, không thể nhận ra được sự tồn tại ưu đẳng của các sinh vật có bậc tiến hóa cao hơn loài người.
Bởi vì chúng ta chỉ quan sát được (sự quan sát này mang tính chất chủ quan của loài người) rằng Tri thức có vai trò giúp đỡ trong quá trình phát triển Khả năng Sử dụng công cụ lao động và Tư duy tinh thần, chứ không gây ra sự biến đổi về chất, cũng như chúng ta không nhận thức được rằng khi tiến hóa lên bậc cao hơn con người, sinh vật sẽ có những ưu đẳng gì, do đó chúng ta không có cơ sở để khẳng định (cũng không có cơ sở để hoàn toàn bác bỏ) là Tri thức có đóng vai trò gì trong quá trình tiến hóa từ loài người lên một loài sinh vật cao hơn hay không.
Sở dĩ chúng ta đi tới các kết luận nửa dơi nửa chuột như vậy, bởi vì trong phần lý luận trên, chúng ta căn cứ vào một học thuyết có phạm vi giới hạn hết sức hẹp, chỉ trong giới sinh vật có trên Trái đất, và có các lỗ hổng đáng kể trong lý thuyết. Thứ nhất, thuyết Tiến hóa không nêu ra được quá trình phát triển từ các vật thể vô sinh thành các vật thể hữu sinh một cách thỏa đáng. Thứ hai, chỉ căn cứ trên các thực nghiệm của ngành sinh học phân tử, Thuyết Tiến hóa chỉ ra rằng các cấu trúc chuỗi ADN như thế trong gen sẽ tạo ra các sinh vật như thế, tuy nhiên Thuyết này lại không giải thích được cái gì (hay điều gì) cho phép gen quy định được cấu trúc và dạng thể của sinh vật, cũng không có một giả thuyết nào khả dĩ chấp nhận được về quá trình đột biết gen để tạo ra sự tiến hóa từ một lớp sinh vật này sang một lớp sinh vật khác trong tự nhiên, ngoài một vài ước đoán không dựa trên bất kỳ một luận điểm lý thuyết nào, và không được xác minh bằng thực nghiệm về tác động của ngoại cảnh. Thứ ba, trong một trường hợp hẹp và cụ thể, các nhà sinh vật học theo thuyết Tiến hóa không chỉ ra được rằng cái gì đã gây ra sự đột biến tinh thần, và làm cho một loài vượn trong số rất nhiều các loài vượn tiến hóa hành loài người ? (Nên nhớ rằng giả sử ta thừa nhận Thuyết Tiến hoá và các bậc thang Tiến hóa của nó là đúng, thì trên tất cả các bậc thang tiến hóa trước con người không hề có một sự thay đổi về phương diện tinh thần nào trong các sinh vật). Cuối cùng, nếu chúng ta thừa nhận là ADN quyết định cấu trúc của sinh vật, vậy cái gì quyết định cấu trúc của ADN [2]? Cứ tiếp tục quá trình đệ quy này, các nhà sinh vật phân tử sẽ rơi vào cái bẫy y như các nhà vật lý hạt nhân đi tìm các hạt "cơ bản", cứ tìm ra các hạt nhỏ hơn, thì hóa ra nó lại được tạo ra bởi các hạt nhỏ hơn nữa [3].
Thuyết về các biến thể
Thuyết về các biến thể cũng dựa một phần trên các kết quả thực nghiệm của ngành sinh học phân tử. Các kết quả thực nghiệm của sinh học phân tử chỉ ra rằng cấu trúc chuỗi ADN của bất kỳ sinh vật nào, từ sinh vật đơn giản nhất là động vật đơn bào đến sinh vật phức tạp nhất (ít nhất là theo quan niệm của loài người) là con người, cũng đều có độ phức tạp giống hệt nhau. Căn cứ trên kết quả thực nghiệm này, những nhà sinh vật học theo thuyết biến thể cho rằng sự khác nhau giữa các lớp sinh vật khác nhau, chẳng qua là do sự thay đổi về thứ tự và cấu tạo cụ thể trong chuỗi ADN, tức là sự biến thể về ADN tạo ra sự biến thể của sinh vật, chứ không có sinh vật nào phức tạp hơn sinh vật nào [4] (nên nhớ rằng khái niệm loài người phức tạp hơn loài bò là do chính con người đặt ra, chứ chưa chắc con bò đã nghĩ như thế).
Theo lý thuyết này, chúng ta có thể thấy rằng Tri thức chả đóng vai trò gì trong việc tạo ra loài người cả, vì khi một biến thể ADN tạo ra dạng sinh vật là con người, thì lúc đó con người mới có Tri thức. Như vậy, xét trong phạm vi giới sinh vật trên Trái đất, Tri thức được nhận thức bởi đầu óc con người, chứ Tri thức không tham gia gì vào quá trình tạo ra con người cả [5]. Và theo Thuyết Biến thể, quá trình Tiến hóa không tồn tại, nên Tri thức cũng không đóng vai trò gì trong quá trình phát triển của loài người.
Thuyết Biến thể này cũng có các hạn chế cơ bản như Thuyết Tiến hóa. Đó là nó không giải thích được tại sao gen lại quy định được cấu trúc và dạng thể của sinh vật và nó cũng không giải thích được cái gì quyết định cấu trúc của ADN.
Vậy rút cục Tri thức có ý nghĩa gì trong sự tồn tại của loài người hay không ?
Kể từ thời hình thành người vượn đến nay, Tri thức của con người luôn luôn phát triển (đã dẫn ở trên), làm cho con người có năng suất lao động ngày càng cao (các máy công cụ), có các phương tiện tạo ra khả năng chạy ngày càng nhanh hơn (ví dụ như ô tô), bay ngày càng cao hơn (ví dụ máy bay), bơi ngày càng xa hơn (tàu thủy), lặn ngày càng sâu hơn (tàu ngầm), nhìn càng xa hơn (các loại kính, ống nhòm, kính viễn vọng, kính thiên văn...), tàn phá ngày càng khủng khiếp hơn (vũ khí hạt nhân), thưởng thức cuộc sống ngày càng tao nhã, tinh tế hơn (văn hóa, nghệ thuật)..., nhưng đó chỉ là những công cụ làm tăng khả năng cạnh tranh sinh tồn của con người trong thế giới mà loài người đang tồn tại, đồng thời những công cụ này cũng tăng khả năng của con người đối với việc khai thác cạn kiện thế giới và hủy hoại môi trường sinh thái xung quanh mình. Điều này nghĩa là nếu con người không nhanh chóng có những nhìn nhận đúng đắn, nghiêm túc về những hậu quả của những hoạt động của mình, và có những giải pháp phát triển thích đáng, thì cùng với đà phát triển ngày càng nhanh của Tri thức, loài người sẽ thúc đẩy ngày càng nhanh tiến trình cưa cái cành cây mà chính mình đang ngồi ở trên đó.
Lời kết
Kết thúc bài viết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm nghịch lý về sự không biểu diễn được bằng ngôn ngữ của Nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ và của Tri thức. Khi mà chúng ta nói rằng vũ trụ bắt nguồn từ một thể thống nhất..., điều đó đã hàm ý bên ngoài cái một có những cái nhiều, bên ngoài cái thống nhất có cái không thống nhất... điều đó chứng tỏ là cái Thể đó không còn là cái duy nhất, thống nhất, là nguồn gốc của vạn vật nữa. Điều này chứng tỏ rằng Cái vật là nguồn gốc của vũ trụ, cũng như các tiến trình của nó chỉ có thể diễn tả bằng cách nói ý, chứ không thể diễn đạt trực tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên. Tri thức (hiểu theo nghĩa Triết học) là sự biểu diễn cho một khái niệm không thể kiến giải được bằng ngôn ngữ thông thường, nên bản thân Tri thức cũng không thể kiến giải được bằng ngôn ngữ thông thường.
Tuy nhiên, cho đến nay phương tiện trao đổi tư tưởng chính của con người vẫn là ngôn ngữ, nên khi luận bàn về Tri thức, các học giả vẫn phải sử dụng ngôn ngữ. Có điều, khi nghiên cứu các vấn đề thuộc về Vũ trụ và Tri thức, các học giả phải dựa trên ý nghĩa trừu tượng của ngôn ngữ, và cảm nhận bằng trực giác, chứ không thể suy tầm theo nghĩa đen của mặt chữ. Cổ nhân đã nói: "Có lời là để tỏ ý. Được ý hãy quên lời."
Vũ trụ và Tri thức là những khái niệm không diễn tả được bằng ngôn ngữ, nếu nói ra bằng ngôn ngữ, chỉ là mô tả cái bóng của nó, chứ không phải bản thân nó. Vì vậy có câu : "Người biết không nói. Người nói không biết." (Tri giả bất ngôn. Ngôn giả bất tri. - Lão Tử).
Nói ngoài lề một chút: Có một số kẻ viết rằng khi loài người phát triển đến một mức độ nào đó, và phát hiện ra rằng thiên hà mà họ đang sống trong đó sắp bị hủy diệt, loài người sẽ lên các con tàu vũ trụ chạy trốn đến các thiên hà khác, nhờ đó Tri thức được bảo toàn. Có điều, hệ thiên hà mà Trái đất chúng ta đang sống trong đó chỉ là một trong Vô Số thiên hà trong vũ trụ, và trong Vô Số thiên hà đó chắc chắn có Vô Số hành tinh có sự sống, và trong số các hành tinh có sự sống đó, chắc chắn có khối tỷ sinh vật có Tri thức. Ngoài ra, như trong bài đã dẫn, sự sống hay không sự sống chả liên quan gì tới sự tồn tại của Tri thức cả. Vì thế, giả sử toàn bộ Thiên hà của chúng ta nổ tung, chả có con tàu vũ trụ nào bay thoát, thì Tri thức vẫn tồn tại như thường.
CHL (trích Hợp tuyển thần kinh)
Xem kỳ trước: Luận bàn về tri thức (1)

Chú thích

[1] Những nhà sinh vật học theo Thuyết Tiến hóa tìm cách giải thích học thuyết của mình dựa trên những kết quả nghiên cứu thực nghiệm về cấu trúc ADN của ngành sinh học phân tử, chứ việc nghiên cứu cấu trúc ADN của gen và giải mã các chuỗi ADN không phải là một bộ phận của ngành sinh vật học phát sinh từ Thuyết Tiến hóa.
[2] Có một số kẻ cho rằng cứ giải mã được toàn bộ các chuỗi ADN, thì chúng ta sẽ tạo ra được các sinh vật có bậc tiến hóa cao hơn con người. Điều này là sai lầm, bởi vì giả sử chúng ta thừa nhận thuyết Tiến hóa, thì con người không thể nhận biết ra sự ưu đẳng của sinh vật bậc cao hơn loài người là gì, mà đã không thể biết thì làm sao chúng ta tạo ra nó được. Đó là chưa kể là sau khi xuất hiện một vài thành tựu mới của ngành sinh học phân tử, chúng ta chưa hề chứng minh được rằng Thuyết Tiến hóa là hoàn toàn đúng, nó chỉ chưa bị chứng minh là hoàn toàn sai thôi. Khi giải mã được toàn bộ các chuỗi gen, giỏi lắm thì loài người cũng chỉ tạo ra được các cá thể khác nhau của loài người, dù có sức mạnh, khả năng hoạt động và tư duy siêu việt tới đâu, thì cũng chỉ nằm trong giới hạn Sử dụng công cụ lao động và Tư duy tinh thần, hoặc giả có ba đầu sáu tay thì cũng chỉ là những quái thai của loài người mà thôi. Loài người cũng sẽ không bao giờ tạo ra một loại máy móc hay một loại sinh vật nào, mà lại cho phép chúng có khả năng thống trị con người, dù cho loại máy móc hay sinh vật đó có sức mạnh cơ học và tư duy tinh thần phi thường đến đâu đi nữa. Khi chế tạo ra các máy móc hay sinh vật, những người thiết kế bao giờ cũng sẽ thiết kế một "back door", hay nói theo người Hy lạp cổ, một "gót chân Achile", nghĩa là một switch trong phần cứng, hay một code bí mật trong phần mềm, để khi cần thì con người có thể dùng nó để chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn vật thể nhân tạo này, làm ngừng hoạt động hay thậm chí hủy hoại chúng.
[3] Thực ra khái niệm hạt trong vật lý hạ nguyên tử chỉ mang ý nghĩa ngôn ngữ, vì khi phân tích các thực thể này, chúng vừa mang tính chất hạt, vừa mang tính chất sóng. Khi nói một hạt nào đó được cấu tạo bởi những hạt nhỏ hơn, nhỏ ở đây không mang ý nghĩa về mặt kích thước, mà mang ý nghĩa về mặt tính chất hạt-sóng, do đó hiện nay các nhà vật lý hạt nhân thừa nhận rằng quá trình chia nhỏ theo kiểu này sẽ là vô cùng. Cho tới nay, các nhà vật lý hạt nhân đang cố gắng đưa ra mô hình mới để thoát khỏi bế tắc này. Người tiên phong trong lĩnh vực này hiện nay trên thế giới là nhà khoa học người Anh Stephen Hawkins.
[4] Theo Thuyết Biến thể, loài vượn người, người vượn và loài người chỉ là một, và các thay đổi về mặt sinh vật giữa các hình thức vượn người, người vượn và người chỉ là biến thể trong phạm vi một loài.
[5] Gen không phải là Tri thức, vì nó không có các thuộc tính của một vật thể có Tri thức, như đã nêu trong phần 1 của bài viết.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved