Chúng ta đang có tội với tương lai
Bài diễn từ viết dưới ánh trăng rằm mập mờ sáng tối, để nói với các em, các bạn cùng trang lứa và thế hệ đi trước từ trong một góc phòng vắng lặng….
Phạm Lê Vương Các - Sinh viên Đại học năm thứ 3 *
28-09-2012
Các em nhỏ thân quý,
Dù còn ít ngày nữa mới đến Tết Trung Thu, nhưng nhìn không khí các em nô nức xách đèn lồng đi chơi đã làm cho tôi-một người anh đã từng trải qua những thời khắc đó mà luyến lưu hồi tưởng về thời thơ ấu của mình.
Anh cũng vậy, nhìn các em chơi đùa một cách hồn nhiên, ngây thơ, vô tư và không toan tính đã làm cho anh phải thèm muốn. Anh ao ước sẽ được trở về với tuổi thơ của các em, ở cái không gian sống mà nơi đó không có ý niệm về sự thù hằn, về sự lừa gạt và các trò hành xử đê tiện. Nơi đó chỉ có tình yêu thương, sự dỗi hờn lúc giận nhau và lòng thứ tha rộng lượng.
Nhưng bây giờ anh đã là người trưởng thành nên không thể chơi cùng các em. Các em có biết vì sao không? Vì người lớn luôn mang những thói hư tật xấu, vì người lớn luôn bị lý trí chi phối bởi mục đích và động cơ, và vì người lớn có thể “ăn hiếp” các em nếu các em làm cho họ phật lòng.
Khi các em lớn lên như anh rồi các em sẽ hiểu hơn về cuộc đời này, thì khi đó cũng là lúc các em sẽ dần nhận ra những hoài niệm trong ký ức như anh bây giờ. Cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như câu chuyện cổ tích mà các em thường nghe người lớn kể. Không phải ai ai cũng có thể cư xử dịu hiền trong tình yêu thương như Chị Hằng, không phải ai ai cũng tôn trọng Công ước về Quyền trẻ em như các em đã kỳ vọng.
Anh biết nhiều em không được học hành, nhiều em phải lang thang mà kiếm sống, nhiều em phải nằm đói co ro bên mái hiên trong cơn mưa nặng hạt ven đường và rất nhiều em còn phải chịu những trận đòn roi từ bố mẹ và thầy cô. Anh biết đó không phải là lỗi của các em mà do những người bảo bọc các em là những người thân, là những thế hệ đi trước đã không làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với các em, đã không bảo vệ được em, trong đó có anh.
Anh xin lỗi! Dù rất đau nhưng anh cũng không thể giúp gì cho các em. Anh hoàn toàn bất lực vì ngay chính bản thân anh cũng đang héo úa từng ngày. Anh cũng đang luồn cúi và chui rút, cố gắng sống sót trong những làn đạn như cuộc chiến từ cuộc sống này. Vì thế đã đến lúc các em cần phải học dần những bài học dối trá như Chú Cuội để tự cứu lấy bản thân mình trong tương lai. Các em có thể oán trách anh và thế hệ của anh đã không đối xử và giảng dạy cho các em bài học về sự tử tế được. Sự tử tế là gì thì anh không biết phải giải thích như thế nào cho các em hiểu vì anh cũng chỉ nghe thế hệ đi trước nói lại bằng những lời giảng dạy sáo rỗng. Nhưng anh muốn các em biết rằng sự tử tế luôn là cái lý tưởng được truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác, để thế hệ sau luôn được sống tốt hơn thế hệ trước, để thế hệ của các em sẽ được sống tốt hơn thế hệ của anh, không còn bất an, không còn lo âu và hoài nghi về số phận của mình.
Các em ạ, khi anh nghe bài ca “Để lại cho em” của nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Khánh Ly trình bày, anh đã bật khóc, khóc như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng bật khóc cho thế hệ tuổi như anh bây giờ.
Cách đây gần 50 năm, Thầy Nhất Hạnh như là một người anh, một nguời thuộc thế hệ đi trước, đã từng “nói với tuổi 20”, nói với một thế hệ trẻ vào thời điểm đó phải sống trong sự lo âu, hoài nghi, và buông thả. Thế hệ tuổi 20 đó, giờ đây đã là thế hệ đi trước của chúng ta, là những vị đang dìu dắt cho anh và cả em đang tiến bước vào tương lai.
Anh nghĩ đã đến lúc anh cần phải bộc bạch với các vị đó, để hy vọng rằng các em sẽ có một tương lai tốt hơn thế hệ của anh phải sống như bây giờ,để các em có thể coi đó như là “lời tạ lỗi” từ thế hệ được mệnh danh là 8X của những người như anh làm chút bổn phận đối với em.
Thế hệ vứt đi
Thưa các quý ông và quý bà-những thế hệ đi trước của tôi.
Tôi cứ ngỡ rằng, quý vị đã sống trong thời điểm loạn lạc, giữa lúc khó khăn của sự xung đột trong ý thức hệ, mâu thuẫn trong lý tưởng, và sự khủng hoảng của tình yêu thương đã làm cho quý vị chắt lọc nên những kinh nghiệm giúp ích cho những người trẻ như chúng tôi ngày hôm nay thoát ly khỏi những hệ lụy của nó.
Thế nhưng khi nghe qua những tiếng tâm lòng từ bài ca mang tên “Để lại cho em” mà thế hệ như Thầy Nhất hạnh đã từng “nhận tội” với quý vị, nửa thế kỷ sau vẫn còn nguyên nghĩa đối với thế hệ trẻ như tôi.
Nhưng tôi nghĩ, thế hệ trẻ như tôi cũng không oán trách và giận hờn quý vị. Bởi lẽ: Chúng tôi, cũng chỉ là là môt thế hệ vô cảm, một thế hệ chỉ biết hưởng thụ. Chúng tôi, một thế hệ hèn nhát, tham lam và cơ hội. Chúng tôi, một thế hệ ích kỷ và đê tiện. Chúng tôi, một thế hệ nhu nhược và biếng nhác. Chúng tôi, một thế hệ không đáp ứng được kỳ vọng của tổ tiên và đã không thực hiện được như ý muốn của các vị. Chúng tôi là một thế hệ có tội với tương lai!
Rồi chúng tôi sẽ tiếp tục ca bài ca Để lại cho em, “để lại cho thế hệ tương lai sẽ nối tiếp chúng tôi những cuộc chiến thần thánh, để lại cho thế hệ tương lai những thành phố buồn trong đó người Việt Nam đang tranh nhau từng đám bụi đen. Chúng tôi, để lại cho thế hệ tương lai những đường đời quanh co kẹt lối. Chúng tôi tiếp tục để lại cho thế hệ tương lai những hèn kém của chúng tôi”. Và bài ca Để lại cho em sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như những bài ca không bao giờ lụi tàn ở đất nước này.
Quí vị có thể coi chúng tôi là một thế hệ vứt đi, một thế hệ không xứng đáng với trọng trách nối tiếp quý vị gánh vác chuyện giang sơn xã tắc.
Quý vị có biết vì sao không? Do chúng tôi là người thiếu năng lực hay do chính quý vị đã tạo nên cơ sự này? Quý vị có thể đổ lỗi cho chúng tôi, nhưng xin quý vị cũng đừng quên rằng quý vị đã từng dẫn dắt lịch sử này. Giữa thực tại và lịch sử đều là do mối quan hệ nhân quả mà ra.
Để rồi ngày hôm nay:
Chúng tôi, một thế hệ phải xót xa mà nhìn sứ giặc nghênh ngang giữa lòng biển Đông, lợn lờ như những con cá mập, hung tợn và hiếu chiến, sẵn sàng lao vào cắn xé, biến ngư bào của chúng ta thành một miếng mồi chỉ còn biết “vái lạy” xin tha.
Chúng tôi, một thế hệ được thừa hưởng một gia tài là những món nợ nần trong một di chúc thừa kế mà phải chấp nhận một cách miễn cưỡng như là một nghĩa vụ không thể chối từ.
Chúng tôi, một thế hệ may mắn đã được giã từ vũ khí nhưng vẫn còn đó lòng hận thù từ lịch sử, để rồi chúng tôi bị cuốn theo chiều gió…ngã theo chiều nắng.
Chúng tôi, một thế hệ giờ phải chứng kiến một thân thể và hình hài tổ quốc trong cảnh tàn phá điêu tàn.. Rừng vàng biển bạc giờ chỉ còn là trong giấc mơ. Này là lá phổi xanh Tây Nguyên giờ đây là một màu xám xịt như một gã nghiện thuốc lá ở giai đoạn cuối. Này là mạch máu sống ở con sông giờ đây là một màu đen kịt phải liên tục được thanh lọc nhằm duy trì sự sống. Này là tài nguyên quốc gia được bới móc để phục vụ cho nhu cầu trước mắt chẳng khác gì kiểu bán thận của kẻ đường cùng.
Chúng tôi, một thế hệ đã thấy một lớp trí thức không màn đến chuyện đấu tranh với những nhiễu nhương bất công từ trong cuộc sống này.
Chúng tôi, một thế hệ đã đánh mất đi đạo đức và luân lý từ trong sự ban phát của quý vị.
Thế nhưng, tôi lại thường nghe nhiều vị bảo rằng: “Đất nước như thế này là tốt lắm rồi, các bạn còn muốn gì nữa, đỏi hỏi gì nữa, các bạn không thấy đất nước ta đang phát triển từng ngày đó sao. Các bạn hãy thử sống như chúng tôi ở giai đoạn trước chiến tranh rồi các bạn sẽ thấy”.
Đúng! Tôi thừa nhận rằng đất nước đang phát triển từng ngày. Nhưng đó chỉ là sự phát triển so với…37 năm về trước. Nếu đem sự phát triển này so sánh với các chiến lược dài hạn mang tính bền vững và đột phá trong tương lai thì không có gì là sáng sủa. Đây không phải là những hạn chế nhất thời, mà nó mang tính cốt lõi để đưa một quốc gia phát triển phú cường.
…Để rồi ngày hôm nay chúng tôi vẫn là hiện thân của quý vị như vài thập niên trước, vẫn lo lắng khi đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, hoài nghi trước cuộc sống, phải đối mặt với những những bạo cường vênh váo ngạo mạn, phải đánh đổi tự do để được an toàn, phải trả giá đắt cho lý tưởng của mình nếu muốn dấn thân. Để rồi chúng tôi ngày hôm nay phải thành những kẻ đê tiện, phải biết luồn cúi nịnh bợ để được hưởng chút bổng lộc và thăng tiến, phải biết ngó lơ với cái xấu, cái ác để được yên thân…
Thế nhưng, thay vì tự thú như thế hệ trước đã từng tự thú với quý vị, thì quý vị lại rao giảng cho chúng tôi phải có niềm tin, biết ơn quý vị, lấy đó là lý tưởng, lấy đó là tấm gương để học tập, lấy đó là nguồn cảm hứng để dấn thân phục vụ một cách hồn nhiên ư?
Không. Tôi đã trưởng thành! Tôi biết nhận ra được giữa cái chân lý và sự tuyên truyền, giữa điều lẽ phải và sự bất công!
Xin đừng trách những người như tôi là vô ơn, ăn cháo đá bát. Mà hãy trách các vị đã chưa làm tròn bổn phận như những gì đã hứa, đã không làm tròn trách nhiệm mà tổ quốc và nhân dân này kỳ vọng, đã không thực hiện tốt nhiệm vụ dìu dắt thế hệ trẻ chúng tôi… Sự đi trước và trải nghiệm của quý vị chỉ giúp cho quý vị đối phó một cách khôn ngoan với những đòi hỏi cần có từ thế hệ chúng tôi, và có được kinh nghiệm trừng phạt nếu chúng tôi muốn nổi loạn. Cách hành xử đó không mang lại một viễn cảnh tươi đẹp ở đất nước này trong tương lai đâu các vị ạ.
Một thời đại dối lừa
Chắc bây giờ đã đến lúc có nhiều vị phải quát cáu lên rằng: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì các bạn, mà hãy hỏi các bạn đã làm gì cho tổ quốc này!”
Xin thưa, nếu giờ phút này ông Kennedy hiện diện trên đất nước này rao giảng về điều đó, tôi sẽ đáp rằng: “Đồ lừa đảo! Hãy cút đi!”
Tổ quốc? Tổ quốc là gì? Tổ quốc là của ai? Tổ quốc có mang lại cho ta hạnh phúc?
Các bạn trẻ cùng trang lứa với tôi! Các bạn nghĩ gì? Hát bài ca “Đáp lời sông núi” của nhạc sĩ Trúc Hồ sao? Sẵn sàng xung phong hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ tổ quốc lúc lâm nguy, hay dũng cảm dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ tổ quốc một cách không toan tính hay dấn thân đòi sự công bằng cho tổ quốc một cách hồn nhiên?
Còn đối với tôi, tôi đã mệt mỏi hai tiếng Tổ Quốc lắm rồi. Liệu cái Tổ quốc có dành cho ta, cho nhân dân ta và cho thế hệ con em của ta không? Hay nó được đo vẽ bằng những đường biên giới và bắt ta phục vụ một cách vô điều kiện cho nó? Hay đó là nơi rất lý tưởng để che đậy cho các nhóm lợi ích đang “núm bóng” nhảy vào cắn xé giành phần?
Đáng tiếc thay, tổ quốc, dù bất cứ nơi đâu cũng chưa bao giờ là nơi mang lại cho con người quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, quyền được sống trong xã hội dân chủ, mà nó lại được ban phát bởi những xu thế chính trị của nhà cầm quyền nhân danh tổ quốc ở tất cả các quốc gia. Tổ quốc chỉ là cái mà lực lượng nắm quyền sử dụng nhằm kêu gọi sự phục tùng và sự hiến dâng hồn nhiên từ chúng ta.
Vì thế, hỡi Kennedy! Xin các đừng rao giảng Tổ quốc cho tôi, và đừng bắt thế hệ con em của tôi sa lầy vào vũng sình Tổ quốc của ông. Chúng tôi có quyền lựa chọn cho mình một lối sống vô cảm và vô trách nhiệm, các ông không có quyền than phiền chúng tôi về điều đó.
Tổ quốc? Giờ đây không còn là một câu hỏi mơ hồ chỉ dành riêng cho những người lưu vong, mà nó là thuật ngữ của những ai còn chút trăn trở về nó.
Tôi chỉ lắng nghe tiếng gọi Tổ quốc khi nó không còn là nơi để giành phần và chia chác của bất kỳ ai, bất kể đảng phái hay của phe nhóm nào, mà tổ quốc phải là nơi thuộc về nhân dân. Nó phải là nơi thế hệ sau, trong đó có con em của tôi cũng như con em của quý vị ngang bằng nhau về điều kiện phát triển, bình đẳng về cơ hội và công bằng trên phương diện pháp lý. Tổ quốc phải là nơi tất cả mọi người ở đó đều có quyền thể hiện tự do, nơi đó có một chế độ dân chủ và một xã hội bác ái bằng những chứng nhân lịch sử.
Thưa quý vị,
Quí vị đã đặt chúng tôi vào “thời đại của lịch sử, để làm nên những biến đổi sâu sắc” thì xin hãy cho chúng tôi quyền tự do xuất bản các tác phẩm của mình để viết nên các trang sử sách. Hãy cho chúng tôi quyền tự do thành lập các hội đoàn để đấu tranh làm nên lịch sử. Hãy cho chúng tôi quyền đọc bài diễn từ này trước công chúng để kêu gọi sự thức tỉnh. Hãy cho chúng tôi thực hiện quyền tự do biểu tình để dẫn dắt lịch sử. Hãy cho chúng tôi quyền tự do học thuật để khai sáng và khai minh cho những ai còn mê muội. Và xin hãy trưng cầu ý kiến của chúng tôi khi đất nước này đứng trước thời cơ và thử thách của lịch sử.
Chúng tôi cần các công cụ và phương tiện đó. Nếu không thì xin đừng rủ rê chúng tôi “viết nên những trang sử mới” cùng quý vị. Chúng ta không thể hợp tác khi những quyền tự do căn bản của con người bị hủy hoại.
Tôi cần sự thay đổi dũng cảm từ quý vị. Sự thay đổi này phải bắt nguồn từ tinh thần dân tộc, hổ thẹn với tổ tiên và trách nhiệm hơn với chúng tôi và thế hệ kế tiếp, chứ không phải là để bảo vệ và củng cố tiền tài, địa vị của quí vị.
Tôi muốn hỏi tại sao hiện nay có rất nhiều vị đang ra sức vơ vét cái chung thành cái riêng cho mình. Liệu quý vị có hạnh phúc khi hủy hoại lương tâm của quý vị, đánh đổi sự an toàn của mình rồi rốt cuộc cũng chỉ “ăn, ngủ, đụ, ỉa” trên một đống vật chất khồng lồ có làm quý vị sảng khoái hơn không? Hay quý vị cho rằng nếu mình không đớp thì cũng có kẻ khác đớp? Xin đừng ngụy biện cho lòng tham lam như vậy. Hay quý vị cho rằng cần phải có của hồi môn để lại cho con cháu quý vị được sống một cuộc sống tốt hơn? Nếu quý vị nghĩ như vậy thì tôi cho rằng rồi con cháu của quý vị sẽ bị đống vật chất khổng lồ đó đè chết nó vì nó không biết từ đâu rơi xuống để mà tránh né , nhưng nó biết bản chất của đống vật chất đó không được sạch sẽ gì thì quý vị cũng đừng mong nó sử dụng vào những việc sạch sẽ, rồi nó sẽ tự biến mình thành con (vật) thiêu thân, vật vờ cố thủ bên đống rác rưởi đó mà không thể hướng đến các giá trị phổ quát mà nhân loại đang hướng đến từng ngày. Vì thế quý vị cũng đừng nên trách mắng con cái quý vị nếu chúng có lối sống tha hóa, lạc lối và trụy lạc.
Tôi vẫn không hiểu tại sao cũng có rất nhiều vị đam mê quyền lực một cách kỳ lạ. Cứ bám víu vào dĩ vãng. Tham lam quyền lực là phương tiện nhanh nhất đưa con người đến sự tha hóa và bại tàn. Chắc quí vị vẫn không quên hình ảnh Saddam Hussein bị xỉ mắng và chửi rủa trước khi đưa đầu vào thòng lọng? Hay hình ảnh Gaddafi bị lôi từ trong cống ra và bị hành quyết như những như một con chuột mang bệnh dịch đó sao. Đó là số phận chung cho những kẻ độc tài và thậm chí là con cái của họ. Cho nên, quí vị nào muốn đất nước này sẽ là của riêng mình và gia đình mình thì hãy thay đổi khi còn kịp. Đừng cố gắng đưa con cháu của mình trở thành người “kế thừa vĩ đại”, thì đấy là lúc quý vị đang đang dần tiếp tay kết liễu đời chúng và giết chết cả một dân tộc.
Lối thoát cho tương lai
Thưa quý vị,
Điều chúng ta cần làm hôm nay không phải là “đi tìm lối thoát cho nhau” như hơn 60 năm về trước mà các vị đã làm là bắn giết lẫn nhau, để rồi mỗi người mỗi ngã trong tang tóc và thương đau, mà là chúng ta cần phải “đi tìm lối thoát cho tương lai”, giải thoát cho thế thệ con em của chúng ta.
Điều này đỏi hỏi chúng ta cần sự đồng thuận và đoàn kết cùng nhau xây dựng một xã hội dân sự, một nhà nước pháp quyền, một hệ thống tư pháp độc lập, và một cơ chế bảo đảm quyền con người. Đó là tất cả những gì trong tương lai đang vẫy gọi và trông chờ chúng ta. Đó là hướng đi chung cho tất cả chúng ta ở thời điểm hiện tại này.
Nếu chúng ta không làm được thì chúng ta đang có tội với tương lai, có tội với thế hệ kế tiếp của chúng ta.
Nếu chúng ta không làm được thì ngay chính thế hệ của chúng ta và thế hệ kế tiếp có thể sẽ dùng đến bạo lực như là biện pháp cuối cùng để giải quyết như cách mà quý vị đã đã từng làm trong quá khứ. Rồi tất cả chúng ta và con em chúng ta cũng sẽ thất bại một cách đáng hổ thẹn trong sự cô đơn như ở trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và ở Đảo Gạc ma 1988 mà quí vị đã từng nếm trải.
Nếu chúng ta không làm được thì ai có thể bảo đảm rằng thây xác người Việt Nam lại một lần nữa không tràn ngập các đô thị như năm Mậu Thân 1968? Ai có thể bảo đảm rằng thân xác người Việt Nam sẽ không trôi bồng bềnh giữa đại dương như những cuộc vượt biển năm 1978?
Và rồi ai có thể bảo đảm rằng từ Sài Gòn ra tới Huế, Vinh, Hà Nội không xảy ra thảm cảnh “phơi thây” như Thiên An Môn như bên Tàu năm 1989?
Hãy nhìn vào hiện thực đang xảy ra ở đất nước này, nếu chúng ta không làm được thì đã đến lúc cầu nguyện cho dân tộc này. Cầu nguyện cho con người Việt Nam nơi đây và cũng đừng quên hãy chúc phúc cho thế hệ con em chúng ta được bình an.
Chúng ta không được phép đổ lỗi cho nhau. Tất cả chúng ta cần phải chịu trách nhiệm với những gì sẽ đến trong tương lai.
Điều đó tùy thuộc vào quí vị.
Xin cảm ơn vì sự quan tâm!
Chúc mọi người có một đêm Trung Thu ấm áp trong tình yêu thương!
Gửi riêng trang Ba Sàm