Home » » MỸ và châu Á

MỸ và châu Á

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012 | 06:36


Mỹ và bài toán chiến lược hóc búa tại châu Á

Làm thế nào để bảo vệ các đồng minh ở châu Á trong khi vẫn cắt giảm quy mô quân đội theo chiến lược quân sự được công bố hồi đầu năm, đó là bài toán không dễ tìm ra lời giải của nước Mỹ vào lúc này.

Bài toán ấy càng được chú ý hơn khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta có chuyến công du 9 ngày tới khu vực châu Á - Thái Bình dương. Điểm dừng chân đầu tiên của ông Panetta là Bộ chỉ huy Thái Bình dương của Mỹ tại Honolulu, Hawaii. Sau đó, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) sẽ tới Singapore để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, trước khi lần lượt có các chuyến thăm Việt Nam và Ấn Độ.
Phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị năm nay với lực lượng hùng hậu với một bộ ba quốc phòng/quân sự nặng ký. Ngoài Panetta, các tướng lĩnh cấp cao khác của Mỹ sẽ tới Singapore là Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey và Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình dương Samuel Locklear. Bên cạnh bộ ba được mệnh danh là "Big Three", phái đoàn Mỹ còn có sự góp mặt của hai Thượng nghị sĩ John McCain và Joe Lieberman.

Quy mô quân sự bị thu hẹp

Nhưng sự hùng hậu ấy không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ dễ dàng hóa giải bài toán hóc búa tại châu lục đông dân nhất thế giới. Hành trang mà Panetta mang tới châu Á sẽ là nỗi băn khoăn về việc làm thế nào để cân bằng giữa việc vừa bảo vệ các đồng minh, lại vừa tiếp tục giảm quy mô quân đội Mỹ. Đây đồng thời cũng là mối quan tâm của các đồng minh Mỹ và nhiều quốc gia tại châu Á - Thái Bình dương.
Thách thức của Panetta sẽ là việc thuyết phục các nước ở khu vực này rằng Mỹ có một cam kết chắc chắn với các đồng minh, bất chấp tài chính và các nguồn lực khác dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ đang eo hẹp dần.
Một chiến hạm của Mỹ bắn thử tên lửa trên biển. Ảnh: AP/US Navy
Các con số cụ thể từ kế hoạch đóng tàu trong 30 năm tới của hải quân Mỹ được công bố hồi tháng ba cho thấy những sự cắt giảm hơn nữa trong tương lai. Con số tàu mới trung bình hàng năm của hạm đội hải quân Mỹ giảm xuống dưới 300 chiếc, một ngưỡng từng được coi là vô cùng quan trọng đối với một cường quốc hàng hải. Trong năm tài khóa 2014 và 2015, con số này giảm xuống còn 280 tàu. Tham vọng tăng tầm ảnh hưởng ở châu Á của Mỹ phụ thuộc nhiều vào các chiến hạm, vốn luôn hoạt động khắp Thái Bình dương và các khu vực hàng hải mở rộng của châu Á.
Không ai nghi ngờ việc các tàu của Mỹ vẫn lớn hơn, được trang bị vũ khí tốt hơn và có kỹ thuật tiên tiến hơn những chiến hạm của nhiều nước khác. Hạm đội của Mỹ còn vượt trội hàng tá hạm đội của hải quân nhiều nước khác trên thế giới gộp lại, chí ít là về tổng trọng tải. Tuy nhiên, các chiến hạm của Mỹ không thể có mặt cùng lúc ở mọi nơi.
Trong khi Mỹ đang phải giảm dần quy mô quân đội sau những cuộc chiến dài ở Iraq và Afghanistan, quân lực của Trung Quốc lại phát triển nhanh chóng. Nước này đang bận rộn với việc cho ra mắt nhiều tàu hải quân mới với hình dáng và kích thước khác nhau. Tuần trước, giới quan sát quân sự trên mạng đã đăng những bức ảnh về một chiếc tàu hộ tống thuộc lớp hoàn toàn mới được ra mắt ở Thượng Hải.
Nhưng không chỉ có việc giảm quy mô hạm đội đã được lên kế hoạch, những cắt giảm quân sự vào tháng 1/2013 có thể cũng sớm lấy đi từ ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ 50 tỷ USD mỗi năm trong cả thập kỷ tới. Trừ phi Quốc hội Mỹ tìm ra một vài phương cách mới để tạo nên nguồn tiền cho quân sự, khoản cắt giảm kể trên sẽ bồi thêm cú đấm mạnh vào ngân sách quốc phòng, vốn đã bị giảm 487 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới được quyết định từ năm ngoái.
Mỹ có thể vẫn dốc hầu bao chi tiêu quân sự hơn 550 tỷ USD trong năm 2013, thậm chí không tính các chi tiêu bổ sung. Con số này gấp 5 lần số liệu chi tiêu quân sự chính thức của Trung Quốc. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng Bắc Kinh đưa ra con số nhỏ hơn nhiều - chỉ một nửa - so với thực tế. Yêu cầu chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong năm 2013 đã giảm gần 32 tỷ USD so với năm 2012, trong khi tỷ lệ tăng phần trăm ở mức 2 con số của Trung Quốc lại ổn định vì không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Vỗ về các đồng minh

Chuyến đi của ông Panetta được cho là sẽ mang tới những chi tiết và giải thích cụ thể với các đối tác khu vực về các kế hoạch quân sự của Mỹ trong tương lai. Đây là sự tiếp nối cho quan điểm chiến lược mới là Mỹ công bố hồi đầu năm, trong đó cho hay chiến lược quân sự Mỹ trong tương lai đặt trọng tâm vào khu vực châu Á - Thái Bình dương. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ trọng tâm này sẽ được hiện thực hóa như thế nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta tới châu Á với bài toán hóc búa. Ảnh: AFP
Một quan chức Lầu Năm Góc hôm 30/5 phát biểu tại một cuộc họp báo rằng chuyến đi của ông Panetta có ý nghĩa "mang tới một đánh giá toàn diện cho các đối tác và bất cứ nước nào tại khu vực, để họ nắm được việc cân bằng lại trọng tâm ở châu Á - Thái Bình dương sẽ diễn ra như thế nào trong thực tiễn".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La 2012 từ ngày 1 tới 3/6 tại Singapore. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng của các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình dương. Hội nghị năm nay sẽ tập trung vào việc thảo luận các vấn đề chính như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, sự tăng trưởng của các quân đội trong khu vực hay sự chuyển dịch chiến lược sang châu Á của Mỹ.
Các diễn đàn khu vực như Đối thoại Shangri-La là dịp tốt để các nước thể hiện quan điểm. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với nhiều vùng nước tại vùng biển này. Phát biểu của bà Clinton được Bắc Kinh coi là sự ủng hộ đối với một số quốc gia trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với Trung Quốc.
Tại Đối thoại Shangri-La 2011, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đáp lại những chỉ trích về vai trò của Mỹ đối với khu vực này bằng phát biểu rằng, cam kết của Mỹ có tính chất lâu dài và nhất quán, thậm chí ngay cả trong những thời điểm chuyển giao và đổi thay.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cũng góp mặt tại Đối thoại Shangri-La 2011. Trước những lo ngại về sự phát triển của quân đội Trung Quốc, ông Lương cho hay cốt lõi của lộ trình phát triển hòa bình mà Bắc Kinh theo đuổi là một môi trường quốc tế hòa bình. Trong đó, Trung Quốc có thể tự phát triển và cùng các nước khác giúp đỡ lẫn nhau để duy trì và thúc đẩy hòa bình thế giới.
Giới quan sát sẽ chờ xem liệu Bộ trưởng Panetta có dành thời gian tại Singapore để trao đổi riêng với đại diện phía Trung Quốc hay không. Cựu giám đốc CIA sẽ còn có chuyến thăm Trung Quốc vào nửa cuối năm nay, sau khi đón tiếp người đồng cấp họ Lương tại Mỹ hồi đầu tháng 5.
Tại Singapore lần này, ông Panetta sẽ phải tìm cách vỗ về các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và đặc biệt là Philippines, nước đang có căng thẳng ngoại giao vì tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham với Trung Quốc. Trong lần đầu tiên tham gia Đối thoại Shangri-La với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, Panetta đã gặp ngay một bài toán hóc búa, bởi việc cân bằng giữa việc bảo vệ các đồng minh với việc tiếp tục cắt giảm quy mô quân đội, trong khi vẫn phải đảm bảo không gây phương hại mối quan hệ Mỹ - Trung là không hề đơn giản.
Chuyển dịch trọng tâm sang châu Á - Thái Bình dương là chiến lược quân sự mới mà Mỹ xác định cho tương lai. Giờ là lúc người ta chờ xem Mỹ sẽ giải các bài toán cụ thể mà chiến lược này đặt ra như thế nào.
Nhật Nam (Theo IB Times)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved