Home » » Một thời đã qua, một thời đang tới...

Một thời đã qua, một thời đang tới...

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012 | 03:42

Một thời đã qua, một thời đang tới... 


  I. CỘI RỄ

Quê tôi nằm bên bờ một dòng sông nhỏ, dưới chân một trái núi nho nhỏ miệt đồng chiêm trũng xứ Nam...
Dòng sông Châu tách ra từ con sông Đáy bên tả ngạn, ở đúng cái nơi gọi là xã Châu Cầu, Phủ Lý - nhân thời Lý Trần, xứ Sơn Nam Hạ thời Lê, có đủ chất non xanh nước biếc và cái tụ hội đông vui của con người để vào thơ của Quế Đường tiên sinh và sau trở thành thị xã Phủ Lý của tỉnh Hà Nam quê hương của Ưu Thiên ("Kẻ lo sập trời!") Bùi Kỷ. Đôi bờ sông là bãi mía, nương dâu, đồng khoai ngô biêng biếc và những rặng tre la đà rủ bóng của những huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Bình Lục, Nam Xang... Tới chỗ giáp ranh ba huyện, con sông này còn một nhánh nữa, vốn tách ra từ con sông Nhuệ ở mạn Cầu Giẽ đổ về, sau khi uốn lượn dưới chân dải Đội Điệp - mấy mỏm núi đồi còn sót lại của bán bình nguyên trung sinh trăm triệu năm thuở trước... Phía dưới, dòng sông xưa còn quanh chảy ở ruộng đồng Mỹ Lộc, soi bóng tháp Phổ Minh của phủ Thiên Trường nơi phát tịch của hoàng tộc nhà Trần có gốc gác dân chài, cũng chính là dòng họ của kẻ hèn mọn này, đang cầm cây sử bút hôm nay...

Đây, nơi kia, dưới chân núi của Thanh Liêm, là quê quán Lê Hoàn "kẻ mồ côi" đã vươn lên thành Thập Đạo tướng quân rồi vua Lê Đại Hành, rất đa tình và cùng cực anh hùng một thời kháng Tống. Dòng họ ấy, bị gián đoạn với tư cách hoàng gia, nhưng còn tiếp nối dài với tư cách thông gia triều Lý, và ở thời Trần, đã nảy sinh hai vị anh hùng, kiên cường bất khuất chống Nguyên - Mông, là Lê Phụ Trần (sau lấy Lý Chiêu Hoàng) và Trần Bình Trọng ( vốn tổ tiên ở họ Lê này, sau được nhà Trần ban "quốc tính"). 



Ngày nay, vào thăm đình Hòa Mạc ở hợp tác xã Trác Bút anh hùng (Châu Giang), ta còn thấy những câu đối nói đến "Mạc giang" xưa chảy qua làng. Đó chính là sông Thiên Mạc (màn trời), nơi chứng kiến sự kiện bi tráng của Bảo nghĩa hầu Trần Bình Trọng: "Ta thề làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc"...

Đội Điệp được ghi như "danh sơn" của xứ Nam bởi những cây đại bút Ức Trai Nguyễn Trãi (Dư địa chí) và Quế Đường Lê Quí Đôn (Thượng kinh phong vật chí). Nơi đây: 

Ruộng Lê hoa cỏ ngọt ngào
Rêu in tháp Lý bia cao chưa mòn! 

Lê Đại Hành đã tới đây cày ruộng tịch điền và tìm thấy những hũ vàng, hũ bạc. Triều Lý lập hành cung ở đấy để làm nơi tuần hành và triều hội. Ỷ Lan thái hậu cùng vua Lý Nhân Tông đã sai dựng tháp "Sùng thiện diên linh" và dựng chùa trên sườn núi Đọi, mở đại hội khánh thành năm Thiên Phủ Đại Võ 1121. Bia Lý ghi lại những sự việc trên, còn sừng sừng trên sườn non, cao hơn 2 mét, rêu phong mờ phủ màu thời gian... Những chi nhánh họ Trần có mặt ở vùng này, những "người sang" thuộc dòng dõi hoàng tộc Trần. Còn tôi, tôi thuộc dòng dân chài. Và chỉ thừa kế được của dòng họ này một nước da ngăm đen và một tính tình phóng khoáng bẩm sinh. 


II. THẾ HỆ ÔNG - BÀ

Tằng tổ tôi là một nông phu dưới thời vua Tự Đức. Gia sản có một mái nhà tranh nơi Xóm Miếu, một miếng vườn con và hơn sào ruộng cỏ, mưa xuân làn làn tiếng ếch kêu. Cụ sinh được một người con trai cả mắc bệnh "dở hơi" từ thuở bé, và mấy người con gái, đều gả chồng làng.

Ông nội tôi là con út, nghe nói là "thiên tích thông minh", sáng dạ trời cho! Lại nữa, theo tử vi ông tôi sinh năm Quý Dậu, mà "trai sinh chữ Quý thì tài..." cho nên các cụ tôi tuy nghèo, nhưng cũng cố chạy vạy cho con ăn học, "kiếm dăm ba chữ của thánh hiền". Thánh Hiền đây, là những thầy Khổng, thầy Mạnh... ở tận đẩu tận đâu nơi Trâu Lỗ bên Tàu trong khi tiếng súng thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ đã vang vọng ngoài thôn xóm. Nhưng "cửa Khổng sân Trình" của ông tôi thoạt kỳ thủy chỉ là cái ngõ tre, gọi cho có vẻ thơ mộng hơn là "ngõ trúc" và cái sân đất nện, gọi tên là "mai đình" của một cụ đồ làng...

Học được mấy năm thì thầy đồ làng cũng hết chữ. Thế là ông tôi phải "tiền lương gạo bị" lặn lội lên tận tỉnh Hà (Hà Nội), ăn nhờ ở đậu nhà người quen làng Láng Thượng, để theo học trường cụ cử Kim Cổ hay cụ cử Vũ Thạch, bên bóng nước Hồ Gươm.

Chẳng hiểu sao, thông minh, cần cù, chịu khó là thế mà ông tôi lận đận mãi, thi hương mấy khóa liền không đỗ... Nhà nghèo, lại vợ con sớm nên ông tôi phải xoay ra "ngồi dạy học", bán chữ cho ít "trò ranh" làng này, tổng nọ, để lấy "lương" mà ăn học... Có lúc, được cụ nghè Văn Đình thương là nghèo mà "hay chữ" (chữ ông tôi thì phải nói là đẹp tuyệt nên về sau hay được mời đi viết chữ và cất nóc nhà cho nhiều gia đình khá giả ở đồng quê), ông tôi được cụ nghè nuôi, tiếng là để dạy chữ Nho cho mấy đứa con cháu cụ, mà thực ra là để cụ kèm cặp thêm văn bài. Về già, ông tôi hay nhắc đến quãng đời ngắn ngủi được "ở hầu học cụ nghè Văn Đình" này, lòng rất tự hào... Chả là một người con cháu cụ nghè, học trò ông tôi, sau này đỗ đạt "làm nên", làm quan đến đâu tận Tổng đốc tỉnh Đông (Hải Dương) và khi áo gấm về làng trên xe "ô tô đít vịt" vẫn kính cẩn gọi ông tôi bằng "thầy"...

Chữ "cụ nghè" hay, con cụ nghè giỏi, nhưng ông tôi "lều chõng" đi thi mãi ở trường Nam (Nam Định), cuối cùng cũng chỉ được "chân tú tài". Là bạn đồng môn của ông nội tôi, cũng là con nhà nghèo và có vẻ còn kém thông minh hơn là vì "khiêm tốn" hơn, tôi cũng chẳng biết nữa, nhưng ông ngoại tôi lại may mắn hơn đậu được "cử nhân".

Tình hình khác nhau song lại có vẻ hợp nhau và trong một lúc hứng chí nơi chén rượu cuộc cờ, khi cả hai ông tôi mới chỉ là những "thầy khóa" chưa đỗ đạt gì, các cụ đã hứa gả con cho nhau để làm thông gia, thân gia. Thế là, tuy quê nội quê ngoại tôi cách nhau cả ngày đường trên lưu vực Châu Giang, mới 15 tuổi đầu mẹ tôi đã về "làm bạn" với cha tôi... Người kém cha tôi một tuổi.

Lẹt đẹt mãi mới trở nên ông tú, ông cử, tuổi đã cao, nhà nghèo, lại đông con (các cụ tôi ngày xưa thường "lý luận": nhất thụ bất thành lâm - một cây làm chẳng nên rừng - vì vậy cứ đẻ nhiều) cả ông nội lẫn ông ngoại tôi đều không dám nghĩ đến việc tiếp tục học hành, thi cử nữa. Thời "Nam triều bảo hộ" (bây giờ ta gọi là thời thuộc địa, thực dân) ở đầu thế kỷ XX này, thì ông tú ông cử Hán học, không biết "chữ Tây", lép vế, muốn ra làm quan kiếm ăn, chỉ có cách là đi dạy học. Thế là cả ông nội ông ngoại tôi đều xin bố một chân "huấn giáo" - nghĩa là giáo chức trông coi việc dạy chữ Nho ở một huyện - và đều phải sống xa quê, đâu mãi tận Kiến An, Quảng Yên miền ven biển...

Ông ngoại tôi có vẻ là người yêu nước hơn ông nội tôi, song cũng tiêu cực thôi. Có hơi hướm gì đó của phong trào Đông Du - Đông kinh nghĩa thục, có đọc thơ văn Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh... Ông tôi xin về nghỉ hưu non, mượn cớ la có bệnh run gân (mà ông tôi cũng run thật, đi đứng cứ rung chân rung tay luôn). Từ đấy cụ chả thiết làm gì nữa cả, chỉ chăm chút hòn non bộ, ít cây hoa cảnh, cũng không mấy khi ra việc làng, cũng ít đi lại thăm nom ai. Sống cô đơn. Hàng ngày chơi cờ một mình (thuở bé tôi cho việc này là kỳ lạ nhất!). Ngâm thơ một mình. Ăn cơm một mình ở "nhà trên" (trừ khi nào mẹ tôi đưa tôi về quê ngoại thì thằng "cháu cưng" này được ăn cơm với ông), mọi việc nhà phó thác cho bà ngoại tôi và các dì tôi. Bà ngoại tôi thì đúng là "bà đồ Khoan" cảnh nhà Nho thanh bạch của sách giáo khoa thời thơ ấu. Bà lưng còng sớm vì suốt ngày ngồi "đánh suốt" cho dì. Bà tôi dệt vải, hái chè bán lấy tiền đong thóc ăn. Và sống nhờ vào vườn chè, hái bán chè tươi ở các phiên chợ. Hôm ấy, nhà thế nào cũng có đĩa thịt rang hay đĩa đậu nướng trên mâm gỗ ở "nhà ngang". Còn ông tôi ở "nhà trên" thì cố nhiên ngày nào bà tôi cũng phải sắm cho ông "món nhắm" đựng trên chiếc mâm đồng... Thời đầu Nhật thuộc, ông ngoại tôi lặng lẽ qua đời...

Ông nội tôi vẫn tự phụ là "hay chữ" hơn ông ngoại tôi, "có chí" hơn và (nói vụng hương hồn cụ), có vẻ "hiếu danh" hơn, nên cố xoay xở học chữ quốc ngữ và chút ít chữ Tây (đại loại: "café" là cà phê v.v...) để được học trong trường "hậu bổ", chuyển từ ngạch giáo chức sang ngạch "quan cai trị". Song vì tuổi cao, kém chữ Pháp, nên Tây cũng chỉ "cho" một chức quan nhỏ ở hàng huyện, "bang tá", "tri châu", rồi "trợ tá" (phó tri huyện) và cũng đến về hưu. Tính ông nội tôi vốn năng động hơn ông ngoại, nên về hưu cụ cũng chẳng chịu ngồi yên. Cụ đọc sách, dịch sách, chơi cờ, đi cất nóc đình, nóc nhà cho hàng tổng, hàng huyện. Cụ lấy giống "nhãn tiến", "nhàn lồng" ở tận Hưng Yên và nhiều cây ăn quả quý lạ các nơi về trồng trong vườn, dọc đường làng và trồng luôn trên cả đường hàng tổng, tít mãi trên núi Đọi, quanh ngôi chùa cổ, khiến sư cụ cứ xuýt xoa ca ngợi mãi. Chú họ tôi bảo ông tôi làm giống như trong cuốn Thanh Đạm của Nguyễn Công Hoa (phần lớn các chị tôi là học trò thầy Hoan). Nghỉ hè, chúng tôi thường về quê "nghỉ mát", nó dỡn trên sóng nước Châu Giang, và "chén tiệt" nhãn lồng và mọi thứ hoa quả trong vườn cụ. Cụ chiều các cháu thôi (vì cụ chỉ có mỗi ông con trai, là bố tôi). Nhưng cụ bắt sáng sáng, trước khi đi bơi, phải học vài trang chữ Nho, viết mấy trang thơ văn cổ, tập các câu đối v.v... Tôi mới 5, 6 tuổi đã võ vẽ ít chữ Nho, là nhờ vậy...

III. THẾ HỆ BỐ - MẸ

Bố tôi sinh đúng năm "Mậu Tuất chính biến", năm Tây làm cầu Đô Mỹ (Doumer, tức cầu Long Biên bây giờ), tức kém Bác Hồ 7, 8 tuổi, kém ông Phan Kế Toại bố cậu bạn thân nhất của tôi dăm tuổi. Cả ba người, cũng xuất thân nhà Nho nghèo mà đi theo ba hướng khác nhau, có ba thân phận khác nhau: Bác Hồ đi Tây, công nhân hóa và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, lãnh tụ vĩ đại của Dân tộc và của Đảng; ông Phan Kế Toại nhờ tập ấm mà có học bổng, cũng đi Tây du học, trở thành quan đại thần của "Nam triều và chính phủ Bảo hộ"; Bố tôi ăn học ở nhà và làm quan chức cho Tây... Tới Cách mạng tháng Tám 1945 nhờ sự dìu dắt khôn khéo và mềm mỏng của Bác Hồ, cả ba hướng đi này - cùng bao hướng đi khác của người Việt Nam ta - mới dần dà hòa nhập vào một hướng đi chung, một đường cách mạng...

Vì là con nhà Nho, lại là con trai một, nên bố tôi cũng theo đuổi việc học chữ Nho "để giữ nghiệp nhà". Mẹ tôi con nhà Nho nghèo, về làm dâu một nhà Nho nghèo nên không biết làm ruộng. Lấy nhau xong, bà cởi đôi khuyên tai vàng đem bán, cất một gánh hàng tấm đi buôn, để có chút "dằn vốn" riêng, đỡ đần thêm cho chồng ăn học thành tài... Bố tôi thường đi "ăn theo" ở những nơi ông tôi ngồi dậy học, học chữ Nho ông tôi nhân thể và học thêm ở đây đó chữ quốc ngữ và chữ Tây. Học trò ông tôi trở thành bạn bè của bố tôi và sau này người thì đi làm quan làm công chức, người thì đi làm cộng sản... Bố tôi cũng "lều chõng" đi thi Hương ở trường Nam đúng một lần, vào được đến tam trường thì trượt... Bà tôi thất vọng lắm với ông con trai một của mình, nhưng lại đổ lỗi tại mẹ tôi làm ông "vướng bận thê noa". Từ đó ông chuyên chú hẳn vào việc học mới "theo lối Tây học". Thế hệ ông là lớp người Tây học đầu tiên, tuy có dính dấp đến chút ít Hán học ở đầu đời. Học xong tiểu học, ông lên Hà Nội thì được vào "trường Bưởi". Thời buổi bấy giờ mà chen chân được vào cái trường trung học độc nhất Hà thành này là "oách" lắm, tuy, theo một bức ảnh cũ mèm còn lại, bố tôi và các bạn đồng môn trường Bưởi vẫn còn mặc quần ta trắng áo dài đen, chưa ra vẻ "ông Tây An Nam!". Tốt nghiệp trung học xong thì cũng là lúc Tây bắt đầu mở trường Cao đẳng ở Đông Dương. Ôi, sinh viên cao đẳng thì "oai" quá đi rồi, tuy cao đẳng thời ấy thì đâu phải đã là đại học! Không biết cái tiêu chuẩn "Phi cao đẳng bất thành phu phụ" của các cô Hàng Ngang Hàng Đào có từ bao giờ, chứ ở thời bố tôi thì học trò trung học cũng đã vợ con rồi.

Ông vào học trường Cao đẳng Nông lâm: tốt nghiệp ra, Tây nó bổ lên Lạng Sơn. Ông mua một cây súng hai nòng, một chiếc mũ săn hổ bằng đồng và dắt vợ con lên xứ Lạng. Từ đó mẹ tôi cũng thôi luôn việc buôn hàng tấm, đi theo chồng làm bà "nội trợ", được người đời gọi là "bà tham", và do nhu cầu giao tiếp xã giao, bà cũng phải học dăm ba câu tiếng Tây: Bonjour, Merci, Au revoir, Adieu... (các tiếng chào thông thường).

Đầu lòng sáu ả "tố nga" rồi mà bố mẹ tôi vẫn không nản. Thì chính ở xứ Lạng này bố mẹ tôi "bơi" được cậu con trai đầu lòng tức là anh cả tôi, được quý như vàng vì là "cháu đích tôn" sẽ ăn "thừa tự" ông bà tôi, nhưng tính tình thì trái ngược hẳn ông bố, bố tôi nghiêm khắc, hách dịch bao nhiêu thì anh cả tôi hiền linh bấy nhiêu. Hai năm một lần, bố tôi được "đổi tỉnh" để ngày về miền xuôi hơn. Và cũng đều đặn như thế, cứ mỗi lần đổi tỉnh thì mẹ tôi lại hạ sinh một đứa con trai cho đến tôi là con trai út sinh ở Hải Dương. Thành ra anh em, chị em tôi mỗi người sinh ở một tỉnh. Cho đến khi con cái đã tròn một "tiểu đội", thì bố tôi cảm thấy mình đã "làm tròn trách nhiệm" phận làm con, làm chồng. Chịu ảnh hưởng triết lý xê dịch như Nguyễn Tuân, bố tôi xin vượt miền Trung - đổi hẳn vào Sài Gòn. Rồi lang bang Vĩnh Long, Gò Công, Trà Vinh và cả Nam Vang bên xứ "Căm bốt" (Campuchia). Xê dịch, ăn hút, học gồng Trà Kha và mắc đủ thứ "tật" của một công chức thời Tây, rượu chè, cà phê, thuốc lá và có hồi cả thuốc phiện nữa, rồi cô đầu, gái nhảy... Ở Sài Gòn, bố tôi chết mê chết mệt một cô đào cải lương, bỏ cửa nhà mặc mẹ tôi nuôi nấng con cái và nghe đâu còn có con riêng với cô đào ấy nữa... Thế là mẹ tôi vốn hiền như đất, mẹ bèn nổi "cơn tam bành", sống "ly thân" đến mấy năm... Bố tôi là người nóng tính, động một chút là quát tháo và dùng roi vọt. Nhưng ông chỉ làm thế với con cái và người giúp việc trong nhà. Chưa một lần nào trong đời ông dám đụng đến mẹ tôi. Có vẻ như ông có chút ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Còn do ảnh hưởng Nho ông có hiểu, thì đó là điều chắc chắn. Ông tôi về già, về hưu là bố tôi dứt bỏ cuộc sống chơi bời ở Sài Gòn, xin đổi ra Hà Nội để chăm lo cho con cái đi học và đi lại thăm nom ông bà tôi. Tất nhiên vẫn là tranh thủ hành lạc, hưởng cái thú chơi bời ở Hà Nội và mấy tỉnh đồng bằng sông Nhị...

Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông được phụ trách Sở Canh Nông Bắc Bộ. Toàn quốc kháng chiến, ông dời Hà Nội xuống khu Ba. Và như một "phép mầu", từ một người công chức lương Tây thượng hạng ngoại hạng, suốt ngày ăn hút chơi bời, ông đổi đời. Và trở thành một người Cộng sản. Giải thích điều kỳ lạ này, bác M, học trò ông tôi và là bạn thân nhất, đồng môn, đồng tuế, đồng nghiệp của bố tôi, tham gia Việt Minh từ trước cách mạng và quay lại "giác ngộ" bố tôi, đã có lần bảo tôi: "Cách anh bây giờ học hành nhiều, lý luận cao siêu, cứ loay hoay tìm đủ lý do trừu tượng xa xôi... chứ tôi và bố anh theo cách mạng, theo kháng chiến rồi theo Đảng hoàn toàn là NHỚ CỤ HỒ, VÌ CỤ HỒ, THEO CỤ HỒ. Đơn giản thế thôi, CỤ HỒ và NGUYỄN ÁI QUỐC, cụ đã rửa nhục mất nước cho Việt Nam mình. Và thế là chúng tôi đi theo Cụ...". Bác M. nói, tôi phải tin. Lớp người trí thức Tây học pha Hán học như bác và bố tôi, chủ yếu là được giác ngộ dân tộc mà theo Cách mạng dân tộc, dân chủ mà chuyển giai cấp bản thân khác giai cấp xuất thân, chuyển thế ứng xử lãng mạn quân tử Tàu (như ông tôi) sang lãng mạn tiểu tư sản Tây rồi sang lãng mạn cách mạng, với cái gốc rễ tiểu tư sản của mình... 
  
IV.THẾ HỆ TÔI VÀ ANH EM BÈ BẠN 
  
Tôi tuổi con Chó, sinh sau Đảng 4 năm, giữa lúc Đảng đang gặp khó khăn của thời kỳ phục hồi sau khủng bố trắng của Tây. Là con trai út, được mẹ trực tiếp ôm ấp bú mớn, tôi "bện" mẹ suốt thời thơ ấu và ngay cả ở tuổi thiếu niên (các anh các chị chỉ được mẹ tôi đẻ chứ không nuôi). Được nuông chiều, hay bắt nạt và chành chọc với các anh vì cậy có mẹ bênh. Hay khóc nhè, quà bánh gì cũng đòi hơn. Ông tôi cho là thằng bé hỏng, "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". 
  
Dứt khỏi vú mẹ, tôi bắt đầu đi học. Từ tuổi lên 5. Đứng sau chót của một tiểu đội anh chị em đều đi học, tôi "nhập cuộc" khá dễ dàng và khá sớm. Học theo và học leo với anh chị. Cả tiếng Tây, tiếng ta và chữ Hán. Trong suốt thời gian học tiểu học ở trường Pháp Việt ngày hai buổi, trừ thứ năm và chủ nhật. Bố tôi không cho phép bất cứ đứa con nào sao lãng việc học hành. Ông là người "đốc chiến", bằng quát tháo và roi vọt, bằng kiến thức cao đẳng Tây pha Hán học của mình. Bài vở nào cũng phải trình ông trước khi đến trường. Bài tập ông xem. Bài học thuộc lòng tiếng Tây phải đọc cho ông nghe trước... Bởi vậy, sức học ở trường của anh chị em tôi chỉ được phép chấp nhận từ khá trở lên. Hai năm đầu tôi học lẹt đẹt, vì còn non tuổi, lại nhớ mẹ và ham chơi. Đến lớp ba, thì tôi đã "đứng" được và bắt đầu giật giải thưởng. Và đến trước Cách mạng, tôi tốt nghiệp tiểu học hạng ưu, thiếu một tuổi. Về sau thì tôi nhớ ơn bố, nhớ ơn anh chị và đã được sống trong không khí một gia đình "có học" (và chỉ biết có học). Nhà đầy sách Tây, Tàu, ta, sách giáo khoa, anh chị em tôi truyền lại cho nhau sách truyện đủ loại, từ nghiêm chính đến tạp nham, từ tiểu thuyết diễm tình đến trinh thám kiếm hiệp. Anh "ngốn" thì em cũng "ngốn". Tôi cả gan ngốn các truyện "La Petite Chose", "David Copperfield"... Anh cả tôi học thi trung học bằng cuốn "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim, "Việt Nam Văn học Sử yếu" của Dương Quảng Hàm. Tôi "ngốn" cả hai cuốn sách đó vào trong cái bụng tiểu học của mình, đọc thuộc lòng vanh vách từng đoạn làm anh em "lè lưỡi"... Có lẽ niềm ham mê văn sử của tôi bắt đầu từ đó! 
  
Các chị tôi học xong trường Đồng Khánh thì lần lượt đi lấy chồng, chẳng ai học lên tú tài cả. Các anh tôi, người thì học trường Bưởi, người thì học trường Đỗ Hữu Vị (Nguyễn Trãi ngày nay). Tôi học trung học được một năm thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ.. Cả gia đình "tản cư" xuống khu III, về quê và tiếp tục học trong kháng chiến. Năm 1950 Tây chiếm hết khu II, và từ đó gia đình tôi mỗi người một ngả... Các anh chị tôi vào bộ đội. Tôi theo chị cả vào xứ Thanh, tiếp tục đi học và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chị tôi theo chồng lên Việt Bắc. Thế là còn trơ lại một mình tôi giữa xứ Thanh xa lạ, khi chưa tới 18 tuổi đầu! Bố mẹ tôi ở lại hoạt động trong vùng hậu khu địch khu III. Thỉnh thoảng lắm, tôi mới được gặp bố mỗi khi ông vào Thanh học những lớp trường Đảng ngắn ngày, hay họp hành gì đó. Ông nhờ cán bộ vào hoạt động nội thành Hà Nội mua cho tôi một cặp kính (tôi bị "loạn thị" bẩm sinh) và các sách toán lý bằng tiếng Tây (ngoài vùng "tự do" thiếu sách nghiêm trọng). Có lần ông đem cho tôi cái áo len mẹ đan và mảnh vải nhựa mẹ mua làm áo tơi mưa, còn tiền thì gần như không, vì ông làm cán bộ khu, chỉ được lĩnh phụ cấp mấy chục cân... Chị cả tôi ở Việt Bắc, làm y sĩ, thương cậu em út đột ngột bị đứt gãy cuộc sống gia đình vô tư lự và bị "quẳng" vào đời một thân một mình, có lần nhờ được chú cán bộ trung ương từ Việt Bắc vào Thanh công tác cho tôi một vạn đồng "tiền tài chính" (có thể ăn được vài tháng) và mấy quyển truyện Liên Xô đã dịch ra chữ Pháp "Ngôi Sao","Bão Táp", "Những người Xô Viết chúng ta"... Cả tiền và sách đều quá quý giá với xứ Thanh đương thời... 
  
Tôi phải định hướng cuộc sống tự lập xem ra còn "chín sớm" giữa vùng "tự do" khu Bốn. Thiệt là may, hồi ấy xứ Thanh còn giữ truyền thống nhà nông dân khá giả nuôi thầy giáo để dạy học thêm cho các con; hoặc một nhà, hoặc vài nhà chung nhau nuôi một thầy. Tôi cầy cục kiếm được một nơi nhận nuôi cơm và dạy vài đứa trẻ học tiểu học. Ba năm, cũng phải chuyển chỗ ngồi dạy học tới mấy lần. Vô tình, tôi lai "trở về" với "mô hình" của ông tôi ngày trước hay gần như thế, chỉ khác là ông tôi dạy và học chữ Hán, còn tôi dạy và học chữ ta. Tôi vừa dạy học nuôi thân vừa tiếp tục đi học lớp 8, lớp 9 theo chương trình "cải cách giáo dục" của ta. Lúc đầu thì còn học ban ngày, sau phải học đêm để phòng tránh máy bay địch dường như ngày nào cũng đánh phá vùng tự do khu Bốn của ta. 
  
Không hiểu sao, một đứa bé duy cảm lần đầu tiên xa nhà như tôi lại bỗng nhiên trưởng thành và định hình được cuộc sống. Cố nhiên là nhờ cách mạng. Một người bạn anh chị tôi, bí thư chi bộ trưởng trường phổ thông trong những năm ấy, vừa là thầy, vừa là anh, chăm sóc tôi, nhất là "phần hồn". Anh hướng dẫn tôi hoạt động hiệu đoàn, tham gia Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, rồi vào Đoàn Thanh niên cứu quốc.... Bạn bè xứ Thanh và bạn bè khu III tản cư vào cùng học cũng giúp đỡ an ủi tôi nhiều. Tôi bắt đầu có nhiều bạn. Và cho đến nay vẫn giữ cái thú thích giao du rộng, dù có người chê bai tôi "quảng giao" quá hóa "tạp giao"! 
  
Những năm đầu thập kỷ 50 là thời kỳ "trăng mật" của tình bạn, tình đồng chí... 
  
Chúng tôi cùng học, cùng tự học và cùng hoạt động trong trường, ngoài xã hội với một ý thức tự giác và nghị lực phi thường. Tuổi trẻ đắm say, đam mê mọi việc, học quên chết, làm quần quật, mỗi khi không có ai nhận nuôi ngồi dạy học, tôi phải đi kiếm củi, gánh gạo thuê, kỷ lục gánh 50, 60 kg từ rừng về nhà, xa 15 - 20 cây số. 
  
Tôi tự học theo sách Tây hết chương trình toán học đại cương và xin thi vào trường Dự bị Đại học, ngành toán lý. Ngối chưa ấm chỗ đùng một cái có giấy của bố tôi từ khu III gửi vào bảo ra cơ quan khi ở bên đường 12 gần Nho Quan làm thủ tục đi học xa, vì bố tôi có "tiêu chuẩn" được xin cho một con được đi học nước ngoài. Tôi suy nghĩ (thời đó gọi là "đấu tranh tư tưởng") rồi quyết định không đi. Dại dột làm sao, tôi lại nói với bạn bè điều đó, bảo là mình "không cần" bám vào tiêu chuẩn của bố. Việc đến tai giáo sư Trần Văn Giàu, giám đốc nhà trường. Ông gọi tôi lên bảo: "Ừ chú khá đấy! Nhưng như thế thì Đảng điều chú sang học văn khoa, vừa học vừa tham gia Thường vụ hiệu đoàn!". Ông là người rất thương, rất quý học trò (đến bây giờ ông đối với tôi vẫn rất thân thiết), nhưng khá độc đoán, nóng nảy, người dưới khó ai dám cãi lại. 
  
Vì sợ ông và cũng vì "tự ái" nữa, tôi cúi đầu không cãi nửa lời ra về, tự bảo "Thì học văn khoa cần quái gì". Ở phổ thông tôi học khá đều các môn học, thậm chí còn được coi là giỏi văn là đằng khác. "Cóc cần, học gì chả được, làm gì chả được" là ý chí luận của tuổi trẻ luận hồi đó. 
  
Và thế là tôi được học những ông thầy cực tốt, những học giả có tên tuổi: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường... Và lớp chúng tôi nói chung đều "nên người". 
  
Tôi trở thành "chính tôi" là từ dạo đó... 

(1988) 
  
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved