TẬP TỤC, TỐT VÀ XẤU
Trong nhiều năm ròng từ trước tết âm lịch qua suốt cả tháng giêng, hầu như ngày nào phóng xe qua cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng tôi cũng thấy có cái cảnh lạ lùng sau đây: hai người đèo nhau, người ngồi sau cầm một gói gì to bọc trong ny lông. Đến giữa sông thì xe đỗ, người đằng sau ném cái bọc kia xuống sông. Hỏi ra mới biết cái gói được giữ sau xe thường là bát hương, mang ném xuống sông thế cho hương hồn các cụ mát mẻ. Lại có khi thấy có người ném xuống cả mấy thanh gỗ, chắc là nhà thay ban thờ. Vứt ra sọt rác sợ động nên mang ra sông là tốt nhất.
Hẳn đã có người thoáng nghĩ rằng như thế là một cách phá hoại môi trường. Nhưng đi đường ai cũng vội nên không ai buồn dừng lại nhắc nhau một câu. Mà nghĩ bụng giá có nhắc thì sẽ được nghe người ta lý sự trở lại đâu vào đấy;
- Ơ kìa, tập tục từ các cụ xưa để lại đấy chứ! Thời này mà không hiểu thế nào là trở về nguồn à?
Ngoài chuyện chiến sự Iraq với lại dịch sốt đường hô hấp - ngày xuân, ngồi hàng nước vẫn thấy mọi người kể với nhau đi hội thế này, đi lễ thế kia. Báo Lao động ngày 19-2 -2003 đưa ra con số 3% nói đi để biết, 1% đi theo phong trào, 5% đi để thư giãn còn con số đi về niềm tin tín ngưỡng là 91%. Tôi thì tôi không tin ở những câu trả lời đó của người đi hội. Mà bằng cảm nhận riêng, tôi dự đoán ngược lại, trong thực tế chắc đến quá nửa đi là đua đả, và nhất là để trục lợi: nhờ chăm cầu cúng mà làm ăn được thông đồng bén giọt. Lại nữa có một loại người hàng ngày họ cũng thừa biết là họ sống quá tệ. Nhưng công cuộc làm ăn khi đã vào guồng quá thú vị, lại chung quanh ai cũng bươn bả xông lên như mình, máu tự ái nổi lên nên xuống ngựa không nổi. Cầu cúng trở thành một cách chạy tội. Cầu cúng để tìm thấy chút yên tâm "tiếp tục chiến đấu".
Có tin ở vùng giáp ranh Hà Nam và Hà Tây có một ngôi đền gọi là đền Thánh Cả. Bên Hà Nam thấy bên Hà Tây đông khách, nên từ 1999 liền cho xây một ngôi đền tương tự với các loại hoành phi câu đối tương tự và gọi là đền trình Thánh Cả để tranh khách. Giải quyết mãi không xong.
Du xuân năm ấy, cơ quan tôi lên Đền Hùng lúc quay về men theo đường từ Phú Thọ, đi xuống Thanh Thủy Trung Hà (sau đó sẽ qua Sơn Tây về Hà Nội). Đường đất chưa trải nhựa, xe xóc khó đi, bụi bay mù mịt. Nhìn ra ngoài, những mặt người mờ mờ sau lớp bụi. Cả cây cối nữa, hai bên đường cây nào cũng phủ một lớp bụi dày. Không còn màu xanh. Toàn những hàng cây đỏ bẻm. Tôi cảm thấy như con người có lỗi. Cây cối cũng khổ vì người. Môi trường bị làm hỏng. Thiên nhiên cũng biến dạng.
Trong số báo Người Hà Nội Tết Quý Mùi, một bạn đọc viết rằng khi sang du lịch Thái Lan, người lái xe tắc xi ở đấy kể là có hai đặc tính làm cho ông ta nhận ra khách hàng ai là người Việt Nam: một là đi xe ô tô không chịu cài dây an toàn, nhắc thì cài một lúc rồi bỏ ra và hai là vào các cửa hàng ăn bao giờ cũng gọi quá nhiều món, sau khi ăn xong bàn còn thừa mứa mới vui. Quả là họ có nắm được cái thần trong cách sống của người mình thật.
Về chuyện thích thoải mái, tôi nhớ hồi 1976-1977 sau khi giải phóng Sài Gòn đơn vị tôi đóng quân tại một ngôi nhà lớn ở trung tâm thành phố, tiện nghi đầy đủ, nhưng nhiều anh em thường không thích tắm ở trong phòng tắm mà thích ra ngoài bể nước. Vục cả cái chậu vào bể rồi dội ào ào vào người mới thấy sướng.
Còn chuyện lãng phí, thì là cả một nếp sống đáng sợ. Nhà mới xây vài năm trông chán đập đi xây lại. Vừa mở điều hòa nhiệt độ vừa mở rộng cửa cho mát. Quà bánh biếu xén lu bù. Giấy tờ vớ vẩn cũng dùng những thứ thật trắng thật xịn...
Bản tin buổi sáng của VTV1 sáng 3-3-2003 đưa tin cả nước trong dịp Tết Quý Mùi và tháng giêng đã đốt khoảng 40.000 tấn vàng mã, tính tiền tổng cộng đến 400 tỷ đồng. Được cái là hầu như mọi nhà đều tham gia vào cuộc tiêu xài này nên không ai coi là lãng ph