Home » » Truyền thuyết sông Đa-Krông

Truyền thuyết sông Đa-Krông

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012 | 23:48


Truyền thuyết sông Đa-Krông
15:03 | 25/08/2010
LƯƠNG ANCũng như nhiều vùng khác trên đất nước Việt Nam, ở Bình Trị Thiên chúng ta, các danh lam hoặc các ngọn núi cao, các dòng sông lớn thường có một truyền thuyết dân gian dính với nguồn gốc của nó. Sông Thạch Hãn, con sông lớn nhất vùng Quảng Trị cũ, cũng vậy.
Truyền thuyết sông Đa-Krông
Nhà thơ Lương An - Ảnh: antgct.cand.com.vn
Sông bắt nguồn ở vùng động A Pong, Cô Ka-va ở phía đông Trường Sơn, gần biên giới Việt- Lào. Trên đường về đồng bằng, sông len lỏi, uốn mình giữa các sườn núi cao, nhận thêm nước nhiều khe suối đổ đến và khi tới dưới chân đèo Khe Sanh, gặp sông Rào Quán thì mở rộng dòng, thành một con sông khá lớn. Theo các bản đồ, từ đây trở xuống sông mới chính thức mang tên Thạch Hãn, còn từ đây trở lên, đồng bào miền núi Vân Kiều cũng như Tà Ôi, Pa Hy gọi là Đakrông (1). Nói cho đúng, toàn bộ dòng sông, đối với đồng bào Kinh, là sông Thạch Hãn, cũng như đối với đồng bào Thượng, là Đa Krong, không có sự phân chia thành hai đoạn với hai tên khác nhau.

Ai đã ngược dòng Thạch Hãn (Đa krông) cũng đều nhận ra rằng thượng lưu sông có rất nhiều đá, đá giữa dòng, đá hai bên bờ, đá dưới đáy. Có lẽ vì vậy mà dọc bờ sông, nhiều tên đất tên làng mang chữ đá, như Đá Nổi, Trinh Thạch (Đá Vững), Thạch Xá (Nhà đá), Đá Đứng, Đá Hàn, Lập Thạch… Nước sông Thạch Hãn chảy qua đá nên rất trong. Nhà thơ Nguyễn Khuyến cho là “trong thấu đáy” (triệt để thanh) (2). Chính là vì dòng sông có lắm đá và nước trong vắt như vậy, nên trong khi đồng bào Kinh có câu ca dao lấy độ trong của Thạch Hãn làm một chuẩn mực cho sự rèn luyện tâm hồn và phẩm chất của mình.

Không thơm cũng thể hương đàn
Không trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra


Thì giữa lòng đồng bào Tà Ôi ở miền núi, hai điểm đó cũng trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo để hình thành, trên cơ sở cuộc sống của dân tộc, truyền thuyết bất hủ về nguồn gốc Đa Krông.

I

Truyền thuyết như sau:

“Ngày xưa, trong một bản dưới chân núi, có hai vợ chồng sinh hạ được mười người con trai, tính tình không giống nhau. Sau khi cha mẹ chết, sáu người con đầu, vốn tính tham lam và lười lao động, đã chiếm đoạt hết rẫy nương và bắt bốn người em phải đi sản xuất để nuôi chúng ăn chơi, đi săn bắn.

Cùng thời gian đó trên một chóp núi cao, có một cặp vợ chồng Diều hâu (3) sinh hạ được mười người con gái. Cũng như sáu người anh đầu ở dưới bản, sáu cô chị đầu của gia đình này ỷ mình lớn chỉ ham vui chơi và bắt bốn cô em phải làm tất cả mọi công việc nặng nhọc thay cho mình.

Thấm thoát, mười người con trai ở dưới bản đều đến tuổi lấy vợ. Họ kéo nhau lên núi, xin hỏi mười cô gái. Nghe tin đó sáu cô chị vội vàng trang điểm cho đẹp, hy vọng các chàng trai sẽ chú ý đến mình hơn. Bốn cô em bận làm lụng lại ghét thói lười biếng và thích làm đẹp của các chị, nên không trang điểm gì cả. Các cô nói với nhau: “Cây trầm thanh giữa rừng, thơm từ trong lõi thơm ra, đâu phải thơm từ cái lá cái hoa của nó”. Khi các chàng trai kéo đến, họ còn lấy than bếp và lọ nồi bôi lên mặt cho xấu đi.
Đứng trước các cô chị ăn mặc đẹp đẽ, sáu người anh rất vừa ý và quyết định theo thứ tự tuổi tác hai bên, mỗi người lấy một cô. Người con trai út lấy Đa Krông cô gái út.

Sau khi về bản, theo tập quán, mười cặp vợ chồng vẫn ở chung trong ngôi nhà Đung-ta-ra-đát (4) mỗi cặp một gian. Gian đầu là của vợ chồng người anh cả, gian cuối là của vợ chồng Đa Krông. Cách sống cũng như cũ: Vợ chồng bốn người em phải đi phát nương, đốt rẫy, trỉa lúa, suốc lúa, trồng khoai sắn, trong lúc sáu vợ chồng người anh chỉ ăn chơi, săn bắn. Bốn cô em sau khi đi lao động về, xuống suối tắm, than bếp và lọ nồi trôi đi, mặt mày trông xinh đẹp hẳn ra, sáu người anh thấy bốn cô em dâu đẹp hơn vợ mình, đâm ra ý muốn tìm cách cướp lấy làm vợ. Không chịu được nỗi khổ hàng ngày và sợ phải ly tán, ba vợ chồng người em bỏ đung-ta-ra-đát, trốn đi một nơi xa. Riêng vợ chồng Đa Krông không muốn xa nương rẫy và làng bản quê hương vẫn ở lại.

Lúc này, vợ chồng Diều hâu ở trên núi, nghe tin lũ con gái sống không yên ổn, vội bay xuống bản, đậu trên nóc nhà, gọi con trở về. Diều hâu mẹ quá thương con bay vào cửa. Người anh cả đang tức giận, liền huơ dao chém đứt đầu. Diều hâu bố không dám bay vào nữa, dùng tiếng chim bảo các con gái, theo thứ tự chị em, cầm lấy tay nhau, theo bố bay lên. Đa Krông không muốn xa chồng, bảo anh buộc sợi dây rừng vào chân mình. Khi các cô gái bay lên, Đa Krông bị sợi dây níu lại. Thế là hai vợ chồng vẫn được ăn ở với nhau.

Nhưng với việc sáu cô chị trở về núi, một tình tình rất khó khăn đã xảy ra với hai vợ chồng nàng: sáu người anh bị mất vợ, ai cũng định chiếm riêng nàng. Người anh cả, tính vốn hung bạo hơn cả giết luôn cả năm người em tình địch. Tiếp đó, hắn cách ly vợ chồng Đa Krông. Nhưng Đa Krông không chịu lấy hắn. Hắn tức giận bắt giam nàng vào buồng. Cong chồng Đa Krông, hắn bắt đi xa mười trái núi chặt gỗ và hẹn có đưa được gỗ về bản, hắn mới cho gặp mặt vợ. Hắn làm thế vì tin chắc rằng anh ta không thể có cách gì kéo được các cây gỗ lớn về nổi.

Chồng Đa Krông vượt qua mười trái núi cao. Ở đây chỉ có gỗ lớn. Chặt xong thấy không kéo nổi và vì vậy không được gặp vợ, anh đau xót, ngồi khóc một mình. Cảm thương cảnh ngộ và tấm lòng của anh, giàng Păng-tơ-rô (5) bèn cho trâu đến giúp anh kéo gỗ về bản.

Thấy anh đưa được gỗ về, tên ác chiếm lấy trâu và gỗ. Nhưng hắn rất lo sợ vì anh đã làm được điều mà hắn nghĩ là không thể làm được, và như vậy sẽ gặp được Đa Krông. Hắn suy tính: anh ta đem gỗ về được là vì hắn chỉ sai đi mười trái núi, gỗ chưa lớn lắm nên trâu kéo được, bây giờ phải bắt đi xa trăm núi, chặt gỗ đưa về. Không chống lại được hắn, anh cầm rựa ra đi. Anh đi đúng một trăm trái núi thì đến ngọn Pa-Rơ-Nhôm(6). Gỗ ở đây lớn quá, mỗi thân cây phải mấy người ôm mới xuể. Anh chặt xong và thấy trâu không kéo nổi được, vì vậy không gặp được vợ nữa, lòng càng đau xót, anh lại ngồi khóc một mình giữa rừng. Cảm thương cảnh ngộ và tấm lòng của anh, giàng Păng-tơ-rô lại cho voi đến giúp anh kéo cây gỗ lớn về bản.

Tên ác ôn thấy anh về lại chiếm cả gỗ và voi. Hắn biết mình đang thua cuộc bèn suy nghĩ cách làm cho anh không gặp được Đa Krông. Đã mấy ngày đêm, hắn vẫn chưa nghĩ ra kế. Trong lúc đó quá nhớ thương nàng, một đêm trăng, anh ra ngồi trước nhà đung-ta-ra-đát, dùng kèn a-rên thổi một khúc pô-xu(7) nhắn gửi lòng mình đến cho nàng. Đa Krông bị nhốt trong buồng kín nghe tiếng chồng, vội vàng hát lên một khúc pô-xu khác để nhắn cho anh hay mối tình son sắt mà nàng còn giữ mãi. Nàng hát rằng:

Nếu anh không đến thì em sợ
Nếu đêm nay ở đầu nhà đung-ta-ra-đát có tiếng kèn a-rên của anh gọi thì em chờ
Mẹ không buộc váy em vào cột
Mẹ còn cho thêm đôi vòng cổ
Vì biết anh là a-loong pa roi
 (8)

Nghe khúc hát pô-xu của hai vợ chồng Đa Krông, tên ác biết họ còn yêu nhau tha thiết. Điều đó làm cho hắn tức điên lên. Hắn đem Đa Krông lên một ngọn núi ở phía tây bản và giấu nàng trong một hang đá sâu. Trở về bản, hắn nói với anh là Đa Krông đã bỏ đi về núi cao ở phía đông bản, muốn gặp thì đi về hướng đó.

Chồng của Đa Krông tưởng hắn nói thật liền đi về hướng đông. Anh vừa đi vừa thổi kèn a-rên để cho nàng nghe mà hát lên cho anh tìm đến. Tiếng kèn não nùng vọng qua nghìn ngọn núi, đến tận tai nàng. Biết chồng đang đi tìm mình, Đa Krông lấy một ống mung, tách ra hai sợi cột và nâng lên thành hai sợi dây đàn. Đó là chiếc đàn ta-lư đầu tiên. Đa Krông cầm đàn, gảy lên từng điệu bổng trầm não nuột. Tiếng đàn ngân xa nghìn núi, đến bên tai chàng trai. Chàng lần theo tiếng đàn ta-lư, đi về hướng tây, vừa đi vừa thổi kèn a-rên. Đa Krông nghe tiếng kèn, phá cửa hang đi về phía đông, tiếng đàn vẫn ngân vang trên tay. Hai vợ chồng gặp nhau dưới chân một ngọn núi cao vút.

Khi biết tiếng kèn a-rên và tiếng đàn ta-lư đang xích lại gần nhau, tên ác đoán biết sự việc không hay sắp xảy ra. Hắn nhằm hướng ngọn núi cao chạy đến. Nhưng chậm mất rồi. Hai vợ chông Đa Krông đã gặp nhau. Thấy bóng hắn hai vợ chồng dắt tay nhau chạy trốn. Hắn liền đuổi theo. Chỉ một đoạn hắn đã đến gần. Tình thế thật nguy cấp. Hai người vừa chạy vừa thầm mong có một dòng nước sâu nào chảy đến và giữ chân hắn lại. Như một sự thần kỳ, điều mong ước đó bỗng thành sự thật: sau bước chân của hai vợ chồng Đa Krông một dòng nước lớn xuất hiện. Dòng nước ngăn tên ác không đến gần họ được. Hai vợ chồng chạy đến đâu, dòng nước trải dài đến đấy. Tên ác giận quá, vác từng hòn đá lớn ném xuống chân núi để ngăn dòng nước lại. Nhưng nước cứ vượt lên đá thành thác mà chảy theo bước chân của hai vợ chồng Đa Krông. Hắn vừa chạy vừa đuổi ném không biết bao nhiêu đá, cho đến lúc hắn mệt nhoài, kiệt sức và ngã xuống.

Tên ác tắt thở. Hai vợ chồng Đa Krông dừng chân lại. Họ đưa nhau trở về bản, nơi có ngôi nhà cha mẹ đã từng sống, nơi có nương rẫy do bàn tay mình làm đẹp hơn, nơi có trâu, có voi, có gỗ do mình đưa về. Họ sống với nhau trong một niềm hạnh phúc chứa chan, không có bọn giàu có và tàn bạo áp bức phá hoại. Họ yêu nhau bằng một mối tình trong trắng, không dứt, như dòng nước sau khi họ đã dừng lại, vẫn tiếp tục chảy theo chân núi, trong veo, không ngừng, mãi mãi bảo vệ cuộc sống của họ được yên lành.

Dòng nước - dòng sông chảy qua các bản làng Tà Ôi và muôn đời giữ đẹp cuộc sống và tình yêu của con người ấy. Từ đó nhân dân đã lấy tên hai vợ chồng để gọi là Đa Krông, sông Đa Krông.”

 
Sông Đa-Krông - Ảnh: Internet

II

Truyền thuyết Đa Krông ghi lại trên đây, hiện nay nhiều vùng đồng bào còn thuộc, nhất là đồng bào các làng A Rong, A Đăng, Pác Leng, Rù Rụt, A Ngo…những bản Tà Ôi nằm dọc thượng nguồn của sông, ở vùng nam huyện Hướng Hóa. Ở đây không những người già thuộc mà nhiều người tuổi trung niên cũng còn nhớ. Nhưng có lẽ truyền thuyết chỉ giới hạn vào một dòng sông, một vùng đất, không có tính chất phổ biến chung cho cả nhóm dân tộc, như truyền thuyết về nguồn gốc nòi giống chẳng hạn, cho nên ở các làng Tà Ôi khác dọc sông Xê Pôn hoặc ở huyện A Lưới, hình như ít người biết hơn.

Đa Krông là dòng sông lớn nhất ở phía đông Trường Sơn, miền núi Quảng Trị cũ. Bao nhiêu khe suối vùng này đều chảy về Đa Krông. Vì vậy cuộc sống của đồng bào, từ nước ăn nước uống, nơi tắm giặt, từ con cá, con cua, đến chiếc bè chiếc độc mộc đi lại, tất cả đều dính chặt với con nước. Từ đó, trong lòng mỗi con người, Đa Krông trở thành một nguồn nuôi dưỡng, một sức mạnh bảo vệ hạnh phúc, một niềm yêu thương, một niềm ước vọng đẹp đẽ. Hiện thực của cuộc sống trong xã hội cũ, hình thái lắm đá lắm thác của sông và độ trong của nước, kết hợp với tấm lòng đồng bào đối với Đa Krông, là những nhân tố chủ yếu để câu chuyện truyền thuyết hình thành.

Chúng ta đều biết rằng các chuyện cổ tích và truyền thuyết - ở dân tộc nào cũng vậy - đều thường xuất phát từ ý muốn giải thích các hiện tượng thiên nhiên của nhân dân thời xưa, lúc trình độ nhận thức khoa học còn rất thấp. Trong sự giải thích đó, ngươi ta không có cách nào khác hơn là sử dụng trí tưởng tượng, hư cấu nên những sự việc diệu kỳ để giải quyết những trường hợp gay cấn, bế tắc theo hướng khẳng định sự tất thắng của chính nghĩa. Truyền thuyết Đa Krông cũng là một cách giải thích như thế. Nhưng ở đây, khác với nhiều chuyện cổ tích hoặc truyền thuyết khác trong vùng, yếu tố hiện thực và lãng mạn nổi lên rất rõ. Có thể lấy truyền thuyết về cù lao Cồn Cỏ và núi Cồn Tiên ở huyện Bến Hải để so sánh chẳng hạn. Qua truyền thuyết này, người ta chỉ biết rằng sở dĩ có hai cái cồn đó là do ngày xưa, khi tạo lập trời đất, ông khổng lồ gánh hai trái núi đến đây, trở vai một cái, dây đứt, hai trái núi rơi xuống, một rơi xuống biển, một rơi gần rừng. Vẫn câu truyện dừng lại ở đó. Như vậy là cùng một cách giải thích thiên nhiên, nhưng một bên chỉ dựa vào hình thái địa lý, không có sự can thiệp của con người, còn một bên tuy cũng dựa vào hình thái địa lý, song lại lấy con người và xã hội làm điểm xuất phát.

Như chúng ta đã thấy, bao nhiêu tình tiết của câu chuyện đều chỉ nhằm làm rõ cuộc sống cần cù, hồn hậu và vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu chân chính chung thủy của vợ chồng Đa Krông. Việc lấy cái tên chung của họ, hay nói một cách khác, cái tên riêng của đạo đức, đặt cho dòng sông, có ý nghĩa một sự hòa đồng con người lao động với con nước hiền hòa, trong vắt, chỉ đem lại hạnh phúc cho đời sống. Con người và thiên nhiên như vậy chỉ là một, không có khoảng cách. Thần linh cũng chỉ hỗ trợ, bảo vệ cho chính nghĩa, không phải là một thế lực ôm chụp lên con người.

Do cấu tạo trên cơ sở một tương quan bình đẳng giữa con người và thiên nhiên, một tương ứng tình thương giữa đạo đức và thần linh như vậy, cho nên truyền thuyết chứa đựng một nội dung nhân đạo và hiện thực rất sâu sắc. Qua câu chuyện, chúng ta nhận ra rất rõ một bức tranh sinh động về cuộc sống thuở xưa của đồng bào miền núi và một khát vọng nồng cháy của con người về đạo đức cá nhân và công lý xã hội. Bức tranh là máu thịt, khát vọng, là linh hồn, hai mặt quyện vào nhau hòa vào nhau làm một, khiến câu chuyện chan chứa tình người, tưởng như hư mà thực, xa mà gần, nên có sức lôi cuốn mạnh…


Với một nội dung phong phú, tràn đầy chủ nghĩa nhân đạo, đề cao đạo đức và công lý, chống lại tàn ác và bất công của xã hội, khẳng định thắng lợi tất yếu của chính nghĩa, truyền thuyết sông Đa Krông rõ ràng là một tác phẩm văn học dân gian có giá trị hiện thực và tư tưởng. Bằng một phương pháp cấu tạo phù hợp, truyền thuyết lúc thì đưa lên được những hình ảnh cụ thể của một xã hội đang phân hóa, lúc thì dựng lên được những nhân vật vừa dính với huyền thoại nhưng lại vừa như có thật trong cuộc sống xa xưa qua những hình tượng nghệ thuật có sức khái quát, có sức hấp dẫn, mang đậm màu sắc núi rừng.

Đạt đến một giá trị tư tưởng và một giá trị thẩm mỹ như vậy, truyền thuyết sông Đa Krông đã nổi bật lên như một hạt cườm lóng lánh trong chuỗi cườm truyện cổ của miền núi Bình Trị Thiên chúng ta. Không chỉ là một bức tranh sinh động về cuộc sống, một khát vọng nồng cháy về đạo đức và công lý, nó còn là một bài thơ, một tiếng hát về con người và về đất nước quê hương. Câu chuyện, tuy xa hút trong lịch sử và chỉ giới hạn vào một không gian nhất định, nhưng chất tình người và tấm lòng sông núi toát lên từ mỗi sự việc đã khiến cho nó trở thành rất gần gũi với chúng ta cũng như với nhiều vùng khác.

Có thể nói rằng, với truyền thuyết này, sông Đa Krông - hay là sông Thạch Hãn trong chúng ta tự nhiên như có một tiếng nói yêu thương sâu lắng, một phẩm cách một tâm hồn. Mà đâu có riêng gì Thạch Hãn, mọi dòng sông quê ta cũng thế.

L.A.
(4/12-83)

-------------------
(1) Đa Krông: Đọc là: Đá Kroong - Đá: dòng nước, dòng sông. Đa Krông: sông Krông. Người Tà Ôi gọi là Đá, người Vân Kiều gọi là Dứ. Một số dòng sông khác cũng gọi là đá như thế: Đá Doan lơ, đá I Mươi,…Cũng có người cho Đá Krong nghĩa là dòng nước sông.
(2) Bài thơ: “Thạch Hãn giang”: Bất trợ niên tiền triệt để thanh (chẳng còn trong thấu đáy như năm trước).
(3) Có lẽ muốn nói người thuộc huyết thống khác. Trong trường ca Xinh Nhã của Tây Nguyên cũng có nói đến một tù trưởng Diều hâu (mơ tao gnữ).
(4) Ngôi nhà dài, chia ra từng gian, mỗi gian một người trong gia đình ở. Khi gia đình có thêm một người lại làm thêm một gian.
(5) Thần sao- một vị thần có quyền lực rất cao của đồng bào Tà Ôi.
(6) Theo đồng bào thì núi này bây giờ gọi là núi Pu Nhoi, ở xã Ta Muồi.
(7) Trai gái hát để tỏ lòng yêu nhau (sim).
(8.) Loại cây to, gỗ rất chắc. Ý nói là người có sức khỏe, có thể che chở khi gặp khó khăn
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved