Thùy Linh
Mấy tháng gần đây chân dung Thủ tướng của chúng ta ngày càng trở nên “yếu đuối” trong mắt thiên hạ. Ông “nhu hoà” đến mức không thể điều khiển được đám bầy tôi quá ư lộn xộn và ngang ngược chăng? Không biết điều đó khiến ông trở nên đáng thương hay đáng trách? Không khéo có người còn thấy ông dễ thương từ khi ông tuyên bố “3 năm nay tôi không kỷ luật một ai”. Thử kể từ khi tiếng súng Đoàn Văn Vươn vang trên bầu trời đầy mây giông, chớp loé mà không có nổi tiếng sấm động.
Câu chuyện Tiên Lãng ai cũng biết sau khi có tiếng súng hoa cải của anh em nông phu họ Đoàn. Còn trước đó đơn thư thưa kiện từ huyện lên tỉnh không ai lắng nghe và giải quyết. Dư luận không đủ thông tin để được đánh động. Luật pháp không đứng về dân đen, kẻ thất thế, không quyền lực. Trong khi chính quyền được bảo trợ rất nhiều bởi các nghị định, kể cả luật pháp. Các quyết định ở cấp nào cũng có thể sáng tác và thực thi, từ TW, tỉnh, huỵên, thậm chí là xã dựa trên cái gọi là pháp luật, cụ thể là sở hữu toàn dân về đất đai. Và người ta coi đó là làm đúng pháp luật. Thuyết phục, giải trình không được, kịên cáo cũng không xong, thân cô thế cô đành dùng súng để đáp trả. Âu cũng là lẽ thường tình. Khi vụ việc rúng động cả nước thì Thủ tướng mới xuất đầu lộ diện để phân xử. Việc này đáng lẽ phải xử ở toà thì nay cả chính quyền, toà án các cấp phải chờ chỉ thị của Thủ tướng. Rồi thủ tướng kết luận vụ cưỡng chế là sai, cần giảm nhẹ tội cho anh em họ Đoàn…Và: “Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ Tiên Lãng”…Dứt điểm cái gì khi một việc đơn giản nhất là ai phá nhà anh Vươn sau nhiều tháng điều tra vẫn chưa chỉ ra được? Giám định ngôi nhà bị phá vẫn chưa công bố? Mọi việc vẫn ầm ì trong bóng tối.
Chưa xong vụ Tiên Lãng thì xảy ra vụ Văn Giang còn đang làm đau nhức tâm can mọi người. Không những huyện mà cả tỉnh, bộ Công an vào cuộc giúp đỡ cuộc cưỡng chế. Bỗng thành hai bên chiến tuyến không cân sức: một bên là chính quyền từ huyện, tỉnh đến TW được nhân danh pháp luật bảo trợ cùng vũ khí, bên kia là những người dân nghèo chỉ có đất đá, gậy gộc, chai xăng cộng thêm những…câu chửi tuyệt vọng. Cưỡng chế thành cuộc đàn áp đầy màu sắc bạo lực và tất nhiên nhân dân thua. Tỉnh báo cáo thành tích cưỡng chế diễn ra tốt đẹp đúng pháp luật. Những nhà báo bất đắc dĩ quay lén được cảnh công an, dân phòng đánh dân đưa tràn lan trên mạng, thế là thành chuyện. Vì tại cuộc họp báo trước khi có vụ cưỡng chế, báo chí đã bị khuyến cáo là không nên đến nơi đó. Và: “Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Hưng Yên tường trình về vụ Văn Giang”. Tường trình của Văn Giang chắc chắn vẫn bắt đầu từ câu: “Việc cưỡng chế làm đúng theo pháp luật” và “dự án Ecopark đã được Thủ tướng phê duyệt” mà họ lấy làm khiên đỡ lâu nay để đối phó với dư luận…Không lẽ để xử lý, Thủ tướng phải bắt đầu từ việc nhìn lại bản thân mình?
Còn đang nóng trên các mặt báo là vụ Dương Chí Dũng (cục trưởng cục Hàng hải) bị khởi tố và bỏ trốn. Chánh văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định bổ nhiệm ông Dũng là đúng qui trình. Ai cũng hiểu ông Đam đại diện cho Thủ tướng để phát ngôn. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định không sai, thậm chí còn cứu nguy cho Vinalines khỏi sụp đổ vì mâu thuẫn kéo dài giữa mấy ông đứng đầu tập đoàn. Thậm chí Bộ trưởng GTVT còn nói rằng: ông Dương Chí Dũng hàng năm đều được nhận xét đánh giá là cán bộ “rất tốt”, từng được bầu vào thường vụ Đảng ủy doanh nghiệp TƯ, đại biểu đi dự ĐH Đảng toàn quốc và “đây là đánh giá chính thống nhất của tổ chức về năng lực, đạo đức cán bộ”. Một cán bộ chủ chốt không thể hoá giải những mâu thuẫn cá nhân ở một tập đoàn kinh doanh lớn, làm ăn thua lỗ đang bị thanh tra mà vẫn bổ nhiệm vào chức vụ cao ở một bộ để đưa ra những quyết sách có tính chiến lược cho một ngành, mà ông Bộ trưởng vẫn nói là đúng thì hiểu cách dùng người của chính quyền là thế nào? Hơn nữa, Chủ tịch tập đoàn một thành viên (Dương Chí Dũng) là do Thủ tướng kí quyết định đề bạt dựa vào đề nghị của Bộ Nội vụ và Bộ GTVT, vậy mà khi Bộ GTVT điều cán bộ đó sang chức vụ khác (theo ông Thăng là chức vụ đó nhỏ hơn Chủ tịch tập đoàn) mà không hề thông qua Thủ tướng hay sao để đến giờ “Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng”???
Nói đến hiện tượng Dương Chí Dũng thì theo ông Thăng: “Cuối năm 2010, tại đại hội Đảng khối doanh nghiệp Trung ương, ông Dũng vẫn được bầu vào Ban chấp hành Đảng uỷ và được Ban chấp hành bầu vào thường vụ Đảng uỷ khối đồng thời còn được bầu là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là đánh giá chính thống nhất của tổ chức về năng lực, đạo đức cán bộ”, cho đến lúc vỡ chuyện xấu xa bỗng làm mình nhớ sự kiện Bạc Hy Lai bên Trung Quốc tuy qui mô nhỏ hơn. Nhưng bản chất không thay đổi: cái xấu xa được che đậy kỹ càng trên ghế cao quyền lực cho tới khi mặt nạ bị bóc trần mới chịu thừa nhận…Việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng mấy hôm nay báo chí đã vào cuộc khiến Văn phòng chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Nội vụ đã giãi bày khá chi tiết trước bàn dân thiên hạ. Không biết các chức sắc sẽ giãi bày thêm cái gì với Thủ tướng? Liệu còn gì chưa thể bạch hoá với dư luận ở phía sau việc bổ nhiệm này mà chỉ có thể báo cáo riêng với Thủ tướng? Và quan trọng hơn Thủ tướng sẽ giải quyết sự vụ này theo hướng nào khi chính ông là người ký quyết định đưa Dương Chí Dũng ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, nơi bắt đầu con đường phạm tội của ông ta?
Những vụ việc tiêu cực đều được Thủ tướng yêu cầu báo cáo như rơi vào “hố đen”. Sự phản hồi từ Thủ tướng sau các báo cáo thì cũng nằm trọn trong “hố đen” đó.
Sự kêu gào, đề nghị khẩn thiết, kịên cáo tuyệt vọng của người dân trước sự bất công khủng khiếp mà họ phải gánh chịu, cụ thể là những vụ khiếu kiện kéo dài nhiều tháng năm, thậm chí cả tự tử và lột truồng trước mắt thiên hạ trong tuyệt vọng điên cuồng cũng không làm chính quyền động lòng và cũng bị “hố đen” vô hình nuốt chửng.
Cái tốt đẹp lạc lõng bơ vơ gắng gượng quay quanh “hố đen” để không bị nó cuốn vào cõi mịt mùng tối tăm, và chả đủ sức cứu giúp những thân phận người bé nhỏ bị “hố đen” lấn lướt nhấn chìm vào lòng sâu của nó.
Không có gì thoát khỏi “hố đen” đó chăng?
Không có gì giữ được vẹn nguyên nếu có ngày thoát được “hố đen” đó chăng?